Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Chân Nhân (kỳ 12)

Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh

MƯỜI HAI

Câu chuyện của các Facebooker Việt Nam. Chuyện là sau chuyến đi Sài Gòn ra, thày Bút đâm nghiện facebook. Thày tự lập cho mình một tài khoản với nickname là thuongthienlinhnhan. Hai tháng ở trong ngôi biệt thự quận 2, Sài Gòn không có việc gì làm ngoài xem phim đen trên mạng và lướt phây nên thày đâm ra rất thành thạo. Tài khoản lập ra thày chỉ post ảnh gái đẹp, hoa lá cành phong cảnh các nơi và lâu lâu share vài bài vô thưởng vô phạt, còn chủ yếu thày để xem tin tức, cả lề phải và lề trái. Thày vào cả những trang của mấy tay hải ngoại chuyên chửi bới nói xấu chế độ lẫn mấy trang của các nhà báo nổi tiếng thạo tin. Và cả trang của những người được gọi là dư luận viên nữa. Thày thấy quả là thời đại mới hay thật, mạng xã hội như một cái chợ thông tin thập cẩm thật giả tốt xấu lẫn lộn không biết đâu mà lần...

Mọi công việc của phủ thày hầu như đã giao hết cho nam nhân Khang điều hành.

Nam nhân Khang bằng tuổi thày Bút, vốn người trên làng Ngọc. Thủa học sinh đã nổi danh thần đồng học giỏi, Thày Bút đã nghe danh, biết mặt từ lâu. Khang đã từng đi thi quốc tế. Sau này đã được nhà nước cho đi du học nước ngoài. Về nước làm ở một cái viện nghiên cứu gì đó ngoài Hà Nội rồi bỗng nhiên bỏ ngang. Gia đình vợ con nói sao cũng không được. Vợ uất quá bỏ theo trai, Khang cũng mặc. Khang xuống phủ Thày Bút nói:

“Tôi nửa đời đọc sách, đã từng đi cả Âu, Mỹ, Tây, Tàu... Về thấy cái nước Việt bây giờ chả giống nơi nao. Thế sự ngày càng rối loạn. Xã hội nhiễu nhương. Con người ta hầu như không có lòng tin vào một điều gì tốt đẹp. Không muốn làm một cái gì lâu dài căn cơ. Chỉ nhăm nhăm ăn chơi hưởng lạc. Động xảy ra việc gì thì lại cậy tiền của ra làm lễ rõ to để cầu cạnh hối lộ thánh thần. Nhân gian ngày càng u mê lầm lạc. Tôi nghe nói thày định tác tạo cho chúng sinh một đạo để làm chỗ dựa tâm linh. Tôi muốn được nghiên cứu lĩnh hội những ý tưởng cao siêu của thày và theo làm đệ tử. Hy vọng sẽ có đức tin xứng đáng để cho dân cả nước cậy nhờ”.

Hồi bấy giờ thày Bút vừa gặp Đại Quốc Sư xong. Nghe Đại Quốc sư nói, thày nghĩ là có khi mình là người được Đức Thượng Thiên chọn thật. Nghe tiếng Khang đã lâu, nay mới được gặp trực tiếp, nghe Khang nói, thày cảm thấy đẹp lòng. Đạo thì phải có giáo chủ. Có giáo chủ thì phải có đệ tử. Khang nổi tiếng thông minh học giỏi từ xưa làm đệ tử chẳng phải là hay lắm sao?

Thày Bút từ tốn bảo Khang:

“Ngươi có lòng thành thì cứ ở lại đây với ta, sớm tối cùng ta phụng thờ Đức Thượng Thiên. Lòng thành thì thánh thần sẽ chứng. Rồi sẽ đốn ngộ”.

“Vâng thưa thày. Nghe nói thày được truyền lại một pho sách quý từ ngàn xưa, trong đó có rất nhiều điều thâm sâu cao diệu. Mong một ngày nào đó thày sẽ truyền dạy những điều đó cho đệ tử”.

“Được, cứ yên tâm. Rồi ta sẽ truyền cho nhà ngươi”. Khang ở lại làm nam nhân cho thày Bút. Lo lắng quán xuyến mọi việc trong phủ. Một lòng cung kính chăm chỉ. Sắp xếp mọi việc đâu ra đấy. Thày Bút rất đẹp lòng. Thỉnh thoảng nam nhân Khang có nhắc thày về việc truyền giảng quyển sách cổ. Nhưng Thày Bút đều gạt đi, nói:

“Ngươi cứ yên tâm phụng thờ Đức Thượng Thiên, rồi có lúc ngươi sẽ được đọc”.

Khang yên tâm một lòng hương khói thờ phụng thánh. Đêm đến lại chong đèn tự học mọi loại chữ cổ từ xưa vẫn còn lại trên đất này. Vẫn một lòng mong có ngày được đọc sách quý.

Hôm thày Bút gọi vài đệ tử thân thiết lên mật thất ngồi uống rượu. Xong cuộc rượu, thấy tâm trạng thày khá phiêu, nam nhân Khang lại xin thày mang sách quý ra giảng. Thày Bút bỗng dưng nhìn thẳng vào mặt nam nhân Khang hồi lâu rồi hạ giọng thầm thì, gần như chỉ để cho Khang nghe:

“Ta nói thật, chả có chó gì trong đó đâu!”.

Nhưng vẫn không đưa sách cho đọc. Nam nhân Khang vẫn bán tín bán nghi...

Thày Bút giờ chỉ xuất hiện ngày hai lần cấp lệnh cho con nhang đệ tử còn thời gian thày đóng cửa trong phòng riêng, thày lên mạng.

Là bởi trên mạng dịp này có rất nhiều cái hay ho.

Facebooker nguoibinhluan viết: “Sau khi Tuấn Tổng, người được coi là phụ trách kinh tài của Son sứ quân bị nhập kho, chính trường nước Việt bắt đầu lộ ra những mảng nhớp nhúa mà bao năm qua vẫn được bao phủ bằng những lớp ngôn từ dân túy bóng bảy. Nào là yêu nước chống xâm lăng. Nào là chủ quyền. Nào là biển đảo... Nghe nói cụ Nhất đã lần ra được con đường đi của số tiền bảy tỷ đô la chênh lệch giá phi vụ bán mỏ đá đen năm nào. Và từ đây hứa hẹn sẽ còn nhiều vụ làm ăn đình đám nữa của Son sứ quân và cựu cụ Nhị sẽ được khui ra. Trần Vũ, trợ lý tin cậy của Son sứ quân nghe đồn cũng đã mất tích. Về phương trời nào thì không rõ, nhưng chắc chắn là đã ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hội Đồng Mật đã phát lệnh truy nã, bởi đây là một mắt xích quan trọng để róc ra cả cụm, cả ổ quan tham lừng danh chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Thông tấn xã vỉa hè Hà Nội vốn nổi tiếng phát tin chính xác cho biết, Son sứ quân bị giam lỏng tại văn phòng cụ Nhất, mỗi ngày bị yêu cầu làm một bản kiểm điểm về những lỗi lầm của mình. Suốt hai mươi ngày liền, Son sứ quân một mực nói, tôi không có tội lỗi gì hết để mà phải kiểm điểm trước triều đình. Cho đến ngày thứ hai mươi mốt, cụ Nhất tới văn phòng gặp. Tại cuộc gặp đó còn có cả một vị sứ quân phụ trách an ninh. Cụ Nhất bảo: “Anh cũng là một tay được, quyết bảo vệ đồng bọn đến cùng. Cơ mà anh chưa biết là đang bảo vệ ai đâu. Sứ quân an ninh, ông hãy cho Son sứ quân xem toàn bộ tài liệu và băng hình”. Xem xong, Son sứ quân mặt xanh như chàm đổ, ngồi nín lặng hồi lâu không cất nên lời. Cụ Nhất bồi tiếp: “Thế nào, ông muốn lưu danh sử sách là một tên Việt gian bán nước như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống để cho muôn đời nguyền rủa hay ông muốn lập công chuộc tội?”. Son sứ quân gục đầu xuống bàn, lí nhí: “Xin lỗi cụ, tôi chỉ tham tiền hồ đồ chứ tôi quyết không muốn làm một tên bán nước. Tôi xin hợp tác”.

Facebooker chimcu viết:

“Chính trường nước Việt chưa bao giờ vui như bây giờ. Sau khi thắng thế tại Đại triều hội quần hùng, phe cụ Nhất bắt đầu thanh trừng phe của cựu cụ Nhị, đối thủ chính trị không đội trời chung. Đối với con dân nước Việt chuyện đấu đá phe phái chả có ích gì. Có bắt được một vài tay tham nhũng thì cũng không vì đó mà thế nước sáng sủa hơn. Dân vẫn lầm than. Nợ nần vẫn chồng chất. Biển đảo vẫn bị gậm nhấm. Chung quy lại vẫn chỉ là cái trò giành ghế. Thì vốn sự đời là vậy, ghế thì ít, đít thì nhiều, tranh giành đấu đá là điều tất nhiên!”.

Facebooker danden viết:

“Thực hư chuyện đấu đá chính trường thì đám dân đen chả biết đâu mà lần. Lâu lâu thấy một ông lên. Lâu lâu thấy một ông xuống. Còn ăn thì ông nào hình như cũng ăn cả thì phải, đến nỗi dân gian cho rằng phàm đã làm quan là phải tham nhũng. Điều ấy dường như là chân lý(!?). Có điều là tham nhũng bây giờ nên chia làm hai loại: Tham nhũng có ích và tham nhũng có hại(!?) Tham nhũng có ích là họ tuy chén của công nhưng họ còn làm được cái gì đó có ích cho đời sống nhân dân, ví dụ như làm cái trường học, cái bệnh viện, cái cầu, con đường...

Và số tiền chén được nó bỏ ra mở công ty nhà máy tại nước mình, con cái dân đen có khi còn kiếm được việc làm, có miếng cơm ăn. Thế nên cũng còn cho là được. Cơ mà cái loại tham nhũng có hại mới kinh khủng, nó ăn xong nó còn ỉa ra đấy cho nhân dân phải dọn. Nó xây tượng đài to vật xong để cho chim ỉa. Nó xây nhà máy công ty bằng tiền dân, tiền vay nước ngoài nhưng mua toàn đồ đểu về lắp đặt, xây xong không dùng được. Bởi nhà máy công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều nguyên liệu, càng chạy càng lỗ. Đập đi cũng không xong. Để lại đống nợ cho dân. Đống nợ khổng lồ ấy là cái quả tạ đeo vào cổ dân nước, làm cho khánh kiệt, muôn đời không ngóc được đầu lên. Chúng nó chỉ cốt kiếm được vài chục phần trăm lại quả của bên B. Mà thực ra chả phải tiền bên “bê” nào hết, đó chính là tiền của dân nước Việt mà chúng nó cùng nhau ăn cắp. Bởi vay nợ ở đâu thì rồi cũng đổ lên đầu dân mà thôi. Tiền ăn cắp được nó mang ra nước ngoài, gửi nhà băng, mua nhà cửa, tài sản rồi âm thầm sang bên đó hưởng thụ. Mặc kệ nước nhà ôm núi nợ. Kệ mẹ dân đen lầm than với muôn trùng khốn khổ. Loại này không những chỉ là ăn cắp tham nhũng mà còn là bọn tiếp tay cho ngoại bang phá hoại đất nước. Bọn này chính là lũ giặc nội xâm, lũ bán nước”.

Một hôm, thày Bút ra kinh thành chơi. Nam nhân Khang hỏi thày đi đâu, thày bảo ta đi đổi gió vài hôm rồi về.

Thày vào một nhà con nhang đệ tử bảo dẫn đi chơi nghe ngóng thiên hạ binh tình ra sao, chứ ngồi nhà đọc mạng thấy loạn quá. Tay đệ tử theo về hầu phủ điện của Thày Bút từ lâu. Hắn vốn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội nhưng chả đi làm ngày nào. Hắn đi đánh hàng qua biên giới. Mỗi lần đi hắn đều về xin lệnh. Giờ hắn giàu sụ, mua được cả dãy phố Hà Thành, cho thuê lấy tiền rong nhan. Hắn vẫn tín thày Bút lắm, có sự gì hơi phải động đậy đều về làm lễ xin lệnh. Tay đệ tử hỏi: “Thày thích đi đâu?” “Ta chỉ thích ra vỉa hè trà đá hay đến quán cà phê bình dân nghe dân tình chém gió!”. Tay đệ tử nghĩ thày hết tiền bèn bảo: “Để tôi đưa thày đến những chỗ sang trọng đẳng cấp một tí. Tầm tôi và thày lại lê la vỉa hè sao tiện? Tiền thì thày không phải lo. Tôi đây giờ chả có gì đáng kể, chỉ có tiền”. Thày Bút nhìn bản mặt của tay đệ tử, thấy nó sao mà giống cái thằng Trần Vũ vậy, từ lời ăn tiếng nói cho đến tác phong đi đứng khệnh khạng như bố con chó xồm. Mà thằng Trần Vũ bây giờ không biết phiêu bạt nơi đâu? Hôm chia tay, Trần Vũ đưa cho cái thẻ ngân hàng nói là của Son sứ quân gửi. Tò mò, xuống sân bay thày Bút liền vào ngay ATM rút 500 ngàn, lấy hóa đơn. Thấy báo trong tài khoản còn mười chín tỷ chín trăm chín mươi chín triệu năm trăm ngàn đồng. Thày cũng không lấy làm lạ lắm, bởi thày đồ rằng phía trong các bức vách bằng thép không gỉ của căn hầm dưới ngôi biệt thự ở quận 2 kia của Son sứ quân, có mà còn hàng tấn tiền đô không chừng, liệu có cơ mà tiêu không nữa kia.

Thày Bút rút trong ví ra cái thẻ ngân hàng, dứ vào mặt tay đệ tử:

“Ông có biết trong này có bao nhiêu tiền không? Thừa để mua luôn một cái biệt thự bên Vinhome riverside đấy! Ta thích chỗ vỉa hè bình dân không phải do không có tiền mà là ta muốn nghe thiên hạ nói chuyện thời cuộc ra sao, hiểu chưa?”.

“Vâng, xin tuân ý thày”.

Đệ tử bèn đưa thày lên một quán cà phê nổi tiếng trên phố cổ, nơi có nhiều tao nhân mặc khách, trí thức văn nghệ sĩ và cả những tay lang thang du đãng bát phố rất thạo tin ghé qua ngồi. Tới đó họ vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa bàn đủ thứ chuyện tùy theo hứng mỗi hôm.

Bên hàng hiên trông ra đường của quán có vài chiếc bàn, là nơi ngồi ưa thích mỗi chiều của mấy vị khách quen mặt. Thày trò bèn chiếm một bàn. Lát sau, bàn bên cạnh có bốn tay đàn ông lần lượt đến. Lần lượt gọi cà phê. Người nâu người đen. Có ông gọi đen đá không đường.

Ông mặt nhàu - là từ thày Bút ngầm đặt tên cho người đàn ông có đôi mắt hoang vắng, gương mặt nhàu nhĩ đau khổ - Dường như ông phải mang trong lòng một nỗi khổ não vô cùng nặng nề không giải thoát được nên thành ra gương mặt ông ấy mới rầu rĩ đến vậy. Ông cất tiếng nhỏ nhẹ, trong giọng nói phảng phất âm vực của người Hà Nội cổ:

“Này các ông ạ, thời nay đúng là mạt pháp, quân hồi vô phèng, chả còn kỷ cương xã hội gì cả. Càng đọc càng biết nhiều càng thấy đau lòng. Quan chức hủ bại chỉ biết vơ vét chả kẻ nào muốn làm việc công. Dân đen bị đè nén đến cùng cực rồi, không khéo thì lại loạn mất..”.

Ông mặt nhàu thở dài bỏ lửng.

Ông đầu hói - Thày Bút mới nhìn thấy đã thầm thắc mắc, sao tay này có một quả đầu láng bóng và vĩ đại đến vậy. Nhưng mà ngoại cái đầu ít tóc ra, còn thì trên người ông này cái gì trong cũng có vẻ phì nhiêu phong độ.

Ông đầu hói nói:

“Cái nước mình vốn từ xưa đến nay là đại nghịch vô đạo nên nay mới sinh ra toàn những chuyện quái gở như thế. Đã thế lại ở bên một cái thằng chuyên ăn thịt người nên càng khốn khổ. Nó dở đủ trò ăn hiếp ta mà cứ phải ngậm đắng nuốt cay”.

“Ôi trời! Có dân đen ta phải chịu ngậm đắng nuốt cay mọi bề, chứ các quan có phải ngậm đâu. Các quan nuốt chửng toàn miếng ngon miếng bở cả rồi. Bán buôn bán lẻ chia chác xong cả rồi!”.

Ông đầu hói chưa nói xong thì ông ngồi bên cạnh, mặc áo chim cò đã cắt lời. Lúc ông này mới ghé vào, Thày Bút đã thấy hơi hơi chuối. Tay này chắc phải cỡ ngoài lục thập cơ mà quần phăng giầy tây bóng loáng, áo chim cò khá thời thượng. Ông chim cò ngưng nói, nhấp một ngụm cà phê, hình như để cho thông giọng hay sao. Ông lại trầm xuống:

“Thấy bảo dạo này trong triều đánh nhau dữ lắm. Cụ Nhất quyết đánh cho tan đám tay chân bâu nhâu còn lại của cựu cụ Nhị đấy. Mà các ông thấy có lạ không, trước khi đại triều hội quần hùng khai mạc, thế cụ Nhị to vật vã. Tiền nhiều nhất nước. Các đầu lĩnh sứ quân theo về dưới trướng ngàn ngạt. Thế mà ra đại triều hội bị cụ Nhất chỉ là một ông trí thức quanh năm đọc sách bắt ngồi đâu ngồi đấy, cứ như cua càng gặp ếch. Kể cũng lạ”.

Người đàn ông thứ tư có mái tóc dài bạc trắng như cước, buộc gọn ra đằng sau gáy như đàn bà kẹp tóc bằng một sợi dây chun. Ria bạc, lông mày cũng bạc, những sợi trắng óng ánh rợp trên đôi mắt đen tinh anh sắc sảo nom rất lạ. Nhưng khuôn mặt thì vẫn căng tràn sức sống, nước da đỏ đắn nên thật khó đoán tuổi. Thày Bút âm thầm gọi là gã đầu bạc. Gã này có giọng nói trầm ấm đa âm sắc, khó lòng mà biết đó là thuộc phương ngữ vùng nào. Từ lúc tới ngồi xuống, gật đầu chào các ông bạn, gọi một ly nâu đá. Rồi gã vẫn yên lặng mải miết ngắm con phố nhỏ đâm ra Hồ Gươm. Con phố lúc nào cũng đông. Ô tô, xe máy, người đi bộ lượn lờ đánh võng luồn lách né nhau. Khách ta khách Tây lũ lượt. Hình như Tây nhiều hơn ta. Đang mùa hè, những cô nàng Tây trắng trẻ trung, quần soóc ngắn cũn khoe cặp giò dài mịn màng rám nắng. Những cái áo hai dây mỏng manh dường như chỉ để tôn những cặp vú tròn căng đồ sộ, núng nính dập dềnh theo từng bước tung tăng thêm phần hấp dẫn.

Gã đầu bạc nhấp một ngụm cà phê, chen vào câu chuyện:

“Các ông chỉ được cái nói lăng nhăng. Chuyện chính trị quốc gia đại sự nó không đơn giản như các ông nghĩ đâu. Nhiều lúc trông vậy nhưng không phải vậy. Cụ Nhất nói năng hiền hậu như ông giáo làng, thế nhưng tại sao cụ lại được quần hùng suy tôn cả hai nhiệm kỳ? Phải có cái gì đó thì người ta mới bầu chứ! Cụ Nhị nhiệm kỳ trước oai phong lẫm liệt, từng vào sinh ra tử, tay chém gió mắt nhìn thẳng. Diễn đàn nào cũng tuyên bố yêu nước thương dân chống giặc ngoại xâm. Thế nhưng hai nhiệm kỳ điều hành kinh tế làm cho tan hoang đất nước, nợ nần chồng chất. Phàm đất đai nơi hiểm yếu trong nước đem bán hết cho ngoại bang cả rồi. Nhưng túi riêng của cụ ấy cùng bọn lâu la thì đều chật căng. Nhà cửa, tài sản ở nước ngoài không biết bao nhiêu mà kể mặc kệ cho ngân sách quốc gia trống rỗng, lúc nào cũng chỉ chực vỡ nợ. Thử hỏi nếu không có người như cụ Nhất ra tay chặn lại thì đám ấy còn làm cho đất nước này đi đến đâu?”.

Ông mặt nhàu:

“Thế mới biết chính trị nó kinh khủng thật. Chính trị vẫn là thống soái các ông ạ”.

Ông chim cò:

“Tôi thì cho rằng người đời thì cứ phải là cái quan định luận. Những nhà chính trị nhiều khi phải bốc mộ đến trăm lần mới phân định được ai trung ai gian, đâu công đâu tội”.

Ông đầu hói bảo:

“Tôi thì thấy tiếc. Tôi mà có nhiều tiền thế, lực thế, tôi làm cuộc cách mạng cung đình.Thành công thì vừa giữ được tiền, vừa lưu danh sử sách muôn đời, dân chả thờ như thánh nhân. Không thành công ta chạy ra nước ngoài, tiền sẵn đó ăn đến mấy đời cho hết?”.

Gã đầu bạc nhếch mép cười khá khinh bạc. Hắn đang dõi mắt theo một cô bé Tây trắng tóc nâu chân thon thẳng tắp. Cô nàng khoác tay, líu lo đi giữa phố với một tay Tây đen, đen đến mức không thể đen hơn. Gã bất giác thở ra một hơi dài, cứ như là tiếc nuối điều gì. Quay sang ba ông bạn, gã lại thủng thẳng:

“Về cái việc này thì ông hói có vẻ đúng đấy. Chính trường nước ta cần phải có một cuộc cách mạng do những nhà chính trị chân chính tiến hành. Xã hội đang bức bối về đủ mọi loại tệ nạn, cần kíp cái sự thay mới đổi cũ lắm rồi. Thế nhưng khổ nỗi những gương mặt mà các ông nhắc đến chả có tay đếch nào xứng danh là nhà chính trị đúng nghĩa cả. Nhà chính trị chân chính là người mang thiên chức phục vụ xã hội, làm việc vì lợi ích của đất nước, của mọi người. Thế nhưng mà những tay đó đã lên đến hàng thượng thư tể tướng mà chỉ nghĩ đến kiếm ăn, vinh thân phì gia. Chả tay nào nghĩ đến cái danh thơm lưu lại núi sông ngàn năm cả. Cuối cùng cũng chỉ lộ ra bản chất là tư cách mõ! Thế nên chỉ ra sức tìm mọi mánh lới đục khoét. Đục cho lắm, ăn cho lắm... Rồi thì được lưu danh với trời đất là phường ăn cắp cả lũ với nhau”.

Nghe đến đây, tay đệ tử của thày Bút vẫy nhân viên quán cà phê thanh toán tiền rồi bảo:

“Ta về thôi”.

Trên đường về, tay đệ tử nói:

“Mấy ông ngồi đó toàn loại ếch. Chém linh tinh chả đâu vào đâu. Tối nay để tôi mời mấy tay sừng sỏ đi uống rượu cùng. Bọn ấy chém mới chính xác!”.

Tối hôm ấy tại một nhà hàng sang trọng trên phố Lý Thường Kiệt, tay đệ tử của thày Bút đã mời hai người bạn xã hội đến giao lưu. Một ông là nguyên Tổng biên tập báo có tiếng tăm. Một ông là Viện phó chính sách xã hội đương nhiệm. Tay đệ tử biết tính thày, rất thích cuộc rượu vừa đủ thành phần tửu tứ. Với những cuộc như thế nó sẽ không quá ồn ào và cũng không quá lạnh lùng. Vừa đủ để có thể thiết lập mối thân tình và hàn huyên mọi chuyện.

Sau khi giới thiệu với nhau và yên vị trong trong một phòng VIP, tay đệ tử hỏi:“Hôm nay các thày uống gì ạ?”

Hai khách bèn bảo, hôm nay có thày Bút ở đây nên để thày chọn. Thày bèn chọn một chai Ballantine’s 21.

Thày bảo:

“Từ ngày ở với Son sứ quân trong Sài Gòn ra, tự nhiên tôi như nghiện hương vị của cái món này”.

Hai vị khách khá ngạc nhiên. Tay đệ tử nói:

“Thày tôi được Son sứ quân mời vào trong đó với tư cách thày tâm linh riêng một thời gian”.

Viện phó cầm ly, nhìn sâu vào cái thứ nước thần thơm phức, màu vàng óng, đưa lên mũi ngửi, rồi gật gù như tìm ra chân lý:

“À à... ra thế”.

Tổng biên tập mắt sáng lên, đúng tư cách của một nhà báo lão luyện đánh hơi thấy một đề tài nóng, cầm ly rượu nói:

“Chạm với thày cái. Tôi đang dự định năm tới về hưu sẽ viết một bộ sách về chính trường đương đại nước mình. Tôi rất muốn được nghe câu chuyện của thày”.

Thế là buổi tối hôm ấy, thày Bút đã kể cho mấy người trong bàn rượu nghe những gì mình biết được về Son sứ quân, về Tuấn Tổng, Trần Vũ... Nhu cầu chia sẻ thông tin của con người hầu như cũng tương đương với nhu cầu được biết mọi thông tin đang diễn ra quanh mình. Chả thế người xưa đã viết ra câu chuyện cổ, có một anh chàng biết một điều bí mật của một vị vua, nhưng vì đã hứa với đức vua là giữ kín không cho ai biết nên anh chàng rất bức bối. Vì cái điều bí mật nó cứ ngọ ngoạy trong lòng mà không thể nói ra. Nó như là một khối nặng vô định hình đeo đẳng dấm dứt, khiến cho con người anh ta cần thiết phải trút xả. Anh chàng đành phải vào rừng, đào một cái hố, chui đầu xuống nói xả hết mọi thứ vào trong đất để cho lòng được nhẹ nhõm! Thày Bút, từ buổi ở Sài Gòn về lại làng Cùng thì không thể chia sẻ cùng ai với cái núi thông tin mà mình vô tình biết được. Đã thế những tin tức hàng ngày trên ti vi đài báo, nhất là trên facebook luôn tràn ngập. Có đúng có sai. Có cái status chính xác như hôm qua tay này vừa ngồi uống rượu với các Sứ quân xong. Có cái dựng đứng thô bỉ đổi đen thành trắng, trắng thành đen cho cụ Nhị, Son sứ quân, Tuấn Tổng, Trần Vũ. Có những cái phán về các kỳ họp của Hội Đồng Mật đã quyết định xử ai, xử ai như đúng rồi. Thật đúng là một cái chợ thông tin trên internet. Cái chợ này nó đáp ứng nhu cầu hóng của mọi tầng lớp dân cư. Thế nhưng đọc những tin bài trên đó, nó lại càng kích thích cái nhu cầu chém gió, nhu cầu chia sẻ của thày Bút cao độ. Nhiều khi vừa đọc, thày vừa lầm bầm chửi trong miệng, chả biết đéo gì mà cũng viết cũng nói, ông mày không nói thì thôi, chứ đã nói thì cả nước cứng họng.

Bữa rượu tối hôm ấy, thày Bút gặp hai nhân vật xứng đáng để nghe chuyện. Lịch lãm. Biết cách đưa đẩy, khơi gợi. Và hơn hết từ họ toát ra vẻ trí thức thực thụ. Trong câu chuyện, họ cũng đau đáu nỗi niềm với vận mệnh của đất nước, đời sống của nhân dân. Thày Bút cảm thấy tin tưởng họ là những người tốt.

Và thày Bút đã kể hết.

Hai vị khách nghe, gật gù uống rượu. Thỉnh thoảng ngắt lời, để thêm vào một vài chuyện, vài tình tiết như là minh họa cho câu chuyện của thày Bút thêm sinh động.

Kể xong, thày Bút hỏi:

“Tôi chỉ có thắc mắc mỗi một điều là, tại sao cơ cánh của cụ Nhị trước đại triều hội quần hùng kỳ vừa rồi mạnh thế. Nhiều người ủng hộ. Tiền nhiều. Phiếu cao. Thế mà rồi thúc thủ trước ông sĩ phu Bắc Hà mặt trắng, hầu như chả có gì ngoài mấy quyển sách cũ. Vậy là sao?”.

Viện phó gục gặc cái đầu, mớ tóc hoa râm lòa xòa xuống trán. Thong thả tự nhấp một ngụm rượu, ngậm một lát trong khoang miệng dường như để thưởng thức hết cái hương vị đặc biệt của whisky lâu năm, rồi mới từ từ nuốt. Ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt Thày Bút đang ngồi đối diện, hỏi:

“Thày có xem cái video clip của một vị tướng công an phát mấy hôm vừa rồi trên mạng không?”.

“Tôi có xem”.

“Đó! Thày có thấy vị yếu nhân đó nói, bên kia bọn họ cài cắm người trên khắp nước ta rồi không? Tay chân của họ đã len lỏi vào được cả những vị trí cao nhất của bộ máy chứ không chỉ là những chỗ bên rìa nữa!”.

“Thế ra câu chuyện dân gian đang đồn thổi về những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống mới là sự thực à?”

“Là sự thực mới đau đớn chứ!” - Tổng biên tập chợt chen vào, giọng có nhiều cảm xúc, bi thương, phẫn uất...

Tay đệ tử với chai rượu rót đều ra cả bốn ly, cầm lên hướng về trước phác một cử chỉ mời chạm cốc. Cả ba người còn lại đều cầm ly của mình lên, bốn cái ly chạm vào nhau một tiếng “keng” gọn ghẽ. Tổng biên tập dốc cạn luôn vào họng, rồi nói tiếp:

“Thực lòng là nghe những chuyện đó mới đầu tôi không thể tin nổi. Thế nhưng suy xét kỹ thì quả đúng là vậy, sự thực rành rành, không cãi được. Có thế thì trước hôm đại triều hội quần hùng vừa rồi cụ Nhất mới phải cho bẻ nanh, đuổi hai thằng tay chân bảo vệ kinh thành, cử người khác thay thế. Nghe nói tại cuộc gặp diễn ra chỉ mười lăm phút trước khi khai mạc đại triều hội của cụ Nhất và sứ quân an ninh với cụ Nhị, cụ Nhất đã tuyên bố thẳng tưng: Chúng tôi đã nắm trong tay mọi bằng chứng về việc anh tham ô, nhũng loạn, tiếp tay cho ngoại bang làm suy yếu đất nước. Hồ sơ chứng cứ các vụ việc đây: A, B, C, cho tới X, Y Z đủ cả. Nhưng chúng tôi chưa muốn xử lý anh ngay, vì như vậy sẽ tan vỡ đại triều hội quần hùng, rối loạn đất nước, kẻ thù sẽ thừa cơ đánh chiếm. Cho nên hôm nay ra đại triều hội anh phải tuyên bố rút khỏi mọi chức vụ. Tuyệt đối không ra ứng cử hay nhận đề cử. Nếu ngoan cố, lập tức lực lượng đặc biệt ngoài kia sẽ xông vào bắt và lập tòa án đặc biệt xử tử hình tại chỗ vì tội phản quốc!”.

“Liệu có khi nào đây chỉ là chuyện đấu đá tranh giành phe nọ phái kia không?” - Tay đệ tử của thày Bút từ đầu chỉ nghe là chính, bỗng góp vào.

Viện phó ngồi đối diện liền ngẩng lên, mắt mũi vẫn sáng rực, tỉnh táo, cứ như là ông ta chưa hề uống chút rượu nào, giọng nói vẫn rõ ràng khúc triết:

“Tôi biết dưới thời cựu cụ Nhị là ông phất mạnh, ăn đủ. Cú mở rộng thủ đô vào phía núi ông thu một kho vàng. Thế nhưng bằng lý trí tỉnh táo của một người có học ông thử xem, ai là người ký bán rừng biên giới, bán biển Miền Trung, bán Tây Nguyên cho ngoại bang? Ai là người ký vay tiền nước ngoài rồi mua dây chuyền sản xuất lạc hậu của họ về xây mấy chục nhà máy. Tố giá thiết bị lên cao ngất ngưởng để trên dưới chia chác với nhau xong rồi tính hết vào giá thành xây dựng. Xây xong bỏ đó không chạy được vì càng làm càng lỗ. Nhưng gánh nặng nợ nước ngoài cứ phình ra mãi ra cho dân ta phải chịu. Và bây giờ nó đã thành một hòn đá khổng lồ đang đeo vào cổ nước ta. Ai là người gật đầu đồng lõa cho Son sứ quân ký hàng loạt dự án BOT bố láo mà thực chất là cái trò ăn cướp tiền dân công khai trắng trợn? Ai là người khởi đầu cho một phong trào khốn nạn nhất lịch sử nước ta là bổ nhiệm toàn con cháu bất tài vô tướng của mình làm quan chức, cướp hết cơ hội của người tài năng thật sự, làm cho bộ máy ngày càng hủ bại. Rồi thì ai đem lon tướng tá, ghế quan ra mua bán như hàng hóa ngoài chợ. Ai làm những điều bất chấp lẽ phải ấy? Ai bất chấp quyền lợi của nhân dân, an nguy của xã tắc, chỉ biết vơ đầy túi tham. Ai?”.

Ngưng lại một lát, nhấp một ngụm rượu, Viện phó hạ giọng trầm ấm, vừa đủ cho bốn người nghe:

“Chính là cựu cụ Nhị hoành tráng của ông đấy!”. Tay đệ tử cười khà khà, nâng ly rượu làm một ngụm rồi bảo:

“Chả có cụ nào là của tôi cả! Tôi chỉ có cụ Bill, cụ Ô, nay là cụ Trump!”.

Tổng biên tập ngồi đối diện thày Bút cũng cười, nhìn thày nói:

“Tay đệ tử của thày nó nói thật lòng. Bọn tôi quý nó ở cái tính nết. Chỗ bạn bè chơi với nhau lâu là nói thẳng, không lươn lẹo”.

Viện phó với tay nhấc chai rượu đang để trong một cái xô nhỏ bằng inox trong đó đựng đá làm lạnh rượu ra, nhìn chai còn độ một phần tư, hỏi cả bàn:

“Bọn mình tối nay đây là chai thứ mấy nhỉ?”

“Mới là chai thứ nhất, tuổi này chúng ta cưa xong một chai lớn này là quá vĩ đại rồi, lấy đâu ra chai thứ mấy mà ngài hỏi thế!”.

Tay đệ tử của thày Bút mau mắn trả lời. Theo thông lệ, y là người mời và sẽ thanh toán chầu này.

Tổng biên tập bảo:

“Thôi, còn bao nhiêu chia đều. Tối nay thế này thôi nhé. Tí nữa tớ còn phải về ghé qua trả bài cho con bồ ruột. Mấy tuần nay trốn thuế rồi. Trốn mãi nó nhẩy ngược lên rồi cắm cho vài cái sừng như hươu cao cổ lên đầu thì nhục!”.

Viện phó nhếch mép cười rất lạ, tự tay rót rượu ra đều bốn chiếc ly. Mỗi chiếc ly được đến hai phần ba. Thông thường uống whisky, người ta chỉ rót khoảng phần tư ly để nhâm nhi, bởi rượu rất cao độ, phải nhấm nháp mới thấy ngon và chịu được. Uống theo kiểu dzô dzô của dân Nam Việt thì đến voi cũng chết gục ngay tại bàn.

Rót xong rượu, Viện phó nói:

“Ăn đều chia sòng, của ai nấy hưởng nhé!”.

Viện phó tợp một ngụm khá to, nuốt thẳng chứ không ngậm lại miệng như thường lệ. Hình như ngài cũng đã bắt đầu phê. Nuốt xong ngụm rượu, ngài “khà” một tiếng khoái trá rồi nhoài người về phía giữa bàn, lấy ngón tay trỏ móc móc ra ý gọi cả ba ông kia cùng chụm lại. Ngài hạ giọng gần như thầm thì:

“Tôi nói điều này để các ông tham khảo thôi nhé. Theo đồn đại của giới giang hồ quốc tế, cựu cụ Nhị nhà mình khóa trước, là người của bên kia cài vào đấy! Ngài này bị đặc tình của họ khống chế và mua đứt từ hồi dưới pháo đài huyện cơ. Sau này họ còn cử hẳn một tay tư bản tài chính sang nằm vùng tại quận 5 để yểm trợ kinh tài. Có thiên triều ủng hộ, lại có tiền nên mới mạnh thế, lên như tên lửa. Mới nghe thì hơi vô lý, vì cụ Nhị vốn dân ở “Rờ” ra, binh lửa mút mùa. Thế nhưng theo phân tích tình báo chiến lược của giang hồ quốc tế thì rõ như ban ngày: Tất cả mọi hành động của cụ Nhị đều hướng đến phục vụ cho chiến lược của bên kia, đó là làm cho tiềm lực nước ta suy yếu, không mạnh lên được! Để luôn luôn bị khống chế làm phên giậu, làm con bài mặc cả của họ với các cường quốc, kiểu như chú Ủn bên Bắc Triều Tiên vậy. Đã thế cụ ấy còn vớ bẫm, giàu số 1 Đông Nam Á này. Theo số liệu của tổ chức minh bạch quốc tế công bố, tay Suharto của Indo được mệnh danh tham nhũng nhất thế giới mà trong hơn ba mươi năm trị vì quốc đảo, tham được khoảng 25 - 30 tỷ đô. Thế nhưng cụ Nhị nhà mình, xong hai nhiệm kỳ cũng kiếm được tương đương chỗ đó. Hỏi sao dân ngày càng bần cùng, nước ngày càng tan hoang!”.

“Thế cho nên nếu cụ Nhất không ra tay, không thành công với cuộc này thì chúng ta lại hoàn toàn có thể lặp lại một ngàn năm nô lệ mới. Giặc ngoại xâm thì mới chỉ đánh trống khua chiêng hù dọa bên ngoài cửa ải. Thế nhưng bọn tham nhũng, bán nước hại dân bên trong mới là nguy hiểm. Lũ giặc nội xâm này vơ vét tàn phá hết mọi nguồn lực phát triển, để lại gánh nặng nợ nần cho nước rồi ôm tiền, dắt con cháu đi hưởng thụ ở miền đất mới. Mà chúng nó còn âm mưu chiếm ngôi cao nhất để bán luôn, bán đứng, bán vĩnh viễn đất nước này cho ngoại bang kia”.

Tổng biên tập thốt nhiên đứng dậy, tay vẫn cầm ly rượu, gằn giọng đanh nhỏ tiếp lời Viện phó. Ông ta làm một ngụm to, nuốt, khà, rồi nói tiếp:

“Có thể dân tộc này, đất nước này đã trải qua mấy ngàn năm rồi không biến mất thì bây giờ cũng sẽ không bao giờ biến mất trên bản đồ thế giới được. Thế nhưng nếu không chiến thắng được lũ tham tàn khốc hại này thì dân ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ mọc mũi sủi tăm lên được. Sẽ vĩnh viễn đóng vai của những kẻ nhược tiểu hèn hạ thấp kém trong thế giới này mà thôi. Ta hãy cầu cho anh linh tổ tiên phò trợ cho cụ Nhất thành công. Và dẫn dắt dân ta vào con đường sáng của tự do dân chủ, của đất nước hùng cường”.

Ngài Viện phó đứng dậy, tay vẫn cầm ly rượu nói như tiếp lời ngài Tổng biên tập:

“Chuyện cụ Nhất thắng cụ Nhị ở đại triều hội quần hùng vừa rồi là cái sự tất nhiên phải vậy. Thiện phải thắng ác. Chính nghĩa phải thắng gian tà. Như là sự đời xưa nay dù có lúc quanh co rồi vẫn phải theo con đường thẳng. Cụ Nhất có chính nghĩa trong tay thì đám tham quan bất nghĩa phải run sợ. Bởi cụ được cả nước Việt ủng hộ. Thế nhưng tiêu diệt đám sâu bọ đục khoét ấy đi mới chỉ là bước đầu. Mà sau khi dẹp bọn nội xâm ấy, cần phải mở ra một chương mới cho lịch sử nước Việt: Cần phải hướng đất nước phát triển theo con đường dân chủ, tự do, nhà nước tam quyền phân lập. Có thế đất nước mới giàu mạnh vững bền, tránh được nạn tranh giành quyền lực bằng binh đao máu lửa. Nhân dân nước Việt mới được hưởng hạnh phúc muôn năm. Người nào làm được điều này sẽ là một vĩ nhân thứ hai của nước ta sau Đức Thánh Trần đã hiển thánh để cho toàn dân muôn đời thờ phụng. Một danh nhân đã nói, khi lịch sử cần một nhân vật nào đó, thì con người ấy sẽ ra đời. Hy vọng sẽ có con người mà nước Việt cần cho thời khắc này xuất hiện!”.

Nghe hai ngài trí thức kinh thành, trong một phút thăng hoa của rượu ngon bạn hiền bỗng bừng bừng cảm thán nói ra những điều gan ruột xong, tự nhiên thày Bút thấy lạnh người. Họ nói ra những điều kinh thiên động địa mà thực ra thày Bút chưa bao giờ nghĩ đến. Trong lòng thày Bút lúc đó chợt dấy lên một niềm hối hận vô bờ là chỉ vì muốn thỏa mãn trí tò mò mà đã biết những câu chuyện thật kinh hoàng.

Thày lấy hết sức bình sinh cầm ly rượu đứng dậy, nói:

“Thôi, cũng đã muộn. Ta chạm với nhau một cái rồi chia tay, nhỉ?”.

Cả bốn người chạm cốc. Keng. Nốc cạn. Khà. Đặt ly xuống bàn. Họ bắt tay từ biệt nhau mà không nói thêm lời nào nữa.

Trên đường về, tay đệ tử nói với thày Bút:

“Tôi không tin vào những điều hai ông này vừa nói. Tôi nghe các ông chỉ là như một kênh tham khảo, đối chứng. Là dân doanh nghiệp, tôi chỉ tin vào những điều mắt thấy tay sờ. Mà như mắt em thấy thì cả một hệ thống nó đã nát bét ra rồi, be bịt chỗ này thì chỗ khác nó lại phòi ra. Một hệ thống hư hỏng được xây dựng trên một lý thuyết sai lầm nên tạo ra cả một tầng lớp, một giai cấp thống trị mới chỉ biết tham nhũng vinh thân phì gia, kiếm cho đẫy túi rồi chạy đi nước ngoài sinh sống. Thế thì bắt xử một vài tên hỏi có giá trị gì mấy không? Mạnh mẽ triệt để là phải thay đổi cả hệ thống kia. Tôi ở trong hệ thống này, tôi hiểu. Không còn cơ nào cứu vãn đâu thày ơi!”.

T.T.C.