Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Thơ Liêu Thái

Bóng chữ

 

Một con chó chạy qua kiếp đàn ông

Nỗi buồn nhảy múa trên câu thơ

Bóng chữ triệu năm

Xuyên con xương gầy loài chim lạ

Tôi nhìn thấy một đàn gà sao

Nhởn nhơ ăn cỏ

Những ký hiệu khởi sự mù màu

Trẻ con nô đùa thành giếng cổ

Tiếng nước vang lồng ngực

 

Những bóng chữ rỏ xuống thành giếng cạn

Dưới chân cầu mùa đông lạnh căm

Có tiếng hú hiệu triệu từ khô khốc

Vọng đáy mộ xanh

Nước mắt của người mẹ

Mặn chát trên xác con…

 

Chữ của chữ đau tử ngữ

Tình của tình vang niềm phản trắc

Người của người nối tay đời bế tắc

Hài của hài bóng nụ cười ám hắc

 

Người nhìn thấy một bầy chữ tàn tật

Bóng của nó chống nạng làm cách mạng

Trăng chết điếng theo nụ cười khốn nạn

Thả theo dòng một ít hình nhân…

 

Những con chữ thả bóng xuống đời sau

Thành người mẹ đòi công lý cho con

Thành người cha đòi cho con suất anh hùng liện sĩ

Thành người ông đòi cho cháu suất xuất ngoại làm dâu

Thành người chị dắt em đi bán trinh

Thành người vợ bán chồng cho bạn cũ

Thành người chồng bán vợ đỗi ghế quyền

Thành những phận người lang thang cơ nhỡ…

 

Đâu đầu đường xó chợ hay chân cầu

Nơi lũ trẻ chia nhau nửa miếng đanh để ngủ

Nơi người lớn chia nhau một lời hứa

Nơi người ta chia nhau một thứ gì đó như ảo ảnh

Nơi người ta chia nhau một giọng nói

Những bóng chữ rỏ xuống trang viết

Những con chữ máu khô

Mọc bầy chim non ca ríu rít

Và bay khắp trời người chưa kịp lấy tay che ánh sáng…

 

Nỗi buồn

 

1.

Giả sử có một cuộc cải cách ruộng đất mới

Và người ta tổ chức đấu tố

Y nghĩ rằng mức độ tàn khốc của nó

Sẽ cao hơn những năm 1950

Vì sự tàn ác đã được nuôi dưỡng

Kể từ đó đến nay bằng nhiều thứ

Bằng sữa Mỹ, bánh mì Nga, cơm chiên Trung Quốc và trái cây tẩm độc

Bằng lòng thù hận của gia đình nạn nhân

Bằng sự trượt dài của tâm lý hãnh tiến

Bằng chủ nghĩa yêu nước bạo lực

Bằng dân chủ cuội xịt chó vào bụi gai

Bằng tội ác lưng chừng chưa kịp che đậy

Bằng tham vọng bước lên vũ đài chính trị

Bằng hò hét đám đông vỡ trận

Bằng lòng đố kỵ cố hữu

Và những thứ na ná như vị tha, bao dung hay yêu nước…

 

Tất cả đã tạo nên một phức hợp mùi

Hiện tại như một thứ bom

Người ta chực nổ vào nhau bằng cái ngòi đạo đức

Nhân danh đạo đức người ta dìm nhau

Nhân danh đạo đức người ta ném vào nhau mối hoài nghi

Nhân danh tình bạn người ta ném vào nhau

Không phải là ném dơ mà ném một cục danh dự yêu nước

Với cái danh dự này bạn phải đối mặt với chính quyền

Và công an lại một lần nữa đặt bạn vào vạch báo động đỏ

Trong lúc bạn đang thiu thiu ngủ và nghĩ đến một bài thơ

Hoặc một giấc mơ ngắn ngủi giữa lúc ngủ trưa

Mọi thứ đã thay đổi…

*

Ở một nơi nào đó

Trên mặt địa cầu

Có lẽ phải là trên mặt băng tuyết

Hoặc nơi dòng nước ấm sâu dưới lòng tuyết

Lũ cá trò chuyện bằng ngôn ngữ riêng của chúng

Một thứ ngôn ngữ tiền kiếp

Cất lên từ cái lạnh

Hoặc giả thèm làm tình chốc lát

Không toan tính và cũng chẳng có đường bay nào

Để thoát khỏi trọng lực trái đất

Hoặc tham vọng cải tạo mặt trăng

Làm một cuộc kinh tế mới lên sao Hỏa

Và mọi tiêu cực, tham nhũng, đút lót, hối lộ hay mua bán trơ tráo

Bạn nói rằng thời đại bây giờ

Mọi thứ đều dùng bằng tiền

Ví dụ như việc thi một tấm bắng thật

Sẽ là chuyện vô cùng khó và gian khổ

Thậm chí tốn tiền nhiều hơn dùng bằng giả

Nếu bạn không bỏ tiền để bôi trơn cái gật đầu của giám thị

Để cho bạn cầm cái bằng thật

Cũng giống như nụ cười của người bạn

Hay lời khen của người bạn

Đôi khi khiến cho y tự hỏi

Trên cuộc đời này có mấy phần trăm lời khen không xu nịnh

Có mấy phần trăm lời khen không đểu giả

Và có mấy tiếng chê cười không chứa kèn cựa

Có bao nhiêu lời bàn tán không mang đố kị

Có bao nhiêu cái bắt taay không giấu thuốc nổ

Mọi thứ đã đổi thay

Khi mặt đất trở nênh chật chội

Và đời sống con người ngột ngạt

Cái cười như tiếng thở dài…

 

2.

khi tâm hồn con người được thay thế

bằng một trí thông minh

những con chíp điện tử

lập trình tâm hồn

và định giá bằng thang số tiền bạc

những giấc mơ lòng vòng ngoài cửa sổ

chúng đi ăn đêm cùng ma xó

chúng không có vé bước vào cửa chính

vài đứa trẻ đã bị bỏ quên

bên ngoài quán nhậu

*

Đôi khi thèm giọng nói con người giữa đám đông

Bạn bè như một giấc chiêm bao chưa kịp tỉnh

Những người anh em bên kia gương phẵng

Nhoẻn cười hàm ý điều gì chưa tỏ

Bởi cái bắt tay đã lạnh cóng gió đông

Tuyết phủ trắng một ngọn đồi mơ ước

Ngồi một mình mà chẳng thể một mình

Người độc hành tự buổi khai sinh

 

Nhà thơ và nhà nông

 

ở xứ sở này

giấc mơ của chữ nghĩa

đôi khi chỉ là bữa ăn ngon

một căn phòng đẹp, đủ ấm

được miễn phí hoàn toàn

có thể đổi bằng cả vụ lúa

và sự miễn phí này được đặt trên danh dự

cái áo khoác danh dự sau khi cởi bỏ mọi thứ trên người

 

một bài thơ bằng trăm ký lúa

nếu may mắn in ở tờ chịu chơi

lên cả vài ngàn ký lúa một bài thơ

người nông dân suốt đời làm chất liệu

cho những bài thơ năm tấn

và mơ mộng về những cánh đồng

cây cỏ như một bài thơ

nuôi chuồn chuồn châu chấu

 

người nông dân mơ mộng

một căn phòng hưu trí

nơi các nhà thơ hưu trí chuyển hóa vần vè

và hoạt náo đời mình trên trang viết

những trang viết phủ đầy giá sách

các thư viện mọc ra trên đôi vai lệch

vì phải gánh quá nhiều thơ

 

nhà thơ mơ mộng đi vào lịch sử

có những người cố gắng rút chân ra

khi đầu gối đã lún sâu vào hố

đây không phải là hố thẳm tư tưởng

càng không phải hố sâu đàn bà

những cái hố nhớp nháp ẩn dụ

về một quá khứ sa lầy

khiến nhà thơ luôn giật mình giữa đêm khuya

và thèm được mộng du không trọng lượng

những bông lúa ngậm nắng

tháng ba bùi ngùi hương bưởi hương nhài

 

sông như một sợi dây thừng

buộc vào cổ tội lỗi

bãi bồi ngạt thở

tiếng nấc nghẹn của những tay bợm rượu

đổ vào sông một ít trời xanh

người đàn bà đi qua hai cuộc chiến tranh

thấy mình trẻ mãi với mái tóc đôi mươi

ở những khóm mây lửng lờ vắt ngang trí nhớ

nơi bụi tre và những cây măng vòi bị gãy

lũ chồn hoang thi thoảng nhớ núi đồi

 

sông như một sợi dây thừng

buộc vào cổ nhà thơ…

 

Sài Gòn và Cung Tích Biền

 

Tự dưng ngồi nhớ ông

Tôi biết giờ này ông đang bó gối

Giữa Sài Gòn

Nơi ông thuộc từng con đường, rừng cây và những cái cây

Những con đường dành riêng cho ngựa

Ông mục kích những rừng cây bị đốn ngã, rồi những hàng cây cuối cùng chảy máu

Có lần ông nói: Trên máy bay, nhìn xuống Sài Gòn như một dãy hộp san sát

Đôi khi chúng ta tự biến nơi mình sống thành nghĩa địa

Giữa Sài Gòn đông đúc, chật chội, kẹt xe và đôi khi lạnh lẽo

Gặp ông

Như gặp sông quê nhà

Nghe gió mát từ dĩa mít trộn tôm đất

Từ câu nói nhẹ nhàng: Đời mà em!

Tiếng bánh tráng vỡ và chút ngạo đời của người từng trải

Sài gòn rơi như viên bi

Trong đáy giếng tâm hồn

Sài Gòn như bà mẹ già nhăn nheo bầu vú

Vắt những giọt sữa cho đàn con thèm ăn

Sài Gòn trong đôi quang gánh của mẹ

Quê nhà hun hút cuối năm…

 

Sài Gòn như gã giang hồ thở dốc

Rút những đồng vét túi cho đàn em

Giống như ông rút những đồng cuối cùng

Sau khi trả tiền chầu bia

Đưa cho tôi mua gạo trong những ngày lây lất

Tôi tự hỏi Sài Gòn rộng như vậy

Đi gần bốn chục cây số gặp ông

Để lấy tiền mua gạo

Tôi đi được

Nhưng khoảng cách chỉ chưa đầy ba mươi cây số

Tôi hẹn nhận những cuốn sách ông tặng

Suốt sáu năm dài tôi vẫn chưa ghé được

Lẽ nào với một kẻ cầm bút

Tiền mua gạo lại quí hơn sách?

 

Sài Gòn

Tôi nhớ tới ông

Như nhớ tới một thành phố khác

Mân mấn nỗi buồn

Của một Sài Gòn vừa rời xa Sài Gòn

Và bó gối giữa Sài Gòn

Nơi thăm thẳm trắng bồng tóc

Tôi nhìn thấy Sài Gòn

Trong đuôi mắt nheo của ông…

 

Giãn cách 4

 

Khi cái đẹp tổn thương

trong khe hẹp tư tưởng

Khổng Tử, Mạnh Tử hay Tuân Tử được sánh ngang Bao Tử

Mọi giá trị được thống kê bằng bách tính phụ họa kim tiền

Định giá thế giá phẩm giá uýnh giá và ra giá

Cho một ngôi đền vừa chết đi…

 

Khi những ngôi đền lần lượt hấp hối

Tiếng nói của nó trâng tráo vách rêu dại

Vặn xoắn lũ ốc ý nghĩ chật chội và bứt rứt

Phẩm hạnh được thay thế bằng việc lên giường

Yêu thương được chuyển đổi thành trò lạng lách

Hi sinh được qui đổi ra những kiểu dạng chân

Trích lục Karmasutra hay Tố Nữ Kinh

Tri đức con người bắt nguồn từ chỗ: Mày biết cha tao là ai không?

Và đến một lúc nào đó được chuyển thành: Mày biết vợ tao là ai không?

Hoặc giả: Mày biết cha tao là chồng ai không?

Nữ quyền hay nhân quyền như một lá bùa đạo đức

Dán lên những căn nhà trăm tỉ có dát vàng

Và những chiếc siêu xe bên cạnh người lượm rác

Mọc giữa bàn tay lông lá cường quyền

 

Các vĩ nhân, danh nhân hay những dị nhân thoi thóp

Trong trận vòng loại sống còn của hiện tiền

Người nằm mơ thấy đôi dòng nhật nguyệt

Rỏ xuống giữa khe chân sơn hà nguy biến

Một bàn tay thon kéo lũ lợn rừng

Trả về góc trọ thành đô

 

Tư tưởng là một khe hở

Nằm lọt thỏm giữa rừng

Mùi mồ hôi và hooc môn đào thải

Những tế bào da chết

Len lỏi giữa nhân quần

Làm nên một cuộc chơi khác

Ở đó các thần linh

Và những ngôi đền thiêng vặn mình hấp hối

Trong cơn trở dạ giải thiêng

Một vùng linh hiển bay lên

Sự lụi tàn và phản trắc quấn chặt

Giữa một đốm sáng hồng nhung…

 

Bà ngoại và nàng

 

Tôi nhìn thấy bà ngoại trong dung mạo của em

Một bà già khó tính, hay càm ràm mỗi khi có chuyện buồn bực

Một bà già tiết kiệm, ăn nhín uống nhịn và sớm còng lưng

Một bà già ít nói, vì đã quen câm lặng kể từ chiến tranh qua

Một bà già quê mùa chát chúa từng gói cây cà rem trong lá chuối, gánh bộ từ chợ về cho tôi

Và khi tôi mở miếng lá chuối, còn đúng một cái que tre nho nhỏ

Một bà già tiết kiệm, hồi mới có điện, bà dặn tôi đóng cửa sớm cho điện khỏi chói ra sân, khỏi hao điện

Một bà già… một bà già… một bà già… mà nếu được, tôi sẽ gọi bằng cha

Một bà già qua đời ngót nghét bảy năm nhưng nghĩ đến bà tự dưng cay sống mũi

Và dường như tôi luôn thấy bà già che chở tôi

Bà già mỉm cười nhìn tôi mỗi khi tôi buồn

Bà già trở nên đãng trí khi tôi gặp chuyện đau khổ

Bà già tuyệt vọng khi tôi bế tắc

Tôi gọi bà già là lẽ sống và tôi tin rằng bà già cũng gọi tôi là lẽ sống…

 

Tôi nhìn thấy bà ngoại trong dung mạo của em

Không phải ở những nét hom hem tuổi già

Tôi nhìn thấy bà mỗi khi em cho ai đó một món quà

Với cả lòng thành và trắc ẩn

Bà hay nói với tôi rằng con hãy cho người khác món gì con thấy ngon

Và đừng bao giờ cho người khác thức ăn thừa

Cho người khác thứ mình bỏ đi là tội lỗi

Hình như tôi nhìn thấy bà trong mọi góc đời em

 

Và hình như mối dây ràng buộc vô hình

Đã buộc em với bà lúc xưa

Bà chỉ thân thiện với mỗi mình em

Đến giờ mỗi khi em mơ thấy bà về

Là chắc chắn hôm sau sẽ có chuyện vui hay buồn gì đó

Đôi khi mùi tóc hay bờ vai

Vô tình mùi mồ hôi của em có chút gì đó của bà

Lúc nhỏ bà đôi khi cõng tôi đi coi phim ké nhà hàng xóm

Tôi tựa vào vai bà để ngủ

Bà qua đời

Tôi lại tựa thằng con nít đời mình vào vai em ngủ ngoan…