Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Những Ngày Nhà Giáo nối đuôi nhau

Lê Học Lãnh Vân

Bài viết này tôn trọng, yêu quí tình cảm Thầy Trò nền giáo dục cũ để lại cho nước Việt hôm nay. Nó trân trọng, vui mừng với các nụ cười, tà áo thầy cô và học trò trong Ngày Nhà Giáo Việt Nam… Chính vì vậy, bài này được viết ngày 18/11/2020, nhưng đợi sau ngày 20/11/2020 mới gởi đăng vì e làm kinh động những tấm lòng Thầy Trò trung hậu đó.

Tôn Sư Trọng Đạo trong Tâm Hồn và Truyền Thống Việt

Ai cũng biết Việt Nam là xứ sở Tôn Sư Trọng Đạo. Bốn chữ này có dáng vẻ ngoài Trung Quốc nhưng nội dung đã hóa tâm hồn người Việt từ lâu.

Sư có thể là vị quan cao lui về ẩn dật, cũng có thể là ông đồ chưa đỗ đạt chưa bước vào quan trường. Sư của người Việt nói chung là những người biết chữ nghĩa, đem Chữ và đem Đạo ra dạy cho lũ trẻ trong làng, trong huyện và truyền bá cho xóm giềng. Sư thường được các bậc trách nhiệm thỉnh ý kiến về chuyện làng nước, được các bác nông dân xin lời khuyên… và tiếng nói của Sư thường có trọng lượng thuyết phục.

Khi chuyển đổi từ nền học vấn chữ Nho sang chữ Quốc ngữ, trường lớp được dựng lên theo địa giới hành chánh, các vị thầy, cô giáo tiểu học, trung học lần lần thay thế ông đồ. Những thập niên đầu của thế kỷ 20, học sinh tốt nghiệp sơ học, tiểu học, có bằng diplôme, tú tài… sẽ được xã hội trọng dụng. Hệ thống công chức thời đó thiếu người bản địa có học nên người Việt có bằng cấp đồng nghĩa với có cuộc sống trung hay thượng lưu.

Thầy cô giáo, được xem là người trao truyền kiến thức để học trò có bằng cấp, có địa vị xã hội, có cưộc sống sung túc, được học trò kính trọng với lòng biết ơn.

Có thể nói thầy cô giáo thời trước năm 1945 là những người nối tiếp tinh thần tốt đẹp của những tầng lớp Sư thời phong kiến, cộng với hấp thu đạo đức của người gieo hạt mầm kiến thức trong thời đại mới. Thế hệ học trò thì tiếp nối truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của cha ông hòa quyện với tấm lòng yêu kính Thầy Cô của ông Carnot, tổng thống Pháp, trong nền giáo dục mới. Thời đại đó tạo nên những thế hệ Thầy Trò đẹp đẽ và cao quý.

Người viết bài này được mắt thấy, tai nghe, lòng rung động trực tiếp bởi mối quan hệ và tình cảm Thầy Trò của Miền Nam những năm trước 1975. Cũng được nghe kể từ những nhân chứng sống tình Thầy Trò Hà Nội trước năm 1956.

Sự Chuyển Biến của Tình Thầy Trò

Sau năm 1975, chế độ tem phiếu đưa từ miền Bắc vào miền Nam tỏ rõ tác dụng. Người ta tính với nhau chi li từng lạng thịt lạng mỡ, từng gói đường nửa kí-lô, từng mét vải thô xấu… Trong trường học, mặc cho học sinh qua lại, phụ trách đời sống trường chia cho các thầy cô giáo từng bịch đường, miếng thịt, từng túi ni-lông con con đựng mỡ… Có khi người ta còn chửi rủa nhau, hay thậm chí đánh lộn nhau vì các thứ đó.

Trong một xã hội thiếu thốn như vậy, kẻ có quyền trên người khác một chút tìm mọi cách vòi tiền. Bước ra xã hội là đối mặt với nhũng nhiễu, với tham nhũng được núp dưới mỹ từ “bồi dưỡng”. Ra phường: “bồi dưỡng” cho cán bộ phường. Lên quận: “bồi dưỡng” cho cán bộ quận. Người thân bị bệnh phải khám bệnh hay nằm bệnh viện: “bồi dưỡng” cho y tá, bác sĩ. Con đi học: “bồi dưỡng” thầy cô giáo…

Ban đầu dân chúng còn nếp lịch sự, cha mẹ gặp riêng thầy cô giáo kính cẩn đưa bao thơ. Dần dần cha mẹ nhờ con chuyển bao thơ. Riết rồi quen, có cha mẹ còn giao cả xấp tiền trần cho con đưa thầy cô.

Việc bồi dưỡng như nói trên dần dần khiến học sinh khinh lờn thầy cô. Và một phản ứng tất nhiên: thầy cô không cần giữ lòng tự trọng và tính thanh cao của nghề giáo. Đã quá xa rồi cái thời cha mẹ dạy con tôn kính Thầy Cô. Cái thời người học trò lễ phép cúi chào Thầy Cô, lắng tai nghe từng lời khuyên dạy…

Ngày Nhà Giáo

Hình như ngày Nhà Giáo xuất hiện lần đầu tại Miền Nam những năm đầu thập niên 1980. Lúc đó, nhóm cán bộ trẻ chúng tôi cùng các thầy cô lớn tuổi vui mừng cảm động. Những buổi họp mặt đầu tiên giản dị mà thâm tình biết bao. Một bình trà, vài gói bánh kẹo. Thầy cô lớn tuổi ngồi giữa, cán bộ giảng dạy trẻ cùng các sinh viên làm luận văn ngồi quanh một bàn tròn. Những ánh mắt thương yêu, trân trọng, những chia sẽ chân tình về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp… lời lời như mật tâm tình rót vào nhau.

Nhưng, càng về sau, mức độ tốn kém, hào nhoáng của các buổi lễ mừng Ngày Nhà Giáo tăng mạnh, và đạo đức trong môi trường giáo dục cũng suy thoái nhanh tương ứng.

Người xưa có nói: “Tình giao hảo của người quân tử nhạt như nước lã. Tình giao hảo của kẻ tiểu nhân ngọt như rượu” (Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ – Trang Tử, Sơn Mộc).

Ý nói giản dị chân thực chứa đựng điều tốt đẹp và sâu sắc, còn hào nhoáng khoa trương là vỏ bọc của của những điều ngược lại.

Các bài học quản lý thời nay nói: Giá Trị, Đạo Đức, Chất Lượng là từ Lãnh Đạo cao nhất (from the TOP). Ý nói lãnh đạo chịu trách nhiệm rất lớn cho Giá Trị, Đạo Đức của ngành, của cộng đồng.

Vậy, ngày 20/11/2020 này, xin chúc môi trường Giáo Dục Việt Nam sự Giản Dị, Trung Thực, Chân Thành và có người lãnh đạo xứng danh.

Xin gởi lòng yêu mến, kính trọng tới những nhà giáo còn giữ cho mình vẹn hai chữ Nhà Giáo trong môi trường giáo dục hôm nay. 

Ngày 19 tháng 11 năm 2020