Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Bài học ngày 17-2-1979 và mục tiêu phát triển quốc gia

Lê Học Lãnh Vân

Tôi luôn phản đối chiến tranh, nhất là những cuộc chiến như cuộc chiến ngày 17/2/1979, cuộc chiến xâm lược quá dã man của Trung Cộng vào Việt Nam. Hơn trăm ngàn sinh mạng quân, dân Việt bị thảm sát man rợ gây căm phẫn tột cùng. Tuy nhiên, chục năm lại đây tôi đã đạt được sự không hận thù với những kẻ giết người tới từ bên kia biên giới. Đau thương tới xót lòng nhưng hận thù thì không, vì hận thù không là giải pháp cho một nền hòa bình phát triển lâu dài. Hơn nữa, một câu hỏi thực lòng: người Việt của tôi, trong những cuộc chiến khác, có giết người không?

Người bị giết và người cầm súng giết người trong cuộc chiến, xét cho cùng, đều là nạn nhân. Kẻ giết người thật sự tính toán lạnh lùng và ra lệnh lùa hàng ngàn, hàng vạn người vào chém giết. Chắc chắn Đặng Tiểu Bình và các người cùng quyết định rồi lập kế hoạch chiến tranh là những người gây tội ác chiến tranh! Bài viết không đề cập tội ác này vì đã quá rõ và có nhiều người nêu lên.

Câu hỏi cần thảo luận là cho dù Đặng Tiểu Bình muốn đánh Việt Nam để dằn mặt Liên Xô và thể hiện ý muốn đi với Mỹ, Việt Nam không có cách nào tránh cuộc chiến được sao? Thời cuộc những năm sau năm 1975, trong tương quan thực lực giữa các khối liên minh, giữa Việt Nam và Trung Cộng, phải chăng không có cách nào tránh chiến tranh?

Nếu Việt Nam, vừa ra khỏi cuộc chiến tàn khốc, tự thể hiện là quốc gia thật lòng muốn hòa bình, nhũn nhặn muốn làm bạn với tất cả các nước khác, Đặng có dám đánh Việt Nam không? Không phải nói về tương quan lực lượng quân sự, đánh một Việt Nam hiếu hòa và ôn hòa sẽ bị thế giới phản đối, dân chúng Mỹ phản đối, chính quyền Mỹ không thể ủng hộ Trung Cộng và mục tiêu của Đặng không thể đạt được!

Yêu cầu của dân chúng là muốn có một chính quyền để xảy ra cuộc chiến hay một chính quyền thúc đẩy quốc gia phát triển trong ôn hòa?

Cuộc chiến biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc giết nhiều người, huấn luyện con người thành dã man hơn, nói cách nào đó là tạo nghiệp khiến quốc gia, dân tộc về lâu dài chậm tiến hơn.

Cuộc thống nhất đất nước của Việt Nam năm 1975, dù đã phải trả giá quá đắt, mở ra những cơ hội lớn cho sự cất cánh phát triển về sau. Hãy nhìn lại thời cuộc lúc đó để cảm nhận điều này. Bên ngoài, nhiều quốc gia ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ kinh tế, kỹ thuật, đầu tư; bên trong, năng lượng tích tụ dồn nén từ hai mươi năm phân chia giờ được trùng phùng, đang chờ bùng phát. Tất cả được ủng hộ bởi nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh cùng xu hướng toàn cầu hóa…

Thay vì tận dụng thời cơ để hợp tác phát triển, Việt Nam để mình lọt vào vị thế bị nhiều nước xa cách. Trung Cộng có những lý do tấn công Việt Nam mà ít bị phản đối nhất! Thay vì tự thể hiện như một nhà chính trị khôn khéo, Việt Nam hành xử như một chiến binh được định hướng thiếu uyển chuyển, đi sau Đặng nhiều nước cờ… Cuộc chiến biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc lấy đi rất nhiều sinh mạng tuổi trẻ Việt Nam, nguồn nhân lực quan trọng phát triển quốc gia, góp phần đẩy mạnh sự kiện thuyền nhân. Đất nước mất hai mươi năm và rất nhiều cơ hội phát triển…

Giải pháp chiến lược hữu hiệu xuất phát từ tầm nhìn đúng đắn sẽ biến nguy cơ thành thời cơ. Điều trái lại sẽ biến thời cơ thành nguy cơ! Nhớ lại những ngày ấy, lòng không khỏi đau xót!

Giá trị cốt lõi quyết định tầm nhìn. Việt Nam có giá trị cốt lõi nào là phát triển quốc gia hay không? Bài viết muốn nói tới sự phát triển quốc gia được đặt cao hơn hết thảy mọi tranh chấp giữa các thành phần trong quốc gia, cao hơn hết thảy mọi kỳ thị vùng miền…

Phải chăng một giá trị cốt lõi như vậy, được xây dựng vững chắc, giúp Việt Nam tận dụng thời cơ phát triển, biến nguy cơ thành thời cơ phát triển, tránh lặp lại các sai lầm trong quá khứ?

Ngày 17 tháng 2 năm 2023