Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 192): Quyên Di – Chị Na

clip_image002

Tên thật: Bùi Văn Chúc. Sinh năm 1947, tại Bạch Mai, Hà Nội. Nguyên quán Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam. Vào Nam năm 1954. Vượt biển tháng 12 năm 1977. Hiện định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 4-1978.
Chủ bút nguyệt san Tuổi Hoa (Sài Gòn). Chủ bút bán nguyệt san Ngàn Thông (40 số). Chủ trương tạp chí Phương Đông (cùng Đông Duy).
Chủ nhiệm nguyệt san Tuổi Hoa hải ngoại và nguyệt san Thần Học-Tu Đức Thời Điểm Công Giáo.
Hiện tại, ông đang dạy tiếng Việt tại Khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Á Châu tại Đại học UCLA và tại trường CalState Long Beach.

Các tác phẩm đã xuất bản:
- Tuổi Trăng Tròn 1
- Tuổi Trăng Tròn 2
- Vết Chân Chim
- Tuổi Ướm Mơ
- Cánh Phượng Rơi
- Thu
- Chuông Đêm
- Thoáng Mây Bay
- Hành Trang Lên Đường
- Tương Lai Giới Trẻ Việt Nam Hải Ngoại
- Hoa Hồng Nhà Kín
- Nhìn Xuống Cuộc Đời

CHỊ NA

Cuối hạ, đầu thu…

Tiếng con cuốc kêu đã thưa dần. Bầu trời cao bây giờ xôn xao những tiếng cò tiếng vạc tiếng ngỗng trời. Chúng rời chỗ ở bay đi đâu không biết. Tôi hỏi mẹ: “Mợ ơi, cò, vạc, ngỗng giời bay đi, rồi chúng nó có bay về không?” Mẹ đáp: “Có, bao giờ giời ấm thì thì chúng nó về.” Tôi lại hỏi: “Sao nó không im lặng mà bay cho đỡ mệt, lại còn vừa bay vừa kêu ầm lên như thế làm gì hở mợ?” Mẹ tôi cười, trả lời: “Mợ cũng không biết rõ, nhưng người ta bảo loài cò loài vạc hay cãi nhau, đổ tội cho nhau nên ồn ào như thế đấy.”

Rồi mẹ tôi đọc bài ca dao:

“Cái cò, cái vạc, cái nông,

Sao mày dẵm lúa nhà ông, hỡi cò?”

“Không, không, tôi đứng trên bờ,

Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi.”

Bờ giậu nhà bên hoa cúc nở vàng óng. Mẹ tôi bảo hoa ấy là hoa mùa thu. Tôi lẩn thẩn ngồi bên mẹ trong mảnh vườn trước nhà. Ngắm hoa cúc vàng, mẹ tôi nói một câu mà tôi chả hiểu gì: “Không biết có phải là hoa năm nay không, hay là hoa năm ngoái còn sót lại… Mà cũng không biết ngỗng giời có phải là ngỗng của nước mình không, hay nó là ngỗng nước khác, bay ngang qua đây thôi…” Thế rồi bà khẽ đọc câu thơ: “Mấy chùm trước giậu… hoa năm ngoái; một tiếng trên không… ngỗng nước nào…” Về sau lớn lên tôi mới biết đó là câu thơ trong bài “Thu Vịnh” của cụ Nguyễn Khuyến.

Có bóng ai ngoài ngõ. Nhìn kỹ, hoá ra là chị Na. Đầu chị đội một cái mẹt, đựng mấy chục quả na tròn trịa, bụ bẫm, có quả còn nguyên cả cành lá. Tôi chạy ù ra mở cổng, vừa chạy vừa kêu to: “Khốn thương! Khốn thương! Chị Na biếu na!”

Mẹ tôi khoan thai đứng lên, bước ra. Lách qua cánh cổng tre, chị Na hạ mẹt na xuống, thưa chuyện với mẹ tôi: “Bẩm bà chánh, na đầu mùa vừa chín tới. Thầy u cháu dạy cháu đem sang biếu ông bà chánh và các cô cậu xơi lấy thảo ạ.” Mẹ tôi mau mắn đỡ lấy mẹt na, ý chừng sợ chị Na bưng lâu mỏi tay; miệng nói: “Bẩm với thưa gì, cô Na. Chúng mình hàng xóm láng giềng cả mà. Mà sao ông bà cho nhiều thế này? Không nhận thì ông bà giận, mà nhận thì nhiều quá… Hay thế này nhé: chúng tôi xin một nửa, còn một nửa phiền cô đem về để bên ấy cũng xơi na đầu mùa.” Chị Na hốt hoảng: “Bẩm… Dạ… Thưa… không được ạ. Cháu mang về, u cháu mắng chết. Thầy u cháu đã dặn phải nói năng thưa gửi thế nào để ông bà nhận cho…” Rồi chị nói nho nhỏ: “Vả, bẩm bà chánh, u cháu còn nói là không biết nói năng cho khuôn phép lịch sự dễ nghe thì u cháu chưa gả chồng đâu ạ!”

Chị Na vừa nói vừa cúi đầu.Trời không nắng mấy mà hai má chị đỏ hồng. Với lại còn ban ngày mà hai mắt chị lấp lánh như sao. Môi chị hơi mím lại, để lộ đồng tiền cả hai bên má.

Nghe chị nói vậy, mẹ tôi xiêu lòng: “Cô Na đã nói thế thì làm sao tôi còn từ chối được. Vậy tôi nhận cả cho cô vui lòng nhé. Tôi sẽ chia cho gia đình ông bà Hồng Châu để cùng được hưởng cái vị thơm ngọt của na đầu mùa. Mà cô ghé vào nhà một chốc đã, uống bát nước chè tươi hãm gừng cho thơm miệng rồi hẵng về.”

Chị Na đón lấy mẹt na trở lại, rón rén theo mẹ con tôi vào nhà. Đặt mẹt na lên bàn, chị ngồi xuống cái ngưỡng cửa. Uống xong bát nước chè tươi, chị đứng lên cáo từ: “Đội ơn bà chánh cho uống chè tươi hãm gừng. Ngon quá cơ! Bây giờ cháu xin phép về ạ. Bà Lý làng bên đã cho người sang bẻ na. Cháu về giúp u cháu ạ.” Rồi chị thoăn thoắt bước ra.

Mẹ tôi xem mẹt na. Quả nào quả nấy tròn trịa, vỏ xanh mát mắt đã ngả sang màu vàng hanh rất nhạt, các kẽ của từng múi na đã nứt ra, toả mùi thơm ngát. Na được đặt trong lòng mẹt có lót lá na rất cẩn thận. Bà chọn ra dăm quả to nhất, đặt sang một cái mẹt con khác, ý chừng là để riêng ra cho ông bà Hồng Châu, bố mẹ chị Bích Khuê.

Tôi vẫn lẩn thẩn đứng bên cạnh mẹ. Chợt bà hỏi: “Chúc này, sao lúc nãy thấy chị Na đến biếu na, Chúc lại nói khốn thương, khốn thương?” Tôi trả lời: “Con bắt chước cha xứ đấy! Hôm trước bà Quản Vạn đem nhót đến biếu cha xứ, cha nói khốn thương, khốn thương!”

Mẹ tôi phì cười: “Người trên nói với người dưới thì được. Chúc còn bé, không nói với chị Na như thế được… Với lại hôm ấy chuyện nó khác, mà cha xứ cũng không nói “khốn thương” với bà Quản Vạn. Cha nói với anh Tuấn mà!”

Chuyện là như thế này:

Hôm ấy cha xứ tiếp sư cụ trụ trì chùa làng bên. Khác tôn giáo nhưng hai vị thân thiết với nhau lắm, qua lại thăm nhau luôn. Nhân bố tôi vào nhà xứ bàn chuyện dạy kinh bổn cho trẻ con, cha xứ giữ bố tôi lại cùng hầu chuyện sư cụ. Anh Tuấn được giao công việc kéo quạt cho mát phòng khách. Quạt là một tấm “liếp” đan bằng tre chẻ mỏng, sườn quạt là một ống tre cật cứng và dài, được đóng trên xà nhà, có dây thừng thả xuống quá lưng chừng phòng khách. Người kéo quạt cầm sợi dây ấy kéo xuống rồi lại thả ra một cách đều đặn; quạt cứ thế mà phất lên, hạ xuống, tạo nên một làn gió êm mát cho cả phòng.

Nhà xứ lúc nào cũng lau nhau một bọn trẻ con làm công việc vặt, tuổi từ năm, sáu đến mười lăm, mười sáu. Anh Tuấn thuộc nhóm lớn tuổi nhất, còn tôi thuộc nhóm bé nhất. Kéo quạt không phải là công việc quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải đều tay và người kéo phải nghiêm trang, lịch sự, vì thế bọn nhỏ không được làm việc này, phải là những anh lớn và quen việc. Mấy lần vắng cha xứ, tôi táy máy kéo thử quạt, thấy không nặng, lòng cứ mong ngày nào được kéo quạt hầu khách như anh Tuấn.

Đúng lúc cha xứ hỏi sư cụ, “Bạch sư cụ, thế hôm nào chùa ta mở hội” thì ngoài cổng có tiếng chó sủa ran. Cha xứ đưa mắt nhìn anh Tuấn. Hiểu ý, anh dừng tay quạt, chạy vội ra cổng giữ chó cho khách vào. Chỉ một lúc sau, anh Tuấn chạy vào, đầu đội một mẹt nhót đầy có ngọn, quả đỏ chót; đằng sau là bà Quản Vạn bước thấp bước cao. Vừa chạy, anh Tuấn vừa bẩm: “Bẩm cha xứ, bà Quản Vạn biếu nhót! Biếu nhót!” Bất chợt, anh vấp chân vào ngưỡng cửa, ngã sóng soài, miệng vẫn còn “bẩm” không ngớt: “Biếu nhót! Biếu nhó…ót…!”

Cả ba vị đều đứng lên. Bố tôi nhanh tay đỡ anh Tuấn dậy. Anh không bị gì, chỉ bị một phen hốt hoảng. Còn nhót thì lăn lóc khắp phòng, không chỗ nào là không có. Cha xứ nói, giọng vẫn từ tốn: “Khốn thương! Khốn thương! Bà Quản Vạn biếu nhót! Khốn thương!” Rồi cha nói với bà Quản Vạn: “Bà cho nhót, tôi cám ơn. Thằng bé vụng về đánh đổ cả mẹt nhót, bà tha lỗi cho. Ngày mai tôi sang nhà thăm ông Quản và gia đình.” Bà Quản Vạn lí nhí nói mấy câu cám ơn rồi lui ra. Tiếng chó lại sủa ran. Ngoài cổng, anh Liêm đã có mặt để giữ chó.

Bà Quản Vạn ra rồi, cha xứ nhìn anh Tuấn và sàn nhà đầy nhót lăn lóc, cha bảo: “Cho đem xuống nhà dưới chia nhau.” Chỉ chờ nghe có thế, bọn nhỏ chúng tôi nãy giờ lấp ló ở cửa buồng chạy ùa ra, phụ anh Tuấn nhặt nhót. Sư cụ nhìn hoạt cảnh ấy, cười hiền từ và nói: “Trẻ con chúng nó vô tư, hồn nhiên quá, cha xứ với ông chánh nhỉ. Bên chùa tôi mấy chú tiểu cũng vô tư, hồn nhiên y như thế.”

Hôm ấy chúng tôi được ăn nhót thoả thích. Bố tôi về, kể lại câu chuyện cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi hỏi anh Tuấn: “Chân con có bị gì không? Để mợ bóp thuốc cho.” Anh Tuấn cười nhe răng khểnh: “Chân con là chân sắt, bị gì làm sao được!” Riêng tôi cứ nhớ mãi câu nói của cha xứ: “Khốn thương! Khốn thương! Bà Quản Vạn biếu nhót!” Tôi cho đó là một câu nói rất hay nên hôm nay đem ra áp dụng. Thế mà mẹ tôi lại bảo tôi không được nói như thế với chị Na. Tôi hỏi: “Nhưng mà khốn thương có nghĩa là gì hở mợ?” Mẹ tôi trách yêu: “Chúc không biết nó có nghĩa là gì mà cũng nói! Khốn thương là một lời than, ý là thương xót người nào đó gặp cảnh khốn khổ. Anh Tuấn bị ngã như thế trông thật là khốn khổ nên cha xứ mới biểu lộ lòng cảm thương mà nói “khốn thương,” chứ chị Na có bị khốn khổ gì đâu mà Chúc nói “khốn thương?”

Gia đình chị Na ở phía bên kia ao. Bốn nhà chung nhau một cái ao to. Gần nhà mà xa ngõ. Để vào nhà chị Na, khách phải đi một con đường khác và vào một cái ngõ khác. Từ nhà tôi sang nhà chị, đi bộ phải mất hơn mười phút. Thỉnh thoảng anh chị em chúng tôi lại xin phép bố mẹ cho sang vườn nhà chị Na chơi. Có khi cả chị Bích Khuê cũng đi. Vườn nhà chị Na rộng lắm, trồng toàn na và khoai lang. Chúng tôi biết ăn rau lang luộc chấm tương và khoai lang nướng là vì thế. Thầy u chị Na rất hiền, có được mỗi một mụn con. Nhà sinh sống bằng vườn na nên ông bà đặt luôn tên con là Na. Năm ấy chị Na mười tám tuổi, con gái nhà quê mà da dẻ trắng hồng, khuôn mặt thanh tú mặc dù đôi lông mày rậm và đôi môi dày, thỉnh thoảng bĩu ra. Ấy là lúc chị Na nũng nịu với u của chị. Mấy ông lớn tuổi mỗi khi nhìn thấy chị Na đi ngang qua, thường huých tay nhau, nói: “Con bé nhìn đến là hay mắt.” Mẹ tôi bảo đó là một câu thiếu lịch sự và dặn tôi không được nói. Chả là tôi có tính hay bắt chước, cứ thấy người lớn nói câu gì hay hay là bắt chước nói theo.

Công việc của chị Na là chăm sóc năm chục gốc na trong vườn. Chị phải tưới bón luôn.Có khi phải khơi rãnh dưới gốc cho dễ thoát nước.Tay chị xách một cái thùng bằng nhôm, có gắn cái vòi mà đầu vòi lại nở rộng ra như cái gương sen có đục lỗ. Thùng đựng đầy nước mà chị xách trông nhẹ tênh, đôi bàn chân trần với hai bắp chân tròn lẳn bước đi thoăn thoắt. Tôi theo chị, đòi xách thử thùng nước. Chị chiều ý, cho làm, nhưng thùng nặng quá, tôi xách không được. Chị Na cười, bảo: “Bao giờ cậu Chúc lớn và khoẻ thì mới xách thùng nước này được.” Tôi ngước mắt nhìn chị, hỏi: “Mà lớn như thế nào, khoẻ như thế nào cơ chị?” Chị hơi ngập ngừng rồi trả lời: “Lớn và khoẻ như anh Vịnh bên cạnh nhà tôi ấy.” “Mà sao chị biết anh Vịnh khoẻ?” Hai má chị Na đỏ bừng, chị trả lời: “Tại thỉnh thoảng anh ấy sang vườn xách nước tưới na giúp tôi. Anh ấy đi veo veo.” Tôi ngây thơ nói: “Ừ nhé. Mai đây em lớn em khoẻ, em sang vườn xách nước đi veo veo giúp chị tưới na nhé.” Chị Na cười: “Đợi đến ngày ấy thì cậu Chúc đã về lại Hà Nội rồi, còn tôi thì cũng chả biết còn ở đây mà chăm sóc vườn na nữa hay không?” Rồi đôi mắt chị thoáng một nét buồn mơ màng.

Đến một gốc na, tôi đòi: “Chị Na cho em tưới na.” Tôi đòi gì chị cũng chiều. Chị bảo: “Để tôi đỡ đáy thùng cho cậu tưới. Tưới chầm chậm thôi nhé. Gốc na cần giữ ẩm, nhưng hơi ẩm thôi, ướt quá cũng không được.” Rồi chị đứng chênh chếch sau lưng tôi, cúi xuống, cổ gần sát chỏm đầu tôi, giữ thùng nước cho tôi tưới gốc na. Tôi thấy một mùi hương êm đềm dịu ngọt. Chả biết hoa na thơm hay chị Na thơm. Chắc cả hai, tôi không phân biệt được.

Mà hoa na có mùi thơm thật. Cái hoa mộc mạc, trông không mỹ miều chút nào sao lại cho mùi thơm nhẹ nhàng thanh khiết như thế. Hương hoa na không ngát, không nồng, nhưng toả trong không gian một cách rất nhẹ nhàng, kín đáo. Bước vào vườn na vào mùa hoa nở, tôi thấy có một cái gì quyến rũ lạ lùng. Nó như một vòng tay mềm, một dải lụa mỏng quấn lấy thân thể tôi. Làn hương ấy thơm như vị thơm của mật mía, nhưng nhẹ lắm, thanh lắm, êm lắm. Sau này lớn lên tôi mới biết hoa na có họ với hoa hoàng lan, thứ hoa cao quý mà người ta chiết lấy tinh dầu làm ra nước hoa orchidée.

Sang vườn nhà chị Na chơi, chúng tôi rất thích được leo trèo. Bố mẹ tôi dặn sang bên ấy phải ngoan, không được chạy nhiều, không được leo trèo, nhưng làm sao chúng tôi giữ được lời dặn. Vườn rộng, chúng tôi chạy nhảy như những con hươu sao. Chị Bích Khuê, chị Liên cũng chạy nhảy và cũng leo trèo. Chuyện chị Liên trèo cây na đã là đề tài để ông nội tôi làm mấy câu thơ trêu cô cháu gái ông vốn rất nuông chiều. Chả là trong vườn nhà chị Na có một cây na kép. Không hiểu sao khi mọc lên, cây na này có hai thân. Chúng thi đua mọc nhanh, thân chúng giao tréo nhau, cách nhau chừng một gang tay người lớn. Khi gió thổi mạnh, hai thân cây na giáp vào nhau, cọ đi cọ lại tạo thành tiếng kêu cót két. Chị Liên là chị tôi và anh Ngọc. Chị hơn tôi đến năm, sáu tuổi, năm ấy dễ thường chị đã mười một, thế mà rất thích leo trèo. Một hôm sang vườn na chơi, quên mất lời bố dặn, chị thoăn thoắt trèo lên cây na hai thân. Đúng lúc chị đưa chân ngang chỗ hai thân na giao nhau thì một cơn gió mạnh thổi qua, hai cái thân ấy giáp sát vào nhau, kẹp bàn chân chị vào giữa. Giằng chân ra không được, chị Liên vừa đau vừa sợ, kêu thét lên: “Ông ơi, cứu cháu! Cứu!” Chị Liên là thế đấy, vì được ông nuông chiều, nên cứ động chuyện gì là lại kêu “ông ơi.”Tiếng kêu vang động cả mặt ao. Ở bên này bờ, bố tôi để nguyên quần áo, nhảy ùm xuống ao, bơi thật nhanh sang cứu con gái. Cũng may, chân chị không bị gì, chỉ bị một phen hoảng hốt. Bố tôi nghiêm nhưng hiền, không mắng chị nhưng căn dặn lần sau phải nghe lời bố, không được trèo cây nữa. Chị Liên mắt còn ngấn lệ, đầu thì gật, miệng thì vâng, dạ liên hồi. Tối hôm ấy, sau bữa cơm, ông tôi hút điếu thuốc lào, nhả cho khói bay lên trần nhà rồi đọc mấy câu thơ:

“Hỡi cô con gái nhà tông,

Đôi má rám nắng hồng.

Không nghe cậu, hoá nên na kẹp,

Kêu ầm ầm, khóc thét gọi ông!”

Rồi ông cười sảng khoái. Còn chị Liên thì đấm lưng ông thùm thụp, miệng kêu: “Ứ ừ! Ứ ừ! Ông cứ trêu cháu, cháu không chơi với ông nữa!” Ông tôi lại cười to hơn.

Vào mùa na chín, vườn na nhà chị Na tấp nập hẳn lên. Có những người mua khoán cả một cây na, hai cây na. Na chín, bao nhiêu quả trên cây thuộc về họ cả. Như bà Lý ở bên Tử Thanh, năm nào cũng mua khoán đến năm, sáu gốc na. Được báo tin na chín, bà sai người làm sang vườn bẻ na. Có khi na sai quá, bẻ không xuể, thầy u chị Na và cả chị phải bẻ giúp. Mà lạ, ai cũng tin nhau. Người mua thì tin chủ vườn không bao giờ bẻ bớt na của mình. Người bán thì tin không bao giờ người mua bẻ thêm na ở những cây khác. Cứ tin nhau mà mua mua, bán bán thật sòng phẳng.

Na là một thứ quả rất thơm ngon. Có hai loại na: na dai và na bở. Người ta thường cho rằng na bở không ngon bằng na dai, múi mỏng hơn, hạt to hơn và nhiều hơn. Thế mà lạ! Năm chục gốc na nhà chị Na đều là na bở, nhưng quả rất ngọt, múi dày, hạt ít mà nhỏ. Không gì thú vị bằng khi quả na bở đã chín, ta thận trọng kéo cái nõ ra, rồi rút từng múi na trắng nõn, thơm ngát, ngọt lịm ra mà ăn. Ăn một quả na như thế phải mất chừng mươi, mười lăm phút để tận hưởng cái thơm, cái ngon, cái ngọt, tưởng không còn một thứ quả nào trên thế gian ngon đến như thế.

Một tối, đang mùa na chín, tôi chơi đếm sao ở vườn sau, sát bờ ao. Bên kia là vườn na nhà chị Na. Mùi na chín thơm quá, nó bay nhè nhẹ qua mặt ao toả sang vườn chúng tôi. Ngẩng mặt lên trời, tôi đếm: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao, năm ông sao sáng, sáu ông sáng sao…” Bỗng nhiên ở trong nhà, chị Bích Khuê bước vội ra vườn. Chị nắm lấy tay tôi rồi bảo: “Bây giờ chị đố Chúc nhắm mắt mà vẫn đếm được sao đấy.” Nghe lời chị, tôi nhắm mắt, miệng đếm: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao, năm ông sao sáng, sáu ông sáng sao…” Vừa để cho tôi đếm, chị Bích Khuê vừa nắm tay, dẫn tôi vào trong nhà, đóng cửa lại rồi bảo tôi mở mắt ra. Lúc ấy tôi mới biết mình đã vào tận trong nhà. Tôi bắt đền: “Ơ, ở trong nhà đâu có sao mà đếm!” Chị Bích Khuê dịu dàng bảo: “Bên ngoài sao cũng tắt rồi, mà mặt trăng cũng đi trốn rồi Chúc ạ.” Tôi hỏi: “Sao thế chị?” Chị Bích Khuê trả lời một câu, lúc ấy tôi không hiểu, mãi về sau tôi mới hiểu: “Vì cả sao và mặt trăng đều không dám nhìn. Chúc cũng đừng nhìn.” Hoá ra chị Na có thói quen tắm đêm ngoài ao. Đang lúc tôi đếm “một ông sao sáng, hai ông sáng sao” ngoài vườn thì trong nhà chị Bích Khuê thoáng nhìn thấy ở bờ ao bên kia cái dáng trắng ngần, nuột nà dưới ánh trăng. Nhanh trí, chị ra vườn bảo tôi chơi trò “nhắm mắt đếm sao” và dẫn tôi vào trong nhà, đóng cửa lại. Chị Bích Khuê là con gái ông bà Hồng Châu. Hai gia đình chúng tôi đều rời Hà Nội đi tản cư, được giáo dân ở đây cho ở tạm trong cùng một nếp nhà. Chị Bích Khuê xem tôi như em ruột. Còn tôi, cả đời không quên được chị Bích Khuê.

Cũng vì cái thói quen tắm đêm ngoài ao mà chị Na không lấy được tấm chồng như chị mong ước. Anh Vịnh nhà bên cạnh phải lòng chị. Chị cũng có cảm tình với anh.Thầy u chị đã có ý gả chị cho anh Vịnh. Nhưng anh Vịnh đã phạm một tội tày trời là ngắm trộm chị Na tắm đêm. Mà anh bạo quá, không ở trong nhà ngắm, lại ra tận ngoài bờ ao. Không may thầy u chị Na biết được, sang mách bố mẹ anh Vịnh. Bố mẹ anh xấu hổ, gửi anh đi xa, đến trọ nhà một người họ hàng nào đó. Chị Na buồn lắm mà không biết làm sao. Cũng từ dạo ấy, thầy u chị Na cấm tiệt, không cho chị tắm đêm ngoài ao nữa. Về sau, một buổi sáng chớm thu năm nào đó, chị Na đi lấy chồng, người chồng mà chị không biết mặt, đương nhiên là không yêu. Nhưng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.”

Những chuyện này mãi về sau khi đã hồi cư Hà Nội và sau đó di cư vào Nam, tôi mới thoáng nghe lóm bố mẹ tôi nói chuyện với nhau. Nghe rồi, tôi lẩn thẩn nghĩ đến chị Na, cô gái quê đẹp, hiền lành, rất tử tế và nuông chiều tôi. Tôi nhớ mùi hoa na thơm dịu, nhớ vị na chín ngọt ngào, nhớ khu vườn năm mươi gốc na nhà chị, nhớ hôm chị đỡ cái đáy thùng cho tôi tưới nước gốc na, nhớ mùi thơm của hoa na và mùi thơm của chị quyện lẫn vào nhau. Nhớ ơi là nhớ…

Và tôi làm mấy câu thơ tặng chị:

Một sớm thu về, bến đò đông

Chị đã sang sông, đã lấy chồng.

Ở tận bên làng xa xăm ấy

Na vườn nhà chín, chị hay không?

Chắc chị Na chả đọc được mấy câu thơ tôi làm tặng chị.

Quyên Di

California

Tháng Mười, 2019

Nguồn: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3069141906491448&id=100001870068666