Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Xưởng tái chế linh hồn (kỳ 2)

Tiểu thuyết ít chữ Trần Quốc Toàn

(Tiểu thuyết này dành cho những năm tháng

tôi đã sống với những niềm bất an)

Tranh minh họa của Trần Quốc Toàn

TT-TRAN-QUOC-TOAN4_thumb 

PHẦN 1

KỲ 2

 

***

dưới dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt nhiều nếp nhăn chồng lên, tay cầm cây gậy trúc, thì đất đai trở hạ, những vàng hoa nở trên đọt ngọt chè, lũ chim cu gù mái trong tích tắc đã bày trên trảng cỏ những điệu xoè cánh, ông lão mặc áo nâu sòng cùng đoàn người hành khất đã trở lại khu rừng, trước những sự thay đổi đến kinh ngạc sau một thời gian dài họ quay lại,

như có một điều gì đó làm cả đoàn người hành khất phải dừng lại và đưa mắt nhìn quanh, không chỉ sự có mặt của đoàn người hành khất, mà những dấu vết còn lưu lại trên táng cây già, vảy huyết xà khô lại, như có cuộc lột xác trong cái không gian tịch mịch, hạ đã tràn qua từng hố ngăn giữa những cội rễ,

đôi mắt trầm tư thật gần với cơn gió phớt qua từng giọt sương đẫm ướt, ông lão vốc từng giọt huyết lệ trên tay,

– cuộc khảo cổ đã xảy ra ở đây.

nỗi buồn bã làm ông lão đứng yên trong dáng vẻ cô đơn triệu năm, cái dáng vẻ của tiên tri về sinh mệnh của rẫy đầy những uẩn khúc, có thể là những vết tích chưa được giải mã trên chính mảnh đất này, những ngọn thông reo, bộ Xương Sống hiện ra trước mắt đoàn người hành khất,

con quạ đã nằm mơ thấy dòng giống của nó đập cánh bay ra khỏi sự chết chóc của thế giới đã ban cho chúng,

nghe từ trên trời cao những đám mây bắt đầu làm cuộc gió mưa, và những ân oán một lần nữa làm cuộc xê dịch, làm đau buốt những tâm não của loài người, trong tiếng réo rắt của đá sỏi, của sử tích, người đã về lòng đại dương trầm mặc, hùng âm sóng vỗ bao nhiêu bờ bến nhân gian,

– này các vị mặc áo nâu sòng, các vị đã trở lại bờ bến nhân gian này, sau khi những lở lói từ mẹ thiên nhiên đã làm các vị phải khổ tâm,

cuộc hành hương bi tráng đẫm tim đèn mê lộ, ông lão chọn cho mình nơi gieo những hạt giống thần, như gieo từng lời bi ca xuống mảnh đất nhiều chim muông, khi ông lão chết, chữ của ông mọc thành từng chồi xanh mơn mởn và ra những cánh hoa vàng,

có người đàn ông cúi đầu hổ thẹn trước án thư của ông lão, rồi đêm trừ tịch quỳ mọp xuống án thờ mà thắp nén hương tạ tội, vì bị mắc chứng ngu muội của trần cảnh phù phiếm mà đã gieo rắc những con chữ mù loà phỉ báng bậc ân sư,

mỗi dòng huyết lệ của ông lão mặc áo nâu sòng trên bản kinh văn giờ như một khu vườn có nhiều dòng sông chảy và trời mây bát ngát phù sa những con đường mang dáng dấp sử thi hướng về cây già, nơi ngọn nguồn của những bậc minh triết, lửa ấy là lửa sáng thế kí, lịch sử như một con rồng gầm móng động mười phương gió nổi những hạt tinh vân hiền lành như là một giấc mơ tiên.

những buồn bã đã xảy ra trên mảnh đất ấy, giờ còn là dư âm của phản trắc, lời văn của ông lão làm thức con mắt theo thuyết của nhà Phật là con mắt của trí tuệ, nhìn xuyên không qua những cảnh giới bất khả thuyết vậy.

***

tấm ra trắng, sự bấp bênh khuya khoắt, đó là khoảnh khắc lạc vào mênh mông của Ngữ, Ngữ trừu tượng về thế giới, chia nhánh những dòng chảy,

– có thể, Ngữ, là một trạng thái của sự lao lực, kiếm tìm ảo ảnh, hoặc chứng mất ngủ thường xuyên, Ngữ, tích hợp từ thiên nhiên, luôn ngập tràn, căng tròn, cho một giấc mơ khảo cổ.

từng thứ lớp phân tầng, Ngữ nghĩ về người, nơi Ngữ sinh ra, người có dáng vẻ của Rồng của Chim, người là đất đai, là bầu trời rộng,

tượng cổ, tháp cổ, trầm tích đá, những cái giếng còn lưu giữ kí ức, hay bảo tàng chứa đầy binh khí, diễn giải về những cuộc chiến tranh,

dấu tích còn hằn lại, nơi một vị vua đã an nghỉ trong một lăng tẩm, là con sông, sông hồng, sông cửu long,

Ngữ, nơi phát tích của điệp trùng sự buồn bã mà ngày qua, lịch sử mang hơi thở từ hồng hoang,

có đứa trẻ vừa lớn lên, cất tiếng gọi núi sông,

Ngữ đã nằm trên giường bệnh, suốt một mùa đông lạnh cóng, một mùa dị tưởng, Ngữ đã nằm mơ thấy người đi đầy khắp mặt đất, ở đâu cũng có người, người trở về căn hầm, Ngữ thấy người cùng người nữ chăm lo cho đàn con, Ngữ rơi nước mắt,

Rồi, từ khi sức khỏe phục hồi, Ngữ chăm sóc bầy bồ câu, cắt cỏ trong vườn, lau chùi bóng đèn măng sông, để khuya đi giăng câu,

Đêm lạnh dần, con nhện giăng tơ trên nhánh cây, Ngữ thức khuya mở cửa sổ để nhìn trăng, con ốc sên ngoài trời trườn lên những mảnh ngói đỏ, gió từ ngọn ổi làm rớt xuống giọt sương còn non, Ngữ ngồi dậy, trăng sáng, hàng hoa hạc trắng ngoài ngõ như đang bơi lội trên đám lá màu xanh.

Khuya khoắt, tiếng chó sủa hoang, cái xóm nhỏ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, xung quanh là những bụi tre trảy, tiếng rắn trườn nghe rõ mồn một, những âm thanh như gió thoảng, có thể ớn lạnh khi nghĩ tới những tháng năm mà ở vùng đất này còn chiến tranh, cái vò nước bên hiên nhà, rong rêu đổ xuống, cái gáo thiếc dùng múc nước vo gạo vẫn còn vẹn nguyên mặc dù đã hơn bốn mươi năm nó vẫn nguyên dạng.

Ngữ là người, người là Ngữ, từ tiếng nói bạn sơ, lửa từ miền đất rực lên thứ ánh sáng nuôi dưỡng cho người, mặt trời và mặt trăng luôn là một thể dạng tồn tại trong người, Ngữ mò mẫn từng viên gạch, xây cất lên ngôi nhà tạm, nơi có tiếng tàu đêm chạy xuyên qua, nơi ánh đèn cù lạp chảy sáp, và nơi Ngữ thấy những người từ phương xa, vụt hiện vụt tắt,

Ở nơi này, có con huyết xà, thân dài và to lớn, huyết xà không làm hại vật và người, cứ khuya, huyết xà lại trườn qua lối mòn, xuống ao uống nước, rồi trở về núi,

***

nghe vang âm thanh tù mù vỏ của loài sên trong lớp sương mù, như đầu óc của vị giáo sư da ngăm đen mỗi khi vị giáo sư ngồi nghe mưa, mưa rót xuống đường cái vỡ vụn, vị giáo sư treo lại chiếc kim giây lên những con số bị tróc sơn, căn phòng dưới những táng cây muồng trút lá um tùm, vị giáo sư chăm chú mò mẫm từng tờ giấy đen, ngoài trời, con chó nằm gác mõm mắt lim dim, vị giáo sư nhớ lại giây phút còn trẻ của những năm vị giáo sư cùng bạn đi câu cá ngoài hồ nước có nhiều đá, những bông muồng mùa hè xoã xuống bờ suối chảy từ trong những ngọn đồi, tiếng cưỡng cứ như muốn vượt ra khỏi đôi tai của bọn mối đang ăn những gốc cây mục, nơi đó, cách xa nhà vị giáo sư một con dốc, mà những người chăn bò thường ngồi tụm lại hút thuốc và uống thứ rượu ủ lâu trong đất,

một khuya khoắt, khi đi ngang qua chốn cũ, mờ nhạt hơi sương tháng mười một, có lẽ ở đây dễ cảm nhận ra cái mùi vị linh thiêng của núi non,

– Trúc có đang say viết lời ca khúc về đời sống bi thiết,

Trúc nói, là đang trút hết những bi thiết đó, những gì thực gần gũi với trần gian,

Thế đó, những gì buồn bã nhất thường là nỗi ám ảnh dai dẳng, nén trong đầu, trong cách ngậm môi điếu thuốc, hắt ra những suy tư mà Trúc nghĩ đó là công việc dành cho những vị thần sầu não, như có lần rời sân ga thành phố, trong người chỉ còn cây đàn cùng với những lọn gió mùa hè,

vị giáo sư nằm ngửa trên ghế, nhớ lại,

trên tay cầm một chiếc hộp diêm, bật lên từng que, nhìn ngắm và ngôi làng cũ hiện về trong tiếng nói của mưa,

một lần nhớ lại, là những dòng khói từ cánh đồng phía tây bay vào chốn mênh mông,

có những người con trai, người con gái, họ đã rời đi, bỏ lại những con cá giếc, con nhện giăng tơ,

– nghĩ về lại làng, chắc chỉ còn những ngôi nhà trống,

từ hồi còn ở, lúc những bà già thường dậy sớm, trong mưa, nhóm lửa nấu thức ăn cho gia súc,

dòng tự sự cứ tuôn ra, và khi thấy một ngôi làng tan hoang, cây cối tàn lụi, là nước mắt chảy dài trên mặt,

– thật, dường như ta đang hoài vọng, nỗi hoài vọng ấy cứ như thứ lửa trong họng núi,

cô con gái đặt một tách trà nóng lên bàn,

– cha uống đi cho nóng,

quả là bấy lâu, vì quá khứ cứ sống dậy lúc về già, từng ý niệm chen lấn, từng sự u uẩn cứ thôi thúc vị giáo sư phải viết lại, bằng thứ mực trắng trên giấy đen, từng thông điệp và dự báo về tương lai của những thứ đang dần mất đi, và tất nhiên, chỉ khi về già, mới nhìn thấy rõ từ trong cái bất toàn đương diễn ra,

Người, bây giờ, chữ Người sẽ được viết hoa, như một tên gọi chung cho cái nơi chốn mà tất cả mọi vật đang tồn tại, đang hiện diện và mờ đi như trăng tàn trên rặng đồi ướt gió,

hãy để mọi thứ tuôn ra tự nhiên, mỗi một thời khắc nghe ra thứ tiếng nói mới mẻ chào đời, là mỗi một sự cố gắng, như chiếc kim đồng hồ sinh ra thời gian, định tính, hoặc cũng chỉ là thứ huyễn ảo để cho trí óc kích thích làm việc cho kịp đến ngày hoàn thiện,

từ lâu, lũ kiến bị quên lãng trong cái nhỏ bé, chúng, những chấm nhỏ được nhìn thấy thông qua đôi mắt biết trừu tượng,

***

thế giới trải ra bốn góc,

hình thành nên những cái gọi là thuyết lý, trong phân cảnh, cuộc giằng co mãi về sau thêm nhiều điêu linh, cái nỗi u sầu ăn mòn mọi văn bản, như thế, khi mỗi một người gắp chữ, luôn chiều theo một mục đích, chữ trốn biệt đâu đó đã hàng thế kỉ, chưa thấy hoá thân vào tiếng gió đầu chiều, đó là điều buồn bã nhất cho cuộc bắt đầu của những người muốn học cách nín thở để đi qua ngôi đền thiêng của ngôn ngữ,

NGƯỜI vẫn hiện hữu nơi đây, nơi những cơn mưa da cam lạnh lùng sỏi đá, nơi tượng gỗ biết già đi trong màn rêu phế phủ, chim rừng kêu giữa đêm mưa mịt mù, và cảm giác cô đơn sợ hãi đến tận cùng, dễ làm bạt vía hình ảnh của sương, của vị thánh âu lo ngồi chống cằm lên đầu gối,

– con tắc kè tặc lưỡi trước giấc ngủ của những ngôi nhà phủ mờ trong khói bụi,

sinh vật đi bằng hai chân đang bắn vào nỗi thù hằn, vào đất, rỉa rói, inh tai, ầm ỉ, mê loạn, cuồng si, và đầy những máu đỏ,

– vạn thế sư biểu,

hương khói vẫn thâm trầm trong đôi mắt, trời sao cô độc thế, chuyện ngàn xưa làm buồn thêm dấu chân con cò con vạc, làm rưng rức những ngoằn nghèo đường đất, đường rừng, đường con trâu nghìn năm vẫn theo rãnh cày cổ sử,

kể từ khi tôi từ bỏ xác thân người, tôi trở lại ngôi làng cũ, bằng những gì mắt thấy tai nghe, có lúc tôi bị nhào nặn thành một cái cây ra những bông trắng, hoặc là dòng suối chảy dưới gốc mai già, cứ thế tôi hoá thân đủ mọi hình dạng, vì tôi là linh hồn trôi dạt, cả bầu trời đầy những ảo ảnh, biết đâu trong lúc tôi thắp nén nhang cúi đầu tưởng niệm bậc thầy của những bậc thầy, tôi sẽ là khói mang lời nguyện trở lại những đền đài những nghìn năm về trước,

có nơi đâu như nơi này, sinh vật đi bằng hai chân không đi bằng hai chân nữa, mà đi bằng bốn chân, con đấu tố mẹ, vợ từ mặt chồng, cuộc tang tóc phủ tràn lên đất, có chăng, là sự ô nhục của đất, hay là sự ô nhục của nhân cách loài đi bằng hai chân nhưng thích bò và trườn,

nói đến đó, những ngọn gió ma đất Tây Đô ùa qua đám rừng thốt nốt, đám rừng chà là, dường như, khoảng cách giữa đất trời đã làm cho những cánh chim bặt dạng, chim buồn bỏ đi tìm một vùng phù sa mới, có chăng chim cũng biết buồn bã như NGƯỜI.

***

khơi lên những bông hoa chớm thu, trông có vẻ cuộc diễm ảo đã bắt đầu đơm hương kết trái, vị giáo sư già da ngăm đen và chú tôi gặp nhau dưới đỉnh núi Mây Ngàn, dòng dõi của chú tôi có liên đới với vùng làng hạ, xóm núi Thạch Long, bọn chim te te bay về ăn trái dủ dẻ, và chú tôi nói rằng

– để kể về một khúc sử, ta đã mất khá nhiều thì giờ để ngẫm ngợi, chữ như giọt rượu nước nhất, sau đêm nồi cơm rượu sôi ùng ục.

hễ đã tinh, thì nghệ thuật kể chuyện dần trở nên cô quyện, cốt tủy của cấu trúc là làm sao vừa đủ để truyền tải thông điệp, mà ở đó người kể lẫn nhân vật là một, có thể, chú tôi đang nói đến việc làm ra một cách thức viết để thông diễn những dữ kiện mà cái trí đang nghĩ,

còn vị giáo sư da ngăm đen thì nói rằng

– người điên đảo bởi vô số những cố tật, đời sống thiếu vắng sự yêu thương, cảm thông,

và sự nông nổi, bốc đồng, luôn là điều cấm kị trong công cuộc chữ nghĩa,

vị giáo sư da ngăm đen nhìn chú tôi và nói thế, vị giáo sư đã từ lâu tránh mặt những bữa rượu văn nghệ, ít khi kể về những việc không lành, vị giáo sư hay ngồi nhìn vào đám lá rừng khiêu mộng, chú tôi vẫn thương đôi mắt của vị giáo sư, khi vị giáo sư ngồi rỗng một ý niệm mơ hồ, rỗng những tiếng buồn mưa rơi từ trời xuống mái hiên rêu, rỏ xuống nền gạch, tiếng đốp đốp, que củi cháy dòn trong bếp, chú tôi mồi nước, rót chén trà,

kể từ khi những bờ đất ruộng bị ủi san lấp thành đất thổ cư, thì lũ chim ấp muỗi, cũng trốn biệt,

– loài người là loài ăn tất cả mọi con vật, cả trùng, đuông, nhộng kiến, cào cào, dế, bọ cạp, rắn rết…

như vậy trong cuộc tiến hoá này nghe có vẻ kém văn minh, một nhà văn bán thịt chó trước cổng chùa, một nhạc sĩ không nhớ nổi tên con mình, những câu từ từ đó cùng lận đận với nhân cách, và không còn thú vị khi vị giáo sư nói với giọng buồn bã

– đi đến cái tận cùng thì khốc liệt lắm thay,

nhưng nếu không đi, thì sẽ không thoả nỗi buồn bã mà tâm trí ngày qua đã làm cuộc giãi bày, chú tôi nghe vị giáo sư nói thế, chú rót chén trè mộc hương, ngọt, hơi khói thơm, chiều dệt lên trên núi Mây Ngàn trùng trùng những đám mây cháy, rực lên một khao khát tưởng chừng đã ngủ rất lâu trong ngẫm ngợi của chú tôi.

***

chiều thõng chân xuống chốn khói bụi, có lẽ sắp chuyển mùa, trời biết đám rừng im lặng đã bỏ lại những chiếc lá hãy còn muốn ở lại trên cao, nhưng như vậy có lẽ sẽ nghịch với những gì thiên nhiên đã tạo tác, tàn lụi lại hàm dưỡng những reo vui trong làn gió mới, như bước chân chú tôi vẫn chưa ngơi nghỉ, dù rằng chú đã quá tuổi để lao động, chú chọn một công việc khác, làm khoa học bằng chữ, thế là (những gì mà trăm năm chưa muốn giãi bày, nay lại quay về an trú trong đôi mắt chú, cách để nuôi hồn giữa những thống khổ đang xâm chiếm lấy thành phố) bao giờ sự bất an và những điều buồn bã, như thứ lửa rót vào đáy lòng, tan vào băng giá, hàm dưỡng thêm nơi chốn sinh ra thiên tài, thiên tài có gì ghê gớm đâu, chú bảo vậy, vì lẽ trong thế giới này (ngoài những gì tiền định, còn có những điều thiêng liêng khác để ngẫm ngợi, để vệ sinh lại tâm trí, để bảo toàn công việc lặng lẽ đầy bất trắc) dẫn gợi về nơi chốn, vị giáo sư già đến thăm, và vị giáo sư già với nét mặt u buồn mãi về sau khi gặp chú tôi, khuôn mặt tuy vẫn buồn, nhưng có vẻ như đã thoát ra bên ngoài những điều nghi hoặc, như là đám hoa muồng bỗng trổ hoa khi chưa đến mùa tận hiến, như vậy, có vội lắm không, vị giáo sư già kể về những lọn khói trên cánh đồng trước nhà, những bầy chim tháng ba lại bay về, nước biển xâm lấn ruộng lúa, những úa mục trên căn gác, và những âm u trong sự hiện diện thời gian sử sách, sử sách làm đất đai thêm buồn bã (vì cứ hễ nhắc đến đất đai, là một đám cháy lại hiện lên với vô vàn những trận cười thâu đêm suốt sang) đôi mắt chú tôi đầy nước mắt, và trong cái lồng lộng hố trời đó tôi thấy chú tôi gầy hơn trong dáng vẻ suy tư,

tôi là An, năm tôi mười sáu tuổi, gió đã cuốn phăng những phần mơ mộng, để lại những hoài nghi về thân phận, để lại di chứng và thời buổi ấy, tôi không tìm thấy ai là thầy, chỉ nghĩ sống cho qua khoảng thời gian mất ngủ,

vị giáo sư kể lại cho chú tôi cái lúc vị giáo sư ngồi dưới chân thầy mình, vị giáo sư nói, như ngồi dưới gốc cây, vị giáo sư từ lúc giã thầy xuống núi, lòng lúc nào cũng nhớ thầy mình, như khi trời treo mặt trăng lên những đỉnh núi đen, những âm u, uẩn khúc tan biến trong phút giây chìm ngập trong ánh sáng của tinh cầu,

thầy dặn, xuống núi, là xuống cái dốc của đạo để dùng những gì ta đã dạy con, như cách để đạt được tâm pháp, khi nào con lên dốc nghĩa là con sẽ thấy thầy một lần nữa, và con biết rằng thầy vốn dĩ cũng chỉ là ảo ảnh, nên con hãy về lại nơi gốc cây, giữ lại ngọn lửa này, nơi trái tim con đó.

Vị giáo sư già da ngăm đên đã nói với chú tôi trong một buổi trưa nồm hạ, tràn về trên biển, những gì đang diễn ra ở thế giới ngầm luôn làm kích thích câu chuyện giữa chú tôi và vị giáo sư da ngăm đen, chú tôi bảo

nghĩ  NGƯỜI là sự hiện diện của đất, là nghĩ về những xáo trộn cùng bầy đàn lông lá đang quay quảy trên lưng cái giấc mơ cố thổ chưa bao giờ thôi góp nhặt những câu chuyện, ở đó không thể kể hết khi bọn lông lá làm trò dâm dục, nhưng NGƯỜI (theo định nghĩa của chú tôi lúc này có nghĩa là đất đai là cương thổ của, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tuổi thơ rình con chim làm tổ, đi ăn, theo dõi thời tiết và những chồi lúa mọc lên kì diệu) NGƯỜI là thực thể và cũng là phi thực thể, nói thế để cân phân giữa thể xác và tâm hồn, NGƯỜI thực thể là đẻ được, yêu được, sinh sôi và làm ra cách thức tồn tại của giống nòi, con NGƯỜI phi thực thể là giống chim bay, rồng lặn, là quốc hồn quốc túy, mỗi khi NGƯỜI lận đận cơ cực, là nỗi đau ẩn náu trăm triệu năm gốc rễ, là một sớm thổi hồn vào cây lúa, vào bầu sữa mẹ, là thế, là thế, (chú tôi cắt nghĩa cho dễ hiểu thôi, chứ hễ chạm vào cái quốc hồn, quốc túy là cứ y như cái miền cố thổ lại hiện lên trong vô vàn ảo ảnh, không đầu không cuối) nói vậy để hiểu rõ hơn tập tính loài người, chú tôi bảo rằng, vị giáo sư da ngăm đen lúc này đã đúng mùa trổ bông, như hoa muồng nở, mùa đến sớm hơn, như thế kỉ đã dạm ngỏ hỏi thăm con người có còn yêu nhau không, có còn thời gian để chuyện trò và giãi bày những cơ sự của đất trời, và chú tôi nói với vị giáo sư rằng, vị giáo sư đã lớn theo đúng độ tuổi của mình, như vậy không còn gì nghi ngại nữa,

vị giáo sư ngăm đen từ lúc giã thầy xuống núi, có mang theo chút đỉnh hương muồng ngâm kĩ trong chai rượu nước nhất, thứ rượu để phòng khi gặp chuyện bất trắc sẽ lấy ra ngậm, vì ngậm thứ quốc hồn quốc tửu này giúp vị giáo sư điềm tĩnh, tránh tai họa do miệng gây ra, hoặc tránh những tai bay họa gửi trong lúc làm cái công việc nhiều bất trắc cũng lắm thăng hoa, như vậy ngậm miệng cũng đồng nghĩa là tịnh khẩu để tránh chiến tranh, hoặc làm vỡ đi bí mật, cái nguyên do, nhân duyên giúp chú tôi và vị giáo sư già da ngăm đen đến được với nhau,

chú tôi hài lòng về điều ấy, và bây giờ hai người nhớ lại cái lúc gặp nhau trên đỉnh núi Mây Ngàn đang độ hoa muồng nở, và tâm truyền tâm cái pháp bất di bất dịch của người làm khoa học bằng chữ…

***

đá, cánh cửa đá khi NGƯỜI vắng bóng, đã nghìn năm trôi, chú tôi bảo

– cái nghìn năm trong nháy mắt,

vậy mà, cái nghìn năm trôi chưa trật lề một giây phút nào, dù rằng là tang thương, là huyễn mộng, một dân tộc sống mơ mộng bởi huyền sử nghìn năm đó chăng?

hôm nay, chú tôi trở lại núi, quang cảnh vẫn còn chút gì mộc mạc, núi vẫn đứng im, và đá lặng im, người bạn của chú tôi, vị giáo sư già, đi theo chú tôi để lắng nghe những cơn gió thổi từ những lũng đồi, như có hơi thở của bầy ngựa những nghìn năm về trước khi đất nước còn vua, vừa mơ hồ vừa có cái gì đó rất huyền ảo,

– sử sách thì không bao giờ viết đúng sự thật,

sự thật những nghìn năm trôi, và nghìn năm nữa sẽ trôi, thế là trở thành huyền sử hết ráo,

vị giáo sư già kể lại về giấc mơ rồng, nhưng chú tôi lại bảo:

– nếu tâm người nghĩ mình là rồng và xứng đáng là rồng thì có khi chỉ là bọn ba láp, cũng như mây nghìn năm trôi có lưu dấu gì đâu, người vẫn cứ tầm thường và tìm muôn vạn hình ảnh nào rồng nào hổ nào chim nào kỳ lân, rồi mọi thứ ảo hoá đó thành những tượng đài, những mơ ước, trong khi ta là người, có đầy đủ uy dũng, đủ trí năng, và từ bi, khi nghĩ NGƯỜI là rồng là chim, là để nói lên cái quốc hồn của tổ tiên, là sống có nhân cách, biết lên tiếng khi những căm phẫn của nhiều người đang bị truy cùng giết tận, hoặc biết lánh xa những điều đi ngược lại lợi ích của nhân loại,

vị giáo sư trông thấy đám mây buồn bã bay qua ngọn núi cao nhất, rồi như hiểu ra những biến thiên của thế gian,

– thế gian chẳng có gì to tát cả, núi cao là do con người nhìn bằng mắt rồi đem đo lường với những đức hạnh của người, nhưng chưa thật chuẩn xác lắm, mọi người trong thế gian này kể cả những việc do tiền định, thì mọi vật đều bình đẳng như nhau, có thể di dịch và chuyển hoá được,

nhưng nghìn trùng những núi non lở lói, những hàm răng bê tông cốt thép đang gặm cái huyền sử những nghìn năm do tổ tiên để lại, thì chúng ta còn buồn đến bao giờ nữa,

vị giáo sư già bảo với chú tôi, là chú tôi đã gieo hạt giống chữ vào giấy, và những hạt giống sẽ triển nở vào tâm thức của tôi, tôi muốn lưu giữ những cánh đồng, những con chim, những dụ ngôn, tấm lòng, niềm buồn bã, tất cả những gì mà chú tôi trò chuyện với vị giáo sư già, vị giáo sư cuối cùng của giống người biết hát bằng mắt,

– chú tôi bảo rằng, giờ nếu có mất đi, tôi mong cây trái sẽ mọc trên mộ của tôi, tôi muốn làm bạn với lũ chim trời, với cơn gió bốn mùa đầy ngẫu nhiên, với niềm im lặng của bia đá, trong những nghìn năm trôi, vừa tang thương mà cũng đầy huyễn mộng, 

***

tôi trở về vườn mẹ trong ngày lập đông

– con về đó phải không con

– dạ, con đây ạ, con về trong gió sáng nay, lá rơi đầy ngõ, mẹ biết con về phải không ạ

– đúng rồi, mẹ đã không cho bọn chim tha lá, mẹ dặn bọn chim sáng nay ra suối múc nước về tưới gốc cây để chờ con về

– nhưng mẹ ơi, lần này về con ở luôn trong vườn mẹ nhé

– sao vậy con, sao lúc trước con bảo con không ở nữa,

– lúc trước con tin sẽ còn nhiều chỗ trú ngụ, nay linh hồn nhiều phương mất hết chỗ ở, cây trái bị chặt hết,

– vậy nhà ta có cây bời lời, mẹ sẽ thắp nhang cho con ở đó nhé, ở đó mẹ sẽ trồng thêm cây mít, cây mận, cây khế, để lũ chim cu lửa, chào mào, trồng thêm hàng cau để con nhìn lũ chiền chiện tước lá cau làm tổ,

– nhưng mẹ ơi, các anh của con giờ ở đâu hả mẹ

(khuôn mặt mẹ tôi lúc đó cúi xuống đất, nước mắt chảy dài, vì các anh của tôi đã hồn xiêu phách tán từ lâu, các anh tôi là những người thợ xẻ gỗ khéo tay nhất, và các anh, trong một đêm mưa bão giữa rừng đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi)… và mẹ tôi chỉ là đất, là nơi cung cấp cho tôi những người bạn thân thiết, là cây sồi, quả mận, là đủ các loại chim, mẹ tôi kể rằng, trong vài chục năm nữa thôi, phương nam sẽ chìm ngập dưới biển, phương bắc chỉ còn trơ khô những thảm xương thú vật, và chỉ còn duy khu vườn này là còn sự sống, vì nó ở giữa, nơi nghèo nàn nhất nhưng thanh bình nhất)

– mẹ ơi, mẹ nhớ thắp nhang cho các anh nữa nhé

– các anh con có về nữa đâu mà thắp, tụi nó đã làm da thịt mẹ sưng tấy lên, đuổi bắt giết các loài sống trên da của mẹ, đốt lớp tế bào trên da mẹ, những khu rừng cổ thụ bị cưa xẻ, các anh con bán gỗ, xây nhà, lập công ty, giàu lên nhờ buôn bán thịt của mẹ, con số đó ngày càng tăng lên, rồi lại tiếp tục mua quan bán chức, đến nỗi nhân tính không còn nữa, mẹ đã khuyên nhưng các anh con điên cuồng, mẹ đành khóc thành những cơn lũ, đâu ngờ các anh con phá hết lối rẽ lệ của mẹ, nên bị dòng nước mắt mẹ cuốn trôi, làm cho hồn xiêu phách tán, cuối cùng tàn rụi ngay trên da thịt của mẹ,

(tôi nghe xong, lại thấy thương mẹ nhiều hơn, lỡ một ngày kia mẹ tôi không còn sức lực, thì bọn chim, bọn thú, những cái cây trong vườn này biết lấy ai để nương sự sống, vậy mà, ngoài kia, loài người, và nhất là tại cái đất nước đầm lầy này lại đang tàn hủy những núi non, rừng rú, biển cả, mà theo trí năng tôi biết được, chẳng nơi nào trên vũ trụ này còn nhiều cây như ở xứ sở tôi, vậy mà chỉ vài ba năm nay đã bị phá hoại sạch, họ lấy sự phá hoại để nuôi lợi ích riêng tư, mặc cho sự kêu gào thống khổ của đồng loại)

***

mẹ không muốn các con phải đổ máu, vì mẹ là đất, các con sinh ra từ lòng mẹ, các con lớn khôn và bước đi trên thân thể của mẹ, mỗi khi các con tranh nhau từng miếng thịt của mẹ, các con đâu biết rằng mẹ đã khóc và đã khóc như thế nghìn năm nay, cha của các con trên cao, cũng đổ lệ thành suối thành khe, vậy mà cuộc tương tàn vẫn mãi nghìn năm như thế,

mẹ cho các con cây trái, chim thú đủ đầy, vậy mà các con truy cùng giết tận, đến nỗi cha của các con trên cao cũng phải lâm bệnh trầm trọng, mưa nắng không đúng mùa, các con nghĩ  lại, có phải cha mẹ không cho các con của cải vật chất, không cho kiến thức để sống và phát triển tình thần, cha mẹ đã cho tất cả, vậy mà các con vẫn tương tàn,

và cuối cùng, các con tàn rụi vào lòng mẹ, những tàn rụi buồn bã, mẹ phải ôm xác các con vào lòng, dưới vầng trăng u buồn của những năm tháng đảo điên…

tôi là linh hồn trôi dạt, tôi trở về làng sau nhiều năm xa cách như thế, lần gặp chú tôi cũng là lần tôi ý thức được sự quan trọng của thiên nhiên, thiên nhiên là xưởng vẽ lớn nhất của những họa sĩ tâm hồn, là nơi tái chế lại sự sống, của rừng, của biển, vì tôi cũng là đất, hiền từ, và tôi cũng là sông, chảy mãi vô cùng…