Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Bác Nguyễn

Nam Dao

LTS: “Những bài trong Bút ký 1 này viết ra là để trả nợ. Những Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung. Những Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng. Rồi Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Dương Nghiễm Mậu… Và ở hải ngoại, Nguyển Xuân Hoàng, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác...

Từ tình cờ, nhân duyên trên những nẻo đường luân lạc, tôi được gặp họ, những nhà thơ nhà văn, và từ họ tôi cảm được chẳng chỉ sự truân chuyên của nghiệp viết mà còn nhận ra cái trách nhiệm của những con chữ có nghĩa, và nhất là những con chữ mang khả năng chuyên chở tương lai.

[...]

Hồn họ ở đâu bây giờ? Xin trả lời: ở trong nếp văn hoá mà họ đã động não xây dựng, với chân, thiện, mỹ, và bằng mồ hôi nước mắt của những cuộc đời sóng to gió cả”.

Là những lời nhà văn Nam Dao gởi gắm trong tập Bút ký 1 này. Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu cùng các bạn – Văn Việt

NDAO.T2.2023.SG

Chân dung nhà văn Nam Dao, trong cuộc gặp gỡ với Văn Việt, tháng 2.2023 tại Sài Gòn

Bác Nguyễn

Bút ký Nam Dao

(Trích từ Những Con Người - Bút Ký 1- Thi Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, 2017)

 

1

Chợp mắt, đã đâu đó đúng 18 năm, thưa bác. Đấy là kể từ cái ngày bác nhắm mắt, và thôi chẳng mở ra một lần để tiếp tục nhìn gió. Và cát. Và những hạt bụi một thời. Những hạt bụi bay vào làm cộm mắt, nước chảy, cứ như khóc, tay đưa lên quệt cho nó chảy vào trong theo kiểu nói của Văn Cao. Nuốt nước mắt, a cái ngôn ngữ tuyệt vời ông cha để lại. Nhưng Giời ơi, ai lại khéo dư nước mắt, thưa bác! Ấy thế mà khi nghe cái tin bác lẳng lặng ra đi, kẻ tiểu tử này, theo cung cách xưa, cũng đã ngậm ngùi rơi lệ. Vào một cái quán rượu trên Avenue du Parc ở Montreal, hắn ngồi một mình, uống liên miên, rồi động lòng khóc hu hu trong một cái góc khuất. Cho đến nay, hắn vẫn còn tự hỏi, hắn khóc cho một người tài hoa vừa vượt cái biên hữu hạn, di tản khỏi cuộc thế chẳng mấy vui, hay hắn khóc vì thương thân mình? Hắn nghĩ đến Một trăm cách cười rất Nguyễn Tuân, kê giấy viết thành một trăm cách khóc. Thưa bác, tiểu tử này đã tìm ra đủ số trăm để phúng viếng. Khóc rưng  rức, tỉ tê, tức tưởi, khóc trong lòng, khóc ủ ê, ti tỉ, rấm rứt, i ỉ, ấm ức, khóc gào, khóc toáng, khóc thét... Nhưng thảm nhất, là khóc như cười. Thanh âm ằng ặc, như bị chẹn họng khiến khóc thành cười, không mấy ai phân biệt được trừ người khóc.

2

Thuở thiếu thời, tôi đã biết bác Nguyễn không chỉ qua Vang Bóng Một Thời, Tóc Chị Hoài, hay Chùa Đàn, mà còn những dịp cha hoặc mẹ nuôi tôi chuyện trò nhắc lại dăm ba kỷ niệm có cái tên nghe rất xa xôi là kỷ niệm ngoài Bắc của đám Bắc Kỳ di cư 54. Cha nuôi tôi, vốn là bạn thân bác Nguyễn kể “... bác ấy dẫn mẹ mày đi bắt tao ở chỗ hút thuốc phiện, nhưng đứng trốn đằng xa. Khi tao biết, tao chỉ tay bảo, lần sau thì ông giết mày, bác ấy chỉ cười hề hề!”. Còn mẹ nuôi tôi, là chị dâu của bà giáo Thảo, tức Bồ phu nhân, và chính là chị Hoài có mái tóc đi vào văn học sử qua cái ngòi bút chao ôi đến là tài tình của bác Nguyễn. Phu nhân khiến tôi không hiểu sao cứ mường tượng ra Dương Quí Phi, cao lớn nhưng thướt tha, răng đen chứ không chịu cạo trắng mặc dầu rất tân thời, và có cái cười má lúm đồng tiền nghiêng thành đổ nước. Dĩ nhiên, ai mà biết được mặt giai nhân trong huyền thoại, rồi thành có đổ nước có nghiêng thì cũng vì các vị tu mi chẳng qua là loại anh hùng bất quá mỹ nhân quan. Ôi, tôi dễ thông cảm, và vô cùng thông cảm các vị. Tôi không anh hùng mà cũng thế!

Về Sài Gòn sau 14 năm xa cách, tôi sao vẫn thấy có điều gì hình như là thê lương mặc dầu nắng vẫn thế, nóng rừng rực, ập xuống từ trời cao và xanh. Ngay cả với những người ruột thịt, một khoảng cách vô hình nào đó ngăn không cho vượt qua. Đứa con đi hoang trở về như đứa a tòng với những kẻ chiến thắng, buộc một thành phố vào cái cảnh bị chiếm đóng, tà áo dài đủ mầu đủ sắc thướt tha vờn gió mới ngày nào đâm phạm tội Mỹ-Ngụy và nay được thay bằng đồ bộ, áo ngắn trắng quần bà ba đen, đồng phục một thời hộ khẩu thành nếp mới với sổ gạo, sổ đường... và những buổi họp lúc tối trời với ủy ban nhân dân phường để nghe phổ biến chính sách xây dựng xã hội XHCN. Bây giờ, làm thế nào đây để lấp cái khoảng cách kia? Nghe và hùa theo những than vãn? Vô ích, đã không thay đổi được gì mà e chừng có ngày còn vạ miệng! Vả lại, đó là những ngày đầu một cuộc đổi đời, chiến tranh đã chấm dứt, chính mình đây cũng đang mơ một bình minh tươi đẹp, đặt bước trở lại quê hương là mong góp tay vào xây dựng lại, không thể nâng tầm những sự ma sát giao thời lên mức sống còn. Nhưng phải chinh phục lại tình ruột thịt máu mủ thôi. Hãy bắt đầu bằng biến mọi sự thể giao thời thành chuyện tiếu lâm. Và tôi đã chọc cười, mua vui, làm cho ai nấy thấy nhẹ đi. Và mong là hiểu dẫu tôi không nói nên lời, tôi đâu có được là tên VC đeo trên cành đu đủ nhe răng ra cắn cấu cuộc đời.

Những người thân bị cái cười chặn lại, không nói được cái chuyện độc nhất ám ảnh là ra đi. Ông anh con chú con bác với tôi có lẽ được nhắn nhủ, yêu cầu cho nói chuyện riêng, chuyện đứng đắn. Anh rủ tôi lên sân thượng. Nhìn qua phía bên kia là nhà ga xe lửa trước khi bị phá đi để xây công viên hiện nay, anh thình lình ôm lấy tôi khóc rú lên, nghẹn ngào “...chú ơi, chú làm sao thì làm, mang gia đình đi đi, báo hiếu ông bà...”. À, chuyện đứng đắn là thế. Tôi đẩy nhẹ anh ra, nhìn vào cái mặt mếu máo nhưng trên không có giọt nước mắt nào. Muốn cười, nhưng tôi không cười được, chỉ ngại ngùng nói nhỏ, nhưng nói thật, “...thưa anh, em có quyền hành gì đâu!”. Nhưng thật kỳ lạ, một người duy nhất hiểu được tấm lòng tôi là một người đàn bà. Bà ít, hay có thể chưa bao giờ, cắp sách đến trường. Nhưng bà có một trí nhớ tuyệt vời, thơ văn thuộc làu làu, chẳng phải thơ cổ thời cụ Chu Mạnh Trinh vốn là hàng ông phía bên ngoại của bà, mà cả thơ tiền chiến, nào Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Đoàn Phú Tứ... Bà là mẹ nuôi tôi, tính khí rất “đàn ông”, góp chuyện ngang hàng với đám tao nhân mặc khách của cha nuôi tôi,  nên học kiểu truyền khẩu rất nhiều, và vanh vách kể những thứ giai thoại làng văn chỉ  người trong “cuộc” mới biết. Trong khi cha nuôi tôi cứ nắm tay tôi cấu, cái cấu vừa có niềm bực dọc nhưng lại đầy xót thương, và dặn tôi phải cẩn thận thì bà lẳng lặng quan sát, và một hôm, thình lình bà nói lớn, “tao hiểu mày rồi!”. Hiểu thế nào, tôi đang ngơ ngẩn, thì bà phá lên cười, cái cười có chất đồng bóng, tiếp “... con ạ! Mày là cái thằng Kiều Phong ấy mà”. Ơ, Kiều Phong, hắn là ai? Tôi hỏi, bà đáp, thì cái thằng rợ trong Lục Mạch Thần Kiếm ấy mà! Phải nói khi ấy kiến thức “chưởng” tôi chẳng có gì, và vài năm sau tôi mới biết Kiều Phong họ Tiêu, con Tiêu Viễn Sơn, người cao lớn, râu rậm, võ giỏi nhưng nhân hậu, chết vì đứng làm con đệm hòa giải giữa võ lâm Trung Thổ và các hiệp khách gốc Khất Đan. Tôi nhỏ con, vốn là nhát, không có (hay nói cho sang, ít) râu, chưa muốn chết nên chỉ xin hai chữ nhân hậu, nhưng thế mới khó, nhận chỉ sợ  mình lại hợm mình.

Ở Sài Gòn được vài ngày, Kiều Phong đi Hà Nội dự Hội Nghị Toán Học Toàn Quốc năm 1977, và trước khi lên đường thì cha mẹ nuôi đã sửa soạn một gói quà nhỏ, dặn con đến thăm hai bác hộ chúng tao. Cha nuôi tôi viết vài chữ cho Nguyễn Tuân, thì cũng lại những nhung nhớ, những kỷ niệm... Phần tôi, có cái gì như một vinh hạnh. Chưởng tôi chưa đọc, nhưng văn bác Nguyễn vừa ngông nghênh, vừa tài tử, lại vừa nhuốm mùi khinh bạc thì Kiều Phong đã thưởng ngoạn rồi.

3

Hà Nội vào độ nồm, oi ả khó mà tưởng tượng được. Trời hầm hập chĩu hơi, nặng như sà xuống, đe dọa. Mùa bão, nhác nhìn những con chim, con người không có cái tinh nhạy của loài lông vũ ngước mắt lo lắng đợi giông gió. Rồi bão ập về. Cây đổ. Ngói bay. Tất cả tớn tác. Đấy, lần đầu tôi về Hà Nội là vậy. Và cũng là lần đầu tôi tiếp xúc với một xã hội phe XHCN, với nhiều háo hức, và cũng không ít âu lo.

Một buổi tối, sau công việc, tôi nhờ một người anh họ đèo xe đưa tôi đến nhà Nguyễn Tuân  trên phố Trần Hưng Đạo. Chỉ vài ngày, tôi đã không còn lạ chuyện phải cúp điện, cái nghèo, và sự tất bật với miếng ăn ở Hà Nội tem phiếu. Hà Nội ta xơ xác, vì Hà Nội ta  đánh Mỹ giỏi, tựa một bài phiếm ký của bác Nguyễn trong những ngày chiến tranh ác liệt. Thế cho nên tôi lần mò trong bóng tối leo hai nhịp cầu thang lên nhà bác như một sự rất bình thường. Và hồi hộp gõ cửa. Tiếng dép nhựa quét sèn xẹt trên đá lát, rồi tiếng hỏi ai đấy, thanh âm đèo thời gian mà thanh xuân ở phía đằng sau. Tôi xưng lai lịch, nói rằng có quà miền Nam, nhìn qua cánh cửa vừa hé ra. Nguyễn Tuân đầu bạc, tóc dài chấm đến gần vai, râu lún phún, mắt hấp háy sau cặp kiếng lão, tay dang ra mời vào rồi thủng thỉnh bước.

Tay gạt gói quà sang một bên, bác Nguyễn  mở bức thư cha nuôi tôi,  đọc chăm chú như  không có khách. Rồi bác im lặng châm trà. Lát sau, bác hỏi, giọng trầm như đặc lại, ông Nguyên bà Thống khoẻ mạnh cả chứ. Tôi gật, dạ thưa bác, bố mẹ cháu vẫn thường. Đẩy hai chén nước trà về phía chúng tôi, bác nhìn ông anh họ tôi, trầm ngâm rồi thốt lên, nhà Nước nên để cho hai ông bà ấy đi ngoại quốc đoàn tụ với con cái chứ giữ ở Sài Gòn làm gì. Câu nói bất ngờ khiến tôi ngạc nhiên, chưa biết ứng xử thế nào, lúng búng:

- Thưa bác, cháu có nghe...

Chưa dứt lời, bác Nguyễn giơ tay lên chặn, buông thõng:

- Tôi với anh chẳng họ hàng hang hốc, có gì mà bác với cháu!

Tôi điếng người. Kiều Phong bị lão quái đánh một chưởng đỡ không đặng, ngực tức, hơi thở ngưng ở đan điền, máu nóng dồn lên mà không thổ ra được, huyệt Bách Hội như có kiến bò vào đốt lấy đốt để. Vận khí, tay bắt quyết Bình Tĩnh, tôi mặc ông anh họ cũng choáng người vì  sức ép của chưởng phong đang... thưa với bác, em nó là người dưới, xưng hô thế là... vân vân. Được, tiểu tử đây tuổi mới ngoại tam tuần, xưa nay đi không đổi họ, đến chẳng  giấu tên, mặt mũi dẫu có khó coi nhưng đâu có mang cái tạng yêu cho roi cho vọt mà lão quái xuất chưởng Đoạn Tình như vậy. Một lời nói ra, tứ mã nan truy, bốn con ngựa cũng chịu, theo không kịp nữa là. Tay thò ra phía sau, tôi kín đáo bấm vào huyệt Ngọc Chẫm, hít hơi theo thủ pháp Cửu Âm Chân Kinh (sau này luyện sách Kim Dung tôi mới tìm thấy tên), từng bước điều hoà kinh mạch, sửa soạn thế phản công. Nhỏ nhẹ, tôi hỏi :

- Thưa...cụ, cụ vẫn viết lách đều chứ ạ!

Lão quái gật gù, ờ thì vẫn viết! Mượn đà, tôi vuốt gió phẩy chỉ phong, giả như vô tình, hỏi, nghe đâu như nhà văn ở đây đều được  nhà Nước trả lương cho viết, phải không ạ? Lão quái gật gù, ờ có thế! Tôi xuỵt xoạt bỏ nhỏ, cái lịch sử nước ta nó kinh hoàng và thương đau loại hạng nhất thế giới, chất liệu văn chương đầy rẫy... Lão quái gật gù, giọng trưởng thượng, đúng đấy! A, thế này thì vào thế rồi. Không ngần ngừ, tôi thình lình vận 10 thành công lực, phát :

- Được nhân dân nuôi cho ăn cho viết, thế bao giờ cụ đoạt giải Nobel cho đất nước này có chút mặt mũi trên văn đàn thế giới? Không viết mà chỉ lách thì hy vọng gì?

Chuyện viếtlách, tôi học được từ cái giai thoại sau. Trong một buổi họp của Hội Nhà Văn, thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi bác Nguyễn, dạo này có viết lách gì không? Bác đáp, viết khó vì phải lách, mà lách thì lại khó, khó lắm. Bác ngước mắt nhìn tôi, vẻ như bảo, đúng là trẻ con. Thế thì tôi  phải bồi thêm Loạn Đả chưởng thôi, vận chỉ lực điểm:

- Giá mà cái Chùa Đàn của cụ không phải kèm vào mấy chục trang bắt anh chàng nghệ sĩ giác ngộ cách mạng thì chẳng biết chừng là có giải cũng nên...

Nghe câu tôi nói, bác Nguyễn hình như tái mặt, ngả người ra dựa vào lưng ghế. Lát sau, bác chậm rãi:

-  Nói dễ, nhưng muốn làm được...khó lắm!

Đáp đòn Đoạn Tình của bác, tôi, con ngựa non háu đá thỏa mãn, hít hơi rồi lịch sự kiếu về nhưng bác Nguyễn giữ lại. Lôi trong tủ chè một chai Johnny Walker đã vơi ra, bác bảo, uống một tí đã. Thế rồi bác thò tay mò cái gầm bàn khách, lấy hai cái ly chạm bạc ra, để một trước mặt tôi, một trước mặt bác, coi ông anh họ tôi như không có đấy. Bác lẳng lặng rót rượu, thầm thì:

- Nhuận bút cho Phở đấy. Ở Liên Xô họ dịch tùy bút Phở, khi  mình qua thì họ định trả bằng rúp, nhưng mình bảo, rúp không lấy mà rượu thì lấy, hà hà..

Nhìn bác, quả là chướng. Tội nghiệp cho ông anh họ, lúng túng chẳng biết cư xử thế nào, ngượng ngập nói mình kiêng không uống được rượu. Lão quái lại thản nhiên gật gù. Khinh bạc đến thế thì... tôi phải đối phó. Đẩy chén rượu đến trước mặt ông anh, tôi bảo, anh thử đi, rượu Tây đấy. Thế rồi chúng tôi im lặng. Và xin kiếu.

Xuống đến dưới nhà, chúng tôi dắt xe men ngõ ra đường. Ngõ khá sâu, có lẽ đến 2 trăm thước, đèn đóm tối om. Tôi ngước lên nhìn. Tầng ba, trên lan can, bác Nguyễn ra đứng nhìn theo cho đến khi chúng tôi đi khuất. Chính cái hình ảnh ấy làm tôi mủi lòng, và thú thật, có chút ân hận trong cách hành xử của mình. Về Sài Gòn, tôi kể lại cho cha mẹ nuôi tôi  nghe, cố biến chuyện gặp bác Nguyễn  thành một chuyện vui, nhưng khá gượng gạo. Cha nuôi tôi bảo, từ ngày xửa ngày xưa, lúc nào bác ấy cũng làm dáng lập dị. Nhưng còn con, mày ăn nói thế thì ác miệng quá, con ạ!

 

4

Cũng phải đến 4 năm sau tôi mới lại gặp lại bác Nguyễn. Trước đấy, tôi có về Hà Nội, nhưng ngại gặp bác. Một phần, tôi hơi xấu hổ vì cư xử có gì như quá mức, một phần tôi cứ sợ như trong Hương Cuội, bác là kẹo mạch nha cuộn quanh hòn cuội trắng, ngọt ngào tài hoa đấy nhưng vô ý cắn vào là có thể gãy răng như chơi. Đầu đông năm 81, tôi ở khách sạn Hoàn Kiếm. Sáng sớm một ngày Chủ Nhật, cô tiếp viên gọi lên phòng báo có người đến tìm. Ai đấy cô? A, tiếng cười khúc khích, tìm anh thì chỉ các cô, có cái cô nào ấy, tóc búi cao... Ấy ư, thật à, và tôi vuốt tóc chỉnh trang nhan sắc, vội vã đi xuống. Phòng khách chỉ có một ông cụ ngồi quay lưng về phía chút nắng hanh len qua song cửa, mái tóc búi củ hành chóa sắc bạch kim. Cô tiếp viên lại khúc khích, tay chỉ, người  đẹp đấy! Ô, hóa ra bác Nguyễn. Bác đứng dậy, tươi cười, về đây sao không đến thăm mình, hả? Lúng túng, tôi đáp, thưa... Không nhẽ lại xưng cháu? Thế là tôi  bỏ lửng, thành ba cái chấm... trống không. Tôi hỏi thăm, dạo này... Gọi bác bằng gì đây. Bác? Cụ? Thôi, cứ để bác Nguyễn  cũng thành ba cái chấm, như tôi, nghĩa là ... trống không, chứ lỡ miệng lại có thể bị thêm một chưởng, lần này Kiều Phong đã nhụt chí đấu tranh, chắc chỉ còn ngậm bồ hòn làm ngọt! 

Bác rủ, đi ăn bánh cuốn với mình. Thế là một già một trẻ khệnh khạng bước như hai kẻ nhàn du, một lát sau thì đến phố Yết Kiêu, ngay dưới nhà Văn Cao. Bác Nguyễn chào bà hàng, nheo mắt, khủng khỉnh, bà cho hai suất, như lệ thường. Không hỏi, bà hàng cười, đẩy đến trước mặt chúng tôi hai cái ly nhỏ, rút gầm bàn một cút rượu trắng, vừa rót vừa nói, thưa cụ cứ xem rượu sủi tăm thì biết, rượu chào khách đấy. Bác Nguyễn cười, râu mép bần bật thứ thanh âm khô mà ấm một lời cám ơn. Bà hàng đổ bánh, hỏi, cậu đây người ở đâu? Tôi chưa kịp đáp thì bác Nguyễn bảo, bên Tây đấy, tận Canada. Bà hàng hấp háy nhìn tôi từ đầu chí chân, ngỡ ngàng, thôi cụ đừng lỡm nhà cháu, Tây gì mà đi dép Bình Trị Thiên, lại mặc cái áo zết bộ đội thế này? Bác Nguyễn phá lên cười sằng sặc, đáp với giọng giễu cợt, thì về đây phải nhập gia tùy tục, ăn vận như thế mới Hà Nội mình chứ. Mà này, bác tiếp, thế nhưng cũng biết nước mắm ăn bánh cuốn mà không có cà cuống là không đậm đà bản sắc dân tộc, vậy xin bà mỗi chén một giọt cho nó thơm. Ở đây, tả cái ngon của bánh cuốn nhân thịt nóng hôi hổi chấm với nước mắm có bột ngọt chấm đầu cây tăm và giọt cà cuống thứ thật chứ không là cà cuống hóa học Thái Lan, tôi xin để hai ông Thạch Lam và Vũ Bằng làm hộ. Tôi chỉ nhắc, hình như lời của cụ Tản Đà, ăn muốn ngon thì người cùng ngồi ăn cũng phải thế nào mới ngon. Như thế, chắc là tôi không bao giờ quên bữa điểm tâm sáng này. Ăn xong, bác Nguyễn lại chỉ cút rượu, cười khà khà, uống cho nó sạch miệng. Khi đứng dậy, tôi xin phép bác rồi thò tay móc túi. Bác trừng mắt, cái này để tôi, tôi mời... Rồi bác thủng thỉnh, xách cái can lên, ngoái bảo bà hàng, bà ghi sổ cho, như lệ thường.

Chúng tôi lên nhà Văn Cao. Lại uống. Bác Nguyễn nói, chính Văn Cao báo bác tôi về đây tuần trước. Thật kẹt. Với người nghệ sĩ đủ ngón cầm kỳ thi họa này tôi cứ anh anh em em. Bác Nguyễn ở đấy, xưng hô thế nào cho tiện. Thế là chúng tôi tiếp tục là... trống không lơ lửng. Khi về, tôi ngại ngùng nói về chuyện xưng hô và hai chén rượu với ba người 4 năm về trước. Bác cười hóm hỉnh, gọi tôi là ông và xưng tôi, bảo, tôi là bạn với bố ông còn được nữa là làm bạn với ông!

Còn chuyện không mời ông anh họ tôi uống rượu thì bác cười ngặt nghẽo :

- Cái anh chàng đó mình gập ở Mạc Tư Khoa thời Liên Xô họ mời, làm cố vấn thứ nhất cho Sứ Quán, cứ xoa chân bóp tay nhưng lại bắt ne bắt nét mình cho đúng... thể thức ngoại giao. Ngay cái chuyện nhận rượu thay rúp như tiền bản quyền dịch Phở mà cũng khó dễ, đòi gọi đến ông Phạm Văn Đồng để xin phép...

Bác lại cười. Cái cười tinh quái, nhưng hồn nhiên, chỉ nghịch ngợm! Sau này tôi mới biết uống rượu Tây của bác không dễ. Nghe đâu cũng chỉ vì kéo một đệ tam nhân đến đòi rượu mà không được nên Nguyễn Sáng, một họa sĩ tài danh, không chơi với bác nữa.

 

5

Trở thành một thứ tiểu đồng hầu rượu bác Nguyễn có cái thú là nghe bác kể chuyện. Bác dí dỏm, biết ngưng câu chuyện ở đúng chỗ, chờ người nghe vừa đủ nóng ruột là tiếp, nhưng lưng chừng, khiêu dụ, úp mở khiến cả người kể lẫn kẻ nghe nhập cuộc - cái cuộc lên đồng ngôn ngữ bắt buộc ít nhất là có hai tác nhân để phát và thu - và nhất là sau thì cười, cười hể hả, cười đủ một trăm cách Nguyễn Tuân.

Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, chắc không? Tôi đùa cái tít bài bút ký của bác. Nguyễn Tuân khề khà: Chắc quá đi chứ lị. Cái trận gọi là Điện Biên Phủ trên không ấy, loa gọi dân sơ tán. Đi, đi đi, nó bom  thế này ở lại thì chết. Mình bảo mình, sống thế này đủ quá rồi, đi là phải bỏ những thói hư tật xấu ở lại, như một rượu, như một chè... và còn cái món thứ ba (giọng hóm) thì thôi, quen nhịn mất rồi (cười), cho nên mình ở lại. Cứ báo động là mình leo lên nóc nhà trên cao, ôm chai rượu, ngất ngưởng ngắm thành phố đang tối om bỗng sáng lòa, đạn phòng không như pháo bông xanh lè, đỏ rực, thi nhau chớp lên nhoang nhoáng, chạy đuổi nhau như trửng giỡn thành những vệt quanh co ngoằn ngoèo định mệnh. Trời Hà Nội lúc ấy đẹp, đẹp vô cùng. Tôi nghe đến đấy chặn bác lại, hỏi, thế bác không sợ gì cho thân bác, không nghĩ đến cái chết đang tràn ngập 36 phố phường, B52 chứ có phải chơi đâu, lại nghe có cả bom bi khi nổ bắn ra hàng chục ngàn mảnh. Ôi dào, mặc nó, chuyện nó nổ cứ nổ, chuyện mình ngồi ngắm nó cứ ngắm, duyên phận mà đến thì gặp nhau. Ấy thế mà khi nghe cái đài mình kè kè ở bên cạnh báo bom rơi vào Khâm Thiên thì mình nhói lòng buốt ruột, nhắm mắt lại, và mình nghe tiếng hát của cô Diệp, bà Kim hát những bài hát ả đào một thời  xa xưa. Lạ thật, mình tự hỏi, sao lại đau những cái đã không còn mà dửng dưng trước bao nhiêu điều đang bị hủy hoại đi. Mất và còn. Những điều đáng mất, những điều đáng còn? Ôi chao, sao mà phức tạp đến vậy. Lúc đó, thèm một quả bom rơi ngay vào đầu để khỏi bắt nó nghĩ thêm những điều rối như tơ vò...

Còn rượu, thưa bác, văn nhân nói chuyện rượu có ông kêu đất say cũng lăn quay ra cười. Bác Nguyễn bắt vào, nhấp môi, ề à: Ờ, tài hoa sinh ra đủ chuyện như ông trời, khi say mặt cũng đỏ gay, ấy là uống rượu ta, chứ rượu Tây uống đến say thì mặt lại tái nhợt... Để tôi kể cho mà nghe. Thế này, này. Hàng năm, cứ ngày cát-tó-zuy-ê  - có người đùa gọi là ngày cắt tóc phi-dê, tức ngày kỷ niệm Cách Mạng Pháp - là mình được Toà Đại Sứ Pháp trên phố Trần Hưng Đạo gửi cho một cái giấy mời, có lẽ vì rằng mình cũng bi bô dăm ba câu, kiểu c’est la faute de Voltaire! Cho nó “văn hóa”. Và năm nào cũng vậy, mấy anh công an chặn ngoài cổng, đưa giấy mời ra thì các anh ấy làm phận sự lắc đầu, cứ phải vẫy đến khi ông Tùy Viên văn hóa ra bắt tay thì công an Ta mới để Tây dắt mình vào... Merci, c’est bien gentil ! Trong sân tòa Đại Sứ, họ bày ê hề, nào là thịt nguội, xúc xích, ba tê, phó-mát đủ loại. Nhưng tuổi mình, ăn không được mấy nên mình cứ sà vào mấy chai vang đỏ, nhấm nháp hết loại này đến loại kia. Cụng ly và nói Vive la révolution - cách mạng muôn năm - thế là mình được lòng cả công chức Tây lẫn công an Ta, cả hai đều vơ hai chữ cách mạng vào cho mình. Năm ngoái,  sợ quá chén, đến khi ngà ngà thì mình ngưng, tự nhủ phải giữ thể thống quốc gia nên thôi cụng ly, thôi hô khẩu hiệu, và khi đi về nhà vẫn còn nói được au revoir, Monsieur l’embassadeur, à l’an prochain. Ấy thế mà  đi được dăm chục thước trên hè phố, vừa đến ngay trước cửa Sở Công An Thành Phố thì mình xây xẩm mặt mày, bèn ngồi thụp xuống bên hè đường. Thế là một anh công an ra hỏi, mình khai chóng mặt có lẽ vừa mới uống rượu Tây và vừa hô cách mạng muôn năm. Anh ta tưởng mình xỏ xiên, gọi thủ trưởng ra giải quyết, nhưng anh này lại biết mình, liền đưa mình về nhà, cũng gần đấy. Vừa mở cửa, bà nhà mình nói dỗi, say gì mà mặt lại xanh lè tái nhợt thế kia. Mình đáp, rượu đỏ của Tây ngày Cách Mạng Pháp cắt tóc phi-dê, nó thế. Còn rượu Ta trắng tệch trắng toạc, ngày Cách Mạng Ta, uống dẫu đỏ mặt nhưng lại không say được, bà ạ!

Đấy, văn chương truyền khẩu theo thủ pháp đa nghĩa, ám chỉ, và ẩn dụ đâu cứ đợi thời Đổi Mới “cởi trói” mới lộ diện trong chốn võ lâm.

 

6

Cha mẹ nuôi tôi thế là đi. Qua Pháp, rồi Cali, một cuộc đoàn tụ với những người ở xa. Và chia ly với những người ở lại. Ở cuối đời, thế là hết. Căn hộ xưa phố Tô Hiến Thành ở Hà Nội nay công an quản lý. Di cư, cái nhà hai tầng trong hẻm số 54 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi nay, vượt biên đoàn tụ thì căn nhà trên Phan Kế Bính, ai muốn ở thì ở, có tiếc chăng là bao nhiêu kỷ niệm những độ đổi đời. Gặp đứa con đi hoang, cha mẹ tôi tới tấp hỏi ai còn ai mất, và tất nhiên là có ra thăm bác Nguyễn không. Dạ có, tôi đáp. Bác vẫn khoẻ mạnh. Đưa những bức ảnh ngày tôi “lên xe hoa” ra cho cha mẹ nuôi tôi xem, tôi chỉ đây bác Tuân đây này. Cha nuôi tôi nghiêm mặt hỏi “Cưới hỏi thế có phép tắc gì không?”. Tôi thưa, dạ không, cứ làm đại! Ông lắc đầu, bật miệng, hỏng rồi. Đến khi tôi đưa ông đọc bản đề trình của tôi lên Hội Đồng Bộ Trưởng về Ổn Định và Phát Triển Kinh Tế  Việt Nam thì ông bực tức kêu, thế thì hỏng thật, hỏng hết rồi. Sau đó, ông mắng tôi “Cái cộng Sản trong đầu con là thứ do mấy thằng trí thức Tây Âu có truyền thống nhân văn tưởng tượng ra, không có thật, và khác một trời một vực với cái cộng Sản phương Đông kiểu Mao. Con viết thế này, đề nghị toàn những chuyện động chạm đến cơ sở nền chuyên chính của họ thì làm sao có đứa nào nó ngửi cho được! Hỏng hết rồi con ạ!”.

Vâng, hỏng thật. Và không hỏng cũng chẳng được. Có những sự việc tôi chưa bao giờ kể lại cho cha tôi nghe. Chẳng hạn như khi tôi đi ăn mỳ ở Chợ Cũ ở Sài Gòn. Ăn chưa hết, một bầy con nít xô vào tranh mỳ thừa  nước cạn, và tôi về khách sạn, nước mắt ròng ròng, thề rằng sẽ bao giờ cũng đứng về phía những kẻ đói ăn. Chẳng hạn như khi tôi ở Hà Nội, có một người con một vị tai to mặt lớn trong Học Viện Quân Sự đến tỉ tê, cái kho vũ khí Long Bình cướp được của Mỹ để lâu ngày nó hỏng, mà mình không dùng, nhưng biết đâu những nước Trung Đông lại chẳng cần. Anh lại thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, và có cái hộ chiếu Canada muốn đi đâu thì đi... Lắc đầu, tôi làm như không hiểu, lơ đi, ngu ngơ nói chuyện xây đựng một nền kinh tế đa thành phần và những thứ... vân vân... trên đầu lưỡi bọn “tư sản mại bản”. Chẳng hạn như khi tôi lên lớp về Kinh Tế cho cán bộ giảng viên của Đại Học trong Thành phố Hồ Chí Minh thì ngay bàn đầu có một cô học viên xinh xắn, mặt mũi son phấn điểm trang, và áo quần thì mầu sắc chứ chẳng phải đồng phục áo trắng quần bà ba đen như mọi người. Lên máy bay ra Hà Nội vào thời ấy cực khó, nhưng cô ta lại ngồi ngay ghế bên cạnh tôi. Đến sân bay Gia Lâm, cơ quan tiếp tôi không ra đón. Cô học viên thì lên xe Volga, cho thầy đi ghé, và thỏ thẻ mời thầy ngày chủ nhật nghỉ thì đến nhà em chơi! Tôi đến, biết cha cô là một vị trung uý, và được cô ta dẫn đi tham quan khi thì chùa Trấn Quốc, khi thì đền Ngọc Sơn... Chỉ có thế mà vị quản lý tôi, cấp thứ trưởng, vỗ tay reo “Nhất cậu, cơ quan bọn mình là ‘nhà trai’ đấy nhé, nào lên kế hoạch đi!”. Bỏ mẹ, tôi kêu thầm, thế này là thế nào. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên. Vả lại, đến tay cô ấy mình cũng chẳng dám cầm, nữa là... Thế là tôi đánh trống lảng. Ông  thứ trưởng cáu, nói gần như quát, “Cậu đi chơi với con gái nhà người ta nay cả Hà Nội biết, không lấy là họ mang tiếng. Cậu có biết nhà người ta là nhà nào không, cũng gốc Nam Định mình...”. Ấy chết, tôi lúng búng, “Thưa anh đi chơi đúng hai lần, chỉ chùa Trấn Quốc với đền Ngọc Sơn thôi, để còn ‘tìm hiểu’ đã chứ !”. Tìm hiểu chứ chớ “quất ngựa truy phong nhé”, ông cấp thứ trưởng này là công an, chớ đùa.

Nhưng tẩu vi vẫn là thượng sách. Làm thế nào đây? Anh bạn mới quen là nhạc sĩ Hồng Đăng tài hoa nhưng phận có hơi mất mầu vì nắng gió bàn, cứ lăng quăng túc tắc với tớ thì... ắt “nhà gái” sẽ giẫy ra, khỏi phải chạy. Thế là tôi theo bạn vào Xưởng Phim thăm những diễn viên, nào Thanh Quý, Phương Thanh, Kim Thanh... Rồi đi uống cà phê, gặp anh em Nhân Văn Giai Phẩm, chẳng còn có vẻ sợ chuyện “quan trên trông xuống người ta trông vào”, nhưng cũng xin nói ngay là chẳng có làm cái gì mất mỹ tục để có thể mang tội hủ hóa trụy lạc...

Nhưng anh hùng bất quá mỹ nhân quan, bắt đầu là đùa nhưng sau đâm hóa thật. Cái nhìn của nàng có bóng tối, và chính niềm u uẩn đó khiến tôi sau này lao vào một chuỗi những đêm mầu đen có lúc tưởng mình không còn ngày thấy ánh sáng. A, cái ải mỹ nhân! Ôi chao, vực sâu chưa rơi thì vẫn gọi mời, và gió thốc từ đáy vực tăng tốc độ hụt hẫng đến chóng mặt hôn mê.

Bạn tôi, Nguyễn Duy, từ Sài Gòn ra. Nào, tôi lấy vợ! Nhất định chẳng hỏi phép tắc ai, chuyện cá nhân mà lị! Thiệp cưới, không có giấy cạc-tông ở giữa một thủ đô xơ xác, Đăng chạy mua (xin?) những cái tấm làm phiếu sách của thư viện. Báo hỉ, phải mầu chứ không lẽ lại đen thùi lùi. Mực in mầu đỏ thì báo Nhân Dân độc quyền. Duy đi cầu cứu Nguyễn Văn Bổng ở Hội Nhà văn; Bổng viết, giới thiệu đồng chí... Tổng Biên Tập báo... về nước cưới vợ (!), xin các cơ quan hữu trách tích cực giúp đỡ.

Nhà in báo Nhân Dân in xong, người đầu tiên Duy mang bó thiệp cưới buộc bằng lạt đến mời là bác Nguyễn. Bác nheo mắt, nói với Duy, tao nghĩ thế là nó lấy phải công an đấy, bảo nó thế! Ừ thì thế, thế thì phải thế. Lê Đạt vỗ đùi, cười bỗ bã, chú mày thế là mang về cho anh em chút dưỡng khí để thở. Trịnh Công Sơn không ra được Hà Nội, hẹn về Sài Gòn làm thêm “đám” nữa cho anh em trong này. Trần Dần viết tặng 5,6 trang thơ, chữ như kiến bò, kêu nợ tình nợ bạn nợ thơ,  n~  nợ cosmic bao jờ cho xong trong cái hỉ khúc xíc thằng. Đặng Đình Hưng thì chép  thanh xuân = hạnh phúc và chép một đoạn có câu ghé bến cắn một quả vả mầu xanh chưa chín... mãi hàng chục năm sau mới xuất hiện trong Bến Lạ. Còn Hoàng Cầm, lại chạnh nhớ những mối tình với Chị, lãng đãng nhắc thuở ấy mây Em tìm núi Chị, ngửa mặt hường hoa khép gió xanh ...

Chỉ ảnh bác Nguyễn đi ăn cưới, cha nuôi tôi lẩm nhẩm một mình, trông hắn thế là vẫn khoẻ. Như sực tỉnh, ông nhìn tôi, nhắc lại, “... Thế là hỏng, hỏng thật rồi! Con chưa sự nghiệp gì, bất quá có cái nghề kiếm ăn, vừa bỏ qua một cái dịp để thi thố...”. Tôi thật không hiểu, hỏi, thì ông đáp, sự nghiệp là làm được cái gì cho người khác, đồng loại, đồng bào. Rồi ông thở dài: “...Con có tí kiến thức kinh tế, nhưng chỉ chữ với nghĩa, việc thật là đi kinh bang tế thế thì bây giờ chẳng làm được nữa, hỏng rồi!”.

Mấy ngày sau, trước khi tôi lên đường bay về Canada, cha nuôi tôi vỗ vai, bảo, hóa ra con cũng là giống nòi tình. Vậy thì sau này nhớ câu chuyện về bác Nguyễn. Ông thủng thỉnh: “Xưa bác ấy đưa tao xem cái truyện bác viết về một anh đánh giậm, ngày nào như ngày nấy, đều đặn sáng trưa nơi đồng không mông quạnh, đều đặn  đến nỗi chỉ nhìn bóng anh trên mặt nước là biết mấy giờ, như một cái kim đồng hồ mà không cần răng cưa, trục quay, giây cót. Tao đọc, chê là bất cập nhân tình, viết thế là không được! Tao bảo, con người là người, ác có thiện có, nhưng ở cực nào thì cũng không thể kéo xuống để thành ra và bất cứ một thứ dụng cụ vô tri vô cảm nào, dẫu nó tinh vi cách mấy cũng vậy. Sau, chẳng biết bác làm gì với cái truyện ấy, bác vốn ngang như cua, tính thì kênh kiệu. Nhưng con có hiểu tao nói gì không? Điều này mới quan trọng...”.

 

7

Mắc chứng ung thư ác tính, những ngày cuối cùng của cha nuôi tôi có thể ước chừng. Tôi lại bay sang Cali. Những ngày đầu hạ ở quận Cam có thoáng ngậm ngùi, mặc dầu trời rất cao, rất xanh, và nắng trải lên mạ vàng cây cỏ. Cha tôi cho tôi cuốn Kim Cang Kinh. Ông bảo, cụ Nguyễn Du khi xưa đọc nó hơn ba nghìn lần. Cười móm mém, ông tiếp, chữ không của nhà Phật tao hiểu là tự do, và cái làm mất tự do là nỗi sợ. Nhưng tại sao lại sợ nếu như ý thức được không có gì là có, cũng không có gì là không, vì đến cái ngã cũng không thì có cái gì gọi là có... Rồi ông chậm rãi, mắt hấp háy nhìn lên đỉnh cây chao trong gió sớm, đọc Sống không tham, tham gì? Chết chẳng sợ, sợ gì? Sống chết cùng một thể! Vậy tham gì sợ gì.

Hai tháng sau, cha nuôi tôi ra đi, khi tôi đã xa cách ông đúng 6 giờ chim bay với vận tốc Boeing trong những chuyến bay xuyên lục địa. Đúng năm giờ sáng, tôi được báo tin qua  điện thoại, thức dậy ngẩn ngơ ngồi dựa vào vách, một lát thì mơ màng. Ông đến đứng sau gọi. Tôi quay lại, ông cười, lại cái cười móm mém, nhưng mắt hóm hỉnh, hỏi “Mày tưởng tao chết hả con...”. Tai tôi vang lên câu kệ tử sinh đồng nhất thể, hà úy hựu hà khinh...

Năm sau, tháng 7 năm 1987, tôi được tin bác Nguyễn cũng theo bạn mình sang cõi khác. Chợ Hà Nội sạch hoa. Bao nhiêu hoa những kẻ biết ơn chữ đã mua hết để mang viếng bác, người  tài tử đã thổi vào ngôn ngữ mảnh đất này những nét hào hoa kênh kiệu Vang Bóng Một Thời trước Tổng Khởi Nghĩa chống Pháp. Đó là một  thời Ta. Cha nuôi tôi có kể, bác ấy cứ ấp ủ viết thêm Vang Bóng Một Thời Tây. Còn thời Mỹ, bác Nguyễn thở ra, thôi để cho thế hệ sau chứ mình thì già mất rồi. Ôi chao, thật tiếc, thời Tây cho đến nay vẫn chưa kịp vang bóng, nói chi đến thời Mỹ, dư âm nếu còn vang vọng thì cũng chỉ độc là tiếng nổ của đủ loại súng bom mang thử nghiệm trên những xác người. Khi bác ra người thiên cổ, Nguyễn Minh Châu kể, một hôm râu tóc run rẩy, nước mắt tràn ra trên má trên môi, bác vừa khóc vừa nói “...Mình tồn tại được cho tới nay là bởi biết sợ!”. Thương làm sao, cái nghiệp nhà văn An Nam, sống đã khổ như chó, mà lại là những con chó lấm lét cụp đuôi biết sợ trong một góc nhà!

Nhưng chết thì sao? Những vòng hoa của bao nhiêu kẻ ngưỡng vọng không phải là một niền an ủi lớn à? Tôi hỏi Bửu Chỉ, người có mặt ở Hà Nội khi bác Nguyễn mất, khi anh sang Pháp làm triển lãm hè năm 88. Không đáp, Bửu Chỉ kể, ông ấy nằm ở nhà xác chờ các thứ cơ quan như Hội Nhà văn, Hội Liên hiệp Nghệ thuật... họp để bàn giao xem nơi nào làm chủ lễ tang, kinh phí đào ở đâu ra, chi trả thế nào... Ba ngày liền phải chờ, trời thì nóng, Hà Nội mất  điện liên tục nên xác ông ấy bắt đầu trương lên, chuột nó vào gặm cái tai trái cắn nát ra, da mặt đã xám lại. Để trang điểm cho ông, người ta lấy phấn viết bảng nhà trường ghiền ra bôi lên mặt. Còn môi ông, người ta thoa son, son loen ra cằm nhếch nhác, trông chẳng khác gì hề trong những vở chèo.

À, thì chết như vậy, hỏi có não lòng, hở Trời!

 

8

Về Hà Nội, việc đầu là tôi đến thắp hương vái bác Nguyễn. Vẫn căn phòng với giá sách bám bụi như xưa. Nhưng thôi, đâu rồi cái dáng gù gù, mái tóc bạc xõa đến gần vai, và nhất là cái nhìn hóm hỉnh đèo nụ cười nửa miệng. Nay, có khác là cái bàn thờ đặt ngay lối vào phòng. Nay, chỉ còn bức ảnh bác lặng lẽ trang nghiêm đặt trước một bát nhang đầy tro rải xuống nhắc chuyện về nơi cát bụi. Bác gái bật diêm cho tôi châm hương, thì thào, ông nhà tôi đi sau ông bạn già đúng một năm, đôi lúc không còn tỉnh là hỏi tôi có tin gì từ bên Mỹ không... Còn tôi, tôi chắp tay vái, tai văng vẳng câu ...Mình tồn tại được cho tới nay bởi biết sợ”.

Như bác Nguyễn mà phải sợ thì hỏi có ai mà không sợ? Nhà văn Kim Lân kể, trong một buổi họp hành gì ở Hội Nhà văn, bác Nguyễn bực dọc kêu với đồng nghiệp rằng gì cũng sợ, nhưng ngẫm lại thì chẳng biết sợ cái gì! Bác nói, rồi uể oải chống ba toong đi ra. Nhưng lần này, lần đi cuối, chắc bác chẳng cần cái sợ theo chân. Sống chết thì cũng thế, vậy sợ gì tham gì, chắc chắn người bạn già của bác cũng đã đọc cho bác nghe rồi. Nói chuyện với anh Lân, ngày đưa bác đi Văn Điển quả bao nhiêu hoa ở Hà Nội đều là hoa tiễn bác. Và từ thời đám tang cụ Hồ, chỉ lần này dân Hà Nội mới lại tự động xuống đường đưa đám một người. Lại một người không quyền cao chức cả mà chỉ mang danh phận nhà văn. Ai dám bảo bạc là dân nào?

Danh phận nhà văn? Trí thức phương Đông xưa “trung quân”, và nay tiếp tục phò chính thống như một cái nếp tiềm thức bao che một loài vi khuẩn mang tên nô vong. Thỉnh thoảng mới có một Nguyễn Hữu Chỉnh, một Cao Bá Quát, hay một Hồ Xuân Hương, những người dám nổi loạn. Ngoài ra, phần đông họ ngâm vịnh cho sướng miệng, đánh tráo nghĩa bằng chữ, và thường mang giấc mơ tiến vi quan, dẫu cho quan thì nhất thời nhưng dân vạn đại vẫn cứ vạn đại là loài thấp cổ bé miệng. Nhưng may thay, chính những kẻ thấp cổ bé miệng đó mới đồng thanh tương ứng với những người cầm bút nói thay được ước vọng ngàn đời của họ để âm vang của những con chữ có nghĩa sẽ truyền qua vách vực thời gian...

Bác Nguyễn, thế là đâu đó đúng 18 năm bác đã thành người thiên cổ. Năm kia, phúng bác dăm câu thơ. Năm nay, chép lại một đoạn, 

...    

Viết toạc trời xanh

              chữ người tử tù

Những chữ ngoằn ngoèo

                    rạch mây nhỏ máu

Ô này,

        một thời từng vũng…

Vũng nào vang bóng chốn thiên thu ?

Gửi bác với tấm lòng kẻ hậu sinh này ngày xưa đã đi tìm một trăm cách khóc để khóc bác.

N.D