Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 236): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (2)

Kỳ 5
Ông Phan làm tôi sợ. Quả thật những giây phút cuối cùng của cha tôi đã không có tôi bên cạnh. Cha tôi, người đàn ông rượu chè be bét đã ám ảnh tôi suốt một thời tuổi trẻ. 
Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì những cơn say dữ dội của ông. Tuổi trẻ của ông ra sao? Mẹ tôi không bao giờ nói, mà ông thì lúc nào cũng chỉ có điệp khúc sau đây: “Tao, Trần Lâm Thành, sĩ quan tốt nghiệp trường Võ Bị Dar-el-Beida, chiến đấu dưới màu cờ Pháp quốc, đã theo chân Tướng Juin đổ bộ lên Ý Đại Lợi, được ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh và được tuyên dương công trạng mười hai lần trước hàng quân. Tao, người duy nhất dám vứt bỏ chức vụ cao cấp mà Nhà Nước Pháp tưởng thưởng để dấn thân vào công cuộc tranh đấu cho nền độc lập xứ sở mà ông X. đã đứng ra đề xướng. Nhưng tao, cũng chính tao, là người đã dám đứng lên phản đối ông X. trong vụ ký hiệp ước Sáu Tháng Ba. Tao bị bọn chúng lên án tử hình và đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Tao, tên say rượu để sống. Rượu đã cứu tao. Rượu là ân nhân của tao. Chúng mày là đồ giả trá, ti tiện; chúng mày là một lũ đầu trâu mặt ngựa... Tao đếch sợ thằng nào. Thằng nào chê rượu là thằng tồi. Tao không chê rượu. Rượu là bạn tao. Sư cha thằng nào chê rượu. Rượu muôn năm!!!”
-Hình như mấy lúc sau này anh Thành uống rượu hơi nhiều phải không cậu?
-Thưa bác, cha cháu uống hơi nhiều từ lâu, kể từ ngày ông anh cả cháu bị thương trong trận chạm súng với Việt Cộng ở Hậu Nghĩa.
Phải, mấy năm sau này rượu trở thành nhu cầu thường trực và cấp bách của cha tôi. Rượu làm ông tiểu tụy và bạc nhược.
Tóc ông trắng toát và dài như một đạo sĩ tà phái. Hai mắt ông thất thần, đỏ ngầu những đường gân máu. Phòng ông tràn đầy khói thuốc, mùi rượu nồng nặc.
Giờ đây, khi ông Phan nhắc đến cha tôi và cho tôi xem tấm ảnh - mà tôi vẫn còn giữ lại sau cái chết của ông - tôi mới ngỡ ngàng nhận ra người đứng bên cạnh là ông Phan, một ông Phan hơi nhỏ và gầy bên cạnh một người cao lớn là cha tôi. Tôi nghĩ là tôi có thể hiểu phần nào mối liên hệ giữa ông Phan và cha tôi. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao cha tôi đã không nhắc gì đến ông Phan trong suốt những ngày ông sống với vợ con ông.
-Cậu Thăng, hôm nay tôi cho mời cậu đến đây trước hết là tôi muốn giúp đỡ cậu. Cậu là con anh Thành, nên tôi xem cậu cũng là con tôi. Có phải hiện giờ cậu đang dạy học?
-Thưa bác, phải.
-Đó là một nghề cao quí. Chọn nghề này theo tôi, là đồng nghĩa với chọn trách nhiệm và bổn phận. Làm thầy giáo có nghĩa là phải gạt bỏ tất cả mọi bon chen trong cuộc đời. Thầy giáo rất gần với thầy tu. Nhưng...”
Ông Phan dừng lại giữa chừng câu nói, ngó chăm vào mắt tôi.
-...nhưng hình như cậu lầm lẫn trong việc chọn nghề. Cậu có thấy vậy không?
Tôi đã nhận thấy điều này từ lâu, có lẽ ngay từ ngày đầu khi mới bước chân vào lớp học. Thành phố Đà Lạt thơ mộng, và ngôi trường đại học nơi tôi theo học cũng chứa bao nhiêu điều đẹp đẽ mà bất kỳ một tuổi trẻ nào cũng thèm muốn và ao ước. Tuy vậy tôi biết rõ giáo dục không phải là ngành thích hợp của tôi. Tôi yêu kính những người thầy từng dạy dỗ tôi, nhưng tôi cũng không ngừng phẫn nộ vì sự bất công mà họ đã dành cho tôi. Tôi run sợ trước mặt những ông thầy. Tôi luôn luôn là nạn nhân chua xót của họ. Từ tiểu học, qua trung học, lên đại học, các ông thầy bà cô nhìn tôi như một đối tượng để trút lên đó những bực dọc của cuộc đời khốn nạn của họ. Tôi là tấm bia để họ bắn vào đó những mũi tên mặc cảm. Và buồn thay, đúng như câu “ghét của nào trời trao của đó” tôi đã đâm sầm vào trường Đại Học Sư Phạm. Đỗ tú tài hai ban toán, mất một năm rong chơi ở Y khoa, sau khi bị mẹ rút đơn ra khỏi binh chủng Không Quân, bỏ trường Quốc Gia Hành Chánh, tôi nhảy tọt vào ban Triết.
Kỳ 6
Có nhiều lý do để biện minh cho việc chọn ngành của tôi, nhưng thâm tâm tôi, tôi biết dù thế nào đi nữa, mình vẫn là tên ngụy biện. Phải, tôi đã lầm lẫn trong việc chọn nghề. Nhưng biết làm sao! Tôi giống như cây mía đã róc vỏ, bị đun đẩy vào cái máy ép. Tôi chỉ có thể ra ở đầu kia chứ không thể lui lại ở đầu này. Tuy vậy tôi vẫn hỏi ông Phan:
-Thưa bác, bác có thể cho cháu biết rõ hơn nữa về nhận xét của bác?
-Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tất cả những gì tôi biết về cậu đều có vẻ chống lại những gì cậu đang theo đuổi một nghề mà cậu không ưa thích. Tại sao?
Như vậy là người ta đã báo cáo cho ông Phan khá nhiều về tôi. Và ông Phan đã nhìn tôi bằng cái nhìn mà mọi người đang có về tôi. Tôi là một tờ giấy trắng có nhiều vết mực bẩn chăng?
-Thưa bác, có lẽ dạy học là nghề không thích hợp với cháu. Cháu ưa một cuộc sống khác hơn là cuộc sống cháu hiện có. Đây là một lầm lẫn tai hại, và vô phương cứu chữa.
-Tại sao?
-Tại vì cháu là một người thụ động.
-Chà! Chà!”
Tôi nghe tiếng ông Phan chặc lưỡi.
-Cậu dạy Triết mà có cái lối lý luận kỳ lạ. Theo chỗ tôi biết thì hình như cậu là một người thành công trong nghề nghiệp mà! Phải vậy không?
Thế nào là thành công trong nghề dạy học? Câu ấy khó mà trả lời. Những ngày đầu tiên khi mới ra trường, được bổ nhiệm về Biên Hòa, tôi đã gặp ngay một khó khăn lớn. Học sinh tôi và tôi không cách biệt bao nhiêu về tuổi tác. Và bài học tôi thu được của nhà trường thật khác xa với bài giảng trong lớp. Tôi càng cố gắng hòa hợp với học sinh tôi, tôi càng bị đồng nghiệp nhìn tôi bằng con mắt khó hiểu. Tôi thực sự lo lắng cho học sinh. Và tôi biết rằng họ cũng quan tâm đến sự lo lắng của tôi. Nếu trong những năm về sau, khi đổi sang một trường khác tại Sài Gòn, một trường trung học lớn nhất Việt Nam, mà tôi có được chút ít thành công, chẳng qua là vì những học sinh của tôi - hoặc là họ thông minh chăm chỉ, hoặc là họ thực sự cố gắng - khiến họ có được điểu họ quyết tâm hơn là do tôi.
-Thưa bác, xin cám ơn bác. Cháu vẫn nghĩ là chưa bao giờ cháu thành công trong lãnh vực này. Cháu chẳng qua là người may mắn.
-Khiêm tốn là điều tốt, nhưng khiêm tốn quá coi chừng sẽ có hiệu quả trái ngược. Cậu hiểu chứ? Con Uyên nhà tôi nói là nó biết cậu, biết nhiều về cậu!
Ông Phan nhấn mạnh hai chữ biết nhiều. Tôi hiểu sự ám chỉ ấy như một lời chê trách.
-Nhưng thưa bác, cô Uyên là ai, cháu chưa biết!
Ông Phan đang nhồi thuốc vào tẩu, bỗng ngừng lại ngó chăm vào mắt tôi.
-Cậu không biết Uyên là ai thật à? Tôi tưởng là cậu có quen nó chứ!
Tôi thực tình không hề quen biết cô Uyên. Nhưng theo cách nói của ông Phan tôi phải hiểu là cô Uyên nào đó biết tôi. Tôi dạy học và có thể trong đám đông học sinh tôi có một thiếu nữ tên là Uyên. Tuy vậy, tôi nghĩ biết tôi là một việc, còn biết tôi nhiều là một việc hoàn toàn khác.
Ông Phan có phần ngạc nhiên về thái độ của tôi. Ông đặt tẩu thuốc xuống bàn, bấm cái chuông điện gắn trên hộc kéo. Cửa phòng mở và người cận vệ bước vào, đứng nghiêm, mắt ngó thẳng.
-Bẩm cụ, gọi con!
-Phải. Làm ơn mời cô Uyên vào giúp tôi.
Cánh cửa khép lại, ông Phan quay sang tôi.
-Con Uyên nhà tôi nói là gia đình cậu có chuyện lục đục sao đó. Phải vậy không?
-Thưa bác, phải. Nhưng cháu vẫn không hiểu làm sao mà cô Uyên có thể biết quá nhiều về cháu như vậy!
Có tiếng gõ cửa. Và không đợi ông Phan lên tiếng tôi thấy tay nắm xoay vòng và một cô gái bước vào, mang theo mùi hương phấn rất đàn bà.
-Thưa bố, gọi con!
-Phải!
Ông Phan bập bập cái tẩu. Tôi nhận ra cái nhìn hơi khác của cô gái, một cái gì hơi khựng lại khi mắt cô đụng vào mắt tôi. Tôi cũng vậy, tôi đã nhìn ra được người thiếu nữ. Hai con mắt đen, mái tóc chải cao, chiếc trán bướng, hàm răng nhỏ, đều, trắng; áo nhung tím than hở cổ, da trắng mướt, chuỗi hạt lấp lánh giữa ngực. Cô gái mà mới vừa cách đây mấy phút, tôi thấy rực rỡ giữa các cậu trai, cuốn hút như một thỏi nam châm.
Kỳ 7
Ông Phan nhấc tẩu thuốc ra thở khói, gõ gõ tẩu thuốc lên lòng bàn tay.
“Để bố giới thiệu con với anh...”
Rất nhanh, cô gái nghiêng đầu về phía tôi:

“Thưa bố, con có biết ông Thăng. Chào ông!”
“Không dám. Chào cô!”
Ông Phan ngồi xuống ghế.
“Sao con nói là con có quen anh Thăng?”
“Thưa bố, con nói là con có biết ông Thăng, chứ con đâu có nói là quen ông ấy...”
“Chà! Chà!” Ông Phan chặt lưỡi. “Vậy mà bố cứ tưởng là con có quen anh ấy đấy!”
Ông vỗ tro thuốc xuống gạt tàn. Tay ông mân mê những chân tóc trắng trên trán như đang lựa đếm những suy nghĩ trong đầu mình.
Uyên đứng tựa lưng vào bức tranh Van Gogh hơi mỉm cười nhìn tôi. Tôi thấy mình thừa thãi.
“Anh Thăng là con của bác Thành, bạn nối khố của bố. Bác Thành chẳng may qua đời, anh Thăng thì đang gặp một vài rắc rối. Bố muốn con coi anh Thăng như một người anh trong gia đình. Một người anh, con nghe rõ chứ?”
“Thưa bố, con nghe rõ. Nhưng...”
“Nhưng làm sao?”
“Bố để cho con tự nhiên. Con sẽ nhớ lời bố mà!”
“Tốt!”
Ông quay sang tôi. Hình như ông định nói tiếp một điều gì đó, nhưng vừa lúc ông hắng giọng bắt đầu câu chuyện thì chuông điện thoại reo.
“A lô! Tôi nghe đây... Vâng, xin cứ nói!”
Tôi thấy cằm ông Phan bạnh ra, hai hàm răng nghiến lại, đôi mắt nhỏ dưới chiếc kính lão nheo lại và thỉnh thoảng sáng lên một thứ ánh sáng kỳ lạ.
“Phải!... Đúng!... Ông niên trưởng ngoại giao đoàn vừa ở nhà tôi ra... Sao?... Bao giờ?... Ngay bây giờ à?... Ừ!.. Được!... Mọi thành viên đều có đủ mặt chứ?... Vâng, xin thông báo tôi sẽ đến ngay!”
Ông đặt ống nói xuống. Hai tay xoa vào nhau. Ông cắn một hớp rượu. Các thớ thịt ở gò má ông cuộn lại. Tôi có cảm tưởng ông đang có một quyết định quan trọng nào trong đầu.
“Cậu Thăng. Tôi rất tiếc không thể nói hết câu chuyện với cậu. Tình hình chính trị đang có nhiều biến chuyển mới. Tôi không thể vắng mặt trong một cuộc họp quan trọng và khẩn cấp. Hẹn cậu một dịp khác. Uyên sẽ thông báo cho cậu nhé!”
Ông Phan bắt tay tôi. Cái bắt tay chặt chẽ thân mật, nhưng những ngón tay mập và nhão của ông vẫn không làm tôi bớt ghê sợ.
Ông bấm chuông. Người cận vệ như núp sẵn đâu đó, mở cửa bước ngay vào, đứng nghiêm.
“Anh nói với bác tài chuẩn bị xe. Anh đi với tôi nhé!”
“Bẩm cụ, vâng!”
Người cận vệ ra, ông Phan bước tới một bước, hôn trán con gái:
“Thôi bố phải đi! Con tiếp anh Thăng hộ bố nhé!”
Uyên không trả lời cha. Cô nắm tay cha bước theo ông. Đến thềm cửa, đôi mắt đen quay lại tôi:
“Ông Thăng chờ tôi nhé!”
Còn một mình trong căn phòng đọc sách buồn bã, tôi ngắm bức Tự Họa của Van Gogh tưởng chừng như thấy khuôn mặt của chính mình.
Tôi nghĩ đến căn phòng trống trải của tôi, nơi mà lát nữa đây tôi sẽ trở về sống một mình không một ai chờ đợi.
Mãi về sau tôi vẫn không hiểu tại sao tôi không đến chào bà Phan, hay bà Phan không muốn gặp tôi!
Đứng trước cổng nhà ông Phan, tôi tự hỏi sẽ làm gì cho xong, cho hết cái phần thời gian còn lại của ngày. Tôi không chờ đợi Uyên, như cô đã hẹn tôi, mặc dù đôi mắt to đen, nụ cười mỉm chi, cái nốt ruồi duyên trên khóe miệng, cả cái dáng đi uyển chuyển của cô vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ tôi.
Tại sao?
Có lẽ cái cảm giác ban đầu do sức hút của vẻ đẹp Uyên đang bị đẩy lui bởi cái ấn tượng mạnh mẽ của con người thời cuộc là ông Phan. Người ta nói sắc đẹp vốn là bạn đồng hành của dối trá và phản bội. Tôi không hoàn toàn tin như vậy. Nhưng ở Uyên, nhận xét ấy có phần đáng suy gẫm.
Kỳ 8
Đêm xuống từ lâu trên những ngọn cây. Và ngôi biệt thự, nơi tôi vừa gặp gỡ những con người kỳ lạ vẫn còn sáng ánh điện. Gió từ sông Saigon thổi luồng hơi lạnh len qua giữa những hàng cây chạy hoang trên những con đường vắng. Tôi cảm thấy gây gây ở sống lưng. Đời sống tôi rối như một mớ bòng bong, giờ đây trong một quen biết mới, tôi thấy mớ bòng bong ấy chừng như càng rối ren thêm.
Tôi thả bộ dọc theo đường Lê Văn Duyệt. Phố xá vắng bóng người. Một vài chiếc xích lô máy chạy thục mạng như bị ma đuổi. Mấy chiếc xe nhà binh mui kín bóp còi inh ỏi trong một thành phố trống trải - âm thanh như lớn hơn và vang xa - càng làm tôi thấy mình như lẻ loi hơn.
Tôi chưa muốn về nhà. Không, tôi không muốn về lại căn phòng tối ám của tôi trên căn gác một chung cư. Với tôi, thời gian của đêm mấy lúc sau này sao quá dài, dài tưởng như vô cùng tận. Làm thế nào tôi có thể đốt hết cánh đồng cỏ khô của thời gian đăng đẳng này? Đêm gặm nhấm tôi trong nỗi bứt rứt và chua xót thường trực của một người làm vườn thất bại. Người ta đâu thể phung phí cả tuổi thanh xuân trong việc trồng trọt vun xới cây thương yêu và tin cậy trên một mảnh đất - tưởng là màu mỡ - để chỉ gặt hái những bông hoa và trái cây của dối trá hận thù?
Tôi sợ những ý nghĩ lang bang của mình. Tôi sợ nghe chính tiếng chân tôi giẫm lên chiếc cầu thang bằng gỗ hơi dốc trong một chung cư dành cho những công chức hạng C, bủa quanh bằng sự nghèo nàn và bẩn thỉu.
Tôi sợ tiếng mưa ào ạt gõ vào thành cửa kính đã rạn nứt... Tôi sợ tiếng kêu rè rè của một chiếc máy thu thanh quên tắt khi chương trình nhạc đã chấm dứt. Tôi sợ chiếc cốc uống nước còn đọng dưới đáy cái màu vàng của xác trà bị bỏ quên nơi góc nhà...
Làm cách nào để rút ngắn được chiều dài của thời gian đe dọa dễ sợ kia? Đến quán nước trên đường Tự Do, nơi sẽ có Tâm, Phùng, Nhật đang ngồi đấu láo bên những ly expresso nguội lạnh, nhạt nhẽo và chìm trong mịt mờ khói thuốc. Hay tấp vào cái quán nhậu ở đường Trần Quý Cáp, nơi sẽ có Ký, Nghĩa, Lộc ngất ngưởng giữa những chai bia và khóm ổi, cốc, xoài?
Nhưng hình như tôi đã suy nghĩ vớ vẩn. Chợ Đũi nằm trên đường đến quán Cái Chùa, mà tôi thì đang lội bộ, việc gì phải tính toán vớ vẩn, phải không? Tôi đã có quyết định.
Chợ Đũi vắng khách nhậu một cách kỳ lạ. Chỉ còn một bàn ở một quán gỗ nhỏ dựa sát cây me ở góc đường là có ánh đèn. Tất cả các bàn khác, ghế đã được xếp chồng lên trên. Ký, Lộc, Nghĩa là ba ông khách sau cùng trên chiếc bàn độc nhất kia. Trước mặt mỗi người là một ly bia. Dưới đất, quanh chân bàn la liệt những vỏ chai.
-A! Tên phá mồi đã đến!
Ký nhận ra tôi và anh la lên khi tôi đến sát bàn. Nghĩa ngó tôi cười cười một cách khó hiểu. Đó là tôi nghĩ vậy. Nghĩa bao giờ cũng cười kiểu đó.
-Mồi hết rồi ông trời! Chỉ còn rượu thôi, ông trời nhậu được thì ngồi xuống đây!
Tôi tháo cà vạt nhét túi quần kéo ghế ngồi cạnh Ký, Lộc không nói gì, hắn đẩy ghế qua một bên, lảo đảo đứng lên, bước lạng quạng qua bên kia đường, thản nhiên vạch quần tiểu tiện dưới gốc me.
-Ê, cho mượn cái ly nữa chị Hai! Ký gọi.
Người chủ quán mang ly ra đặt trước mặt tôi và nói với Ký, giọng năn nỉ.
-Thầy hai, bữa nay đóng cửa sớm, thầy hai thông cảm nghen thầy hai?
Ký gạt ngang:
-Đừng lo chị hai. Để tụi này tính cho. Không sao đâu mà!
Và anh nâng ly lên dừng ngang miệng, không uống:
-Ê, phá mồi! Đi đâu về mà ngon lành vậy?
-Chỗ ông Phan!
-A! Vậy mà tao tưởng mày không đi chớ!
-Thì cũng tính không đi. Nhưng...
-Thôi, dẹp! Nhưng nhị gì? Ông Phan chịu chơi không?
-Ai biết!?
-Vậy ăn nhậu gì mà tới?
Lộc trở về chỗ ngồi. Hắn lôi từ dưới bàn lên một chai bia lớn. Săm soi dưới ánh điện đường Lộc xuýt xoa:
-A! Trái thơm tụi bây! Có lý! Có lý!
Hắn dùng ngón tay cái bật cái nắp chai, rót đầy ly tôi và hắn:
-Ở đó rượu ngon không mậy?
-Ngon mà không ngon!
-Gì kỳ vậy?
-Không có bạn thì rượu gì ngon!
-Có lý! Có lý! Lộc vỗ đùi khen. Nhưng không để tôi nói, hắn hỏi tiếp:
-Vậy tới đó làm chi mậy?