Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Phỏng vấn: Nhà văn Hoàng Khởi Phong – “Tôi chỉ là người kể chuyện”

Nguyễn Hồng Anh thực hiện

Nhà văn Hoàng Khởi Phong xuất thân là một nhà văn quân đội, những bài thơ đầu tiên được viết khi ông làm việc trong quân lực Việt Nam Cộng hoà (VNCH). Cho đến trước thời điểm 1975, ông có 13 năm sống đời lính và trong đó có 6 năm phục vụ trong các trại tù binh, nên có dịp quan sát người lính của cả hai phía. Năm 1975, ông tị nạn sang Mỹ. Sau một thời gian ổn định kinh tế cho bản thân và đại gia đình ở Việt Nam, ông quay trở lại hoạt động văn học, từng làm chủ bút tờ “Văn học” – một trong những tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ trong cộng đồng văn học Việt Nam ở hải ngoại – và viết văn. Một số truyện ngắn và đặc biệt là hồi ký “Ngày N+” của ông gây tiếng vang vì kể lại những tình tiết chân thật, sống động của bối cảnh miền Nam những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, từ góc độ người trong cuộc. Năm 1995 ông trở về Việt Nam lần đầu tiên. Hiện ông sống tại Sài Gòn.

clip_image002

(Từ trái qua) Hoàng Khởi Phong, Phạm Duy, Ngô Vương Toại, Nguyễn Xuân Hoàng.

Ảnh: Mượn Dấu Thời Gian

N.H.A: Trước 1975, thi đàn có một nhà thơ Hoàng Khởi Phong, với hai tập “Mặt trời lên” (1967) và “Phục hồi quyền chức làm người” (1971); sau 1975, nhà thơ đã nhường chỗ cho nhà văn Hoàng Khởi Phong, khởi đầu với Hồi ký “Ngày N+” và các tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Vì sao lại có sự lựa chọn ban đầu và thay đổi về sau như vậy?

H.K.P: Thực sự ra, muốn làm một nhà thơ thì anh phải trói chặt thân thể anh vào đất nước của anh. Thoạt kỳ thuỷ, tôi làm tập thơ đầu tiên từ năm 1967, nhưng sau 1975 khi tôi sang Mỹ thì hồn thơ không còn, vì mình bị chặt lìa khỏi quê cha đất tổ. Mình sống nhưng thực ra là mình ngồi ở lề đường nhìn người ta sống; đời sống ở Mỹ, thực ra là sống nhờ, sống tạm, còn hồn của mình thì vẫn lẩn khuất ở nước Việt, mà một khi anh đã xa rời đời sống của chính anh thì anh đừng nên làm thơ nữa. Đó là lí do tôi dừng lại việc làm thơ. Nhưng máu chữ nghĩa thì vẫn cứ còn, nên sau một thời gian chừng 15 năm phải đi làm việc kiếm sống, trợ giúp gia đình, thì tôi trở lại làm báo và viết văn.

N.H.A: Ông có thể kể một số hoạt động của ông xoay quanh công việc làm báo?

H.K.P: Tờ “Văn học” ra đời ở nhà tôi vào 1985, với chủ nhiệm là anh Võ Phiến, chủ bút là anh Lê Tất Điều, tổng thư ký là Nguyễn Mộng Giác, còn tôi là chủ nhiệm trên giấy tờ. Ra được khoảng 10 số thì xảy ra vụ “Mùa biển động”, trong tác phẩm đó Nguyễn Mộng Giác mô tả một nhân vật đại uý nhảy dù có đeo sợi dây xâu lỗ tai khô của VC, liền bị cựu lính nhảy dù người Việt ở Mỹ phản đối. Khi bị phản đối như vậy, Võ Phiến và Lê Tất Điều đề nghị Nguyễn Mộng Giác viết lời trần tình, anh Giác không đồng ý, nói rằng, thứ nhất đó là sự thật lịch sử, thứ hai đó là sự thật đời sống, nên anh không cải chính. Thế nên anh Phiến và anh Điều rút ra khỏi tờ báo, anh Giác trở thành chủ nhiệm, còn tôi là chủ bút cho tờ “Văn học”. Sau đó tôi từ L.A lên San José làm việc nên xa rời tờ “Văn học”. Tờ báo lúc đó có Cao Xuân Huy làm tổng thư ký, chủ bút là Trịnh Y Thư, Nguyễn Mộng Giác vẫn là chủ nhiệm. Thời gian sau thì anh Đỗ Ngọc Yến rủ tôi làm cho tờ báo “Người Việt”.

Một việc khác: Năm 1989, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn đóng cửa hết các trại tị nạn. Thế là những quốc gia khác họ tuân thủ và thực hiện rất nhanh theo lệnh của Liên Hợp Quốc, trong khi đó tại Phi Luật Tân, còn khoảng 2000 thuyền nhân người Việt kẹt lại. Họ thanh lọc lần cuối cùng, người nào tị nạn chính trị mới được đi, người nào tị nạn kinh tế thì bị trục xuất. Nhờ có một sơ tên là Pascal Lê Thị Tríu vốn quen thân với Tổng Giám mục Manila, đã nhờ can thiệp để giữ hai ngàn người tị nạn đó lại và sẽ xem xét trục xuất sau cùng. Cho đến tận 13 năm sau, khoảng năm 2002, tôi là người làm báo, nghe được tin nên đã đi cùng với 15 vị luật sư người Việt Nam, trong đó có luật sư Trịnh Hội và Nguyễn Cao Kỳ Duyên sang đó, bổ sung hồ sơ của từng người một, để cải biến từ tị nạn kinh tế sang tị nạn chính trị. Kết quả là khoảng 1.800 người đi được sang Canada, Mỹ, Pháp, Úc… còn 200 người còn lại thì hoặc là họ lấy vợ/ chồng là người Philippines, hoặc họ phạm pháp tại đó nên ở lại. Đó là đợt tị nạn cuối cùng. Những người này họ vẫn giữ liên lạc với tôi khá lâu về sau.

N.H.A: Từng cùng làm việc, tiếp xúc nhiều với những thế hệ nhà văn miền Nam như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Trương Vũ…, ông có thể kể vài kỉ niệm với họ?

H.K.P: Chúng tôi chỉ toàn kỉ niệm đẹp. Giới cầm bút xa quê hương không có nhiều, nên hầu như đều giao thiệp với nhau. Tôi nhớ hồi làm tờ “Văn học”, trong những số đầu, bao giờ cũng vậy, mỗi một tháng phát hành số báo thì đều làm ở nhà anh Nhật Tiến, anh ấy làm một bữa ăn đón các bạn hữu. Lúc đầu gọn ghẽ lắm, người viết ở hải ngoại không bao nhiêu, tạp chí về văn học chỉ có tờ Văn của anh Mai Thảo và tờ “Văn học” của chúng tôi, sau có thêm tờ “Hợp lưu” của anh Khánh Trường. Tờ Văn của anh Mai Thảo có một số độc giả ổn định, là những người yêu văn của anh ấy và yêu quý nhân cách của anh. Mỗi một số báo, anh Mai Thảo in khoảng 300-400 số, và tiêu thụ được khoảng 200 số. Còn tờ “Văn học”, lúc in nhiều nhất cũng được khoảng 700 số. Tờ này không đảm bảo được tài chánh như tờ Văn, nhưng có một số mạnh thường quân, như anh Trương Vũ ủng hộ.

clip_image004

(Từ trái qua) Phan Nhật Nam, Khánh Trường, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy.

Ảnh: Mượn Dấu Thời Gian

N.H.A: Từng là chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ “Văn học” từ cuối thập niên 1980, chắc hẳn ông có dịp quan sát đời sống sinh hoạt văn chương hải ngoại ở độ gần. Theo ông, đóng góp lớn nhất của văn học hải ngoại tại Mỹ từ sau 1975 là gì? Và đâu là điểm bất cập nhất của dòng văn học này?

H.K.P: Điểm bất cập là sự bảo thủ của giới cầm bút, đó thật sự là sức trì lại bước tiến của dân tộc. Đối với tôi, một quốc gia chia đôi thì bằng mọi giá phải thống nhất đã, còn cứ chia đôi mãi thì sẽ còn chiến tranh mãi, sẽ còn thù hận mãi. Tôi là một trong những người có cái nhìn thoáng, cởi mở trong chuyện này. Trong bài phát biểu của tôi cho cuộc hội thảo văn học tại Seattle Public Library năm 1995, tôi có nói thế này: “…cái đích mà nhà văn nhắm tới là những tấm lòng đã khép lại, thành quách mà nhà văn phải triệt hạ là những suy nghĩ trì trệ, lỗi thời. Đây là trận đánh giữa nhân ái và bạo lực, giữa tha thứ và cố chấp, giữa lương thiện và bất lương, giữa chân thật và giả dối, giữa sáng suốt và tăm tối, giữa thiện và ác… Sẽ không có máu đổ trong trận chiến này. Nơi trang sách mở ra, chỉ có tấm lòng của những nhà văn hiển hiện” (*).

Có một chuyện là, khi tôi làm chủ nhiệm tờ “Văn học”, nhà xuất bản Lê Trần in cuốn “Trăm hoa vẫn nở trên quê hương”, do Nhật Tiến chủ biên, tôi có viết một bài khá quan trọng về những nhà văn phản kháng trong nước, như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp. Quyển đó đã gây ra một tranh cãi lớn trong diễn đàn văn chương Việt ở hải ngoại, vì một bên cho là phản kháng giả, còn bên của tôi cho đó là phản kháng thật. Tôi dùng ba số báo “Văn học”, với rất nhiều người viết bài (như Nhật Tiến, Đỗ Thái Nhiên, Thân Trọng Mẫn, Nguyễn Mộng Giác…), để cổ võ cho sự phản kháng đó. Tranh luận mãi không chấm dứt được, tới số thứ tư tôi mới nói đây là vấn đề lâu dài, còn đương diễn ra ở trong nước, nên tranh cãi thêm cũng không để làm gì.

Còn nói về đóng góp của văn học hải ngoại, thì phải nhìn qua nhãn quan chính trị. Sau 1975, thành phần viết văn chủ lực của Việt Nam tách ra làm hai: một nửa ở trong nước, một nửa đi ra ngoài. Trong hoàn cảnh này, văn học vẫn chia ra làm hai dòng, tất nhiên, về dòng văn học trong nước, các nhà văn đi theo một hướng nhất định, còn văn học hải ngoại có sự tự do hơn; nhưng theo quan điểm của tôi, trong tương lai, có thể sớm hay muộn, tất cả tác phẩm viết bằng tiếng Việt ở hải ngoại vẫn và sẽ quay trở lại trong nước, nhập vào dòng chính, chứ không còn là dòng riêng. Những quan điểm của văn học hải ngoại, chẳng hạn về chiến tranh, khác với dòng chính trong nước sẽ bổ sung cho văn học Việt Nam nói chung.

N.H.A: Trong nhiều truyện chiến tranh của ông, một nhận thức chung nơi những người lính – dù ở phe nào – là cuộc chiến tranh họ đang/ đã tham chiến là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, kẻ thù bên kia cũng cùng chung dòng máu với mình. Nhận thức đó đã có trong ông khi ông còn ở trong quân đội, hay mãi sau này khi chiến tranh đã đi qua?

H.K.P: Ngày tôi làm trưởng ban giám thị của trại tù binh ở Phú Quốc, lâu lâu người ta xét phòng giam, tôi đã được đọc hàng trăm cuốn nhật ký, hàng trăm cuốn thơ của tù binh cộng sản. Tôi thấy tâm hồn Việt Nam, dù là quốc gia hay cộng sản thì đều có hồn cốt nào đó giống nhau, không có sự thù hận kiểu tao sống thì mày chết. Chẳng qua là tai trời ách nước, sự chia cắt đất nước là do hoàn cảnh chiến tranh. Tôi không nghĩ rằng do ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay ý thức hệ quốc gia mà người Việt Nam phải thù hận nhau. Tâm hồn người Việt bản chất là thuần phác và nhân ái.

Tôi kể một câu chuyện có thật. Trước khi miền Nam có các trại tù binh chiến tranh, khi đánh nhau mà bắt được tù binh thì mang vào nhà lao hàng tỉnh. Điều này rất nguy hiểm vì tù binh dễ tiếp xúc, tuyên truyền với những tù nhân đầu trộm đuôi cướp ở miền Nam. Năm 1965, VNCH nhìn ra điều đó nên thành lập các phái đoàn đi gom hết tất cả tù binh cộng sản trong các nhà lao hàng tỉnh. Tôi đến nhà lao Buôn Mê Thuột thì gặp một người tên là Nguyễn Nam, mới 17 tuổi. Tôi thấy đó là một cậu bé nhà quê, không có vẻ gì là sắt máu. Tôi nhận anh ấy và đưa về nhà lao Pleiku. Trước khi giao cho ban tiếp nhận tù binh, tôi hỏi Nguyễn Nam là, “em có tiền không”. Tất nhiên anh ấy làm gì có tiền. Tôi nói: “Chuyện em về hay gặp lại người thân thì còn xa vời, mà em ở đây nhiều khi đau ốm, cần một viên thuốc cảm, hay cần mua thuốc hút không có, thôi thì anh vừa mới lãnh lương (lương trung uý của tôi lúc đó khoảng 7-8 ngàn), nên anh biếu em 1 ngàn”. Về sau anh ấy tồn tại được, qua trao đổi tù binh và trở ra Bắc, rồi cũng trở thành người viết văn. Trước khi tôi về nước, thỉnh thoảng anh ấy có liên lạc với tôi qua email, nói: “Em nhớ anh lắm, em nhớ số tiền anh cho em, giúp em không biết bao nhiêu việc sau này”.

N.H.A: Bản thân ông là một người lính 13 năm trong quân ngũ, nhân vật người lính VNCH trong sáng tác của ông chân thực và sinh động. Theo ông, hình tượng người lính VNCH trong truyện của ông có gì khác với người lính VNCH trong truyện các nhà văn khác?

H.K.P: Cũng có khác. Tôi không phải là người quá khích, nên nhìn chiến tranh sau khi đã đi qua, tôi nghiệm ra được một điều: con người ta đã phải mặc cái áo đồng phục nhiều lắm. Chiến tranh mãi rồi cũng phải có lúc tàn, nên tôi giảm thiểu mức độ thù hận càng nhiều càng tốt. Trong chiến tranh có nhiều sự đau lòng, chẳng hạn như hai người lính thân với nhau mà một người bị bắn chết thì người kia phải coi bên kia là kẻ thù thôi, phải trả thù cho bạn thôi. Nhưng tôi không phải là người như vậy. Tôi vẫn làm đầy đủ bổn phận người lính của miền Nam nhưng tôi không đến độ háo sát. Nhận thức đó cũng đi vào trong văn chương.

N.H.A: Tác phẩm của ông xây dựng nhiều nhân vật ở nhiều vị trí xã hội, hoàn cảnh chính trị khác nhau, và nét riêng là những nhân vật này không “điển hình” so với hình tượng văn học phổ biến: đó là người lính Bắc Việt nghèo khổ, đi ăn xin (truyện “Lộn mũ”), người lính Mỹ từ ái, thích làm thiện nguyện (“Thư không người nhận”), người Việt xấu xí trên đất Mỹ (“Những thây người biết đi”),… Đó là sự xây dựng có chủ ý tìm một lối đi riêng? Hay thật sự những nhân vật kiểu này điển hình/ phổ biến trong đời thực hơn ta nghĩ?

H.K.P: Có lẽ là tôi may mắn bắt gặp những người cũng hơi đặc biệt trong đời sống. Những nhân vật của tôi phần lớn là những người tôi đã gặp đâu đó ngoài đời. Tôi cho là nhà văn mà vò đầu bứt tai nghĩ tưởng ra nhân vật thế này thế kia là vứt, chúng ta có hàng tỉ mẫu người trước mặt, cứ việc mô tả họ một cách tự nhiên thôi. Một nhà văn quan trọng nhất là đi và sống. Anh phải đi nhiều và anh phải sống nhiều để viết THẬT nhất những gì anh nhìn thấy.

N.H.A: Ông có nghĩ đề tài chiến tranh Việt Nam nên tiếp tục được khai thác trên văn đàn hay nên lui về quá khứ?

H.K.P: Thực tâm thì tôi muốn nó lui về quá khứ, nhưng các tác phẩm đã qua chưa nói được đủ, cần tác phẩm nói đủ để chấm dứt nó.

Qua thời gian, mọi thứ sẽ phai đi. Thế hệ chúng tôi, nhất là những người trực tiếp cầm súng nằm xuống thì thù hận sẽ phai mờ bớt, chúng ta có thể đón một nền văn nghệ cởi mở hơn. Nhưng tất nhiên, di chấn vẫn còn nhiều, với thế hệ sau nữa. Tôi mong một điều là guồng máy chính trị nới lỏng ra, để sự chống đối bớt đi.

N.H.A: Cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người trăm năm cũ” của ông viết về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp. Vì sao ông lại quay trở về một cuộc chiến cũ với một người anh hùng thời trước?

H.K.P: Vào lúc tôi quyết định viết cuốn này là năm 1983. Lúc đó tôi nghĩ nếu tôi viết mãi những truyện ngắn mà tôi ngồi ở lề đường của Mỹ quan sát được thì nó không thực tế, cần phải có một tác phẩm dài hơi đi sâu vào trong lòng dân tộc. Thế là tôi quyết định viết một tác phẩm lịch sử. Tôi nghĩ đến 100 năm trước, điều gì đã xảy ra ở trong nước, ở năm 1883 – đó là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám – thế là tôi đặt tên tác phẩm là “Người trăm năm cũ”.

Để thu thập tài liệu, tôi về Việt Nam lần đầu năm 1995 sau 20 năm. Tôi nhớ tôi ở nhà nghỉ tại Bắc Giang, hàng ngày thuê một ông xe ôm, nhờ chở đi khắp vùng Yên Thế từ 7g sáng đến 6g chiều, trả cho ông 150 ngàn, bao ăn. Cứ thế một tháng trời. Khi sang Tây lại, tôi lại may mắn tìm được một tấm bản đồ in năm 1905 ở vùng Bắc Giang, Yên Thế, nên tên địa danh tôi sử dụng trong tác phẩm là chính xác của thời điểm đó.

Sau ba năm thu thập tài liệu, tôi ngồi xuống viết trong hai năm nữa. Quyển sách đó tôi chia mất 5 năm trong phần đời của mình.

N.H.A: Ông có thể đưa ra định nghĩa về nhà văn Hoàng Khởi Phong?

H.K.P: Tôi chỉ là người kể chuyện. Ngày xưa ở trước các cổng trường bên Tây thường có những người sống bằng nghề kể chuyện, gọi là “raconteur”. Tôi nghĩ tôi cũng chỉ là một anh raconteur, nhưng khác anh raconteur kể chuyện ngắn thì câu chuyện của tôi dài hơi hơn.

N.H.A: Ông có đang dự tính cho một tác phẩm mới?

H.K.P: Tôi đang ấp ủ một tác phẩm, về Việt Nam, về những chuyến tôi đi giang hồ, ngủ lại khắp 64 tỉnh thành ở Việt Nam. Đó sẽ là một tác phẩm ký.

Sài Gòn, 15.2.2023

------------

(*) Có thể đọc toàn văn bài phát biểu trong phần “Thay lời tựa” của tác phẩm Quán ven sông (Hoàng Khởi Phong, Nxb Thời Văn, 2001).