Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 240): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (6)

Kỳ 16

Bù lại, cô ta được cái vẻ bề ngoài của một người vợ hiền khốn khổ bị hất hủi bởi một thằng chồng khốn nạn. Cô ta bỏ tiền ra mua chuộc những người chứng buộc tội. Ở người này là chiếc vòng ngọc thạch, ở người nọ là những tờ giấy bạc, ở người kia là những giọt nước mắt. Và khi chiếc vòng ngọc thạch trở thành vòng mã não, đồng tiền trở thành đồng bạc, nước mắt trở thành nước lã, họ cáo buộc lẫn nhau, tố cả đến người mua chuộc họ. Tôi sợ người đàn bà này. Nhưng sợ về phần tôi thì ít, mà sợ về hậu quả những đứa con tôi phải lãnh thì nhiều. “Tiền trên hết”. Đó là định đề mà cô ta dạy chúng như một bài học vỡ lòng để chuẩn bị vào đời.

Một tội ác toàn hảo không có nghĩa là không có kẽ hở nhỏ. Một kịch sĩ đại tài không có nghĩa là đánh lừa được tất cả mọi người bằng vai trò của mình. Có thể nhiều người nhìn y, bị lôi cuốn bởi tài nghệ điêu luyện của y trong diễn xuất nên tưởng nhân vật y đóng và y là một. Và ngay cả y nữa, y đóng trò giỏi đến nỗi chính y cũng tưởng rằng y là một con người như thế.
“Đây mà anh!” Uyên kéo tay tôi lại khi thấy tôi đi vượt quá cửa hàng.
Tôi đẩy cửa kính, nhường cô vào trước. Quán nhỏ nhưng ấm cúng. Bên hông trái là một cánh cửa nhỏ mở ra một Hoàng Gia khác dành cho những bợm nhậu.
“Hai Hoàng Cúc!” Tôi nói với người chủ quán.
“Bố muốn gặp anh!” Cô bắt đầu.
“ Bác có nói bao giờ không?”
“Không. Bố chỉ nói bao giờ gặp anh nhớ cho anh biết ý muốn đó của bố. Chuyện liên hệ đến anh!”
“Theo cô nghĩ, đó là chuyện gì?”
“Uyên không biết. Nhưng theo mẹ thì đó là chuyện gia đình anh và có liên hệ đến tính mạng anh”.
“Chuyện gia đình tôi, mà lại liên hệ đến tính mạng tôi?”
“Uyên không biết. Và Uyên cũng không hiểu. Nhưng tại sao anh không đến gặp bố?”
“Tôi nhờ cô xin bác cho tôi cái hẹn!”
“Chủ nhật này được không anh?”
“Bất cứ lúc nào bác cho phép.”
“Anh còn đang nghỉ mà, phải không? Uyên sẽ tìm anh ngay khi bố muốn gặp anh. Được không?”
“Nhưng cô biết tôi ở đâu mà tìm?”
“Anh ở đâu, chơi với ai, ngồi ở quán nào mà Uyên không biết.”
“Cô là ma xó à?”
“Chứ sao?”
“Tôi muốn hỏi một câu? Vậy chớ cô nghĩ tôi là một người như thế nào?”
“Anh là một kẻ tà đạo!”
Tôi ngạc nhiên.
“Thế nào là một kẻ tà đạo?”
“An advocate of immorality”.
“Tôi không hiểu!”
“Uyên cũng không hiểu. Nhưng tại sao anh chọn cách sống kỳ quái như vậy? Sao anh không cố gắng sống như mọi người?”
“Thế nào là sống như mọi người? Tôi vẫn ăn vẫn sống và tôi vẫn thở. Tôi đâu có gì khác người?”
“Uyên có gặp bà Lan một lần. Bà ấy than thở trăm chiều, nói xấu anh cùng cực. Anh chơi bời, bỏ bê nhà cửa. Anh là một 
người đam mê đủ thứ: rượu chè, trai gái, cờ bạc, hút xách... Anh hư hỏng...”
“Bà ấy còn nói gì thêm?”
“Bà ấy một gia đình thượng lưu như bà ấy, con gái của một chủ nhà băng không thể chịu đựng một người chồng hư như vậy?”
“...”
“Bà ấy nói anh có thể là một người cha tốt, cũng có thể là một người tình tuyệt vời, nhưng là một người chồng xấu.”
“Cô nghĩ gì về bà ấy?”
“Xinh!”
“Thế thôi?”
“Nói nhiều!”
“...?”
“Và giả dối!”
“Cái gì làm cô nghĩ vậy?”
“Không thể nói được. Lúc này Uyên không thể cho anh nghe được!”
“Bao giờ thì có thể nói được?”
“Bao giờ chúng ta gặp lại?”
“Chẳng phải là chúng ta đang gặp ở đây sao?”
“Phải. Nhưng anh chưa đọc Le Petit Prince của Antoine de Saint Expery sao?” Cô có vẻ đổi để tài.
“Đã đọc. Nhưng sao?”
“Cần phải apprivoisier chứ?”
“Ai?”
“Chúng ta!”
“Vậy ai hiểu?”

Kỳ 17

Ngưng một lát, Uyên nhìn tôi.

-Anh có vẻ bận nhỉ?
-Không. Tôi đang nghĩ tới một điều...
-Một người?
-Ừ. Một điều và một người.
-Một người tên Quỳnh?
-Sao cô biết?
-Uyên là ma xó mà! Nhưng... anh thử nghĩ coi đi với người này mà đầu óc nghĩ tới người kia thì có phải là một người đàn ông lịch sự không?
-Tất nhiên là không!
-Vậy anh là người lịch sự?
-Đương nhiên.
-Anh có nghĩ rằng mình là người kiêu ngạo quá không?
-Không!
-Vậy anh là người khiêm tốn?
-Cũng có thể.
-Anh nghĩ sao nếu có người nói anh là Don Juan?
-Bậy bạ!
-Anh có biết là Uyên đã biết anh từ lâu không?
-Không! Từ hồi nào?
-Lâu. Nhưng không nhớ từ hồi nào! Có lẽ hơn một năm nay, ở một lớp tối, trường Trường Sơn!
-Cô làm gì ở đó?
-Đi chơi. Có một người bạn học ở đó. Theo cho vui.
-Hôm đó cô nghe tôi nói gì?
-Anh nói với người ta không nhớ đến con người hay sự vật chỉ vì con người hay sự vật đó. Người ta chỉ nhớ đến những gì có liên quan đến mình mà thôi.
-Sao cô nhớ kỹ thế?
-Uyên chỉ nhớ những gì có liên quan đến Uyên mà thôi!
-Giỏi!
-Anh khen Uyên phải không?
-Cứ cho là vậy đi!
-Anh hay giảng bài lạc đề lắm, anh có biết không?
-Ở đâu? Hồi nào?
-Hôm đó, hôm có một người con gái lên hát bài Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương.
Tôi hớp một ngụm trà Hoàng Cúc, đốt một điếu thuốc và nhớ lại buổi học tối hôm đó.
Lớp tối của Saigon phần lớn dành cho những người đứng tuổi đã có công ăn việc làm, muốn kiếm thêm cái bằng để tăng lương tăng ngạch. Cũng có một số người trẻ là những học sinh trường Pháp muốn, nếu chẳng may rớt Tú Tài Tây, còn lấy được cái Tú Tài Ta. Hôm đó lớp học khá đông, nhưng nói chung không khí có vẻ như bất bình thường. Bài học có tựa đề là Ký Ức Và Liên Tưởng. Tôi cho cả lớp ghi một số điểm tựa để nhớ khi làm bài thi. Tôi nhắc đến một số bài thơ phổ nhạc: Chiều của Hồ Dzếnh, Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng... và tôi hỏi họ những ca khúc ấy có gợi cho họ điều gì không? Đau khổ hay Hạnh phúc? Tình yêu hay Thù hận? Hoặc một vệt nắng ở chái hiên, một cơn mưa phùn trên hàng me... có làm ta nghĩ đến chia ly hay sum họp? Lúc bấy giờ, tôi còn nhớ rõ như in, một chị ngồi ở đầu bàn đứng dậy:
-Monsieur, em nói được không?
Tôi hơi ngạc nhiên, vì ở các lớp tối tính thụ động và ù lì gần như là bản chất. Họ ngồi nghe, ghi chép hoặc nói chuyện và ngủ gục. Phát biểu ý kiến hoặc đặt câu hỏi là một điều hiếm hoi.
-Mời chị. Nhưng chị hãy cho tôi biết là chị có ý định đi ra ngoài bài học không?
-Không, monsieur, em hiểu bài học hôm nay theo một cách khác.
-Mời chị!- Tôi nhắc lại sự đồng ý của mình.
-Xin cám ơn!
Rồi chị đứng quay mặt xuống lớp, giọng dõng dạc:
-Miền Trung đang bị thiên tai bão lụt, chúng ta đã đóng góp gì chưa?
-Chưa! Tôi nghe cả lớp ồ lên.
-Tôi đề nghị chúng ta nên nghĩ đến nỗi khổ đau của đồng bào ruột thịt!
-Đề nghị đi! Cuối lớp có tiếng người nói lớn.
Cả lớp nhao nhao.
-Tôi muốn cả lớp chúng ta đóng góp một chút gì để gọi là chia sẻ nỗi khổ đau của đất nước.
-Chị đóng góp trước đi!
-Tự nhiên là tôi xin đóng góp trước!

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a3699/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-16-17