Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Vũ điệu không vần (kỳ 1)

Khế Iêm

blank

Chú Giải về Thơ Tân Hình Thức

_________________________________________

Tân Hình Thức
Và Câu Chuyện Kể

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

giống lời nào, về người đàn bà và
đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như
thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

nhưng người đàn bà và đàn con nheo
nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
kể lại, như người khác đã từng kể
lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự
kể lại, và không ai, ngay cả người
đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.

Trong bài thơ “Tân hình thức và câu chuyện kể”, những câu chữ “câu chuyện kể”, “người đàn bà và đàn con nheo nhóc” cứ lập đi lập lại thành một chuỗi nhạc tính lôi cuốn người đọc. Những ý tưởng “câu chuyện kể lại” và “câu chuyện tự kể lại” ám ảnh người đọc và bắt người đọc phải đọc đi đọc lại để tìm xem câu chuyện đó là câu chuyện gì. Người đọc luẩn quẩn trong mê cung, không thể nào thoát ra, vì bài thơ bít lại, không cho có lối ra.

Trong những tuyển tập thơ Hoa Kỳ như “Poems For the Millennium” hay “Postmodern American Poetry”, sau mỗi bài thơ được tuyển chọn, thường có một đoạn chú giải (commentary) về bài thơ hay quan điểm về thơ của tác giả. Đối với thơ Việt, nhất là những bài thơ mang tính thử nghiệm, có lẽ cũng là cách hay, để người đọc có thể tiếp nhận và dễ đánh giá. Trong bài thơ “Tân hình thức và câu chuyện kể”, tôi thử áp dụng một số yếu tố của thơ Tân hình thức Hoa Kỳ (New Formalism) vào thơ Việt, chọn thể tám chữ, mang giọng kể là thi pháp tự nhiên của đời thường (tính truyện), xử dụng kỹ thuật vắt giòng (enjambment), đọc liên tục từ dòng (line) này sang dòng khác, lập lại những nhóm chữ (như nhạc Rap) để tạo thành điệp vận và vần không hợp cách.

Giống như một vật tìm được (found object), chúng ta vào một cái kho chứa, tìm kiếm, lục lọi một món đồ cũ, lấy ra dùng lại. Những nhà thơ Tân hình thức Hoa kỳ dùng âm giọng iambic pentameter, gần với ngôn ngữ nói thường ngày, kết hợp với chất liệu của đời sống hiện đại, sử dụng luật tắc đó như dụng cụ, tỉa bớt những âm rườm rà của ngôn ngữ nói, thành thi pháp đời thường (a poetics of the everyday). Nhưng thi pháp đời thường vì gọi như thế nên biến hóa và không dừng lại ở bất cứ định nghĩa nào, và chỉ có thể định nghĩa qua hàng loạt những thách đố, nắm bắt và thực hành khác nhau, bởi một điều, không phải dễ lấy thơ và phát hiện bí ẩn từ những thứ tẻ nhạt và tầm thường của đời sống. Đối với ngôn ngữ Việt thì lại càng mới mẻ, và cần những thử nghiệm của nhiều người, vả lại, những dị biệt trong cách phát âm và diễn đạt giữa hai hệ ngôn ngữ (tiếng Anh và Việt), tạo ra dị biệt trong phương cách và phong cách thơ.

Nếu thơ Tiền chiến, cách tân bằng cách, dùng cảm xúc để thoát ra khỏi luật tắc cứng nhắc của thơ cổ điển, thì thơ Tân hình thứcViệt (tạm gọi như vậy) sử dụng ngôn ngữ đời thường, kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ. Thơ cổ điển, theo phép làm thơ của Thơ Đường, với luật bằng (level tone), trắc (deflected tone), vần (rhyme) và cao độ (pitch, gồm 4 tone), lao tâm khổ tứ vì chữ (dùng và chọn chữ) thì thơ Tiền Chiến chỉ còn giữ lại vài yếu tố như vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng. Thơ chủ vào cảm xúc, nhẹ phần nội dung, nên không ra ngoài cảm xúc và ảo giác, đôi khi lại là cảm xúc mơ hồ, được tạo ra từ những vần điệu du dương. Thơ kéo người đọc ra khỏi đời sống, và chính người làm thơ cũng lánh xa đời sống. Có lẽ vì vậy nên nhiều người tưởng lầm rằng thơ chỉ có thể cảm chứ không thể giải thích vì làm sao giải thích cái không thể giải thích, khi âm điệu và cảm xúc được coi như điều kiện thiết yếu để đánh giá là thơ hay. Thơ trở nên bí ẩn, thuộc về thế giới mộng ảo, và nhà thơ giống như một nhà soạn nhạc, viết ký âm bằng chữ (nhiều bài thơ vần phổ nhạc rất thành công cho thấy, hai thể loại này gần gũi trong cách sáng tác). Đã có nhiều nhà thơ, cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng Tiền Chiến bằng cách làm mới ngôn ngữ và cảm xúc, tuy nhiên vì vẫn sử dụng phương pháp thơ Tiền Chiến, nên không những không ra khỏi, mà còn làm mạnh thêm ảnh hưởng đó. Ngay cả những nhà thơ tự do sau này, phá bỏ thể loại và vần, nhưng vẫn nương vào cảm xúc, âm và nghĩa chữ, chỉ khác là cảm xúc trong thơ Tiền Chiến dựa vào nhạc tính của vần điệu thì trong thơ tự do, hoặc dựa vào ý tưởng và âm chữ, hoặc vẫn dựa vào cách tạo nhạc của Tiền Chiến.

Khi sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính (nếu có thể gọi như vậy), là đưa hẳn thơ qua một thời kỳ khác. Những yếu tố của thơ truyền thống như liên tưởng, hoán dụ hay ẩn dụ ... và hàng loạt các yếu tố khác, chắc không còn đất sống vì mỗi thi pháp đòi hỏi những yếu tố thích hợp, được phát hiện trong quá trình sáng tác. Thơ khuấy động và khích động bởi những cuộc phiêu lưu đúng lý và đúng nghĩa, chẳng khác nào, thế giới đang đi tìm một trật tự mới để thay thế một trật tự đã cũ. Thơ không còn tùy thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân, mà là những vận động rộng lớn của cả một thế hệ, như một trào lưu, xác định tiếng nói và bản chất của một nền văn hóa ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử thi ca. Nhưng nhà thơ khi chọn một ngôn ngữ bởi sự quyến rũ và lòng yêu mến, và là ngôn ngữ họ có khả năng nhất để biểu hiện thơ, ở đây là tiếng Việt, cớ gì không hợp quần, nhiều phong cách làm một phong cách, nhiều tiếng nói làm một tiếng nói, thành một phong trào đầy tự tin và hào hứng. Điều này đòi hỏi chúng ta, phải xóa bỏ những định kiến và tự mãn cá nhân, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, trong tinh thần giống như thi pháp đời thường, có gì là quan trọng và ghê gớm đâu. Chúng ta cứ thoải mái sao chép (copy), càng nhiều càng tốt, và không ai cấm được chúng ta bắt chước lẫn nhau trong trò chơi nhiều thú vị này. Một nhận xét khá phổ biến về thơ: “Poetry is fun – serious often, but fun. It is also communal.”

Những phân tích đơn giản trên có thể chưa đúng hoặc không đầy đủ, chỉ là chủ quan của người viết, dẫn tới nhận xét, mỗi thời kỳ thơ, có luật tắc tạo nhạc khác nhau. Nhạc trong thơ cổ điển khác với Tiền Chiến, và Tiền Chiến khác với thơ bây giờ. Đổi mới thơ, chính là đổi mới phương cách tạo nhạc, luật tắc phương pháp biểu hiện. Thơ cổ điển và Tiền Chiến phải ngâm, thơ Tân hình thức chỉ để đọc, nhưng khác với thơ tự do trước đó, thơ Tân hình thức có những luật tắc căn bản để tạo thành nhịp điệu, và người làm thơ theo đó phát huy được nhạc tính cho thơ. Khi đọc, chúng ta cảm thấy thanh thoát tự nhiên, như đang hít thở không khí, gặp gỡ ngoài đường phố, giao tiếp với bạn bè, và với mọi người. Đó là thứ âm nhạc trò chuyện (music of conversation), phong phú và hàm súc, mỗi lúc mỗi khác, và là những khoảng khắc có thực của thực tại. Thơ được chắt lọc và bước ra từ thực tại, mà thực tại thì, không nằm ở trong mù sương, thuộc về quặng mỏ chứa đầy chất đời. Nhưng bây giờ có lẽ còn quá sớm để tiên đoán, thơ có ra khỏi và làm một bước ngoặt mới, tùy thuộc vào những nhà thơ có dám dứt khoát với những giấc mộng đêm qua?

(Đề cập tới thơ cổ điển, Tiền chiến hay thơ tự do Việt không phải là để phán đoán, mà rút ra từ kinh nghiệm của chính tôi. Ở thời kỳ đầu, tôi làm đủ thể loại từ thơ vần tới tự do, chủ ý làm mới cảm xúc và ngôn ngữ, và thấy rằng, cũng chỉ là làm mới Tiền Chiến, và nếu có một chút giá trị thì đó là giá trị của một chặng đường đã qua (tập thơ Thanh Xuân). Tới thời kỳ hai, tôi thoát hẳn ra bằng cách sử dụng dòng động lực và sự chuyển động của ngôn ngữ, đi tìm một cấu trúc mới (tập thơ Dấu Quê). Tiếp theo đó là những kết hợp giữa thơ và nhiều nguồn khác nhau như thơ và kịch, kể cả bằng graphic ... và tưởng rằng đã đi khá xa so với thời kỳ đầu. Nhưng vấn đề không phải đi xa hay gần mà tôi nhận ra, thơ có quyền năng, và chỉ có thơ mà thôi, cho chúng ta biết giới hạn và thất bại của mình. Nhà thơ đều là những kẻ thất bại, và nếu không nhận ra được điều đó, có lẽ chẳng bao giờ họ trở thành nhà thơ. Thất bại làm cho nhà thơ nhận ra được chính mình và mọi người, thúc dục họ phải đi tới mãi, cho đến bao giờ thôi không còn đi được nữa. Phủ nhận chẳng qua là phủ nhận những thất bại để làm lại một thất bại khác. Vấn đề là thất bại lớn hay nhỏ, và chúng ta có dám đối mặt với nó hay không. Những ngành khác có thể đưa chúng ta đến vinh quang, nhưng thơ ngược lại, đưa chúng ta trở lại đời thường, mà đời thường thì có cả những dị thường).

Thật ra, không phải thơ tự do khước từ hình thức cũ của truyền thống, mà một cách sâu xa, do những qui ước văn học và thái độ xã hội, chỉ hợp thức hóa, và để nó vào đúng chỗ. Làm mới là đi tìm những hình thức mới. Thoát khỏi hình thức, phản ứng lại hình thức, là diễn đạt bằng hàng loạt những hình thức khác nhau. Không có hình thức, không có tiếng nói, bởi tiếng nói vẫn nằm trong qui luật của ngôn ngữ, vả lại dù là không hình thức (formless) thì đó vẫn là hình thức. Thơ tự do và truyền thống tuy hai mà một, chỉ là chọn lựa cách diễn đạt. Và khi, cùng một lúc, những thái độ và giá trị cũ đã hoàn toàn biến mất, mất tăm như những nền văn minh cổ đại, thì những nhà thơ, trên bước đường tìm kiếm, bắt gặp truyền thống, như tìm được thời gian đã mất. Như vậy, dùng lại hình thức thơ truyền thống, cũng chẳng khác nào làm mới, theo đúng nghĩa của những nhà thơ hiện đại.

Nhưng những nhà thơ Tân hình thức chẳng dừng ở quan niệm làm mới, vì đó là phương cách của thời hiện đại, mà dùng thể truyền thống hòa trộn với chất hiện đại (bao gồm thơ tự do) giống như kiến trúc hậu hiện đại, tạo thành một thể lai, hoàn toàn khác, không những hóa giải và làm tan biến truyền thống, mà cả hiện đại. Thơ tự do (trong ngôn ngữ tiếng Anh) làm khó người đọc, vì tùy thuộc vào sự căng thẳng hay sức ép giữa văn phạm và chiều dài của dòng, của đoạn thơ. Mỗi đặc tính có những cách dùng riêng biệt và được cân nhắc bên trong bài thơ, và người đọc phải phải tạo ra tiến trình đọc, bởi những biến cố được lập lại trong cấu trúc, ngẫu nhiên và tình cờ, từ những âm vang dầy đặc của ngữ pháp và những hiệu quả thị giác. Hóa giải, cũng có nghĩa là giải phóng kỹ thuật, dù có một thời là những cánh cửa đóng, phải mở ra trước khi đi vào cõi thơ.

Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống. Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước. Nhà thơ Ba Lan Wyslawa Symborska khi nói rằng: “Trong văn xuôi có không gian cho thơ, nhưng trong thơ chỉ có không gian cho thơ.” Vậy thì thế nào là một bài thơ văn xuôi (a prose poem)? Ở điểm nào nó là thơ và ở điểm nào không phải là thơ? Đâu là dòng (line) và đâu là câu (sentence)? Dòng thơ có thể là một câu (a self-enclosed line), cũng có thể chỉ là một phần của câu (phrase), và phải cần nhiều dòng mới hợp thành câu? Khi dùng cách vắt dòng (enjambment) phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Cái phần mất đi ấy là phần gì, phải chăng là một phần đời sống, của quá khứ hay của tương lai, và như thế, hiện tại không lẽ chỉ là cái trống không? Nhưng cái trống không ấy lại chẳng trống không vì những chuyển động không ngừng của cái biết và chưa biết, đè lấp lên nhau. Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm và cú pháp (syntax), tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu (perception of rhythm) không nằm ở ngôn ngữ (chữ), mà ở nội dung ngôn ngữ (the content of the language). Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động của cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp. Nói như thế, chẳng khác nào chúng ta đi đến một kết luận, người làm thơ, trước khi làm thơ phải rất giỏi về văn xuôi. Chữ có thể chết đi, và khai sinh nhưng văn phạm và cú pháp thì không, giống như một dòng tâm tình, có tính phổ quát, chuyên chở chất sống của đời sống, dù rằng chúng ta có sống ở bất cứ thời nào và nơi chốn nào. Những nhà thơ Ngôn ngữ Hoa Kỳ là những người được tinh luyện trong cú pháp, đã từng đẩy tới cùng cực, dùng cú pháp phá vỡ cú pháp, xóa bỏ ranh giới giữa thơ và văn xuôi.

Thơ rơi vào sự tối tăm khó hiểu, nhiều khi chẳng phải vì tư tưởng cao siêu gì, mà vì sự lủng củng của cú pháp, cũng như nếu thiếu nhạc tính, thơ sẽ chỉ còn là một đống ý tưởng và ngữ nghĩa, làm thất vọng người đọc. Nhưng nhạc tính trong thơ không giống với nhạc tính trong âm nhạc. Bài thơ như một bức tranh nói. Chúng ta đọc một bài thơ, không giống như nghe một bản nhạc, bởi những âm thanh của tiếng nói bất qui luật (irregular), trong khi âm nhạc, nằm trong qui luật. Trong nhạc là một chuỗi âm thanh liên tục từ khởi đầu đến chấm dứt, trong khi thơ thì không. Ngôn ngữ sở hữu ngữ nghĩa, tạo thành những dòng chảy, cùng với cấu trúc cú pháp, lệ thuộc vào bản văn văn hóa và bản sắc cá nhân. Sự tác động hổ tương giữa hình ảnh và ngữ nghĩa tràn đầy và quyện lại, khác với những chuyển động không ngừng của âm thanh trong âm nhạc. Chúng ta đọc, dừng lại, rồi lại đọc, hình ảnh và ý tưởng dội ngược, chồng chất lên nhau; tiếp tục đọc, định hướng (thematic direction), kết hợp thêm hình ảnh và ý tưởng mới, dừng lại để nắm bắt những chuyển động; đọc lại để ghi nhớ, tiếp tục đọc và lập lại ngay tức khắc để kết hợp tất cả những khác biệt trong động tác đọc. Đọc, trừ ra trong một khoảng khắc tạm thời, thì không có đường nối. Chúng ta đẩy các chữ, và nhóm chữ (phrase) ra xa, rồi dàn dựng lại trên cái nền trí tưởng, trong cái cách mà tác giả cũng không thể nào tiên đoán trước, ngay cả khi tác giả và người đọc là một.

Thơ Tân hình thức có một vài tên gọi khác, như Thơ Mở Rộng (Expansive Poetry), thơ Hậu Ngôn Ngữ (Postlanguage Poetry), và mỗi thuật ngữ, như một cánh cửa mở, nối (link) thơ với truyền thống và các bộ môn khác (âm nhạc, kịch, điện ảnh...). Thơ Tân hình thức cũng giống như Hyper Poetry, Hyper Text Poetry, là một ngã rẽ, phản ứng và kết hợp, thoát xác và hồi sinh, mục đích là tìm ra một nền thơ cho thời đại mới. Gọi là thơ Hậu Ngôn Ngữ là muốn thơ tiếp nhận những đóng góp lớn lao của phong trào thơ Ngôn Ngữ trước đó để làm nguồn sức mạnh. Gọi là thơ Mở Rộng là đưa thêm vào thơ cấu trúc truyện kể (narrative structure). Thơ không thể định nghĩa hay định nghĩa nằm trong tiến trình đi tìm định nghĩa, phá bỏ mọi giới hạn, dung chứa mọi thời kỳ và gấp lên nhiều lần, tránh đi những khúc mắc tu từ bằng cách đưa vào thi pháp đời thường. Một trong những luận cứ mạnh mẽ những nhà thơ Tân hình thức đưa ra, là trên hai thập niên qua, thơ tự do (free verse) đã trở thành nhàm chán, nhạt nhẽo, nghèo nhạc tính, không có gì nổi bật, làm mất nhiều độc giả, và cuối cùng thì thơ thu hẹp lại, không ra khỏi phạm vi những trường đại học. Chủ ý vẫn là tìm ra một nền tảng nhạc tính mới, như âm nhạc đã liên tục biến thể, để phù hợp với khung cảnh văn hóa, xã hội của thời đại. Bài thơ là tiếng nói của sự thực, như những câu truyện phải nghe hàng ngày và nhiều lần trong đời, và những chữ lập đi lập lại, chẳng đã lắng trong ta, âm thanh và ý nghĩa, mỗi lúc mỗi khác hay sao.

Thơ đòi hỏi phải định nghĩa lại mọi thể loại, để không bao giờ dừng lại cái định nghĩa khởi đầu. Thơ Tân hình thức, dù sao cũng chỉ là một mặt tích cực trong nhiều mặt của thơ hậu hiện đại, một nền thơ luôn luôn bất định. Từng ngày qua, chúng ta tiếp nhận quá tải những thông tin, hình ảnh, và những mẫu truyện bằng mắt qua truyền hình, cắt chính chúng ta thành những phần mảnh, phần mảnh kinh nghiệm, ý nghĩa và cả phần mảnh văn hóa. Sự rời rạc là triệu chứng của thời hiện đại và hậu hiện đại khi đã phá vỡ tính truyện kể của truyền thống. Những cái gì lớn vẫn lớn đấy, nhưng cô đơn và vô tích sự, chỉ còn là một cách nói, nào có mang thêm thi vị và ý nghĩa cho đời sống. Và có lẽ thi pháp của thời hậu hiện đại là thứ thi pháp không thể biện giải (non-apologetics), vì nó luôn luôn biến đổi và nối kết phức tạp với nhiều loại thi pháp khác nhau. Vả chăng, thơ Tân Hình Thức có tạo ra được gì đâu (enjambment là kỹ thuật đã có từ lâu), chỉ tái sử dụng (recycle) những gì đã có sẵn, chẳng khác nào trò cắt dán, nhưng là trò cắt dán tinh vi và đầy nghệ thuật, cung cấp và làm phong phú thêm phương pháp thể hiện cho thơ. Dĩ nhiên, có những yếu tố, chúng ta có thể áp dụng vào thơ Việt, và có những yếu tố khác, chúng ta phải tái định nghĩa cho phù hợp với ngôn ngữ Việt.

Nhìn lại mọi thời kỳ, từ truyền thống đến tự do và Tân hình thức, thơ như sợi chỉ xuyên suốt, luôn luôn đổi thay, phù hợp với nhịp đập của mỗi thời đại. Chúng ta vừa bước qua một ngưỡng cửa, bỏ lại đằng sau, những cuộc cách mạng nẩy lửa, những biên giới ngăn cách, những biến cố kinh hoàng để bước vào một kỷ nguyên đầy nhân bản, quay về với con người, với đám đông. Áp dụng ngôn ngữ tự nhiên của đời thường, tính truyện, quảng cáo, Pop Art... chẳng phải là chỉ tìm kiếm người đọc, lấy lại sức mạnh cho thơ giữa những ưu thế của TV và điện ảnh, mà cũng là phản ứng đối với một nền văn minh, đang chia cắt và đẩy con người tới bờ vực ảo. Mỗi yếu tố trong thơ, đều ngầm chứa một ý nghĩa. Mỗi đời sống cá nhân được kể như một câu truyện với khởi đầu và kết thúc, và không có ai là tác giả hay là chính câu truyện của đời họ. Chẳng phải những người kể truyện lang thang từ thời xa xưa, đã mang những hành động và nhân vật sống lại, và nếu không có họ thì mọi thứ đều vô nghĩa. Tính truyện làm chúng ta trở thành có thực, đối với người khác và đối với chính mình, cho chúng ta biết làm sao thích hợp và sống trong một thế giới, và nếu không có chúng ta, cái thế giới ấy chỉ là một hành tinh xa lạ. Nên nhớ rằng, hành động viết, là nhìn thấy những điều không thể nhìn thấy, đưa đôi mắt cho mỗi người để có thể nhìn thấy nhau, và cho thế giới biết về sự hiện hữu của con người.

Bài thơ chỉ có chức năng như một dẫn chứng để làm nổi bật lên một vài yếu tố khả dĩ có thể áp dụng vào thơ Việt. Phương pháp hay những yếu tố thơ đều mang tính duy nhất, nhưng mỗi người áp dụng sẽ có những hiệu quả khác nhau. Chúng ta hãy cùng bước trên một con đường, dẫn dắt nhau, chẳng phải vì một cá nhân mình, mà cho sự hưng thịnh của thơ. Sự thất bại hay thành công không phải là điều quan trọng, mà là một dấu mốc cho những thế hệ mai sau, đỡ đi những vấp ngã. Nhìn lại trong suốt một chiều dài lịch sử văn học, từ thơ cổ điển, Tiền Chiến đến tự do đã có những tác phẩm định hình cho nền thơ Việt. Ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn phải trở lại những thời kỳ đó, để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm và làm khác đi, mở đầu cho một nền thơ tân kỳ. Chúng ta chỉ xứng đáng, và tiếp nối được với công sức lớn lao của những thế hệ trước, nếu tìm ra được phương cách biểu hiện, tạo thành một chuyển tiếp, và chứng tỏ, thơ Việt vẫn là một nền thơ tràn đầy sức sống. Lịch sử đã sang trang, và một thời kỳ mới cũng đã bắt đầu, có một ý nghĩa vô cùng chuẩn xác. Chuẩn xác vì ai cũng biết, chúng ta không thể sống với một tâm tư cũ, những thói quen cũ. Chào đón một thiên niên kỷ hay một tân thế kỷ không phải chỉ là một lời nói suông, mà mỗi chúng ta cần phải chấp nhận sự lột xác. Sự học hỏi chỉ có ích nếu giúp cho chính chúng ta và mọi người áp dụng vào được trong sự thực hành. Chúng ta cần nhiều người tham gia vào công cuộc chung, có như thế mới thay đổi được, và chính thức bước vào một thiên niên kỷ mới.

Mùa Xuân 2000