Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 43)

Hoàng Hưng

431. Double-bind: (sự) Trói buộc hai mặt

Một song đề không thể thoát, liên quan đến những yêu cầu xung đột nhau, không cho phép đáp ứng đúng hay thoả mãn. Một lí thuyết có ảnh hưởng về nguyên nhân học (aetiology) của bệnh tâm thần phân liệt, được phát triển bởi nhà nhân học Mĩ gốc Anh Gregory Bateson (1904-80) và nhiều đồng tác giả trong một bài viết trên Behavioral Science (Khoa học hành vi) năm 1956, theo đó bệnh tâm thần phân liệt có nguyên nhân là những cách làm cha mẹ tạo ra các trói buộc hai mặt cho trẻ em, như khi một bà mẹ phàn nàn rằng con trai mình không hôn mình nhưng khi đứa trẻ hôn thì bà mẹ co rúm người lại. Lí thuyết này được nhà tâm thần học Scotland Ronald David Laing (1927-89) và những người khác nhiệt tình đi theo trong những năm 1970 và 1980, nhưng mặc dù rất hấp dẫn, nó không được chứng minh bằng trải nghiệm thực tế.

432. Drama therapy: Liệu pháp kịch

Một hình thức liệu pháp tâm lí, bao gồm kịch tâm lí (psychodrama), trong đó người bệnh được khuyến khích biểu lộ tình cảm và những xung đột nội tâm thông qua việc biểu diễn chúng trước mặt những người khác. Đôi khi được viết là dramatherapy.

433. Dream analysis: (sự) Phân tích giấc mơ

Một kỹ thuật phân tích tâm lí trong đó việc diễn giải được trợ giúp của liên tưởng tự do, được áp dụng vào nội dung hiển lộ của giấc mơ nhằm cố gắng bộc lộ nội dung tiềm ẩn của nó, theo lí thuyết phân tích tâm lí thì đó luôn là những ước muốn vô thức có tiềm năng gây bất an cho người nằm mơ và làm mất ngủ nếu không được cải trang thông qua phép tượng trưng. Sigmund Freud (1856-1939) đào sâu lí thuyết này trong cuốn sách Diễn giải các giấc mơ (1900). Tuy nhiên, trong cuốn sách in sau đó, Vượt qua nguyên lý khoái lạc (1920), ông nêu lên những hoài nghi về giả thuyết giấc mơ là sự hoàn tất các ước muốn và gợi ý rằng nó có thể phục vụ một chức năng nguyên sơ hơn.

434. Dream state (D-state): Trạng thái mơ

Trạng thái của giấc ngủ trong đó giấc mơ thường diễn ra, đặc trưng là các chuyển động nhanh của mắt và các mẫu điện não đồ rất giống như lúc tỉnh. Trạng thái thường diễn ra 4-5 lần trong một đêm và khác hẳn về mặt sinh lí với giấc ngủ sâu hay sự tỉnh thức. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 20% thời gian ngủ là trong trạng thái mơ và ngủ mơ có thể là một nhu cầu căn bản của con người. Phần dưới phía sau của não (brainstem) có vẻ là vùng liên quan nhất đến sự phát sinh trạng thái mơ.

435. Dream suggestion: Ám thị mơ

Một kĩ thuật thôi miên chuyên biệt trong đó người bệnh được hướng dẫn mơ về một vấn đề hay về nguồn gốc của vấn đề, trong lúc đang thôi miên hay sau đó trong giấc ngủ tự nhiên. Kĩ thuật đôi khi được dùng như sự trợ giúp trong liệu pháp thôi miên.

436. Drive: (sự) Thúc bách

Bất kì nguồn động lực bên trong nào buộc con vật / người theo đuổi một mục tiêu hay thoả mãn một nhu cầu như tính dục, đói khát, hay tự bảo tồn. Primary drive (thúc bách cấp) là một sự thúc bách hay nhu cầu sinh lí, như đói khát hay nhu cầu tính dục; secondary drive (thúc bách thứ cấp) là một thúc bách phi sinh lí do học được, như nhu cầu thành đạt hay nhu cầu tình cảm. Tổng quát hơn, là nghị lực và quyết chí thành đạt điều gì đó của một người. Trong phân tích tâm lí, đó là cái tên khác của bản năng.

437. Drive displacement: (sự) Dịch chuyển thúc bách

Sự khởi động một thúc bách khi một thúc bách khác bị ngăn cấm. Chẳng hạn, ăn sô cô la khi bị cấm hút thuốc lá.

438. Drive-induction theory: Thuyết thúc bách

Lí thuyết cho rằng sự củng cố là mức độ thúc bách tạo bởi một nhân tố củng cố nhất định. Theo thuyết này, chính sự thức tỉnh hay kích thích do tiêu thụ một nhân tố củng cố (như ăn uống, kết đôi) tạo ra sự củng cố hành vi chứ không phải là nhân tố củng cố sẽ giảm bớt trạng thái thúc bách. Thuyết này được đề xướng để thay cho thuyết Giảm thúc bách của Hull. Cũng gọi là Consummatory response theory of reinforcement (thuyết củng cố bằng đáp ứng tiêu dùng) [giới thiệu bởi lí thuyết gia về học tập người Mĩ Frederic Sheffield (1914-1994)].

439. Drive theory of social facilitation: Thuyết (về sự) thúc bách của phản ứng xã hội

Một lí thuyết được phát biểu năm 1965 bởi nhà Tâm lý học Ba Lan gốc Mĩ Robert Boleslaw Zajonc (1923-2008) để giải thích điều mà cho đến lúc ấy có vẻ như là những khám phá mâu thuẫn về hiệu ứng của khán thính giả và hiệu ứng đồng diễn. Theo đó, khi một cá nhân trình diễn một nhiệm vụ, hiệu ứng của khán thính giả và những người đồng diễn là nâng cao trình độ thức tỉnh của cá nhân ấy, và tình trạng này trở lại làm tăng cao việc phát ra những đáp ứng chủ đạo trong vốn liếng của cá nhân. Nếu nhiệm vụ là đơn giản hay được học hành nhuần nhuyễn, thì những đáp ứng chủ đạo dễ dàng đúng phần lớn, và hiệu ứng khán thính giả hay đồng diễn dẫn đến sự cải thiện việc trình diễn. Nhưng nếu nhiệm vụ là khó khăn hay không được học hành thích đáng, thì những đáp ứng sai dễ áp đảo và hiệu ứng là một khiếm khuyết của trình diễn.

440. Dynamic systems theory: Thuyết hệ thống động

Một lí thuyết dựa trên các nguyên lí về các hệ thống phi tuyến tính, toan tính giải thích hành vi và nhân cách là sự thay đổi hằng hữu, những tương tác tự tổ chức giữa các nhân tố con người và môi trường vốn vận hành theo vô số thời lượng và trình độ phân tích khác nhau. Liên quan rất gần với Chaos Theory (Lí thuyết Hỗn Mang).