Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Thầy thuốc và thời cuộc, đất nước

Nguyễn Hoàng Văn

Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam (27/2) thử bàn đến những thăng trầm của nghề này theo thời cuộc cũng như những kỳ vọng mà “thế cuộc” đặt vào nó.

Trong Một khoảnh Việt Nam Cộng Hòa nối dài, sử gia Tạ Chí Đại Trường – từng là một sĩ quan hành chánh quân y của binh chủng Thủy quân lục chiến – giải thích việc các bác sĩ quân y thiếu cứng cỏi, không giỏi thích ứng và chịu đựng trong các trại cải tạo. (Chương III: Những ngày đầu tiên của các chàng Từ Thức nguỵ).

Vì trước đó họ thuộc về một thành phần tinh hoa của xã hội, chưa hề được chuẩn bị để đối phó với nghịch cảnh. Trong lời tác giả thì giới y dược trong xã hội Việt Nam Cộng Hòa là một tầng lớp “kênh kiệu”, kênh kiệu đến độ “tự đặt mình lên trên cấp bực quân đội gắn cho, cấp bực gắn liền với chuyên môn mà cũng do chính công quỹ nuôi dưỡng, đào tạo nên”.

Tác giả cho biết từng chứng kiến, khi một bác sĩ quân y đeo lon đại úy bực mình với người lính – bệnh nhân không “thưa bác sĩ” mà “thưa đại úy”: "Anh gọi tôi là đại uý hả, về bảo đại uý anh chữa bệnh cho!"

Đại úy thời đó đã là một cấp bậc oai phong rồi, nhưng ông bác sĩ này chê, cho thấy ông ta hách dịch đến cỡ nào.

Nhưng hiện tại thì có vẻ như thế giá của nghề này đã có phần xuống cấp. Tôi quen biết một số bác sĩ đang hành nghề hay từng hành nghề tại Việt Nam, đa số ai cũng hậm hực vì việc bị “mất giá” do những đồng nghiệp gọi là “chuyên tu”.

Trong hồi ký Ước mơ & Hoài niệm (NXB Đà Nẵng 2004, trang 249) bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có ý phê phán cách đào tạo dẫn đến nghịch lý “thừa bác sĩ dốt và thiếu y tá giỏi”.

Tác giả là một bác sĩ nhi khoa tốt nghiệp tại Pháp, sống và hoạt động tại Pháp nhưng bị trục xuất về miền Bắc Việt Nam vào đầu thập niên 1960, được bố trí làm tuyên truyền đối ngoại cho đảng. Theo ông Viện thì điều hay nhất là nên đào tạo sâu về chuyên môn cho những y tá có năng lực nhưng, thay vào đó, chính sách của nhà nước là “đôn” giới này thành bác sĩ qua các khóa học chuyên tu.

Hậu quả là một mớ dở dở ương ương, làm bác sĩ thì tồi, mà làm y tá thì cũng chẳng giỏi gì!

Riêng tại Quảng Nam - Đà Nẵng, quê tôi, thì còn nực cười hơn. Thế giá của nghề bác sĩ còn bị hạ thấp đến mức cùng cực với một thứ hạng bác sĩ kỳ dị gọi là “cử tuyển”, loại bác sĩ không nơi nào trên thế giới có được.

Đó là con cái liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, được chính quyền tỉnh đền ơn đáp nghĩa bằng cách cho đi học y khoa theo hợp đồng riêng với Đại học Y khoa Huế đâu từ khoảng giữa thập niên 1980. Bất kể học lực thế nào, miễn là con liệt sĩ, hay có tiền để chạy làm con liệt sĩ giả, là thành sinh viên y khoa. Dĩ nhiên là trong số này thì cũng có dăm ba người khá nhưng nói chung đều toàn là dở nhưng rồi thì họ cũng học xong, cũng tốt nghiệp và nhờ lý lịch tốt nên đều trở thành sếp sòng tại các bệnh viện địa phương. Những năm trước, mấy lần về quê gặp lại người quen thì ai cũng nói đến việc bỏ quê vào Sài Gòn lập nghiệp và ngoài lý do sinh kế còn là lý do… tỵ nạn y tế: họ nêu tên này tên kia, bảo là “dốt nhất thế giới” mà nay cũng là bác sĩ trưởng khoa, cũng là giám đốc bệnh viện, vào tay bọn này thì không bệnh cũng thành bệnh.

Tú Xương mà còn sống, không biết sẽ làm thơ về mấy ngài bác sĩ này như thế nào!

Nhưng đừng tưởng rằng chỉ nước CHXHCN Việt Nam mới có thứ bác sĩ “chuyên tu” hay “cử tuyển” mà nước Pháp cũng từng có loại này. Tuy nhiên đó là chuyện của hơn hai thế kỷ trước, của cuộc Cách Mạng Pháp 1789-1790, mà hậu quả chết chóc từ tay họ đã dẫn đến cuộc cách mạng hiện đại hóa ngành y khoa.

Theo Michel Foucault trong cuốn The Birth of the Clinic: An Archaeology of Medical Perception (từ trang 37) thì đầu tiên chính quyền Cách mạng Pháp muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, như là cuộc so găng giữa quyền lực thế tục và thần quyền.

Theo các nhà cách mạng thì nếu Giáo hội có thể kiến tạo nên một hệ thống tu sĩ chuyên chăm sóc linh hồn con người thì họ có thể làm điều tương tự với hệ thống thầy thuốc chuyên chăm sóc thể chất con người.

Các nhà cách mạng còn tin rằng có thể giải quyết vấn đề y tế bằng chính sách xã hội - chính trị. Theo đó thì bệnh tật chẳng qua là hệ quả của tình trạng bất bình đẳng: Dân nghèo bệnh tật vì thiếu thốn, suy dinh dưỡng, nhà cửa chật chội; giới quý tộc bệnh vì tiêu thụ thái quá. Nếu cách mạng thiết lập sự công bằng thì vấn đề sẽ được giải quyết, chẳng còn bệnh tật gì cả!

Thế là họ bộp chộp thành lập, bộp chộp huấn luyện đội ngũ thầy thuốc mà đa số xuất thân từ các nhân viên cứu thương trong quân đội hay “gia đình cách mạng”. Nhưng nhân viên cứu thương thì có thói quen quan sát dấu hiệu bệnh tật ở phía ngoài bộ da trong khi bệnh tật bên trong thì thể hiện muôn vàn triệu chứng trùng lặp và chồng chéo. Sự thể dẫn đến tình trạng chẩn bệnh sai lầm khiến bệnh nhân chết như rạ.

Tình trạng kéo dài mãi cho đến lời thức tỉnh trong bài giảng lịch sử năm 1802 của nhà giải phẫu học Marie François Xavier Bichat tại Đại học Paris, rằng cái chết mới là “sự phát biểu của sự thật về bệnh tật và đời sống”, rằng các sinh viên phải mổ cái tử thi ra, rằng họ phải “xua tan cái bóng tối mà sự quan sát không thôi không thể nào xua đi được” .

Trên lĩnh vực y khoa thuần túy thì đây chính là dấu mốc khởi đầu cho tiến trình hiện đại hóa y học. Nhưng trên phương diện sử học thì chính cuộc Cách mạng dân quyền Pháp – sử đảng thì gọi đó là “cách mạng tư sản” – mới chính là dấu mốc chính của cuộc cách mạng hiện đại hóa y khoa bởi đã làm thay đổi hẳn quan niệm của con người về bệnh tật và cách đối phó với bệnh tật.

Còn bây giờ, trên đất nước chúng ta?

Có lẽ chúng ta cần có một sự thay đổi nào đó trong quan niệm của mình về bệnh tật – cả trong thể chất lẫn tinh thần – để có một cách đối phó thích hợp.

Nếu bệnh ở thể chất chỉ đơn thuần là bệnh tật thì bệnh trong tinh thần, ở một góc độ nào đó, là sự ngu dốt, sự vô cảm, sự thờ ơ với xã hội.

Nói cách khác là chúng ta cần có những thay đổi mang tính cách mạng trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục!

Không chỉ là “cần” mà là rất cần!