Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Ngày N+… (kỳ 11)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong
Phần 3
Sài Gòn – Subic Bay
Ngày N + 20, 5 giờ sáng
Ghe lớn cập tại Hòn Tre, còn cách bờ, cách Kiên Giang một khoảng nước nữa. Chỗ này nước thấp, đáy biển có những luồng cát bất ngờ, ghe lớn hay mắc cạn, tôi chuyển xuống một ghe nhỏ, nhỏ như chiếc ghe tôi đã cưỡng bách ra biển ở Tuy Hoà. Trời vẫn còn tối, chỉ có tiếng máy nổ của cái máy đuôi tôm, và tiếng đập của quả tim. Rồi một thoáng bâng khuâng tới Nha Trang, Cam Ranh, không biết giờ này vợ con tôi đang làm gì? Những gì đã xảy ra ở nơi có những người thân yêu nhất? Ba ngày nay, tôi như bị bỏ quên, bị gạt hẳn ra khỏi cái thế giới kinh hoàng của cuối mùa trận chiến. Tôi tránh hẳn cả việc nghe tin thời sự của đài BBC, VOA. Tôi như một người khác, ngu ngơ, đần độn, ngớ ngẩn. Tôi oán trời, trách đất, nguyền rủa con người. Tôi cáu giận chính tôi, khinh miệt chính tôi, và cũng chẳng tin một mảy may vào Phật, Chúa. Đã đến lúc bách điểu chia ly, trăm hoa tàn tạ, vũ trụ chìm trong cảnh tĩnh mịch. Những tia sáng đầu tiên lan nhanh trên mặt biển. Cảnh bình minh trên mặt biển bao la, bát ngát. Tôi đã nhiều lần nhìn mặt trời lên, mặt trời lặn ngoài biển, đã từng chờ trăng nhô cao khỏi mặt nước. Mỗi lần mỗi khác, tùy thuộc chỗ mình ngắm là núi, đồi, biển khơi hay rừng rậm, nhưng nó cũng tùy thuộc nơi lòng mình vui buồn. Có một điều chắc chắn những lúc bắt đầu và chấm dứt của một ngày, những lúc khởi đầu của bóng trăng bao giờ cũng đẹp. Cái đẹp của thiên nhiên thay đổi với cảm nghĩ con người, có lúc nó hùng vĩ, có lúc nó lãng mạn, và đôi lúc thê lương, ảm đạm.
Buổi sáng nay, mặt trời đỏ rực rỡ vừa nhô lên khỏi mặt nước, ánh sáng nhờ nhờ biến đi, lập tức màu chu sa choán đầy mặt biển, nước đổi màu trong một sát na, biển trở thành một biển máu. Đẹp như cảnh tượng phim kinh dị, đẹp lạ thường, hôm nay tôi nhìn mặt trời mọc không phải với tâm trạng của thi sĩ, cũng không phải tâm trạng của tráng sĩ, hôm nay tôi ngắm nó với tấm lòng của kẻ bại trận, thê lương, ảm đạm biết chừng nào.

Xuống bến như một kẻ mộng du, tôi đi giữa những phố trệt còn ngái ngủ. Cái nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của bảy năm trước còn đâu? Tôi nhớ những lần tôi tới rong chơi đây một ngày, cũng không hẳn rong chơi, đến để xả những dồn nén sinh lý trong một căn nhà nào đó, trên một thân thể nào đó. Đến bằng những chiếc PCF (khinh tốc đỉnh) đầu tiên của vùng IV duyên hải, những chiếc tàu chạy như ngựa tế một mạch Phú Quốc – Rạch Giá chỉ trong hai giờ đồng hồ, cả bọn xuống phố chợ kiếm vài chai bia, vài cút rượu, tọng vô họng, rồi chui tọt vào một xó nào đó, kiếm một căn nhà nào đó, một cô gái làng chơi nào đó rồi để cho cái thú tính, không phải... để cái phần người nhất làm việc. Tất cả gồm trong bốn, năm giờ đồng hồ, rồi lững thững xuống tàu, tế một mạch về đảo, về với những hàng kẽm gai nghiêng ngả, với những bộ áo nâu của tù, xanh của lính. Về với nỗi phiền muộn đã được gói ghém trong câu thơ sau này nhiều binh sĩ Quân cảnh thỉnh thoảng còn đọc cho nhau nghe với nụ cười hồn hậu. Hồn hậu bởi họ không cảm nhận nổi nỗi buồn của tôi:
Ngàn năm Phú Quốc nhớ hoài / Tù trong là giặc, tù ngoài là ta...
Hôm nay tôi xuống bến Rạch Giá với cõi lòng bùi ngùi của kẻ tử tù, mà cái gông thì chập chờn trước mắt.
*
Ngày N + 20, 3 giờ
Xe đậu ở đầu cầu Bến Lức, chốn này đây tôi đã qua chơi mười bảy năm trước, khi vừa đậu Trung học, được ông anh Cả dắt theo công tác giáo dục cộng đồng. Trong quán ăn, tôi đã được thưởng thức lần đầu canh cải bẹ xanh mà người ta đập vào hai trái trứng, đó là một trong những món canh ngon nhất với khẩu vị tôi. Chẳng những ngon mà còn là một hòa hợp màu sắc tuyệt hảo, giữa màu xanh của cải bẹ, hồng của thịt nạc, trắng của lòng trắng và màu vàng của lòng đỏ. Dường như tôi đã yêu Bến Lức, Long An qua tô canh này. Mười bảy năm đã qua, tôi không được làm việc ngày nào ở đây, nhưng mỗi lần đi qua là một lần nao nao trong dạ.
Hôm nay, nhường chỗ cho sự nôn nao thương nhớ, là những xót xa, trắc ẩn. Xót xa chở đầy trên những ghe, thuyền đậu chi chít trong lòng sông. Cả đến những cái ghe này hôm nay cũng khẽ dập dìu trên nước, cũng neo chặt một chỗ, cũng ngơ ngác vô hồn. Những trẻ em bán mía ghim, những cô gái bán khóm, trái cây, bán chim đều biến mất. Thay vào đó là những chướng ngại vật trên đường, những phuy xăng sơn trắng, sơn đỏ, đổ đầy đất nằm giữa quốc lộ, tạo thành những lối đi zic zac, cùng với những con ngựa gai chằng chịt, những ụ súng đầy bao cát, và những người lính có vẻ lo âu của những con chim bị cháy rừng, bị động ổ.
Suốt từ sáng tới giờ hầu như đối với tôi, sông rạch của vùng IV, ruộng đồng của vùng III, tất cả như đang chờ một điều gì đó sắp bùng ra. Tất cả như co mình cho nhỏ lại, chờ đợi một tai họa sắp sửa chụp xuống. Dường như tất cả mọi người đều biết tai họa đó là gì, điều mà họ bồn chồn lo lắng chính là tai họa đó sẽ lớn cỡ nào.
*
Ngày N + 20, 5 giờ chiều
Con đường của hai mươi năm trước, mười hai năm trước, năm năm trước xuất hiện trước mặt. Hai cây trứng cá cha tôi trồng mười lăm năm trước đang đầy hoa và trái. Lớp trẻ con cũ trong xóm đã lớn, đã đội nón đỏ, nón xanh và đang ngu ngơ đâu đó trong cơn bão lửa. Lớp trẻ hôm nay là những đứa đã chào đời khi tôi vừa nhập ngũ, tuy nhiên người thì có khác hơn câu: “Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi”. Tôi có xa nhà nhưng không phải ly hương, biệt vô âm tín như tâm sự của thi sĩ. Và hôm nay trở về cũng chưa là lão đại về tuổi tác, nhưng tâm hồn tôi “lão đại” hơn cả “lão đại” thi sĩ. Bởi khi ông về thì chiến tranh đã dứt, có cái bâng khuâng, bùi ngùi của cuộc chiến tàn.
Nhưng vẫn có một chút hy vọng qua cái cười của lũ nhỏ hỏi ông ở đâu tới. Cái không khí của thơ Đường trong bài thơ đó kết thúc bằng hy vọng sẽ không còn chết chóc, không còn ly hương, chiến tranh thật sự sẽ không còn ngự trị nữa. Nhà sẽ không còn cháy, người sẽ không còn ngã. Chiến tranh thời xưa khác. Dứt là dứt hẳn, không còn tù đày, không còn chết chóc. Nhưng chiến tranh hiện tại khác hẳn. Dứt là có một bên bại. Kẻ thắng cười ngạo nghễ, định đoạt số phần của kẻ bại. Phe thắng trận sẽ nhân danh hàng trăm thứ để cưỡng đoạt tài sản, bắt bớ, tù đày, hành hạ, loại trừ phe thua. Chỉ một vài câu hỏi của những đứa trẻ đã làm Hạ Tri Chương xúc động, xuất thần trong một phút, và hậu thế chúng ta có được một bài thơ tứ tuyệt “Hồi hương ngẫu thư” tuyệt vời.
Lũ trẻ trong xóm hôm nay, không có đứa nào hỏi tôi từ đâu tới, chúng vẫn chơi đùa hồn nhiên. Nhưng cái xóm cũ, nơi mà tôi đã dàn trải suốt cuộc đời niên thiếu, nơi tôi đã nghịch ngợm, leo trèo, chạy nhảy, đá bóng, nơi mà tôi nhớ từng viên gạch, từng cái cống, từng căn nhà, từng đống rác đó đang run lên. Cả cái cư xá đó như muốn thay mặt cho đám trẻ con hỏi han tôi, an ủi tôi nên vì đó mà hai cây trứng cá cha tôi trồng ngày cũ, đã nương một cơn gió nhẹ, thả những cánh hoa nhỏ màu trắng, thả những chiếc lá khô, trước khi nghiêng cả cái thân hình xum xuê hoa lá đó đón chào chủ cũ mệt mỏi trở về.
Không có gì thay đổi dưới mái nhà tôi càng ngày càng quạnh quẽ. Cha tôi vẫn nằm trong cái võng kết bằng dây dù tôi mang từ đảo Phú Quốc về. Giờ này là giờ ngủ buổi chiều trước khi ông dậy đi làm tối, cái kính lão xệ xuống sống mũi, tờ báo úp trên ngực, dưới sàn nhà một quyển Tiếu ngạo giang hồ nằm tênh hênh trên nền gạch bông. Có một linh cảm nào đó giữa cha và con, nên ngay khi tôi sắp bước chân qua ngưỡng cửa, ông đã choàng dậy. Ông bỏ hẳn kính xuống, nhìn tôi một cái nhìn sâu thẳm, trước khi hỏi dịu dàng từ tốn:
– Anh mới về hả? Chị với các cháu đâu?
– Nhà con và các cháu kẹt ở Cam Ranh rồi.
– Anh tắm rửa, thay quần áo rồi ra đây cho cậu hỏi. Tội nghiệp các cháu tôi, chúng còn bé bỏng quá.
Mẹ tôi từ hàng xóm về, mới thấy bóng tôi trong nhà đã khóc nức nở. Cha tôi gắt một cách bực tức:
– Bà làm cái gì vậy? Con nó đã chết đâu? Chỉ sợ ít hôm nữa rồi không còn nước mắt mà khóc thôi.
Đây là một trong thật ít lần hiếm có cha tôi nói những điều từ ái với tôi. Thuở nhỏ tôi nghịch ngợm lêu lổng, bỏ học ngang chừng. Tôi đã làm bao nhiêu hy vọng của cha tôi tiêu tan, nên ông nghiêm khắc với tôi hơn với các anh tôi. Tôi biết cha tôi gắt mẹ tôi vì chính ông, ông cũng linh cảm sẽ còn rất ít thì giờ để nói với tôi những lời từ ái.
*
Ngày N + 20, 7 giờ 30 tối
Tất cả các anh chị tôi đều có mặt, cả vợ chồng cô em gái tôi, người em rể vốn là bạn cùng lớp với tôi từ mười lăm năm trước. Đã ba năm nay, ngay cả ngày giỗ tết, gia đình tôi cũng không thể nào họp mặt đầy đủ, những người vắng mặt hôm nay là vợ con tôi. Chiều nay, tình cờ cháu con anh Hai tôi ghé thăm ông nội, thấy tôi về, nó tự động đi loan báo cho tất cả các anh chị tôi. Các anh mừng tôi với vẻ mặt rầu rĩ, các chị có người đã muốn khóc khi không thấy các con tôi. Phải mất hơn ba tiếng đồng hồ để kể tóm tắt những cuộc hành trình của tôi Pleiku Tuy Hoà, Quy Nhơn, Phú Quốc. Tôi nghe giọng tôi cũng giống hệt giọng của gã xướng ngôn viên đài BBC, đài Đông Kinh. Nó giống như giọng người ta kể chuyện về đia ngục. Điều mà tôi buồn bã nhất, bực dọc nhất với chính tôi, là cả gia đình không ai trách tôi một câu về việc vợ con kẹt lại Cam Ranh. Mẹ tôi, các anh chị tôi khen tôi tháo vát, nhanh nhẹn, quyết định sáng suốt. Những câu khen ngợi này cay đắng biết chừng nào. Sau cùng cha tôi nói với các anh em tôi với một giọng nghiêm nghị:
– Cậu già rồi, trên lục tuần gần bảy mươi so với các cụ, các bác trong họ kể là đã thọ. Gia đình mình cũng không còn lạ gì với cách hành xử của Cộng sản. Bọn chúng vào đây, sống được thì cậu sống thêm vài năm nữa, nếu không thì chỉ một cái tặc lưỡi là xong. Anh Cả ở trong ngành sư phạm chắc cũng không đến nỗi gì. Anh Ba là hạ sĩ quan quân y có tù đày cũng không lâu, chỗ đâu mà nhốt cả triệu người. Anh Hai, anh Tư và anh Năm ráng mà tìm cách ra ngoại quốc. Riêng anh Năm thì giữ lấy một khẩu súng lục phòng thân, chúng vô đây, đi không được thì nên tự xử lấy. Cái tính của anh không thể ở tù Cộng sản được một tháng đâu. Đằng nào chị ấy với các cháu cũng kẹt ở Cam Ranh rồi, có một thân thì dễ xoay trở. Cậu mong các anh chị thoát thân được cả, nhưng tình hình này so với năm 54 khó gấp mười, gấp trăm. Ngày đó cậu cho anh Cả về quê thử sống với chúng vài tháng, thế mà ngay trong 300 ngày đình chiến đó, chúng chưa thò cái móng vuốt ra mà mình còn chịu không nổi, còn bỏ sản nghiệp, mồ mả tổ tiên vô Nam này. Bây giờ đâu có ngày nào đình chiến. Thua là kể như xong.
Ngày N + 21, 8 giờ 30 sáng
Buổi sáng tôi đi trình diện Bộ chỉ huy. Tôi phải làm một phúc trình tổng quát cho đơn vị sau khi di chuyển. Sau đó phải tới Tiểu đoàn 5 Quân cảnh, ngay trước cửa phở Tàu Bay, đó là nơi tập trung tất cả các quân nhân Quân cảnh thuộc quân khu I và II về được tới Sài Gòn, chúng tôi sẽ được phân phối tới các đơn vị khác. Cả Tiểu đoàn 2 Quân cảnh tập họp được hơn năm mươi người, con số về được Sài Gòn có thể nhiều hơn, nhưng có lẽ nhiều người không trình diện. Tiểu đoàn 1 Quân cảnh còn thê lương hơn nữa, hiện diện vỏn vẹn ông Trung tá Tiểu đoàn trưởng, và lèo tèo một dúm người không đầy một trung đội. Trại giam Đà Nẵng được bốn, năm người. Trại giam Pleiku một mình Đại úy Nguyễn Cao Thịnh và bảy, tám binh sĩ. Và sau cùng đơn vị của tôi, trại giam Quy Nhơn hiện diện được đúng một tiểu đội không hơn kém.
Thân nhân các binh sĩ ùa tới các đơn vị trưởng hỏi thăm tin tức người nhà. Tôi muốn biến đi, chạy trốn trước hàng trăm câu hỏi. Tôi đáo nhậm đơn vị có ba ngày, ngay cả các sĩ quan còn chưa nhớ hết tên, chưa quen hết mặt, làm sao có thể trả lời những câu hỏi kèm theo những tiếng nấc não lòng. Một bà cụ trông phúc hậu, hiền lành đi cùng một cô gái đến hỏi thăm tin tức của Phúc. Tôi làm sao dám trả lời sự thật. Bà cụ dường như có được một người nào cho biết những ngày cuối cùng Phúc lái xe cho tôi, nên cứ đeo riết lấy tôi hỏi tới tấp. Sau cùng tôi phải nói dối là tôi thấy Phúc bơi qua sông chạy trước tôi, rồi từ đó tôi không gặp. Tôi muốn độn thổ bởi cái nhìn của cô gái không biết liên hệ thế nào với Phúc, cái nhìn dò xét, đo lường câu trả lời của tôi.
–Đại úy cứ nói thật đi, phải anh Phúc chết đuối rồi không?
– Ai cho cô biết vậy?
– Thì mấy người ở Quy Nhơn vào đó.
– Thế thì cô cứ tin mấy người đó đi. Hỏi tôi làm chi?
– Đại úy là người lớn nhất. Tôi muốn Đại úy trả lời cho rõ.
– Tôi trả lời rồi. Tôi thấy Phúc bơi qua sông, rồi từ đó tôi với Phúc thất lạc.
– Mình về đi má, mấy người càng lớn càng lo cái mạng, ổng nói vậy thì biết vậy.
– Tội nghiệp nó hiền lành phúc hậu, ông trời sao mà ác quá, bắt nó chết không còn thây. Trời ơi là trời, nhà tôi hồi nào tới giờ tu nhân tích đức. Sao mà chung cuộc thảm quá vậy?
– Đại úy cho má tôi biết ngày nào anh Phúc rời Tuy Hoà.
– Tụi tôi rời Tuy Hoà ngày 2-4 hồi 11 giờ 30 sáng.
– Thôi mình về đi má, nếu ảnh không về thì mình cũng có ngày cúng kiếng ảnh rồi.
Tôi nhìn theo bóng hai người, bà cụ mặc áo dài màu đen, áo cô gái màu trắng. Hai cái màu tang tóc đó nổi bật giữa sân cờ của Tiểu đoàn 5 Quân cảnh.
*
Ngày N + 21, 4 giờ 30 chiều
Ra khỏi doanh trại Tiểu đoàn 5 Quân cảnh, tôi như trở thành một người khác, hết còn bận bịu với công vụ, phần của tôi đã xong, đơn vị tôi cũng như hàng vài chục đơn vị khác nhỏ hơn đã đóng quyển “Nhật ký đơn vị” lại. Tất cả quân nhân binh chủng tôi ở vùng I và vùng II bây giờ nhập lại thành một tiểu đoàn duy nhất, quân số cũng không đủ một tiểu đoàn, chờ trang bị lại. Phần tôi có một chức vụ “buồn cười” là sĩ quan đại diện Bộ chỉ huy Quân cảnh tại Quân vụ Thị trấn Sài Gòn. Dĩ nhiên là chẳng có việc gì để làm, vì ở Biệt khu thủ đô, có tới nguyên một tiểu đoàn Quân cảnh hoạt động. Càng tốt, đỡ phải vào Bộ chỉ huy hàng ngày là đủ vui rồi.
Cưỡi một chiếc Honda đi mượn, tôi chạy khắp Sài Gòn, và nghiệm thấy một điều cho tới bây giờ, ngày 8 tháng 4 năm 75, dường như Sài Gòn vẫn chưa có gì thay đổi, dân chúng có vẻ lo lắng nhưng không thái quá. Những chỗ ăn chơi vẫn đông như hội, kẻ có tiền vẫn vung qua cửa sổ mua lấy một nụ cười. Dường như họ cố tin rằng có một giải pháp trái độn, Mặt trận Giải phóng miền Nam sẽ có một khoảnh đất từ vĩ tuyến 14 trở ra, và tại vùng trái độn này sẽ theo đường lối trung lập. Có những người tỏ ra am tường hơn, và lập luận rằng Mỹ không thể nào bỏ được Việt Nam, nếu có bỏ cũng còn vài năm nữa, bằng một phương thức ôn hòa, nghĩa là sau cùng cả miền Nam sẽ trung lập trước khi bị xích hóa hoàn toàn. Có hàng trăm kiểu tin đồn, những tin đồn này làm điên đầu những kẻ muốn suy nghĩ, vì tin đồn nào cũng có một vài bằng cớ, một vài dấu hiệu đủ để bảo đảm cho những ai đa nghi nhất. Tôi được nghe hàng chục giải pháp, nào là Bảo Đại sẽ về nước, nào là đảo chánh để đưa thành phần thứ ba ra cầm quyền, rồi thì hàng chục nhân vật lăm le thành lập chính phủ.
Các tay tổ hoạt động chính trị sa lông xoay như chong chóng, các chính khách tên tuổi ngược xuôi như đèn kéo quân. Về phía quân đội, một số tỉnh trưởng nổi danh tham nhũng, bất tài bị thuyên chuyển, các sĩ quan tương đối có khả năng chỉ huy được bổ nhiệm thay thế. Không phải vì tình thế đã làm sáng mắt các ông tướng của miền Nam, nhưng thật ra những kẻ có tiền đã chạy được khỏi chỗ chết, tránh xa được những vùng lửa cháy, đạn bay. Đến bây giờ tôi mới thấy thấm thía cái hoạt cảnh của thời Chiến quốc: Quan liêm nên làm mà không nên làm, quan tham không nên làm mà nên làm của Ưu Mạnh, khi diễn tả cảnh con cái của ông quan liêm Tôn Thúc Ngao.
Báo chí loan tin một Đại tá pháo binh trên đường rút lui về phía nam, thấy Nha Trang bỏ ngỏ hai ngày, mà chưa thấy một đơn vị Cộng Sản nào xuất hiện ngoài ngưỡng cửa thị xã. Quốc lộ 1 bị kẹt, ông Đại tá pháo binh này kéo quân vào Nha Trang, vãn hồi trật tự trong thành phố và tổ chức phòng thủ. Bây giờ tuyến đầu là Phan Rang, đây chính là nơi ông Thiệu ra đời, đây chính là nơi mà mọi tin đồn quy tụ vào chỗ giải pháp trái độn từ Phan Rang trở ra, lại cộng thêm với việc Nha Trang bỏ ngỏ hai ngày mà không có Cộng sản xuất hiện, cùng với việc ông Thiệu chỉ định Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III (quân đoàn I, II đã giải tán, những phần đất còn lại của quân đoàn II sát nhập vào quân đoàn III) Cùng đi với tướng Nghi còn tướng Nguyễn Văn Sang thuộc Không quân, Bộ Tư lệnh Tiền phương được đặt ở Phan Rang, quê hương bản quán của ông Thiệu. Những sự kiện này làm cho luận cứ của giải pháp trái độn chắc chắn hơn, nhiều người thở ra nhẹ nhõm.
Ngày N + 22, 10 giờ sáng
Hôm nay mồng 9-4-75, báo chí đăng tin tình hình chiến sự đột nhiên sôi động ở vùng IV. Suốt một tháng nay, cơn bão lửa thổi theo chiều Bắc Nam, nó ngừng lại ở Phan Rang, dễ chừng cũng đã bốn ngày. Dường như gió đã xoay chiều, nên vì đó chiến sự ở đồng bằng sông Cửu có những biến chuyển mới.
Ở vùng đất này, Cộng sản không tấn công đại đơn vị, cũng chưa chiếm hẳn một vùng đất nào, nhưng chúng xuất hiện quấy rối ở khắp nơi, những địa điểm giao tranh, chạm địch cỡ đại đội, tiểu đoàn trải rộng ra trên khắp vùng lục tỉnh. Trên trang nhất của các nhật báo, những thay đổi về chính trị của miền Nam chiếm nhiều cột lớn: ông Đại tướng Thủ tướng của miền Nam Trần Thiện Khiêm và nội các của ông giải tán, dân biểu Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Quốc hội thành lập nội các mới. Nếu sự thay đổi nhân sự này xảy ra vài năm trước, đó là dấu hiệu tiến bộ của dân chủ. Thế nhưng nó xảy ra giờ này, lúc nguy kịch nhất của miền Nam, lúc giao tranh thập tử nhất sinh, những nhân vật lãnh đạo cần sự am tường, hiểu biết về quân sự hơn lúc nào hết.
Tôi nhớ tới một bài phiếm luận của Sức Mấy viết vài năm trước, khi dân biểu Nguyễn Bá Cẩn thay thế dân biểu Nguyễn Bá Lương làm Chủ tịch Quốc hội. Nguyên văn đoạn chót ông Sức Mấy viết tắt trong cái phim của ông: “B.C. mà thay B.L. thì cũng thế”. Chỉ vài chữ ngắn ngủi đó, ông Sức Mấy đã cho người đọc thấy cái nhân cách, cái khả năng của hai ông cựu và tân Chủ tịch Quốc hội, nói chi tới các dân biểu. Tôi nhớ tới những danh từ “dân biểu gia nô”, “báo gia nô”. Phải chăng những thứ “gia nô” này góp phần không nhỏ vào hoàn cảnh đất nước hiện tại. Các dân biểu trong quốc hội ngoài thành tích “buôn lịch cởi truồng”, ngoài thành tích “không có đàn bà ai đẻ ra đàn ông”, ngoài thành tích “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”, và ngay cả những ông được gọi là dân biểu đối lập, đã có biết bao người “đối lập nằm vùng”, “đối lập cuội”. Họ đã giúp ông Thiệu trong mùa “ứng cử độc diễn” năm 71. Cách đây vài tháng, họ giúp ông Thiệu thông qua một tu chính hiến pháp cho ông Thiệu được ứng cử kỳ ba và nhiệm kỳ là năm năm. Bây giờ, với “nhân cách” đó, với 'khả năng” đó, ông Nguyễn Bá Cẩn nhảy vào tham chính, giữ vai trò nhân vật thực sự số hai của miền Nam.
Ông vốn xuất thân là một công chức cao cấp, do sự gật đầu không thắc mắc với tất cả những gì các ông tướng, các ông tỉnh muốn, ông nhảy vào quốc hội. Ở nhà hát lớn trong vài năm, gật lấy gật để, gật không thương tiếc, ông nhảy vào vị trí “gia nô” hàng đầu. Bây giờ ông nhảy ra đóng chơi vở kịch liều mình cứu chúa, để ông Đại tướng Thủ tướng yên tâm rũ áo từ quan, về nhà phụ vợ sửa soạn vali. Hạm đội Mỹ hiện đang lởn vởn ngoài khơi, ở trong nước, chợ đã về chiều, còn gì mà không thu thập của cải đi lập nghiệp phương xa cho chắc dạ.
Bà Khiêm nổi tiếng là người buôn tần, bán tảo. Những món hàng bà bán đều không sờ được, chỉ gọi được có cái tên thôi, bà buôn bán lăng nhăng, dăm cái chức vụ tỉnh trưởng, quận trưởng, trưởng ty cảnh sát. Hàng của bà đâu có nhiều nhặn gì, bà đâu có đủ mặt hàng. Đã thế bà lại hay thăm viếng các quân nhân bị thương trong các quân y viện, những lúc thăm viếng như thế, bà sợ nếu ăn mặc luộm thuộm thì uy tín của chồng bị sứt mẻ, nên bà có các chuyên viên làm tóc cẩn thận, phục sức kỹ lưỡng như các tài tử điện ảnh quốc tế, đeo nữ trang như các bà hoàng thuở xưa vì chồng bà làm... thủ tướng kia mà. Đâu có giản dị được. Có dạo bà phải bán đồng nát, đến độ bà mua được hết những cái vỏ đạn đại bác bằng đồng của cả quân đội, mua hết những dư liệu chiến tranh.
Cái hồi bà buôn bán ở Long An, mấy thằng đàn em ông thủ tướng lăng xăng quá, dùng cả còi hụ của xe Quân cảnh mở đường, làm cho đàn em ông số một cáu quá, bắt lãng xẹt. Rồi để củng cố lại cái tinh thần thượng tôn luật pháp, một anh đại úy Quân cảnh và mấy thượng sĩ, trung sĩ cắc ké bị ra tòa, đi Côn Đảo bóc mươi quyển lịch suy nghĩ chuyện đời. Bây giờ hàng họ của bà đã hết, đồng nát không còn, tình hình này miền Nam chắc chắn mất, đâu còn đánh nhau, đâu còn dư liệu chiến tranh để bà xuất cảng sang Nhật. Ông Thủ tướng từ quan là phải, ông đâu có tham quyền cố vị, ông muốn về nhà ở đâu đó bên Mỹ, bên Pháp gì đó, ở Thụy Sĩ Thụy Siếc gì đó. Nước sắp hòa bình rồi, để cho ông Nguyễn Bá Cẩn lập nội các dân sự là phải rồi. Ông Thủ tướng Khiêm vốn là người thầm lặng, ông ở quân đội leo lên tới chức Đại tướng chẳng có tai tiếng gì, ông cũng không thích tuyên bố, cứ ngậm miệng làm việc, bây giờ đã đến lúc từ quan vui thú điền viên. Ông thật là người hiền, khi đất nước cần ông nhảy ra gánh vác, khi đất nước yên, ông cáo lão trở về thơ thới, hân hoan. Miền Nam bất hạnh quá, có ít người tri túc như ông.
Bỏ tờ báo xuống, tôi đứng dậy ra ngoài. Giữa trưa hè của miền Nam, tôi tưởng chừng đang lần mò trong đêm tối.
*
Ngày N + 22, 5 giờ chiều
Ghé thăm vợ chồng chú em bên Cư xá Ngân hàng thuộc xã Tân Quy Đông, Khánh Hội. Đan, tên chú em tôi vốn là con ông chú áp út, chú tôi vào Nam từ những năm đầu 40, khi cha tôi di cư vào Nam chú thím tôi mất sớm. Cha tôi mang cả anh em Đan, Hòa về. Đằng nào thì nhà cũng đã nghèo từ lúc di cư vào Nam, thành thử tuy là em, nhưng lớn hơn tôi vài tuổi, lại ở trong nhà từ ngày còn niên thiếu nên tôi quen gọi bằng anh, hệt như các anh ruột tôi trong nhà.
Đan kể cho tôi nghe về huyền thoại của một nữ bộ đội cấp Tiểu đoàn trưởng của Việt cộng miền Nam, chỉ còn có một vú vì hồi đánh Tây bị Pháp bắt, tra tấn đến nỗi mất một bên ngực. Dân chúng đồn đãi người đàn bà này đã chỉ huy một cánh quân chiếm đánh Lâm Đồng. Cái mụ già một vú này đang đuổi đánh miền Nam cật lực. Tôi không lạ với những tin tức loại này, tôi càng không lạ với những huyền thoại mà cả hệ thống tuyên truyền Cộng sản đã thổi vào thôn quê, thành thị. Họ rỉ tai cho những người dân chất phác hiền lành, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, có những tin đồn hệt như truyện thần thoại. Những Kim Đồng, Sáu Đậu trong chiến tranh Pháp Việt, những Nguyễn Văn Trỗi của chiến tranh hiện tại, đều láo toét hết. Có thể có Kim Đồng, Sáu Đậu, Nguyễn Văn Trỗi, nhưng chuyện thực không xảy ra như thế, tất cả đã được bóp méo, đôi khi dựng đứng hẳn thành một nhân vật đầy hào quang, đầy chính khí. Nghĩ xa hơn một chút, cái giặc Cộng sản đã nguy rồi, nhưng cái giặc dốt nát cũng nguy hiểm không kém. Cứ ôn cố tri tân thì thấy, nếu dân trí thời Hồ Quý Ly sáng suốt hơn, chắc giai đoạn lịch sử đó phải viết lại. Nếu đám sĩ phu Bắc Hà dưới thời Quang Trung mà hết lòng với Tây Sơn, chưa chắc gì Gia Long đã quang phục nổi. Không nói đâu xa, bài học Tết Mậu Thân năm 68, rồi mùa hè năm 72, Việt cộng pháo không thương tiếc vào dân chạy loạn ở Đại lộ kinh hoàng, những bài học đó đâu có xa xôi lâu lắc cho cam, nó nóng hôi hổi, có nhà còn chưa hết đại tang, thế mà những huyền thoại kiểu bà già một vú này vẫn được loan truyền, thì đủ hiểu giặc dốt đôi khi tệ hại hơn cả Cộng sản.
Tôi không có hứng thú về những mẩu chuyện khởi đi không có thật, lại được loan truyền nhanh chóng bởi sự ngu muội nên sang nhà cô em út tôi cũng ở trong cư xá này. Nó chưa về, tôi không muốn về nhà. Tôi ghé một quán nhậu ở Cầu Hàng, một cái quán nằm cạnh bờ sông. Kiếm một cái bàn sát ngay mé nước, gọi một chai bia cao, một đĩa đồ nhậu, tôi độc ẩm trong ánh nắng mỗi lúc mỗi tàn. Còn gì mà không độc ẩm, dăm thằng bạn thân, đang ngập mặt với thần chết, đang đánh chí tử ở tuyến đầu Phan Rang, Long Khánh, Bình Tuy, đang bị bỏ rơi dần dần trong những vùng đất chết.
Đại úy Đàm Quang Thức(1) Nhảy dù, em cô cậu với tôi bỏ xác ở Khánh Dương (Cả chục năm sau này, khi đã sang Mỹ tôi nhận được tin ở nhà cho biết Thức còn sống, phải đi tù), Đại đội Trinh sát của Thức đoạn hậu cho Lữ đoàn, dường như không một ai dưới sự chỉ huy của Thức về được Sài Gòn. Cô tôi khóc sưng cả mắt. Cháu ruột tôi, y sĩ Đại úy Nguyễn Đức Mạnh, cũng Nhảy dù, kẹt lại đâu đó ở Phan Rang. Y sĩ Trung úy Nguyễn Hồng Đức Biệt động quân, y sĩ Trung úy Vũ Dương Hoa Biệt động quân, y sĩ Trung úy Nguyễn Mạnh Tiến Biệt động quân, cả ba bác sĩ này áng chừng mang nặng lời thề Hypocrate vừa tròn một năm, nên cũng như y sĩ Trung úy Huấn trong đơn vị tôi, và đã không một ai có mặt cạnh tôi giờ này. Nguyễn Hồng Đức, tên em nhỏ ngày nào trong cư xá, hăm hở từ biệt vợ có chửa, bụng vượt mặt lên đường ra Phan Rang. Tôi làm sao có thể bảo Đức nên ở nhà.
Một người em khác, Cao Xuân Huy, Trung úy Thủy quân Lục chiến, chưa hết thương tích đã chống gậy ra Quảng Trị cách đây hơn một tháng. Lữ đoàn của Huy tan tác ở vùng hỏa tuyến. Những bạn văn của tôi, ở rải rác đủ bốn vùng chiến thuật và những binh sĩ cũ của tôi ở các quân khu, những người bạn thiếu thời, những cô bạn gái cũ: Thu, Thanh, Sơn ở Sài Gòn đều đã yên bề gia thất trước tôi, Thanh Tài và Hường ở Ban Mê Thuột, rồi những hình bóng cũ ở khắp nơi tôi đã đi qua, cùng những người tôi yêu mến. Tôi cầu nguyện cho họ và những người thân yêu của họ qua được cơn địa chấn này. Tia nắng cuối cùng lấp lánh trên con nước, sông Sài Gòn đục ngầu và đầy phù sa, con nước buổi chiều được nắng nạm lên một màu vàng bệnh hoạn. Dòng nước lấp lánh như hàng triệu những tấm gương nhỏ, phản chiếu lên trời những ký hiệu SOS, những ký hiệu mà các tàu biển chỉ gửi đi vào giây phút cuối trước khi chìm dần.
Tôi gọi nhà hàng một cút rượu đế, tôi rót rượu xuống lòng sông, gởi những men cay đắng này cho những người vừa nằm xuống ở khắp nơi trên dải đất khốn cùng này. Dẫu cho ngã xuống ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku, Ban Mê Thuột, Khánh Dương. Dẫu có chìm trong lòng biển ở Tiên Sa, Tuy Hoà, Bình Tuy, Phan Thiết. Dẫu nằm xuống trên bộ hay lịm dần trên tàu, ghe, xà lan, phải chăng tất cả đều nằm xuống cho miền đất này được kéo dài hơi thở. Họ nằm xuống những mong cơn địa chấn ngừng lại. Nhưng tôi biết chắc sẽ vô ích, cũng vô ích như cút rượu tôi đã rót xuống dòng nước này, sẽ mất tăm.
Bên kia sông lác đác đã lên đèn, bóng tối phủ dần những con tàu chiến nằm im lìm trong bến. Những con tàu hàng đen đủi yếu ớt phun một lớp khói lướt đi trên mặt sông, khói tàu bị gió thổi ngã rạp trên boong. Vài chiếc đò ngang đang đi những chuyến chót. Trời tối hơn nữa, làm nhà hàng Majestic nổi bật lên. Chính cái bến đó, hai mươi năm trước, tôi một học sinh năm đầu trung học, từ thành phố nhỏ Hải Dương ngoài Bắc đặt chân xuống bến tàu, đặt chân xuống miền Nam, vào một buổi trưa giữa tháng 2-1955, đã ăn bữa cơm đầu ở miền Nam, ăn một món ăn xa lạ với người Bắc là thịt kho với trứng. Đã hai mươi năm qua, tôi đã hàng ngàn lần ăn lại món ăn này. Cậu bé ngơ ngác ngày xưa, kinh ngạc khi thấy người ta xé đôi tờ giấy một đồng thành hai cái năm cắc đã phì cười khi thấy người ta gọi xe ngựa là xe thổ mộ, gọi bao diêm là cái hộp quẹt, gọi cái tẩy là cục gôm, gọi cái thìa là cái muỗng, v.v. Ôi chao, bao nhiêu là thích thú, ngạc nhiên, buồn cười. Hai mươi năm qua đi, cái hộp quẹt dần dần trở thành diêm quẹt, thìa, muỗng, chén, bát, tô gọi làm sao cũng không còn buồn cười nữa. Chơi bi cũng thế, bắn đạn cũng vậy, cậu bé ngày xưa không bao giờ nghĩ đến việc kẻ Bắc, người Nam.
Tất nhiên sự phân biệt này vẫn có trong đầu óc của các người lớn tuổi. Dường như tôi đã thoải mái hơn khi làm quen với phụ nữ miền Nam. Các phụ nữ Bắc, phụ nữ Trung có những nét đáng yêu riêng của họ, song tôi yêu vô vàn cái hồn hậu, tự nhiên của phụ nữ miền Nam. Họ ít có mặc cảm giàu, nghèo, thành kiến Nam Bắc, cho dù họ là cô Lài, cô Lý, cô Năm, cô Ba ở các vườn tược trù phú của miền Nam, trên các ghe thuyền chi chít của miền Lục tỉnh, hay họ là Jacqueline Phấn, Cécile Trang, Marie Hoài của Sài Gòn, Cần Thơ, Sa Đéc, họ vẫn có chung một đặc tính là cởi mở, ân cần với người phương xa. Xin đừng một ai hiểu lầm sự ân cần, cởi mở này là dấu hiệu của buông thả, dễ dãi.
Chính nơi đây, băng qua con nước này, dưới chân nhà hàng Majestic, tôi bước những bước đầu tiên trên miền Nam, tôi đã dàn trải cả quãng đời thiếu niên, cái thời học sinh trung học ở thành phố Hòn ngọc Viễn Đông này. Tôi đã lớn lên, đã chống đỡ cho sự thay đổi của bộ mặt thủ đô, cả cái xấu lẫn cái tốt trong mười hai năm đằng đẵng. Tất cả rồi sẽ qua đi, tất cả rồi sẽ ngừng lại, tất cả rồi sẽ đổ vỡ.
Hỡi những ai vừa nằm xuống, xin nhận những giọt rượu tôi rót xuống bến sông này cùng với trái tim tôi, mà nhịp đập không còn theo cung bậc cũ.
Ngang qua một ngõ nhỏ, một em bé mặt mũi lem luốc mời gọi khách qua đường. Tôi còn biết làm gì hơn là tặc lưỡi lần theo ngõ tối.
*
Ngày N + 25, 1 giờ trưa
Mặt trận Xuân Lộc, Long Khánh đã khai diễn được bốn ngày, trên ba trận tuyến bao vây ba mặt tỉnh lỵ Long Khánh. Cộng quân nhảy vọt qua tuyến đầu Phan Rang, nơi tướng Nghi, tướng Sang lập phòng tuyến mới của miền Nam. Những người tin vào giải pháp trái độn cuống cuồng lo sợ, những người có địa vị một chút, những người có máu mặt một chút, những người giàu sổi nhờ chiến tranh, những người sống bám vào những dịch vụ liên hệ tới quân đội đồng minh giống như những loài ký sinh trùng trong cơ thể con người, cũng như cả Sài Gòn chìm trong những ý nghĩ bỏ chạy, chủ bại. Tiền sụt giá kinh hoàng, vàng và đô la Mỹ leo thang như hỏa tiễn.
*
Ngày N + 26, 9 giờ sáng
Tướng Kỳ viếng thăm Tư lệnh quân đoàn III của tướng Toàn, ông Kỳ tuyên bố nhiều câu nảy lửa với các phóng viên báo chí tháp tùng chuyến thăm viếng này. Ông tuyên bố sẽ biến Sài Gòn thành một Stalingrad, và sẽ dùng vùng IV như một cứ điểm chống cự cuối cùng của miền Nam, và sẽ chiến đấu đến người chót. Đây là ông tướng đa diện nhất của miền Nam, xung quanh ông có đủ các loại người. Từ những chuyên gia chính trị, đến những ông thầy bói, thầy tướng, có cả những thủ lãnh sinh viên xuống đường.
Xuất thân là một phi công vận tải, những tình cờ của lịch sử đẩy ông Kỳ vào những vị trí then chốt của miền Nam. Năm 1963, khi ông Diệm bị lật đổ, ông còn là Trung tá, năm 1966 ông thăng Thiếu tướng, đùng một cái ông là Thủ tướng. Nội các của ông được mệnh danh là nội các của dân nghèo. Ông lập pháp trường cát, bắn chơi một anh lái gạo. Ông sang thăm Đài Loan, nằng nặc đòi bay biểu diễn phi cơ phản lực, làm nước bạn sợ toát mồ hôi, ông sang thăm Thái Lan, được các sinh viên của nước bạn làm hàng rào danh dự thảy confetti hoan hô, ông liệng confetti trở lại các nữ sinh viên. Ông nhường ông Thiệu ứng cử Tổng thống, ông làm phó. Rồi ông phát phẫn khi bị ngồi chơi xơi nước.
Năm 1971, ông Kỳ định ứng cử tổng thống, hôm đi nạp đơn ứng cử tại quốc hội, ông kéo một phái đoàn nghênh ngang xuống đường y như đi tiến chiếm quốc hội. Dịp này ông đi một vòng bốn vùng chiến thuật vận động ứng cử. Tại Pleiku, trong một buổi nói chuyện với tất cả các đơn vị trưởng, ông nói với những người hiện diện: “Tôi đã trình bày với ông Thiệu là nước mình đang ở trong tình trạng chiến tranh, cần phải tiết kiệm, Tổng thống Thiệu và tôi sẽ làm gương trước cho mọi người, ăn một ngày hai bữa cơm rau.” Chỉ mười phút sau, một Đại tá thuộc Sư đoàn 6 Không quân mời ông vào phi trường Cù Hanh dự tiệc. Ở đó người ta mở sâm banh, mạc ten hàng chục két, người ta vật dê, mổ bò, bữa ăn trân quý đầy sơn hào hải vị. Ông Kỳ nổi tiếng về lời tuyên bố. “Trên ba mươi lăm tuổi là vất đi”, không biết năm nay ông Kỳ bao nhiêu tuổi? Và tôi ngờ cho cái sự hiểu biết của bất cứ ai gần gũi ông Kỳ, nhất là những người định làm chuyện lớn với ông Kỳ, định đảo chánh, định cách mạng, định tử chiến.
(Xem tiếp kỳ sau)
(1) Đại uý Đàm Quang Thức không chết, chỉ bị bắt làm tù binh, hiện thời định cư ở Mỹ.