Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

KIẾN NGHỊ CỦA LUẬT SƯ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỐI VỚI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Việt Nam, ngày 15 tháng 5 năm 2020

KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỐI VỚI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI

Kính gửi: ​
- Chủ tịch Nước​
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đồng kính gửi:
- Ủy ban Tư pháp Quốc hội
- Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
- Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam.


​Chúng tôi, những luật sư tham gia kiến nghị này đã theo dõi phiên toà giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (từ ngày 6/5 đến ngày 8/5/2020) theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - một vụ án được nhân dân và dư luân trong và ngoài nước rất quan tâm. Lẽ ra phiên toà giám đốc thẩm này phải là một phiên toà mẫu mực, tuân thủ pháp luật, diễn ra dân chủ và đảm bảo công lý, nhưng chúng tôi nhận thấy diễn biến phiên toà và quyết định giám đốc thẩm lại trái ngược với những chuẩn mực đó, khiến phần lớn trong giới luật sư nói riêng và nhân dân nói chung rất thất vọng và bức xúc. Do vụ án này đã được báo chí đăng tải rộng rãi, nên chúng tôi xin phép không trình bày về nội dung và quá trình giải quyết vụ án, xin nêu những ý kiến và kiến nghị như sau liên quan đến giải quyết vụ án này, đặc biệt về phiên toà giám đốc thẩm, dựa trên những thông tin được đăng tải trên báo chí và từ luật sư tham gia phiên toà:

1. Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm có dấu hiệu trái pháp luật. Đáng lẽ, ông phải từ chối tham gia và làm chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm, cụ thể:

Ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (khi đó ông Nguyễn Hòa Bình là Viện trưởng) đã ban hành Quyết định không kháng nghị đối với trường hợp Hồ Duy Hải. Như vậy, Ông Bình là người chịu trách nhiệm về Quyết định không kháng nghị này. Nay ông là Chánh án TANDTC, lẽ ra ông phải từ chối tham gia Hội đồng thẩm phán trong phiên tòa giám đốc thẩm để xem xét lại trường hợp Hồ Duy Hải theo Quyết định kháng nghị số 15 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng VKSNDTC (mà ghi rõ thay thế Quyết định ngày 24/10/2011 trên). Như vậy việc ông Nguyễn Hoà Bình chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm xét một quyết định thay thế (thực chất là phủ nhận) quyết định của chính ông khi làm Viện trưởng VKSNDTC rõ ràng không khách quan, vô tư, theo Điều 49 khoản 3 và Điều 53 khoản 1 tiết a và tiết c BLTTHS 2015 phải từ chối tham gia Hội đồng xét xử cấp giám đốc thẩm vụ án này. Việc ông Nguyễn Hoà Bình làm chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là vi phạm nguyên tắc cơ bản “bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng” quy định tại Điều 21 BLTTHS 2015.
Để bảo đảm khách quan, ông Chánh án Nguyễn Hoà Bình lẽ ra phải giao cho Phó Chánh án làm chủ tọa phiên toà hoặc để Hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán giám đốc thẩm, theo khoản 4, Điều 382, BLTTHS 2015, không nhất thiết là hội đồng toàn thể gồm 17 thẩm phán.

2. Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tọa phiên giám đốc thẩm đã có những biểu hiện không khách quan vô tư khi điều hành phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, nhằm bảo vệ quan điểm và quyết định của ông khi còn làm Viện trưởng VKSNDTC (từ 2011 đến 2016):

a. Ông Chánh án đã “định hướng” quan điểm, kết luận trước khi các thành viên Hội đồng thẩm phán (cũng là cấp dưới của ông) cho ý kiến, thảo luận trước khi biểu quyết về việc giải quyết vụ án, không đúng quy định BLTTHS (xem phân tích số 1 kèm theo).

b. Với tư cách chủ tọa, ông đã không tạo điều kiện cho luật sư Trần Hồng Phong (là người hỗ trợ pháp lý cho bị án Hồ Duy Hải theo yêu cầu của gia đình) tranh tụng, trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ bình đẳng theo Điều 386 khoản 2 BLTTHS (xem phân tích số 2 kèm theo).

c. Ông Chủ tọa có dấu hiệu bỏ qua hoặc làm nhẹ những sai phạm của người, cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới để hợp thức hoá các bản án vi phạm pháp luật (xem phân tích số 3 kèm theo).

d. Ông Chủ tọa tìm cách diễn giải việc Hồ Duy Hải nhận tội ở những thời điểm quan trọng và kết luận “không bị ép cung, nhục hình, mớm cung”, bỏ qua việc Hồ Duy Hải thực ra kêu oan liên tục, đặc biệt ở phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm và nhiều tình tiết, tài liệu quan trọng khác và thực tế nhiều vụ án oan sai ở Việt Nam (xem phân tích số 4 kèm theo).

e. Ông Chánh án đã không khách quan khi công bố các tài liệu không có trong hồ sơ vụ án hoặc không làm căn cứ để VKSNDTC kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị án Hồ Duy Hải, trong khi không công bố các văn bản của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga có lợi cho bị án Hồ Duy Hải (xem phân tích số 5 kèm theo).

3. Những vấn đề ông Chủ tọa yêu cầu thành viên Hội đồng thẩm phán biểu quyết không phù hợp quy định của BLTTHS và thông lệ phiên giám đốc thẩm.

Ông Chủ tọa phiên giám đốc thẩm đã tiến hành lấy biểu quyết 4 nội dung sau đây:

1.​ Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?

2.​ Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?

3.​ Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không?

4.​ Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị?

Lẽ ra, ông Chủ tọa phải nêu rõ những nội dung, vấn đề yêu cầu Hội đồng thẩm phán biểu quyết để xác định rằng Kháng nghị của VKSNDTC có đáp ứng một hay nhiều căn cứ được quy định tại Điều 371 BLTTHS 2015 hay không, từ đó để các thành viên Hội đồng thẩm phán biểu quyết về hướng giải quyết vụ án. Tuy nhiên ông đã đưa ra 4 vấn đề biểu quyết nêu trên và kết quả 17/17 thành viên Hội đồng thẩm phán biểu quyết nhất trí.

Về 4 nội dung ông Chủ tọa đưa ra để biểu quyết, chúng tôi nhận thấy như sau:

Về nội dung biểu quyết 1: Trong BLTTHS không có khái niệm sai sót về tố tụng và bản chất vụ án như được nêu trong nội dung biểu quyết này, mà chỉ có nêu vi phạm, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Về nội dung biểu quyết 2: Chúng tôi cho rằng nội dung này không cần thiết phải biểu quyết. Nội dung biểu quyết này không thể hiện ngôn ngữ pháp lý mẫu mực như kỳ vọng của giới luật đối với các văn bản của TANDTC. Nếu cần phải biểu quyết về nội dung liên quan hoặc hiểu nghĩa tương tự, phải nêu rõ nội dung biểu quyết: ví dụ có đủ căn cứ và chứng cứ hợp pháp chứng minh bị cáo Hồ Duy Hải phạm tội giết người hay không? Có đủ căn cứ và chứng cứ hợp pháp chứng minh bị cáo Hồ Duy Hải phạm tội cướp tài sản hay không? Ngoài ra, trước khi biểu quyết về nội dung này phải nêu rõ là dựa vào những căn cứ, chứng cứ nào được xác định là căn cứ, chứng cứ hợp pháp và những căn cứ, chứng cứ nào được xác định là căn cứ, chứng cứ không hợp pháp để biểu quyết.

Về nội dung biểu quyết 3: Nội dung biểu quyết trên nêu “không đúng pháp luật” nhưng lại không ghi rõ là không đúng văn bản pháp luật nào, điều khoản nào.
Với nội dung trên, TANDTC cho rằng nếu Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của một bị án tử hình vẫn có hiệu lực (tức chưa được hủy bỏ) thì không được phép kháng nghị để xem xét lại một bản án có hiệu lực kết án bị án tử hình đó. Nếu quan điểm này nâng thành án lệ (không chỉ áp dụng cho bị án Hồ Duy Hải), sau khi một bị án tử hình bị thi hành án, không có cách nào để kháng nghị xem xét lại bản án đó, cho dù bản án rõ ràng sai, mâu thuẫn Điều 379 khoản 2 BLTTHS. Theo điều khoản này, không có hạn chế nào đối với việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án, kể cả khi họ đã chết.

Về nội dung biểu quyết 4: Theo chúng tôi, nội dung này phải bổ sung cụm từ “và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị ”, trước khi biểu quyết phải phân tích, xác định bản án sơ thẩm và phúc thẩm có căn cứ và đúng pháp luật hay không theo quy định tại Điều 389 BLTTHS 2015?

4. Những ý kiến, nhận xét bổ sung về vụ án này:

a. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đã không làm đúng theo nguyên tắc “xác định sự thật” của vụ án tại Điều 10 BLTTHS 2003 (tương đương Điều 15 BLTTHS 2015), bỏ qua nhiều biện pháp hợp pháp để xác định khách quan toàn diện, đầy đủ, kể cả làm rõ những chứng cứ xác định bị án có thể không phạm tội và nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đặc biệt vi phạm Điều 72 BLTTHS 2003 (tương ứng với Điều 98 BLTTHS 2015), khi dùng lời nhận tội của Hồ Duy Hải làm chứng cứ duy nhất để kết tội với mức án cao nhất. (Xem phân tích 6 kèm theo).

b. Có những căn cứ xác định Hồ Duy Hải có thể không phạm tội (hoặc có việc bỏ lọt tội phạm), không có mặt ở hiện trường, trên cơ sở xác định dấu vân tay và xác định chính xác, đầy đủ thời gian và những nơi đi lại của Hồ Duy Hải vào tối 13/1/2008. (Xem phân tích 7 kèm theo).

c. Có dấu hiệu luật sư do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải, vì lợi ích các cơ quan tỉnh này, để hợp thức hóa các sai phạm của họ, cho dù luật sư này có dấu hiệu vi phạm quy định về luật sư, việc chỉ định của tòa án cấp sơ thẩm vi phạm BLTTHS. (Xem phân tích 8 kèm theo).

5. KIẾN NGHỊ:

Lập luận “có những sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” của TANDTC khiến nhân dân và giới luật rất bức xúc và lo ngại, mất niềm tin vào công lý, lẽ công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật về thủ tục tố tụng.

Việc điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án Hồ Duy Hải rất cẩu thả, thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng pháp luật liên tục, có dấu hiệu gây oan sai, dẫn đến án tử hình đối với Hồ Duy Hải lại được TANDTC chấp nhận, giữ nguyên có thể tạo tiền lệ cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới mặc sức vi phạm, kể cả vi phạm nghiêm trọng các quy định về tố tụng để tùy nghi quyết định những vấn đề rất quan trọng liên quan đến quyền con người, với niềm tin sẽ được Tòa án cấp trên hợp thức hóa bằng lập luận “có những sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, rất nguy hại đến người dân và xã hội.

Để thượng tôn pháp luật, tránh oan sai và lấy lại niềm tin của nhân dân và giới luật sư vào nền tư pháp và luật pháp nước nhà, chúng tôi kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao áp dụng Điều 404 BLTTHS yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Chúng tôi kính đề nghị Chủ tịch Nước và Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm đến kiến nghị này của chúng tôi, đề nghị các cơ quan và quý vị nêu trên nhanh chóng giải quyết theo thẩm quyền kiến nghị của chúng tôi.

Trân trọng cảm ơn.

Thông tin liên hệ của các luật sư tham gia kiến nghị:

1. Luật sư Lê Văn Hòa - Địa chỉ: Số 51 ngõ 185 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Điện thoại: 0946256256.

2. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: 122/7 Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; Điện thoại: 0915695637.

NHỮNG LUẬT SƯ THAM GIA KIẾN NGHỊ KÝ TÊN:

(Đính kèm DANH SÁCH CÁC LUẬT SƯ KÝ TÊN VÀO BẢN KIẾN NGHỊ ĐỀ NGÀY 15/5/2020 VỀ VIỆC XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỐI VỚI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI)

CHÚ GIẢI ĐIỀU LUẬT:

(1) Khoản 3, Điều 49, BLTTHS 2015
“Điều 49. Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”

(2) Tiết a, tiết c, Khoản 1, Điều 53, BLTTHS 2015
“Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;
c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.”

(3) Điều 21, BLTTHS 2015
“Điều 21. Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ.”

(4) Khoản 4, Điều 382, BLTTHS 2015
“Điều 382. Thẩm quyền giám đốc thẩm
4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương bị kháng nghị.”

(5) Điều 371 BLTTHS 2015
Điều 371. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

(6) Khoản 2, Điều 379. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án chết mà cần minh oan cho họ.

(7) Điều 389. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị
Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi xét thấy bản án, quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật.

P/S:
1. Chúng tôi sẽ đăng danh sách các luật sư ký tên trực tiếp và mời các luật sư ghi danh đồng ý qua trang này và tập hợp thành danh sách.

2. Bản phân tích pháp lý của các luật sư về từng vấn đề sẽ được hoàn chỉnh kèm theo, đăng sau.

3. Mời mọi người góp ý kiến vào văn bản kiến nghị này để được hoàn chỉnh hơn!

Trân trọng cảm ơn!

DANH SÁCH CÁC LUẬT SƯ KÝ TÊN KIẾN NGHỊ VÀ GHI TÊN KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỐI VỚI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI:

A. CÁC LUẬT SƯ TRỰC TIẾP KÝ TÊN KIẾN NGHỊ:

1. LS Lê Văn Hoà
2. LS Ngô Quốc Kỳ
3. LS Trương Chí Công
4. LS Nguyễn Thị Vũ Thịnh
5. LS Nguyễn Thị Hằng Nga
6. LS Đỗ Thanh Thuỷ
7. LS Nguyễn Tiến Dũng
8. LS Nguyễn Văn Thân
9. LS Trương Thị Nga
10. LS Trịnh Vĩnh Phúc
11. LS Nguyễn Thị Dạ Thảo
12. LS Đặng Đình Mạnh
13. LS Nguyễn Văn Miếng
14. LS Trần Đình Dũng
15. LS Phạm Văn Thọ
16. LS Trần Hồng Phong
17. LS Ngô Thị Hoàng Anh
18. LS Diệp Thu Thuỷ
19. LS Nguyễn Hoàng Linh
20. LS Nguyễn Duy Bình
...

B. CÁC LUẬT SƯ ĐỒNG Ý GHI TÊN KIẾN NGHỊ:

1. LS Đỗ Hoà
2. LS Lương Thanh Quang
3. LS Nguyễn Thanh Năm
4. LS Nguyễn Anh Vân
5. LS Đỗ Xuân Hiệu
6. LS Nguyễn Văn Thịnh
7. LS Nguyễn Anh Đức
8. LS Ngô Đình Thuần
9. LS Nguyễn Hữu Thông
10. LS Vũ Thuỷ
11. LS Đào Thị Lan Anh
12. LS Lê Quốc Đạt
13. LS Dương Vĩnh Tuyến
14. LS Nguyễn Hà Luân
15. LS Nguyễn Khả Thành
16. LS Trần Tiến Dũng
17. LS Đỗ Xuân Bình
18. LS Hồ Hoài Nhân
19. LS Nguyễn Thị Cẩm Thuyên
20. LS Lê Xuân Hậu

Nguồn: https://www.facebook.com/ngo.quocky/posts/3171287269583301