Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 4)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

07 —  

Những Viên Đá Nhỏ

Dưới Chân Tôi

Từ khi đến “nhà mới”, hầu như hôm nào tôi cũng phải đi cung, trung bình ngày hai lần. Nhiều khi Thứ Bẩy, chắc mẩm được… tha, nhưng cửa buồng vẫn mở. Lại đi.

Nếu không phản đối việc xiềng xích, rất có thể đôi chân tôi không còn lành lặn hay bình thường sau bốn năm tù đày. Hơn bốn tháng biệt giam, tôi đi cung hàng chục lần.

Đinh Trọng Chiềm thường cung tôi cùng với ít nhất một đồng nghiệp. Hôm nay, hắn đến một mình. Không thấy vẻ khó đăm đăm thường ngày trên khuôn mặt. Thay vào đó là sự vui tươi khá tự nhiên.

Hai sự lạ hắn mang theo làm tôi cảnh giác.

- Chị Nghiên nhớ hôm nay ngày gì không?

Hắn hỏi nhưng không nhìn người đối diện, tay lôi ra từ chiếc cặp đựng hồ sơ một cuốn sách khá dày.

- Hôm nay không phải ngày sinh nhật của tôi.

Tôi đáp, vẻ mỉa mai, dù tôi không có ý đề cao mình. Chỉ muốn Chiềm hiểu tôi chẳng bận tâm gì về chuyện ngày tháng khi ngồi trong tù, vậy thôi.

- Tất nhiên rồi. Sinh nhật chị vào tháng sau. Hôm nay Ngày Phụ Nữ Việt Nam.

Tôi định nói với hắn tôi không quan tâm đến những ngày lễ kỷ niệm của cộng sản. Song lại thôi. Không nhất thiết phải gây căng thẳng.

- Hôm nay không cung cán gì hết. Tôi vào trước hết chúc mừng chị nhân Ngày Phụ Nữ Việt Nam. Lẽ ra phải có hoa nhưng ở hoàn cảnh đặc biệt này, tôi không được phép làm điều đó. Tôi sẽ tặng chị một món quà. Chị chọn đi!

Vừa nói, Chiềm vừa đẩy cuốn sách về phía tôi.

Không hiểu sao, thay vì nên vui, tôi lại thấy hơi khó chịu. Tôi cũng không biết chắc mình đang khó chịu về điều gì. Về việc Chiềm không phân biệt được tôi không có nhu cầu phải vui như những phụ nữ cộng sản khác trong ngày lễ 20/10, hay việc hắn đột xuất vui vẻ, thậm chí ra chiều rộng lượng vì nghĩ tôi sẽ nảy sinh sự nể nang để khỏi gay gắt với hắn trong các lần đi cung sau đó? Hoặc đơn giản là tôi đã quen với thái độ cau có của Chiềm thường ngày.

Tôi miễn cưỡng giở cuốn sách ra xem. Là tuyển tập ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cảm giác khó chịu ban nãy vơi dần. Song tôi không thấy xúc động chút nào.

- Anh còn biết gì về tôi nữa?

Tôi hỏi, vẫn bằng giọng lạnh nhạt, tay không ngừng lật giở những trang sách.

- Chị thích nhạc Trịnh, thơ Nguyễn Bính, mê bóng đá, thích ăn món ốc luộc và đặc biệt, chị...khóc rất dai.

Tôi rời mắt khỏi cuốn sách, nhìn hắn và thấy cuộc trò chuyện bắt đầu thú vị.

- Anh làm tôi thấy hứng thú đấy. Nhưng hình như tôi chưa bao giờ khóc trước mặt các anh thì phải.

- Thì tôi có nói chị khóc trước mặt chúng tôi đâu.

Hắn ngừng một lúc rồi nói tiếp:

- Trong đám tang chú chị và trong các cuộc biểu tình.

Tôi cười, giọng buồn hơn là mỉa mai :

- Đúng là khác nhau thật. Tôi khóc trong các cuộc biểu tình yêu nước, còn các anh thì không. Các anh có việc khác để làm.

Chiềm lảng đi. Lúc này thì tôi tin rằng hôm nay hắn không đến để gây sự.

- Chị chọn đi. Tôi sẽ hát tặng chị một bài.

Hắn tỏ ra nhiệt thành, có phần nhún nhường.

- Anh đừng làm tôi thích anh đấy. Mà anh đã bao giờ làm việc đó chưa? Hát cho chính người bị anh bắt vào tù nghe ấy? Tôi giễu cợt.

- Chưa, đây là lần đầu tiên.

Chiềm trả lời, cố ra vẻ tự tin.

- Anh hát bài Hạ Trắng đi. Tôi muốn nghe bài đó.

- Tôi sẽ hát tặng chị bài Hạ Trắng. Nhưng trước khi hát, tôi sẽ đọc cho chị nghe một bài viết về Trịnh Công Sơn của một người chị rất quý trọng, ông Vũ Thư Hiên.

Tôi hơi giật mình. Hắn còn biết mình quý trọng bác Vũ Thư Hiên cơ đấy.

- Anh đọc đi. Nếu còn dư thời gian, hãy đọc cho tôi nghe một đoạn bất kỳ trong Đêm Giữa Ban Ngày nhé.

Im lặng trước đề nghị mỉa mai của người đối diện, Chiềm bắt đầu đọc. Tôi phục hắn. Tôi không tìm thấy vẻ khó chịu hay trịch thượng trên khuôn mặt thường thấy của hắn. Bài viết kết thúc. Tôi trả lại Chiềm cuốn sách.

Hắn nói không thuộc lời, phải nhìn mới hát được.

Tôi tránh không nhìn thẳng vào mặt Chiềm để hắn ta tự nhiên. Mọi việc Chiềm làm đều không nằm ngoài nhiệm vụ. Nhưng tôi vẫn muốn coi đó là thiện chí và tôi nhận nó.

Hắn hát xong, cố tỏ ra tự nhiên nhưng không giấu được vẻ bối rối. Mặt đỏ lựng, hắn đưa tay gãi đầu:

- Chị thấy tôi hát thế nào?

-Cảm ơn anh về món quà. Nhưng nói thật, anh hát không … hay lắm. Giọng anh run.

- Tôi run vì người tôi hát cho nghe là chị.

- Vậy tôi phải hiểu tôi đang là người may mắn ?

Tôi đáp lại. Nhưng có lẽ Chiềm nghĩ đó là vẻ bướng bỉnh phụ nữ hơn là sự thách thức của một người đối lập.

Dường như thấy cần trả đũa tôi một điều gì đó — để khỏi thiệt —, hắn cười khinh khỉnh, buông một câu:

- Mà chị biết gì về gia đình nhà Vũ Thư Hiên, chị tưởng nhà ấy hay hớm lắm hả?

Tôi đốp luôn, cáu giận thật sự:

- Này anh, anh và cả cái đảng của anh không có tư cách để nói về gia đình cụ Huỳnh. Tôi cấm!

Tôi cứ tưởng Chiềm sẽ đôi co với tôi đến cùng.

Nhưng không, anh ta im lặng. Tôi cũng không muốn kéo dài cuộc đối thoại. Chiềm giữ đúng lời hứa, “hôm nay không hỏi cung gì hết.” Anh ta đưa tôi trở lại buồng giam.

Tôi phát hiện Chiềm rất thích lối đối thoại theo kiểu ngôn ngữ kịch. Không ít lần hắn cố tạo ra tình huống để được diễn vai người thông minh, cao thượng, lịch lãm. Đúng là cũng có nét thú vị. Nhưng tôi chưa bao giờ đánh giá cao hay thoải mái khi làm việc với hắn. Chiềm luôn vác khuôn mặt khó đăm đăm, đôi chân mày rậm, hơi một tí là cau lại. Khi hắn cười, gương mặt khác hẳn. Trông hắn hiền và dễ gần hơn. Có lần tôi khuyên hắn nên cười nhiều hơn để người khác bớt ghét. Hắn tức. Thi thoảng tôi và hắn hay gây sự với nhau về chuyện vặt vãnh như thế.

Không biết đúng sai thế nào nhưng tôi nhận thấy hắn là người hơi bất thường hơn là nham hiểm. Và tôi có cảm giác là dù có muốn Chiềm cũng không giấu được tính khí của mình. Nhiều lần Chiềm thao thao bất tuyệt về sự ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, không giấu vẻ hãnh diện được phụng sự chế độ. Và Chiềm, ít khi bỏ qua cơ hội hạ thấp hoặc miệt thị người khác. Hắn thuộc hình mẫu cán bộ nhiệt tình cách mạng, cứng nhắc và háo thắng. Đối với tôi, Đinh Trọng Chiềm là người thiếu tự trọng, nguyên tắc và hơi quê mùa, vừa đáng thương vừa đáng ghét.

Lần khác, Chiềm lại đến một mình. Khoe từ giờ trở đi hắn sẽ chịu trách nhiệm chính phần hỏi cung tôi. Ai cũng là một bọn cả. Nhưng nếu được quyền, tôi sẽ không chọn hắn. Hắn làm tôi khó chịu ngay khi hắn tỏ ra lịch sự và nhường nhịn tôi. Chiềm bắt đầu, giọng khá chịch thượng:

- Anh rể chị đã khai việc anh ấy mua điện thoại hộ chị. Giờ chỉ chờ chị thành khẩn thôi. Chị hãy kể chi tiết việc nhờ anh Bình mua điện thoại như thế nào?

- Thứ nhất, anh rể tôi không có phận sự phải “khai” bất cứ điều gì với các anh vì dù có mua điện thoại giúp tôi đi chăng nữa, điều đó cũng không vi phạm pháp luật. Thứ hai, chính tôi không có nghĩa vụ phải nói cho các anh biết bất cứ chuyện gì nếu tôi không muốn. Các anh giỏi lắm mà, sao không tự đi tìm hiểu?

- Nếu chị chưa muốn khai việc anh Bình mua điện thoại, có thể trình bày việc chị Phượng chở chị đi mua vải về để dán khẩu hiệu cũng được.

Tôi chợt nghĩ đến người chị thứ tư của mình, cùng mọi người trong nhà mà không khỏi xót. Không biết gia đình tôi có thể qua được cơn sóng gió này không? Mẹ, các anh chị, thậm chí các cháu tôi đang còn nhỏ có thể đã bị biến thành “bị can” trong các cuộc thẩm vấn của đủ loại công an. Khác là họ không phải “ăn cơm cân mặc áo số” như tôi mà thôi. Tôi im lặng. Hắn tức.

- Chị đã vào đây rồi, mọi chuyện đều mang tính bắt buộc chứ không phải chị cứ thích là được. Chị tưởng chị giỏi lắm à? Chị tưởng chị nổi tiếng lắm à? Cho chị biết, tôi còn nổi tiếng hơn chị nhiều. Hồi tôi học cấp ba, trường năng khiếu Trần Phú, tôi từng được đi gặp chủ tịch nước đấy. Ngày ấy mọi người đã biết tôi. Chị chưa là gì cả đâu.

Tôi phì cười:

- Ơ anh này hay nhỉ, tôi có nói tôi nổi tiếng đâu. Vả lại anh nổi hay không nổi liên can gì tới tôi. Anh làm tôi buồn cười đấy.

Hắn bắt đầu giở giọng đe dọa:

- Nếu chị không muốn người thân bị liên lụy, tốt nhất hãy trình bày rõ cho tôi biết. Chị nhờ anh Bình đi mua điện thoại bao giờ, ở đâu, với mục đích gì?

Tôi trả đũa:

- Mấy hôm trước, anh nhờ vợ anh mua rượu ở đâu, anh uống với mục đích gì?

Hắn giơ tập tài liệu lên, mắt trợn trừng, mặt đỏ gay:

- Tiếc rằng chị không phải là “thường phạm”, nếu không thì hôm nay cả cái này đã vả vào mặt chị rồi.

Nhìn phản ứng của hắn, tôi biết Chiềm tức giận thế nào sau câu đáp của tôi. Nhưng tôi không định dừng lại:

- Hóa ra, các anh thường dùng vũ lực khi hỏi cung người khác. Tôi không ngạc nhiên về việc này. Anh có thể làm việc đó ngay với tôi nếu thấy cần. Tuy nhiên, rất sớm anh đã cho tôi cơ hội nhìn rõ con người anh.

Mặt cau lại, tia mắt đỏ ngầu, dồn hết tức giận nhìn tôi. Tôi nhìn hắn, bằng sự điềm tĩnh và đắc thắng, sẵn sàng đón nhận một phản ứng ghê gớm hơn từ kẻ đối diện.

Chiềm bỏ ra ngoài. Một lúc hắn trở lại sau khi đã chế ngự được cơn giận dữ. Cuộc hỏi cung tiếp tục bằng những chuyện không liên quan tới chiếc điện thoại.

Hắn đưa tôi đọc lại biên bản hỏi cung trước khi ký:

- Tôi không ký được.

Chiềm ngạc nhiên, vẻ khó chịu:

- Vì sao chị không ký?

- Vì anh ghi không trung thực. Tôi không hề thoải mái nhưng anh lại ghi phần trả lời của tôi là “tôi thấy thoải mái trong buổi làm việc ngày hôm nay.” Thậm chí tôi còn thấy anh có ý định hành hung và ép cung tôi.

- Bây giờ chị muốn gì? 

Tôi biết mình đang chiếm ưu thế. Một kẻ háo thắng và kiêu ngạo như Chiềm ít khi tỏ ra nhượng bộ hoặc xuống nước như vậy.

- Muốn anh ghi trung thực, thế thôi. Tôi có thể bỏ qua cho anh chuyện anh đe dọa tôi. Nhưng ký biên bản với từ “thoải mái”, thì không.

Đinh Trọng Chiềm miễn cưỡng viết lại. Hôm nay, thật sự là một thử thách với hắn. Và nặng trĩu với tôi.

Trước khi ký bản cung, bao giờ tôi cũng đọc kỹ nội dung và không quên ghi ở cuối biên bản dòng chữ: “Tôi đứng ngoài tất cả các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội.” Tôi coi đó là nguyên tắc làm việc trong thời gian ở tù của mình. Bọn điều tra viên thi thoảng lại cười khẩy, hoặc cố tình khiêu khích khi ngồi chờ tôi ký tên sau dòng chữ ấy. Tôi mặc kệ, chẳng hơi đâu đôi co với họ.

Tôi vừa ký tên xong, chỉ chờ có thế, Chiềm đã giựt phắt cây bút trên tay tôi. Chẳng cần biết phép tắc, lịch sự là gì, hắn cũng vội vã thu luôn bản cung mà không đợi tôi đẩy về phía hắn như mọi khi. Rồi cho ngay vào cặp mà không thèm đọc lại — hắn đọc lúc tôi đang viết rồi. Hắn làm những việc đó trong vẻ cáu giận, bực tức.

Chiềm đứng dậy, bước ra khỏi buồng cung.

Tôi tưởng hắn cứ thế đi mà không thèm canh tôi.

Nhưng hắn chờ ở cửa.

Tôi lại đi trước, hắn theo sau như mọi lần đi cung khác. Đấy là quy định chung trong việc dẫn giải. Tôi vẫn chưa quen với việc phải đi chân đất nên không đi nhanh được. Nó đau, nhất là khi giẫm phải những viên đá nhỏ.

Tôi mỉm cười một mình. Và hình dung ra vẻ mặt cau có của Chiềm ở sau lưng mình.

08 —

Nhớ Rừng!

Tôi Đáp Khách Đành Lơ

Sau hôm Chiềm giơ tập tài liệu lên đe tôi, số lần hắn đến gặp tôi trong tù ít hẳn. Thay vào đó là Nguyễn Thành Dương, cộng sự của hắn. Tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu lý do. Mặc kệ. Việc của mình là ở tù. Tuy không thích Chiềm, ít ra tôi cũng không phải đề phòng hắn.

Nguyễn Thành Dương khác hẳn. Nhã nhặn, lịch sự, thông minh. Làm việc với Dương, tôi thấy thoải mái hơn, nhưng vẻ thông minh của anh ta luôn nhắc tôi thận trọng.

Dương bằng tuổi tôi. Anh ta có khuôn mặt sáng, khá điển trai, trông cũng thiện. Song tôi chưa bao giờ vì vẻ bề ngoài của anh ta mà cho rằng Dương khác tất cả các công an còn lại trên đất nước này. Tôi chỉ đơn giản nghĩ, muốn tử tế và trong sạch, muốn đứng ngoài việc phạm mọi tội ác, thì không vào ngành công an. Tôi không nghĩ oan cho Dương. Anh ta cũng đi cung một chị án kinh tế, cùng buồng tôi. Chị này chỉ hơn tôi và Dương mấy tuổi, nhưng đã có cháu ngoại. Chị ta kể, Dương xưng anh với chị ta ngọt sớt. Và ra giá chạy án rất dứt khoát, không vòng vo. Chị ta bảo: “Thằng điều tra ấy nó cứ nói trắng phớ số tiền ra như thế, mình đỡ phải mất thời gian mò mẫm. Nhưng giá ấy đắt quá, sợ lão chồng không chịu được nhiệt.”

Ngoài lúc hỏi cung, tôi và Dương thi thoảng cũng nói chuyện phiếm — đôi khi là cái cớ để đả phá nhau.

Sáng tháng Mười hôm ấy, trời se lạnh.

Lâu rồi, kể từ ngày bị bắt tôi mới có cảm giác thư thái, dịu nhẹ như thế len lỏi trong tâm hồn.

Dương đứng đợi tôi ở cổng khu biệt giam. Anh ta nở nụ cười chào tôi. Tôi cũng gật đầu chào lại. Tôi đi trước, thong thả để đôi chân không dép cảm nhận vẻ khác lạ của nền đường đã bớt vẻ bỏng rát mấy hôm trước.

Dương chầm chậm bước theo sau. Chúng tôi qua các dãy buồng giam kín mít. Thỉnh thoảng thấy vài con chuột cống to lù, bò trên các xô cơm đặt trước cửa buồng giam. Hôm nay phát cơm sớm mà cai tù chưa mở cửa để tù xách cơm vào buồng. Tôi tự giễu thầm mình: “Mẹ kiếp, hàng ngày mình vẫn ăn thứ cơm ấy. Ăn ngon lành.”

Buồng cung nào cũng bụi bặm và bẩn thỉu. Tôi không bao giờ bắt đầu cuộc làm việc nếu chỗ ngồi không sạch sẽ. Dương biết nguyên tắc đó nên ngày nào anh ta cũng chuẩn bị cho tôi vài mẩu giấy để lau bàn ghế với một tờ phê đúp lót chỗ ngồi. Anh ta từ chối, không muốn tôi lau mặt bàn phía anh ta. Không biết do ngại, hay tiếc thời gian hỏi cung. Từ ấy, tôi chỉ lau phía bên mình ngồi.

Một lần, Dương khiến tôi ngạc nhiên và hơi ngượng khi anh ta không ngần ngại lấy lại tờ giấy tôi vừa lót ngồi, gấp cẩn thận cho vào cặp. Thái độ rất tự nhiên, anh ta bảo “Tiết kiệm, mai tôi lại mang cho chị. Khi nào nó bẩn thì thay tờ mới.” Tôi quen dần với cách xử sự đó của Dương. Và cố gắng để không nghĩ về cử chỉ ấy.

Buổi hỏi cung không có gì đặc biệt. Tôi chỉ đọc lại mấy bài từ bản in anh ta mang tới, rồi ký tên xác nhận là tôi viết. Tôi nhận ra Dương ưa nói chuyện ngoài lề hơn. Cất tài liệu vào cặp, anh ta nhìn đồng hồ, gợi chuyện:

- Vẫn sớm.

Không thấy tôi đáp lại, anh ta tiếp tục:

- Chị thích bài thơ nào nhất của Nguyễn Bính?

- Lỡ Bước Sang Ngang, Giấc Mơ Anh Lái Đò, Tương Tư, Gửi Chị Trúc và một số bài khác.

Tôi đáp, không mấy nhiệt tình.

- Chị biết bài Thư Gửi Thầy Mẹ chứ?

Tôi hơi chột dạ. Bài này hình như tôi mới đọc một lần. Và không nhớ câu nào.

- Anh đọc tôi nghe xem nào?

Tôi đề nghị, cố không để Dương thấy vẻ bối rối.

- Để tôi đọc cho chị nghe. Bài này rất hay mà chị lại không thuộc!

Tôi chả buồn cãi lại. Anh ta rời ghế, bắt đầu đọc:

Ai về làng cũ hôm nay

Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.

Rồi dừng lại đột ngột, anh ta hỏi:

- Chị có muốn chép lại không?

Tôi hơi bất ngờ trước phản ứng của anh ta. Nhưng qua hai câu thơ anh ta đọc, tôi đoán được Dương đang diễn trò gì. Tôi cũng chuẩn bị cho mình một vai diễn:

- Anh đọc cho tôi chép nhé. Tất nhiên là anh phải cho tôi cả giấy bút nữa.

- Tôi sẽ đọc chậm cho chị chép, nhưng xong thì để tôi giữ chứ chị không được mang vào buồng đâu.

- Chép xong không được mang vào đọc cho thuộc thì chép làm gì ?

Tôi làm ra vẻ nhiệt thành.

- Nội quy là không được mang giấy bút vào buồng giam. Chị biết điều ấy mà. Thôi cứ chép ra đọc rồi lần sau đến tôi lại đưa cho mà xem lại.

Dương vừa nói, vừa lấy giấy bút đưa cho tôi.

Anh ta đọc bằng giọng khá truyền cảm. Tôi cặm cụi ngồi chép. Thi thoảng còn làm ra vẻ nghe không rõ để yêu cầu Dương đọc lại một số chữ.

Ai về làng cũ hôm nay,
Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

Đọc đến đây, Dương dừng lại. Không ngước nhìn nhưng tôi biết anh ta đang quan sát tôi. Tôi vẫn vô tư ghi ghi chép chép, như không nhận ra ẩn ý bài thơ và ý đồ của anh ta. Dương tiếp tục. Tôi nhẫn nại chép hết bài thơ:

Con đi năm ấy tháng Tư,
Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng Ba.
Con đi quạnh cửa quạnh nhà,
Cha già đập lúa, mẹ già giữ rơm.
Cha giậm gạo, mẹ thổi cơm,
Có con, con vắng, ai làm thay cho.
Con dan díu nợ giang hồ,
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu niên,
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh.
Lại mang ân ái vào mình,
Cái yêu làm tội làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần,
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
Mẹ cha thì nhớ thương mình,
Mình đi mình nhớ người tình xa xôi...
Ở thư nầy thầy mẹ ơi,
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm.
Xin thầy mẹ cứ yên tâm.
Đừng thương nhớ, một vài năm con về.
Thầy ơi đừng chặt vườn chè,
Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng...
Nhớ thương thầy mẹ khôn cùng,
Lạy thầy, lạy mẹ, thấu lòng cho con.

Tôi chợt thú vị với ý nghĩ Dương đã tốn công học thuộc bài thơ để diễn trò với tôi. Anh ta chắc hả hê lắm khi tưởng tượng ra cảnh tên phản động cứng đầu là tôi tối sầm mặt lại sau cú đánh trời giáng của anh ta mà không ú ớ nổi câu nào. Bài thơ chấm dứt, anh ta tấn công luôn:

- Chị có thấy bài thơ này đặc biệt không?

Thay vì trả lời, tôi hỏi lại Dương:

- Anh thấy nó đặc biệt ở chỗ nào?

- Bài thơ rất hợp với hoàn cảnh của chị. Nhất là nhân vật người con. Tôi thấy bóng dáng của chị và mẹ chị trong ấy. Nhất là câu ”Thầy mẹ ơi thầy mẹ ơi. Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư”.

Dương trở lại vị trí ngồi đối diện với tôi.

Anh ta cười, vẻ khinh khỉnh.

- Vì anh đã đọc thơ cho tôi nghe, nên tôi cũng sẽ đáp lễ anh bằng một bài thơ cho phải phép.

Dương trông chờ một phản ứng khác, chứ không phải một thái độ điềm tĩnh mỉa mai như thế.

- Bài Nhớ Rừng của Thế Lữ, chắc anh còn nhớ chứ?

Không đợi Dương kịp phản ứng, tôi đọc to:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. 
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ, 
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
”.

- Chị thôi đi!

Không chịu được nữa, Dương gầm lên.

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, mặt đanh lại:

- Đấy mới là hình ảnh của tôi, anh hiểu chưa?

Máu dồn lên mặt tôi nóng bừng. Tôi ngẩng đầu, kiêu hãnh nhìn anh ta lúc này đã đứng bật dậy khỏi ghế. Tôi chưa thấy Dương như thế bao giờ. Anh ta trừng mắt nhìn tôi. Tôi cũng nhìn lại, vẻ đắc thắng hơn là tức giận.

Hai bên nhìn nhau như thế mấy giây đến khi anh ta từ từ ngồi xuống. Dương cười khẩy, vẻ đểu giả hiếm thấy Đó là cách anh ta chế ngự cơn giận, kết thúc không khí căng thẳng khi đối phương không có ý dừng lại.

- Chị cũng thú vị đấy. Để xem chị sẽ còn hiên ngang được bao lâu.

- Anh thật khéo đùa.

Tôi bông phèng. Trên đường trở về từ buồng cung, chẳng ai nói với ai câu nào. Luyến đã cơm nước sẵn sàng đợi tôi. Hình ảnh mấy con chuột cống bò trên xô cơm tù tôi gặp trên đường đi cung, ít nhiều khiến tôi lợm giọng.

Tôi kể chuyện ấy cho Luyến nghe, cô nàng bảo:

- Chị cứ vô tư ăn đi, bao giờ em cũng hớt phần cơm phía trên vãi ra sân cho chim ăn. Mình ăn phần dưới. Cụ bọn chuột cống cũng không mò xuống chỗ ấy được đâu.

Nghe cũng bùi tai. Vả lại hôm nay có món “dưa tù” đặc biệt do Luyến muối, ngon miệng, tôi chén hết bay ba bát cơm. Món dưa tù mà những ngày đầu trông Luyến làm, tôi thấy ghê ghê, giờ thì nghiện. Hàng ngày, tôi và Luyến chụm đầu vào bát rau muống luộc, ngắt riêng phần lá dùng ngay cho bữa cơm. Phần cọng cho vào muối dưa. Chúng tôi hòa nước lã — làm gì có nước đun sôi nên dùng nước lã — với ít muối, cho mấy nhánh tỏi rồi thả phần cọng rau muống luộc vào. Đậy nắp kín chờ hai hôm sau nó chua là ăn được. Rồi cứ cái nước chua ấy, dùng muối dưa đợt sau. Có hôm rau ít, lơ thơ vài cọng chỏng vó trong bát nước đen ngòm. Không bõ công nhặt. Nhìn chẳng buồn ăn. Như mọi tối, nhà hàng xóm lại còi sang. Bên ấy hai người ở, Long và Hùng. Suốt bốn tháng ở khu biệt giam, tôi chưa thấy anh Long đi cung lần nào. Hùng đi một lần. Lần thứ hai thì chuyển đi hẳn. Nghe nói chuyển lên buồng chung, ở với mấy chục người tù khác.

Qua những câu chuyện mà chúng tôi phải gân cổ kể cho nhau nghe, tôi biết anh Long sinh năm 1957. Hơn tôi những hai mươi tuổi. Phải gân cổ, nói thật to thì bốn đứa tù ở hai buồng giam cạnh nhau mới nghe được.

Tôi không biết các chuyện đời bạn tù kể cho mình nghe có thật như thế không. Chẳng có gì để kiểm chứng. Vả lại, điều ấy không cần thiết. Cái mà người tù cần, là tiếng người. Tiếng người, là thứ duy nhất dội vào tâm khảm để biết mình đang sống, đang ở đâu. Không có tiếng người, tôi lại rơi vào khoảng không vô tận của im lặng. Thứ im lặng dệt bởi âm thanh côn trùng và tiếng lê xiềng của người tù nào đó đi ngang qua khu biệt giam.

Anh Long, tên đủ là Hoàng Thanh Long. Anh tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp, khoa Văn thì phải, tôi nhớ mang máng. Làm cơ quan nhà nước một thời gian, chán nên bỏ. Tôi hỏi vì sao, anh nói “Chế độ thối, thời những thằng đểu lên ngôi, không thích phục vụ chúng, thì bỏ. Thế thôi, em.” Anh Long bảo, đời có nhiều cái oái oăm. Oái oăm nên anh mới trở thành một tay buôn ma túy.

Tôi không thích cách anh lý luận “thà làm thằng buôn ma túy còn hơn phục vụ cho chế độ đểu cáng này.” Với tôi, từ chối phục vụ cho chế độ đểu cáng bằng con đường làm ăn bất chính, chẳng khác chọn một sự đểu cáng khác. Sự hủy diệt nào cũng là hủy diệt. Nhưng tôi vẫn quý anh Long, quý cái tình người trong chốn tù ngục.

Tôi kể chuyện đọc thơ trong cuộc hỏi cung. Anh Long cười, ngẫu hứng đọc ngay bốn câu thơ tặng tôi:

Vào đông tôi gặp một khách thơ

Buồng cung khách hỏi rất ngu… ngơ:

Thư gửi thầy u”—  có gì trăn trở?”

Nhớ Rừng”—  tôi đáp, khách đành lơ”.

Anh Long còn nhắc, sau chữ “ngu” phải để dấu ba chấm rồi mới thêm chữ “ngơ” vào, ý nói thằng điều tra viên “ngu.”  Gớm, ông bạn tù hàng xóm cũng thích chơi chữ cơ đấy.

09 — 

Chuyển Trại

Kỷ niệm 65 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền –

10/12/1948

Ngày Tù Nhân Lương Tâm VN  – 10/12/2013

Và Ngày Ra mắt Mạng lưới Blogger Việt Nam

Xin dành tặng những chiến sĩ dân chủ, đã và đang phải sống trong ngục tù CS vì Lý Tưởng Tự Do và Khát Vọng Nhân Quyền, nhất là để tưởng nhớ đến người tù lương tâm Bùi Đăng Thủy vừa qua đời trong nhà tù Xuân Lộc.

Trời chưa sáng, tiếng mở cửa làm mọi người choàng tỉnh: Đi trại! Cả buồng giam nhốn nháo, hồi hộp.

Viên công an cầm danh sách và bắt đầu đọc tên. Anh ta làm việc đó ngay khi đồng nghiệp vừa mở cửa. Tù không có quyền — chứ không phải không kịp — đánh răng rửa mặt trước khi đi. Mọi thứ phải luôn sẵn sàng để khi có chuyến đi trại chỉ việc mang theo, bởi đó là những chuyến đi không báo trước.

Đồ dùng cá nhân như quần áo, bát, thìa, ca cốc — bằng nhựa —, băng vệ sinh, kém đánh răng, dầu gội đầu... đã được sắp xếp trong một bao dứa gọi là “túi nội vụ” mua trong trại tạm giam. Người án ngắn cũng như án dài, thậm chí chung thân chỉ duy nhất một túi đó mà thôi. Trừ những người đang chờ phiên phúc thẩm hoặc chưa hết thời hạn mười lăm ngày chống án, còn lại không cần chờ đọc tên, ai cũng tự giác ôm sẵn “túi nội vụ” để bước ra ngoài sau tiếng “” nếu cán bộ đọc tên mình. Người tù nào cũng mong được rời trại tạm giam để lên trại cải tạo, dù vẫn là nhà tù nhưng thoát cảnh bó gối ngồi một chỗ. Không ít người lỡ chuyến đi, buồn bã trở vào cất nội vụ đợi chuyến sau. Nhưng mất công một chút còn hơn bị xúc phạm, trách phạt. Thấy tôi vẫn...bình chân như vại, mấy chị sốt ruột thay:

- Ơ! Thế cứ ngồi lỳ ra đó à? Định không lên trại à? Nội vụ đâu chị xách ra cho?

Tôi thản nhiên đáp:

- Em không đi Xuân Nguyên () đâu, em đi Thanh Hóa và sẽ đi một mình một chuyến. Rồi các chị coi.

Bạn tù nhìn tôi như nhìn một đứa hoang tưởng. Nhưng ai cũng bận nên chẳng buồn hoạnh họe lại.

Trời vẫn chưa sáng hẳn. Đã hết tiếng ồn ào, hết cảnh nhốn nháo. Còn lại mấy người tù chúng tôi, hụt hẫng và trống trải. Không ai ngủ lại được nữa. Chỉ ít hôm nữa thôi, buồng giam sẽ đông đúc lại với các tù mới. Người ta nói đây là bến tạm. Một bến tạm không ai muốn dừng chân. Nhưng Ngân () mừng ra mặt, thấy tôi ở lại:

- May quá, Nghiên không phải đi đợt này. Chỉ lo Nghiên phải đi.

- Ngân không cho Nghiên đi, muốn Nghiên chịu khổ ở đây à?

Đó là người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó. Trong một cơn ghen, Ngân đã cầm dao chém chồng — nghe nói hàng chục nhát — cho tới chết. Cô không giống một tên sát nhân hay một kẻ đang sám hối giả tạo. Thật khó diễn tả, nhưng chúng tôi đã chứng kiến những tháng ngày day dứt của Ngân khi còn ở chung trại tạm giam. Không cam chịu bản án mười chín năm tù, Ngân viết đơn kháng án và đang chờ phúc thẩm. Không hiểu sao Ngân thương quý tôi đến thế, bất chấp sự cấm đoán. Đôi khi, sự quan tâm thái quá của cô làm tôi khó chịu. Nhưng tôi thương Ngân thật sự. Phần vì cuộc đời lương thiện và bất hạnh của cô, phần vì sự chân thành mà cô dành cho tôi. Chúng tôi, ngoài sự thương quý còn là lòng biết ơn dành cho nhau.

Tôi không kháng án, nhưng cũng phải ở lại buồng này hai tháng mười ngày kể từ sau phiên xử 29/1/2010 trong khi nhiều người ra tòa sau tôi đã lần lượt đi trại. Linh cảm của một tù nhân chính trị mách bảo tôi sẽ bị đưa tới Trại giam số 5, Thanh Hóa nơi đang giam giữ người đồng đội của tôi, luật sư Lê Thị Công Nhân. Nhưng họ sẽ không bao giờ cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ dù là trong nhà tù. Tức là, phải chờ Công Nhân hết án, họ mới chuyển tôi đến.

Sáng sớm hôm sau, tôi đi thật.

Tất cả mọi người đều không hiểu vì sao lại bị dựng dậy trong lúc này. Người nọ ngơ ngác nhìn người kia: mới có chuyến đi trại hôm qua mà!

- Các chị cứ ngủ, mình em đi thôi.

Tôi nói, giọng bình thản.

Lần thứ ba trong thời gian tạm giam, tôi bỏ lại sau lưng những khuôn mặt buồn lo, thương cảm. Lần đầu, khi tôi đi biệt giam. Lần thứ hai, khi tôi ra tòa. Và hôm nay. Tôi nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe trong vẻ rầu rĩ và lo lắng của Ngân. Vài giọt nước mắt dù cố giấu vẫn thấy rơi trên gương mặt chị Hiền, chị Tâm. Những chị em mà rất có thể, sẽ không bao giờ còn gặp lại. Tôi cảm ơn mọi người. Và đi.

Dù rất quý vốn “tài sản” đã dùng trong mười tám tháng và sẽ gắn bó thêm hai năm rưỡi nữa nhưng tôi vẫn không đủ sức mang vác cái túi nội vụ cộng với một “cặp vợ chồng nhà xô chậu” trên cơ thể nặng chưa đầy bốn mươi ký. Tôi phải kéo lê chúng từ buồng giam ra cổng. Nhớ ra cặp kính cận, vật bất ly thân của tôi vẫn đang nằm trong phòng làm việc của người cai ngục. Tôi lại đứng chờ người dẫn giải trở vào lấy. Ít phút sau, cái kính được trả về với đôi mắt của tôi. Từ giờ, tôi và nó chắc không phải gặp nhau định kỳ như trong thời gian tạm giam nữa, tức là chỉ khi đi cung mới được đeo, còn thì phải gửi lại chỗ cai tù.

Đây là lần thứ hai tôi bị xiềng chân. Đến lúc này, tôi cũng không hiểu vì sao tôi không phản đối. Tôi không thấy bị thôi thúc bởi lòng kiêu hãnh. Không thấy thương hại mình. Không có một ý niệm gì hết. Tôi để người ta xiềng chân mình trong một trạng thái dửng dưng. Lúc đó, hình như tôi không nhớ tôi là một người tù chính trị và phải bảo vệ nhân quyền của mình trước sự vi phạm trắng trợn.

Bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi chỉ có thể lý giải khi đó, tôi đã bị chai sạn hoặc trở nên dễ dãi, thậm chí có dấu hiệu mệt mỏi sau mười tám tháng sống cuộc sống không hẳn dành cho con người. Và buộc phải chống chọi với những kẻ coi tôi là kẻ thù. Họ là những điều tra viên, những kiểm sát viên, người của tòa án. Cả những người mà đến nay tôi chỉ được biết một cách mơ hồ qua lời giới thiệu mập mờ của điều tra viên với từ “cấp trên.”

Đó là những cuộc gặp gỡ, những lần hỏi cung kéo dài hàng giờ đồng hồ với bẩy tám chục lần tất cả. Những khổ ải của biết bao thân phận tù nhân cũng làm tôi bị ám ảnh. Tôi chỉ có mong muốn duy nhất là thoát khỏi nơi khỉ gió này càng nhanh càng tốt. Mong muốn đó mạnh hơn ý chí phản kháng của tôi lúc bấy giờ. Chưa được tự do nhưng ít nhất, cũng thoát khỏi cái chỗ “chết tiệt” này dù là để đến một nơi thực sự là nhà tù trong chiếc xe thùng kín mít suốt chặng đường dài với mấy giờ đồng hồ di chuyển.

Tôi đã xỏ bốn đôi tất phần vì lạnh, phần để khỏi bị đau chân. Vậy mà vẫn như bơi trong đôi giày ba-ta. Trời vẫn tối. Tôi lọ mọ soạn sẵn đống túi ni-lông phòng khi bị nôn. Đối với người mắc chứng say xe thì đi ôtô thực sự là điều khủng khiếp.

Áp giải tôi có ba người. Ngoài người lái xe còn hai người khác. Một người trung niên và một người trạc tuổi tôi. Anh chàng trạc tuổi tôi ghé mặt sát tấm lưới, vật ngăn cách người tù với người dẫn giải, bắt chuyện:

- Chị có lạnh không?

- Cũng lạnh anh ạ. Nhưng không sao.

- Thế chị tội gì?

- Tội nói thật.

Tôi trả lời cộc lốc.

- Chị vui tính nhỉ?

- Anh dẫn giải tôi mà không biết tôi “tội” gì sao?

- Tôi không biết. Chỉ thấy cấp trên nói phải dậy sớm, đưa một trường hợp đặc biệt đi trại. Tôi cũng thấy đặc biệt thật vì từ trước tới nay hầu như không có ai đi một mình một chuyến như chị cả.

- Tôi nghĩ anh biết nhưng giả vờ không biết. Các anh phải biết các anh đang làm gì chứ?

- Tôi không biết thật mà. Thế chị là ai?

- Tôi nói anh đừng giật mình nhé. Tôi bị đảng của các anh kết tội chống Nhà Nước. Khiếp chưa?

Anh ta ra chiều ngạc nhiên:

- Ồ! thế chị có quen Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài không?

Câu hỏi của anh ta làm tôi hưng phấn.

- Họ là đồng đội của tôi.

- Chị là Nguyễn Thanh Nghiên phải không?

- Tôi họ Phạm. Phạm Thanh Nghiên.

- Ồ! Tôi có biết chị. Không ngờ được gặp hôm nay.

- Thế anh nghĩ sao về chúng tôi?

Tôi bắt đầu dẫn dắt câu chuyện.

Anh ta giới thiệu tên Dũng, nhỏ hơn tôi hai tuổi.

Suốt chặng đường đi, Dũng là người duy nhất nói chuyện với tôi. Không biết anh ta giả vờ đóng kịch hay không, nhưng ít ra tôi cũng thấy thỏa mái hơn đôi chút. Nó xua đi bầu không khí ngục tù và rút ngắn khoảng cách giữa những người không mang cùng thân phận.

- Xe ra khỏi thành phố chưa anh? Tôi hỏi.

- Được một đoạn rồi chị ạ.

- Tôi sẽ đi Thanh Hóa, đúng không?

- Không, gần đây thôi chị ạ.

- Anh lại nói dối tôi rồi. Việc gì phải giấu, đi đâu chả là tù. Anh không thừa nhận, lát tới Trại 5, tôi không vào đâu đấy.

- Chị thật khéo đùa.

Anh ta cười ngượng.

Cuộc nói chuyện thưa dần vì tôi bắt đầu bị chứng say xe hành hạ. Hy vọng số túi ni- lông đủ dùng cho tới khi đến đích. Thi thoảng, Dũng lại ngoái ra phía sau, hỏi han tôi. Dũng hỏi nhiều chuyện nhưng không một lần nhắc đến cái xiềng mà tôi đang mang. Anh ta dí sát miệng vào tấm lưới chắn và gần như hét lên để tôi nghe thấy. Tiếng gió rít, tiếng động cơ và nhiều tiếng ồn khác làm chúng tôi không còn muốn trao đổi gì nữa.

Qua Ninh Bình, sang Nam Định. Và rồi cũng đến đất Thanh Hóa. Tôi định nhắc khéo Dũng về điểm đến cuối cùng. Nhưng không muốn anh ta ngượng, nên thôi.

Xe liên tục dừng lại để hỏi đường vì rất lâu rồi không có chuyến đi Trại 5, Thanh Hóa. Tôi thực sự thán phục người tài xế khi anh ta vượt thoát được những con đường không còn là đường nữa. Cảm giác không chỉ mình tôi mà cả ba người kia cũng đang phải chịu cực hình. Cứ như lục phủ ngũ tạng trong người sắp đổi chỗ cho nhau. Không chỉ vật lộn với những cơn nôn ói thắt ruột, tôi còn phải liên tục kéo cái túi nội vụ về vị trí cũ để không cho nó chạm vào mấy cái túi ni-lông bẩn. Đã thế cái xiềng chân cứ vướng víu, khó chịu, mỗi lần vượt ổ gà, ổ voi () là một lần đầu tôi bị dúi xuống sàn xe. Tự nhiên tôi nghĩ quẩn: Giá họ cho mình thêm một năm tù để đổi lấy việc không phải di chuyển bằng ôtô thì tốt.

Bị lạc đường gần hai mươi cây số khiến chúng tôi đến muộn hơn so với dự tính. Người dẫn giải trung tuổi đi làm thủ tục. Không thấy bóng dáng nữ tù nhân nào. Chỉ thấy họ, những tù nam, đi thành hàng đôi — tuy còn lộn xộn — nhìn người mới đến với vẻ lạ lẫm hơn là giễu cợt hoặc dọa dẫm. Hình như tôi thấy rờn rợn. Tôi ngồi vắt vẻo trên tường hoa, cố tình đung đưa chân để giấu cảm xúc. Lúc này, Dũng mới chịu tháo xiềng cho tôi.

Không hiểu sao xuất hiện lắm cai tù thế. Họ kéo nhau ra cùng với người dẫn giải trung tuổi. Chắc muốn nhận mặt và không loại trừ mục đích uy hiếp tinh thần kẻ chống lại lý tưởng của họ. Có người hỏi tôi đi đường có mệt không, có người hỏi ăn sáng chưa nhưng đa phần chất vấn tôi tội “chống Nhà Nước.” Tôi thấy không cần thiết và cũng không còn sức tranh luận với họ nên chỉ trả lời qua quýt mấy câu liên quan đến sức khỏe, ăn uống. Sau này tôi mới biết đó là Phân Trại số 1, nơi “đầu não trung ương” của Trại giam số 5, Bộ Công An.

Cuối cùng, họ cũng đưa tôi tới nơi họ muốn: Phân Trại số 4, dành cho nữ tù nhân mà theo cách gọi của họ là “Phạm nhân nữ.” Lần đầu tiên sau hơn mười tám tháng tầm mắt của tôi được vượt qúa phạm vi một căn buồng mấy chục mét vuông. Tiếng gọi của người dẫn giải trung tuổi chấm dứt vẻ ngơ ngác của tôi.

Đây là lần đầu ông ta nói chuyện với tôi: 

- Hình như Nghiên còn tiền lưu ký ở Trần Phú phải không?

- Dạ còn. Nhưng không làm được thủ tục để chuyển vì không biết trước ngày đi trại.

- Thế thì để chú ứng trước vào đây cho có tiền dùng rồi về kia chú lấy lại số tiền lưu ký sau, đồng ý không?

- Vâng, thế cũng được. Cảm ơn chú.

Sự nhiệt tình của ông ta làm tôi cảm động. Lần đầu tiên tôi phá vỡ nguyên tắc xưng hô với công an khi gọi ông ta bằng “chú.” Dũng nói anh ta có quen biết một vài người đang công tác trong trại này và sẵn sàng “nói với họ một tiếng” để giúp tôi nếu cần. Anh ta nói lấy lệ hay thật sự không ý thức được những tù nhân lương tâm chúng tôi luôn đứng ngoài cơ chế “xin-cho”, “chạy-chọt” và các ứng xử thông thường của mọi mối quan hệ không cùng chính kiến. Hai người dẫn giải bắt tay tạm biệt tôi. Họ đi. Tự nhiên một cảm giác khó tả — gần giống sự hụt hẫng — bám lấy tôi.

Tôi sẽ ở lại đây, trong nhà tù mới và khởi đầu một cuộc đầy đọa mới. Không, tôi muốn nó giống với một cuộc khám phá hơn là một sự đọa đầy.

Trong lúc chờ những cai tù kiểm tra nội vụ, tôi tranh thủ quan sát “thế giới mới” của mình. Bên trong cánh cổng, lố nhố những bóng áo kẻ sọc, trang phục mà lát nữa sẽ được khoác lên người tôi. Nhưng dứt khoát tôi sẽ không bị “trộn lẫn” với họ. Tôi biết rõ về chuyến đi của mình. Và biết mình sẽ làm gì sau khi kết thúc chuyến đi đó.

P.T.N.

(Còn tiếp)