Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Ký ức Hà Thành thời bao cấp (kỳ 4)

Vũ Ngọc Tiến

CHUYỆN THẰNG TÂM SỨT
Hà Nội có tháp nước tròn to cao lừng lững hơn trăm năm tuổi, tọa lạc ở ngã năm các con phố Hàng Đậu - Hàng Than - Hàng Giấy - Quán Thánh - Phan Đình Phùng. Từ lâu nó không còn hoạt động, trở thành hiện vật bảo tàng ngoài trời về kiến trúc đô thị của Pháp ở xứ thuộc địa Đông Dương cuối thế kỷ 19. Trong ký ức của tôi, vào khoảng những năm 70-80 thế kỷ trước, đó còn là nơi tụ tập vào buổi sáng mỗi ngày của một đám bụi đời do Tâm sứt làm đại ca chỉ huy. Địa điểm tập trung là chân tháp nước tròn, trên vỉa hè nhìn ra vườn hoa Vạn Xuân còn gọi nôm na là vườn hoa Hàng Đậu. Hành nghề của đám bụi đời này chia hai nhóm: gánh nước thuê và móc túi trên tàu điện. Mỗi nhóm chừng năm đứa choai choai cỡ 14-15 tuổi, ban ngày hành nghề, tối ngủ ở chợ Hòe Nhai gần đó. Tâm sứt hồi ấy khoảng 18 tuổi, là con trai độc nhất của bà bán rau và dưa gang muối trong chợ. Hai mẹ con sống ở căn hộ nhỏ tại số nhà 20 phố Hòe Nhai. Ai đã từng sống ở Hà Nội thời bao cấp đều biết câu thành ngữ: “Thứ nhất Hòe Nhai, thứ hai ngõ Trại”. Nó ám chỉ hai nơi ngõ Trại Găng trên phố Bạch Mai và khu tập thể ở số nhà 20 Hòe Nhai là địa danh khét tiếng, tập trung nhiều đàn anh đàn chị trong giới giang hồ của thành phố. Trong đám giang hồ ấy, Tâm sứt thuộc hàng tép riu, không có số má, chỉ đáng làm đại ca mấy đứa choai choai bụi đời, nhưng nó là đứa khôn ranh nên cũng kiếm được kha khá và biết dành dụm, không tiêu xài hoang phí hay chơi lô đề, ba cây, chắn cạ…

Tôi biết Tâm sứt bởi mê món dưa gang muối của mẹ nó, món khoái khẩu, trôi cơm lại rất đa năng với loại trí thức nghèo. Lúc đói bụng, chỉ cần bát cơm nguội chan nước rau muống luộc với mấy lát dưa gang muối cũng xong bữa. Khi hứng lên tụ tập bạn bè, tôi mua của bà vài quả dưa gang muối rửa sạch, thái mỏng rồi trộn ít đường và dấm ớt là có thể ngồi nhậu lai rai cả buổi, chém gió tưng bừng. Lâu dần tôi thành khách hàng quen mặt, được bà quý mến, tin cậy nhờ vả can thiệp những lúc Tâm sứt bị gọi lên đồn công an vì tội đánh lộn ở máy nước công cộng dưới chân tháp nước tròn. Thật ra công việc cai quản hai nhóm trẻ bụi đời của nó, chỉ phức tạp ở nhóm móc túi trên tầu điện, còn nhóm gánh nước thuê ở vòi nước công cộng xét cho cùng vẫn là nghề nghiệp chính đáng. Nếu tính về mặt thu nhập thì với nó, chăm sóc nhóm móc túi vừa nhàn lại kiếm được nhiều hơn vì tháp nước tròn là điểm giao nhau giữa hai tuyến xe điện Yên Phụ - Ngã Tư Vọng với tuyến Bưởi - Đồng Xuân đều là những tuyến đông khách, dễ dàng móc túi. Tuy nhiên tôi lựa lời khuyên bảo, phân tích cho nó rõ, đó là nghề thất đức. Hơn nữa, người bị móc túi trên tàu điện đa phần là các bà buôn thúng bán mẹt có khi còn nghèo khổ hơn mẹ nó ngồi bán hàng trong chợ Hòe Nhai. Họ mất tiền một buổi chợ thì con cái nheo nhóc, cầm đồng tiền ấy lương tâm cắn rứt không yên. Một lần đến nhà chơi, có mặt cả mẹ nó, tôi khuyên nên giải tán nhóm móc túi, đứa nào chịu đi gánh nước thuê thì giữ lại, còn không cứ việc tùy nghi đi nơi khác kiếm ăn. Bà mẹ thấy thế mừng lắm, cũng góp lời gần như năn nỉ con trai và nó hứa sẽ nghe theo. Kể từ đó, nhóm gánh nước thuê của Tâm sứt đông lên, nhưng cũng rất may vì thu nhập của lũ nhỏ lại không ngừng tăng. Đơn giản vì sau chiến tranh dân số Hà Nội tăng nhưng nhà máy cấp nước không đủ công suất, thiết bị cũ kỹ nên áp lực nước rất yếu, hệ thống ống dẫn nước cấp về các khu phố từ thời thuộc Pháp hư hỏng nặng. Đã có một thời gian dài nước sạch sinh hoạt là một vấn nạn khủng khiếp với người Hà Nội, nhất là dân phố cổ. Vòi nước máy công cộng ở chân tháp nước tròn gần vườn hoa Hàng Đậu lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước. Đội quân gánh nước thuê của Tâm sứt mỗi người được cấp hai đôi thùng để xếp hàng xoay tua tăng chuyến. Giá mỗi gánh nước cũng tăng từ năm hào lên một đồng, rồi một đồng rưỡi. Nguyên tắc ăn chia của nó đề ra cũng rất sòng phẳng. Tâm sứt là người nhận đặt hàng từ các gia đình có nhu cầu và đứng tại vòi nước trông coi việc xếp hàng của các đôi thùng rải đều ra trong dòng người chen chúc đông nghịt vốn rất phức tạp nên được hưởng một phần ba giá thuê, còn lại chia cho quân lính của nó theo năng suất của từng người. Tiền kiếm được mỗi ngày nó đều gửi cho mẹ cất giữ, chỉ bớt lại đủ dùng trong sinh hoạt. Tôi không ngờ chỉ trong mấy năm, khi hệ thống cấp nước mới của thành phố do Hà Lan viện trợ đi vào hoạt động, mẹ con Tâm sứt đã dành dụm mua được ngót nghét 5 cây vàng làm vốn cho nó chuyển sang nghề khác, nghĩ cũng mừng…

Vào một ngày đẹp trời năm 1989, Tâm sứt đưa một cô gái tên Thuần đến nhà mời tôi dự lễ cưới. Tôi pha ấm trà ngon mời hai đứa, lặng im quan sát cô gái xinh đẹp, nom có chút chân quê nhưng tươi tắn, hồn nhiên rất dễ mến, toan hỏi chuyện thì nó đã nhanh nhẩu nói trước: “Em với Thuần là cảnh đò nát đụng nhau mà nên duyên chồng vợ thôi. Đời cô ấy cũng khổ lắm, thư thả em sẽ kể chuyện sau.” Tôi đi dự lễ cưới gặp lại đám đàn em choai choai của nó ngày nào còn gánh nước thuê, giờ thảy đều trưởng thành, có việc làm tử tế, chuyện trò rôm rả mãi không dứt. Lúc này Hà Nội đã xóa bỏ chế độ tem phiếu được mấy năm. Người Hà Nội vừa thoát ra khỏi cơ chế bao cấp, tự do buôn bán nhưng lại rơi ngay vào cơn xoáy lốc của khủng hoảng tín dụng. Đồng tiến mất giá phi mã càng thôi thúc người Hà Nội tràn ra mặt phố kiếm tiền bằng mọi giá để tự cứu mình. Nhà có mặt tiền trên phố đua nhau đục tường mở quán, lập công ty. Cơ quan, trường học cũng phá tường rào xây ki ốt cho thuê để tăng thu nhập cho mọi người. Có lẽ không khí kinh doanh sôi động, có phần hỗn loạn ấy đã tác động mạnh đến vợ chồng Tâm sứt. Nó mời tôi đến nhà ăn bữa cơm thân mật và giúp vợ chồng nó bàn chuyện đổi mới làm ăn buôn bán như mọi nhà. Chờ lúc cô Thuần theo mẹ chồng ra chợ Hòe Nhai bán nốt gánh hàng rau vào buổi chợ chiều, nó nói: “Hôm nay em mời anh đến chơi là muốn nhờ giúp một việc lớn về hướng làm ăn sắp tới của hai vợ chồng.” Tôi cười, thủng thẳng đáp: “Anh chỉ là thằng kỹ sư quèn, nghèo rớt, thần thế không có thì giúp được gì.” Nó nắm tay tôi thật chặt khẩn khoản: “Điều em sắp nói anh thừa sức giúp. Anh đừng vội từ chối làm em nản, anh nhé!” Tôi nhìn vào mắt nó thấy lóe lên niềm khao khát đổi đời và sự kiên định, bên trong mắt như có lửa nên cũng yên lòng xen chút tò mò hỏi: “Vậy em định làm gì, tìm hiểu kỹ chưa, vốn liếng thế nào?” Dường như câu hỏi của tôi đã chạm đến cái điều mà tự thẳm sâu bấy lâu nó nung nấu. Tâm sứt ngồi lăng im nhìn vào góc nhà suy nghĩ một lát rồi mở lòng nói hết với tôi: “Hà Nội bây giờ nhìn bề ngoài chỉ qua mấy năm mở cửa đã có vẻ sầm uất gấp bội lần so với thời bao cấp nhưng em vẫn thấy nó hốn loạn và bất an. Giới kinh doanh hiện thời em tạm chia ba loại: Kẻ có máu mặt, đa phần là dân phe trước đây có vốn tích lũy đua nhau mở tiệm vàng, nhà hàng đặc sản, khách sạn mi ni; giới trí thức hoặc viên chức làng nhàng thì lập công ty, thực chất là buôn nước bọt hoặc móc ngoặc với nhau moi tiền và vật tư nhà nước; giới cùng đinh khố rách như tụi em chỉ có thể tràn ra hè phố mở quán hàng ăn uống hoặc mua bán trao tay những đồ nhu yếu phẩm. Với hai loại trên em không đủ sức, còn với loại thứ ba thì em không muốn. Suy đi tính lại, bàn kỹ với mẹ và vợ, em quyết tâm mở riêng một hướng cho mình. Số người trung lưu ở Hà Nội đang nhiều dần lên. Họ có một chút tiền để dành lại không dám gửi ngân hàng vì tiền trượt giá khủng khiếp. Mặt khác họ cũng có nhu cầu chuyển đổi chỗ ở rông rài hơn trước, không thể sống mãi trong cảnh chật chội, tù túng như thời bao cấp. Vì vậy em sẽ tìm mua những miếng đất hoặc ngôi nhà nát rộng chừng ba, bốn chục mét vuông trong ngõ, nhưng vẫn ở gần trung tâm, thuộc bốn quận nội thành. Nhà nước vừa bỏ cơ chế bao cấp nên vẫn quen nếp cũ, quản lý nhà đất rất dở hơi, lỏng lẻo, Việc mua bán nhà hoặc đất thổ cư trong phố chỉ cần tờ giấy viết tay, có người hàng xóm bên cạnh làm chứng rồi ra phường đóng dấu xác nhận là xong, chẳng mất một xu thuế nào. Em sẽ mua nhanh, xây nhanh và bán chắc cũng rất nhanh một ngôi nhà như thế, vừa giúp được người vừa thu lợi không nhỏ. Anh là người đi nhiều quen biết rộng, thấy ai có nhu cầu thì chỉ mối cho em, anh nhé!...” Tôi thật sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự hiểu biết sâu sắc, ý tưởng làm ăn táo bạo, nhưng khá chắc chắn và lành mạnh của Tâm sứt. Điều nó nhờ cậy tôi cũng có thể giúp vô tư, không nề hà hay đòi hỏi gì. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về vốn. Ở thời điểm năm 1989, giá một thửa đất hay ngôi nhà nát như nó vừa nói dao động khoảng 5-6 cây vàng. Chi phí xây dựng ngôi nhà hai tầng trên đó cũng khoảng 2-3 cây vàng nữa. Vốn tích lũy từ thủa hàn vi của nó, theo tôi biết chỉ được ngót nghét 5 cây vàng. Vậy nó xoay đâu ra số vốn còn lại? Cô vợ của nó là gái chân quê nghèo khổ mới ra Hà Nội chưa đầy ba năm làm sao có vốn góp vào để cùng chồng hợp sức làm ăn theo kế hoạch mà chắc hai đứa đã bàn bạc kỹ lưỡng?! Nghe tôi hỏi, nó chỉ cười hiền, dấm dẳng nói: “Ngay từ hôm đầu đưa Thuần gặp anh mời dự cưới, em đã từng nói rằng, hai đứa chúng em là cảnh đò nát đụng nhau mà nên duyên chồng vợ đấy thôi.” Thế rồi sau đó, nó kể tôi nghe câu chuyện tình của hai đứa làm tôi thêm một lần nữa kinh ngạc đến sững sờ…

Thuần là cô gái đẹp nức tiếng vùng quê miền biển huyện Nga Sơn - Thanh Hóa. Nhà nghèo, 16 tuổi cô đã phải lên Hà Nội kiếm sống, gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình. Hai đứa gặp nhau ở một nhà hàng đặc sản trên phố Nguyễn Trường Tộ, Tâm sứt làm bảo vệ, còn Thuần làm tiếp viên. Năm 1990 biên giới Việt- Trung mở cửa, khách du lịch Tàu bằng giấy thông hành qua biên giới tràn vào Việt Nam theo cửa khẩu dân dã Lũng Ngựu, thuộc thị trấn Đồng Đăng rất đông. Lẽ ra họ chỉ được phép vào đến thị xã Lạng Sơn, nhưng người của công ty du lịch đã nhận được bảo kê của trạm kiểm soát Đồng Bành trên Lạng Sơn và PA 18 của công an Hà Nội nên cứ ngang nhiên dẫn khách Tàu la cà khắp phố phường Hà Nội. Họ đi chơi bằng tiền nhà nước, nhưng với danh nghĩa khảo sát thị trường Việt Nam nên ăn tiêu xả láng. Đàn bà thích lượn phố Hàng Bạc mua vàng lá hoặc đồ trang sức, còn đàn ông đứa nào cũng thích chơi gái Việt, nhất là gái quê còn trinh. Thuần bị bà chủ lừa bán trinh cho một lão bản người Quảng Đông - Trung Quốc. Mụ này quá tham, lúc xong việc chỉ chia cho Thuần 100 đô gửi về quê, còn mụ ta ngồi rung đùi hưởng 400 đô ngon lành. Tâm sứt biết chuyện sôi máu giang hồ, định cầm dao lôi Thuần lên gặp mụ chủ đòi thêm tiền. Cô hoảng sợ, e sẽ có án mạng xảy ra nên năn nỉ nó cho qua vụ này. Khi bình tĩnh lại, nó chợt nhớ mẹ mình tuy không biết chữ nhưng rất thuộc truyện Kiều, thi thoảng bà vẫn ngâm nga vài đoạn giải khuây. Có lần bà ngâm đến câu “Nước vỏ lựu, máu mào gà” liền giải thích cho nó biết, đó là mụ Tú Bà dạy nàng Kiều cách giả làm gái còn trinh khi ngủ với khách. Nó suy nghĩ hồi lâu, bàn với Thuần rằng mình đã lấm bùn thì bước tiếp sợ gì người đời chê trách. Thật lạ, lúc ấy như có thần nhân mách bảo, nó nghĩ ra một tuyệt chiêu, bí mật ra ngoại thành tìm bắt mấy con đỉa trâu mang về bỏ vào lọ. Sau đó, nó dắt Thuần lên đàm phán với mụ chủ về kế hoạch bán trinh rởm cho các lão bản người Tàu, nhưng tỷ lệ ăn chia sẽ đảo ngược Thuần bốn phần, mụ chủ một phần. Mỗi lần đi khách, nó bày cho Thuần ăn mặc kiểu nhà quê, kẹp sẵn một con đỉa vào ngón chân cái trước khi đi tất. Lúc hành sự, cô vờ giả nai, khép chặt hai đùi, kêu khóc chống cự. Đợi khi khách nhọc phờ mới chịu mở đùi ra và sau đó chờ khách sơ ý, cô co chân lột tất, bóp con đỉa cho máu tươi loang đầy trên ga trải giường trắng muốt. Lũ đàn ông Tàu khựa háu gái, ngu ngốc lại vừa nốc nhiều rượu nên tin chắc đã phá được trinh tiết cô gái Việt vì đó là máu người thật chứ không phải “Nước vỏ lựu, máu mào gà” nữa rồi. Cứ thế, qua lần đầu thử nghiệm, đầu đã xuôi đuôi sẽ lọt. Thuần và Tâm sứt, hai đứa phối hợp với nhau nhịp nhàng, điêu luyện được hơn một năm, thu bộn tiền của các lão bản người Tàu, cũng là lúc chúng hiểu và thật lòng thương nhau, quyết định bỏ nghề, tìm đến hôn nhân… Tôi nghe chuyện thấy xót xa cho những phận người như vợ chồng Tâm sứt, tự nhủ lòng sẽ để tâm giúp đỡ nó trong kế hoạch mưu sinh mới bằng những đồng vốn cay đắng, tủi nhục ê chề...

Thời gian trôi mau, thoáng nhãng đã tròn 30 năm. Giờ nhớ lại chuyện đời của Tâm sứt, tôi lại bồi hồi nhớ cái lần cùng nó hàn huyên, tâm sự suốt buổi chiều trên du thuyền lộng gió giữa hồ Tây đang vào mùa sen nở. Nó cầm tay tôi rưng rưng xúc động, nhắc lại lời của mẹ mình lúc lâm chung. Bà dặn con trai rằng ở đời ai chẳng muốn sung sướng, nhưng phải biết thế nào là đủ. Con người ta khi đã lăn vào trường đời kiếm sống, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết chọn điểm dừng; như người đi đường thấy cột mốc để biết tiến lên hay lùi lại; như người thợ mộc sẵn đường mực đã nảy để đục đẽo cái cây thế sự. Nó hứa với tôi sẽ dành suốt phần đời còn lại làm theo lời mẹ dặn dò để tích chữ Đức, chữ Phúc cho con cháu sau này. Tôi tin nó sẽ làm được, thầm cảm phục bà mẹ bán rau, mù chữ của nó. Bà thật tuyệt vời, hơn hẳn nhiều phu nhân quyền quý tôi gặp trong đời. Nhớ bà, tôi lại thèm ăn món dưa gang muối, món khoái khẩu một thời bao cấp khốn khó...
SG, mùa thu 2019
VNT