Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Nhà thơ Xuân Diệu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn (kỳ 2)

Cao Quang Nghiệp

Tiêu chí áp dụng dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác định thành viên Tự Lực Văn Đoàn

Theo chúng tôi, dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” được ghi chú dưới/sau tên tác giả là một tiêu chí tiên quyết và đáng tin cậy nhất để xác định tư cách thành viên Tự Lực Văn Đoàn của một nhà văn nào đó. Đây là một trong bốn điều lệ được Tự Lực Văn Đoàn chính thức thông báo trong tuyên ngôn thành lập văn đoàn của mình: “Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận và đặt dấu hiệu.”[30] Trong thực tế chúng ta có thể tìm thấy ba cách diễn đạt và ghi chú khác nhau: “có chân trong Tự Lực Văn Đoàn”[31], hay ngắn hơn một chút thì “Trong Tự Lực Văn Đoàn” [32], còn ngắn nhất thì “Tự Lực Văn Đoàn”[33]. Nguyên tắc này được các thành viên Tự Lực Văn Đoàn hân hạnh tuân thủ một cách tuyệt đối, kể cả Nhất Linh. Tuy ai cũng biết ông là sáng lập viên của Tự Lực Văn Đoàn nhưng trong tất cả các tác phẩm ông đều ghi thêm dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên Nhất Linh, ngay cả khi tác phẩm ấy chưa được xuất bản, chẳng hạn trong bản thảo truyện dài Xóm Cầu-Mới, viết ở Hồng Kông vào ngày 19 tháng 1 năm 1950, ông cũng không quên chi tiết quan trọng này (hình 4).

Ở đây cần phải nói thêm rằng tiêu chí này chỉ được áp dụng cho những ấn phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn xuất bản từ năm 1936 trở về sau. Xin lưu ý là trên trang bìa của cuốn Hồn bướm mơ tiên xuất bản năm 1933 của Khái Hưng, là ấn phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn, có đề bốn chữ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, nhưng không nằm trực tiếp dưới tên Khái Hưng, mà nằm bên góc trái, cách xa tên tác giả (hình 5). Theo chúng tôi, bốn chữ “Tự Lực Văn Đoàn” trong trường hợp này nhằm để thông báo rằng đây là ấn phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như là một tổ chức chứ không thể xem đó là tiêu chí để xác nhận tư cách thành viên của tác giả, vì khi tác phẩm này được in xong ngày 28.9.1933 thì Tự Lực Văn Đoàn chưa chính thức tuyên bố tiêu chí này.[34] Và cả khi tiêu chí này đã được thông báo ngày 2.3.1934[35] thì nó cũng chưa được áp dụng ngay lập tức, mà phải sang đến năm 1936.

clip_image008 clip_image010

Hình 4: Trang bìa bản thảo Xóm Cầu-Mới [36] Hình 5: Trang bìa của Hồn bướm mơ tiên 1933[37]

Thực vậy, trên tất cả các ấn phẩm xuất bản từ năm 1933 đến 1935 mà chúng tôi tham khảo được thì chưa thấy dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” xuất hiện dưới tên tác giả,[38] chẳng hạn như cuốn Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh, xuất bản năm 1934 (hình 6). Nhưng cũng chính tác phẩm này, trong lần tái bản sau đó, do nhà Đời Nay in năm 1936, thì dưới tên hai tác giả Khái Hưng và Nhất Linh lại có đề dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” (hình 7).

clip_image012 clip_image014

Hình 6: Bìa lót của Gánh hàng hoa (1934)[39] Hình 7: Bìa lót của Gánh hàng hoa (1936)[40]

Và từ đó trở về sau nó được áp dụng một cách liên tiếp và nhất loạt trên những tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn cho những ấn phẩm thông thường của nhà xuất bản Đời Nay. Nhưng ngoài những ấn bản thông thường này thì nhà xuất bản Đời Nay còn cho ra một số loạt ấn bản (serie) đặc biệt khác, với những mục đích khác nhau, chẳng hạn loại Sách Hồng để in sách thiếu nhi (sáng tác và dịch thuật)[41], Loại Gió Bốn Phương để xuất bản sách dịch văn chương nước ngoài[42], Loại Quê Hương[43] hay Nắng Mới[44]. Trong những ấn phẩm đặc biệt vừa kể trên, dưới tên tác giả không có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”. Chỉ trừ một ngoại lệ là trên những ấn phẩm thuộc loại Sách Lá Mạ, với phương châm “Sách giá trị. Bán giá rẻ” thì dưới tên tác giả lại có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”[45]

Xuân Diệu qua tác phẩm Thơ Thơ (1938)

Liên quan dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” này, năm 1997, trong bài viết “Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn” nhà nghiên cứu Đặng Trần Huân, người có một số bài viết về Tự Lực Văn Đoàn, đã đi đến kết luận là “[N]ăm 1938 khi in Thơ Thơ cũng chưa thấy giòng chữ Trong Tự Lực Văn Đoàn ghi dưới tên tác giả Xuân Diệu”[46]. Nhà nghiên cứu Thụy Khuê trong bài viết “Tự Lực văn đoàn có những ai?” ban đầu còn để ngỏ khả năng “Xuân Diệu có thể là thành viên thứ tám của Tự Lực văn đoàn, kể từ 31-12-38, ngày phát hành tập Thơ Thơ[47] vì bà “[D]ựa theo quảng cáo in trên Ngày Nay số 143 (31-12-38)”[48]. Chúng tôi sẽ bàn kỹ thêm về mẩu quảng cáo này ở phần sau. Nhưng sau đó Thuỵ Khuê đã thay đổi ý kiến, khi bà áp dụng tiêu chí dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” cho trường hợp Xuân Diệu, như bà trình bày sau đây: “Chúng tôi bèn tìm trên Internet, quả nhiên thấy được sách Thơ Thơ do Đời Nay in năm 1938, của Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) với bìa sau đây [hình 8], dưới tên Xuân Diệu không có chữ Trong Tự Lực văn đoàn: Bên trong sách này có một trang ghi tám chữ [hình 9]: Xuân Diệu Thơ Thơ Tự Lực Văn Doàn, nhưng với thứ chữ in khác và bỏ dấu không đúng, có lẽ do người Pháp làm việc số hoá cuốn sách đã thêm vào.”[49]

clip_image016 clip_image018

Hình 8: Trang bìa tác phẩm Thơ Thơ (1938)[50] Hình 9: Trang bìa lót tác phẩm Thơ Thơ (1938)[51]

Theo nội dung trích dẫn trên đây thì tuy đã tìm thấy tám chữ “Xuân Diệu Thơ Thơ Tự Lực Văn Doàn” trong trang bìa lót nhưng Thuỵ Khuê vẫn chưa tin nên ở đoạn cuối bài viết bà vẫn còn nghi vấn, đặt câu hỏi: “Vậy Xuân Diệu có thực sự ở trong Tự Lực văn đoàn hay không? Việc này vẫn còn tồn nghi.”[52] Trước tiên cần phải công nhận rằng cách sắp đặt thông tin tác giả, tác phẩm trong ấn phẩm này có phần khác thường so với hầu hết tất cả các ấn bản của thành viên Tự Lực Văn Đoàn. Trên trang bìa lót chúng ta thấy, từ trên xuống dưới, trước tiên là tên tác giả (Xuân Diệu), sau đó đến tựa tác phẩm (Thơ Thơ) rồi mới đến tên văn đoàn (Tự Lực Văn Đoàn). Nhưng theo thông lệ thì thứ tự có khác hơn một chút, cụ thể là tên văn đoàn thường đặt trực tiếp dưới tên tác giả, như trong ấn phẩm Phấn thông vàng chẳng hạn (hình 13). Có lẽ đây là sơ suất trong việc trình bày bìa. Bỏ qua tiểu tiết này thì chúng tôi xét thấy có một số điểm không ổn trong cách lý giải của Thuỵ Khuê. Thứ nhất, việc trên trang bìa không có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”, nhưng trên trang bìa lót lại có là không phải điều bất thường, mà chính đó mới là điều bình thường, đa phần ấn phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn đều như vậy (xem hình 10, 11 và 12). Chỉ trên một vài ấn phẩm có ghi dòng chữ này trên cả trang bìa chính lẫn bìa lót (xem hình 13)[53]. Thứ hai, việc có hai hoặc nhiều kiểu chữ dùng trong một ấn phẩm là điều bình thường, vì việc thiết kế trang bìa chính và và trang bìa lót (thuộc phần ruột sách) thường là hai khâu khác nhau, chưa kể đôi khi đó còn là dụng ý của tác giả hoặc của người thiết kế, trình bày sách. Thứ ba, khó xảy ra chuyện nhân viên thư viện bỏ công thiết kế một trang bìa lót để gắn vào một ấn phẩm với những thông tin bịa đặt. Điều này là điều cấm kỵ trong chuyên môn của nhân viên ngành thư viện và trái với đạo đức làm việc của họ, trừ phi người làm điều này có dụng ý khác. Thứ ba, theo chúng tôi việc “bỏ dấu không đúng” ở chữ cái “D” trong chữ “Văn Doàn” trên trang bìa lót không thể là căn cứ để cho rằng đó là do “người Pháp làm việc số hoá cuốn sách đã thêm vào”: ngay trang bìa của cuốn sách (không có nhà nghiên cứu nào nghi ngờ tính nguyên bản của trang bìa này, kể cả Thụy Khuê) tên nhà xuất bản được ghi “Dời Nay”, nghĩa là chữ cái “Đ” được ghi giống hệt như ở trang bìa lót. Dưới cách nhìn của ngành văn bản học thì đây là dấu hiệu cho biết xác suất hai văn bản này có cùng một xuất xứ là rất cao, vì chúng “sai” một cách giống nhau.

Xin nói thêm: việc viết không có dấu ngang ở chữ Đ không chỉ ở trang bìa cuốn Thơ Thơ của Xuân Diệu, mà còn bắt gặp ở ít nhất ba cuốn khác: Tối tăm (hình 10), Hai buổi chiều vàng (hình 11) của Nhất Linh và Trống Mái của Khái Hưng (hình 12).

clip_image020 clip_image022

Hình 10: Trang bìa lót của Tối tăm[54] Hình 11: Trang bìa lót của Hai buổi chiều vàng[55]

clip_image024 clip_image026

Hình 12: Trang bìa lót của Trống Mái[56] Hình 13: Trang bìa Phấn thông vàng (1939)[57]

Trở lại mẩu quảng cáo mà Thuỵ Khuê đã đề cập ở phần trên. Lần theo trích dẫn của Thuỵ Khuê chúng tôi đã tìm ra một mẩu quảng cáo tác phẩm Thơ Thơ của Xuân Diệu trong đó không có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên tác giả Xuân Diệu (hình 14). Việc này giải thích lý do tại sao Thuỵ Khuê lại cẩn thận trong phán đoán của mình và cho rằng “Xuân Diệu có thể là thành viên thứ tám của Tự Lực văn đoàn, kể từ 31-12-38, ngày phát hành tập Thơ Thơ[58]. Tuy nhiên, ở mẩu quảng cáo mà chúng tôi tìm được, cũng trong báo Ngày Nay trước đó một số, tức là số 142, ngày 24.12.1938 thì lại khác: ngay dưới tên Xuân Diệu là dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” (hình 15).

clip_image028 clip_image030

Hình 14: Quảng cáo Thơ Thơ (31.12.1938)[59] Hình 15: Quảng cáo Thơ Thơ (24.12.1938)[60]

Như vậy, khác với phủ định của Đặng Trần Huân[61] và nghi ngờ của Thuỵ Khuê[62], chúng tôi có thể khẳng định rằng trong tác phẩm Thơ Thơ dưới tên Xuân Diệu có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”.

Và cũng không phải mãi đến “sau ngày 1.6.1940” như nhà nghiên cứu Vu Gia đã quả quyết[63] hay trong giữa thời gian từ “sau 1940 và trước 1945” như nhà văn Đặng Trần Huân đã phỏng đoán,[64] mà trễ nhất là từ ngày 15.12.1938, là ngày tác phẩm Thơ Thơ được in xong tại nhà in Trung Bắc Tân Văn[65], Xuân Diệu đã chính thức được (công) nhận là thành viên Tự Lực Văn Đoàn. Còn nếu căn cứ vào dòng chữ “12 tháng công phu của nhà in” trong mẩu quảng cáo tập Thơ Thơ (hình 15), thì thời điểm Xuân Diệu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn rất có thể còn sớm hơn đến một năm.

Xuân Diệu qua tác phẩm Phấn thông vàng (1939)

Nhưng không chỉ trên tác phẩm Thơ Thơ có đề dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”. Tập “tiểu thuyết ngắn” Phấn thông vàng – tác phẩm thứ hai của Xuân Diệu được nhà Đời Nay xuất bản – là một bằng chứng khác. Thuỵ Khuê cho biết: “Riêng cuốn Phấn Thông Vàng, Đời Nay không in, có lẽ vì dở”.[66] Phấn thông vàng có dở hay không, không phải là vấn đề bàn luận của bài này, nhưng phỏng đoán của Thuỵ Khuê cho Đời Nay không in Phấn thông vàng không chính xác. Chúng tôi đã tìm ra được ấn bản đầu tiên của tác phẩm Phấn thông vàng do nhà Đời Nay xuất bản năm 1939, dưới tên Xuân Diệu cũng có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” (hình 15). Qua đây tư cách thành viên Tự Lực Văn Đoàn một lần nữa được khẳng định. Như vậy, khác với phủ định của Đặng Trần Huân[67] và nghi ngờ của Thuỵ Khuê[68], chúng tôi có thể khẳng định rằng trong tác phẩm Thơ Thơ dưới tên Xuân Diệu có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”.

Xuân Diệu trong bức hoạ Thất tinh hội bên bàn làm việc”[69] (5.2.1940)

Như trong bài viết đăng trên Thế Kỷ 21[70] chúng tôi đã đưa ra cứ liệu lấy ở báo Ngày Nay, đó là bức hoạ “Thất tinh bên bàn làm việc” đăng trên Ngày Nay, số 198 là số báo Xuân 1940, ra ngày 5.2.1940, trong đó vẽ cảnh bảy người đang ngồi xung quanh bàn làm việc (hình 16). Qua nét kí hoạ tài tình của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân độc giả nào tinh mắt sẽ nhận ra 7 người đó là Tú Mỡ, Xuân Diệu, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam (từ trái sang phải). Thiết nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà hoạ sĩ Tô Ngọc Vân chỉ vẽ đúng 7 người mà không nhiều hoặc ít hơn. Như vậy có thể suy luận rằng đến này 5.2.1940, Tự Lực Văn Đoàn chỉ có 7 thành viên, đó là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ và Xuân Diệu.[71]

clip_image032

Hình 16: Bức hoạ “Thất tinh hội bên bàn làm việc” của Tô Ngọc Vân trên Ngày Nay[72]

Dựa vào dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” trong hai ấn phẩm Thơ Thơ (15.12.1938) và Phấn thông vàng (15.2.1939) cũng như trong mẩu quảng cáo tập Thơ Thơ của Xuân Diệu trên Ngày Nay (24.12.1938) và vào bức hoạ “Thất tinh hội bên bàn làm việc” (5.2.1940) của Tô Ngọc Vân cùng với các phản biện của chúng tôi về những ý kiến trái chiều như đã trình bày trên, một lần nữa chúng tôi có thể khẳng định rằng trễ nhất là từ ngày 15.12.1938 Xuân Diệu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn, đúng như Nhất Linh đã viết trong hồi ký Đời làm báo (sau 21.7.1948 - cuối 1950) và Tú Mỡ cho biết trong hồi ký Trong bếp núc Tự Lực Văn Đoàn (12.8.1968).

Hamburg, ngày 8.3.2021

Tài liệu tham khảo

Bách Khoa, số 140, ngày 1.11.1962

Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Thế Kỷ 21, số 207, 7.2006

Đặng Trần Huân. “Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn”. Thế Kỷ 21, số 102, tháng 10 năm 1997

Đặng Trần Huân. “Xuân Diệu và Tự Lực Văn Đoàn”. Thế kỷ 21, số 112, 8.1998

Đỗ Đức Hiểu et al. Từ điển Văn học (bộ mới). Hà Nội: Thế Giới, 2004

Hoài Thanh - Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam 1932-1941. Sách in lần thứ 20. Hà Nội: Văn Học, 2000

Hoàng Đạo. Cô bé đuôi cá (dịch từ Truyện thần tiên của Andersen). Hà Nội: Đời Nay, Sách Hồng Đặc Biệt, 1944

Huỳnh Lý et al. Lịch sử văn học Việt Nam. Tập V: 1930-1945. Phần I. In lần thứ năm. Hà Nội: Giáo Dục, 1978

Khái Hưng và Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936

Khái Hưng và Nhất Linh. Anh phải sống. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1934

Khái Hưng và Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, 1934

Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936

Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1933

Khái Hưng. Trống Mái. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936

Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn). Tiếng cười Tú Mỡ. Hà Nội: Văn Hoá - Thông Tin, 2000

Ngày Nay, số 142, ngày 24.12.1938

Ngày Nay, số 143, ngày 31.12.1938

Ngày Nay, số 198, ngày 5.2.1940

Nguiễn-Ngu-Í. Sống và viết. Saigon: Ngèi Xanh, 1966

Nguyễn Thế Lữ. Mấy vần thơ. Hà Nội: Đời Nay, 1935

Nguyễn Thế Lữ. Vàng và máu. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1934

Nguyễn Thị Thế. Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường: Nhất Linh – Hoàng Đạo – Thạch Lam. Tái bản lần thứ 3. California: Văn Hoá Ngày Nay xuất bản, 1996

Nguyễn Văn Xung. Bình giảng về Tự Lực Văn Đoàn: Khái Hưng – Nhất Linh – Hoàng Đạo – Thạch Lam – Thế Lữ. Saigon: Tân Việt, 1958

Nhất Linh: Người nghệ sĩ – Người chiến sĩ (nhiều tác giả). California: Thế Kỷ, 2004

Nhất Linh. “Ký ức về đời làm báo”. Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới), số 3, 7.1985

Nhất Linh. Đoạn tuyệt. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936

Nhất Linh. Hai buổi chiều vàng. Hà Nội: Đời Nay, 1937

Nhất Linh. Tối tăm. Hà Nội: Đời Nay, 1937

Nhật Thịnh. Chân dung Nhất Linh hay Thân thế sự nghiệp Nguyễn-Tường-Tam. [California]: Đại Nam, [1982]

Phạm Thế Ngũ. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên – Tập 3: Văn Học Hiện Đại 1862-1945. Saigon: Quốc Học Tùng Thư, 1965

Phong Hoá, số 87, ngày 2.3.1934

Thạch Lam. Hà Nội băm sáu phố phường. Hà Nội: Đời Nay, Loại Quê Hương, 1944

Thạch Lam. Quyển sách. Hà Nội: Đời Nay, Sách Hồng, 1940

Thạch Lam. Theo Giòng. Hà Nội: Đời Nay, Loại Nắng Mới, 1941

Thế Lữ. Con quỷ truyền kiếp (dịch từ The Undying Monster của Jessie Douglas Kurrish). Hà Nội: Đời Nay, Loại Gió Bốn Phương, 1942

Thế Lữ. Cuộc đời ly-kỳ và gian-nan của Rô Bin Sơn (dịch từ Robinson Crusoe của Daniel Defoe). Hà Nội: Đời Nay, Sách Hồng, 1941

Thế Lữ. Mai Hương và Lê Phong. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1937

Thuỵ Khuê. “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh”. Văn Việt. 1.2.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-13/

Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

Tú Mỡ. Giòng nước ngược. Tập 2. Hà Nội: Đời Nay, 1941

Vu Gia. Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự Lực Văn Đoàn. Hà Nội: Thanh Niên, 2006

Xuân Diệu. Phấn thông vàng. Hà Nội: Đời Nay, 1939

Xuân Diệu. Thơ Thơ. Hà Nội: Đời Nay, 1938


 

[30] Phong Hóa, số 87, ngày 2.3.1934, trang 2.

[31] Trong hồi ký Đời làm báo của Nhất Linh thì ông viết là “có chân trong Tự Lực Văn Đoàn”. Thủ bút Đời làm báo.

[32] Cách viết “Trong Tự Lực Văn Đoàn” được dùng rộng rãi hơn, hầu như trong đa số tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn.

[33] Cách viết “Tự Lực Văn Đoàn” ít được phổ biến hơn, được tìm thấy trong một vài tác phẩm như Thơ Thơ (Xuân Diệu. Thơ Thơ. Hà Nội: Đời Nay, 1938) hay Giòng nước ngược (Tú Mỡ. Giòng nước ngược. Tập 2. Hà Nội: Đời Nay, 1941).

[34] Xem Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1933, trang “Xác nhận thông tin về số lượng ấn bản của nhà in Trung Bắc Tân Văn” ở cuối sách.

[35] Phong Hoá, số 87, ngày 2.3.1934, trang 2.

[36] Nhiều tác giả: Nhất Linh - Người nghệ sĩ - Người chiến sĩ; trang 232.

[37] Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1933, trang bìa.

[38] Ví dụ như các tác phẩm Khái Hưng và Nhất Linh. Anh phải sống. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1934; Nguyễn Thế Lữ. Vàng và máu. Hà Nội: Annam xuất bản cục, 1934; Khái Hưng và Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, 1934; Nguyễn Thế Lữ. Mấy vần thơ. Hà Nội: Đời Nay, 1935, v.v.

[39] Khái Hưng và Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, 1934, trang bìa lót.

[40] Khái Hưng và Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, 1936, trang bìa lót.

[41] Ví dụ như các tác phẩm Thạch Lam. Quyển sách. Hà Nội: Đời Nay, Sách Hồng, 1940. Hoàng Đạo. Cô bé đuôi cá (dịch từ Truyện thần tiên của Andersen). Hà Nội: Đời Nay, Sách Hồng Đặc Biệt, 1944; Thế Lữ. Cuộc đời ly-kỳ và gian-nan của Rô Bin Sơn (dịch từ Robinson Crusoe của Daniel Defoe). Hà Nội: Đời Nay, Sách Hồng, 1941, v.v.

[42] Ví dụ như tác phẩm Thế Lữ. Con quỷ truyền kiếp (dịch từ The Undying Monster của Jessie Douglas Kurrish). Hà Nội: Đời Nay, Loại Gió Bốn Phương, 1942, v.v.

[43] Ví dụ như tác phẩm Thạch Lam. Hà Nội băm sáu phố phường. Hà Nội: Đời Nay, Loại Quê Hương, 1944.

[44] Ví dụ như tác phẩm Thạch Lam. Theo giòng. Hà Nội: Đời Nay, Loại Nắng Mới, 1941.

[45] Ví dụ như các tác phẩm Khái Hưng – Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936; Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936; Khái Hưng. Trống Mái. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936; Nhất Linh. Đoạn Tuyệt. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1936; Thế Lữ. Mai Hương và Lê Phong. Hà Nội: Đời Nay, Sách Lá Mạ, 1937, v.v.

[46] Đặng Trần Huân. “Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn”, đăng trên Thế Kỷ 21, số 102, tháng 10 năm 1997, trang 33-54, trang 33.

[47] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/ [1.3.2021].

[48] Chú thích 20 trong bài viết “Tự Lực văn đoàn có những ai?” của Thuỵ Khuê đăng trên Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/ [1.3.2021].

[49] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

[50] Xuân Diệu. Thơ Thơ. Hà Nội: Đời Nay, 1938; trang bìa.

[51] Xuân Diệu. Thơ Thơ. Hà Nội: Đời Nay, 1938; trang bìa lót.

[52] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

[53] Ví dụ Xuân Diệu. Phấn thông vàng. Hà Nội: Đời Nay, 1939; Hoàng Đạo. Trước vành móng ngựa. Hà Nội: Đời Nay, 1938.

[54] Nhất Linh. Tối tăm. Hà Nội: Đời Nay, 1937, trang bìa lót.

[55] Nhất Linh. Hai buổi chiều vàng. Hà Nội: Đời Nay, 1937, trang bìa lót.

[56] Khái Hưng. Trống mái. Hà Nội: Đời Nay, 1936, trang bìa lót.

[57] Xuân Diệu. Phấn thông vàng. Hà Nội: Đời Nay, 1939. “Phấn thông vàng của Xuân Diệu in xong ngày 15 Février 1939 tại nhà in Ngày Nay – Hanoi”.

[58] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

[59] Ngày Nay, số 143, ngày 31.12.1938, tr. 4.

[60] Ngày Nay, số 142, ngày 24.12.1938, trang 9.

[61] Đặng Trần Huân: “Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn”, đăng trên Thế Kỷ 21, số 102, tháng 10 năm 1997, trang 33-54, trang 33.

[62] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

[63] Vu Gia: Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự Lực Văn Đoàn. Hà Nội: Thanh Niên, 2006; trang 13. Vu Gia nhận định như thế là căn cứ vào Lời khen tặng của Ban Giám khảo Giải thưởng Văn chương Tự Lực Văn Đoàn cho tác phẩm Phấn hương rừng của Mộng Tuyết nhưng suy luận này không đúng. Trong bài viết “Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn” sắp công bố, chúng tôi sẽ giải thích vì sao.

[64] Đặng Trần Huân. “Xuân Diệu và Tự Lực Văn Đoàn”. Thế kỷ 21, số 112, 8.1998, trang 61.

[65] Trang cuối Thơ Thơ (Hà Nội: Đời Nay, 1938) có ghi: “Sách in xong ngày 15 Décembre 1938 tại Trung Bắc Tân Văn, 107 Hàng Buồm Hanoi.”

[66] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

[67] Đặng Trần Huân: “Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn”, đăng trên Thế Kỷ 21, số 102, tháng 10 năm 1997, trang 33-54, trang 33.

[68] Thuỵ Khuê. “Tự Lực văn đoàn có những ai?”. Văn Việt. 22.1.2021. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/. [1.3.2021].

[69] Bức hoạ này do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vẽ, nhưng ông không đặt tên. Chúng tôi mạo muội đặt tên bức hoạ này là “Thất tinh hội bên bàn làm việc” theo cách gọi của Tú Mỡ – thành viên chính thức của Tự Lực văn đoàn – đã dùng khi nói về con số thành viên của văn đoàn mình. Xem Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn). Tiếng cười Tú Mỡ. Hà Nội: Văn Hoá Thông Tin, 2000, trang 351-390. Và tên gọi này cũng trùng khớp với 7 thành viên của Tự Lực Văn Đoàn được Nhất Linh cho biết trong hồi ký Đời làm báo.

[70] Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Thế Kỷ 21, số 207, 7. 2006, trang 62-76.

[71] Trong bức hoạ này chúng ta dễ dàng nhận ra người thứ hai (từ trái sang phải) là anh chàng thi sĩ Xuân Diệu với mái tóc bồng bềnh, mây gợn đã trở thành một nét riêng, khó nhầm lẫn được.

[72] Ngày Nay, số 198, ngày 5.2.1940, tr. 6.