Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 244): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (10)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 26, 27 & 28)


Kỳ 26

Tôi ngồi xuống ghế không biết mình sẽ nói gì. Thực ra nếu có Uyên ở đây cũng chưa chắc tôi nói được gì. Chẳng lẽ tôi đến thăm cô như một chuyện tình cờ? Chẳng lẽ tôi hỏi bà Phan là tôi muốn gặp Uyên?

-Bị cúm à? Hồi này trời độc lắm. Ông nhà tôi mấy hôm nay cũng sụt sịt hoài. Thế cậu đã uống thuốc gì chưa?
-Thưa bác. Tôi đã uống đủ thứ. Congex. Ngậm Maxicaine. Và cũng đã chích một mũi Arcopulmin nữa.
-Nhưng bây giờ thì cậu đã nhẹ rồi chứ?
-Cám ơn bác. Hết hẳn thì không hẳn là hết, nhưng nhẹ thì đã thấy nhẹ lắm.
-Thảo nào trông cậu vẫn còn xanh. Tám đâu? Bà vừa nói chuyện vừa gọi người làm.
-Lấy giùm tôi hai ly sữa đậu nành nhé!
Người nhà mang nước lên. Bà Phan nói:
-Cậu dùng thử nước này xem sao?
Tôi nâng ly mời bà. Tôi đang khát nước. Trong phòng trọ tôi thiếu cái tủ lạnh. Nước máy lấy ở Lavabo thì nồng nàn mùi eau-de-javel, bình thủy có bỏ trà thì vì lười nên ít khi nấu.
-Cậu thấy thế nào?
-Thưa bác cám ơn bác. Ngon lắm!
-Đấy, con Uyên nhà tôi làm đấy!
Nghe bà Phan đã nhắc Uyên, tôi thấy mình làm màu thế là quá đủ, tôi muốn hỏi thăm Uyên, nhưng bà Phan đã đứng dậy sửa lại cành hoa trong độc bình:
-Xin lỗi cậu Thăng nhé! Tôi có chút việc. Để tôi gọi Uyên lên cho anh em nói chuyện nhé!
Đến cửa hông, bà Phan dừng lại, quay mặt nhìn tôi.
-À, trưa nay cậu Thăng ở lại dùng cơm với nhà tôi nhé! Cơm thường thôi. Đừng từ chối, bác giận!
Tôi đứng dậy, hai tay thừa thãi:
-Thưa bác, cám ơn bác, nhưng xin phép bác cho một dịp khác.
-Không được! Đừng làm khách. Nhà tôi và tôi cũng muốn hỏi thăm cậu mấy chuyện!
Và bà Phan bỏ đi vào trong.
Ngồi lại một mình trong phòng khách, tôi châm một điếu thuốc và thấy mình sao trơ trẽn. Tôi đến đây với mục đích gì? 
Động cơ nào xô đẩy tôi? Nếu là Uyên, tôi muốn gì ở cô? Giữa hai chúng tôi mới chỉ là một cái hôn. Tuy môi tôi đã ngậm môi cô và tuy cô không phản đối nhưng rõ ràng cô không hôn tôi.
Uyên. Tôi thì thầm tên cô. Tôi bỗng cảm thấy mình trở nên lãng mạn một cách kỳ quái. Tuổi trẻ thực sự tôi ở đâu để bây giờ đã quá cái tuổi ba mươi còn bị rung động vì một cái hôn?
Tôi châm thêm một điếu thuốc. Cái gạt tàn đã đầy lên vì mấy điếu thuốc hút dở chừng của tôi. Bỗng nhiên tôi thấy ngứa ở cổ. Và cơn ho khan làm gập đôi người tôi. Điếu thuốc trên tay rơi xuống làm cháy khét một lỗ. Tôi lọng cọng mãi mới nhặt được điếu thuốc lên, dí đầu lửa vào cái gạt tàn.
Bà Phan trở lại phòng khách.
-Cậu Thăng ạ! Tôi quên mất, nó xin phép tôi đi từ sáng. Có lẽ cũng sắp về.
-Cám ơn bác.
Tôi chỉ vết cháy trên thảm.
-Nhưng tôi làm cháy mất tấm thảm quý của bác rồi!
-Không sao! Bà Phan nhìn theo ngón tay trỏ của tôi.
-Cậu vẫn còn ốm đấy. Để tôi lấy thuốc cho. Đừng có tưởng khỏe mà dể ngươi.

Bà trở vào trong mang ra một ly trà nóng và mấy viên thuốc.
-Aspirine. Cậu nghe tôi uống một viên. Aspirine mà trị cúm là nhất nhé!
Bất ngờ chuông điện thoại reo, bà Phan đứng dậy nhấc máy. Tiếng trả lời của bà khá nhỏ. Lúc trở lại chỗ ngồi, bà nói:
-Ông nhà tôi gọi cho hay trưa nay không về được. Tình hình chính trị gay go lắm! Nhưng không sao, cậu ở lại dùng cơm với mẹ con tôi nhé?
Tôi đứng dậy. Tôi đã chuẩn bị trước một lời cáo từ. Nhưng kìa, Uyên đã hiện ra ở khung cửa. Áo chẽn ngắn tay màu kim nhũ, quần ống rộng màu vàng, thắt lưng to bản.
-Thưa mẹ, con mới về! Và quay sang tôi.
-Chào anh Thăng, anh mới đến chơi?
-Chào, cô Uyên. Tôi đến thăm cô! Tôi ngượng ngùng thú thật.
-Anh Thăng ở lại dùng cơm nhé!

Kỳ 27

Bà Phan ngước mắt nhìn đồng hồ treo tường rồi nói với con gái:

-Quá bữa rồi đó! Con xuống xem chú Ba đặt bàn chưa? Anh Thăng đương nhiên là phải ở lại dùng cơm với mẹ con mình rồi!
-Còn bố? Bố không về sao mẹ?
-Không! Bố bận họp! Phố xá có gì lạ không con?
-Thưa mẹ, lộn xộn lắm. Anh Minh bị bắt hồi sáng nay, một người bạn của anh Minh trong Ban Đại Diện Sinh Viên bị một người lạ mặt bắn chết tại góc đường Hiền Vương-Duy Tân.
-Anh Minh nào vậy? Bà Phan có vẻ chú ý.
-Thưa mẹ, anh Minh bạn con, cái anh chàng tóc cắt cao, quần áo gọn gàng như một sĩ quan không quân mà mẹ vẫn thường nhắc đó!
-Mẹ nhớ ra rồi! Mà sao anh ấy bị bắt mới được chứ?
-Con không biết. Chỉ nghe nói anh ấy cầm đầu bên trường Luật xuống đường xuống phố gì đó!
-Ai bắt? Bà Phan có vẻ chú ý.
-Bên chú Trương. Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt!
Ngừng một chút, Uyên tiếp:
-Mà mẹ có định can thiệp cho anh ấy không đấy?
-Con muốn mẹ can thiệp sao? Bà Phan hỏi ngược lại.
-Con không biết. Anh ấy là người đàng hoàng và học giỏi. Anh ấy là bạn tốt của con. Anh Minh có nhiều tham vọng.
-Thôi! Bà Phan gạt ngang.
-Chuyện này để mẹ bàn với bố xem sao. Bây giờ mình ăn cơm đi. Mẹ đói quá rồi!
Bàn ăn hình bầu dục. Lưng ghế cao thoải mái. Thức ăn vừa miệng. Canh chua cá bông lau. Thịt kho tộ. Rau và cải chua. 
Một bữa cơm thanh bạch như thế này trong một gia đình thuộc loại số một quốc gia, tôi cho là “trong sạch.” Phần tôi cả tuần nay không có lấy một hột cơm trong bụng. Mì gói, bánh mì, xôi. Nói chung, tôi: Mì gói muôn năm. Vì vậy bữa cơm ngon miệng không thể tả.
Bà Phan ngồi ở đầu bàn. Uyên và tôi ngồi đối diện nhau. Nhiều lần bà Phan gắp thức ăn bỏ vào chén tôi. Uyên cũng vậy. 
Thỉnh thoảng giục tôi ăn. Thật tình lúc đầu tôi cũng có hơi làm khách, nhưng sau chén thứ nhất tôi đã thấy tự nhiên. Rõ ràng là tôi ăn có nhiều hơn thường lệ.
Khi người nhà mang trái cây tráng miệng lên, Uyên bẻ nửa trái chuối đưa tôi:
-Anh chia hộ Uyên nhé!
-Tôi là chúa ghét chuối! Tôi buột miệng trả lời không kịp nghĩ.
Uyên vẫn đưa thẳng tay nửa trái chuối về phía tôi.
-Thì anh ăn hộ Uyên mà!
Bà Phan ngó tôi:
-Chưa bao giờ tôi thấy con Uyên nó ăn hết một trái chuối. Cậu Thăng ăn hộ em nhé!
Tôi cầm phần chuối Uyên chia và tôi thấy Uyên cầm tay tôi.
-Cám ơn anh. Uyên làm cà phê cho anh nhé?
-Rất cám ơn!
-Đúng tần số của anh rồi phải không? Uyên nhẹ nhàng đẩy ghế ra, đứng dậy nhìn mẹ:
-Mẹ có muốn uống sữa đậu nành không?
-Cám ơn con. Mẹ đã uống lúc nãy với anh Thăng!
-Vậy, mẹ uống trà nhé?
-Ừ! Con cho mẹ nước trà, nhưng vừa thôi đừng đậm quá!
Uyên xuống bếp.
Bà Phan mở chiếc khăn ăn ra, thấm thấm ở môi:
-Cậu Thăng, tôi hỏi thế này khi không phải, xin cậu bỏ qua cho nhé! Tại sao cậu không sống trong gia đình bình thường như mọi người?
-A! Câu chuyện sắp khởi sự rồi đây. Tôi nghĩ vậy.
-Thưa bác, tôi không được rõ ý bác?
Bà Phan có vẻ không vừa ý. Bà giải thích.
-Tôi muốn nói bình thường như mọi người: Làm việc, nuôi vợ con, săn sóc nhà cửa. Bình thường như tất cà những người bình thường!
Thế nghĩa là cái gì? Tại làm sao lại có cái chuyện bình thường với bất thường như thế này?
-Thưa bác, tôi vẫn lo cho gia đình và con cái.
Tôi nhìn thẳng vào mặt bà Phan và tôi nghe tiếng bà cười. Giọng cười nhỏ nhẹ nhưng không thiếu phần mỉa mai.
-Cậu Thăng vẫn lo cho gia đình con cái đều đặn. Khá nhỉ?
Kỳ 28
Tôi thực sự ngạc nhiên về thái độ của bà Phan. Rõ ràng là bà đang đứng ở phía Lan. Bà không phê phán. Bà lên án. Bà tấn công tôi không phải bằng súng trường mà bằng đại bác. Nhưng không. Tôi không ngạc nhiên nữa. Tôi cáu. Tôi cáu thực. Bà nhân danh cái gì lên án tôi? Bà biết gì về những lục đục chính trong gia đình tôi dẫn tới tình trạng kia?
Ai đã cung cấp cho bà những tin tức sai lạc dường ấy? Còn nhớ một lần trong phòng họp giáo sư một bạn đồng nghiệp nói với tôi một điều gì tương tự như thế và tôi đã kể cho anh ta nghe một câu chuyện chiếc vớ bị thủng lỗ trong một đôi giầy cao cổ. 
Tôi hỏi anh ta nếu tôi mang chiếc vớ như thế thì anh có biết nó có lủng lỗ hay chỉ nhìn từ bên ngoài? Anh ta trả lời làm sao mà biết được. Tôi nói cũng có thể biết “nếu mình dám làm cái công việc dí mũi vào bên trong đôi giầy ấy, nhưng người lịch sự, có học và ghê gớm sự hôi thối không ai làm thế!” Tất nhiên sau đó anh ta chường mặt tôi, và lỡ khi phải đụng mặt nhau ở hành lang giữa tiếng chuông đổi lớp, chúng tôi vẫn không buồn chào nhau.
Nhưng với bà Phan tôi phải phản ứng làm sao đây? Hay là không cần phản ứng gì cả? Mà im lặng như vậy thì khác nào xác nhận lời nói của bà?
“Thưa bác, gia đình nào cũng có những điều riêng tư mà không phải ai đứng bên ngoài cũng đều có thể nhìn thấy được.”
Bà Phan nhìn vào mắt tôi, giọng đã dịu dàng:
“Cậu Thăng. Xin lỗi đã có nhận xét về cậu. Tôi muốn nói chuyện với cậu như nói với một người thân trong gia đình. Một đứa em, một người con. Chắc cậu hiểu tôi chứ?”
“Thưa bác, tôi hết sức cám ơn bác. Xin bác cứ nói những gì bác nghĩ và những gì bác đã được nghe người ta nói về tôi. Có những điều người ta thấy đúng nhưng nghĩ sai, và cũng có những sự việc tưởng là thế mà lại không phải thế!”
“Người ta nói cuộc sống của cậu phóng túng quá!”
Thế nào là một cuộc sống phóng túng? Lang bạt kỳ hồ? Phiêu lưu tình cảm? Bừa bãi trong mọi giao du liên hệ? Trai gái, cờ bạc, rượu chè, hút xách? Tôi không phải là tay đổ bác. Tôi cũng có đánh bạc đấy nhưng thường là chỉ chơi vào dịp Tết, và chỉ chơi trong giới hạn gia đình. Tôi không phải là bợm nhậu. Bạn tôi ở Chợ Đủi gọi tôi là tên phá mồi. Bia chỉ làm chai thứ hai đã ríu mắt. Sao làm Hồng Thất Công được! Tôi không phải là ống khói nhà máy chuyên thở khói thuốc lá. Tôi càng không phải là tay chích choác. Còn nhớ lần theo Đình, một trong những nhà văn có ảnh hưởng khá lớn trong giới sinh viên học sinh, đi thăm một tiệm “vàng đen” trên lầu một ngôi nhà ở góc đường Nancy và Trần Hưng Đạo. Đình nói với tôi mày thử một lần xem sao. 
Tuyệt lắm! Tôi thấy cái cảnh nằm la liệt trên những chiếc chiếu bẩn, uống chung cái cốc nước trà bằng sành nhỏ vàng vàng gớm ghiếc, tôi đã buồn mửa, làm sao ngậm cho được vào mồm cái tẩu đã chuyền qua hàng ngàn cái mồm bẩn kia! Tôi quyết liệt dứt khoát từ chối. Sau lần ấy, Đình không bao giờ còn rủ tôi theo anh trong những chuyến đi loại đó nữa. Cái còn lại của tôi, nếu gọi được nó phóng túng, có lẽ là đàn bà. Tôi lập gia đình năm hai mươi tuổi với một người bạn gái học cùng lớp. Thuở đó tôi quá mơ mộng và lý tưởng. Còn cô ta thực tế đến tận đất đen. Đà lạt là đất của những cặp tình nhân. Nếu ở đây một người con trai và một người con gái chưa quen nhau mà hơi gần hoặc hạp nhãn nhau thì trước sau tất sẽ quen nhau. Nếu quen nhau rồi trước sau sẽ yêu nhau. Nếu yêu nhau thì không thể tránh đi lại với nhau, gần gũi nhau. Đã gần gũi nhau mà đứa con trai có chút trách nhiệm thì không chóng thì chầy sẽ lấy nhau làm vợ chồng. Hôn nhân ở cuối đường của cô gái là cái gì mơ hồ nhưng tình dục rõ ràng là đã xâm chiếm lấn át hết mọi sinh hoạt của họ.
(còn tiếp)

https://ngo-quyen.org/p3623a3817/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-26-27-28