Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Thơ Mai Quỳnh Nam

(Rút từ tập Không tỳ vết – NXB Hội Nhà văn, 2020)

IMG_20201122_133932

Tôi đọc Mai Quỳnh Nam khá đầy đủ. Anh không viết nhanh, viết nhiều, nhưng đáng ngạc nhiên là anh viết đều đặn. Giống như một thứ nhật kí bằng thơ. Nhật kí lại thường là một thứ nhu cầu tự thân. Nhật kí cho ta nhìn rõ hành trình của kẻ viết ra nó. Ở đây, là hành trình của một thi sĩ. Trong cái hành trình đó của Mai Quỳnh Nam không có sự đột biến, không có những ngả rẽ của tư tưởng, sự thay đổi của bút pháp.

Mặt khác, thơ Mai Quỳnh Nam là một giọng điệu riêng biệt, không trộn lẫn, là sự thống nhất về bút pháp, về cách nhìn thế giới, về tư duy, và thẩm mỹ. Là một nhà nghiên cứu xã hội học, Mai Quỳnh Nam quan sát và suy ngẫm về đời sống, về thân phận con người, về những biến cố xã hội, ở những nhát lớn, mang chiều kích của những suy tư triết học. Và nhờ đó, anh đã không sa vào những tiểu xảo, vụn vặt. Là thi nhân, những quan sát, suy ngẫm đó lại thường bắt đầu, thường lóe lên từ những chi tiết, sự vật rất đỗi bình thường của đời sống, thậm chí, đó là các chi tiết, các sự vật chẳng có chút nào đặc biệt nhưng khi chúng đặt cạnh nhau lại gây ra những hiệu quả thẩm mỹ hoàn toàn bất ngờ với người đọc.

Nếu như ở một số nhà thơ, sự tràn trề xúc cảm giúp họ tìm thấy ngôn ngữ biểu đạt các trạng thái tinh thần tư tưởng, tình cảm thì ở Mai Quỳnh Nam, anh đi con đường ngược lại. Những phát hiện từ quan sát, suy ngẫm về con người, về các biến cố xã hội, cá nhân… mới tạo nên cảm xúc. Có lẽ bởi vậy, Mai Quỳnh Nam thường tự nhận là thơ anh khô, nghiêng về lí tính.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, không hẳn như vậy.

Phần lớn những bài thơ của Mai Quỳnh Nam đều có những phát hiện. Và phát hiện nào cũng đều là những nỗi buồn. Và càng ngày, thơ anh càng buồn hơn. Có nhiều những câu thơ đọc xong, thấy ngơ ngác buồn. Nỗi buồn giống như một tất yếu của cõi sống của chúng ta. Mà thi nhân là người chưng cất, cho chúng ta nhận chân sự thật.

Không tì vết là tập thơ mới nhất và là tập thứ sáu của Mai Quỳnh Nam, là sự trình bày một bước đi mới trong hành trình thơ của anh.

Không tì vết cũng là một nỗi buồn lớn, dằng dặc suốt kiếp người. Khi mà thi nhân đã bước vào cái tuổi tri thiên mệnh.

Nhưng vì sao lại là “không tì vết”? Chỉ có ngọc thì mới không tì vết. Phải chăng Mai Quỳnh Nam muốn nói rằng, trong cõi người này, chỉ nỗi buồn là đáng giá, là thứ có thể thanh lọc tâm hồn?

Giáng Vân

 

Thích ứng với cô đơn

anh tự do hơn

trong hữu hạn.

 

           ***

Chẳng có lý gì

trời không trả lại

bóng nắng hôm qua

rơi vào chỗ ấy

 

chẳng có lý gì

mắt tôi chỉ thấy

rơi vào chỗ ấy

bóng nắng hôm qua.

 

          ***

Em mang đến những miền ký ức

và hơn thế: một nỗi đau thường trực.

 

          ***

Hồn anh hoang vắng

sự hoang vắng của lòng anh rất khác sa mạc

nó rỗng

        và không bát ngát

 

           ***

Tranh chấp dữ dội

giữa ánh sáng và bóng tối

nhưng rồi

bóng tối vẫn là bóng tối

ánh sáng vẫn là ánh sáng

ngay cả khi chạng vạng

cũng đủ nhìn thấy

ai vừa đi qua.

 

            ***

Không thể dự phần cùng họ

cuộc chơi xanh đỏ trắng đen

anh tồn tại bằng cách đứng yên

               bằng cách đứng riêng.

 

           ***

Thế sự tít mù, anh chỉ là con tốt

con tốt đen chẳng có đường lùi

ấn một bước rồi bước thêm một bước

cuộc cờ tàn không kèn trống cáo lui.

 

Căn cước

 

Đấy là tôi, mà cũng chẳng là tôi

một tấm hình nhạt nhòa

vài con số bên dòng địa chỉ

không có gì thuộc về tính khí

đấy là tôi, mà cũng chẳng là tôi

có ngày sinh không có ngày chết

ai biết tôi chết khi nào thì viết ra cho

                                        họ biết.

 

Lời nguyện cuối

 

Bạn có thể đặt lên mồ tôi một loài hoa

                                          nào đó

một bông hoa nhỏ bé

nhưng nó thực là hoa

bạn nhé

 

Gió đầu đông

 

Cơn gió thoáng qua, rồi đi thôi

lạnh và mong manh như kiếp người

 

Cúc họa mi

 

Từng cánh mỏng, mỏng tang từng cánh

trắng lung linh chẳng níu kéo thêm gì

không có tiếng lấy màu làm tiếng

trắng dịu dàng, trong suốt cúc họa mi

 

Tiếng chim

 

Tiếng chim rất gần

tiếng chim rất xa

miền nào chẳng nhớ

nghe

           rồi quên

 

bỗng một ngày lại ríu rít tiếng chim

xao động cánh rừng xa thẳm

lay thức thời gian sống

…có thể là hồi vọng

của tiếng chim

          từ phía im lìm

 

Bán người

 

Bán người

mang đến lợi nhuận, chỉ sau ma túy và

                                  súng đạn

bán người

bán thân thể, bán trái tim. Bán hết

 

em-thương phẩm của thị trường rủi ro

trong cơn tận diệt

 

Viết theo cách của H. Spencer*

 

Đang có sự tiến hóa thành một loài

ăn như con vật, nói như con người

lừa đảo cười tươi

 

    *Herbert Spencer (1828-1905), nhà xã hội học người Anh, chủ trương tiến hóa luận

 

Nắng ở New York

 

Nắng lênh loang bóng nước

rơi theo chiều cắt dọc

ánh sáng vàng đen

gẫy gập trên đường

mặt trời bị sát thương

kẹt giữa những bức tường cao ngất

 

Đếm đến một

 

Một con cá bơi lội nhởn nhơ

một con cá nằm chờ trên thớt

 

một cành hoa cắm trên bàn thờ

một cành hoa vứt ngoài bãi rác

 

một giấc mơ xao động giấc mơ

một bi kịch, một bi kịch khác

 

Thống kê trong thơ W. Szymborska

 

Thống kê là biểu hiện mỹ cảm của thơ

                     W. Szymborska

thống kê về tình trạng sống

về tình trạng chết

về đồ vật

về chó, mèo, chim chóc

về Những người yêu thơ

Ba từ kỳ lạ nhất – sự quan sát ngập tràn

                                                   cảm xúc

thống kê hoàn toàn bất lực

trong tập hợp này:

sẽ không có người thứ hai

mang đến cho thơ

nhiều cảm xúc từ thống kê như bà

nghĩa là, không thể ai hoàn thiện

                             năng lực ấy

như W. Szymborska

 

Gửi N

 

Đọc anh rất khó

tôi phải nhờ hạt tuyết

phả ra hơi nước

để hiểu anh

tôi và hạt tuyết

giống nhau

ở sự tan dần