Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Phố vẫn gió (kỳ 11)

Lê Minh Hà

Với một ông chồng tây thì lại khác! Chỉ có điều rồi cũng chẳng được bao lâu. Tôi không bị người âm ám để có thể cắt dây tình duyên vì đằng thằng tôi với Bảo chỉ là búp bê gỗ với nhau, nhưng thực tế là hai lần sống thật có dấu chứng thực và mấy lần sống thử sau đó đều chẳng ra làm sao. Heinrich thật tốt. Nhưng không hiểu sao khi còn làm việc ở Việt Nam chàng ta có thể vạ vật khắp nơi, sà xuống hàng quà nào cũng ăn được kể cả bún ốc ngay cả khi chứng kiến bà hàng đã trần không biết bao nhiêu bát bún trong nồi nước dùng (bát có ngoáy qua loa theo trật tự trong hai chậu nước), nằm ngủ trên chiếu lên mốc ngày mưa phùn không cần màn, vậy mà cưới tôi về lại quê hương bản quán Heinrich trở thành một người khác hẳn. Cũng có thể đó mới chính là con người thật được rèn từ bé của chàng. Nhiều điểm hay ho, nhưng rút cục là tôi bắt đầu thấy mình khó chịu sau khi đã học và làm theo răm rắp. Thái hành một dao thái thịt một dao, thái thái cắt cắt xong rồi rửa sạch lau khô đính ngay lên tấm nam châm gắn bên bếp. Uống nước khoáng một cốc uống chè cốc khác đến rượu càng rối tinh. Không phải là tôi không đủ khôn để thuộc những quy định đó, nhưng cái gì đã thành nghi thức đều làm tôi ngán, ngán ngang với cái nghi thức là quần áo trong tiếng ông chồng cũ đọc thơ. Cái vẻ lịch thiệp khi chồng cất cái tách tôi vừa rửa xong đang định dúi xuống vòi nước xả khát và thay vào đó chàng đặt vào tay tôi một cái cốc làm tôi khó chịu. Đến cái đoạn ngày nào tắm xong cũng bị nhẹ nhàng nhắc nhở phải cầm ngay cái dụng cụ gạt nước lau khô luôn tường nhà tắm tiết kiệm thời gian dọn dẹp thì tôi phát rồ, cảm giác như mình là người thiếu am hiểu văn minh tiện nghi. Mà hình như Heinrich cũng bắt đầu khó chịu với tôi. Rất khó nhận ra ngay cái nhăn mặt đầu tiên khi chàng trở về sau mấy ngày đi công tác xa nhà nhưng tôi đã nhìn ra và hiểu ngay: mùi mắm, mùi mắm tôi ăn vắng chồng. Một nỗi bất bình dâng lên rạo rực. Nhưng chàng không muốn hiểu vợ đã phải tự xén gọt đè nén bản thân như thế nào vì chàng. Thì đấy, từng buổi sáng tôi chịu đựng cái mùi phó mát dê phó mát cừu kinh khủng chồng ăn ngon lành mà phải chờ Heinrich vắng nhà tôi mới mang cái lọ mắm chưng cô bé người Hà Nội cũng có chồng thổ dân như tôi mới cho ra nếm náp. Mắm là thứ mà khi còn ở Hà Nội tôi kị vì cái mùi hung hãn của nó, vậy mà bây giờ ngửi trong căn nhà cửa kính hai lớp mùa đông chỉ dám he hé mươi phút mỗi ngày lại thấy thơm mới kì. Cũng như đủ kiểu rau thơm rau mùi thả vào bún vào phở vào các thể loại canh khi xưa trước khi ăn tôi phải vớt ra bằng hết. Cũng như cái vị ớt tươi chưa bao giờ tôi thấy thiếu trong những bữa ăn Hà Nội. Một con người lạ lùng trong tôi thức dậy, vốn ghét nghi thức mà giờ lại hân hoan sống trong nghi thức mới tự tạo, bất chấp sự vì thế mà khả năng hội nhập cứ chậm dần đều. Rồi cuối cùng chắc Heinrich không còn thấy ở tôi cái gì đã từng là một hấp lực, ngoài cái nhan sắc nói thực là không làm cho nhiều đàn ông Việt lao đao và một tính khí thiếu sự điều chỉnh thường xuyên của Thái Hằng và Béo sau khi tôi hấp tấp đi lấy chồng lần đầu. Da nhuôm nhuôm, nét khô khô, dáng thô thô, mũi lùn mắt trố vì đeo kính cận từ bé, tóc bóng và cứng như cái chổi giang mới vắt vẻo sau lưng. Sống với Heinrich bao lâu tôi vẫn thản nhiên giữ thói quen dao nĩa chẳng giống ai, cắt hết thịt rau khoai trên đĩa rồi quăng dao cầm nĩa chọc, ở bữa ăn có đại gia đình Heinrich, ở khách sạn, ở bất kì đâu. Cái sự này là do tôi cố tình, nghĩ tại sao mình có thể không cười khi người ta cầm đũa không xong mà họ lại có quyền cau mặt khi mình không thạo cái nghi thức cầm dao cầm nĩa nhấc khuỷu tay khỏi mặt bàn ăn. Cả thủ tục ôm ấp tay bắt má kề với bất kể người thân quen nào của chồng mỗi bận gặp nhau tôi cũng nhất quyết không làm. Tôi như một cây xương rồng không trổ hoa từ nhan sắc cho tới tính khí và không hề biết rằng mình, với cái thói kiêu mạn mới mẻ này đang bị thành phố mình từ bỏ ám.

Tính nết ngang ngang cùn cùn của một đàn bà dám bỏ chồng khi nhan sắc chẳng lấy gì đáng hãnh diện không làm cho ông chồng ta thích bỏ tôi nhưng lại làm ông chồng tây mệt. Bề ngoài không nõn nà gợi một hương xa mà các gái Thái gái Indonesia thay tốt chẳng cứu vãn được tình hình là tôi bị chồng tây chán. Nhưng Heinrich đàng hoàng. Heinrich ngay từ khi cầu hôn tôi đúng theo ý tôi hiểu rất rõ chúng tôi cần gì ở nhau. Sau này ở với nhau tôi còn hiểu ra anh biết về Việt Nam yêu Việt Nam có khi còn hơn khối kẻ tự hào là người Việt như mình. Đấy là một tình yêu có được nhờ gián cách, đôi khi có vẻ hơi mụ mị nhưng về cơ bản là rành mạch và vì thế không làm người ta khổ. Thay vì mặc xác tôi ở Đức mà bận bịu với những cô gái mới ở những đất nước mới chàng đi công tác thường xuyên, Heinrich đặt vấn đề rõ ràng: chờ tôi đủ thời gian nhập tịch thì li dị. Dù sao thì bỏ chồng bỏ vợ không phải là bọn tôi chưa từng. Nên giữ một cuộc hôn nhân không con cái mà trong đó cả vợ lẫn chồng đều đã thống nhất do không thể khác là dùng một ngôn ngữ trung tính và phổ biến chẳng phải tiếng mẹ đẻ của cả anh và tôi là chuyện thật khó khăn. Để sống được ở một xứ sở không phải là quê hương, phải có tình yêu, hoặc phải từng khốn khổ khốn nạn đến mức người ta sẵn lòng quên bản thân mình hoặc phải không có quái gì để quên thì mới tự tan lẫn được vào đời sống mới. Tôi, tôi chưa khổ đến mức ấy. Tôi tới xứ này chỉ vì chán và mỏi trong khi đi tìm mình để tự bấu víu, như đã từng bấu vào một tiếng violon của Bảo, tiếng kèn của bác Khánh hay những Beatles, Bee Gees, Paul Simon & Garfunkel, hay như mùi hương hoa sấu ngày chớm hạ, một căn phòng không bao giờ được sống trong đó. Là những - có - thể hình dung về một trần thế của thiên đường. Còn Khôi? Như tôi? Lẽ nào?

Như anh Phan thì hiểu dễ. Đường anh đi / về dẫu có xa hơn kẻ thường thì phía trước vẫn là cái đích chung. Trong mỗi câu chuyện giữa tôi và Béo anh vẫn thường xuất hiện. Dù gì thì tôi cũng có tới mấy chục năm quen mặt biết tên người trong số nhà của Béo. Làm cái tổng kết nhỏ thì có lẽ anh Phan và thằng Khương là hai người lên cao đi xa nhất trong sự nghiệp tự xây tự sướng dân giàu nước mạnh. Khương, giờ là chủ nhà hàng có cái tên ngồ ngộ - XOẮN - khách nườm nượp mà không hiểu sao không phì nộn như phần lớn chủ hàng ăn khác thấy Béo dẫn tôi vào mắt sáng rực gọi cậu bé giúp việc mày bảo ló nấy cho chú chai kia đéo gì có bao giờ chúng mày thấy tao uống với khách quý cái thứ cỏ rả nhà mình không, rồi quay ra cười hề hề: bác cũng về đầu tư như ông Phan nhà em ạ? Khương vẫn gọi anh Phan theo kiểu người nhà căn cứ vào vai vế giúp việc của bà nội trước. Khen thằng em giỏi thật giờ cơ ngơi mặt đường bảy tầng thế này chị mày có đi làm cách mạng hay làm kinh tế mới ở nước tư bản dăm chục năm nữa vưỡn thua, Khương chăm chú nghe rồi bảo bác có mừng cho em thì mừng cái sự mấy thằng ôn con nhà em chưa đứa nào nghiện chứ em cũng chỉ gọi là dư giả chút thôi may con cái học hành ngu ngốc nên không phải đau đầu cho đi tị nạn du học khá phải là như ông Phan kia kìa em có dám bỏ con mái già nhà em đâu thêm vợ bao thế … nào được. Tôi tự điền vào cái chỗ Khương ngừng ngắn một từ thật tục đúng phong cách của bà cháu nó, cười. Hỏi Béo, Béo gật, nhân thể nhắc Khương vặn cái âm li nhỏ nhỏ tí cho tao ngủ với với lại bảo mấy đứa giúp việc bát đĩa rếch đừng có bày ra nửa cổng tao cận lòi phi xe ra vào vỡ đừng trách. Lúc vào nhà, Béo bảo tôi “tao cũng nhân thể có mày nói giọng chị em với nó kiến nghị tí thôi chứ giờ động vào nó thì rách việc lắm.” Hỏi nó sợ ai? Béo cười: sợ bà nó thì bà nó chết rồi, vậy còn ngại công an phường với nể một anh Phan thôi vì thua đường tiền. Ông ấy giờ mày gặp khó nhận ra. Chả còn rụt rè như xưa đâu. Mà ngày xưa cũng chẳng phải ông ấy đụt mà là tính kín. Kiểu đại gia tiềm năng. Nhưng ông ấy giờ đang khó. Ừ thì cái khó của nhà giàu. Nhưng nhà giàu ngã ngựa mới đau mày ạ. Khéo bị khởi tố.”

Lạnh lẽo và tỉnh táo, anh Phan cho cô vợ dân lao động xuất khẩu về trấn dẹp mọi bức xúc nếu có định bùng ra của vợ chồng chị Thiều Anh và anh Huấn, xong rồi bỏ, nhưng vẫn chơi đẹp lo cho vợ cũ tới tận giờ. Cái Thiều Hoa đi nước ngoài học xong mang về được mảnh bằng và đứa con cả xóm chưa bao giờ thấy bố không hiểu sao thông minh và đanh đá thế mà giờ cũng chỉ loay hoay ăn lương nhà nước ở nhờ bố mẹ. Thằng em khác cả bố lẫn mẹ lẫn chị, ít lời y như bác Thiều Như bà ngoại nó, gần bốn mươi rồi vẫn chưa vợ ở căn hộ tự mua đâu đó một mình. Con gái Béo ngứa miệng chen ngang “chú ấy là người thuộc thế giới thứ ba đấy cô” làm tôi ngẩn người, ngẩn xong đột nhiên nhớ Bảo. “Bảo ái” – Thái Hằng nói. Đột nhiên tôi hiểu ra những xôn xao thời con gái của mình ngớ ngẩn và vô vọng như thế nào thêm một lần nữa, rành mạch và cụ thể. Đột nhiên, cũng là lần đầu tiên, tôi thương thằng Bảo thắt hết cả lòng. Nó có vợ, có con. Nhưng nó đã từng được yêu bao giờ chưa?
Cả anh Phan? Tôi không tin là anh yêu cô vợ nói tục dẻo y như bà cháu thằng Khương. Thì mới bỏ. Vợ anh bây giờ nghe nói đã xấu lại còn mắc tội thông minh học cao nhưng rất được chồng vì nể. Nhưng Béo bảo gần như chẳng bao giờ gặp chị. Song lại gặp chị Phương hàng ngày. “Chị ấy chắc cũng nặng gánh bố mẹ già? Dù gì thì mỗi chị ấy là con chung!” “Không hẳn đâu mày!”

Chẳng ngang trái, chẳng éo le, bao nhiêu người bình thường như tôi đã yêu một cách bình thường, lấy nhau một cách bình thường rồi giày vò nhau, bỏ nhau một cách tầm thường. Chị Phương khác, rời chồng rất lặng lẽ sau khi theo chồng đi làm bà đại sứ hết nhiệm kì ở một nước Tây Âu. Con theo bố mẹ qua học hành tại chỗ. Vợ chồng quy cố hương, chồng lên chức thì chị rời nhà chồng, không li dị, về làm cho cô bạn ở một phòng khám nha khoa và quay về nhà bố mẹ đẻ ở. Chẳng hiểu tại sao. Ngày đi lấy chồng chị Phương đòi mẹ cho phần hành lang làm khu phi quân sự giữa hai chiến tuyến của ông anh bà chị ruột. Bây giờ trở về, chị cho xây tường trổ cửa ngăn ngang hành lang làm thành phòng riêng chỉ bác Khánh và bác Thiều Như qua lại được. Bây giờ từ trên gác nhà Béo xuống không thể tưởng được đằng sau đó là phố nắng mưa gió lá phơi phới tơi bời. Anh Phan chơi rất đẹp. Thương em, anh bỏ tiền sửa 2/3 mặt trước căn biệt thự, mời bố di vào phía trong lấy chỗ cho thuê làm văn phòng đỡ chi tiêu cho cả bố lẫn em. 1/3 mặt tiền còn lại là chỗ cửa sổ phòng bác Thiều Như nhìn ra phố vẫn để nguyên, cụt thun lủn một mẩu tường rào bằng gang chạm trổ. Sáng sáng chiều chiều đi ngang đó là có thể nhìn thấy một bà nguyên thứ trưởng già bé nhỏ lọ mọ dầu đèn hương khói bên cái bàn thờ đồ sộ vốn được cải tạo lại từ một cái lò sưởi ốp gạch gờ tường đắp nổi kiểu tây thực dân. Nhìn cung cảnh biến đổi nhôm nhoam của phố phường, của chính số nhà này phần sân vườn bên ngoài đã nản, giờ, Béo bảo “mày không hình dung nổi nữa đâu, tầng trên tầng dưới thay đổi ruỗng hết cả rồi.” Việc gì phải hình dung, sờ sờ một ngôi biệt thự chưa mục rã nhưng đã bị cắt xẻ khoan đục không còn ra cái kiểu gì, tầng trên hành lang ngăn dọc tầng dưới hành lang ngăn ngang, tầng trên đục trần biến gian áp mái thành nhà xưởng tầng dưới đục cửa sổ làm cửa ra vào thành nơi cho người ta mở văn phòng làm gì có giời biết khách tới tùy đối tượng dẫn nhau sang ngay quán nhà Khương nhậu nhẹt bàn công to việc lớn. Thằng Khương lúc nãy tiếp chúng tôi còn ước giá mà các nhà thoả thuận được với nhau rồi tự giải tỏa cho em thuê lại cái biệt thự này mở nhà hàng. Hơi bị đẹp! Phá hết những cơi nới trong ngoài, trả lại cho ngôi nhà mặt tiền cũ. Thuê anh Khanh (họa sĩ em trai Béo) thiết kế nội thất. Nhờ vợ anh ấy đì dai cho cái đồng phục người làm. Cứ gọi là khách ngùn ngụt. Khương bàn như đúng rồi. Tôi nhìn Béo, tự dưng thương bạn quá thể là thương khi bất chợt hình dung căn phòng hai đứa từng nằm gác chân lên nhau thời con gái biến thành phòng ăn của một nhà hàng. Không ít lần tôi đã ngồi trong một phòng ăn như thế ở nhiều nhà hàng mới mở trên bao nhiêu phố cũ. Phan Bội Châu. Trần Hưng Đạo. Hàng Bài. Hai Bà Trưng. Phan Chu Trinh. Lý Thường Kiệt. Những căn phòng trần cao, gờ tường tinh tế, cửa sổ rộng, được thiết kế cho một người, để ngủ, để đơn hành với những riêng tư nay dùng để chứa một đống người ngồi hò hét ăn uống, âm thanh tự tán phát quẩn quanh giữa bốn bức tường nghe âm âm rất nhức đầu. Mà thôi, phải sống thì mới biết cuộc sống tự điều chỉnh hợp lí như thế nào. Nhưng sao tôi thương những giấc mơ tôi chan hòa ánh sáng của những khung cửa ngôi nhà từng vô cùng đẹp đẽ này, tuổi mười hai mười bốn mười sáu mười tám hai mươi, không có gì ngoài thời gian trôi qua, tất cả đọng mãi như ngấn cao chè trong ấm cũ.

Không có ai nhìn vào mắt tôi để hiểu rằng tôi đang thất vọng. Béo tốt bụng, chân thành, nhưng ngây ngô như tôi dù khác kiểu, nên chưa bao giờ đọc ra vị tôi. Thái Hằng đi mất rồi, sang Nga, qua Đức, chẳng biết dặt dẹo ở bang nào. Hồi tôi qua Mỹ gặp vợ chồng chú Kiên có địa chỉ của nó, nhưng về thì lại phải theo ông chồng khoai tây nghiền lang bang qua những xứ sở nghèo như nước mình có những cô gái đen đen như mình tươi trẻ vô tư sẵn sàng chiều chuộng mấy ông mũi lõ hơn mình bất chấp ông ấy có vợ là tôi không trong tư thế sẵn sàng canh gác nhưng lúc nào cũng ngồi ngay bên cạnh. Vậy là tôi và Thái Hằng chia xa cũng phải tới gần hai mươi năm. Vậy là đứa con gái nó có với ông người yêu vượt biên cũng đã ngoài hai mươi tuổi và chú Khôi vừa kể nó từng là hotgirl, đóng mấy bộ phim rồi, anh Quang bố đẻ nó vượt biên qua Mỹ về tìm con khuyên phải học trước khi tàn phai nhan sắc hay nhỡ chân không đủ dài khi các thế hệ sau lên và nó vừa đi, sang Mỹ học cái gì đó dính tới hai chữ truyền thông. Thật tôi không mường tượng được ra con bé nữa. Hai mươi năm rồi từ cái ngày tôi ôm nó mũi dãi nhìn mẹ nó vừa lầm bầm chửi vừa loay hoay treo mắc mấy bộ quần áo hàng Tàu lấy xuống cho khách thử mà khách chê bỏ đi. Thời gian tôi và Thái Hằng xa nhau đằng đẵng và đầy ắp sự kiện, nhưng khi quay nhìn về thành phố thì đó là một khoảng trắng và rỗng mà trong đó những đứa bạn cũ quay cuồng sống trong một nhịp điệu tôi không hiểu được nữa. Lúc quá nhanh, y như trong các truyện hay phim hành động Mỹ, lúc lại lê thê kiểu truyện Quỳnh Dao phim Hàn Quốc nhạt gì thì nhạt nhưng phải éo le một chút đắng cay một chút chết không vì nhà cháy hay đâm xe thì vì ung thư. Có điều chuyện các bạn tôi chưa thấy kết cục để có thể gật gù thôi dù sao còn lại tình yêu, trừ trường hợp đứa nào vỡ hụi hay trót dại tham nhũng bị bắt. Ví dụ như chuyện của Béo, buồn buồn nhạt nhạt lúc sắp về hưu mới sáng loé lên nhờ ngọn lửa tâm linh tự dưng cháy phừng phừng trong tâm cảm, nghe xong tôi ngồi cười khùng khục bảo chán mớ đời và nó cũng cười không tự ái, chắc chỉ là với tôi đứa mà nó quá biết tính nết ngẩn ngơ ngạo ngược. Hay chuyện vợ chồng đứa bạn cùng lớp tôi với Thái Hằng. Cả vợ lẫn chồng khoá trên khoá dưới học giỏi thôi rồi, ra trường ôm cái bằng kĩ sư chế tạo máy bỏ phố đi xây dựng đập thủy điện vào đúng cái thời một diva hiện thời khi đó còn rất trẻ hát cái bài gì ca ngợi những công trình di dân đào núi phá rừng ngăn sông này. “Mặt trời không mọc trên cành cây mặt trời mọc trên những cánh tay”. Diva nhà ta gào tóc vung vẩy theo nhịp nhảy trong cái tivi Neptun mua theo tiêu chuẩn ông bố chồng đứa bạn, bọn tôi cũng gào theo trong buổi tối chia tay vợ chồng nó đi xây đập Thác Mơ. Được mấy năm, vợ có bầu bỏ việc ra trước mặt mũi xanh lét, chồng bỏ việc ra sau, ngồi nhà ăn bám bà chị gái chậm chồng và mơ tưởng đổi đời. Cậy nhà cách có cái sân chung là ra mặt phố, chúng nó toan tính bán cháo lòng. Con vợ người có bao nhiêu thịt bao nhiêu mỡ đùn hết ra thành cái bụng sắp đến ngày đẻ mặt võ vàng nhưng mắt sáng quắc vì cái ý tưởng rửa lòng bằng máy sục. “Sạch tinh, em tính rồi, ruột non ruột già sạch tinh khách tha hồ yên tâm không sợ lòng mình thum thủm.” Tay chồng gật gù tính toán. Tôi ngồi nhìn, nghĩ không biết bạn mình lấy chồng rồi bị ngộ hay chồng nó hay cả hai. Người ta làm hàng, bê cả rổ lòng ra bóp nặn chỗ cống thải cứt non cứt già gì cũng trôi tuốt, bọn kĩ sư cơ khí tốt nghiệp Bách Khoa này lại tính dùng máy sục nghe như trò đùa. Điện đâu? Nước đâu? Ngoài sân mưa phùn lây phây. Cả lũ ngồi nhìn nhau trên cái giường của vợ chồng nó. Bà chị chồng con bạn cười khẩy thả chân xuống giường phủi đít bảo trong lúc chờ chúng mày cho ăn cháo lòng thì tao đi chợ mua rau muộn quá rồi. Thành phố vừa lên đèn vẫn ảm đạm trong mưa. Mớ hoa violet tím điểm bông thược dược vàng rực tôi mua cô bạn dúi vào cái lọ bày trên cái kệ kê xó nhà tỏa mùi hương ướt át. Năm ấy là 198… Đột nhiên tôi lạnh cả lòng. Nghe lũ bạn chỉ biết sách sách vở vở bàn chuyện vật lộn với đời thế này sao tuyệt vọng. Cư dân ở khu tập thể của tôi cũng đang vật vã từng ngày như thế vì nhà máy hết việc cơ quan giảm biên. Nhưng cái cách những người hàng xóm thuộc khối lao động trực tiếp khoẻ chân mạnh tay của tôi lăn lưng vào bụi bặm phố phường để có miếng cơm manh áo thấy tốc độ hơn, giản dị hơn và đỡ thảm hại hơn.

Hai mươi năm sau, vợ chồng đứa bạn thêm con nhưng không thêm của. Chẳng biết trong cơ hàn chúng nó có mặn mà thêm với nhau không. Lần nào về tìm nhau tôi đều không gặp được cùng lúc cả vợ lẫn chồng nó. Hỏi bận à, câu trả lời luôn luôn là cũng không biết. Lũ bạn cười bọn nó mười năm nay có thấy mặt nhau đâu? Thế mà cũng tòi ra được thêm đứa nữa á? Tôi - kẻ chỉ có thể sống chung khi yêu – kinh ngạc. “Thì đêm không ngủ ưu thời mẫn thế nó mới nên sự lớn thế chứ!” Chồng của bạn cười cười. Hóm thế cơ chứ! Tình yêu của chúng nó đã bị dát mỏng đến như thế nào mà vẫn chưa đứt trong hai mươi năm vất vả vừa qua?

Lúc ngồi căng tai nghe nhau ở xưởng ăn NGON đầu Nam Ngư trong tiếng nhai nuốt nói cười, tôi nghe chồng bạn tư lự tiếc nỗi đã không trụ lại được với nghề. Ừ, nếu hồi đó vợ chồng nhà ấy đừng lần về với phố mà ở lại Thác Mơ, khéo giờ giàu lắm rồi vì khả năng thành một ông giám đốc hay bà chủ tịch hội đồng quản trị nhà máy thủy điện nào là rất cao. Giỏi thế cơ mà. Chẳng Thác Mộng Thác Mơ thì còn khối dự án nhà máy thủy điện khác, Trị An, Dakrong, Paco. Không biết người ta đã xây đập trên sông Paco chưa? Hồi xưa nghe bài hát Người lái đò trên sông Paco ấn tượng mãi về dòng sông này “mênh mông đôi bờ xanh biêng biếc nước chảy xiết sâu thẳm”, sao chưa nghe có dự án nào đắp đập ngăn dòng?
Vợ chồng bạn tôi bỏ nghề về loay hoay lần hồi với phố, mấy mươi năm rồi ngồi đếm cua trong lỗ cho vui chứ đứa nào chẳng biết làm gì cũng phải có số. Như một đứa bạn khác đấy. Hơn gì chúng tôi đâu. Nhưng giờ tư duy toàn tỉ tỉ trở lên, gặp đứa như tôi nó chuyển đổi tỉ giá nhanh thoăn thoắt nhằm giải ngố, lại còn rủ rê mày đưa tao mua cho căn hộ này ở gần cái nhà tao mới mua để đó cho con lớn nếu nó học xong ở Mỹ về. Hỏi bao nhiêu mày? Đáng gì, tao mua thẳng từ dự án vài trăm thôi mày!

Tôi không hỏi nữa. Biết vài trăm đây là vài trăm ngàn tiền ở cái xứ tôi mới vừa từ đó bay về. Có mua bằng mắt. Nếu không thì phải lập dự án kiếm ông chồng thổ dân nào vừa già vừa giàu có khả năng đột qụy chết ngay chưa làm di chúc hoặc khi cưới không bắt vợ kí hợp đồng hôn nhân. Hoàn toàn vô vọng trong điều kiện tuổi và tính của tôi. Mà vốn liếng của nả như thế thực tình cũng vô vọng với đa số thổ dân ở đây. Nếu mà họ biết tôi bỏ quê hương nhà nhà người người tiêu tiền như đếm lá thế này chắc họ nghĩ tôi khờ khạo có tính bệnh lí. Nếu mà họ biết nơi đó còn…
Tôi cũng không hỏi nữa, rằng chúng mày bây giờ…? Nhìn gương mặt bạn da căng như bóng bay lông mày dán môi xăm hai mắt díu vào nhau vì nâng mũi, nhìn bộ ngực trổ về phía trước như úp hai cái bồ đài bằng mo cau, nhìn cái hông đàn bà Model Tắt Kinh tích ụ mỡ bó chặt trong cái váy ngắn trên đầu gối lộ hai cẳng chân như thân chuối sắp trổ buồng, thấy cả lũ mình sao mà tội nghiệp. Đứa khổ vì nghèo đứa cực vì giàu. Còn tôi, chẳng phải vì giàu chẳng phải vì nghèo, no đủ, mà vẫn nhọc nhằn kiếm tìm. Cái tôi kiếm tìm, bạn có cần không nhỉ?

Liều lĩnh hỏi chú Khôi rằng ngày đó Ngân ra đầu phố như chú hẹn qua Thái Hằng thì chú có biến một mạch bao nhiêu năm như thế không nhưng tôi cũng chưa dám hỏi chú ra đi như thế để kiếm tìm gì? Sướng hay khổ là cảm giác do so sánh mà có. Nếu nhìn sướng khổ qua cơm áo hàng ngày thì ở nhà làm viên chức nhà nước có lẽ chú Khôi sướng còn hơn làm viên chức của Liên Hợp Quốc tháng tháng tiền vào tài khoản rồi như nước rỉ rả qua đủ ngả thuế má bảo hiểm nhà cửa xăng xe ăn uống. Vậy vì sao Khôi ra đi?

Muốn biết lắm nhưng không thể cất lời, sợ một câu trả lời làm mình lại phải xé toang mình ra để mà sống lại nỗi chán, nỗi phiền muộn, nỗi tuyệt vọng. Mà vì nó chúng tôi ngay cả khi cuống cuồng học hành làm ăn yêu đương phản bội nhau vẫn có không ít khi thấy mình đờ đẫn sống không muốn cáu không buồn chết bao ngày tháng dài giữa thành phố. Nhưng tôi hiểu vì sao chú Khôi trở về ngôi nhà xưa. Cũng như tôi thôi. Chỉ để kiếm tìm mà không thể giữ lại, chỉ có thể nhìn thôi, những điều gắn bó mình với thành phố này ngày tháng ấy đang dùng dằng ra đi, có thể là… Ừ thôi, mãi mãi còn hơn là dậm chân tại chỗ dậm. Dù sao thì trái đất này vẫn quay.

Giá mà ngày đó tôi đừng bỏ chồng dại giai lần nữa để phải rời thành phố này, chắc chắn tôi sẽ không phải tự cật vấn, ngỡ ngàng gì mỗi lần gặp, một người bạn mới, một khoảng tường cũ, một hàng cây tưởng cao hóa ra lũn cũn bên những ngôi nhà cũ mới chồng tầng, một con đường đang giải tỏa, một bữa ăn gồm những món chưa từng ăn của một Hà Nội mới toanh chẳng hẳn vì tự cơi nới mình tới tận chân Ba Vì có những cư dân ngày ngày lo chổng mông nhổ mạ đánh dậm chưa có cơ biết thế nào là phố khi mình đã chính danh dân Thủ đô. Như thể được tiêm vaccin nhắc lại, tôi sẽ như các bạn của tôi, nghèo thì âm thầm mừng vì cơi được thêm căn phòng, vì xin được việc cho thằng con lớn mới xong đại học, vì vẫn chạy đủ cho đứa út học chính học phụ phấn đấu được như anh nó, giàu thì phớn phở vì căn nhà mới mua không ở thì để đó cho thuê, vì đứa con toài được qua Mỹ Anh Pháp Úc học rồi ở lại, vì cho vợ con đi du lịch châu Âu châu Á rồi về bao hội trường hội lớp. Chúng tôi giàu nghèo bất kể sẽ đồng lòng mở ra giai đoạn rủ nhau thăm viếng thắng cảnh nội địa xa gần, nhân thể ăn đặc sản, tắm biển hay tắm suối khoáng, trong lúc ăn thân mật tắm thân mật thì bá vai hỉ hả nhận nhau là người yêu giấu thuở còn thơ dại, thuở tất cả còn gầy nhom nhem trong đôi ba màu quần màu áo giống hệt nhau, và, trong lúc đó vẫn không thể quên ông chồng bà vợ già đã bỏ nhau lại vừa mới quậy. Đã có đôi ba lần tôi tham dự những chuyến đi như thế. Sau lúc bia rượu tàn phai, nhìn nhau trong áo bơi quần bơi không thể nào che đi những phần cơ đã chảy những bọng mỡ mới phát sinh, ôm nhau toe toe nửa thật nửa đùa tỏ cái tình yêu dớ dẩn thuở học trò không dám nói, chẳng hiểu vì sao tôi thấy bẽ bàng. Có cảm giác cả lũ đang cố truy tầm truy lĩnh lại những tháng ngày chưa kịp sống. Đã có một tuổi trẻ lẽ ra phải được như tuổi sắp già lúc này. Lẽ ra!

Phố chật lắm rồi nhưng vẫn gió. Khôi dẫn tôi ra phố qua cửa dành cho người trong nhà không đi ngang quán. Tôi ngoái nhìn. Câu khẩu hiệu ngộ nghĩnh gợi nhớ một điều mãi mãi thiêng liêng ai vừa kéo tấm bình phong che đi mất nửa, lại tha hồ tưởng tượng, như ý điền vào. Không có gì qúy hơn… Tình yêu? Cà phê? Tự do? Bàn chân tôi bần thần đặt trên bậc cửa. Ngôi nhà đã đổi gần như trọn vẹn diện mạo một thời, bậc thềm đổ một đường dốc cho người vào ra dắt xe máy. Nhưng góc bên trái của bậc thứ hai còn nguyên vết sứt lộ một mảnh thân gạch già, đã rêu, đã bụi bặm, mà vẫn rắn đanh không vỡ tiếp. Bao nhiêu năm rồi từ ngày ngôi nhà này được xây lên? Bao nhiêu bước chân giẫm lên bậc thềm ngôi nhà này? Bao nhiêu ánh mắt đã vấp lại ở vết sứt không thể cũ kĩ hơn vì mưa nắng đó?

Nếu ngày ngày giẫm lên nó, chắc không ai kì khu nghĩ ngợi như tôi. Như các cô cậu con ông bà trẻ của tôi thôi. Ông trẻ cậu của mẹ tôi mất rồi không có cơ nhìn con cái đổi đời một lần nữa. Từ ngày có con đường mới đắt nhất Việt Nam, nhà ông trẻ từ một rẻo đất xóm Liều tiến thẳng ra mặt đường. Bà trẻ già lụ khụ mà minh mẫn lạ lùng, chia bôi cho con cái đâu ra đó, gọi công chứng đàng hoàng. Cả nhà vui như tết. Vui nhất là dì Quế An lấy ông chồng một thời làm đồn phó công an phường, nhờ thế mà xin được mảnh đất to đoành ở ngay mé bên kia đê, đường mới xong đình huỳnh là chủ của bốn số nhà liên tiếp nhau bề sâu chỉ năm mét nhưng mặt tiền những mười sáu mét. Ông chú có võ đánh vợ như đấm bao trấu mà không vết, dì Quế An xinh thế mà cứ héo hắt như đàn bà hậu sản. Nhưng giờ thì dì cười rất tươi. Ông chú về hưu rồi, ít học lên tới đại úy là phải về, lại được cái có bệnh tiểu đường ngày nào cũng vén áo phơi bụng tự tiêm theo giờ ai không biết tưởng thằng nghiện già đang phê. Đâm lành. Đâm sợ vợ. Thời thế đổi thay, dì Quế An không biết có phải kế thừa được gen làm ăn của cụ Phán không, quản bốn cái nhà, cho tiền quay thoăn thoắt. Đúng, nhà mặt tiền là mặt tiền, mà không phải là tiền Việt Nam đồng ta.

Kí ức về ngôi nhà xưa trên phố xưa của cụ Phán hình như ông trẻ ôm ấp bao năm nhưng hình như không di lại cho con cái trong nhà. Ngay trong đám giỗ cụ Phán hay giỗ ông bà trẻ, các cậu các dì tôi làm rất to, tôi cũng không bao giờ nghe ai nhắc nhớ về những gì đã mất. Đã có bao giờ đâu mà biết thế nào là mất. Đã sống bao giờ đâu mà nhớ tiếc. Thì cũng như với chú Kiên nhà Thái Hằng, chú không có một kí ức nào đáng kể về ngôi nhà mà tôi đã từng lắng nghe Bee Gees, Abba, Barbra Streisand, Simon & Garfunkel trong căn phòng có cửa sổ nhìn ra gốc bàng của chú Khôi.

Don't forget to remember me
And the love that used to be
I still remember you
I love you
In my heart lies a memory to tell the stars above
Don't forget to remember me my love…
I love you
.

I? You? Tôi? Thái Hằng? Chú Khôi? Anh Phan? Béo? Hàng xóm cũ? Những nẻo phố?Những ngôi nhà? Những dằng dặc ngày rất trẻ?

Tôi cũng không tiếc ngôi nhà của cụ Phán xưa. Trước hôm đi đứa bạn cho ngồi con xe mới mua chở lòng vòng các phố mới phố cũ tôi có ngang qua đó. Cả mặt tiền với những mái ngói duyên dáng chìa ra che những bao lơn song uốn mềm như những đài hoa khuất đằng sau một tấm bạt khổng lồ. Nghe đâu nhà mẹ anh Phan đã bán ngôi nhà cho chủ mới là đại gia nên cơ nghiệp ở tận vùng sâu vùng xa nào. Ông ta không vừa lòng với kiến trúc của ngôi nhà, quyết định đập đi sửa lại lấy chỗ cho tiền vào. Không biết cây mít sân sau mà ông trẻ tôi đã góp tay trồng trước ngày theo cụ Phán đi tản cư kháng chiến, cây mít mà ông bao năm trời băn khoăn có quả hay không có quả người ta có chặt đi không?

Có một thời buổi sáng mùa hè cuối tuần tôi hay theo chú cháu Thái Hằng dật dờ chính cái chỗ nhìn chéo qua nhà cụ Phán uống nước mía. Khi xe xít đờ ca của công an xồ tới, mấy cô gái ngồi cùng hàng đứng phắt lên chạy biến về phía ngõ Liên Trì tôi mới biết họ là gái điếm vừa xong ca đêm. Chị bán hàng tống cây mía vào máy ép, ngấc mặt nhìn qua anh bơm vá xe đạp gần đấy, trống không: Xào khô xào ướt cả đêm qua mà không nhấc đít chạy cho nhanh thì khéo cụt bố nó cả vốn tự có.
Thái Hằng cười phì phì. Chú Khôi liếc nhìn tôi, im lặng. Tôi nhìn sang bên kia đường. Tự hỏi hồi cụ Phán còn sống trong ngôi nhà kia con đường quanh hồ này có những người con gái như thế nào qua lại, đi mà không phải chạy. Chưa bao giờ tôi kể cho Thái Hằng biết ngôi nhà bên kia đường từng là của nhà tôi. Nếu chú Khôi biết, hẳn là chú sẽ hiểu vì sao tôi hay im lặng nhìn vu vơ sang đó. Giữa tôi và chú hẳn là…

Mặt trời buổi chiều xuyên qua tán lá hàng cây sữa sắp qua mùa. Hoa nắng rung rung trên những cái ô của những hàng quán giải khát ven hồ, trên gánh hàng rong tất tưởi vượt ngang đầu xe ô tô chúng tôi. Thằng bạn tôi vừa lái xe vừa văng tục. Tiếng tây hẳn hoi.
Phố vẫn gió.

Berlin 15.1. 2014