Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Ma tù

Vũ Thư Hiên

1

Ông già Ngô Bản vừa từ trại tạm giam lên chỗ chúng tôi.

Vóc cao to, mặt tươi, mắt sáng, ông bình thản chắp tay sau đít tản bộ trong sân trại, quan sát mọi thứ, nhưng không đánh bạn với ai.

Một hôm tôi đang bó gối nhìn trời, ngắm mây bay, thì ông đến:

- Chào đồng chí.

Tôi kéo ông ngồi:

- Ở đây không có phép gọi thế, ông ạ. Cùm đấy.

Ông ngẩn người:

- Cùm là cùm thế nào? Có quy định vậy a?

- Quy định không, nhưng chỉ cán bộ trại mới gọi nhau bằng đồng chí. Tù không được phép.

- Ông trước cũng có đảng?

Tôi bật cười:

- Tôi không đảng. Cộng sản không. Việt Quốc không. Việt Cách cũng không nốt.

- Thế mà tôi cứ tưởng…

Câu hỏi bình thường. Xã hội thế, chia hai: đảng và không đảng. Có đảng là sang. Không đảng là bét. Câu hỏi đủ cho tôi hiểu – ông có đảng. Là trước kia thôi, chứ bước chân vào tù là hết đảng.

Ông nom vậy mà nóng tính. Vừa nhập trại đã ỏm tỏi với tù cũ. Hiện tượng này lạ - tù mới không bao giờ gây sự với tù cũ.

Tò mò, tôi sán lại. Tưởng gì, hoá chuyện ba lăng nhăng: có ma hay không có ma?

Mấy anh tù nói trong khu xà lim có ma. Nổi máu duy vật biện chứng, ông gắt om:

- Vớ vẩn. Đừng có loè. Ma với chả mãnh!

Tôi cười. Ông già cựu cộng sản bực mình vô lý. Ai chả biết tù là loại người bịa chuyện giỏi nhất thế giới.

Tôi có nghe nhiều về chuyện con ma trong khu kỷ luật. Nó được đồn thổi không ngớt, không tin cũng phải ngờ – không có lửa sao có khói?

Khu kỷ luật nằm cách các nhà giam một quãng xa, gần sát vòng tường trại – một ngôi nhà dài với các xà lim nhìn ra một bức tường điếc. Giữa các xà lim với bức tường là một hành lang hẹp, nơi ánh sáng hiếm hoi chỉ rỉ qua mấy khe hở ở cánh cửa đầu hồi. Bên trong các xà lim ngày đêm không có sự phân biệt.

Bản không át giọng được thứ gọi theo cách thời ấy là quần chúng đông đảo. Ông bực lắm.

Người vừa đi cùm về kể:

- Tôi thấy đây này: có ma thật. Tôi mà nói sai thì tôi đi đầu xuống đất.

Ông Bản hứ:

- Bịa. Lại còn thề. Thề cá trê chui ống.

Người kể nguýt:

- Không muốn nghe thì cút. Đây không điêu. Mà điêu làm đ… gì cơ chứ?

Vì tin khu kỷ luật có ma, tù trong trại ngoan. Khu kỷ luật gần như bỏ trống. Dại gì đâm đầu vào đấy để gặp ma.

Người gặp ma kể:

- Thấy thế nào? – chúng tù nhao nhao.

- Nào có thấy. Tớ hỏi các đằng ấy: khi quản giáo vào thì ta nghe thấy gì?

- Tất nhiên phải có tiếng mở cửa, chìa khoá xủng xoảng …

- Nhưng đây tịnh không – người kể khẳng định - Chẳng ai vào mà bên ngoài xà lim lại có tiếng bước chân đi lại, tiếng thở phì phò, tiếng lẩm bẩm chửi rủa… Người này, là tôi nói cái con ma í, đi cà nhắc, thở hổn hển, thỉnh thoảng lẩm bẩm chửi rủa. Chửi ai, chửi cái gì nghe không rõ, nhưng là giọng chửi, các đằng ấy ạ.

Các đằng ấy lặng thinh.

- Ông có tin ma không? – túm lấy tôi, ông hỏi.

Ngán chuyện không đâu, tôi nhún vai:

- Tôi chưa gặp con ma nào.

- Tôi hỏi ông có tin hay không cơ mà.

- Khi nào gặp thì tôi tin. Chưa gặp thì chưa tin.

- Cần gì phải gặp. Ma là cái không có. Không có là không có.

Tôi là tù ngoan. Ban giám thị chắc chắn nghĩ thế. Tôi không vi phạm bất cứ điều gì trong rất nhiều điều cấm kỵ của nhà tù. Đơn giản vì tôi chẳng để ý tới nó. Mấy ông bạn tù trí thức, loại có học đi làm cho Tây hoặc ăn nói linh tinh, bảo tôi có máu “phớt Ăng Lê”. Người Anh có máu ấy thật hay không, tôi không biết. Tôi chưa tới nước Anh bao giờ. Tôi chỉ coi cái sự mình bị bỏ tù là vớ vẩn – ba thằng “lãnh tụ” bực mình thấy tôi chẳng coi chúng ra gì thì tống tôi vào tù cho bõ ghét, vậy thôi. Nó đã là cái thói thì thây kệ. Chẳng thằng nào khác thằng nào. Môt giuộc.

Nhờ sự phớt đời ấy, tức là coi sự ở tù chẳng là cái quái gì, tôi không biết khu kỷ luật.

Nhưng ông Bản lại biết, mới kỳ.

Số là một hôm ông nổi điên khi bị viên phó giám thị chỉ mặt:

- Thằng già nghe đây, Ban chiếu cố cho mày trông vườn hoa. Việc nhẹ. Thích nhá?

Thằng già đã không thích thì chớ, táng ngay vào mặt “ông cán bộ” một táng nảy đom đóm.

Thế là đi cùm.

Sau hai tuần, ông ra, tong teo như cái mắc áo.

Khu kỷ luật thay đổi tính tình ông. Ông già giờ lảng tránh mọi người, lẳng lặng đi, lẳng lặng ngồi, một mình.

Tôi đến:

- Có tệ lắm không, ông?

- Thường.

- Ông gày đi nhiều đấy.

Ông lặng thinh.

Nhớ chuyện con ma, tôi gợi:

- Trong ấy chắc ông chỉ nằm nghĩ sự đời?

- Có thế.

- Cùm khó chịu lắm nhỉ?

- Còn phải nói. Nhưng khó ỉa khó đái. Bô để dưới phản, phải oằn mình lấy lên. Lúc ấy khong cùm xiết vào cổ chân, đau thấy ông bà ông vải. Toé máu ra đấy.

- Rệp nữa…

- Nhung nhúc.

Tôi hỏi ông đủ thứ lăng nhăng để lôi ông vào chuyện con ma.

- Chỉ thế thôi?

Ông gật.

Sau một hồi tâm sự, tôi rụt rè hỏi:

- Thế còn… con ma?

Ông lặng thinh.

2

- Tôi đã thấy nó – cái con ma ấy – ông Bản thủ thỉ với tôi, rất nhiều ngày sau.

- Nó thế nào?

Từ đây là chuyện ông kể:

- Cái anh tù hôm nọ không nói sai. Tôi có thấy tiếng người đi cà nhắc bên ngoài thật. Tôi cũng nghe tiếng chửi rủa, cũng thật. Cơ mà tôi không sợ. Mới ngồi dậy, bảo: “Này, tớ cóc sợ đâu đấy. Doạ tớ bằng vô ích. Giỏi thì vào trong này tâm sự. Tớ đang nẫu ruột đây”. Là nói thế thôi, chứ cũng ớn. Thế rồi, ông tưởng tượng được không? Nó vào thật. Không thấy mặt. Chỉ một cái bóng, một hình người. Nó bảo: “Tớ khoái cậu đấy. Cậu không vãi ra quần. Gan cóc tía”. Không nghe thấy tiếng, nhưng thấy tiếng trong óc mình. Mới hỏi: “Cậu làm sao cứ quanh quất nơi này? Vui thú nỗi gì?” Nó cười, giọng lại như mếu: “Tớ tìm cái bàn chân”. “Sao phải tìm?”. “Cái thằng giám thị bấy giờ ác lắm, tù gọi nó là Diêm Vương. Nó ra lệnh cùm tớ bằng khong nhỏ. Chân tớ to. Tra vào, toé máu. Toé máu thì toé máu, tớ không sợ. Nhưng nó cùm tớ quá lâu. Thế là cẳng chân mưng mủ. Rồi thối. Thối tớ cóc sợ. Da tớ lành. Ra rồi khắc khỏi”. “Có lý” – tôi nói – “Da tớ cũng vậy, bị thương cũng chẳng có sẹo”. Nó cười hề hề: “Sợ làm đếch. Sợ cho chúng nó khoái à? Cơ mà thối lâu ngày thì hoại thư, cái chân rời ra. Thằng Diêm Vương vào: “Đã biết thân chưa?”. Tớ bảo: “Biết, biết cái mả mẹ mày! Mới cầm cái chân thối ném vào mặt nó. Nó hét lên, bưng mặt chạy ra”. “Rồi sao?” “Nó nhất quyết không thả, cho tới khi mang tớ đi chôn”. “Thế vẫn chưa xong?”. “Xong là xong thế nào? Tớ phải tìm bằng được cái bàn chân. Không biết lũ quỷ vứt nó đi đâu?” Thì ra chết thì chết, con người ta ai cũng vậy, muốn toàn thây, không thiếu cái gì.

3

Chuyện này tôi nghe một người tù lâu năm kể lại. Tôi ghi theo kiểu mua bao nhiêu bán lại bấy nhiêu. Không thêm. Cũng không bớt.

Đừng hỏi tôi: ông Bản vì sao vào tù? Khối người vào tù vì những lý do lãng nhách. Tôi không hỏi. Vì thế tôi không biết.

Đoạn kết không có hậu: ông Bản về sau phát điên. Không điên thì sao lại viết đơn xin ở trong khu kỷ luật?

Tôi cũng không hỏi: câu chuyện ma tù này ông Bản kể trước khi phát điên hay khi điên?