Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 238): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (4)

Kỳ 12

Nhưng tình hình thế này làm sao Quỳnh có thể tới được chỗ hẹn. Tất cả mọi lối vào quán như thế là bị kẽm gai ngăn lại.

Tôi thấy nhiều xe Cảnh Sát Dã Chiến đang đổ xuống ở góc đường Tự Do và Lê Lợi. Ngay bên ngoài cửa kính của quán nước, tôi cũng vừa chợt thấy một chiếc Dodge đầy lính nai nịt gọn gàng, mặt nạ chống hơi ngạt ở cổ, súng phóng lựu đạn cay cầm ở tay và mộc chống biểu tình dựng dưới chân.

Lâu lắm, dễ chừng hơn một tháng nay Quỳnh và tôi không gặp nhau. Trước đây, mỗi tuần ít nhất chúng tôi gặp nhau một lần, và thường là ăn cơm với nhau ở một hiệu cơm Tàu trong Cholon. Quán ăn nhỏ nằm trong một con hẻm mang tên Tản Đà, một nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Chủ nhân là người Phúc Kiến. Quán chứa không quá hai mươi thực khách, nhưng đặc biệt là chỗ ngồi cho hai người hay bốn người đều được chia riêng biệt, không bàn nào nhìn thấy bàn nào. Lưng ghế cao, mặt bàn lót đá xanh có vân mát lạnh. Chính Quỳnh đã đưa tôi đến đây. Cô cho biết người giám đốc hãng hàng không CAL ở Hồng Kông trong một dịp đến thăm chi nhánh CAL Saigon, đã mời các nhân viên trong hãng - trong đó có Quỳnh - đến ăn quán này. Ông là một người Trung Hoa cao lớn, rất thông thạo Anh ngữ, Pháp ngữ và tiếng Tây Ban Nha. Đặc biệt ông rất sành văn chương Pháp. Trong bữa ăn, ông nói với Quỳnh là chính tại cái quán nhỏ bé này, nhà văn André Malraux của Pháp - sau này là bộ trưởng văn hóa Pháp - đã từng là khách danh dự.

Dưới mắt các bạn tôi, Quỳnh không phải là một người đẹp. Cô có khuôn mặt hơi dữ, cặp chân mày đen đậm trên một đôi mắt màu nâu to, miệng hơi rộng, mũi thon nhưng hơi hỉnh. Và tất cả những nét ấy dịu lại nhờ chiếc răng khểnh vô cùng lôi cuốn.

Tôi quen Quỳnh trong một dịp rất tình cờ và mãi về sau tôi mới biết cô là em gái của một người bạn cùng lớp với tôi ở những năm trung học. Hắn tên là Tuấn và có biệt danh là Tuấn-phở, vì hắn nổi tiếng là người có thể điểm tâm một lúc bằng ba tô phở, đó là chưa kể có thể kết thúc bằng một ly cà phê sữa đá loại lớn nữa. Tuấn-phở là một “phénomène” của thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Cho đến khi tốt nghiệp trường Luật, tập sự luật sư và hành nghề này, hắn luôn luôn tỏ ra là một tên trí thức lập dị. Hắn để râu, những sợi râu thưa và cứng trên một đôi môi lúc nào cũng như mím lại.

Hắn ưa đội một chiếc nón lát rộng vành. Hắn đọc sách nhiều hiểu biết nhiều và rất có hoa tay. Hắn không là họa sĩ nhưng tranh vẽ của hắn có nhiều bức còn hơn những ông tự xưng là họa sĩ. Hắn học giỏi. Hắn ngốn nhiều kiến thức. Nhưng hắn bị “tẩu hỏa nhập ma.” Trên khuôn mặt nhỏ như chiếc lá rau răm của hắn không bao giờ thiếu cặp kính tròn, kiểu như kính của ông Thượng Thư Bộ Lại thời xưa. Tuy nhiên, có lúc hắn nói với tôi là hắn thích John Lennon của ban nhạc Beatles.

Tôi không thân Tuấn-phở và tôi biết hắn cũng không ưa gì tôi. Có lần tôi đụng hắn một trận kinh hồn tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ còn nhìn mặt nhau nữa. Nhưng mấy năm sau, khi Tuấn-phở trở thành Tuấn-luật sư và cưới một người bạn gái rất thân trong đám bạn tôi, thì sự liên hệ giữa hai chúng tôi được thắt lại, tuy chẳng có gì là chặt chẽ lắm.

Mùa Hè năm đó, tôi được cử ra Nha Trang làm việc trong Hội Đồng Giám Thị và Giám Khảo kỳ thi Tú Tài hai. Đó là một mùa thi mang đến cho tôi nhiều bối rối nhất. Trung tâm tôi phụ trách bị lộ đề thi toán và tôi được biết ở một số phòng thi, nhiều thí sinh đang có bài giảng trong tay. Là chủ tịch Hội Đồng Giám Thị, tôi phải giải quyết một số trường hợp bị coi là gian lận. Người ta đưa đến trước mặt tôi một cô gái có khuôn mặt lạnh tanh, cặp chân mày hơi xếch trên một đôi mắt màu nâu to. Chiếc răng khểnh là một nét đặc biệt của cô. Sau khi xem xét giấy tờ hợp lệ của cô, tôi hỏi:

“Chị có điều gì cần nói?”

“Có!” Cô gái trả lời cộc, mặt lạnh, mắt mở to ngó thẳng vào tôi.

“Xin chị cứ nói”. Tôi nhỏ nhẹ.

“Tại sao tôi phải bỏ dở buổi thi để đứng ở đây?” Cô hỏi giọng gay gắt.

“Thế chị không biết lý do vì sao người ta đưa chị lên đây à?” Tôi ngạc nhiên.

“Không!” Cô trả lời dấm dẳn và giận dữ.

Tôi hơi mất bình tĩnh vì thái độ của cô, nhưng tôi cố nén hơi nóng đang dồn lên buồng ngực mình. Tôi giải thích cho cô nghe lý do. Cô gái phá lên cười:

“Vậy thì mấy ông nhầm to rồi! Người có trong tay đề giải là Hà Thị Như Quỳnh số ký danh 151, còn tôi là Hoàng Thị Như Quỳnh số ký danh 152. Tôi bị mất mười lăm phút làm bài để đứng đây vì một cái lỗi không có. Theo ông, tôi phải làm sao?”

Cô làm tôi buồn cười. Tất nhiên Hoàng thị Như Quỳnh 152 được trở lại phòng thi và cô được đền bù số thời gian bị mất với một lời xin lỗi của toàn thể Hội Đồng.

Kỳ 13

Mùa thi qua, tôi trở lại Saigon. Và những gì đã xảy ra trong mùa hè đó rồi cũng đi vào lãng quên. Cho đến một buổi sáng mùa Thu năm sau tại tòa án Saigon, khi tôi đang ngồi nói chuyện với luật sư của tôi trên một băng ghế ở hành lang trước một căn phòng nhỏ chờ ông tòa hòa giải đợt đầu thì gặp Quỳnh. Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra nhau:

Tôi hỏi Quỳnh:
-Chị không trượt chớ?
-Cám ơn ông. Nhờ trời tôi đậu! Quỳnh trả lời nhưng giọng có khó khăn.
-Gia đình chị ở Saigon à?
-Không ạ! Tôi sống với mẹ tôi ở Đà Lạt.
-Sao chị đi thi chi xa tận Nha Trang?
-Vâng. Tôi học ở Lycée Đà Lạt, nhưng tôi thích Nha Trang.
-Nha Trang là một thành phố biển đẹp! Tôi gợi ý.
-Nha Trang đẹp vì đó là quê của cha tôi! Quỳnh nêu một lý do khác.
-Còn cái Tú Tài Pháp? Tôi hỏi nhảy sang chuyện khác.
-Sao ông biết tôi thi Tú Tài Pháp? Quỳnh ngạc nhiên.
-Chị vừa nói chị học ở Lycée mà!
-Ồ! Quỳnh nhớ ra. Cô tiếp:
-Cám ơn ông. Tôi thi tại Saigon và nhờ trời, tôi đậu.
Và Quỳnh cười. Chiếc răng khểnh của cô có một sức quyến rũ lạ lùng. Cả tấm thân thể cao lớn của cô, đôi chân dài, eo thon, ngực nở, hai con mắt long lanh tình ái, mái tóc ngắn làm Quỳnh có vẻ cao hơn. Bỗng nhiên tôi giật mình nhận ra không hiểu vì sao cô có mặt ở tòa án. Tôi hỏi:
-Xin lỗi chị, tôi hỏi có hơi tò mò, chị có chuyện gì ở đây vậy.
-Tôi có cái hẹn với anh Tuấn tôi.
-Chị muốn nói Tuấn-luật sư?
-Dạ phải. Ông quen anh Tuấn sao? Quỳnh ngạc nhiên.
-Có. Có một thời chúng tôi là bạn học!
Tôi trả lời, nhưng mắt vẫn nhìn Quỳnh, cố tìm xem có nét tương đồng nào giữa Tuấn và người thiếu nữ xinh đẹp này không. Không. Thật hoàn toàn là không. Quỳnh cao lớn, Tuấn nhỏ con. Khuôn mặt Quỳnh phúc hậu, da trắng, hai con mắt to ngó thẳng vào người nói chuyện. Còn Tuấn khuôn mặt choắt, mắt là một đường chỉ nhỏ, nói chuyện với ai luôn nhìn nghiêng về một phía. 
Quỳnh nói giọng chững chạc rõ ràng, Tuấn hơi lắp bắp và nhiều khi nuốt cả tiếng. (Ấy thế mà luật sư mới tài!)... Có lẽ đọc được ý nghĩ tôi, Quỳnh giải thích:
-Tuấn là anh cả, tôi là em út. Nhà có bảy anh em. Tôi thua Tuấn mười sáu tuổi. Mẹ tôi nói tôi là đứa con không cầu mà được.
Và bỗng nhiên Quỳnh đổi giọng:
-Còn ông? Tôi cũng muốn hỏi ông một câu tương tự. Ông có nghĩ là tôi quá tò mò không?
-Không. Tôi hiện đang ở thời gian ly dị. Tôi trả lời không do dự.
-Ồ! Quỳnh kêu lên như một cách xin lỗi. Chiếc răng khểnh của cô vẫn là thỏi nam châm thu hút tôi. Và như thế chúng tôi quen nhau.
Mãi về sau, có lần tôi hỏi Quỳnh vì sao lần đầu tiên gặp tôi ở Hội Đồng Thi cô có vẻ kênh như thế, Quỳnh hỏi lại tôi là phải chăng tôi muốn nói đến cách xưng hô của cô.
-Em không học anh, không việc gì em phải gọi anh là Thầy. Mà nếu có học anh đi nữa thì em cũng chẳng việc gì phải gọi anh là Thầy.
-Tại sao?
-Chẳng sao cả. Em vẫn gọi mấy ông bà giáo của em là oui monsieur..., non monsieur..., oui madame..., merci madame... có sao đâu. Vả lại khi em thích anh thì em có đủ tự tin để tự nâng mình lên ngang với anh, nếu không, em sẽ kéo anh xuống để anh ngang bằng em!
Những ngày sau đó thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau. Tôi được biết cô đang làm việc cho hãng Hàng Không China Airlines và cô đang theo một lớp Anh văn ở Hội Việt Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi. Mấy lần tôi đổi phòng trọ, Quỳnh đều đến dọn dẹp giúp tôi. Vào những ngày cuối tuần hai đứa con tôi vẫn thường theo cô Quỳnh đi xi nê, Sở Thú, ăn kem...
Về phần hai chúng tôi, nếu trí nhớ tôi không lầm, thì chưa ai nói lời yêu ai, mặc dù giữa chúng tôi bức tường ngăn cách đã bị đập bỏ từ lúc nào. Tôi không xác định được thời điểm nào mình đã “mở cửa” đi vào đời Quỳnh. Trong ký ức mù mịt tôi, tôi chỉ nhớ được không gian nơi chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau hơi thở tình ái. Thân thể tôi trong thân thể Quỳnh. 
Chúng tôi tự vỗ về nhau trong một thú đau thương cùng tột. Trên lưng tôi không bao giờ phai mờ dấu vết của Quỳnh và tôi cũng biết trên vùng “đồi núi” cô ít khi lặn chìm những dấu răng cuồng loạn tôi.
-Anh!

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a3697/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-12-13