Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Đọc Thơ Nguyễn Bá Chung: Một cõi thơ thiền tịch mặc

Phan Tấn Hải

portrait Nguyen Ba Chung painted by Chu Luong

Bất ngờ, tôi mới nhận ra rằng GS Nguyễn Bá Chung (NBC) cũng là một nhà thơ. Bởi vì một thành kiến tôi có từ lâu, một học giả thường không làm thơ. Trước giờ tôi vẫn nghĩ rằng GS NBC là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu, và là người dịch sang tiếng Anh nhiều bài thơ thời Lý, Trần và thời Lê, Nguyễn – và đó là những gì tôi từng chú ý nhất, khi đọc hai bản Anh dịch của họ Nguyễn: tập Ly Tran Zen Poems (nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2005, tái bản 6/2007) và Le Nguyen Zen Poems (nxb Hội Nhà văn 6/2019). Lúc đó, tôi không chú tâm về những sách khác do GS NBC dịch, như tiểu thuyết, truyện, thơ… Và rồi một bất ngờ, khi tôi khám phá ra NBC cũng là một nhà thơ rất mực lãng đãng Thiền học, thơ mộng tột vời.

Tập thơ mới của NBC nhan đề Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập vừa do nxb Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 10/2022 cho độc giả thấy một cuộc đời khác, một hình ảnh khác về NBC. Hầu hết các bài thơ trong tuyển tập không ghi ngày tháng, nhưng hai bài ‘Lễ hội Côn Sơn I, II” ghi nơi sáng tác là “Chùa Hun, Tháp Huyền Quang, Đền Nguyễn Trãi – Côn Sơn 96” và bài “Qua tháp Trần Nhân Tông” ghi là “Núi Yên Tử 1996” – nghĩa là, có những bài thơ từ rất nhiều thập niên xa xưa.

Tập thơ dày 320 trang, mở đầu tập là lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhan đề “Nguyễn Bá Chung và một con đường.” Trong đó, theo Nguyễn Quang Thiều, NBC là một tổng hợp tuyệt vời của tinh thần Phật giáo và văn hóa Việt. Và rồi Nguyễn Quang Thiều trích dẫn bốn câu thơ của NBC:

Thành quách xa xưa hồn ngỡ lạc

Tiếng chuông chùa cổ bóng nào lay

Người về hỏi chuyện vườn quê vắng

Cỏ đã xanh màu, đất đã thay…

Tuyển tập thơ của NBC gồm 206 bài thơ, chia làm 5 phần: Phần I Mưa Ngàn, Phần II Ngõ Hạnh, Phần III Tuổi Ngàn Năm, Phần IV Nguồn, Phần V 20 bài thơ rời.

Hầu hết thơ của NBC là về những cảm xúc rất Việt Nam. Trừ vài bài thơ về xứ người, như về New England, chúng ta không gặp các bài thơ có chủ đề ngoài Việt Nam – hình như tuyển tập NBC chỉ có hai bài thơ có không gian ở quê người. Có thể gợi nhớ để so sánh rằng vào giữa thế kỷ 20, nhiều thi sĩ Việt Nam ưa làm thơ về “mùa thu Paris” hay “người em tóc vàng sợi nhỏ” hay những chủ đề tương tự nơi xứ người. Nhưng lạ rằng NBC, với cơ duyên nửa thế kỷ định cư ở Hoa Kỳ vẫn làm thơ phần đông là chủ đề quê nhà và những ngôi chùa Việt Nam trong trí nhớ.

bia sach NGUYEN BA CHUNG (1)

 

Như chúng ta thấy trong bài thơ nhan đề “Người đến bạc đầu” có ghi chú nơi sáng tác là “Thiền viện Goenka, Shelburne, Massachusetts.” Bài thơ lục bát dài tám dòng nói về cảm thọ vô thường (bạc đầu, lá thổi, cỏ vàng tuổi thơ, theo bờ gió bay, bão rừng thổi ngược, sóng mộng…) trong khi chỉ ra Khổ đế trong dòng chuyển biến thời gian đó (thổi ngược, ray rứt, ôm lấy khổ đau, bạc đầu nhớ nhung…). Chúng ta cũng nhớ rằng phương pháp Thiền của ngài Goenka là ban đầu niệm hơi thở rồi tới niệm cảm thọ. Bài thơ này của NBC như sau:

Bao mùa lá thổi về đây

Sông sâu con chữ, thuyền đầy nắng mưa

Cỏ vàng thung lũng tuổi thơ

Ngàn hơi thở đã theo bờ gió bay

Bão rừng thổi ngược ngàn cây

Nhặt khoan sóng mộng chiều ray rứt chiều

Nắng về ôm lấy khổ đau

Xin ngồi cho đến bạc đầu nhớ nhung.

Có thể thắc mắc về câu cuối: có vẻ rằng trong khi nhà thơ NBC muốn ngồi cho đến bạc đầu, nhưng trường Thiền Goenka theo truyền thống chỉ cho ngồi 10 ngày một khóa là đóng cửa. Thì làm sao mà ngồi cho tới bạc đầu. Thêm nữa, đã ngồi thiền mà lại nhớ nhung thì hằn là lãng mạn không nên. Thế là nhà thơ lại lên đường tiếp. Do vậy, mới phải nói “nắng về ôm lấy khổ đau” – một hình tượng rất Thiền, vì nắng là ánh sáng trí tuệ, ôm lấy khổ đau để nhận ra Khổ đế…

Khi đọc Mục Lục, chúng ta sẽ thấy khung trời thơ mộng của NBC cũng hiện ra trên nhan đề các bài thơ: “Nguyễn Du”, “Bùi Giáng”, “Như cánh vạc bay”, “La hán Chùa Tây”, “Đi Chùa Hương”, “Núi Thị Vải”, “Tự Ngã I & II”, “Lễ hội Côn Sơn I & I”I, “Qua tháp Trần Nhân Tông”, “Gặp một sư trên chùa Trúc Lâm”, “Viên Chiếu thiền viện”, “Đêm ngồi đọc kinh”, “Ải Chi Lăng”, “Cử Không”, “Nguyễn Bính”, “Động Huyền Không”, “Đến Thiên Trù nhớ sư Viên Giác”, “Cuộc tái ngộ của hai Thiền sư”, “Đọc thơ Lý Trần”, “Trúc Lâm Yên Tử”, “Công án”, “Đêm nằm mơ Bùi Giáng”, “Thiền hành trên quê hương”…

Tất cả các nhan đề thơ đó cho chúng ta hình dung tác giả hẳn phải là một nhà sư. Vậy mà không phải. Đó là thơ của học giả NBC. Trong thể loại, cũng là ảnh hưởng từ nền văn học hậu bán thế kỷ 20 tại Việt Nam, đa số là thơ lục bát, thơ tám chữ, thơ bảy chữ, thơ năm chữ… Nghĩa là, chúng ta sẽ thấy trên da thịt máu xương nhà thơ NBC là tiếng chuông chùa Lý Trần vang vọng trên các dòng lục bát, nơi đó đã từng nuôi lớn những Nguyễn Du, Bùi Giáng…

Trong văn học Việt Nam, có một số nhà thơ nổi tiếng với các bài tự trào, như Nguyễn Khuyến, Phạm Thái, Tú Xương… Mỗi nhà thơ tự trào vẫn có một kiểu cách riêng, đóng khung trong môi trường lịch sử riêng. Trong khi Nguyễn Khuyến tự trào trong cương vị một quan lớn bị giáng chức, rồi từ quan về quê ở ẩn trong thời Pháp lấn quyền vua, với “Mở miệng nói ra gàn bát sách, Mềm môi chén mãi tít cung thang.” Tú Xương lại tự trào khi lang thang nơi chốn bụi đời thành thị giữa lúc giao thời với “Lọng cắm rợp trời quan sứ đến, Váy lê phết đất mụ đầm ra.” Hay nơi thế kỷ 18, nhà thơ Phạm Thái, một thời ẩn vào chùa Tiêu Sơn với đạo hiệu Phổ Chiếu Thiền sư, tự trào sau khi cả gia tộc phù Lê thất bại và bị Tây Sơn đánh cho tan tác với “Năm bảy bài thơ ngâm lếu láo, Một vài câu kệ tụng a ê.”. Nhưng NBC khác hẳn, từ nơi rất xa quê nhà, anh tự trào vì tự tin đã hiểu hết giáo lý nhà Phật nhưng vẫn chưa sống cho trọn.

Bài thơ “Tự trào I” của NBC với thể thơ thất ngôn, gồm 12 câu trong ba đoạn, nơi trang 33, đã hiển lộ tấm lòng này.

Tự trào I

Sống chết chi mà chạy ngược xuôi

Sách vài trăm quyển chữ như rươi

Chân không diệu pháp đây rành hết

Chỉ cái phiền là nhấp nhổm thôi

Mới hay nói dễ làm không dễ

Đầu vượn chân dài vạn nỗi tai

Mỏi mòn đôi gót bờ hư thực

Nửa cuộc đời sai vẫn cứ sai

Lên xuống thấp cao ngàn ngõ cụt

Ra vào khấp khểnh một đường ngay

Nẻo về không lối hoa dâng bụt

Bát ngát hương rừng một nhánh mai.

Tuy nhiên, tới bài “Tự trào II”, cùng thể thơ và độ dài, là một bầu không khí khác hẳn, như dường NBC ra sức ngồi kiết già hoài mà vẫn bất như ý, tới khi tự xem như bại trận, chẳng chờ chẳng đợi gì nữa, thì hốt nhiên “không mong mà lại đươc,” và khi “một cơn gió thổi bay ngàn lá” thì hiển lộ ra màu trăng (trí tuệ) sáng rực giữa sân. Bài thơ này nơi trang 34 như sau.

Tự trào II

Dẫu học bao lâu đầu vẫn đặc

Tâm như quạt gió bụi tung trời

Ngồi bệt kiết già dăm bảy chốc

Một đàn kiến lửa kéo ra chơi

Thôi ừ bại trận, thôi không ước

Nhấp nhổm chi cho khổ kiếp người

Thôi cứ cho như là chẳng biết

Chẳng chờ chẳng đợi chẳng lôi thôi

Có phải không mong mà lại được

Cho nên chờ đợi hóa ra lầm

Một cơng ió thổi bay ngàn lá

Vàng cả màu trăng sáng giữa sân.

Tất cả các bài thơ NBC làm có liên hệ tới Bùi Giáng đều hay dị thường, rất hiếm gặp. Đó là bài “Bùi Giáng” nơi trang 46-48, bài “Nhớ Bùi Giáng” trang 215-217, bài “Trung niên thi sỹ” trang 268, bài “Đêm nằm mơ Bùi Giáng” trang 314.

Như trong bài thơ “Bùi Giáng” trang 46-48, làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, dài 36 câu. Nơi đây, chúng ta trích 8 dòng giữa bài, có nhắc tới hình ảnh “Vạn Hạnh” chỉ cho Đại học Vạn Hạnh, nơi từng là chỗ nhà thơ Bùi Giáng cư ngụ và lui tới thường xuyên, và “Kim Cương” chỉ tới nữ nghệ sĩ Kim Cương, một bạn thân của nhà thơ họ Bùi. Cũng nhắc tới “Trang Phương” gợi nhớ tới bài thơ tình của Bùi Giáng nhan đề “Xuân thu trang phương” trong tập Mưa nguồn – trong đó, trang phương là chỉ cho sự hiện diện của người nữ, với chữ trang là làm đẹp dung nhan, và chữ phương là hương thơm đức hạnh. Chữ “Thanh Hiên” là hiệu của nhà thơ Nguyễn Du. Trích như sau.

Kinh Vạn Hạnh pha bao màu nắng

Gió Kim Cương trải mấy lần vân

Giờ mê hoặc người ngồi dịch sách

Bàng hoàng nghe gió lộng đầy sân?

Câu thơ cũ người đề tặng cỏ

Tháng ngày xanh người mải chăn dê

Trời Trang Phương đến giờ mở ngõ

Cõi thanh hiên người có đi về?

Để hiểu tất cả các điển tích trong thơ NBC hiển nhiên là cần phải có kiến thức về một thời văn học miền Nam. Tuy nhiên, nếu tách ra khỏi các chữ đầy điển tích đó, hẳn là không có được một bầu không khí gợi nhớ tới Bùi Giáng, Nguyễn Du, Vạn Hạnh, Kim Cương…

Cũng hay dị thường là bài thơ “Nhớ Bùi Giáng” với bảy đoạn thơ tám chữ. Bầu không khí trong thơ bảy chữ trong bài vừa dẫn mấy đoạn trên cũng chuyển thành một phương trời rất lạ trong thể thơ tám chữ cùng chủ đề Bùi Giáng. Nếu NBC không hít thở tắm gội trong thơ Bùi Giáng, hẳn là không viết nổi những dòng thơ chở được những thơ mộng thần sầu quỷ khốc như thế. Trong bài “Nhớ Bùi Giáng” ở trang 215-217, có nhắc chuyện Bùi Giáng một thời chăn dê với “con dê choai hoa cà tía con hươu” và thơ họ Bùi đôi khi tặng “con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại” – nơi đây, chúng ta trích ba đoạn giữa như sau (trong thơ, NBC gọi Bùi Giáng là “người”).

Thơ người đó – một khoảng trời chợt hẫng

Rơi về đâu – phố thị sa mù xa

Đường lục tỉnh ai có buồn cố quận

Mơ mòng chi – dê trắng, kiến không nhà

Người yêu cả cuộc đời – buồn vui lẫn

Yêu say cuồng, yêu dại dột u mê

Người bỏ hết để một lần được đứng

Nhìn dáng em trong cổ mộng đi về

Người có khóc trước cuộc đời u uẩn

Thương thời gian tàn lụn giữa thanh hiên

Dù có gọi nhưng lời không đủ gọi

Nên đã đành… tan tác gió qua miền

Có một điểm hết sức kinh ngạc: NBC không phải là người ngồi trong cánh cổng nhà chùa, cũng không trực tiếp là học trò của các Thiền sư nổi tiếng được nhắc tới trong thi tập, nhưng tấm lòng thiết tha với Thiền học Việt Nam hiển lộ rất minh bạch trong thơ anh. Bài thơ “Thiền hành trên quê hương” nơi trang 315-317, sáng tác vào tháng 5/2005, gồm chín đoạn thất ngôn tứ tuyệt, ghi lại niềm vui sướng vô bờ khi nhìn thấy Thiền sư Thích Nhất Hạnh về thiền hành trên nhiều nẻo đường quê hương để “thắp niềm tin trên ngàn gẫy đổ” và để “đơm cội nguồn đất mẹ phù sa.” Nơi đây, chúng ta trích ba đoạn thơ NBC ở trang 315-316.

Bà cụ già rưng rưng mắt lệ

Bao năm rồi sống lại phút giây

Chú thiền sinh bàng hoàng tỉnh thức

Pháp thoại nào xanh gió xanh cây

Cũng pháp ấy – lời tân niên kỷ

Cũng thiền ngồi – hùng tráng uy nghi

Cũng thiền lạy – một thời vô úy

Cũng thiền hành – trời đất cùng đi

Giữa quê hương người về chia sẻ

Bao tháng năm gieo pháp xứ người

Nối lại truyền thông từng thế hệ

Ươm tình thâm – hoa trái cuộc đời…

Tấm lòng thiết tha của NBC với Thiền học quê nhà hiển lộ rõ trong bài thơ “Cuộc tái ngộ của hai Thiền sư” nơi trang 197-199, gồm sáu đoạn thơ thất ngôn tứ tuyệt, nói về Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau nhiều thập niên xa quê nhà đã tới Đà Lạt thăm Thiền sư Thích Thanh Từ. Hai nhà sư, hai khuynh hướng Thiền. Trong khi Thầy Nhất Hạnh lập ra Thiền phái Làng Mai, với cách đơn giản hóa pháp Chánh niệm cho dễ truyền pháp sang phương Tây, Thầy Thanh Từ nơi quê nhà ra sức hồi phục dòng Thiền Trúc Lâm. Trong bài thơ này, NBC dùng chữ Phương Bối để chỉ Thầy Nhất Hạnh, vì Thầy đã thiết lập thiền thất Phương Bối Am ở Bảo Lộc khoảng thập niên 1960s để tìm con đường hoằng pháp qua Thiền. Và thi sĩ dùng chữ Yên Tử để chỉ Thầy Thanh Từ vì công trình hồi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của các vua nhà Trần. Bài thơ “Cuộc tái ngộ của hai Thiền sư” do NBC sáng tác ngày 16 tháng 6/2008 ghi rõ niềm tin của thi sĩ rằng Thiền tập sẽ “cứu muôn dân” tại quê nhà. Bốn đoạn đầu trong bài thơ này trích như sau.

Từ bốn phương trời người trở lại

Đường xa bụi bám cỏ giăng đầy

Giấc mộng chuyển trời Phương Bối nguyện

Yên Tử quê nhà mây trắng bay

Thế giới loạn cuồng bom đạn đổ

Thân người cháy rụi lửa hờn cao

Chén trà đạo vị bao năm – nhắp

Giọt nước cành dương sóng sánh trào…

Tay lại nắm tay hồn đất nước

Mái chùa lưu lạc đã bao phương

Tìm về đất mẹ dâng hương tổ

Phổ độ quần sinh đoạn đoạn trường

Đại Lào ngõ tịnh bao ngày tháng

Khói đỏ thôn nghèo đất nước phân

Phương Bối ai ngồi trong tịch mặc

Đâu con đường thoát cứu muôn dân…

Mỗi bài thơ của NBC luôn luôn như dường là một đoạn trong hành trình trở lại quê nhà, nơi nhà thơ nhìn thấy Phật giáo như những hình tượng hộ trì cho dân tộc Việt. Những xúc động của nhà thơ họ Nguyễn hiện rõ trên từng trang thơ, rất mực trân trọng khi nhìn lại vết tích cổ sử. Như bài thơ “La Hán chùa Tây” nơi trang 81-83 với bảy đoạn thơ thất ngôn tứ tuyệt, ghi hình ảnh tượng đứng mãi trên dòng lịch sử trôi chảy vô thường của dân tộc. Trích ba đoạn cuối bài như sau.

Tượng nhìn tượng đứng yên như tạc

Ba trăm năm loạn chẳng hề chi

Đầu vẫn rạng quanh quầng trăng sáng

Gió bụi đồi tây có quản gì

Văn hóa bao đời dồn kết lại

Tinh anh phát tiết tự vô hình

Người của muôn năm thần đứng trụ

Như hét, như quần cõi tử sinh

Pháp còn bỏ huống chi tà pháp

Tượng còn đây, người tượng chốn nao?

La Hán đứng mắt trừng không hỏi

Dáng đứng vô ngôn lộng gió chiều.

Tuyển tập thơ Nguyễn Bá Chung còn rất nhiều điều cần nói tới. Bên cạnh những dòng thơ Thiền tràn ngập và xuất sắc, vẫn còn những bài thơ tình lãng mạn, thơ mộng và nuối tiếc. Như bài thơ “Tiếng xưa” trang 97, chỉ có hai đoạn thơ ngũ ngôn tứ tuyệt nhưng chở cả một khung trời kỷ niệm.

Nhớ lời ai năm trước

Nhớ hình ai trong sương

Ra đi mờ lửa loạn

Từ cỏ dại lên đường.

Hôm nay nhìn mây trắng

Ôi nhớ tiếng ai cười

Giật mình bên ngõ quạnh

Một chiếc lá đang rơi.

Đọc kỹ, sẽ thấy tập thơ có lỗi kỹ thuật: in trùng bài thơ “New England mùa thu” ở trang 244 và rồi in lại ở trang 279. Tương tự, bài thơ “Chùa quê” in ở trang 72 và 73 rồi in lại ở trang 128 và 129. Chúng ta dễ hiểu tại sao xảy ra chuyện in trùng, chỉ vì tác giả cư trú ở Hoa Kỳ trong khi biên tập và nhà in ở Việt Nam. Thi tập Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Tác giả NBC sinh năm 1949 tại Hải Dương, học trung học tại Sài Gòn. Năm 1971 được học bổng du học đại học và định cư tại Hoa Kỳ từ đó đến nay. Ông là chuyên gia giáo dục của Viện William Joiner thuộc Đại học Masachusetts, Boston; từng là giám đốc chương trình nghiên cứu Rockefelle; giảng viên Đại học Masachusetts; điều phối viên chương trình Học hè tại Huế và chương trình trao đổi văn học Mỹ - Việt Nam.

NBC là nhà thơ, dịch giả, nhà bình luận văn chương. Ông là đồng dịch giả tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu và cũng là đồng chủ biên 12 tuyển tập song ngữ của Văn học Việt Nam – Moutain River. Nhà thơ NBC có nhiều bài viết trên các chương trình TV và các tạp chí: TV Vietnam Forum, New Asia Review, Boston Review, Compost, Nation, Manoa, Vietnam Reflection (PBS TV History), Cyphers, First Pages…

Ông là tác giả của bốn tập thơ: Mưa ngàn (1996), Ngõ hạnh (1997), Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh (1999), Nguồn (2009) và Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập vừa ra đời tháng 10.2022.

Các công trình nổi bật về Phật giáo của NBC là: Ly Tran Zen Poems (nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005, tái bản 6/2007); Le Nguyen Zen Poems (nxb Hội Nhà văn 6/2019)