Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Thẩn thơ Võ Phiến

Đặng Tiến

Võ Phiến là tác gia có tầm cỡ hàng đầu trong văn học Việt Nam.

Hơn bốn mươi năm qua, từ 1956, anh đã cho xuất bản hơn bốn mươi đầu sách, thuộc nhiều thể loại văn xuôi, non nửa số được ra đời ngoài nước, từ 1975, tại Hoa Kỳ.

Nhà xuất bản Văn Nghệ (California) đã lần lượt in Toàn tập Võ Phiến: đây là hiện tượng xưa nay hiếm thấy, đối với một tác gia đang còn sung sức viết, trong cũng như ngoài nước.

Thế mà tác phẩm mới nhất của Võ Phiến lại là một tập thơ, xuất bản tại Pháp (1).

Thơ Thẩn của Võ Phiến, do An Tiêm ấn hành 1997, khoảng trăm trang, gồm 51 bài thơ có ghi rõ thời điểm sáng tác: 7 bài làm trong nước từ 1943 đến 1975, phần còn lại làm tại Hoa Kỳ, chủ yếu từ 1986 đến nay. Người đọc để ý rằng trong thời kỳ sáng tác sung mãn nhất (1956-1975) không thấy có thơ, hoặc anh không làm thơ, hoặc bản thảo thất lạc, hoặc tác giả không muốn phổ biến. Võ Phiến làm thơ nhiều từ khi bị mổ tim lần đầu năm 1985 (lần thứ nhì 1992).

Thơ Võ Phiến phần nhiều làm theo vần điệu cổ điển, mang tính chất tâm sự và tự sự. Người đọc gặp lại những tư tưởng và cảm xúc đã từng thấy trong văn xuôi, nhất là tuỳ bút. Trong chừng mực nào đó, có thể nói Thơ Thẩn cô đúc nhân sinh quan của Võ Phiến, “diễn ca” tâm tình mà tác giả muốn gửi gấm cho thân hữu, một loại thơ người xưa thường gọi là “ký hữu”. Thơ Võ Phiến không tìm độc giả, không tạo quần chúng. Có lẽ chỉ là lời nhắn cố nhân. Ai cố cựu thì về.

*

Võ Phiến không muốn tạo trường phái. Không những không có ý đồ, mà còn chống lại mọi ý đồ tương tợ. Nhưng vô hình trung, anh lại đưa ra một quan niệm về thơ, rồi minh hoạ bằng nhiều bài thơ. Từ địa vị của anh trong văn học, chủ yếu là văn xuôi, quan niệm của anh về thơ là một chứng từ quan trọng. Quan niệm ấy ra sao?

Gọi là Thơ Thẩn vì nó đối lập với Thơ Thơ, tên một tập thơ nổi tiếng (2). Thơ thơ phải làm mới có. “Mùa thi sắp tới” thì học trò bận quá, thiếu thì giờ, không cặm cụi được: bèn không có thơ thơ.

Thơ thẩn không phải làm, tự nhiên mà có (...) Thơ thẩn không bao giờ ra đời. Thơ thẩn không ra vì đời, cho đời, với đời.

Bỗng dưng một hôm nó ra, vậy thôi (...) có khi được làm quà biếu nhau, như trái cam, trái quít cho vui (...) Thơ thẩn nó quanh quẩn bên mỗi người, tự sinh tự biến. Như hơi thở, như mồ hôi.

Ngược lại thơ thơ vướng ba trở ngại: cái đáng ghét: lập trường (...) cái đáng chán: sứ điệp” (và một) “quái tật: diêm dúa, lập dị, lố lăng, dị hợm” (tr. xii).

Đây là lời tựa, Võ Phiến gọi là “bâng quơ” nhưng thật sự là một nhận xét gay gắt về quá trình thơ Việt Nam hiện đại, có thể gây bất bình cho các “giáo chủ thi ca”.

Ngoài những sáng tác, Võ Phiến đã viết nhiều bài lý luận, nhận định về văn học, anh là kẻ có “thẩm quyền”. Nhưng ở đây, tác giả không sử dụng thẩm quyền, mà chỉ dùng cái quyền thông thường của người đọc thơ, và thỉnh thoảng làm thơ; và cũng nên thừa nhận thêm cái thú nghịch ngợm, “trêu ngươi” của Võ Phiến như cái thời anh đùa cợt với những thời thượng “văn chương hôm nay”, “văn học viễn mơ” cách đây vài ba mươi năm. Giữa cái quyền và cái thẩm quyền, e có thêm phần quỷ biện.

*

Nhưng chỉ hiểu Thơ Thẩn như một nghịch lý của Thơ Thơ thì chưa tri kỷ tri âm.

Thơ thẩn là một trong những chữ tuyệt vời trong ngôn ngữ Việt Nam, công dụng đơn giản mà hình thái (morphologie) phức tạp. Đây là một từ láy, Hồ Lê sắp xếp vào từ đơn lắp láy (3) nhưng theo lý thuyết của ông thì có thể xem như từ kép, vì có hai từ tố (3): thơthẩn có thể xem như hai nguyên vị (morphème hay radical?). Theo lý luận Nguyễn Tài Cẩn, thơ thẩn là một từ ghép vừa láy âm vừa láy nghĩa “có khả năng xuất hiện dưới dạng tách đôi trong câu nói” (4) vì ta có thể nói “thơ với thẩn” hay “lơ thơ lẩn thẩn” (5). Thơ thẩn, có lẽ cùng nguồn với tha thẩn, nhưng rộng nghĩa hơn “con mèo con chó tha thẩn” (6).

Thử tìm hiểu nghĩa thường dùng của từ thơ thẩn. Theo Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của (1896): “ ộ đi lơ lẩng; không có công chuyện mần, không ai nói tới – (...) đi ra đi vô một mình... đi bơ vơ một mình ” (A). Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hà Nội, 1988), “lặng lẽ và như điều gì suy nghĩ vẩn vơ, lan man” (B). Hai định nghĩa bổ sung – thật ra là hai lối nhìn người và nhìn đời – dường như định nghĩa A nhấn mạnh vào chữ thơ (không có công chuyện mần) còn định nghĩa B nhấn vào từ thẩn (có điều gì suy nghĩ).

Dài dòng, chi ly để thấy chữ nghĩa không đơn giản. Mà chữ nghĩa của Võ Phiến lại buộc ta phải đề phòng cho lắm. Võ Phiến dùng chữ và ghiền chữ – nghiền chữ – như người ta ghiền cờ, dùng chữ như đánh cờ với người đọc.

Chữ thơ thẩn gợi cho ta, trước hết, một không gian, thường là rộng và mở; thứ đến là một thời gian, thường là thơ thới, hay ít nhất là thong thả; cuối cùng nói lên một tâm trạng đơn lẻ, mơ mộng, băn khoăn khi chân bước những bước ngắn, chậm, không rõ định hướng. Thơ thẩn là nhẹ bước trong không gian im ắng, thời gian êm ả và nhân gian ưu ái.

Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Chữ thơ thẩn trong Tống biệt của Tản Đà diễn tả nhiều tình cảm, nhưng chủ yếu là tạo nên cái không gian bao la và bơ vơ, cảnh trời đất từ nay xa cách mãi.

Tản Đà có bài thơ tên là Thơ thẩn, vào đề

Phòng văn lặng thơ ngắt bóng trăng mờ
Ngồi nghĩ thơ mà luống thẩn

Chữ thẩn thơ mô tả tâm trạng bâng khuâng của kẻ ngồi (trong) phòng văn, chứ không nhấc bước trong không gian rộng mở như nói ở trên, hay ở câu:

Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông

(Khối tình con I, 1916)

Từ thơ thẩn ở đây đượm niềm nhớ nhung chua xót có lẽ đã gợi ý cho Hàn Mạc Tử:

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về

Bài Tình quê, lúc đầu, khi đăng báo mang tên là Mong đợi (1935) (7). Vậy người ta có thể vừa “thơ thẩn”, vừa “đăm đăm” thậm chí “lòng xuân cũng não nề”.

Nói khác đi thơ thẩn không phải lúc nào cũng thơ thới. Nhưng thường, là một tâm trạng thoát ly, mơ mộng. Trong Mai Đình mộng ký (1809?), nhân vật của Nguyễn Huy Hổ thoáng thấy người đẹp, khi lạc vào cảnh mộng, liền bâng quơ thầm thì một mình:

Một đình, một khách thẩn thơ
Thôi thầm thì hỏi, lại mơ mẩn chào

Chúng ta lưu ý đến những âm láy và cách dùng chữ “mơ mẩn” kết hợp với “thơ thẩn”, “thầm thì”.

Thơ thẩn đôi khi có nghĩa cụ thể giới hạn: mất thì giờ. Như trong bài Dặn thằng Cam của Nguyễn Gia Thiều dừng lại ở câu:

Rồi về cho chóng đừng thơ thẩn
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng

Thực tế thơ thẩn dọc đường không nhất thiết phải mất thì giờ... Như Nguyễn Bính, đã lạc bước và “lạc dạ”:

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa – rặng núi xanh lơ.
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo,
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.

Hai chữ thơ ở câu đầu vọng âm lại ở hai chữ ở câu cuối, vừa khác nghĩa vừa chồng nghĩa lên nhau, “rất nên thơ rất là mơ” (8) như lời Xuân Diệu. Xin mạn phép mách một đoạn thơ hay khác của Nguyễn Bính ít người nhớ:

Tôi chỉ thèm yêu được một lần,
Có người đi giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn,
Ắt hẳn đi tìm hương cố nhân.

(Hương, cố nhân, 1941)

*

Thơ thẩn còn có vẻ tiên phong đạo cốt như ở Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Ở đây là thái độ ung dung, thư thái của bậc triết nhân đã vượt lên khỏi những nhiễu nhương trần lụy, kẻ đã nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. Xét lại định nghĩa trong từ điển, ta thấy những nét tiêu cực của con người thơ thẩn “không có công chuyện mần, bơ vơ một mình... suy nghĩ vẩn vơ...”. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ thẩn là niềm vui tích cực trong cuộc sống: tác giả vẫn lao động cả hai mặt chân tay và trí óc; ông làm chủ không gian và thời gian trong mọi kích thước:

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao...
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống

Có người sẽ bắt bẻ: chữ thơ thẩn tự nó không có ý nghĩa sâu rộng đó. Nhờ toàn thể bài thơ, và toàn thể tư tưởng, cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm dồn vào đó, mới tạo ra kích thước kia. Đã đành. Nhưng từ ngữ, tự nó phải có dung tích, sức chứa, như cái chai một lít chỉ chứa được một lít, rượu ngon hay nước lã cũng chỉ được một lít. Từ thơ thẩn, với âm vang của nguyên âm và phụ âm, tự nó có khả năng gợi một phong cảnh và tâm cảnh.

Trong tiếng nói, có những từ ngữ mang nhiều âm độ và sắc độ, có khả năng tiếp thu và phát huy âm sắc, những tia hồng ngoại và tử ngoại chiếu vào văn cảnh. Thơ thẩn là một từ tầm thường, thường bị coi thường, ít có người lưu ý đến hào quang riêng của nó.

Nhân chuyện âm vang của từ ngữ, xin mách lại một vài quan điểm của nhà thơ “mô đéc” thời danh Đỗ Kh., chung quanh cuộc tranh luận thơ thanh thơ tục, có vần không vần trên tạp chí Thơ mới đây: “thơ phải là hơi thở, không thể là bàn thờ...” (9) “Nếu đạo thơ có giòng linh thiêng thì cũng có giòng thơ Dại (...). Không bị đòn (...) của giòng thơ thầy là thơ Thợ” (10). Bạn đọc lưu ý cách dùng chữ của Đỗ Kh.: thơ, thở, thờ, thợ... Xin thêm: thơ hay thường là thơ Dại, thơ khôn chỉ là lời nói khéo, ngắn gọn và vần vè. Quan niệm Thơ Dại, Thơ Ngây không xa với Thơ Thẩn của Võ Phiến. Ở những câu thơ hay, đích thực là thơ, thì thơ cũ và thơ mới, cách nhau chỉ một đường tơ.

*

Trong các tác gia lớn, nguồn rung cảm dường như bẩm sinh, hằng hữu trong những nguyên lý thâm trầm nhất. Sau quá trình sáu mươi năm (1938-1998) giọng văn Tô Hoài không thay đổi âm hao. Trước sau một nửa thế kỷ, câu thơ Nguyễn Đình Thi vẫn vậy. Những bài thơ văn xuôi Võ Phiến làm từ 1946, đã mang cảm xúc vừa chi ly vừa man mác trong các tác phẩm về sau:

“Ở Phú Yên, nhiều buổi chiều trong trẻo trôi rất chậm. Như một người đi trong khoảng đêm vắng, vừa đi vừa lắng nghe tiếng chân mình...

Ở Huế (...) Hột thông khô rơi lặng lẽ bên mình.

Ở Bình Định quê nhà, chiều chiều dạo với đứa em trên đường ruộng nhỏ. Em bé chợt ngắt đứt một tiếng cười giữa khoảng đồng vắng. Có nhiều buổi chiều, ở đây đó, gió im cây lặng. Con vịt đứng một chân bên hè, con cóc nhảy dưới thềm (...) cái rún của người con gái ...” (tr.21).

Như vậy, từ tuổi hai mươi, thế giới văn học đã thành hình trong chàng thanh niên Võ Phiến. Rõ ràng hơn nữa, cụ thể và chính xác, chúng ta đã đọc trong truyện ngắn Về một xóm quê viết năm 1957 chuyện một nông dân: “khi đi chuyến dân công cuối cùng, anh không cho giặt chiếc chiếu vẫn lót cho đứa cháu trai đầu lòng mới mười ba tháng, anh muốn mang theo cả mùi nước tiểu của con để những đêm nằm trên núi bớt nỗi nhớ con” (11).

Năm 1994, ở bài Mùi áo cũ, trong Thơ Thẩn, Võ Phiến nói về cõi chết:

Mai kia, trên thượng giới e lạc lõng. Sợ nhất cảnh lạc lõng. Biết bao lâu mới quen được mùi xiêm áo các tiên nữ quanh mình ” (tr.90).

Lời xưa, ý cũ. Võ Phiến nói để nghe âm vang giọng mình nói, lặp lại “mùi áo xiêm tiên nữ” rồi lại tự trả lời cho niềm e ngại: “Giữa muôn hồng ngàn tía, đấng vạn thặng vẫn nhớ hoài cái hơi hướng của một chiếc tàn y...” (tr. 91). Ý không mới, vì tác giả đã diễn tả đậm đà hơn trong truyện ngắn, nhưng thấm thía qua giọng u trầm của người luống tuổi, nhớ hoài trong bóng chiều lữ thứ.

Một đoạn văn khác, cũng trong Về một xóm quê: “Những buổi trưa – lại vẫn những buổi trưa, tôi nằm ngủ lơ mơ bỗng giật mình thức giấc, nheo mắt lại nhìn ra đám chuối sau vườn đứng dưới ánh nắng chói chang, vài đám mây trắng chết trân trên đầu, nghe vang lên tiếng con chim khách, tôi thấy tất cả trống trải vắng vẻ của không gian (...) Và tôi thấm thía nỗi buồn của ông tôi khi người nhìn thẳng vào cái quang vắng của cảnh nhà mà thét lên... Ải ải Quan Hầu nhập yết ” (tr.11).

Đoạn văn ấy, mấy chục năm sau (1957-1993) đã tái sinh trong một cảnh ngộ khác, từ một Bình Định xác xơ và xa xưa đến một Los Angeles tân tiến

Trưa vừa xế, ta mới vừa chợp mắt
Tỉnh giấc ra, ngày đứng phắc bao giờ
Mây ngẩn ngơ nắng cũng sững sờ
Mỗi vạt nắng trong vườn chết trân tại chỗ
(...) Khắp cả vườn không chiếc lá nào lay
Lay hiểu nào khi đất sắp ngừng quay
– Quả đất rồi nhẹ nhõm tha hồ quay
Ta đi xong, quả đất mày: Thích nhé!

tr. 63

Tôi sở dĩ bị ám ảnh bởi câu văn vì hai chữ chết trân. Thế còn Võ Phiến? Không lẽ anh đọc lại văn xưa của mình để diễn ca? Muốn làm thơ, đại khái như đoạn thơ trên thì thiếu gì ý? Có lẽ mỗi nhà văn thường viết đi viết lại, để sống đi sống lại một vài hình ảnh đơn giản. Dường như Albert Camus có lần nói đâu đó, đại khái như vậy.

Về buổi trưa trong thi ca hiện đại, Huy Cận đã để lại nhiều câu, nhiều bài xuất sắc gợi cùng một khí hậu với Võ Phiến:

Thức dậy nắng vàng ngang mái nhạt,
Buồn gieo theo bóng lá đung đưa
Bên thềm. Ai nấn hồn tôi rộng
Cho trải mênh mông buồn xế trưa.

Huy Cận thiết tha với buổi trưa đến mức mong khi lìa đời, sẽ ra đi vào lúc ban trưa:

Đời thân yêu một ngày kia ta chết
Cho ta đi khi hè chói chang trưa

1974

Bên ngoài sự chọn lựa chính trị, mang theo nó quan niệm văn học, và nếu chỉ đứng trên bình diện rung cảm nghệ thuật, thì giữa những nhà thơ nhà văn thuộc những chân trời khác nhau vẫn có những điểm gần nhau.

Võ Phiến có một tập truyện nhan đề mượn ý ca dao: Thương hoài ngàn năm. Câu ca dao hẹn ngàn năm về sau, vẫn còn thương hoài, thương mãi. Ở Võ Phiến, chữ hoài còn một nghĩa thứ hai, ngược chiều, ngoái lại, thương tiếc ngàn năm đã mất. Tác phẩm Võ Phiến, tâm hồn Võ Phiến, là chữ tình một khối u hoài khôn nguôi. Võ Phiến là Người tù một đêm xuân trăng sáng, người tù không có hy vọng nào được phóng thích hay vượt ngục, vượt biên. Võ Phiến, người tù của một hột thông rơi lặng lẽ bên mình (tr.20), một chiều Huế 1946 và – năm mươi năm sau người tù của tiếng chó rài ăng ẳng từ xóm cũ sủa theo... đêm đêm Los Angeles

Đêm đêm nghe xóm quê ủng ẳng gọi tìm
Đêm đêm nằm nghe tuổi thơ dai dẳng gọi tìm nhau.

Mai kia, mình đã đi xa, đêm đêm tiếng ủng ẳng của trần gian rồi có đuổi theo sang thế giới bên kia, như thể tiếng gọi kêu tuyệt vọng của cõi nhân thế tuyệt vời... (tr.99).

Bài viết tháng 7.1995. Tôi thèm được gửi đến cố nhân một đêm sao mùa hạ cũ. Một nhấp nháy tuyệt vọng tuyệt vời trên một cọng rơm khô. Với mấy chữ trong thơ xưa “nhất phiến nhu hoài” mà Vũ Hoàng Chương ưa thích.

Năm 1957, phong cách Võ Phiến còn đơn giản, anh đã đặt một cái tên thật thà Tuổi thơ đã mất cho một truyện ngắn có tính cách ma quái: một nhân vật, đồng thời là người kể chuyện, bị phân thân, thường xuyên sống đeo đẳng với cái bóng của mình như một bóng ma. Về sau, trong những Truyện thật ngắn (1991), bút pháp tân kỳ hơn, Võ Phiến vẫn hư cấu những cốt truyện phân thân hư hư thực thực như thế: Tôi nhiều đứa, Thằng bé, vẫn loanh quanh chủ đề “xa cách tuổi thơ hơn một kiếp luân hồi” (12).

Trong tuỳ bút Khách xá Quy Tâm (1988) mượn tên một bài thơ Giả Đảo – Võ Phiến đã diễn tả những thay đổi trong tâm hồn người di dân đã thích ứng “an phận” với không gian mới, nhưng vẫn còn nghe những âm vang quay quắt:

Trong đêm tối mịt mùng, tiếng hú vượt qua muôn dặm bể khơi, lướt trên mặt sóng, chao động chập chùng bất tận, trên những con sóng phản trắc đời đời bí hiểm, tiếng hú như thể có sức xoáy sâu vào tâm hồn kẻ lưu lạc. Sao mà không quay quắt được. Ôi những tiếng hú huyền bí thê lương mà thiết tha, những tiếng hú hút hồn người lữ thứ ” (13). 

Thật khó mà phân biệt đâu là văn xuôi, đâu là thơ, giữa tiếng hú hút hồn và tiếng sủa ăng ẳng. Có lẽ thơ ít lời và thấp giọng hơn. Đoạn văn kể trên được trích từ tập tuỳ bút Quê (1992) mào đầu bằng hai câu thơ của Tường Linh, không biết Võ Phiến moi ở đâu ra:

Phiến mây cố quận ngàn xa gợi
Một cõi thơ và một bóng quê

Dù có viết trăm ngàn trang thì tôi cũng không thêm được gì so với hai câu thơ của Tường Linh, nhà thơ cùng quê.

Thơ và văn xuôi khác nhau chỗ này chăng?

*

Võ Phiến là nhà văn của những phôi pha. Những bất hạnh nhỏ nhoi, những nguồn vui vặt vãnh, là những “ảo ảnh” trong “phù thế”. Con người trong tác phẩm Võ Phiến, nói chung vừa là nạn nhân của thời cuộc vừa chối từ lịch sử. Điều then chốt là ở đây. Nói là mâu thuẫn cũng được, nói là hệ luận cũng xong. Dùng chữ lớn lao, gọi anh là phi sử quan, phi biện chứng, nói cho gọn, gọi anh là “chống cộng”, đều được. Thiếu thời, Võ Phiến sống với bà nội và tâm sự “chỉ khi nào gần bà tôi, tôi mới thấy lịch sử là mênh mông” (14a). Lịch sử, ở đây, là những chuyện cụ thể về dòng họ, làng nước do bà kể. Đời bà cụ loanh quanh với những hũ mắm cua chua mà giá trị chẳng thua gì một thư viện gồm mấy vạn cuốn sách quý, hoặc một kho tàng đồ cổ vô giá (14b). Nhìn một cách nào đó (dĩ nhiên là sai) thì Võ Phiến không phải là tác giả “trí thức”, không vận dụng vào tác phẩm tri thức và lý luận trừu tượng. Lịch sử là một khái niệm trừu tượng, mà người ta có thể đem ra thảo luận ngược xuôi, nhưng viên đạn ghim vào đùi Bốn Thôi (14c) là một thực tế không có gì đáng bàn luận.

Về sau này, nhất là từ khi xa rời đất nước từ 1975, Võ Phiến có khoảng cách, nhìn đất nước xa hơn, trong không gian và thời gian, rồi trích dẫn ca dao đất nước:

Ngồi rồi vác thước đi đo
Đo từ núi Sở đo lên chùa Thầy
(15)

Anh không còn chăm chút vào Bồ địch Giếng Vuông của tuổi thơ nữa. Và đặc biệt trong Thơ Thẩn, Võ Phiến đã để trí tưởng lang thang “lạc đường vào triết lý”.

Thơ và văn xuôi khác nhau ở chỗ này chăng?

Ôm be rượu nồng nhớ bầu sữa mẹ

Nỗi nhớ đi xa hơn nữa, lần lên quá cõi trăm năm:

Nhớ biết bao cái thuở êm đềm
Thuở đạo lý chưa phân chia lành dữ.
...Và con người, ôi, rất mực thơ ngây
Chưa cảm xúc, e chừng chưa cảm giác
.

1993, tr.66

Ký ức lần theo thượng nguồn, đến thời Homo Erectus:

Hai triệu năm rồi đứng mỏi lưng
Nhìn quanh lạc lõng giữa mông lung.

1994, tr.87

Lối suy tưởng xa xăm này, chúng ta chỉ mới gặp gần đây ở Võ Phiến, đặc biệt là sau những lần mổ tim. Trước kia, không thấy anh băn khoăn về nguồn gốc con người và vũ trụ, thậm chí có thể xem anh là nhà văn “phản siêu hình” thỉnh thoảng chế giễu triết gia và triết học (15) thường xuyên từng dòng từng chữ truy tìm những “chi tiết ngớ ngẩn. Ta không ngờ lỗ chân lông lại to đến bậc đó... những đường nứt nẻ trên môi... sợi gân xanh trên trán... những gân máu đỏ ở khoé mắt... ” (14d). Chỉ sau này, ta mới gặp cảnh: “Trên đỉnh cao giữa lục địa, ông giẫm chân lên những vỏ sò vỏ ốc đã chết từ 250 triệu năm xưa. Dưới mắt ông, phơi bày ra cả một lớp đất già đến hai tỷ năm... Chưa bao giờ mình được sát kề cái Vĩnh Cửu các Vô Cùng đến thế ” (Quê, sđd, tr.77). Nhưng từ Grand Canyon, đỉnh cao lục địa, tầm nhìn lại quay về nội giới, về “mảnh đất quê hương, tại các di chỉ Hoà Bình... Thế rồi Quỳnh Văn, Đa Bút... Cho đến các di chỉ Phùng Nguyên (...) Những hài cốt nằm ngửa quay về biển. Mãi sau này người chết mới quay về núi ” (sđd, tr.90-91). Ôi cái tâm sự về chiều sao mà não nùng, thê thiết. Tháng Tư năm 1975 khi lìa xa đất nước, Võ Phiến làm một bài thơ vỏn vẹn có ba câu dang dở:

Ra đi tuổi chẵn năm mươi
Năm mươi tuổi nữa, nào nơi ta về
Ngàn năm mây trắng lê thê

(tr.30)

Ba câu này, vì một tình cờ, đã nằm trong sổ tay của tôi, do Võ Phiến ghi vào. Và cũng tình cờ mà tôi còn giữ, để bây giờ “tưởng chừng như nghe thấy các đấng tổ tiên (...) trong những mộ sâu và chật cứng bên kia Thái Bình Dương hướng về phía bên này mà gửi đi những tiếng hú dài (...) Thật là ghê rợn khủng khiếp đối với kẻ không về được” (Quê, sđd, tr.90-91).

Khách quan hơn mà nhìn, và nói chung thì thơ Võ Phiến không ảm đạm như vậy; ngược lại thường là trần gian hạnh phúc. Võ Phiến là người có khả năng quan niệm và cảm thụ hạnh phúc, có hảo ý chia sẻ hạnh phúc với đời, và bén nhạy lúc nhận diện niềm vui ở kẻ khác, tuy rằng ở văn xuôi, anh thường đùa cợt hay độ lượng trước những niềm vui đó. Trái lại, trong thơ, Võ Phiến như khoan dung với chính mình.

Hạnh phúc với Võ Phiến là sự hoà đồng, hoà hợp giữa con người và vũ trụ, tóm tắt trong một câu thơ

Trên mảnh vườn xưa muôn vật một linh hồn

Con người lắng nghe, và có khả năng thấu hiểu những trăn trở của không gian, những chuyển mình mong manh nhất:

Một ngôi nhà
Hôm bắt đầu cuộc sống chúng ta
Em nhớ chứ? Cái đêm dài kỳ lạ.
Gió định đến, chợt ngập ngừng, rút lui êm ả
Suốt một đêm cây lá nén hơi
Tàu chuối toan trở mình, nghĩ lại bèn thôi
Trời gần sáng mới có mưa rón rén

Vũ trụ có những sinh hoạt tinh thần, mà con người “đọc” được: định đến, chợt, ngập ngừng, nén hơi, toan trở mình, rón rén... tác giả nắm bắt được những ý nghĩ thầm kín của thiên nhiên. Và ngược chiều, cỏ cây cũng thấu đáo niềm bí mật của con người:

Giọt nước đọng giữa mỗi lòng bụi cỏ
Cứ nhấp nháy tinh ranh

Con người và vũ trụ thậm chí còn đồng loã trong những tình cảm bất chính: thơ Võ Phiến hay ở chỗ ranh mãnh, tinh quái; cho là kinh nghiệm của văn xuôi đi nữa, thì vẫn là một sinh thú cho người đọc. Quan niệm hạnh phúc đôi khi rất đơn sơ:

Quả có thế, cùng biết nhau, biết cả
Tôi với em, với gà vịt, với ngôi nhà
Tưởng chừng như một thịt một da...

Sự hoà hợp hoà đồng ấy đưa đến một câu thơ xuất sắc:

Nhà quạnh vắng, lũ ruồi buồn nắng xế

và một kết luận tuyệt vọng tuyệt trần:

Em ơi, đất đá xưa đã trút cạn linh hồn

1992, tr.55-57

Lịch sử loài người, tiến bộ khoa học, là quá trình bạo lực, lấn chiếm, chế ngự thiên nhiên. Nói chung, Võ Phiến không tin vào khoa học và lịch sử để mưu cầu hạnh phúc: đây là một tư tưởng thường xuyên, từ trẻ đến già, từ một xóm quê xơ xác Bình Định Giếng Vuông cho đến Los Angeles đỉnh cao kỹ thuật. Trong Thư Nhà, 1962, Chuyện Bốn Thôi, anh đã viết ngao ngán: “thứ chân chữa lành bằng thuốc Dagénan vẫn không bằng thứ chân chữa bằng dầu rái” (14e). Chúng ta không ai lạc hậu đến mức đi so sánh hiệu lực của dầu rái với Dagénan, nhưng chuyện của chúng ta nằm ở chỗ khác: ở những bàn chân, những vết chân và những bước chân, thậm chí những “tiếng guốc... ngần ngại dò la từng nhịp đập của một con tim ” (Truyện Thật Ngắn, sđd, tr. 108).

Hạnh phúc là niềm vui mong manh lưu lại vài hình ảnh êm đềm trong ký ức. Mong manh, nó e ngại thời gian và ngại ngùng trước lịch sử và khoa học, những bước chân giục giã thời gian. Võ Phiến muốn lẩn trốn thời gian để gìn giữ tuổi thơ. Anh luyến tiếc thời Đường thời Tống mà anh chưa bao giờ sống, chẳng qua là để mình tự nhớ mình. Một bài thơ hay, làm từ 1947, cổ điển, tài hoa và uyên bác:

Người xưa song bước với Thời Gian
... Bước chân bình thản đi về mộ
Thôi có thù chi với tháng ngày
Tôi biết thời xưa từng có hạc
Có chàng Lý Bạch thở ra thơ
... Khuya khuya say ngủ bên sân trúc
Vụt tỉnh vầng trăng khuyết ngẩn ngơ.
... Thảnh thơi buổi trước có nhiều tiên
Giữa trần du ngoạn Liễu Tôn Nguyên,
Nam hành biệt đệ – Vi Thừa Khánh
Đạm đạm tràng giang, dạ khách phiền
... Phong lưu thiên hạ đều nghe tiếng
Nhớ thuở “hồng nhan” Mạnh Hạo Nhiên
– Cuộc đời rộng rãi như hơi gió
Sống dễ làm sao! Vốn thảnh thơi
Giọng của các người điềm tĩnh quá
Trong như thu thuỷ thoảng như hơi
– Gió bay tờ sách – tôi ghen tiếc
Ôi các nhà thơ của một thời.

1947, tr.26

Thơ Võ Phiến còn gợi lên những niềm vui cụ thể, nồng nhiệt:

Em đứng, em ngồi, vườn sau hiên trước
Em tôi chật ních buổi mai
Em thở, hơi thở em chật cả đất trời
Đời hữu hạn chợt quên mình hữu hạn
Mây nước phập phồng ánh sáng vang vang
Chúng ta từng sống những giờ chật ních nhân gian

1995, tr.92

Đọc bài thơ, ta mừng tác giả – và con người – đang sống niềm hoan lạc lớn lao, nhưng đến câu cuối, chữ từng, một chữ thôi, bỗng xô toàn niềm hạnh phúc vào hoài niệm và mất mát..., cùng nhiều bài thơ khác:

Chợt nhớ lại anh với em buổi ấy...
... Âm dương hoà hợp thịnh mãn xôn xao
Ôi càn khôn sao vừa vặn khít khao...
... Họ đâu rồi, cặp Anh Em thuở trước
Tiếc nhớ mông lung như nước biếc tiếc trời xanh
Họ đâu rồi? còn lại chúng ta
Nhăn nhúm, ngẩn ngơ...

1993, tr.74

Chữ Em không nhất thiết phải là một kẻ khác, một phụ nữ; có khi nó là tác giả nói chuyện với mình

Gió bấc thổi em – te tua mái rạ
Trưa hè nắng em – mép ruộng bờ ao
rạc cánh chuồn chuồn
Đông hạ bốn mùa Bồ địch Giếng Vuông
Vẫn em đấy. Mình em lủi thủi
Vật đổi sao dời, em chưa mười tuổi
Một mình em giữa bao mồ mả tổ tiên
... Em thấy đâu hình ảnh lão già mỏi mệt
Đang loay hoay quờ quạng dọn một chỗ nằm
Nơi lục địa xa xăm

1993, tr. 72

Bồ địch Giếng Vuông là nơi sinh tác giả (1925) đã để lại những hình ảnh cụ thể cho tuổi lên mười, lủi thủi, te tua, rạc cánh chuồn chuồn. Lên tuổi hai mươi, hình ảnh thơ mộng hơn, nhưng nhoè nét:

Còn ta, ờ nhỉ, còn ta nữa
Hình như ta cũng nhớ ai đây?
Nhớ chàng trai nọ hai mươi tuổi
Nón cối trên đầu, dưới nắng mai
Nắn lá thư tình trong túi áo
Đứng nghe cưởng sáo hót ven sông
Hạnh phúc giữa trời vang lảnh lót
Gió mây phấp phới tận trong lòng.

1986, tr. 35

Trong Thơ Thẩn phảng phất nỗi buồn, nhưng không bi lụy. Có lẽ nguồn vui văn chương và sức mạnh tư tưởng đã hoá giải được thân phận, tạo được nơi Võ Phiến niềm an lạc trong phong cảnh quê người:

Tiếng ai cười nói vang trong nắng
Phải bà hàng xóm ngực rung rinh
Máy ai cắt cỏ vườn bên cạnh
Khiến nên ánh sáng đầy âm thanh
Ngọn gió trên cao vừa lướt nhẹ
Ngẩn ngơ con chó hít trời xanh
... Ta toan an lạc cùng cây cỏ
Cười vui hoa cải với hoa cà
– chợt nghiêng tai lắng lời kêu réo
Réo gọi ta từ xa, tít xa

1987, tr.40

Chúng ta mừng là Võ Phiến còn đủ tươi tắn nhìn sang ngực bà hàng xóm, nhìn con chó hít trời xanh, chắc là chó Tây – chó Việt chỉ rài ăng ẳng từ xóm cũ (1995, tr.99). Nhưng tươi tắn nhất ở cách nghịch chữ trong câu cuối, tiềm ẩn một câu khác, ý khác, một thứ ẩn tự (anagramme) theo nghĩa de Saussure (17):

Ta từ xa tít xa ta

Ta vẫn nói: xa tít xa tắp, thít tha, thịt thà. Ai ngăn được tôi nói: xa tít xa ta (Tôi lại nhớ bài Kẻ ở của Nguyễn Đình Tiên: Mai chị về xa tít dặm xa).

Võ Phiến dùng lối nghịch chữ để kết luận một bài thơ khác, bài Nghìn sau “triết lý”:

Trong cõi vô thuỷ vô chung mịt mù biền biệt
Ôi nghìn sau, biết mấy bùi ngùi
... Kẻ trước người sau rồi mất cả
Vũ trụ càn khôn không hề có trí nhớ
Không hề!

1992, tr.49-50

Chữ không hề câu trên có nghĩa chưa hề, không bao giờ. Câu cuối, chữ hề còn là một chữ đệm trong thơ cổ, trong từ và nhạc phủ, nó làm nổi bật chữ không có nghĩa là hư vô – một trong khái niệm đạo học đông phương. Trong bài Hôm qua (1994, tr.84) nói về cõi chết, tác giả lặp lại hôm qua với vần qua năm câu liên tiếp để độc giả tinh ý phải tự thêm vào dấu nặng thành “con quạ của già Poe” (1993, tr.80). Người sành điệu sẽ nhớ một câu thơ Nguyễn Giang (1910-1969): 

Chiều hôm đàn quạ lượn trên sông

Tri kỷ thì nhớ bài Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn cùng quê với Võ Phiến. Người uyên bác còn liên hệ với thơ Lưu Vũ Tích thời Đường:

Ô y hạng khẩu tịch dương tà
(Đầu ngõ áo đen nhạt bóng chiều)

Tìm ra được dấu nặng thêm vào chữ qua thành quạ cũng chẳng tài giỏi gì, vì Võ Phiến đã “gợi ý” trong bài thơ xuôi Lên đường:

“Trên con đường đèo cuối tầm mắt, duy còn độc một chiếc xe màu đen lẩn lút trốn nhanh (...). Quạ vừa kêu vừa xô nhau bay... Quạ kêu gấp gấp, đi ngay đi ngay. Tiếng quạ đã xa: “À. Thế à ? À, à, à” Quạ kêu xa nữa: “À, à... Á, á, á” Quạ xa thêm nữa “Á, á, á...”

Thôi, hết.”

1994, tr.89

Về một cái dấu nặng trong hoang tưởng mà phải dài dòng, vì như tôi đã nói trong đoạn đầu “chữ nghĩa Võ Phiến buộc ta phải đề phòng cho lắm”.

Thật ra, ngôn ngữ Võ Phiến, nói chung, không quá quắt và anh cũng không đòi hỏi người đọc phải quay quắt như vậy.

Cùng trong đề tài hạnh phúc phôi pha của trần gian, anh có những bài thật hay và đơn giản như Tạ từ thân xác:

Ta đến từ đâu, đâu biết được
Đến đây được biết có Mình thôi
Gặp nhau từ thuở ban sơ ấy
Quấn quít nhau không một phút rời.
Tiền thân dù có, dù không có
Ta có Mình khi ta có đời
Có Mình, ta có luôn trời đất
Đã tuyệt vời chưa Thân Xác ơi
(...)
Rồi đây cách biệt – muôn đời biệt –
Bỏ tai bỏ mắt ta đi xa
Ta đi xa tít ngoài nhân thế
Ta gửi Mình nơi lòng đất già
Hình hài không có, đời không có
Ta có gì chăng để gọi ta? (...)
– Lang thang đâu đó ngoài vô tận
Một mảnh linh hồn nhớ thịt da.

1986, tr.36, 37, 38

Nguồn vui hoà tan trong lời thơ, hoá giải thân phận sau khi hoà giải với hình hài. Người đọc vui lây vì thấy Võ Phiến không còn lo “né lằn roi bên này, tránh viên đạn bên kia”, và ngược lại an vui trong cảnh tạm dung, người tạm trú.

Văn chương, nghệ thuật là những bàn tay, vô hình hay cụ thể, đã dẫn dắt Võ Phiến lân la, thơ thẩn ven bờ bi kịch. Nhân vật, những đứa con tinh thần của Võ Phiến, thường xuyên sống bi kịch. Họ tìm cách đào vong, cách này hay cách khác nhưng ít khi thoát khỏi nanh vuốt của số mệnh mang tên là Lịch sử. Trong những bi kịch Việt Nam, Lịch sử còn tàn nhẫn hơn Thần Linh trong huyền thoại La Hy. Vì Lịch sử vừa là thực chất vừa là huyền thoại: đánh người đánh cả hai tay. Thần Linh chỉ có quyền uy và bạo lực, Lịch sử còn nhân danh công lý và đạo lý. Trẻ Tạo Hoá chỉ mới đành hanh, Già Lịch Sử cay nghiệt, không bao giờ lơ đãng.

Sống lìa xa quê hương là một bất hạnh. Nhưng nhờ luật bù trừ, nỗi bất hạnh lớn đó, thỉnh thoảng có mang ít nhiều an ủi. Xa vùng sấm sét, con người thỉnh thoảng nhìn về, bắt gặp một khoảng trời xanh, có khi điểm vài ánh sao li ti. Xa xứ, dường như cái nhìn Võ Phiến rộng rãi, bao dung hơn, nhất là với thời gian

Vũ trụ vận hành êm ả thảnh thơi
Chuyện gì rồi cũng bỏ qua thôi.

1993, tr.69

Giải thoát nhờ huyền học phương đông, Võ Phiến còn sống lại nguồn vui hồn nhiên của dân gian Việt Nam, như lời ca dao:

Cái kiến mày ở trong nhà
Tao đóng cửa lại mày ra đường nào...

Lối nhìn, lối nói phúng thế theo kiểu dân gian – hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến... xưa kia – ta vẫn gặp trong văn xuôi Võ Phiến. Nhưng lối châm biếm thường cay chua, thậm chí còn độc ác. Trong Thơ Thẩn, lời đùa vui đối với bản thân có tính cách hoà giải, phóng túng, bằng hữu, như bài Đáp bạn Chu Ly, về thân phận người di tản:

Thư bạn nhắc qua thời lả lướt
Đọc xong thở dài nghe thậm thượt
... Mỗi người miễn cưỡng một Kinh Kha
Sông nào sông nấy sông Dịch tuốt
... Tiếng cười cái liếc thoắt trao nhau
Nhất khứ, thôi rồi bao mộng ước
Thôi rồi cười liếc nữa mà chi
– Kinh Kha lầm lũi nhanh chân bước

Kéo lê kiếm bạc đi vào hư vô.

1993, tr.59-60

Bài thơ cũng như bài Đọc thơ Đường đã dẫn, hay một cách “chuyên nghiệp”, không thuộc vào dòng “thơ thẩn” như Võ Phiến tự nhận về sau... Võ Phiến có tài làm thơ và sớm thành tựu về thơ, nhưng anh đã chọn văn xuôi làm bút pháp, âu cũng là một chọn lựa căn cơ và chính đáng. Vì văn xuôi rộng đường đi hơn, hợp với xã hội Việt Nam hơn, có quần chúng đông đảo và lâu bền hơn. Ngoài ra, ta có thể làm thơ khi viết văn xuôi – truyện ngắn, tuỳ bút, thậm chí phê bình – khi đó văn xuôi sẽ được nâng cấp. Ngược lại thì không xong: viết văn xuôi khi làm thơ ngang phè, prosaïque, thơ bị xuống cấp. Nguyên Hồng làm thơ hay, nhưng sự nghiệp đồ sộ của ông là văn xuôi. Ngược lại, Xuân Diệu viết truyện hay, nhưng chủ yếu là nhà thơ về mặt sáng tác. Tuy nhiên, làm thơ khi luống tuổi để cô đúc một số cảm xúc, tư tưởng là một việc chính đáng. Mai Thảo cũng vậy, về già chỉ làm thơ. Trên tạp chí Thơ số mới nhất, Thanh Tâm Tuyền có tiết lộ là Mai Thảo 1955 bước vào văn học với một bài thơ xuất sắc Cúi đầu ký bút hiệu Nhị (18) nhưng sau đó dồn nghị lực vào văn xuôi. Và đặc sắc trong văn xuôi Mai Thảo là chất thơ. Điều này vẫn đúng đối với nhiều nhà văn phương Tây. Tại Pháp, trong kỳ thi tuyển giáo viên trung học (CAPES) năm nay (3-1998) thí sinh phải bình giải một đoạn văn của Michel Butor, đại ý như sau:

Thời sinh viên, cũng như nhiều người, tôi làm vô số thơ. Không phải để giải trí hay luyện nghề; mà để gửi gấm cả cuộc đời vào đó. Bỗng nhiên, từ ngày bắt đầu cuốn truyện đầu tiên, suốt nhiều năm tôi không hề cầm bút làm thơ, vì muốn dồn vào truyện đang viết tất cả nguồn thơ; và nếu tôi chọn bước vào tiểu thuyết, cũng vì tôi đã gặp trong cách hành văn này nhiều khó khăn và mâu thuẫn khi đọc các nhà văn lớn, tôi đã cảm thấy trong đó một chất thơ (charge poétique, lượng thơ) kỳ diệu. Vậy tiểu thuyết, trong những hình thức cao quý nhất có khả năng giải toả những khó khăn nói trên, và thừa kế gia tài của thơ trước kia” (19).

Nói chuyện dông dài về thơ - truyện Võ Phiến, sang cả Nguyên Hồng, Mai Thảo, là cũng muốn mượn cơ hội nêu lên một vấn đề lý thuyết phổ thông, cơ bản và hiện đại.

Nhưng trong thực tiễn sáng tạo, hiện tượng ấy đã xảy ra ra sao?

Mới đây, Võ Phiến đã kể lại một kinh nghiệm – không nhất thiết của bản thân – trong một tuỳ bút có tính hoạt kê Ngày của chúa (1990): một người cao hứng, làm thơ ca ngợi ngày chủ nhật, nhưng được dăm câu thì cụt hứng:

“Chàng ngắc ngứ, như con gà nuốt phải dây thun. Chàng loay hoay, như gà mắc phải tóc. Thần bút lúng túng quá, làm chàng rối cả trí. Sau cùng đành quẳng cả thần bút thôi. Chàng vội vàng, không thể cứ một bước mỗi vướng vít lăng nhăng vào vần này điệu kia. Thôi hãy cứ văn xuôi mà xổ vậy. Chàng như một người đang cầm đũa ngà, ăn chén bịt bạc, bỗng gặp món đắc ý, cao hứng quá, quẳng cả đũa, dùng năm ngón tay mà bốc, bốc lên mồm gặm nhồm nhoàm. Dùng tay như kẻ ăn chân gà, cánh gà”. Ngoài những vướng vít vần điệu, còn lúng túng vì “một lẽ nữa là cái thứ thơ (...). Trong ý nghĩ của chàng, ngày chủ nhật của Chúa như chiếc ống thổi lửa (...) – Ngày của chúa như ống thổi lửa? Kể ra, chàng không được phép nảy ra một cái “tứ thơ” lố bịch như thế, lếu láo như thế” (20).

Cái ống thổi lửa – nói cho ngay – nó quả chưa có dịp đi vào thơ văn. Nó chưa “đi vào” đâu cả”. Trong Hồng Đức quốc âm thi tập có thơ về cái bếp, ông táo, cái rế nhưng không thấy ống thổi lửa. Nhưng là tứ thơ, nó có lố bịch, lếu láo không? Võ Phiến đã chứng minh là không, trong một đoạn văn xuôi đầy ắp chất thơ: “Trước kia ở làng quê không nhà nào là không có cái ống thổi lửa. Đó chỉ là một ống tre khô, ngắn hơn gang tay, nhỏ hơn cườm tay, một ông tre trống rỗng không có mắt. Người ta kề miệng vào một đầu ống, đầu ống kia chĩa vào đầu bếp mà thổi. Thổi như thế, bao nhiêu hơi dồn thẳng vào bếp, không bị tản mạn lung tung, do đó than bùng ra lửa, lửa mau bùng lớn ngọn” (20).

Trong sự thưởng ngoạn (quê mùa) của tôi, đây là một đoạn văn xuôi đặc sắc dạt dào thi tính. Một chất thơ mật thiết, đến từ cuộc đời làm bằng những tương quan cụ thể giữa trần gian: ống tre, cườm tay, miệng, hơi thở truyền hơi thở con người vào đời sống thiên nhiên “than bùng ra lửa, lửa bùng lớn ngọn”. Ngọn lửa, ánh sáng và hơi ấm, là sự sống bùng lên từ hơi thở – thường là hơi thở của một người đàn bà, phà sức sống vào cành khô củi chết, vào tro tàn than lạnh:

Lòng ta nay, tro tàn bếp lạnh

1993, tr. 78.

Một hình tượng như vậy không thi vị, thậm chí không thiêng liêng sao? Ấy thế mà cái ống thổi lửa thân mật thân thiết đã bị lãng quên trong một xó ký ức không được một tia sáng lịch sử văn hoá nào soi tới. Phải đợi Võ Phiến nhắc lại ta mới sống lại trong lòng bàn tay, ở đầu hơi thở một thoáng dịu dàng, ấm áp đã xa xăm. Võ Phiến là thi sĩ trong văn xuôi, thi sĩ của trần gian. Là thi sĩ. Đọc và nghiên cứu về thơ trong nhiều năm, tôi đã gặp nhiều định nghĩa, hùng hồn và uyên bác. Riêng với Võ Phiến, tôi dám hạ bút: “Thơ là ống thổi lửa” mà không sợ mấy chữ “lố bịch, lếu láo” anh đã dùng. Đời là ống thổi lửa. Triết lý chăng?

*

Thơ Thẩn, thi tập của Võ Phiến, không phải là biến cố văn học. Tác giả không muốn vậy, chỉ xem như là một bó cỏ gửi đến bạn bè. Bên ngoài tình cố cựu, tôi đặc biệt lưu ý đến giá trị văn học của tập thơ. Trước tiên, nó đúc kết kinh nghiệm một đời văn, về mặt xúc cảm, tâm tình, suy nghĩ và hành văn. Một đời văn dồi dào, súc tích, đa dạng. Và chìm nổi. Tác phẩm Võ Phiến, ngay từ đầu, đã mang nhiều đặc tính dân tộc – nhưng ở cục bộ: thân phận con người, cá nhân và địa phương. Trong Thơ Thẩn, tình tự dân tộc rộng hơn, xuề xoà, xởi lởi. Một thứ minh triết chân quê. Một triết thàng (*). Làm nhớ một Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến lúc lui về sống trong làng.

Tưởng không giấu được ai: tôi viết về Võ Phiến vì chút tình riêng. Không phải là chuyện văn nghệ. Chỉ vì văn nghệ, tôi không đọc như vậy, không thấy và không viết như đang viết. Giữa con người với nhau dường như có cái gì quý hơn, sâu hơn, bền hơn văn chương.

Mở đầu tập tuỳ bút Thư Nhà (1962), Võ Phiến viết: “dầu sao khi mình chết mà con cháu có làm đến quận công, sao bằng đang sống mà gặp được sự chung tình. Sự chung tình vô giá càng ngày càng khan hiếm đó, tôi chắc chắn có thể tìm được ở đây”.

Ở đây, là ở đây:

Đặng Tiến,

7.-02 - 18.-4.1998

Đọc lại, 09-01-2007.

(1) Thơ Thẩn, nhà xuất bản An Tiêm, Paris 1997, 70 FF. Địa chỉ liên lạc: 14 villa des Acacias, 202 rue d’Epinay, 95360 Montmagny.

(2) Xuân Diệu, Thơ Thơ, Đời Nay, Hà Nội, 1938, tái bản nhiều lần.

(3) Hồ Lê, Vấn đề cấu tạo từ, tr 216, 80 và 203, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

(4) Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 82.

(5) Hứa Văn Hoành, Từ láy trong tiếng Việt, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

(6) Võ Phiến, Truyện ngắn Văn chương, báo Văn Học, California, số Xuân Đinh Sửu, 1997, tr.6.

(7) Báo Sàigòn Văn Chương, 25.11.1935.

(8) Xuân Diệu (viết về Thế Lữ) trong Tuyển tập Thế Lữ, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1983, tr. 597.

(9) Đỗ Kh., tạp chí Thơ, California, số 9, 1997, tr. 42.

(10) Đỗ Kh., tạp chí Thơ, số 10, 1997, tr. 38 (Chàng còn viết “luận về thơ pả hi vần pả hi vèo” – pả hi: từ “phải” in... quấy!)

(11) Đêm Xuân trăng sáng, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1961, tr. 310 và 319. In lại trong Tuyển tập, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1987, tr. 11 và 17.

(12) Truyện thật ngắn, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1991, tr.7.

(13) Quê, nhà xuất bản Văn Nghệ, 1992, tr. 92.

(14) Thư Nhà, Thời Mới, Saigon 1962, lần lượt: (a) tr. 134, (b) 130, (c) 145, (d) 35, (e) 106.

(15) Chim và rắn, trong Truyện ngắn II, Văn Nghệ, California, 1987, tr 295.

(16) Lại thư gửi bạn, Người Việt, California, 1979, tr 7.

(17) Jean Starobinsky, Les mots sous les mots, Gallimard, Paris, 1971.

(18) Tạp chí Thơ số 12, 1998, tr.7. Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý sinh 8.6.1927 tại Nam Định, mất ngày 10.1.1998 tại California. Tác phẩm cuối là tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền, nhà xuất bản Văn Khoa, California, 1989.

(19) Répertoire II, Minuit, Paris 1964, tr. 7, dẫn theo đề thi CAPES.

(20) Sống và Viết, nxb Văn Mới, California, 1996, tr. 33-34-35. 7.2.1998

(Văn Học số 234 tháng 11&12/2007, số đặc biệt về Võ Phiến)

(*) thàng: thường (thổ ngữ Bình Định – Đặng Tiến chú, 8.2020)