Juan Pablo Cardenal
Heriberto Araújo
Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015, 2917
Lời kết
Chủ nhân mới của thế giới
"Trung Quốc không phải là một siêu cường, cũng không bao giờ tìm cách trở thành siêu cường. Nếu ngày nào đó Trung Quốc đổi màu và trở thành một siêu cường, cũng đóng vai bạo chúa trên thế giới, và buộc khắp nơi chịu đựng sự bắt nạt, hung hăng và bóc lột của nó, thì mọi người trên thế giới cần điểm mặt chủ nghĩa đế quốc - xã hội của nó, vạch trần nó, chống lại nó và hợp tác với nhân dân Trung Quốc để lật đổ nó."
Đặng Tiểu Bình phát biểu tại Liên hiệp quốc, ngày 10 tháng 4 năm 1974
Trời mưa tầm tã ở Caracas, bác sĩ Mei Qixian khăng khăng đòi đi cùng chúng tôi đến nhà hàng Trung Quốc ở góc phố, cách phòng khám y học cổ truyền của ông chỉ 100 mét. "Đây là một nơi rất nguy hiểm. Tôi không muốn để các anh một mình," ông nhấn mạnh, cầm chiếc ô trong tay, khi chúng tôi đi bộ dọc theo những con phố bẩn thỉu của thủ đô Venezuela. Một cảm giác hoang tưởng gây ra bởi sự bất an đã lan rất nhanh trong cộng đồng người Trung Quốc ở Venezuela, vốn đã trải qua một thời gian khó khăn vào cuối năm 2010 khi trở thành mục tiêu ưa thích của các nhóm tội phạm có tổ chức. Sự thành đạt thường thấy của cộng đồng trong kinh doanh - thành quả, trong số nhiều thứ khác, của khả năng hy sinh vô song - đã biến họ thành mồi ngon cho những kẻ bắt cóc, giết người và bọn lừa đảo mà hoạt động tội phạm của chúng đã tăng lên theo cấp số nhân kể từ khi Hugo Chávez nắm quyền lực.1
Bước theo sau người đàn ông gầy gò, mảnh dẻ chỉ bập bẹ tiếng Tây Ban Nha dù đã sống ở nước này hai mươi năm nhưng bù lại là lối cư xử tinh tế và tư thế đĩnh đạc, chúng tôi thấy ở ông tất cả những đức tính bẩm sinh của người Trung Quốc. Mei đã từ làng quê Ân Bình ở tỉnh Quảng Đông đến Venezuela với mục đích duy nhất hành nghề châm cứu và tự mình tạo dựng một tương lai tốt hơn. Ông quyết định thử vận may tại một vùng đất xa lạ ở phía bên kia trái đất, chỉ với kiến thức cơ bản về kiểu chữa bệnh có vẻ không khác gì trò phù thủy đối với nước Mỹ La-tinh này lúc đó. Tuy nhiên, kỹ năng y học cổ truyền Trung Quốc và sự làm việc tận tụy của ông đã chiến thắng thành kiến và thái độ bài ngoại mà di dân Trung Quốc gặp phải ở bất cứ nơi nào họ đến. Ngày nay, Mei đang hưởng một cuộc sống sung túc và vị thế xã hội có từ việc làm bác sĩ riêng cho ba đời tổng thống Venezuela.
Tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên định và quyết tâm táo bạo để thành công, câu chuyện của bác sĩ Mei là một cái gì đó thực sự tác động mạnh đến tâm trí chúng tôi. Nó hòa lẫn với ký ức về người bán dạo Trung Quốc kéo đống quần áo rẻ tiền trên đường phố Cairo tối tăm, hay hình ảnh những công nhân Trung Quốc bị bóc lột ở Gabon đã tiếp xúc với chúng tôi tại văn phòng ở Bắc Kinh. Nó cũng trộn lẫn với những câu chuyện về tất cả di dân vô danh khác với ý chí tồn tại đáng ganh tị và sự làm việc chăm chỉ, trung thực của họ mà chúng tôi đã gặp trong suốt hành trình của mình. Với những câu chuyện người thực việc thực đáng ngưỡng mộ của họ, vài chuyện được kể trong cuốn sách này, tất cả thầm lặng dệt nên màng nhện một hiện tượng không thể ngăn cản và mang tính lịch sử. Họ là những bằng chứng sống thời điểm của Trung Quốc cuối cùng đã đến; thế giới của Trung Quốc đã xuất hiện.
Những công nhân, kỹ sư, thợ may, thương nhân, đầu bếp và các nhà doanh nghiệp dũng cảm đã đeo một khuôn mặt người lên cuộc chinh phục hành tinh của Trung Quốc. Chính bàn tay của họ đang thực hiện công cuộc tái thiết lớn nhất của châu Phi kể từ thời kỳ thuộc địa, xây dựng Angola mới, trải nhựa trên hàng ngàn km đường khắp lục địa này. Trong khi đó ở Trung Á, công việc lắp đặt đường ống dẫn dầu và khí của họ đã đưa khí đốt từ vùng chiến lược xa xôi này chảy vào các bếp ăn ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Nỗ lực phi thường, đã tạo ra những bến cảng, đường sá, đê đập và sân bóng đá mới khắp thế giới, có lẽ là khuôn mặt dễ thấy nhất của sự bành trướng toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là đỉnh của tảng băng trôi.
Cái bóng dài ngoẵng của nhà nước Trung Quốc không khỏi phủ lên tất cả các dự án hạ tầng này. Trong thế kỷ mới, Trung Quốc nhất quyết lấy lại vị thế siêu cường đã từng có trong hàng trăm năm trước những năm đầu thế kỷ 19. "Thế giới nói về sự nổi lên của Trung Quốc như thể đó là một hiện tượng mới, trong khi ở Bắc Kinh điều đó chỉ được xem như là sự trở lại hình thái tự nhiên của sự vật: một hình thái trong đó Trung Quốc đứng đầu mọi thứ," Pankaj Ghemawat, nhà kinh tế và giáo sư trường Harvard University nói. Thế giới các nước đang phát triển - với tài nguyên thiên nhiên dồi dào và thị trường nguyên sơ chờ đợi khai thác - đóng vai trò cơ bản trong chiến lược nhằm đặt Trung Quốc một lần nữa vào vị trí trung tâm hoạt động toàn cầu.
Ở các nước đang phát triển, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ được nhìn với sự tán thành, mà còn hết sức nồng nhiệt đối với nhiều chính trị gia chóp bu. "Thế kỷ 21 này là thế kỷ Trung Quốc lãnh đạo thế giới. Và khi các bạn lãnh đạo thế giới, chúng tôi muốn đi ngay đằng sau. Khi các bạn đi lên mặt trăng, chúng tôi không muốn bị bỏ lại phía sau," Tổng thống Nigeria lúc đó Olusegun Obasanjo phát biểu trong chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào tới quốc gia châu Phi này năm 2006. Câu nói tổng hợp cảm giác nhẹ nhõm lãnh đạo các nước đang phát triển cùng cảm nhận khi phải đối mặt với viễn cảnh một thế giới đa cực trong tương lai, trong đó Trung Quốc rốt cuộc nắm vai trò chỉ huy dàn nhạc. Sức mạnh quyến rũ của Bắc Kinh kết hợp việc sử dụng thông điệp chống thực dân một cách kín đáo với chiến lược ngoại giao tắc kè biến màu, đồng thời sử dụng các khoản đầu tư hàng triệu đô-la để vươn vòi ảnh hưởng khắp hành tinh.
Tiêu chuẩn nước đôi của Bắc Kinh chứng minh yếu tố đầu tiên trong số đó. Ví dụ, Trung Quốc đã can thiệp tại Liên hiệp quốc để chấm dứt cuộc nội chiến ở Sudan, nhưng cũng chào đón long trọng Tổng thống Sudan, Omar al-Bashir, người đang bị luật pháp quốc tế truy nã. Ví dụ về yếu tố thứ hai có thể nhìn thấy trong 340 tỷ đô-la các công ty Trung Quốc (hầu hết là công ty nhà nước) chi ra từ năm 2005 đến giữa năm 2012 ở những nơi như Sri Lanka, Zimbabwe, Brazil và các nước khác. Tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khiến phương Tây rơi vào cái bẫy của hệ thống tài chính của chính mình, cung cấp cho Trung Quốc lực đẩy cần thiết để trở thành "ngân hàng mới của thế giới": bàn đạp hoàn hảo để chinh phục thế giới.
Lịch sử cho thấy tiếp cận với quyền lực tài chính là điều cần thiết. Các chuyên gia xác định sự chuyển đổi địa vị thống trị từ châu Âu sang Mỹ vào đầu thế kỷ 20 khi Mỹ trở thành nước cho vay lớn nhất thế giới và - giống Trung Quốc ngày nay - một siêu cường sản xuất.2 Dưới sự lãnh đạo của Washington, Mỹ tiếp tục tạo ra Liên hiệp quốc và thành lập các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng như tự do hóa thương mại. Ba thành tố này là đặc trưng của trật tự thế giới được thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc hiện đang trải qua một tình huống tương tự với tình huống Mỹ đã trải qua trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến: phát triển công nghiệp và tiếp cận với sức mạnh tài chính gần như không giới hạn. Nếu như vậy, lẽ nào điều này không cho thấy nước châu Á này đang bước theo cùng con đường tiến tới lật đổ hiện trạng và đặt nền móng cho một trật tự thế giới mới?
Có lẽ vẫn còn quá sớm để đưa ra một câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì toàn bộ hành tinh giờ đây có thể nghe thấy tiếng cọ xát điếc tai của chuyển động kiến tạo gây ra bởi sự nổi lên của Trung Quốc, với mô hình, giá trị và cách làm độc đáo được mọi người vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi nhìn vào. Trật tự thế giới mới là tin tức tuyệt vời đối với nhiều nước đang phát triển. Chủ nghĩa thực dụng Trung Quốc mang lại lợi ích không thể chối cãi, ví dụ, cho nhiều nước châu Phi ngày nay có được cơ sở hạ tầng mà ngay cả nằm mơ họ cũng không bao giờ thấy, cùng với các sản phẩm Trung Quốc giá cả phải chăng. Chúng tôi không chỉ nói về một loạt phần cứng, quần bò và điện thoại di động "Made in China," mà còn ô tô, công nghệ và máy móc vốn đặc biệt hấp dẫn ở châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh vì giá cả cạnh tranh của chúng. Nhưng đó không phải là tất cả. Ngoài việc chào mời hàng hóa giá rẻ để cung cấp cho các thị trường này, Trung Quốc còn là một người mua dài hạn tin cậy.
Về mặt này, nhu cầu nguyên liệu vô độ của Trung Quốc là cơ hội vàng cho các nước giàu tài nguyên thiên nhiên. Các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng có khuynh hướng chấp nhận rủi ro hơn so với đối thủ cạnh tranh phương Tây, và họ tiến vào các thị trường này với tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực riêng sẵn có của họ để duy trì, nâng cao hoặc bắt tay vào sản xuất dầu mỏ, trồng cao su hay đậu nành và khai thác khoáng sản. Với sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc, các tổng công ty nhà nước có thể quyết định nhanh chóng và không quay lưng lại với cơ hội kinh doanh ít lợi nhuận, vì họ biết họ còn có nhiệm vụ bảo đảm lợi ích chiến lược của quốc gia: nguồn cung nguyên liệu tương lai và rộng hơn, an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Nhu cầu và tiêu dùng của Trung Quốc đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao kỷ lục, dẫn đến dòng chảy thương mại lâu dài và thu nhập to lớn, về lý thuyết, sẽ phục vụ hiện đại hóa các nước tiếp nhận và giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Hơn nữa, giá trị của các hạ tầng có được không phải không quan trọng và không nên xem nhẹ, ngay cả khi nhiều tuyến đường bộ hay đường sắt ban đầu được hình thành để phục vụ các dự án nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, cuộc "tấn công quyến rũ" vì tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc gây ra cuộc tranh luận gay gắt xung quanh tác động thực sự của các dự án này. Chủ sở hữu các nguồn tài nguyên được gì từ các dự án? "Không thể phủ nhận những tác động tích cực [của cuộc tấn công quyến rũ], đã tác động lên cán cân thương mại và cho phép dòng thu nhập chảy xuống toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ. Đó không phải là cách mang lại sự phát triển," Javier Santiso, một cựu kinh tế gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) và hiện là giáo sư tại Trường kinh doanh ESADE ở Madrid phát biểu.
Nhận xét của học giả nổi tiếng này đi thẳng vào mấu chốt của vấn đề. Câu nói của ông đề cập đến sai lầm chiến lược nhiều quốc gia giàu tài nguyên vấp phải: với việc không yêu cầu Trung Quốc tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế của họ và tự định vị là nhà cung cấp tài nguyên thô, họ đang lãng phí những cơ hội do nhu cầu nguồn cung khẩn thiết của Trung Quốc mang lại. Đó chỉ đơn giản là vấn đề sử dụng chiến lược mà Bắc Kinh đã thực thi ba mươi năm trước3 khi họ mở cửa cho đầu tư nước ngoài để đổi lấy chuyển giao tri thức và tạo ra của cải và giá trị gia tăng ở cấp độ địa phương. Một ví dụ về điều đã xảy ra nhưng không thể nhìn thấy là trường hợp của lithium, một loại khoáng sản hiếm có tầm quan trọng chiến lược vì vai trò của nó trong sản xuất pin và điện thoại di động. Bolivia là một trong những quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất trên thế giới. "Thị trường xuất khẩu lithium có giá trị một tỷ đô-la; thị trường xuất khẩu bình điện trị giá 25 tỷ đô-la và thị trường xuất khẩu xe hơi sử dụng bình điện làm từ lithium có giá trị 200 tỷ đô-la," Santiso giải thích. "Bị định vị, như Bolivia, ở khâu đầu tiên trong chuỗi sản xuất là một sự lãng phí cơ hội chiến lược."
Với một vài ngoại lệ hiếm hoi, đây chính xác là điều đang xảy ra với các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh, theo như chúng tôi được biết. Tại Peru, Myanmar, Nga và Mozambique, chỉ đề cập đến vài nước mà Trung Quốc quay sang tìm nguồn cung cấp dài hạn, tất cả các khoản đầu tư hàng triệu đô-la và hợp đồng cung cấp dài hạn chỉ phục vụ tiếp cận các nguyên liệu được xuất khẩu ở dạng chưa qua chế biến. Ở châu Phi, thất bại của các đặc khu kinh tế của Trung Quốc - ban đầu định bố trí thành lập nền tảng cho nền công nghiệp có nhiều cấp độ khác nhau - cho thấy không chỉ các nước tiếp nhận lãng phí cơ hội vàng; các công ty Trung Quốc cũng có vẻ không quá quan tâm đến việc đóng góp giá trị gia tăng. Vì thế các khoản đầu tư khổng lồ này tạo ra được sự giàu có gì? Ai đang thực sự tận dụng các cơ hội do Trung Quốc đưa lại? Người dân địa phương có được chút lợi lộc nào không?
Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đã nêu lên tiếng nói của những người lẽ ra được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hiện diện của Trung Quốc ở các quốc gia này: những công nhân làm việc cho các công ty Trung Quốc và các cộng đồng nơi các công ty này đặt trụ sở. Những kết luận rất quan trọng: họ không chỉ cảm thấy không được lợi lộc gì mà, thêm vào đó, rất ngạc nhiên là Trung Quốc không phải lúc nào cũng được chào đón bất chấp việc triển khai các nguồn lực cực lớn của nó. Cảm nhận tiêu cực về ông chủ mới là do điều kiện làm việc cực kỳ tệ hại vốn là đặc trưng chung của các dự án của Trung Quốc, ngoài ra còn do việc thiếu hoàn toàn nhạy cảm về môi trường, chuyển giao công nghệ và kiến thức ít ỏi cho người dân địa phương, và sự lên án phổ biến là Trung Quốc đến đó chỉ vì lợi ích riêng của họ.4 Ngay cả những người không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các dự án cũng có cùng cảm nhận này. Trao đổi với các học giả, nhà chính trị, nhà báo, đại diện công đoàn và các tổ chức phi chính phủ, cảm giác thất vọng luôn gây ra bởi công cuộc bành trướng của Trung Quốc càng trở nên rõ ràng.
Trong ý nghĩa này, kinh nghiệm của chúng tôi ở Trung Quốc đã cho thấy những con số áp đảo liên quan đến tầm quan trọng của các dự án của Trung Quốc - cả bên trong và bên ngoài biên giới của họ - thường bóp méo sự thật. Đầu tư có vẻ rất ấn tượng về số lượng hóa ra không tương thích về chất lượng các lợi ích cung cấp cho người dân địa phương. Một ví dụ về điều này có thể được thấy trong hợp đồng 6 tỷ đô-la giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và các công ty nhà nước Trung Quốc, chi tiêu khổng lồ của các công ty sẽ trở nên vô ích hoàn toàn hay có rất ít giá trị nếu rốt cuộc đó chỉ là đổi khoáng sản lấy hạ tầng. Quan trọng hơn hết, thái độ mà các tập đoàn Trung Quốc thể hiện gây nghi ngờ nghiêm trọng về việc tạo ra phúc lợi ở cấp địa phương dưới hình thức tạo việc làm mới. Nhiều công ty xúc phạm tình cảm và, trong nhiều trường hợp, lòng tự trọng của công nhân châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh của họ bởi họ mang theo thói quen đối xử vô nhân từ Trung Quốc. Khẩu hiệu hoa mỹ "cùng thắng" của chính phủ Trung Quốc chắc chắn đã bị hoài nghi.
Vì vậy, câu hỏi là: nếu không phải là người dân địa phương thì ai tận dụng được những cơ hội do Trung Quốc đưa lại? Sau khi đọc cuốn sách này, có thể bạn đã biết câu trả lời: giới chóp bu địa phương, kinh tế và/hoặc chính trị, ở cả các nước dân chủ lẫn các chế độ độc tài. Trong nhiều trường hợp, giới chóp bu xem cơ hội kinh doanh với Trung Quốc như là một giao dịch ngắn hạn, hoặc thậm chí là cơ hội để kiếm cho mình miếng bánh. Rõ ràng Bắc Kinh có thể rất dễ dàng đạt được mục tiêu của họ với những chế độ không quan tâm đến các chuẩn mực - xã hội, môi trường hoặc điều kiện làm việc – là những gì phải được tuân thủ ở các nước khác trên thế giới. Cả hai bên đều thắng - Trung Quốc và giới chóp bu - khi tình trạng thiếu minh bạch phổ biến cho phép họ giữ kín âm mưu của mình. Thực tế quốc gia châu Á này đang lặng lẽ xoay xở để đạt mục tiêu của nó, và trong một số nước, đang vượt qua các đối thủ cạnh tranh, là không đáng ngạc nhiên lắm. Vấn đề cơ bản không phải là thực tế Trung Quốc đang chinh phục thế giới; điều thực sự quan trọng là cách thức nước này thực hiện điều đó.
Cách thức ấy là tất cả những gì được phép xảy ra với lý do quá quen thuộc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, một cái cớ không có nghĩa gì khác ngoài nỗi đau khổ của hàng triệu người do các dự án của Trung Quốc gây ra. Có phải đây là thế giới mới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc? Chúng tôi tự hỏi khi chứng kiến trực tiếp những thảm họa diễn ra ở miền bắc Myanmar, ở các mỏ Peru hay dọc theo sông Mekong.
Tháng 3 năm 2011, khi đã đến hầu như tất cả các nước đề cập trong cuộc điều tra này, chúng tôi được mời tham gia một hội nghị Trung Quốc - Châu Phi tại trường University of Oxford. Tại hội nghị, ông Tần Cương, nguyên là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tiết lộ, có lẽ không chủ ý, bản chất thực sự của sự bành trướng toàn cầu của Trung Quốc trong bài trình bày của ông. Tần Cương cơ bản bảo vệ hai ý tưởng: thứ nhất, "vấn đề lớn của châu Phi là thiếu phát triển" và, do đó, các khoản đầu tư và việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang đóng vai trò quyết định trong sự phát triển đó;5 và, thứ hai, "thành công của Trung Quốc [ở châu Phi] là do thực tế chúng tôi không bao giờ chấp nhận điều kiện từ nước ngoài," điều đó khẳng định "sẽ không có sự thay đổi trong chính sách ngoại giao không can thiệp [vào công việc của nước khác] của chúng tôi."
Phân tích của Tần Cương không thể chính xác hơn. Trong các dẫn chứng liên tục về "phát triển kinh tế," ông không một lần đề cập đến các giá trị đi cùng sự tiến bộ, như công bằng hay bình đẳng, như thể phát triển là một cái gì đó trừu tượng và tách biệt với đối tượng nó hướng đến phục vụ - con người. Điều này khẳng định những gì chúng tôi rất nhiều lần nhìn thấy cả trong chính Trung Quốc và trên cuộc hành trình qua ba châu lục: thực tế Trung Quốc đã quan hệ với các nước đang phát triển theo mô hình cũ, ưu tiên chủ yếu tăng trưởng kinh tế của riêng họ trên mọi thứ khác, không thể hiện bất cứ quan tâm nào đến tác dụng phụ của chính sách này.6 Mặt khác, Tần nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không thực hiện ngay cả một thay đổi nhỏ nhất trong chính sách không can thiệp, cơ bản có nghĩa là Bắc Kinh không chỉ duy trì quyền không tuân theo chuẩn mực quốc tế đã công nhận, mà còn, quan trọng hơn, không sẵn sàng chịu bất cứ loại giám sát nào.
Cũng ở Oxford, nghị viên Bồ Đào Nha của quốc hội châu Âu Ana María Gomes, tác giả của một báo cáo về tác động của Trung Quốc ở châu Phi,7 đã chuẩn xác trong bài phát biểu. "Phát triển không thể đạt được nếu không có quản trị tốt, tôn trọng nhân quyền và luật pháp," bà nêu chính xác. Trong ý nghĩa này, bà chỉ ra "Trung Quốc chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì và kéo dài quyền lực của giới chóp bu địa phương tham lam." Điều này rõ ràng đề cập đến chính giới chóp bu đang chiếm đoạt - đôi khi thô tục như vậy - những lợi ích đi cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. "Để ngăn chặn giới chóp bu đang ngày càng giàu lên và người dân đang ngày càng nghèo đi, cần có xã hội dân sự," bà nhấn mạnh. Bà nghị viên đã thốt ra những từ kỳ diệu: xã hội dân sự.
Alejandra Alayza, điều phối viên của Mạng lưới Peru vì Toàn cầu hóa công bằng (RedGe) ở Lima, xem xét giá trị của xã hội dân sự bằng một ví dụ so sánh phù hợp. Bà cho chúng tôi biết khi Peru đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Hoa Kỳ và châu Âu, tổ chức phi chính phủ của bà thường xuyên liên lạc với các đối tác Mỹ và châu Âu để vận động, không chỉ ở Lima mà còn ở Washington và Brussels, nhằm đạt được các điều kiện công bằng hơn trong hiệp định. Nói cách khác, các tổ chức phi chính phủ ở các nước đã đi vượt ra ngoài "vấn đề quốc gia" để cùng nhau tác động lên bản hiệp ước vì lợi ích của người dân nước mình. "Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán FTA với Trung Quốc, chúng tôi thấy không có xã hội dân sự trong quốc gia châu Á này để giúp chúng tôi trong cuộc đấu tranh về các vấn đề như quyền của người lao động và môi trường."
Lời của Alayza chỉ ra việc thiếu xã hội dân sự, tự do báo chí hay nền pháp trị để giám sát, định ra giới hạn và lên án hoặc trừng phạt các hành động không phù hợp của các tập đoàn Trung Quốc ở nước ngoài - như ở các nước dân chủ - có nghĩa Trung Quốc để mặc các nước tiếp nhận áp đặt các giới hạn lên những hành động này. Giám sát càng ít, khả năng xung đột và lạm dụng càng lớn. Do đó, các đối trọng vốn phổ biến ở các nơi khác trên thế giới, nhưng bị khinh thường hoặc không tồn tại ở Trung Quốc, giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết ở châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh. Nếu không có sự giám sát này, các công ty - có quan hệ không thể chối cãi với nhà nước Trung Quốc - sẽ hoàn toàn tự do tiếp tục các hành động vô trách nhiệm của chúng. Rõ ràng việc thiếu kiểm tra và đối trọng tạo nên sự khác biệt.
"Một đất nước có tự do ngôn luận sẽ thật tuyệt vời, vì mọi thứ có thể bị phơi bày trước xã hội. Pháp trị là nền tảng cho việc củng cố nền dân chủ. Người ta không thể chống tham nhũng ở nơi nền pháp trị không được tôn trọng," Paulus Noa, giám đốc của Ủy ban Chống tham nhũng (ACC) cho biết khi gặp chúng tôi ở Namibia. Trong văn phòng của ông ở trung tâm Windhoek, Noa đoan chắc với chúng tôi tham nhũng - vốn phổ biến ở những người nhập cư Trung Quốc hơn bất cứ nhóm nào khác ở cấp địa phương – đặt ra một vấn đề đau đầu thực sự đối với một trong số các quốc gia dân chủ nhất ở châu Phi. "Tại ACC tôi không nghe thấy bất kỳ trường hợp tham nhũng nào liên quan đến người nước khác, chỉ người Trung Quốc. Tôi không nói người nước khác không làm điều đó, nhưng quy mô các trường hợp đó quá nhỏ. Nếu chúng tôi cho phép người Trung Quốc hay bất kỳ ai đến đây và làm thoái hóa tất cả viên chức ở đây, thì tôi xin thưa rằng: tương lai và nền dân chủ của đất nước này sẽ trở nên rất, rất yếu. Nếu chúng tôi làm khác đi [thay vì chống tham nhũng], nền kinh tế của chúng tôi sẽ sụp đổ và chúng tôi sẽ giống như tất cả quốc gia châu Phi khác. Chúng tôi phải chiến đấu với bất cứ ai muốn làm suy đồi xã hội chúng tôi."
Lời của Noa phản ánh nỗi sợ hãi do Trung Quốc gây ra ở Namibia. Điều này đặc biệt đúng từ khi một nhân viên ở công ty nhà nước Trung Quốc Nuctech, chuyên gia trong sản xuất thiết bị an ninh sân bay như máy quét và máy chiếu tia X, dính líu vào vụ án tham nhũng gián tiếp liên quan đến cả Hồ Hải Phong, chủ tịch của Nuctech tại thời điểm đó và là con trai của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ngay sau khi vị đại diện người Trung Quốc của Nuctech ở Namibia bị bắt, cùng với hai công dân Namibia, cỗ máy kiểm duyệt của Trung Quốc nhanh chóng vận hành, gia tăng từ cấp độ thông thường như không đưa tin sự kiện đó trên truyền hình, đài phát thanh và báo chí đến một chiến dịch kiểm duyệt Internet dữ dội. Trong một bầu không khí hoang tưởng hoàn toàn, điều này đã đi xa tới mức ngăn chặn tất cả các trang mạng có chứa từ "Namibia."8 Tình trạng che giấu thông tin ở mọi cấp, vốn đã cản trở cuộc điều tra của chúng tôi ở khắp nơi từ Iran đến Sudan và từ Kazakhstan đến Venezuela, cũng giống như tình trạng trong những năm chúng tôi làm phóng viên ở Trung Quốc, bất ngờ xuất hiện lần nữa để bảo vệ lợi ích của nhà nước do đảng lãnh đạo.9
Với tất cả mặt tốt lẫn mặt xấu, không nghi ngờ gì sự hấp dẫn và công thức hiệu quả của Trung Quốc - dựa vào hỏa lực của chủ nghĩa tư bản nhà nước - đã cho phép Trung Quốc tiến không ngừng vào thế giới đang phát triển, vốn có thể được xem như khúc dạo đầu cho một cuộc chinh phục các thị trường phương Tây trong tương lai và, cuối cùng, một trật tự thế giới mới do Bắc Kinh kiểm soát. Tốc độ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay là hệ quả tự nhiên của sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh vào những thế mạnh riêng của họ, vốn được tác động rất nhiều bởi cuộc khủng hoảng kinh tế phương Tây. Ở mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng đã đe dọa toàn bộ mô hình phương Tây, và ở Trung Quốc điều đó được xem là bằng chứng suy tàn của hệ thống dựa trên dân chủ tự do. "Ngày nay, Trung Quốc là giải pháp thay thế. Mô hình của chúng tôi cho thấy có một con đường khác. Và ai biết được, có thể nó tốt hơn con đường của phương Tây," Li Guofu, nhà ngoại giao đã làm việc tại Hoa Kỳ và châu Phi và là một chuyên gia về Trung Đông, nói với một mức độ cởi mở khác thường.
"Phương Tây muốn áp đặt hệ thống của họ trên thế giới, khắp nơi từ Trung Quốc đến Trung Đông. Họ muốn thiết lập một lịch trình dựa trên quyền con người và dân chủ... Nhưng, chúng tôi tự hỏi tại sao chúng tôi phải theo mô hình này khi nó có lẽ đã lỗi thời," Li khẳng định, một cách ngang ngược, trong một quán cà phê ở trung tâm Bắc Kinh. Cảm giác lực đẩy của phương Tây giờ đã kết thúc được chia sẻ hoàn toàn hoặc một phần từ các nước đang phát triển khác, và thậm chí từ một số học giả phương Tây, giờ đây xem Trung Quốc như là một mô hình hiệu quả mới và không thể bác bỏ. Như thể chưa đủ, vai trò lãnh đạo thế giới mới này đang được điều hành bởi một quốc gia đang nổi lên – một trong số nước đang phát triển – sẵn sàng cho vay tiền, tiến hành đầu tư và tăng cường quan hệ chính trị mà không áp đặt bất kỳ điều kiện hoặc yêu cầu bất kỳ vấn đề khó xử nào. Vì vậy nền dân chủ, hệ thống, dẫu không hoàn hảo, đã mang lại thịnh vượng, phúc lợi, công lý, tự do và bình đẳng cho cuộc sống nhân loại hơn bất kỳ lý tưởng nào khác nhân loại từng có, giờ đây thấy mình phải cạnh tranh với "Đồng thuận Bắc Kinh," tên của mô hình Trung Quốc.
"Công thức thần kỳ" của Trung Quốc rất nổi tiếng: một mặt, chủ nghĩa can thiệp của một nhà nước chỉ đạo toàn diện nền kinh tế và xã hội; và, mặt khác, một mức độ kiểm soát chính trị khốc liệt bao gồm sự phục tùng của quyền lực nhà nước - cũng như các phương tiện truyền thông - đối với một Đảng nắm giữ độc quyền quyền lực mà không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai. Hiệu quả của hệ thống độc tài này, được cỗ máy tuyên truyền mô tả một cách thô bỉ là "hài hòa," cung cấp cho nhiều nước con đường tắt để phát triển với mức giá rất cao, do những người bị bỏ lại phía sau trả. Chủ nghĩa thực dụng Trung Quốc đã chiến thắng rõ ràng trong thế giới đang phát triển. Ở các quốc gia đang nổi lên được đặc trưng bởi quyền tự do dân sự và sự phân chia quyền lực, giới chóp bu chính trị địa phương có dấu hiệu nhượng bộ dưới áp lực của sự phấn khích do việc xuất hiện của Trung Quốc tạo ra. Mặt khác, công thức này đặc biệt hấp dẫn đối với các chế độ chuyên chế ở châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh, vốn liên minh mờ ám với các chế độ độc tài lớn nhất trên hành tinh để tồn tại. Bất cứ nơi nào nhìn thấy cơ hội, Trung Quốc chọn hành động như một kẻ đồng lõa trong những việc phạm pháp chứ không hành động như một người bảo vệ pháp luật.
Thực tế không chỉ Trung Quốc đã trở thành nhà vô địch tuyệt vời và là đối tác kinh doanh yêu thích của các chế độ áp bức nhất trên thế giới (Myanmar, Bắc Triều Tiên, Iran, Sudan, Cuba), hay các công ty nhà nước của Trung Quốc thường được giao toàn quyền trong các giao dịch của họ do hiệu ứng thiếu trách nhiệm của nhà nước toàn năng Trung Quốc. Mà điều quan trọng chính là sự tiêm nhiễm và chấp nhận các tiêu chuẩn và giá trị Trung Quốc - vốn rất mơ hồ đối với chuẩn mực kinh doanh tốt hay các vấn đề lao động, xã hội hay môi trường - trong khắp không gian ảnh hưởng của Bắc Kinh, từ các quốc gia họ đang đầu tư đến các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á.10 Có vẻ như lý thuyết do nhà sử học và nhà báo Anh Martin Jacques đưa ra sẽ trở thành một thực tế: thế giới nghĩ rằng Trung Quốc sẽ bị phương Tây hóa hơn khi quá trình mở cửa kinh tế của họ tiếp tục. Điều thực sự xảy ra hoàn toàn trái ngược: thế giới đang bị "Trung Quốc hóa."11
Liệu thế giới mới này dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc sẽ là một thế giới tốt hơn? Nó sẽ là những xã hội bình đẳng và công bằng hơn? Sẽ có sự tôn trọng lớn hơn đối với nhân quyền của các thành viên yếu nhất trong xã hội hay một nhận thức đầy đủ hơn về bảo vệ môi trường? Thế giới sẽ an toàn hơn và hợp tác hơn? Đối mặt với câu hỏi như vậy, cuốn sách này tường thuật các tác động mà Trung Quốc ngày nay có khả năng gây ra ở những nơi hẻo lánh, cách xa nhau như vùng Siberia Nga và tỉnh Katanga của Congo ở trung tâm khai thác mỏ của vùng cận Sahara Phi. Chúng tôi cần một bối cảnh rộng lớn hơn trong cùng thời kỳ để tìm ra câu trả lời dài hạn dứt khoát cho những câu hỏi này và xác định liệu mô hình và công thức Trung Quốc đang vận hành mang lại điều xấu hay sự tốt lành. Nhưng theo nghiên cứu và kinh nghiệm phong phú của mình, chúng tôi không thể lạc quan.
Phương Tây đã cố giải thích bản chất của cái được cho là sự thống trị trong tương lai của Trung Quốc thông qua việc sử dụng một luận cứ của Mani giáo dựa trên sự tiến hóa và quá khứ gần đây của châu Á.12 Các nhà chính trị, kinh tế, ngoại giao và tất cả các loại chuyên gia nhất định cho rằng Trung Quốc tất yếu dần dần trở thành một nền dân chủ kiểu phương Tây, hoàn tất với sự phân chia quyền lực, một hệ thống đa đảng và tự do hóa của xã hội dân sự. Giả sử tất cả điều này sẽ xảy ra như là hậu quả không thể tránh khỏi của việc người dân Trung Quốc tăng dần sự giàu có và khát khao của họ ngày càng lớn đối với tự do, quyền tham gia và công lý. Chính những nguồn ý tưởng này nhấn mạnh - như họ đã làm trong nhiều thập niên - rằng nếu những cải cách này không diễn ra, thì tương lai duy nhất dành cho Trung Quốc sẽ là một cuộc cách mạng hay sự sụp đổ của nhà nước. Theo lập luận này, họ cho rằng Bắc Kinh ý thức được điều đó và có một lộ trình đặt ra để đảm bảo rằng, tại một thời điểm trong vòng 100 năm tới, Trung Quốc sẽ có một hệ thống tự do, công bằng và bình đẳng không dựa trên tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, cũng không dựa trên đàn áp và sử dụng quyền lực với bàn tay sắt.
Đối với những ai đã có nhiều năm nghiên cứu và sống ở Trung Quốc, những lý thuyết và tư duy này ít ra cũng có vẻ khinh suất. Ngay ở giữa chuyến điều tra này, vào tháng 10 năm 2010 người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba, nhận được tin về giải thưởng uy tín của mình trong góc tối nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh, nơi chính quyền giam giữ ông vì là một trong những người chủ mưu bản tuyên ngôn đề nghị dân chủ hóa Trung Quốc: Hiến chương 08. Bản án 11 năm tù của ông về tội bất đồng chính kiến không phải là một trường hợp cá biệt, mà đúng hơn là sự khởi đầu làn sóng đàn áp lớn nhất chống lại xã hội dân sự Trung Quốc kể từ vụ thảm sát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cùng lúc với các cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập đã rung chuông báo động giới quyền lực Bắc Kinh, chính quyền quyết định tăng cường hệ thống cảnh sát của mình. Kể từ đó họ đã sử dụng cả biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp, như bắt cóc, tra tấn hoặc quản thúc tại gia, để bịt miệng hàng trăm hoặc hàng ngàn người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động, nghệ sĩ và luật sư.13
Với tinh thần dũng cảm, lòng nhân đạo và ý thức công lý không thể hủy diệt của họ, những người này - nhiều người làm việc trên một nền tảng nhân đạo - đã trở thành ngọn hải đăng hy vọng cuối cùng cho nhiều người dân đã bị chà đạp bởi lạm quyền của Trung Quốc thế kỷ 21. Chế độ này xem quyết tâm của họ là thách thức đối với quyền lực của mình, và do đó, biến họ thành mục tiêu đàn áp. "Các luật sư các vụ án nhân quyền đã bị đẩy sang vị trí của người bất đồng chính kiến. Họ không muốn điều đó xảy ra, nhưng hệ thống này đã ép buộc họ thành một loại "cực đoan." Các nhà hoạt động có thể làm việc tại Trung Quốc trong mười năm qua giờ không thể tiếp tục ở đó," Nicholas Bequelin của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền giải thích khi gặp chúng tôi ở Hồng Kông. "Lo sợ của chính quyền Trung Quốc về việc mất kiểm soát [quyền lực] do các phong trào hoạt động đã được phóng đại để tiến hành đàn áp hơn nữa."
Bước lùi về tự do dân sự này thậm chí đã được phản ánh trong ngân sách nhà nước Trung Quốc, năm 2010 lần đầu tiên đã cấp cho công an (85 tỷ đô-la) nhiều hơn quân đội (82,7 tỷ đô-la). Xu hướng này có khả năng tiếp tục xấu đi trong những năm tới khi đối mặt với sự gia tăng các cuộc biểu tình bạo lực ở Trung Quốc - khoảng 180.000 vụ trong năm 2010 (tăng gấp đôi năm 2006) - do bất công và không có bất cứ điều chỉnh nào.
Phân tích tình hình ảm đạm của Bequelin phù hợp với một sự kiện khác diễn ra vào ngày 01 tháng 7 năm 2011: kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào ngày này, Bắc Kinh đã cho thấy thêm những dấu hiệu, bất chấp kỳ vọng của phương Tây, rằng họ không vội làm dịu áp lực đặt lên xã hội vốn được hưởng một mức độ nhất định quyền tự chủ kinh tế nhưng bị tước bỏ các quyền chính trị và tự do. Bắc Kinh thậm chí không vội áp dụng hệ thống dựa trên các giá trị tự do, mà theo các bộ phận cứng nhắc nhất của xã hội Trung Quốc, là sẽ chỉ hủy hoại Trung Quốc và làm cho nó một lần nữa thành đối tượng bị nước ngoài thống trị. Tất cả các quan điểm này xuất phát từ chính quyền Trung Quốc và đang lan rộng - từ trên xuống dưới - đến từng giai tầng xã hội. Bất cứ ai đã từng sống ở nước này và tiếp xúc hàng ngày với các học giả, nhà báo, công chức và nhà hoạt động Trung Quốc; những người đọc báo và xem truyền hình; những người nói chuyện với người Trung Quốc trên đường phố; và đã sống qua tất cả những thăng trầm của đất nước này biết rằng có một niềm tin phổ biến siêu cường mới này sẽ là thứ gì đó trừ việc là bản cải tiến của mô hình phương Tây. Điều này có nghĩa là giới chóp bu chính trị Trung Quốc - bản thân Đảng cộng sản Trung Quốc và nhóm đặc quyền kinh tế - chẳng có động cơ gì để thay đổi chế độ, vì họ hưởng lợi từ nó về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. Thực ra, cái gọi là "phép lạ Trung Quốc" phải được hiểu theo nghĩa là một phép lạ chủ yếu cho giới chóp bu nước này, vì hệ thống đó cơ bản được thiết kế và dự kiến để phục vụ cho mục đích của họ, là duy trì quyền lực và giàu có hơn nữa.
Vào ngày 01 tháng 7 đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm với màn trình diễn tuyệt vời thể hiện tính hoành tráng và uy nghi, đánh dấu sự kết thúc năm nắm quyền thứ 62 của mình. Chế độ này đã sử dụng một loạt tuyên truyền trong đó giành lấy toàn bộ trách nhiệm đối với sự thành công của đất nước, bất chấp thực tế 1,3 tỷ người Trung Quốc thực ra đã làm việc cật lực để đưa tới kết quả này. Họ là những người đã phải chịu đựng những khó khăn do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra và, từ kẻ tha hương khốn khổ nhất đến người doanh nhân táo bạo nhất ở Ôn Châu, họ là những người đã xây dựng lại một đất nước đang trên bờ vực sụp đổ kinh tế và xã hội tại thời điểm Mao chết năm 1976. Do đó, tùy thuộc vào họ để đảm bảo rằng "thế kỷ của Trung Quốc" là một giai đoạn lịch sử mới của công lý và tôn trọng sẽ biến thế giới thành một nơi tốt hơn để sống. Đó là thách thức đặt trước người dân Trung Quốc, và chính vì qui mô và tầm quan trọng lớn lao như thế người dân các nước khác không thể làm ngơ.
Tháng 8 năm 2012
Ghi chú
GIỚI THIỆU
1. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chọn ngày giờ đặc biệt để đảm bảo sự kiện này sẽ bắt đầu với sự trùng lặp càng nhiều số 8 càng tốt: ngày 8 tháng 8 năm 2008 lúc 8 giờ 8 phút 8 giây. Ở Trung Quốc, số 8 là biểu tượng của sự phát đạt.
2. China Global Investment Tracker: 2012, Heritage Foundation. Những số liệu về đầu tư và hợp đồng các loại với trị giá trên 100 triệu đô-la Mỹ do các công ty Trung Quốc ký kết từ năm 2005 đến tháng 6.2012. Xem: http://www.heritage.org/research/reports/2012/01/china-global-investment-tracker-2012.
3. Theo International Energy Agency, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 79 phần trăm lượng dầu cung ứng vào năm 2030. Ước tính lúc đó con số này sẽ chừng 15 triệu thùng dầu mỗi ngày.
4. Nguồn: National Bureau of Statistics of the People’s Republic of China. Xem: http://www.uschina.org/statistics/tradetable.html.
5. Chất lượng của cơ sở hạ tầng "Made in China" là mối quan tâm chung của các nước đối tác do thực tế các công trình kiến trúc và đường sá có xu hướng xuống cấp sau một thời gian ngắn. Các tác giả đã chứng kiến một trong những ví dụ điển hình nhất ở Luanda, thủ đô Angola. Họ thử đến thăm Bệnh viện Đa khoa Luanda do Trung Quốc xây dựng, một trong những bệnh viện lớn nhất ở nước này với 250 giường, nhưng đã bị quân cảnh không cho vào. Bệnh viện đã phải sơ tán ngay sau khi mở cửa, vì xây dựng kém và nguy cơ đổ sụp. Nhìn từ bên ngoài, bệnh viện hàng đầu bị chối bỏ này đã ở trong tình trạng đổ nát, tòa nhà chính bị rạn nứt. Sau bốn năm đóng cửa, Bắc Kinh và Luanda đã nhất trí về một kế hoạch cải tạo để mở cửa bệnh viện trở lại vào năm 2014.
1 NGƯỜI DI CƯ THÁCH THỨC THẾ GIỚI
1. Thuật ngữ mingong trong tiếng Trung Quốc được sử dụng để chỉ công nhân di cư, một tầng lớp lao động có chừng 200 đến 300 triệu người đã vận hành cái gọi là "công xưởng thế giới" trong hơn ba mươi năm qua. Hệ thống cư trú của Trung Quốc gây bất lợi cho những người lao động rời bỏ quê quán của họ nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn qua việc tước bỏ những quyền như quyền được chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho con cháu của họ, hay chỉ cho họ tiếp cận hạn chế các dịch vụ này. Vì thế trong nhiều năm con cái của người di cư không thể đi học nếu chúng đi cùng cha mẹ đến các tỉnh khác trong nước. Tình hình này đã được cải thiện đôi chút kể từ khi thành lập các trường học cho con của công nhân di cư tại các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, cho dù chất lượng giáo dục của những cơ sở này vẫn không đạt tiêu chuẩn. Thực ra, hệ thống pháp luật Trung Quốc đã tạo ra hai tầng lớp công dân khác biệt có các quyền và đặc quyền khác nhau, một kiểu phân biệt chủng tộc trừng phạt người dân thực sự đứng đằng sau phép lạ kinh tế của Trung Quốc. Sự chống đối tình trạng này gần đây đã bắt đầu tăng lên trong chính Trung Quốc.
2. Trang mạng của Ngân hàng Thế giới, truy cập ngày 7.2. 2011.
3. Theo các học giả Trung Quốc, việc tư nhân hóa hay giải thể các công ty nhà nước Trung Quốc có từ thời Mao bắt đầu vào cuối những năm 1980. Rất khó để đưa một con số chính xác về mức độ thất nghiệp gây ra do chuyển từ nền kinh tế do nhà nước kiểm soát sang nền kinh tế hỗn hợp. Những con số đáng tin cậy nhất ước tính từ năm 1998 đến năm 2001 có 7 đến 9 triệu người bị thất nghiệp, dù con số này sẽ tăng lên khoảng 40 triệu nếu khoảng thời gian đó được mở rộng. Một phần tư tổng số việc làm bị mất do đóng cửa các doanh nghiệp trong ngành dệt may, quân sự và khai thác mỏ diễn ra ở ba tỉnh ở đông bắc Trung Quốc (Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang). Nguồn:
China Economic Weekly, ngày 27.10.2008. Zhang Jun Cai
, China Labor Statistical Yearbook, 2005.
4. “An Introduction to the Policy and Situation of Overseas Labor Cooperation in China,” Australian International Trade Association, ngày 24.4.2008, trích trong “Hired on Sufferance: China’s Migrant Workers in Singapore,” Aris Chan, China Labor Bulletin, tháng 2.2011. Theo lời của một cựu đại sứ Mỹ La-tinh ở Bắc Kinh mà các tác giả đã phỏng vấn cho cuốn sách này, "Vấn đề di cư là một trong những ưu tiên chính của Bắc Kinh. Không cuộc họp nào với đối tác Trung Quốc của chúng tôi mà họ không phản đối các chính sách hạn chế sự nhập cư của công dân Trung Quốc."
5. Một ví dụ được thấy ở Ecuador, nơi tổng thống Rafael Correa tuyên bố xóa bỏ yêu cầu thị thực đối với khách du lịch Trung Quốc vào tháng 6.2008. Chính sách này đã được thu hồi chỉ sáu tháng sau đó sau khi "10.638 công dân Trung Quốc vào nước này và chỉ có 3.941 người ra" trong thời gian một năm, theo báo El Comercio. Người ta tin rằng một tỷ lệ lớn những người di dân bất hợp pháp này tiếp tục di cư sang Hoa Kỳ hay Canada, còn những người khác có khả năng đã đến Guayaquil, nơi một chuyến đi tới chợ chính này ở thủ đô kinh tế của Ecuador cho thấy số người di cư Trung Quốc ở nước này và khả năng thành lập doanh nghiệp của họ.
6. Ví dụ, số liệu chính thức năm 2009 cho thấy 778.000 công nhân Trung Quốc ở 190 quốc gia đã đóng góp tiền cho Trung Quốc trị giá 4 tỷ đô-la chỉ trong năm đó.
7. Trang mạng tiếng Anh của một tờ báo Ai Cập: http://www.almasryalyoum.com/en/news/chinese-prostitution-ring-busted-maadi.
9. “Mainland Women Opt to Stay in Congo Vice Trap,” South China Morning Post, ngày 01.01.2011.
10. Mikhail Tersky, thuộc trường University of Vladivostok, mở rộng chủ đề này cho các tác giả: "Trong hai năm qua, chính phủ Nga đã kiểm soát chặt chẽ các qui định về hàng Trung Quốc nhập khẩu vì số lượng hàng lậu vào nước này quá lớn. Vì vậy khối lượng giao dịch đã giảm hơn ba lần.
11. Theo Oleg Lipaev, đại diện của Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga tại vùng Primorsky, hiện có 20.000 doanh nghiệp Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga, hầu hết là các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc. Do đó, ngành công nghiệp Trung Quốc chiếm khoảng 20 phần trăm GDP của khu vực. "Hơn 50 phần trăm các sản phẩm nông nghiệp ở Nga là do Trung Quốc sản xuất," Lipaev giải thích. Khi được hỏi ông có tin rằng giá sẽ tăng nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu nông sản sang Nga, ông nói với các tác giả giá có thể sẽ tăng gấp ba. "Mức lương trung bình ở tỉnh Hắc Long Giang từ 60 đến 100 đô-la. Ở vùng Primorsky, mức lương trung bình khoảng 600 đô-la. Làm thế nào chúng tôi có thể cạnh tranh? ... Mười năm trước, cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là thực phẩm và hàng tiêu dùng, nhưng bây giờ họ đang gia tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao, như thiết bị điện, máy móc, xe hơi hay xe tải. Điều này đang trở thành một vấn đề đối với công nghiệp Nga, vì chúng tôi có cùng vị thế [về hoạt động công nghiệp] trong các lĩnh vực này. Họ đang quyết định hoàn toàn công nghiệp của chúng tôi." Khi nói đến tương lai, Lipaev không lạc quan. "Trong tương lai gần, giao thương với Trung Quốc có lợi cho Nga và các khu vực thuộc ảnh hưởng Nga, đặc biệt cho người dân. Tuy nhiên, có lẽ trong mười hay mười lăm năm nó sẽ trở thành mối đe dọa cho nền kinh tế Nga. Trong năm hoặc sáu năm vấn đề việc làm sẽ còn tồi tệ hơn bây giờ nhiều."
Như với châu Phi, Mỹ La-tinh và Trung Á, người Trung Quốc đã đề xuất một chính sách kinh tế dựa trên "tài nguyên thiên nhiên của anh đổi lấy hạ tầng và sản phẩm của chúng tôi," nhưng Nga bác bỏ kế hoạch này. "Bắc Kinh nói rằng nếu họ phải mang vào nguồn tài chính [của công ty nhà nước của họ], phải có hợp đồng liên chính phủ [để khai thác các nguồn tài nguyên] và các bảo lãnh chắc chắn của chính phủ." Tuy nhiên, Lipaev giải thích, không giống như các nước ở châu Phi, Nga không quan tâm đổi dầu lấy đường sá và đê đập Trung Quốc. "Nga không cần điều này. Chúng tôi có tiền của mình. Chúng tôi có thể tự xây dựng cơ sở hạ tầng của chúng tôi." Thay vào đó, theo Lipaev, Nga đề nghị thành lập liên doanh hoạt động theo luật pháp Nga, nhưng người Trung Quốc không quan tâm đến kế hoạch này.
12. “Chinese Migrants: Their Views on the Work, Education, and Living Conditions in Russia,” AG Larin, năm 2007, http://www.springerlink.com/content/l57064789p2vl734/.
13. Bất chấp dòng người di cư và sản phẩm Trung Quốc vào nước này, Trung Quốc không phải là một đối tác chính ở Nga về mặt đầu tư vì Trung Quốc không có mặt tại Sakhalin, hòn đảo Thái Bình Dương của Nga có trữ lượng dầu rất lớn và nhận được phần lớn đầu tư nước ngoài ở Nga. Trong các ngành công nghiệp khác, như khai thác gỗ, các công ty Trung Quốc có xu hướng tự mua nguyên liệu thay vì đầu tư vào các công ty Nga.
14. Không có số liệu chính thức đáng tin cậy về số lượng người di cư Trung Quốc tại Nga. Các chuyên gia và quan chức ước tính có khoảng từ 300.000 đến 4 triệu người Trung Quốc sống ở nước này, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Người ta ước tính chỉ riêng ở vùng Viễn Đông của Nga có khoảng 100.000 thương nhân Trung Quốc và người lao động tạm thời. Nga hiện đang siết chặt việc nhập cư của người Trung Quốc, hạn chế số lượng thị thực làm việc xuống còn 3000 mỗi năm trái với việc hoàn toàn không kiểm soát nhập cư thường thấy trong những năm 1990. Nga tích cực tạo điều kiện cho dòng người nhập cư Trung Quốc tại thời điểm đó bằng cách cho miễn thị thực trong thời gian từ năm 1992 đến năm 1994. Mục đích để khuyến khích thương nhân Trung Quốc đến để bổ sung việc thiếu trầm trọng nguồn cung cấp của Nga do sự sụp đổ của Liên Xô gây ra. Do đó, hàng ngàn người Trung Quốc đã vào nước này, thường là bất hợp pháp, từ những vùng giáp biên giới với Nga, chạy trốn tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng đã tác động mạnh vùng công nghiệp ở miền bắc Trung Quốc. Nguồn: The Encyclopedia of the Chinese Overseas, biên soạn Lynn Pan (Harvard University Press, 1999), trang 328-31. China Inside Out: Contemporary Chinese Nationalism and Transnationalism, biên soạn. P. Nyíri và Joana Breidenbach (Central European University Press, 2005), trang 144-6; các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia và công chức tại Vladivostok, Khabarovsk và Moscow.
15. The Encyclopedia of the Chinese Overseas, sđd., tr. 328-31.
16. China Statistical Yearbook, 2009.
17. Học giả Hungary Pál Nyíri, người đã dành 20 năm qua nghiên cứu hiện tượng di cư của người Trung Quốc, xác định sự bành trướng những thương nhân di cư trên khắp hành tinh là "sự xuất hiện của tầng lớp doanh nhân (entrepreneuriat) toàn cầu, kết nối bởi một mạng lưới kinh doanh đa chức năng, với tính lưu động cao và dòng vốn, hàng hoá, thông tin lớn trong khi vẫn giữ một địa vị xã hội thứ yếu trong xã hội địa phương." Nguồn: “Chinese Entrepreneurs in Poor Countries: A Transnational ‘Middleman Minority’ and Its Futures,” bài thuyết trình tại Hồng Kông, trích dẫn với sự cho phép của Pál Nyíri, VU University, Amsterdam.
18. Nhóm dân tộc có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.
19. Số này đại diện cho khoảng 18,3 phần trăm dân số di cư trên thế giới, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organization for Migration). Nguồn: "2007
" [“Report on International Policy and Security 2007”]], CASS, nhiều tác giả, 2007.
20. Zheng He: China and the Oceans in the Early Ming Dynasty, 1405-1433, Edward L. Dreyer (Longman, 2007).
21. The Encyclopedia of the Chinese Overseas, sđd., tr. 48-50.
22. “2007
”” [“Report on International Policy and Security 2007”], sđd.
23. The Encyclopedia of the Chinese Overseas, sđd., tr. 64-5.
24. Venezuela hiện có dân số trên 28 triệu người, theo Ngân hàng Thế giới. Ước tính có khoảng 180.000 người Trung Quốc đang sống ở quốc gia Nam Mỹ này.
25. 25.
[History of Overseas Chinese Indentured Labor], Chen Hansheng biên soạn, 1985.
26. Khi những người cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, chính quyền quay lại truyền thống thời phong kiến cấm và trừng phạt di cư. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng xuất khẩu dịch vụ và nguồn lực con người sang các nước thế giới thứ ba vì lý do ý thức hệ trong thời Chiến tranh lạnh. Vào đầu những năm 1960, Mao Trạch Đông đã gửi hàng chục ngàn công dân Trung Quốc đến các nước này để làm việc như bác sĩ, kỹ sư nông nghiệp và lao động phổ thông, vừa nỗ lực hợp pháp hóa chế độ của Cộng hòa Nhân dân vừa để truyền bá cuộc cách mạng đỏ ra khắp hành tinh. Vào thời điểm đó châu Phi bắt đầu ngày càng quen với sự hiện diện của công nhân Trung Quốc trong lãnh thổ của mình, xây dựng các tuyến đường sắt như tuyến nối Tanzania với Zambia (đường sắt Tanzam hay TAZARA), do 25.000 công nhân Trung Quốc xây dựng. Công nhân Trung Quốc cũng góp phần tăng năng suất canh tác gạo và đường ở châu Phi.
27. Số liệu chính thức cho thấy có ít nhất 750.000 người Trung Quốc sinh sống ở châu Phi, sau khi chuyển đến đó để có cuộc sống tốt hơn cho bản thân. Tuy nhiên, không có điều tra dân số đáng tin cậy - như chúng tôi đã thấy trong trường hợp người bán dạo Trung Quốc ở Ai Cập - và người ta cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều.
28. New Asian Emperors, George Haley, Usha Haley và Chin Tiong Tan (John Wiley & Sons, 2009), tr. 15.
29. Charm Offensive: How China’s Soft Power Is Transforming the World, Joshua Kurlantzick (Yale University Press, 2007), tr. 75.
30. Phát biểu của Miguel Ángel Calvete, lúc đó là tổng thư ký của Chamber of Shops and Supermarkets owned by Chinese Residents (Casrech) ở Argentina, đại diện cho chủ sở hữu 7.000 siêu thị và đã trở thành một nhóm vận động hành lang mạnh mẽ ở nước này. Các hoạt động của nhóm này được giải thích sâu hơn trong Chương 2.
31. 31.
hoặc "Đại Trung Quốc" là một thuật ngữ dùng để chỉ sự tương tác thương mại, văn hóa và ngôn ngữ của các cộng đồng Trung Quốc ở nước ngoài.
32. “Chinese Entrepreneurs in Poor Countries: A Transnational ‘Middleman Minority’ and Its Futures,” sđd.
33. Làn sóng người di cư Trung Quốc đầu tiên đến Nam Phi vào cuối thế kỷ 19. Nhóm đầu tiên này có từ 20.000 đến 30.000 người, và có từ 6.000 đến 10.000 con cháu trực hệ của họ hiện nay ở lại nước này. Làn sóng thứ hai diễn ra trong những năm 1980, khi người di cư bắt đầu đến từ Đài Loan do quan hệ tốt đẹp giữa Đài Bắc và chế độ phân biệt chủng tộc Pretoria. Chừng 20.000 người Hoa đến quốc gia châu Phi này trong thời gian trên, khoảng 6.000 người đến nay vẫn còn ở đây. Làn sóng thứ ba và cuối cùng, cũng là làn sóng lớn nhất, có từ những năm 1990 cho đến ngày nay, với người di cư đến từ Trung Quốc đại lục. Các ước tính khác nhau xác định tổng số người gốc Trung Quốc đang sinh sống tại Nam Phi khoảng 400.000.
34. Harry Sun đề cập đến ảnh hưởng tai hại việc buôn bán thuốc phiện, do Công ty Đông Ấn của Anh khởi đầu trong thế kỷ 18, lên nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Công ty hùng mạnh này - độc quyền mua bán cho đến năm 1834 - xuất khẩu thuốc phiện sản xuất tại thuộc địa Ấn Độ sang Trung Quốc để cân bằng thương mại với đế quốc Trung Hoa, vốn cung cấp cho Vương quốc Anh với các sản phẩm như trà, đồ sứ và lụa với giá trị lớn hơn nhiều các sản phẩm họ mua từ Vương quốc Anh.
Việc đưa thuốc phiện vào Trung Quốc khiến nạn nghiện ngập và đồi trụy lan rộng trong dân chúng Trung Quốc. Đồng thời, việc nước này thiết lập quan hệ thương mại song phương với nước Anh làm giảm thu nhập bạc của đế chế nhà Thanh. Nhà Thanh hoảng sợ và can thiệp, cấm nhập khẩu và mua bán thuốc phiện. Nhiều nỗ lực đàm phán thất bại đã dẫn đến Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839-1842), đánh dấu bắt đầu thời kỳ từ 1849 đến 1949 được gọi ở Trung Quốc là "thế kỷ bị sỉ nhục." Thời kỳ này này được đặc trưng bởi một tình trạng hỗn loạn chung do nhiều yếu tố gây ra: cuộc xâm lược của các lực lượng phương Tây và Nhật Bản vào một số lãnh thổ Trung Quốc, các điều ước quốc tế bất bình đẳng sau xung đột do một số cường quốc nước ngoài áp đặt, sự sụp đổ của đế chế, và cuộc nội chiến đẫm máu giữa những người cộng sản và những người quốc gia. Tất cả điều này trong chừng mực nào đó giải thích tại sao nhiều người Trung Quốc, như Harry Sun, ca tụng chiến thắng của cộng sản năm 1949 và chế độ của Mao Trạch Đông, mà họ xem là người đã phục hồi phẩm giá cho Trung Quốc sau mấy chục năm bị sỉ nhục. Nguồn: China: A New History, John King Fairbank and Merle Goldman (Harvard University Press, 2006), tr. 180-206.
35. The Three Faces of Chinese Power: Might, Money and Minds, David Lampton (University of California Press, 2008), tr. 85.
36. Overseas Chinese in Southeast Asia and China’s Foreign Policy: An Interpretative Essay, Leo Suryadinata (Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1978), 1978), tr. 27.
37. Ví dụ, công ty nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Trung Quốc sau khi bắt đầu quá trình mở cửa kinh tế là Charoen Pokphand, công ty của doanh nhân người Hoa Xie Yichu. Trong nhiều năm qua công ty này hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, được xem là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Nguồn: Charm Offensive: How China’s Soft Power Is Transforming the World, sđd., tr. 76.
38. Mobility and Cultural Authority in Contemporary China, Pál Nyíri (University of Washington Press, 2010), tr. 99.
39. Chủ nghĩa dân tộc đã được chế độ sử dụng "hiệu quả trong Chiến dịch Giáo dục Yêu nước để thúc đẩy nhân dân bác bỏ nền dân chủ tự do và chấp nhận một hệ thống độc tài, trình bày những ý tưởng đó như là điều cần thiết cho sự phát triển của đất nước." China después de Tian’anmen. Nacionalismo y cambio politico [China After Tiananmen: Nationalism and Political Change], Mario Esteban Rodríguez (Ediciones Bellaterra, 2007), tr. 165.
40. “China’s Cosmopolitan Nationalists: ‘Heroes’ and ‘Traitors’ of the 2008 Olympics,” Pál Nyíri, Zhang Juand and Merridien Varral, The China Journal, 63, tháng 1.2010.
2 CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI
1. The Pattern of the Chinese Past, Mark Elvin (Stanford University Press, 1973), tr. 218.
2. Trong suốt quá trình lịch sử Tân Cương đã nhiều lần rơi vào tay của những kẻ xâm lược nước ngoài, Hung, Uzbek, Tây Tạng, Ả Rập, Mông Cổ hoặc Mãn Châu. Nga và Anh đụng độ ở khu vực này trước khi thành lập nước East Turkestan Republic tồn tại ngắn ngủi trong những năm 1940. Năm 1949, Mao sáp nhập Tân Cương vĩnh viễn vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
3. Thị trấn Kashgar, từng là trung tâm của Con đường tơ lụa và hiện nay là thành phố quan trọng thứ hai của Tân Cương, cũng - giống như Horgos - nằm trong danh sách đặc khu kinh tế. Cuối những năm 1970, Đặng Tiểu Bình, "kiến trúc sư" lãnh đạo Trung Quốc đi theo con đường mở cửa và cải cách kinh tế, chủ trương tạo ra dần dần các đặc khu kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và kiểm soát quá trình mở cửa kinh tế. Những "phòng thí nghiệm tư bản chủ nghĩa" hoạt động trong những điều kiện luật pháp đặc biệt: được cung cấp đất giá cả hợp lý và thuế suất rất hấp dẫn cũng như một thị trường lao động có kỷ luật, rẻ và tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo. Sau sự thành công của bốn đặc khu đầu tên - Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải và Hạ Môn - mô hình này đã được mở rộng đến các thành phố khác trên khắp nước Trung Quốc hiện đại.
4. Thâm Quyến có dân số chỉ 300.000 người vào cuối năm 1970, khiến nó chỉ là một thị trấn nhỏ theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Trừ Hồng Kông, thành phố này hiện nay có GDP bình quân đầu người cao nhất ở Trung Quốc, 14.600 đô-la trong năm 2010. GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ 2.504 đô-la đối với dân đô thị. Hơn nữa, cùng với Quảng Châu, Bắc Kinh, Hàng Châu và Thượng Hải, Thâm Quyến tự hào có mức tiêu thụ hàng xa xỉ cao nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp sự giàu có của nó, Thâm Quyến cũng có tỷ lệ tội phạm cao nhất trong cả nước. Nguồn: "China by Numbers 2011,”
China Economic Review; "
,"
China Daily, ngày 29.1.2010.
5. Trong nhiều thế kỷ Con đường Tơ lụa là con đường được các thương gia sử dụng vượt qua Trung Á từ Tây An ở Trung Quốc đến Constantinople, cho đến khi xuất hiện các tuyến đường hàng hải trong thế kỷ 15 dẫn đến sự suy tàn không thể tránh của Con đường Tơ lụa.
6. Nga, Belarus và Kazakhstan đã đồng ý thành lập một liên minh thuế quan chung, thiết lập một biểu thuế quan cố định chung vào năm 2010. Mục đích để tiêu chuẩn hóa thuế quan đánh lên các sản phẩm chính được mua bán giữa ba nước. Mặc dù sự ra đời của biểu thuế đã gặp nhiều khó khăn, khía cạnh thú vị nhất là thực tế liên minh này được hình thành để chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc - một nỗ lực đến nay đã chứng tỏ không thành công.
7. Trung Quốc hiện đang sở hữu hai đường ống lớn kết nối nước này với Trung Á: một đường ống dẫn dầu 3.000 km chạy dài đến Kazakhstan với công suất vận chuyển lên đến 30 triệu tấn dầu thô mỗi năm, và một đường ống dẫn khí 7.000 km chạy dài đến miền bắc Turkmenistan qua Uzbekistan, Kazakhstan, miền tây và trung Trung Quốc. "Dù có lợi ích kinh tế nào hay không, các đường ống dẫn dầu và khí đốt chủ yếu phục vụ việc hợp pháp hóa sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á. Có quyền sở hữu mang lại cho Trung Quốc lý do chính đáng bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực," Murat Avezov, đại sứ đầu tiên của Kazakhstan tại Bắc Kinh (1992-5) cho biết, khi các tác giả phỏng vấn ông ở Almaty. Nguồn: "El ascenso de China en Asia Central: un nuevo hegemón regional en gestación?” [The Rise of China in Central Asia: A New Regional Hegemony in the Making?], Nicolás de Pedro, UNISCI magazine, October–November 2010; China as a Neighbor: Central Asian Perspectives and Strategies, eds. Marlène Laruelle and Sébastien Peyrouse, Central Asia-Caucasus Institute & Silk Road Studies Program, Washington, 2009.
8. Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã đổ tiền không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Giữa năm 1990 và 2008, Trung Quốc đã chi 32.700 tỷ nhân dân tệ cho mục đích này. Sử dụng tỷ giá 10 nhân dân tệ = 1 euro, con số này tương đương 3.200 tỷ euro. Nguồn: “
,” http://www.gov.cn/test/2009-09/15/content_1417907_2.htm
9. Một ví dụ được thấy ở kênh Đại Vận Hà của Trung Quốc, một công tình kỹ thuật vĩ đại có từ thế kỷ 7. Dài 1.700 km, kênh đã được đào để nối thành phố Hàng Châu với Bắc Kinh bằng một trong những con sông nhân tạo lớn nhất thế giới. Kênh nhằm làm giảm hạn hán thường tàn phá các tỉnh miền Bắc nước này và kiểm soát lũ lụt của sông Hoàng Hà, nhưng nó cũng được xây dựng để thúc đẩy thương mại trong nước và góp phần kết nối lãnh thổ của Trung Quốc.
10. Một số tầng lớp cai trị của đế quốc Trung Quốc từng xem thương mại là một hoạt động tầm thường phải bị hạn chế. Thái độ đó đã khiến thương nhân Trung Quốc lúc ấy di cư sang những nơi như Malacca, vốn đã có một nền thương mại tự do hơn nhiều. Một số chuyên gia cũng cho rằng những hạn chế về thương mại (và do đó về tiếp xúc) với thế giới bên ngoài là nguyên nhân chính khiến triều đại nhà Minh quyết định chấm dứt các chuyến đi nước ngoài do đô đốc Trịnh Hòa khởi xướng vào đầu thế kỷ 15.
Để biết thêm thông tin về việc sử dụng hạ tầng cho các mục đích gắn kết, xem “China’s Roads to Influence,” Jonathan Holslag, Asian Survey, 50 (4), 2010.
11. Nhà khoa học học và nhà báo Martin Jacques đưa ra một mô tả tinh tế những sự kiện này trong cuốn When China Rules the World (Allen Lane, 2009), tr. 70. Lời của Hoàng đế Càn Long được trích từ cuốn này.
12. Kế hoạch đã được thông qua như là kết quả của hội nghị đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân nhằm phát triển tỉnh Tân Cương. Nguồn: http://www.china.org.cn/china/2010-05/30/content_20147084.htm, truy cập ngày 22.3.2011.
13. Theo lời của Wang Menshu, một kỹ sư và cố vấn cho Bộ Đường sắt Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện chính sách "ngoại giao đường sắt cao tốc," đề cập đến kế hoạch của Trung Quốc mở rộng đường sắt tốc độ cao trên toàn lãnh thổ và thậm chí vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Theo Wang, chính phủ có kế hoạch sử dụng công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc để kết nối Trung Quốc với Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, Trung Á và Đông Nam Á. Các dự án này, chi phí lên đến hàng chục tỷ đô-la, sẽ được thực hiện bởi hai công ty nhà nước: China Railway Group (REC) và China Railway Construction Group (CRCC). Các dự án sẽ chủ yếu do Bắc Kinh tài trợ, đổi lấy "quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và thị trường mới cho các sản phẩm Trung Quốc," theo Wang. "Các công ty nhà nước Trung Quốc có thể đàm phán hợp đồng với sự giúp đỡ của đại sứ quán Trung Quốc tại nước đối tác và sau đó chờ chấp thuận của hội đồng nhà nước Trung Quốc. Các chính phủ nước ngoài sẽ thanh toán cho cơ sở hạ tầng mới, nhưng bằng tài nguyên thiên nhiên thay vì tiền tệ," ông Wang nói với tác giả khi trả lời phỏng vấn tại Bắc Kinh. Kết nối Trung Quốc với Trung Á sau này sẽ phục vụ như là cửa ngõ để đưa sản phẩm Trung Quốc vào châu Âu. Tuy nhiên, lý thuyết này đã bị nghi ngờ sau một loạt các vụ bê bối liên quan đến việc mở rộng ngành đường sắt ở Trung Quốc trong năm 2011. Vào tháng 2 năm đó, Bộ trưởng đường sắt Liu Zhijun đã bị cách chức và khai trừ khỏi đảng do những cáo buộc tham nhũng.
14. Tân Cương chính thức là quê hương của cộng đồng gồm 47 nhóm thiểu số từ 54 dân tộc hay sắc tộc khác nhau, với người Duy Ngô Nhĩ, Hán, Kazakhstan và người Hui/Dungan là bốn nhóm chính. Chính sách phát triển kinh tế và di cư của Bắc Kinh đã làm suy yếu sự thống trị của người Duy Ngô Nhĩ trong thành phần xã hội và dân cư của vùng này. Năm 1964, người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ chiếm 54,9 phần trăm dân số trong khi người Hán chiếm chỉ 31,9 phần trăm. Tuy nhiên, điều tra dân số năm 2010 cho thấy số lượng cư dân Hán ở Tân Cương hiện nay đã đạt 40,1 phần trăm. Tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nếu bao gồm số lượng không xác định những người tạo nên "dân số vãng lai" của Tân Cương, hay cư dân thực tế của tỉnh này nhưng đăng ký sống ở các khu vực khác. Người Hán có xu hướng tập trung phần lớn ở các khu đô thị của tỉnh, như thủ phủ Urumqi, chiếm phần lớn của cải và quyền lực. Nguồn: Thống kê của các tác giả dựa trên Xinjiang Statistics Annual 2010 (
) và các cuộc điều tra dân số của Trung Quốc các năm 1964, 1990 và 2000.
15. When China Rules the World, sđd., tr. 237-40.
16. Hiện tượng "Hán hóa" đã được củng cố với sự xuất hiện đường sắt ở Tây Tạng cũng như ở Tân Cương. Tuyến đường sắt từ Tây Tạng đã được xây dựng năm 2007 và dài 1.142 km dọc theo toàn bộ chiều dài của dãy núi Côn Lôn ở độ cao trung bình 4.000 mét. Bắc Kinh đã chi khoảng 3,3 tỷ euro cho dự án kỹ thuật rất phức tạp này, hơn ba lần mức đã chi cho y tế và giáo dục ở Tây Tạng trong năm mươi năm qua, theo các nhóm ủng hộ Tây Tạng. Điều này đã khiến một số tổ chức phi chính phủ tuyên bố rằng mục tiêu chính của dự án đường sắt thực ra là pha loãng dân cư và vận chuyển tài nguyên thiên nhiên.
17. Theo lời chuyên gia Trung Á Sébastien Peyrouse, "Một mặt, số liệu thống kê hải quan không chính xác vì ở các nước Trung Á dữ liệu liên quan đến thương mại với Trung Quốc được giảm xuống để hạn chế "tác động tâm lý" của nó và để giữ các cuộc bàn cãi về sự “xâm lược” vùng này của Trung Quốc trong tầm kiểm soát. Mặt khác, một số lượng rất lớn sản phẩm nhập bất hợp pháp." Nhiều chuyên gia được các tác giả phỏng vấn ở Almaty ước tính có một sự chênh lệch khoảng 5 tỷ đô-la giữa số liệu thương mại song phương chính thức và số lượng thương mại thực tế không được ghi nhận.
18. Phỏng vấn với chuyên gia Kazakhstan Adil Kaukenov ở Almaty; phỏng vấn email với Sébastien Peyrouse và Nicolás de Pedro.
19. Kazakhstan có dân số chỉ 15,6 triệu dân, điều này giải thích tầm quan trọng của thương mại với Trung Quốc đối với nền kinh tế của quốc gia này.
20. Ước tính cho thấy Trung Quốc cho nước láng giềng vay ít nhất 13 tỷ đô-la chỉ riêng trong năm 2010. Trong hoàn cảnh như vậy, một số nhà quan sát ở quốc gia Trung Á này cảnh báo rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Kazakhstan bị buộc phải bắt đầu trả nợ bằng đất. "Chúng tôi sẽ bắt đầu bán rẻ lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi sở hữu lãnh thổ rộng lớn và có biên giới chung [với Trung Quốc], vì thế bản đồ có thể được vẽ lại để bán đi một vài nghìn ha đâu đó," một lãnh đạo đối lập Kazakhstan tại một cuộc biểu tình ở Almaty vào ngày 28.5.2011 nói, đề cập đến việc Kazakhstan không có khả năng hoàn trả tất cả các khoản nợ cho Trung Quốc. Nguồn: nhiều nguồn, bao gồm “Kazakh Opposition Calls for Halt to China Expansion,” Reuters, ngày 28.5.2011.
21. Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc với năm nước Trung Á có chung một thị trường tiềm năng 61 triệu dân đã tăng lên 22 tỷ đô-la vào năm 2010. Trung Quốc nắm giữ vị trí thương mại thống trị trong khu vực: Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan (nếu chúng ta loại trừ Liên minh châu Âu như là một khối đơn nhất) và Kyrgyzstan, là đối tác quan trọng thứ hai của Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan. Nguồn: Số liệu thống kê do các tác giả tính toán dựa trên dữ liệu của Liên minh châu Âu: http://ec.europa.eu/trade.
22. Theo Adil Kaukenov, Trung Quốc kiểm soát 28 phần trăm tài nguyên thiên nhiên (khí và dầu) của nước này nhờ ba vụ thâu tóm gần đây. Thứ nhất, năm 2005 công ty xăng dầu nhà nước Trung Quốc CNPC mua công ty Canada PetroKazakhstan, có tài sản ở nước Trung Á này, khoảng 4,7 tỷ đô-la. Thứ hai, năm 2006, tập đoàn nhà nước Trung Quốc CITIC mua một công ty khác của Canada, Nations Energy, giá 2 tỷ đô-la; và thứ ba, CNPC chung sức với một công ty địa phương, KazMunayGas, thâu tóm MangistauMunaiGas với giá 3,3 tỷ đô-la. "Hối lộ là yếu tố chính giúp Trung Quốc mua được PetroKazakhstan và MangistauMunaiGas," theo một chuyên gia Kazakhstan yêu cầu giấu tên. Để biết thêm thông tin về tổng số nguồn tài nguyên, xem BP Statistical Review of World Energy, 2012 và World Energy Outlook 2011 của International Energy Agency (IEA).
23. Phỏng vấn Hong Jiuyin, phó tổng thư ký của SCO tại Bắc Kinh.
24. Khi bắt đầu quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Kazakhstan, Bắc Kinh khẳng định nhà nước mới nên ký một tài liệu riêng về quan hệ song phương. Tài liệu này không chỉ yêu cầu Kazakhstan tuân thủ "nguyên tắc một Trung Quốc," mà còn yêu cầu nước này từ chối cho phép "các phong trào ly khai" ở biên giới, theo Mara Gubaidullina, giáo sư tại Kazakhstan's National University. "Tài liệu này không nói rõ nhằm chống lại người Duy Ngô Nhĩ, nhưng rõ ràng nhắm thẳng vào họ. Đó là những năm 1990, Trung Quốc và Kazakhstan không phải không biết đến nguy cơ người Duy Ngô Nhĩ có thể đòi hỏi tạo ra nhà nước riêng của họ," Gubaidullina giải thích. Các chuyên gia khác mà các tác giả tham khảo ý kiến đồng ý rằng "người Duy Ngô Nhĩ giờ đây đã bỏ lỡ thời cơ" giành độc lập của họ.
25. Người Duy Ngô Nhĩ hải ngoại sống rải rác trên 80 quốc gia khắp thế giới. Nhóm ở Kazakhstan là nhóm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, có 230.000 cư dân. Một số chuyên gia, như Nicolás de Pedro, Alexander Cooley và Sébastien Peyrouse, đồng ý rằng việc tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế giữa Bắc Kinh và Astana đã làm suy giảm tự do dân sự dành cho cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan. Quan điểm này đã được khẳng định bởi trải nghiệm của một đại diện Duy Ngô Nhĩ địa phương ở Astana yêu cầu không nêu tên. Một ví dụ về chính sách của Astana về vấn đề này được thấy trong việc đối xử với Ershidin Israil, một người Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan, đã bị trục xuất về Trung Quốc trong tháng 5.2011. Về chi tiết tác động của SCO đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, xem “Counter-terrorism and Human Rights: The Impact of the Shanghai Co-operation Organization: A Human Rights in China White Paper,” HRIC, 2011.
26. Nguồn: IMF.
27. Tính đến ngày công bố, Liên hiệp quốc đã đồng ý bốn vòng trừng phạt kinh tế, trong các năm 2006, 2007, 2008 và 2010, nhằm ngăn chặn Iran tiếp tục chương trình hạt nhân của nước này. Ngoài ra còn có những biện pháp trừng phạt đơn phương áp đặt bởi Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Australia và các nước khác, có từ khi thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo vào năm 1979. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân và vũ khí, ngân hàng, vận chuyển và các công ty bảo hiểm của Iran, cũng như các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến Vệ binh Cách mạng. Tehran tuyên bố mục tiêu chương trình hạt nhân của họ được giới hạn nghiêm ngặt để sản xuất năng lượng và vì thế hoàn toàn hòa bình, nhưng từ chối giải thích mâu thuẫn do thanh tra của Liên hiệp quốc phát hiện.
28. Mặc dù tất cả các ngân hàng chính của Iran nằm trong "danh sách đen" của LHQ, yếu tố thực sự ủng hộ cấm vận tài chính đối với Iran là tuyên bố của một tổ chức ngân hàng quốc tế, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) đưa ra vào năm 2007. Trong tuyên bố của mình, FATF cảnh báo Iran đã không tuân thủ luật lệ về rửa tiền và chống khủng bố. "Tuyên bố này đã có hiệu lực. Tất cả các ngân hàng phương Tây ngừng giao dịch với Iran. Điều này đã gây cho họ rất nhiều thiệt hại về tài chính," theo một nhà kinh tế đã trao đổi với các tác giả về chủ đề này.
29. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Iran đạt trên 45 tỷ đô-la năm 2011, theo dữ liệu do các quan chức Iran cung cấp, và Trung Quốc là đối tác thương mại chính của nước Cộng hòa Hồi giáo. Ngoài con số này, khoảng 6 tỷ đô-la thương mại giữa Iran và UAE có nguồn gốc từ Trung Quốc trong năm 2010, theo Asadollah Asgaroladi, chủ tịch Phòng Thương mại Iran - Trung Quốc, được các tác giả phỏng vấn ở Tehran.
Iran ở vị trí thứ 144 trong số 183 nước ở bảng xếp hạng Doing Business 2012 của Ngân hàng Thế giới, một nghiên cứu xác định tính phù hợp của điều kiện hoạt động ở các nước về mặt tiến hành kinh doanh với các quốc gia khác trên thế giới.
30. Nguồn: Phỏng vấn Mehdi Fakheri, phó chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran.
31. Là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng. Trong trường hợp Iran, Trung Quốc đã sử dụng quyền này để trì hoãn và giới hạn qui mô và hiệu quả của vòng trừng phạt thứ tư. Thực ra Nghị quyết 1929 chỉ có thể được phê duyệt gần sáu tháng sau khi ý tưởng về trừng phạt lần đầu tiên được đề xuất và sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng với Trung Quốc. Các chuyên gia Hoa Kỳ ước tính chiến thuật này của Trung Quốc (cũng đã được Nga sử dụng) đã giúp cho Iran thêm nhiều năm quý giá để phát triển chương trình hạt nhân của họ.
32. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào đầu năm 2011, Asgaroladi nói thương mại song phương sẽ đạt 50 tỷ đô-la trước năm 2015.
33. "Millionaire Mullahs," Paul Klebnikov, Forbes Magazine, tháng 7.2003. Theo bài báo này, tại thời điểm đó Asadollah Asgaroladi đã tích lũy được một tài sản trị giá 400 triệu đô-la.
34. Tháng 5.2011, một báo cáo của Panel of Experts thuộc Liên hiệp quốc theo dõi Bắc Triều Tiên nhấn mạnh Bình Nhưỡng được cho là đã trao đổi công nghệ tên lửa đạn đạo với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Báo cáo này cho thấy thương mại bất hợp pháp đã được thực hiện thông qua một "nước thứ ba," được các nhà ngoại giao xác định là Trung Quốc.
35. Lời chứng trước Quốc hội Mỹ của John Garver, một chuyên gia về Iran và giáo sư tại Sam Nunn School of International Affairs, Georgia Institute of Technology, tháng 4.2011.
36. Phỏng vấn John Garver, tháng 6.2011.
37. Thực ra, việc bênh vực kín đáo Iran của Trung Quốc cùng với tầm quan trọng chiến lược Bắc Kinh dành cho nhập khẩu dầu thô của mình - Iran là nhà cung cấp lớn thứ sáu của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 2012 - đã khiến các công ty dầu Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào ngành năng lượng Iran sau khi các công ty nước ngoài khác đã buộc phải từ bỏ hoạt động để tránh bị xử phạt. Như vậy, Trung Quốc là lối thoát sống còn đối với lĩnh vực quan trọng nhất này trong nền kinh tế Iran. Chủ đề này sẽ được khám phá sâu hơn trong Chương 4.
38. Theo Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), trong những năm từ 2005 đến 2009 Iran là nước mua vũ khí Trung Quốc xuất khẩu lớn thứ hai sau Pakistan.
39. Cũng như việc làm giàu uranium cho mục đích quân sự, một chương trình hạt nhân với mục tiêu quân sự đòi hỏi một phương tiện vận chuyển: tên lửa đạn đạo. Iran đã sản xuất một mẫu đầu tiên có thể sẽ hoạt động sớm nhất trước năm 2014 . Tuy nhiên, Anh tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo đã thử nghiệm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong cuộc diễn tập quân sự vào tháng 6.2010. Từ những năm 1990, Trung Quốc và các nước khác trong đó có Nga và Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho chế độ Iran hạ tầng công nghiệp, các đội công tác, tư vấn và bí quyết cần thiết cho sự phát triển của nước này. Nguồn: Phỏng vấn các chuyên gia, gồm Michael Elleman - một chuyên gia an ninh quốc tế tại International Institute of Strategic Studies ở Bahrain.
40. Ngoài ra, Trung Quốc đã thấy lợi ích không thể bác bỏ trong việc quyết định không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran của Mỹ và châu Âu. "Trung Quốc làm rất tốt trong việc xác định các lĩnh vực mà UNSCR [Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc] không đề cập, như thương mại quân sự mở rộng, ngân hàng thông qua Trung Quốc và thương mại khác. Các nước khác đã vượt ra ngoài UNSCR. Trung Quốc thì không." Bằng cách đó, Trung Quốc đã hưởng lợi từ việc thâm nhập vào các lĩnh vực không bị các biện pháp trừng phạt tác động, từ đó "mở rộng thương mại và quan hệ tài chính [với Iran]," Aaron Dunne, một chuyên gia về kiểm soát và không phổ biến vũ khí tại Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) cho biết.
41. Ngày 17.5.2011, Trung Quốc ngăn cản việc công bố báo cáo của Liên hiệp quốc. Ngày hôm sau, Trung Quốc chính thức bác bỏ liên can đến bất kỳ mua bán nào như vậy. Từng chữ, báo cáo này cảnh báo rằng "Những thứ liên quan đến tên lửa đạn đạo bị cấm bị nghi ngờ đã được chuyển giao giữa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên [Bắc Hàn] và Cộng hòa Hồi giáo Iran trên các chuyến bay theo lịch trình thường xuyên của Air Koryo và Iran Air, trung chuyển qua một nước thứ ba láng giềng."
Nhà ngoại giao nói với các tác giả rằng "những nước như Trung Quốc và Nga đã góp phần rất quan trọng đối với thương mại giữa Iran và Bắc Triều Tiên," và đảm bảo với các tác giả bản báo cáo cung cấp bằng chứng đầy đủ về thực tế này.
42. Chín tháng sau khi Liên hiệp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt, Hồng Kông mới thông qua luật mới. Báo chí Hồng Kông lo ngại khả năng luật này sẽ không có hiệu quả trong việc triệt phá mạng lưới các công ty vận tải Iran tại Hồng Kông, tàu các công ty này được đăng ký dưới tên của các công ty Hồng Kông. Nguồn: “Uncertain Future in Hong Kong for Iranian Shipping Line,” South China Morning Post, Irene Jay Liu, ngày 30.3.2011.
Báo chí Hồng Kông cũng tường thuật trạng thái lãnh đạm rõ ràng của Hồng Kông khi nói đến việc tiến hành kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu, cho rằng hiện nay kiểm soát ít nghiêm ngặt hơn so với trước đây. Năm 1997, không lâu trước khi Hồng Kông trở về thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Hội đồng điều hành (Executive Council) của Hồng Kông đã đóng cửa bốn công ty bị nghi ngờ cung cấp công nghệ hạt nhân và quân sự cho Iran. Trong số đó có tập đoàn nhà nước Norinco, chẳng bao lâu sau tập đoàn này xuất hiện trở lại dưới một cái tên khác. Trong mười lăm năm kể từ khi chuyển giao cho chính quyền Trung Quốc, chính quyền Hồng Kông đã không hành động chống lại bất kỳ công ty nào nữa vì lý do này, chứng tỏ một tư duy chính trị khác hoàn toàn.
43. Tờ South China Morning Post mô tả việc bán công nghệ Mỹ cho Iran thông qua Hồng Kông trong bài “The Hong Kong Connection,” Irene Jay Liu, ngày 27.2.2011.
44. Tuy nhiên, Aaron Dunne, thuộc Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), nói với các tác giả rằng khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt không nên bị đánh giá thấp. "Do khối lượng thương mại, tính chất của thông tin có sẵn cho các cơ quan thực thi pháp luật còn rất hạn chế và... vô cùng khó khăn để xác định việc giao nhận hàng tại biên giới. Thông tin bị hạn chế và thời gian để hành động cũng rất hạn chế." Trong ý nghĩa này, ông chỉ ra rằng "Hồng Kông và Singapore là hai quốc gia đi đầu trong khu vực về mặt thực hiện biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu." Dunne cũng cảnh báo việc mua bán công nghệ sử dụng cả trong dân sự và quân sự sang Iran xuất phát và đi qua các nước khác như Trung Quốc.
45. Từ năm 2002 đến năm 2009, 47 công ty Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ xử phạt tổng cộng 74 lần, theo John Garver, giáo sư tại Sam Nunn School of International Affairs, Georgia Institute of Technology.
46. Ôn Châu đã trở thành một trong những thành phố giàu có và mạnh dạn nhất ở Trung Quốc, với một khu vực tư nhân nổi tiếng là đầy sức sống. Hàng chục doanh nhân từ khu vực này đến Dubai để tìm kiếm những cơ hội mới, lợi dụng sự sụp đổ giá nhà đất vào cuối năm 2009. Trong số 150.000 người Trung Quốc được cho là sống ở Dubai, có khoảng 20.000 đến từ Ôn Châu. Nguồn: “Chinese Hunt for Bargains in Dubai,” Financial Times, ngày 18.1.2010.
47. Các tác giả phát hiện ít nhất Lào (San Jiang Shopping Mall), Việt Nam, Ả Rập Saudi (chợ China Mart và trung tâm mua sắm Jeddah Chinese Commodity Center) và Ấn Độ (trung tâm Chinese Commodity Center ở Delhi) đã có các khu chợ dành riêng cho các sản phẩm của Trung Quốc. Iraq, Nga và Jordan đang lập kế hoạch các dự án loại này. Mexico đang có kế hoạch mở một bản sao Dragon Mart ở Cancun trong tương lai gần - rộng 840.000 mét vuông – gấp năm chợ tương tự ở Dubai. Thái Lan đã lên kế hoạch khánh thành khu phức hợp China City Complex ở Bangkok năm 2012, với diện tích bề mặt dự kiến từ 500.000 đến 700.000 mét vuông.
Không giống Dragon Mart, tài sản của Công ty nhà nước Nakheel thuộc UAE, các khu chợ này thường bị kiểm soát bởi doanh nhân người Trung Quốc, như đã thấy trong trường hợp của Liu Desheng ở Chương 1, mua đất, xây chợ và sau đó cho những người đồng hương thuê quầy. Bằng cách này, Trung Quốc chinh phục thị trường nước ngoài không chỉ bằng khả năng sản xuất hàng hóa với giá rẻ và nhanh chóng, mà còn bằng việc sử dụng các chợ trung tâm. Các chợ này phân phối hàng hóa đến những nơi xa xôi vốn sẽ rất khó khăn hay tốn kém nếu vận chuyển sản phẩm trực tiếp từ Trung Quốc. Một ví dụ được Nicolás de Pedro cung cấp là Kyrgyzstan, nơi ước tính có khoảng 75 phần trăm sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào nước này được tái xuất (sang Uzbekistan, Turkmenistan hay Afghanistan). Đây là hoạt động kinh tế quan trọng thứ hai ở nước Trung Á này.
Nguồn về các chợ của Trung Quốc: nghiên cứu của các tác giả và "Dragon Mart de Cancún estará operando en el 2012" [Chợ Rồng Cancun khai trương vào năm 2012], Jesús Vázquez, El Economista (Mexico), ngày 22.3.2011; về Kyrgyzstan: “El ascenso de China en Asia Central: Un nuevo hegemón regional en gestación?,” sđd.
48. The New Silk Road: How a Rising Arab World Is Turning Away from the West and Re-discovering China, Ben Simpfendorfer (Palgrave Macmillan, 2009), tr. 156.
49. Thành lập vào năm 1961, COSCO là công ty vận tải nhà nước lớn thứ hai trên thế giới. Công ty sở hữu hơn 800 tàu thuyền có mặt ở 1.600 cảng trên toàn thế giới. Được xem là một trong những công ty nhà nước tốt nhất và hiệu quả nhất của Trung Quốc, COSCO đóng một vai trò cơ bản đưa sản phẩm Trung Quốc ra khắp thế giới. Một mặt, phạm vi hoạt động mở rộng của công ty đã giúp "các sản phẩm Trung Quốc được đưa đến mọi ngõ ngách của hành tinh, và mặt khác, nó đã đảm bảo các tuyến giao thương chiến lược, như tuyến vận chuyển dầu," theo Kang Ronping, chuyên gia của các công ty đa quốc gia Trung Quốc và là cố vấn của chính phủ Bắc Kinh. Cuộc phỏng vấn với giáo sư Kang được sử dụng như một nguồn ở đây do COSCO từ chối cho các tác giả phỏng vấn.
50. Năm 1963, sau khi giành được độc lập khỏi ách thống trị của Pháp, Algeria trở thành quốc gia đầu tiên nhận một nhóm bác sĩ Trung Quốc như một phần của gói viện trợ từ Bắc Kinh. Kể từ đó, gửi bác sĩ ra nước ngoài đã trở thành một nét đặc trưng của ngoại giao Trung Quốc, nước này đã gửi hơn 20.000 bác sĩ, y tá và chuyên gia y tế đi khắp thế giới, phần lớn đến châu Phi. Ước tính bác sĩ Trung Quốc đã điều trị khoảng 240 triệu bệnh nhân trong 46 năm qua. Nguồn: Chinese Medical Cooperation in Africa, Li Anshan (Nordic Africa Institute, 2011).
51. Từ 23 đến 26.9.1991, các nhóm binh sĩ Zaire nổi loạn và bắt đầu cướp bóc cửa hàng, xưởng máy và nhà cửa ở Kinshasa và các thị trấn quan trọng khác trong cả nước. Những người lính, phản đối sau nhiều tháng không được trả lương, cướp mọi thứ trên đường đi, tháo dỡ nhà máy và phá hủy các cửa hàng. Ngay sau đó, dân chúng cũng tham gia cướp bóc. Ít nhất 117 người đã chết do các sự cố này, chủ yếu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu của cộng đồng người nước ngoài ở nước này.
52. Zhang Qi (
) là hậu duệ của Zhang Qian (
, 1853-1926), một vị quan Trung Quốc và là doanh nhân đến từ tỉnh Giang Tô nổi tiếng với thành tích kinh doanh trong ngành dệt may. Ngoài việc đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi của triều đình, một thành tích mang lại uy tín và địa vị rất lớn ở cuối triều đại nhà Thanh, Zhang thành lập hơn 20 doanh nghiệp ở thành phố Nam Thông, hầu hết trong các lĩnh vực dệt may và giáo dục. Doanh nghiệp tốt nhất trong số này là Dasheng
, sau này đã bị chính phủ cộng sản của Mao Trạch Đông trưng thu. Nguồn:
Encyclopedia of Contemporary Chinese Culture, Edward L. Davis (Routledge, 2005), tr. 569;
2004.
53. Con số này do hãng thông tấn Tân Hoa Xã của chính phủ Trung Quốc đưa ra vào năm 2007, không phản ánh đúng số người Trung Quốc thực tế sống và làm việc tại lục địa này "kéo dài qua các thời kỳ." Con số thực tế được cho cao hơn rất nhiều.
54. “China in Africa: After the Gun and the Bible … a West African Perspective,” Adama Gaye, trong cuốn China Returns to Africa: A Rising Power and a Continent Embrace, chủ biên Chris Alden, Daniel Large and Ricardo Soares de Oliveira (Hurst, 2008), tr. 130.
55. “Mixed Fates of a Popular Minority: Chinese Migrants in Cape Verde,” Jorgen Carling and Heidi Ostbo Haugen, trong cuốn China Returns to Africa: A Rising Power and a Continent Embrace, chủ biên Chris Alden, Daniel Large and Ricardo Soares de Oliveira (Hurst, 2008), tr. 320.
56. Trong năm 2010 Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc gia nhập WTO là mốc lịch sử quyết định trong việc bành trướng ngoại thương của nước này. Theo giáo sư Kang Ronping, "không nghi ngờ gì chúng ta đã thu được nhiều hơn so với các nước khác khi gia nhập WTO. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta xem xét dữ liệu liên quan đến xuất khẩu và thị phần doanh nghiệp Trung Quốc giành được trong các lĩnh vực như sản xuất." Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bị chỉ trích do phương pháp bảo hộ và do không thực hiện các cam kết đã ký năm 2001 mở cửa một số lĩnh vực của nền kinh tế, như ngành dịch vụ. Để biết thêm thông tin, xem Chinese Trade Policy After (Almost) Ten Years in the WTO: A Post-crisis Stocktake, Sally Razeen (European Center for International Political Economy, 2011).
57. Bằng chứng của việc này được cung cấp từ thực tế là, trừ Canada, không nước nào trong các nước G7 khác (Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ), được xem là đại diện của các nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới, căn cứ vào chính sách kinh tế về sản xuất và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
58. When China Rules the World, sđd., tr. 73-4.
59. Các báo cáo “The Impact of China on Sub-Saharan Africa,” Raphael Kaplinsky, Dorothy McCormick và Mike Morris, Institute of Development Studies, tháng 11.2007, và “The Growing Relationship Between China and Sub-Saharan Africa: Macroeconomic, Trade, Investment, and Aid Links,” Ali Zafar, World Bank Research Observer, 22 (1), Spring 2007, cung cấp thêm thông tin về chủ đề này.
60. China and Latin America: Economic Relations in the Twenty-First Century, Rhys Jenkins and Enrique Dussel (Deutschen Institut für Entwicklungspolitik, 2009), tr. 48, và “China’s Global Expansion and Latin America,” Rhys Jenkins, Latin American Studies, 42, 2010, tr. 820.
61. Nhiều chuyên gia đồng ý việc tăng lương nhanh chóng ở phía đông của nước này, nơi đặt phần lớn ngành công nghiệp Trung Quốc, rốt cuộc sẽ khiến Trung Quốc mất khả năng cạnh tranh so với các nước khác như Việt Nam và Campuchia trong các ngành sử dụng nhiều lao động. Nhà kinh tế và phân tích Tây Ban Nha Eduardo Morcillo của Interchina Consulting dự đoán chi phí sản xuất của Trung Quốc sẽ tăng từ 300 đến 400 phần trăm trong mười năm tới. Ngoài việc này, rốt cuộc sẽ có việc định giá lại đồng tiền Trung Quốc, nhân dân tệ, mà Morcillo xác định khoảng 40 phần trăm. Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, sự kém phát triển của trung tâm và vùng phía tây Trung Quốc, nơi các phép lạ kinh tế chưa diễn ra ở mức độ tương tự như ở nửa bên kia đất nước, sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng lao động giá rẻ dư thừa để giữ một số ngành sống sót.
62. Trong 11 tháng đầu năm 2009, các công ty Trung Quốc bán tổng cộng 102.000 xe sang châu Phi với tổng giá trị 1,74 tỷ đô-la, biến lục địa này thành thị trường lớn nhất đối với ô tô Trung Quốc. Nguồn: Africa Magazine, ngày 25.3.2011. Xem http://www.focac.org/eng/zfgx/jmhz/t813155.htm.
63. Vào tháng 4.2011, chính phủ Congo-Brazzaville và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ tuyên bố rằng công ty châu Phi Nouvelle Air Congo sẽ mua 60 máy bay MA của Trung Quốc. Nguồn: http://fr.allafrica.com/stories/201104060804.html. Trung Quốc đang cố gắng để phá vỡ thế lưỡng quyền trong ngành công nghiệp hàng không vận chuyển hành khách của European Airbus và Boeing bằng cách chế tạo Comac C919, máy bay có sức chứa hơn 190 hành khách, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2014.
64. Trong năm 2011 Huawei thu được 32 tỷ đô-la doanh thu. Năm 2009, khoảng 20 phần trăm doanh thu của Huawei đến từ lục địa châu Phi, nơi công ty có hoạt động ở 50 nước. Nguồn: Tính toán của các tác giả dựa trên số liệu lấy từ Báo cáo thường niên năm 2011 của Huawei và công bố thông tin của báo chí Trung Quốc (http://gb.cri.cn/27824/2010/10/11/1545s3016588.html).
65. Trong cuộc phỏng vấn của các tác giả ở Buenos Aires, Calvete từ chối cung cấp bất kỳ con số tổng quát nào về doanh thu. Tuy nhiên, ông giải thích mỗi một cửa hàng, mở cửa 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm - doanh thu trung bình 15.000 peso (tương đương 2.550 euro) một ngày.
3 MỎ TRUNG QUỐC Ở MIỀN TÂY HOANG DÃ MỚI
1. Ít ra trước khi cái gọi là "quá trình chuyển đổi dân chủ" năm 2011, luôn có cảm giác liên tục bị những điểm chỉ viên theo dõi và bu bám ở Miến Điện và dọc suốt biên giới với Trung Quốc. "Anh không thể tin tưởng người nào. Bất cứ ai cũng có thể là điệp viên của chính phủ," một nhà hoạt động Myanmar nói với chúng tôi trong quán cà phê tại khách sạn Summit Park View Hotel ở Rangoon. Hoang tưởng này là hợp lý. Ở Myanmar phải trả giá đắt nếu vượt ra khỏi giới hạn, như đã được chứng minh qua những vụ trả thù sau "Cách mạng áo cà sa" năm 2007. Trước năm 2011, đối với người nước ngoài điều này có nghĩa là lập tức trục xuất khỏi đất nước; đối với người dân Myanmar, thì có nghĩa là nhà tù. Vì vậy, tên thật của người được chúng tôi phỏng vấn ở Myanmar và tỉnh Vân Nam được thay bằng những tên giả để bảo vệ họ.
2. Tên chính thức của đất nước là Cộng hòa Liên bang Myanmar kể từ tháng 10.2010, khi chính quyền quân sự Myanmar đồng thời thay đổi cờ và quốc ca của nước này. Tên cũ - Burma - đã được thay thế bằng tên Myanmar vào năm 1989. Phần lớn các nhóm đối lập và một số nước tiếp tục gọi nước này là Burma như một cách từ chối tính hợp pháp của chế độ này.
3. “A Choice for China,” Global Witness, tháng 10.2005.
4. Trong một quyết định bất ngờ chưa từng có trong năm 2006, chính quyền quân sự Myanmar chuyển thủ đô chính thức của nước này đến Naypyidaw, một thị trấn hành chính với khoảng 100.000 dân cách thủ đô cũ Rangoon 320 km về phía bắc. Người ta cho rằng quyết định của chế độ nhằm củng cố quyền lực của mình. Đa số các đại sứ quán nước ngoài đã chọn ở lại Rangoon.
5. “A Disharmonious Trade,” Global Witness, tháng 10.2009.
6. Ngay sau khi độc lập, một số lượng lớn các nhóm dân tộc thiểu số sống rải rác trên khắp đất nước đã vũ trang đòi hỏi một mức độ tự chủ cao hơn. Các cuộc xung đột leo thang khi chính quyền quân sự lên nắm quyền vào năm 1962, dẫn đến một cuộc nội chiến bí mật đã tiếp tục với các mức độ khác nhau trong suốt những thập niên sau và đã làm hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người chết và 2 triệu người di tản. Một số nhóm kháng chiến du kích ngày nay vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng từ năm 1994 ít nhất mười sáu nhóm đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn và đã ngưng chiến. Kachin, nhóm đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 với hy vọng sẽ dẫn đến một cuộc đối thoại chính trị vốn chưa bao giờ xảy ra, đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 6.2011 và tình trạng thù địch đã trở lại kể từ đó.
7. Trong tháng 6.2011, chiến sự nổ ra một lần nữa ở Kachin giữa quân đội Myanmar và Quân đội Độc lập Kachin (KIA) gần một đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng tại bang Kachin. Cuộc chiến đã chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 17 năm và dẫn đến cuộc di tản khoảng 75.000 dân Kachin bị vi phạm nhân quyền, theo các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này cho rằng, bất chấp tối hậu thư của KIA, chính chế độ Myanmar thực tế đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn năm 1994. Theo các nhóm này, quân đội Myanmar đã xâm nhập vùng được coi là lãnh thổ của KIA theo thỏa thuận ngừng bắn năm 1994; đồng thời, người Kachin không được phép thành lập đảng chính trị riêng và quân đội của họ lập tức trở thành cảnh sát biên giới vũ trang. Nguồn Kachin khẳng định rằng trong cuộc xung đột Trung Quốc bị cáo buộc đã cho phép quân đội Myanmar vào lãnh thổ Trung Quốc, dù không có bằng chứng nào được đưa ra. Hiện nay, KIA, có từ 10.000 đến 30.000 quân chiến đấu, là nhóm sắc tộc lớn duy nhất trong nước này không có một thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.
8. "Chinese Takeaway Kitchen," The Economist, ngày 09.6.2011. Người Kachin đã sống ở cả hai bên biên giới Trung Quốc - Myanmar trong nhiều thế kỷ. Hầu hết các gia đình Kachin ở Myanmar có thân nhân ở Trung Quốc, vì cả hai cộng đồng đã có quan hệ hôn nhân trong nhiều thế hệ. Theo báo cáo truyền thông, sự leo thang của cuộc xung đột kể từ tháng 6.2011 đã đẩy nhiều người Trung Quốc chạy khỏi miền Bắc Myanmar trở lại Trung Quốc.
9. Ngoài trữ lượng lớn của Myanmar, dự trữ jadeite (ngọc bích) chỉ còn lại trên thế giới ở một số khu bảo tồn nhỏ ở Nga và Trung Mỹ. Tân Cương (Trung Quốc) là quê hương của loại ngọc màu trắng, mặc dù có giá trị, nhưng chất lượng không cao như jadeite.
10. Để biết thêm thông tin, xem http://www.kachinnews.com/news/769-russian-firm-after-uranium-not-gold-in-kachin-state.html. Theo các nguồn tin không chính thức khác nhau, chế độ Myanmar đang cố gắng để phát triển chương trình hạt nhân của riêng mình, dù không rõ nhằm mục đích gì.
11. Do thiếu hoàn toàn số liệu chính thức, số lượng ước tính các công ty khai thác khoáng sản đang hoạt động tại Hpakant dao động từ 70 đến vài trăm, theo các cuộc phỏng vấn các tác giả thực hiện với nhiều nguồn khác nhau. Chính phủ Myanmar có cổ phần trong các khu cấp phép khai thác thông qua viên chỉ huy quân sự khu vực. Điều này được thực hiện bằng cách liên minh với các công ty được cấp phép thực hiện đầu tư và đảm nhận khai thác tài nguyên. Trực tiếp hay không, đa số các công ty này là công ty Trung Quốc.
12. Trong năm 2010, GDP bình quân đầu người của Myanmar là 1.400 đô-la, theo The World Factbook 2010 của CIA.
13. Blood Jade, 2008, xuất bản bởi tổ chức phi chính phủ “8-8-08 for Burma," lên án vai trò của Trung Quốc ở các mỏ Hpakant trong thời gian chuẩn bị Olympic Bắc Kinh.
14. Gạch vụn đổ vào các con sông, làm tắc luồng chảy tự nhiên và cản trở lưu thông của nước. Trong mùa mưa, điều này gây ra lũ lụt thường xuyên quét sạch các ngôi nhà mỏng manh làm bằng gỗ và tre. Tháng 11.2010, một vụ lở đất trên một ngọn núi bã thải đã chôn vùi hơn năm mươi yemase. Theo một nguồn tin địa phương, chỉ có một bệnh viện công có thu phí ở Hpakant và một vài cơ sở tư nhân nhỏ.
15. Kể từ khi chiến sự nổ ra ở Kachin vào tháng 6.2011, một số lượng không xác định người Trung Quốc đã chạy khỏi các khu vực dọc biên giới với Trung Quốc. Không rõ liệu cuộc xung đột có tác động đến các doanh nghiệp Trung Quốc ở Hpakant hay không, dù thực tế là những cuộc giao tranh lẻ tẻ đã lan đến khu vực. Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) khẳng định chế độ Myanmar đã cố gắng ngăn chặn nguồn thu nhập chính của tổ chức này – tiền thuế - bằng cách ra lệnh các công ty khai thác ngọc bích ở Hpakant ngừng sản xuất.
16. Việc sử dụng thuốc phiện rất phổ biến trong công nhân ngành khai thác ngọc bích. Một nguồn tin có kiến thức sâu rộng về chủ đề này đoan chắc với các tác giả đối với các thương nhân ngọc bích một phép xã giao bình thường là mời nhau Kha Pong - thuốc phiện chín cuốn thành điếu bằng lá chuối héo - bất cứ khi nào gặp gỡ bàn chuyện làm ăn.
17. "Các linh mục của chúng tôi cho biết công việc khó khăn đến mức thợ mỏ phải được kích thích bằng heroin và methamphetamines. Chúng tôi biết các thợ mỏ khi bắt đầu làm việc hoàn toàn không nghiện và khi thôi việc đều bị nghiện," một linh mục các tác giả có dịp trao đổi giải thích. Các tình nguyện viên phi chính phủ chỉ ra rằng việc sử dụng các loại thuốc này trong hầm mỏ của Trung Quốc là "thực tế phổ biến."
18. "Authorities Feed Heroin Epidemic in Hpakant," 2009. Được thành lập vào năm 2003, Kachin News Group là cơ quan thông tấn phi chính thức của nhà nước Kachin. Có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan), cơ quan này được xem là một trong những nguồn thông tin tốt nhất về các sự kiện ở Kachin.
19. Báo cáo cáo buộc sự độc quyền của các công ty phân phối thuốc phiện trong Hpakant được bảo kê vì cảnh sát nằm trong bảng lương của họ. Dù không có bằng chứng cụ thể, cảm nhận chung ở Kachin là liên minh giữa quân đội Myanmar, đóng vai lãnh chúa trong khu vực, và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mở rộng sang lĩnh vực ma túy. Theo nguồn tin từ Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) mà các tác giả tham khảo, môi trường sử dụng ma túy không bị trừng phạt là một phần của "cuộc chiến thầm lặng chống lại các thế hệ người Kachin mới" do nhà cầm quyền Myanmar đưa ra để "dập tắt bất đồng," đặt dấu chấm hết cho khát vọng độc lập với Myanmar của khu vực này.
20. Theo Kế hoạch chiến lược quốc gia về phòng chống HIV (2009) do Chương trình AIDS quốc gia của Myanmar xuất bản, 2.572.641 ống và kim tiêm đã được phân phát ở Hpakant trong năm này.
21. Tại một cuộc đấu giá tháng 3.2011, Myanmar thu được 2,8 tỷ đô-la từ việc bán 16.939 lô ngọc bích, 206 lô đá quý và 255 lô ngọc trai. Đá quý là một trong những nguồn tài trợ chính cho chế độ Myanmar, vốn chỉ đầu tư 1,31 phần trăm ngân sách cho y tế và 4,57 phần trăm cho giáo dục.
22. Trong năm 2006, thương mại qua biên giới với Trung Quốc chiếm 7 phần trăm trong tổng thương mại của Myanmar. Học giả Winston Set Aung tính toán tỷ lệ này sẽ tăng lên đến 25 phần trăm nếu nó bao gồm giá trị thương mại bất hợp pháp. The Role of Informal Cross-Border Trade in Myanmar (Institute for Security and Development Policy, 2009).
23. Tên cho ngọc chưa qua chế biến được viết bằng tiếng quan thoại
hoặc
du shi trong bính âm (sử dụng chữ cái La-tinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc) có nghĩa là "đá may rủi hay đánh cược." Khi cần có một khoản đầu tư đặc biệt lớn, nhiều người mua thường góp tiền vào một quỹ chung để giảm thiểu các rủi ro.
24. Các mối quan hệ gắn bó giữa hai nước không đủ để che giấu sự mất lòng tin lẫn nhau. Điện tín do WikiLeaks tiết lộ nhấn mạnh Bắc Kinh cảm thấy lo lắng về tình hình trong nước không ổn định của Myanmar cũng như sự khó chịu của Rangoon về ảnh hưởng kinh tế quá mức Trung Quốc đang có ở nước này. Điều này trùng hợp với quan hệ kinh tế và quân sự đang tăng lên giữa Ấn Độ và chế độ Myanmar. Cuối năm 2011, chế độ Myanmar chuyển hướng tới điều dường như là một dạng cởi mở dân chủ, mà một số nhà phân tích gắn với sự sẵn sàng của nước này thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Do đó, Washington đã khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar.
25. "Quá trình chuyển đổi dân chủ" được thực hiện bởi cựu tướng lĩnh và là tổng thống hiện tại của Myanmar, Thein Sein, cho phép chấm dứt quản thúc tại gia người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, người đã bị tước đoạt tự do trong 15 năm kể từ năm 1989. Những cải cách tạo điều kiện cho việc nới lỏng kiểm duyệt trong nước, thả tù hàng trăm người bất đồng chính kiến, cho phép tiếp tục cải cách chính trị, và nhiều việc khác. Dù hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng cải cách là thực và rất khó đảo ngược, một số tổ chức phi chính phủ cho rằng chúng chỉ ảnh hưởng đến các thành phố - không ảnh hưởng đến khu vực nông thôn. Chính phủ Myanmar mới là chính phủ dân sự chính thức, dù nó bị quân đội kiểm soát. Sau khi tái đắc cử vào tháng 11.2012, Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Myanmar và nói rằng những cải cách do nước này thực hiện là "đáng kể."
26. Theo EarthRights International (ERI), năm 2008, tổng cộng 69 công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư vào ít nhất 90 dự án ở Myanmar trong các ngành khai thác mỏ, thủy điện, dầu khí. Trong năm tài chính 2010-11, đầu tư của Trung Quốc tại quốc gia Nam Á này đạt 13,5 tỷ đô-la, khiến Trung Quốc thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar, thậm chí vượt cả Thái Lan.
Hơn nữa, trong năm 2009 China National Petroleum Corporation (CNPC) mua lại quyền độc quyền khai thác 30 năm một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Đông Nam Á, nằm ở vùng biển quanh vịnh Bengal. Quyền khai thác mỏ này trước đây thuộc về một tập đoàn Ấn Độ - Hàn Quốc. Trong khuôn khổ dự án "Shwe Gas," công ty dầu khí Trung Quốc chuẩn bị hoàn thành xây dựng đường ống dẫn khí 2.800 km vào năm 2013. Đường ống này sẽ kéo dài suốt từ các mỏ ngoài khơi đến Nam Ninh ở phía tây nam Trung Quốc, ngang qua Myanmar. Đồng thời, công ty này sẽ xây dựng một đường ống dẫn dầu 1.100 km để vận chuyển dầu thô Trung Đông từ bờ biển phía tây của Myanmar đến Côn Minh, do đó tránh được eo biển Malacca và các tuyến đường biển do Mỹ kiểm soát. Tổng mức đầu tư cần thiết cho cả hai đường ống dẫn dầu ước tính vào khoảng từ 2,5 đến 3,45 tỷ đô-la. Để dự án khả thi, một cảng nước sâu đang được xây dựng; cảng này sẽ là một phần thiết yếu của đặc khu kinh tế trên đảo Kyauk Phyu. Khu vực này sẽ bao gồm các trạm dầu, một sân bay và một mạng lưới đường sắt nối với Trung Quốc. Thông qua việc bán khí đốt chỉ cho Trung Quốc, chế độ Myanmar sẽ nhận được hàng năm khoảng 1 tỷ đô-la trong suốt ba mươi năm tới.
27. Đây là tên do Hán Hiến Đế đặt cho tỉnh Vân Nam ngày nay, ghi nhận lãnh thổ này nằm "ở phía nam của Tứ Xuyên nhiều mưa."
28. Tháng 11.1992, Tổng công ty Shougang mua 100 phần trăm cổ phần của công ty nhà nước Empresa Minera de Hierro de Peru với giá 120 triệu đô-la, lập thành Shougang Hierro Peru. Mỏ này ban đầu thuộc sở hữu của công ty Mỹ Marcona Mining Company, sung công chuyển sang sở hữu nhà nước Peru vào năm 1975, tư nhân hóa vào năm 1992. Trữ lượng lên đến 1,662 tỷ tấn khoáng sản. Việc đầu tư bao gồm một cảng nước sâu tư nhân cách mỏ 18 km.
29. Theo Mine Workers Union của Shougang Hierro Peru, công ty sản xuất 9,5 triệu tấn sắt trong năm 2011, bất chấp sự sụt giảm nhu cầu do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thu nhập năm đó theo báo cáo đạt gần 3,065 tỷ nuevos soles, tương đương 1,17 tỷ đô-la.
30. Trong tháng 11.2010, Shougang cung cấp nước uống cho cộng đồng chỉ hai tiếng rưỡi mỗi ngày và cắt điện rất thường xuyên, theo các nguồn tin địa phương.
31. "Shougang không trả lời phỏng vấn về các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài," theo Wu Chu-Zhang thuộc phòng PR của Shougang tại Bắc Kinh khi các tác giả nói chuyện với anh ta qua điện thoại. Việc này là để đáp ứng yêu cầu bằng văn bản của các tác giả đã gửi nhiều tuần trước đó qua fax.
32. La economía china y las industrias extractivas: Desafíos para el Perú [The Chinese Economy and the Extractive Industries: Challenges for Peru], Cynthia A. Sanborn and Víctor Torres (Universidad del Pacífico, Centro de Investigación, 2009).
33. Shougang đã gửi thư chính thức cho cả nhân viên sau khi bài viết “Tensions over Chinese Mining Venture in Peru” (Căng thẳng trong doanh nghiệp khai thác mỏ Trung Quốc ở Peru) xuất hiện trên tờ New York Times vào ngày 14.8.2010. Công đoàn xem phản ứng của công ty Trung Quốc là một hành động đe dọa và có lẽ là khúc dạo đầu cho việc sa thải chính thức. Để tìm hiểu thêm, truy cập http://www.nytimes.com/2010/08/15/world/americas/15chinaperu.html, Simón Romero.
34. Đối với công nhân thường xuyên, mức lương cơ bản hàng ngày cho công nhân ở độ tuổi trên bốn mươi ở bậc lương cao nhất là 71.6 nuevos soles, khoảng 25,80 đô-la. Ngoài khoản đó, họ còn được phụ cấp (làm việc vào ngày lễ, ca đêm hoặc làm ở mỏ lộ thiên), bồi dưỡng sữa, đồ ăn nhẹ, hỗ trợ đi lại và một vài khoản khác, tổng cộng cao hơn so với công nhân tạm thời 30 phần trăm, theo công đoàn cho biết.
35. Ho là một loại bệnh mãn tính do bụi có nguồn gốc từ khoáng chất khác nhau như than, silic, sắt và canxi xâm nhập vào hệ thống hô hấp của con người.
36. Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng, theo một cuộc khảo sát do China Household Finance Survey (CHFS) công bố vào tháng 12.2012. Cuộc khảo sát chỉ ra rằng hệ số Gini, một chỉ số phản ánh khoảng cách giàu nghèo, của Trung Quốc là 0,61 trong năm 2010, vượt mức báo động 0,4 do Liên hiệp quốc ấn định. Trung Quốc đang trở thành một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới, ngang ngửa với các nước như Nam Phi. Nguồn: “To Each, Not According to His Needs,” The Economist, tháng 12.2012.
37. http://www.agubernamental.org/web/informativo.php?id=12425.
38. "La Economia Trung Quốc y las INDUSTRIAS extractivas: Desafíos para el Perú," sđd.
39. Trong “La economía china y las industrias extractivas: Desafíos para el Perú,” sđd., Víctor Torres chỉ ra trong năm 2007, tập đoàn Shougang, nhà sản xuất thép lớn nhất thứ sáu của Trung Quốc, cần nhập khẩu 20 triệu tấn quặng sắt để cung cấp cho các nhà máy thép của nó trong nước.
40. Ngoài thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ đô-la để tăng sản lượng lên 10 triệu tấn, năm 2009 chủ tịch Shougang đã phát biểu rằng các công ty Trung Quốc đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Peru qua việc trả 333 triệu đô-la tiền thuế và chi tiêu 340 triệu đô-la mua hàng tại chỗ, cũng như tạo ra một số lượng lớn việc làm cho địa phương. Trong khi đó, thu nhập của công ty chỉ trong năm 2011 vượt quá 1,17 tỷ đô-la. Để biết thêm thông tin, truy cập: http://www.andina.com.pe/Espanol/Noticia.aspx?Id=yS/WcpdTulE=.
41. Quan hệ giữa DRC và Angola xấu đi nhiều trong những năm gần đây do tranh chấp lãnh thổ, bất đồng về quyền sở hữu các nguồn tài nguyên dầu mỏ của khu vực và các khác biệt về địa chính trị khu vực. Do đó, cả Kinshasa và Luanda thường xuyên tiến hành trục xuất hàng loạt hàng trăm ngàn công dân của nước láng giềng, đôi khi dẫn đến tử vong, tra tấn và các loại lạm dụng. Ví dụ, hè năm 2010 có trên 650 phụ nữ và trẻ em gái đã bị hãm hiếp sau khi bị trục xuất từ Angola sang DRC, theo UNICEF. Nguồn: http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=37785&Cr=sexual+violence&CR1=.
42. Nước này đã chịu đựng quá trình thực dân hóa tàn bạo nhất trong toàn châu Phi dưới tay Bỉ trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1960. Tiếp theo đó là nhiều thập niên dưới chế độ độc tài tàn bạo cho đến hai cuộc chiến tranh khác giữa các năm 1996 và 2003 dẫn đến gần 4 triệu người chết và một đất nước đổ nát. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, GDP bình quân đầu người của nước này năm 2011 chỉ đạt 210 đô-la. DRC đứng thứ 168 trong số 183 nước về chỉ số nhận thức tham nhũng do tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố vào năm 2011.
43. Cấp phép khai thác khoáng sản quy định tại hợp đồng gồm các trữ lượng đã được chứng minh có 6.813.370 tấn đồng và 426.619 tấn cobalt. Tuy nhiên, trong Phụ lục A, hợp đồng nêu trữ lượng có thể đạt 10.616.070 tấn đồng và 626.619 tấn cobalt.
44. Hợp đồng ký kết giữa nhà nước Congo và các công ty nhà nước China Railway Group và Sinohydro bao gồm điều khoản tạo ra một liên doanh - Sicomines - giữa công ty khai thác mỏ nhà nước Congo Gecamines và một nhóm liên kết các công ty Trung Quốc. Hợp đồng ban đầu dự kiến tổng vốn đầu tư 9 tỷ đô-la, 6 tỷ đô-la dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, 3 tỷ đô-la còn lại sẽ chi vào việc tạo ra các cấu trúc cần thiết cho việc khai thác các mỏ có điều kiện khai thác khoáng sản rất phức tạp và tốn kém do thiếu các dịch vụ cơ bản (điện, đường giao thông). Tuy nhiên, vài tháng sau khoản đầu tư này đã giảm xuống còn chừng 6,2 tỷ đô-la chia đều cho đầu tư vào các mỏ và cơ sở hạ tầng sau khi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế can thiệp.
Lý do đằng sau sự can thiệp này khác nhau tùy theo nguồn tin. Các tổ chức quốc tế biện minh cho hành động của họ bằng cách tuyên bố hợp đồng này đe dọa hủy hoại DRC vốn đã nghèo khó, vì nước này dùng chủ quyền để đảm bảo trong trường hợp khai thác khoáng sản không đủ để trả nợ vay từ Exim Bank của Trung Quốc. Các nguồn khác cho rằng nó thực ra là một thủ thuật để bảo vệ lợi ích của phương Tây, vì các công ty phương Tây lo ngại Kinshasa có thể chuyển giao một phần đã được cấp phép của họ cho các công ty Trung Quốc - Congo này. Mặt khác, các chủ nợ truyền thống của nước này sợ rằng DRC sẽ ưu tiên trả nợ khoản vay Trung Quốc trong khi tiếp tục không trả các khoản vay khác. Về mặt này, cần chỉ ra rằng trong khi DRC ký hợp đồng với Trung Quốc, nước này cũng đàm phán giảm nợ, cuối cùng đã thông qua vào tháng 7.2010 khi Kinshasa được tuyên bố miễn trả 12,3 tỷ đô-la nợ các chủ nợ cũ.
45. Điều 14.2.3.1 của hợp đồng quy định "DRC cam kết tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực và giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài." Trung Quốc thường cố gắng đưa công nhân Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của họ trên toàn thế giới, vì các công ty Trung Quốc cho rằng người của họ làm việc chăm chỉ và có kỷ luật hơn so với người địa phương, cũng như thực tế là điều này cho phép họ giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, việc này đã bị nhiều nguồn khác nhau chỉ trích, vì nó làm giảm lợi ích thực sự cho người dân địa phương về mặt tạo việc làm.
46. Một trong những phụ lục của hợp đồng ban đầu đề cập đến việc xây dựng 1.015 km đường sắt, 3.656 km đường giao thông, 2 đập, 2 trường đại học, 5.000 căn nhà, 31 bệnh viện 150 giường và 145 trung tâm y tế. Nó cũng đề cập đến việc phục hồi 2.198 km đường sắt, 3.652 km đường bộ và 2 sân bay. Để trả tiền cho việc này, hợp đồng dự kiến tổng vốn đầu tư là 6 tỷ đô-la, một con số sau này được giảm tới một nửa số ban đầu sau sự can thiệp của IMF và Ngân hàng Thế giới. Do đó, số lượng cơ sở hạ tầng theo kế hoạch đã giảm đáng kể.
47. Một ví dụ tốt về điều này là trường hợp của ZTE Agribusiness - công ty con của tập đoàn viễn thông Trung Quốc khổng lồ ZTE - đã bị đình chỉ khoản đầu tư 600 triệu đô-la tại Mbandaka ở phía tây bắc của nước này. Công ty đã lên kế hoạch đầu tư vào một đồn điền dầu cọ rộng 100.000 ha để sản xuất dầu ăn và nhiên liệu sinh học. Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Kinshasa, người đứng đầu công ty Trung Quốc này ở DRC, Wang Kewen, dẫn chứng hạ tầng giao thông không ổn định để biện minh cho việc đình chỉ dự án. "Trong nhiều lý do, lý do chính là hậu cần. Nếu mọi việc suôn sẻ, vận chuyển hàng hóa đến Kinshasa dọc theo sông Congo mất không dưới hai tuần. Nhưng nếu có gì bất trắc, không thể biết mất bao lâu," ông khẳng định với các tác giả. Mbandaka và Kinshasa cách nhau 600 km. Các con sông là tuyến giao thông chính hay duy nhất ở phần lớn nước này.
48. Ngoài việc sử dụng cụ thể thuật ngữ này trong hợp đồng, Bắc Kinh thường xuyên dùng khái niệm "chính sách cùng thắng" để mô tả sáng kiến của họ ở các nước đang phát triển trước đây bị cường quốc phương Tây chiếm làm thuộc địa. Điều này có thể được xem như là nỗ lực của Bắc Kinh giữ khoảng cách với các chiến lược của phương Tây, và rộng hơn, sử dụng ngôn từ chống thực dân để tạo quan hệ với châu Phi và Mỹ La-tinh, qua đó giành giật địa bàn của các nước phương Tây.
49. Sicomines, doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hợp đồng, chịu trách nhiệm quản lý cả việc đầu tư 6 tỷ đô-la và hoạt động khai thác mỏ. Nó là một tập đoàn gồm năm công ty Trung Quốc, dẫn đầu là các tập đoàn nhà nước Sinohydro và China Railway Group, sở hữu 68 phần trăm cổ phần, và công ty nhà nước Congo Gecamines, cổ đông nhỏ hơn với 32 phần trăm cổ phần.
50. Ước tính này được lấy từ “China and Congo: Friends in Need," một báo cáo năm 2011 của tổ chức NGO Global Witness. Báo cáo này ước tính dựa trên giá trung bình của đồng và coban trong mười năm qua.
51. Các điều từ 14.2.1 đến 14.3 của hợp đồng.
52. Ước tính thận trọng này do Stefaan Marysse và Sara Geenen đưa ra trong báo cáo “Win-Win or Unequal Exchange? The Case of the Sino-Congolese Cooperation Agreement,” Journal of Modern African Studies, 47 (3), 2009, tr. 371–96.
53. "Trong mười hai tháng sau khi chính phủ Trung Quốc chấp thuận Dự án [hợp đồng] hợp tác, DRC cam kết đạt được việc Quốc hội của họ thông qua một đạo luật sẽ đảm bảo chính sách tài chính, hải quan và hối đoái theo yêu cầu của Dự án hợp tác, do đặc trưng của nó. Nếu Quốc hội của DRC không thông qua luật nói trên trong khoảng thời gian thỏa thuận, nhóm doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có quyền quyết định tiếp tục hay chấm dứt hợp đồng hiện tại." Bản dịch của các tác giả từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.
54. "Nếu liên doanh khai thác mỏ [Sicomines] không thu lại vốn đầu tư và lợi ích liên quan đến các dự án khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng trong vòng hai mươi lăm năm hoạt động của nó, DRC cam kết hoàn trả số dư bằng các hình thức khác," theo điều 13.3.4. Bản dịch của các tác giả từ gốc tiếng Pháp và Trung Quốc.
55. Một phái đoàn Congo đã dành hai tháng đàm phán hợp đồng này ở Bắc Kinh. Theo tin đồn mà các tác giả không thể khẳng định, trước khi ký kết hợp đồng, phái đoàn châu Phi đã “mua sắm thả cửa" tại thủ đô Trung Quốc, tiền do Trung Quốc trả để bôi trơn hợp đồng. Joseph Kabila chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi tổ chức vào tháng 12.2011 trong nghi ngờ gian lận phiếu bầu.
56. Nguồn: Phỏng vấn Okenda và phỏng vấn đại sứ Trung Quốc Wu Zexian, do các nhà báo Victoire Eyobi thực hiện vào ngày 10.11.2010, và công bố trên tạp chí Entreprendre.
57. Các tác giả đã đi Likasi ở tỉnh Katanga của Congo để thăm cơ sở khai thác mỏ thuộc sở hữu công ty Trung Quốc Feza Mining, thuộc Wan Bao Mining, là một thành viên của tập đoàn China North Industries Corporation (NORINCO). NORINCO là một trong những công ty quốc phòng quan trọng nhất của Trung Quốc, và đã từng bị Hoa Kỳ xử phạt vì cung cấp công nghệ tên lửa cho Iran. Cái gọi là "Vành đai đồng" (Copperbelt) của Trung Phi chứa 10 phần trăm trữ lượng đồng và 34 phần trăm dự trữ cobalt của thế giới.
58. “Win-Win or Unequal Exchange? The Case of the Sino-Congolese Cooperation Agreement,” sđd., tr. 390.
4 CUỘC TẤN CÔNG "VÀNG ĐEN" CỦA TRUNG QUỐC
1. Theo tác giả Deborah Brautigam, Li nói những lời này sau khi tham gia các cuộc thảo luận bàn tròn tại Center for Strategic and International Studies ở Washington vào tháng 4.2007. Cụm từ này dẫn lời của học giả Ban Cố trong cuốn Hán Thư, được viết trong thế kỷ thứ nhất và một trong những cuốn sử kinh điển của Trung Quốc. Phát biểu đầy đủ là: "Nước quá trong, sẽ không bao giờ bắt được cá; người quá chặt chẽ sẽ không bao giờ có bạn bè."
2. Tên của người và nơi chốn, cũng như nghề nghiệp và nhân dạng sử dụng để chỉ các nguồn tin đề cập trong chương này, đã được thay đổi để đảm bảo không ai nhận biết họ. Trong bảng xếp hạng the World’s Most Repressive Societies (Các xã hội hà khắc nhất thế giới) năm 2012 của tổ chức Freedom House đánh giá các quốc gia về tự do dân sự và chính trị trên toàn thế giới, Turkmenistan đã “tranh nhau” với Myanmar, Sudan và Bắc Triều Tiên những vị trí thấp nhất. Đàn áp là chuyện bình thường ở Turkmenistan.
3. Những con số này được một nhà ngoại giao phương Tây và một người nước ngoài phương Tây cung cấp, cả hai đã sống nhiều năm ở Turkmenistan.
4. Một nhà ngoại giao sống ở Ashgabat xác nhận một suất tại đại học Turkmen State University giá từ 20.000 đến 80.000 đô-la tùy thuộc vào ngành học. Các ngành nghệ thuật và nhân văn rẻ hơn, vì việc làm khi ra trường có mức lương thấp. Các ngành kỹ thuật tốn kém nhất, vì việc làm, đặc biệt trong ngành công nghiệp dầu khí, có lương cao hơn và sinh viên tốt nghiệp có thể kiếm tiền nhanh chóng. Để xin được việc làm luôn cần phải trả trước một số khoản: gái mại dâm phải hối lộ cảnh sát khu vực, còn bất cứ ai tìm kiếm một công việc quét đường trong cái nóng gay gắt 50 độ trước tiên phải trả một khoản phí 200 đô-la.
5. “Les Rapports secrets du Département d’État Américain: Le meilleur de WikiLeaks” (The Secret Relations of the US State Department: The Best of WikiLeaks), Le Monde Hors-Série, tháng 3.2011, tr. 71-4.
6. Thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc thường dẫn đầu các chuyến thăm chính thức nước ngoài, trong đó có các quan chức chính phủ Trung Quốc tham gia, bất chấp thực tế các chuyến thăm này thực ra là của các cơ quan nhà nước, chứ không phải một đảng chính trị nào. Thực tế này nhấn mạnh vai trò thứ yếu của các cơ quan nhà nước trong cơ chế chính trị Trung Quốc, so với vai trò chi phối của đảng chính trị duy nhất của nước này - Đảng Cộng sản Trung Quốc.
7. Báo cáo thường niên năm 2012 của BP về trữ lượng năng lượng thế giới cho thấy trữ lượng khí đốt đã được xác nhận ở Turkmenistan là gần 25 nghìn tỷ mét khối. BP Statistical Review of World Energy, tháng 6.2012; “Turkmenistan Foreign Policy,” Richard Pomfret, China and Eurasia Forum Quarterly, 6 (4), 2008, tr. 19–34.
8. Saparmurat Niyazov, tổng thống đầu tiên của Turkmenistan, lãnh đạo đất nước từ khi độc lập vào năm 1991 cho đến khi qua đời đột ngột vào năm 2006 (có thể do bệnh tiểu đường), được kế tục bởi Gurbanguly Berdymukhammedov, cựu bộ trưởng y tế, một địa vị mà ông đã đạt được sau thời gian làm nha sĩ. Vẻ ngoài quá giống nhau giữa hai người dẫn đến một loạt đồn đoán rằng Berdymukhammedov thực ra là con rơi của Niyazov.
Người nước ngoài sống ở Ashgabat kể đủ thứ chuyện khó tin về cuộc sống hàng ngày trong nước. Ví dụ, một nguồn mô tả bản chất siêu thực chuyến thăm của tổng thống đến các tỉnh trong nước này: "Tôi đã được mời tham dự lễ khánh thành một khu đô thị mới ở phía đông của Ashgabat, có Tổng thống Berdymukhammedov tham dự. Khi đến đó, tôi ngạc nhiên khi thấy một thị trấn bằng đá cẩm thạch trắng rực rỡ với các bệnh viện được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại và trẻ em trong nhà trẻ nói tiếng Anh. Chuyến thăm của tổng thống được ăn mừng với hàng ngàn người nhảy múa và ca hát trên đường phố, và tổng thống đã thăm các cơ sở vốn chưa từng thấy ở cả các nước phát triển nhất trên thế giới trong toàn thị trấn. Vì lý do đi lại tôi phải qua đêm ở khu vực này, và ngày hôm sau tôi quay lại chính thị trấn đó. Tôi thấy đường phố hoang vắng, các cửa hàng và công trình công cộng đều đóng cửa. Tôi không hiểu được chuyện gì đang xảy ra, cho đến khi một người dân địa phương giải thích tất cả những gì xảy ra hôm trước chỉ là một màn dàn dựng lớn. Họ đưa trẻ em từ Ashgabat về và huấn luyện hàng tháng trời cho vở diễn này. Thiết bị bệnh viện cũng đã đưa từ thủ đô đến. Tất cả chỉ là một vở diễn lớn do nhà nước dàn dựng."
Nguồn tin này giải thích các chuyến thăm nước ngoài của tổng thống cũng có những yếu tố hư cấu. Công ty truyền hình nhà nước Turkmen rõ ràng đã chỉnh sửa các hình ảnh quay bài phát biểu của tổng thống tại Liên hiệp quốc (dễ dàng thực hiện do tính chất luân phiên của các hoạt động tại Liên hiệp quốc) để chứng minh rằng người đứng đầu nhà nước Turkmenistan liên tục nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ các đoàn nước ngoài. "Có đúng là tất cả tổng thống trên thế giới mời tổng thống của chúng tôi phát biểu và không thể ngừng vỗ tay? Đó là điều chúng tôi nhìn thấy trên truyền hình," một người bạn Turkmen hỏi nguồn tin của chúng tôi, được giữ kín danh tính ở đây vì lý do rất hiển nhiên.
9. Nhận được thị thực báo chí nhập cảnh Turkmenistan thực tế là điều không thể. Nhận được thị thực du lịch cũng không kém phần khó khăn và tốn kém và, trong nhiều thứ khác, đòi hỏi du khách phải cung cấp thông tin chi tiết về hành trình của mình trước hàng tuần, ngoài ra còn phải dựa vào hướng dẫn viên tại chỗ trong suốt chuyến đi. Do các tác giả không đề cập đến chuyến đi của họ đến Turkmenabat với hướng dẫn viên được chỉ định (để tránh bị nghi ngờ), chuyến đi đến thị trấn này thực ra là "bất hợp pháp," như chính hướng dẫn viên khẳng định với các tác giả, đầy đe doạ, qua điện thoại.
10. Các tác giả đã gặp Li Lei (không phải tên thật) thông qua một phòng chat trực tuyến của Trung Quốc. Các tác giả đã liên lạc với anh từ Bắc Kinh, và sau nhiều tháng trao đổi trong không gian mạng anh đã đồng ý gặp họ ở nơi xa xôi hẻo lánh của Turkmenistan.
11. Công ty CNPC của Trung Quốc là công ty nước ngoài duy nhất khai thác trữ lượng khí trên bờ của Turkmenistan. Các tập đoàn nước ngoài khác ở nước này chỉ khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi biển Caspian.
12. World Energy Outlook 2011, International Energy Agency (OECD/IEA, 2011).
13. Từ khi bắt đầu vận hành đường ống dẫn khí vào tháng 12.2009 đến tháng 6.2012, Trung Quốc đã nhập khẩu 30 tỷ m3 khí đốt từ Turkmenistan, theo số liệu của CNPC. Trên cơ sở các hiệp định song phương ký kết vào tháng 6.2012, đến năm 2015 con số này sẽ đạt 65 tỷ m3 một năm. Tuy nhiên, các chuyên gia xem Turkmenistan là một đối tác kinh doanh không đáng tin cậy trong việc cung cấp lượng khí họ hứa hẹn, vì một số nguồn không tin nước này thực sự có thể đạt được khối lượng cung cấp đó.
International Energy Agency (IEA) ước tính đến năm 2015 nhu cầu khí của Trung Quốc sẽ đạt 165 tỷ m3 mỗi năm. Trong khi đó, báo cáo năng lượng năm 2012 của BP cho rằng Trung Quốc tiêu thụ 130,7 tỷ m3 khí vào năm 2011 và sản xuất 102,5 tỷ m3 khí. Nguồn: “PetroChina Pipeline Turns on Gas Supply,” China Daily, ngày 5.6.2012; “China Turns to Turkmenistan for Gas amid Gazprom Pipe Talks,” Bloomberg, ngày 4.3.2011; World Energy Outlook 2011, sđd.; BP Statistical Review of World Energy, sđd.
14. Mặc dù có rất ít thông tin về các thỏa thuận trong lĩnh vực công, các nguồn công bố cho rằng CDB cho Turkmengaz vay 4 tỷ đô-la trong năm 2009 để khởi động khai thác một số mỏ khí, bao gồm những mỏ ở Nam Yolotan và Osman. Năm 2011, CDB cung cấp thêm khoản vay 4,1 tỷ đô-la hoàn trả trong mười năm sau ba năm ân hạn. Các khoản vay được đảm bảo bởi nguồn dầu khí của nước này và, theo một số nguồn tin, sẽ được trả bằng khí. Nguồn: “China Boosts Gas Imports from Turkmenistan,” Vladimir Socor, Asia Times, ngày 2.7.2009; “China Lends $4.1 billion to Gas-Rich Turkmenistan,” Reuters, ngày 27.4 .2011.
15. Trung Quốc hiện có ba ngân hàng chính sách: China Development Bank (CBD), the Export-Import Bank (Exim Bank) and Agricultural Bank of China (ABC). Các ngân hàng này được thành lập để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng (CBD), xúc tiến thương mại (Exim Bank) và nông nghiệp (ABC) của Trung Quốc. Trong số ba ngân hàng này, Exim Bank là ngân hàng có khuynh hướng chính trị rõ nhất. Nó là tổ chức duy nhất của Trung Quốc đủ điều kiện cung cấp "vốn vay ưu đãi" và vốn vay "tín dụng ưu đãi xuất khẩu cho người mua," với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường rất nhiều và điều kiện hoàn trả rất thuận lợi, phục vụ viện trợ và đầu tư cho các nước đang phát triển. Các khoản cho vay phục vụ mục đích kép vừa tạo điều kiện cho xuất khẩu của Trung Quốc vừa hỗ trợ ngoại giao của nước này. Exim Bank, một tổ chức bất khả xâm phạm hoạt động theo chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Nhà nước, không công bố bất kỳ dữ liệu nào trong báo cáo hàng năm về khối lượng tín dụng đã cấp hoặc nêu ra ai đã nhận được các khoản vay này. Trong một cuộc phỏng vấn kỳ dị mà các tác giả rốt cuộc đã thực hiện với tổ chức này trong năm 2010, được mô tả trong phần giới thiệu cuốn sách, Yan Qifa, phó giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế của ngân hàng, nói với tác giả ông không biết "mỗi năm Trung Quốc cấp bao nhiêu khoản vốn vay ưu đãi."
Mặt khác, CDB, được thành lập vào năm 1994, cũng thuộc sở hữu nhà nước và đặt dưới sự kiểm soát của Hội đồng Nhà nước. Ở trong nước, ngân hàng này hỗ trợ các dự án hạ tầng của chính phủ, đồng thời phục vụ các hoạt động ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. CDB có sự hiện diện quốc tế rộng lớn, và là nhà cung cấp tài chính quốc tế lớn nhất trong số các ngân hàng Trung Quốc thuộc chính sách đầu tư "xuất ngoại" của Trung Quốc. CDB dường như áp dụng một cách tiếp cận kinh doanh định hướng thương mại hơn, và được nhìn nhận áp dụng một chiến lược nhằm biến nó thành một tập đoàn ngân hàng đại chúng. Tuy nhiên, do bản chất kinh doanh và cơ cấu sở hữu của nó, không chắc chính phủ sẽ ngưng hỗ trợ.
16. Chuyên gia Erica Downs thuộc viện Brookings cho rằng các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc và CDB đã tìm cách có được một mức độ độc lập nhất định với chính phủ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là, họ rốt cuộc không phải chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước (có quyền chỉ định chủ tịch của những ngân hàng này, và nhiều quyền khác). Tuy nhiên, Downs cho rằng "China Inc." (Công ty Trung Quốc) không phải là một thực thể "nguyên khối" ra quyết định "từ trên xuống." Các nhà phân tích Julie Giang và Jonathan Sinton đưa ra một lập luận tương tự trong báo cáo gần đây của họ cho International Energy Agency. Về vấn đề này, điều quan trọng là chỉ ra rằng, trong khi các công ty và ngân hàng nhà nước Trung Quốc cố gắng theo đuổi một sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia của nước này và lợi nhuận của các dự án mà họ thực hiện, không thể tách nhà nước hoặc các đặc tính của hệ thống tài chính của nó khỏi sự bành trướng của Trung Quốc trên toàn thế giới. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta xét đến thực tế công nghệ của các công ty này lạc hậu "nhiều thập niên" so với các công ty phương Tây, theo nhiều chuyên gia trao đổi với các tác giả về đề tài này. Theo lời học giả Ricardo Soares de Oliveira, "Trong khi vẫn còn tụt hậu so với các công ty phương Tây trong hầu hết lĩnh vực, các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc mang đến bàn thương lượng uy thế của nhà nước Trung Quốc, sẵn sàng chi trả cho các cam kết dài hạn vốn sẽ không khả thi nếu xem xét trong ngắn hạn, và tài trợ vốn lãi suất thấp để đảm bảo giao dịch."
Có lẽ ví dụ tốt nhất là thỏa thuận ký kết vào tháng 2.2009 giữa một bên là các công ty Nga Rosneft và Transneft bên kia là CDB và CNPC. Căn cứ vào hợp đồng này, CDB cam kết cấp cho hai công ty Nga một khoản vay 25 tỷ đô-la với lãi suất hàng năm là 5,69 phần trăm (một lãi suất rất thuận lợi trong tình hình kinh tế lúc đó). Đổi lại, các công ty Nga cam kết cung cấp hàng ngày cho CNPC 300.000 thùng dầu theo giá thị trường. Điều này khiến Nga phải thay đổi kế hoạch ban đầu, sau mười lăm năm đàm phán, và cuối cùng đồng ý xây dựng nhánh sang Trung Quốc của đường ống Đông Siberia Thái Bình Dương (ESPO), ban đầu vốn chỉ nhằm mục đích nối các mỏ dầu Siberia với Nhật Bản.
Nguồn: Inside China, Inc.: China Development Bank’s Cross-Border Energy Deals, Erica Downs (Brookings Institute, 2011); Overseas Investments by Chinese National Oil Companies: Assessing the Drivers and Impacts, Julie Jiang and Jonathan Sinton (IEA, February 2011). Trích dẫn Soares de Oliveira lấy từ “Making Sense of Chinese Oil Investment in Africa,” in China Returns to Africa: A Rising Power and a Continent Embrace, eds. Chris Alden, Daniel Large and Ricardo Soares de Oliveira (Hurst, 2008), tr. 98.
17. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, tổng cộng 3,2 nghìn tỷ đô-la cuối năm 2011, chủ yếu từ bốn nguồn: đầu tư trực tiếp nước ngoài ở nước này, thặng dư thương mại của Trung Quốc, du lịch và cái gọi là quá trình "trung hòa" đồng tiền (Trung Quốc mua vào đô-la để duy trì một tỷ giá hối đoái cố định). SAFE (State Administration of Foreign Exchange), Cục quản lý nhà nước về ngoại hối, quản lý các quỹ sử dụng nhiều đầu tư khác nhau, ra quyết định căn cứ vào mức độ rủi ro liên quan, các yêu cầu chiến lược và lợi nhuận. Trước cuộc khủng hoảng năm 2008, Trung Quốc thường đầu tư một số lượng lớn tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ, nhưng nhận thức nguy cơ và từ thực tế tài sản có thể mất đi sức mua khiến Bắc Kinh đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ. Việc sử dụng một phần dự trữ ngoại tệ để tài trợ các dự án do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài hoàn toàn phù hợp với chiến lược này. Như vậy, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng được dùng để giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động quốc tế, góp phần quyết định vào cuộc chinh phục thị trường nước ngoài của Trung Quốc.
18. Dù có nhiều lỗi sơ đẳng, cuốn "Book of the Soul" của Niyazov rõ ràng viết "với nguồn cảm hứng mà Thượng Đế trao cho ông ta." Tác phẩm gồm hai tập vẽ ra một cây phả hệ nối tổng thống ngược trở lại đến thời điểm khởi đầu nhân loại. Nó cũng đưa ra hướng dẫn về cách cư xử ở nơi công cộng và trong gia đình. Cuốn sách là tài liệu đọc bắt buộc tại các trường phổ thông và đại học ở Turkmenistan, và kiến thức về tác phẩm này là một yêu cầu cần thiết nếu muốn làm việc trong các cơ quan chính quyền, và thậm chí khi xin cấp bằng lái xe. Hiện có hơn 40 bản dịch Ruhnama ra tiếng nước ngoài, tất cả đều do các doanh nhân theo gương của doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Çalik dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Bộ phim tài liệu của Arto Halonen, Shadow of the Holy Book, cung cấp thêm thông tin về chủ đề này.
19. Bằng chứng về mối quan hệ này có thể thấy trong Édition Spécial, bộ phim tài liệu được thực hiện bởi TF1 - một kênh truyền hình tư nhân thuộc sở hữu của Bouygues - để chào mừng chuyến thăm Pháp của nhà độc tài vào tháng 9.1996. Niyazov, Martin Bouygues, và các chủ tịch của TF1, Gas de France và Électricité de France (EDF) đã tham gia vào chương trình này, được nhà báo Jean-Claude Narcy đạo diễn. Nhóm doanh nhân Pháp được thấy ca ngợi Turkmenbashi hết lời trong suốt 40 phút chương trình, không bao giờ dám trái ý hay chất vấn ông ta về các chủ đề như tham nhũng, nhân quyền hay tự do dân sự. Chương trình này, được phát sóng ở Turkmenistan nhưng không bao giờ chiếu ở Pháp, có thể xem tại: http://www.dailymotion.com/video/xi0uw_tf1-bouygues-et-le-turkmenistan; truy cập lần cuối ngày 22.8.2012.
Để biết thêm thông tin về chi phí kinh doanh ở Turkmenistan tăng do tham nhũng, xem “Les Rapports secrets du Département d’État Américain: Le meilleur de WikiLeaks,” sđd.
20. Ngoại lệ duy nhất là đường ống nối Turkmenistan với nước Iran láng giềng. Theo Ngân hàng Thế giới, Ashgabat sẽ sử dụng đường dẫn này để vận chuyển lượng cung hàng năm 20 tỷ m3 khí đốt sang nước Cộng hòa Hồi giáo trong những năm tới.
21. Inside China, Inc.: China Development Bank’s Cross-Border Energy Deals, sđd.
22. Trong khuôn khổ của thỏa thuận hòa bình ký kết năm 2005, một cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra giữa tháng 1 và tháng 2.2011 ở miền Nam Sudan, 99 phần trăm dân số bỏ phiếu ủng hộ độc lập và tạo ra một nhà nước mới Nam Sudan, có hiệu lực vào ngày 9.7.2011. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn còn trên biên giới và chiến tranh một lần nữa lại đe dọa khu vực.
23. Khi các tác giả đến Khartoum vào tháng 7.2010, văn phòng tại chỗ của CNPC đặt tại khách sạn Sudan, một tòa nhà có năm tầng và 260 phòng là nơi ăn nghỉ và làm việc của các nhân viên người Trung Quốc chính của công ty. Vì là người Trung Quốc, trợ lý của các tác giả đã có thể nghỉ một đêm trong một phòng rộng rãi của khách sạn và thưởng thức một số trong 30 món ăn Tứ Xuyên và các vùng khác được 15 đầu bếp Trung Quốc nấu hàng ngày. Ngoài khách sạn Sudan, nằm khoảng giữa Dinh Tổng thống và Bộ Dầu mỏ trên con đường chính của Khartoum, CNPC cũng đã mua thêm hai tòa nhà để mở rộng hoạt động ở nước này. Công ty cũng đã hoàn tất một tòa nhà chọc trời mới để đáp ứng nhu cầu của đội ngũ nhân viên ở Sudan.
24. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ ước tính vượt quá 15 tỷ đô-la, Trung Quốc chắc chắn là đối tác chính trong lĩnh vực dầu mỏ Sudan, dù không phải là đối tác duy nhất. CNPC sở hữu 40 phần trăm cổ phần trong Greater Nile Petroleum Operating Company (GNPOC), tập đoàn chịu trách nhiệm khai thác các giếng dầu ở nước này và xây dựng đường ống dẫn dầu 1.500 km chuyển dầu thô từ phía nam đến cảng Port Sudan trên bờ biển Đỏ. CNPC cũng sở hữu thêm 41 phần trăm cổ phần trong tập đoàn lớn thứ hai của nước này, Petrodar Operating Company, nơi Sinopec của Trung Quốc (công ty có nhà nước Trung Quốc là cổ đông chính) sở hữu thêm 6 phần trăm. Công ty nhà nước Malaysia Petronas và Công ty nhà nước Ấn Độ Oil and Natural Gas Corporation Limited (ONGC) cũng có mặt trong lĩnh vực dầu mỏ Sudan thông qua cổ phần trong các tập đoàn này, dù ở mức thấp hơn so với Trung Quốc. Nguồn: “From Non-interference to Constructive Engagement?,” Daniel Large, in China Returns to Africa: A Rising Power and a Continent Embrace, eds. Chris Alden, Daniel Large and Ricardo Soares de Oliveira (Hurst, 2008), tr. 280–84.
25. Kể từ đó cho đến năm 2011, Sudan đã giữ một vị trí trong danh sách các nhà cung cấp dầu chính của Trung Quốc. Hơn mười năm sau, Sudan vẫn là nước cung cấp dầu quan trọng cho Trung Quốc, cung cấp 5,3 phần trăm tổng số dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2010. Kết quả đó bất chấp sản xuất dầu hạn chế tại Sudan, chất lượng dầu kém của nước này và nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất mua dầu Sudan, mua 12,59 triệu tấn dầu thô trong năm 2010 (khoảng 50 phần trăm tổng sản lượng năm đó của nước này). Mức sản xuất hiện nay dao động từ 500.000 đến 750.000 thùng dầu mỗi ngày, theo một chuyên gia Sudan được phỏng vấn cho cuốn sách này. Nguồn: Hải quan Trung Quốc, http://www.customs.gov.cn/publish/portal0/tab7841/module24699/info292637.htm.
26. Nền kinh tế Sudan tăng với tốc độ trên 10 phần trăm trong các năm 2006, 2007 và khoảng 5 phần trăm trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
27. Cuộc xung đột tại Darfur, khu vực ở miền tây Sudan, nổ ra vào năm 2003 giữa các bộ tộc Arab (được chế độ Arab ở Khartoum tài trợ và cung cấp vũ khí) với người da đen cáo buộc giới chóp bu chính trị Arab đàn áp chủng tộc. Xung đột sắc tộc giữa người Arab và người da đen trong khu vực đã dẫn đến 300.000 người chết và buộc hơn 2,5 triệu người rời bỏ nhà cửa. Hoa Kỳ đã xem sự kiện này là "diệt chủng.” Từ năm 2009 đến năm 2010, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) của Liên hiệp quốc đã phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với Tổng thống al-Bashir bị cáo buộc tội ác chiến tranh và năm tội chống lại loài người khác ở Darfur. Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng quyền bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để giảm áp lực quốc tế lên chế độ al-Bashir, và cũng đã công khai lên tiếng phản đối bắt giữ Tổng thống Sudan. Al-Bashir đến Trung Quốc vào tháng 6.2011 và được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đón tiếp long trọng, chọc giận các nhóm nhân quyền và quan chức Liên hiệp quốc.
28. “China’s Growing Role in African Peace and Security,” Saferworld, tháng 1.2011, tr. 49–53.
29. Trung Quốc đã không thành công khi cố gắng ngăn chặn thông tin này lọt vào tay báo chí trong tháng 10.2010. “China Tries to Block Darfur Weapons Report,” Ewan MacAskill, Guardian, ngày 21.10.2010.
30. BP Statistical Review of World Energy, sđd.
31. Chiến thuật được một số công ty dầu khí phương Tây sử dụng là ở lại Iran "hoàn tất các hợp đồng cũ," nhưng không công ty nào dám bắt đầu bất kỳ dự án mới nào. "Một phương cách chiến lược là ở lại nước này chờ tình hình cải thiện," một nguồn tin làm việc trong lĩnh vực này nói với các tác giả.
32. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính tổng giá trị các khoản đầu tư bị hủy bỏ trong lĩnh vực dầu mỏ của Iran do các biện pháp trừng phạt của Mỹ từ 50 đến 60 tỷ đô-la. “Iran’s Chinese Energy Partners,” Mark Dubovitz and Laura Grossman, Foundation for Defense of Democracies, tháng 9.2010, tr. 3.
33. Theo các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này, công nghệ dầu của Trung Quốc còn thô sơ. Một lĩnh vực còn kém hơn là sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đó là quá trình biến khí tự nhiên thành khí lỏng (liquid gas), cho phép vận chuyển trên quãng đường dài trên các tàu chở dầu khi không có đường ống dẫn khí. Tehran đang rất cần khai thác mỏ khí đốt South Pars ngoài khơi của họ vì Iran "chia sẻ" khí với nước láng giềng Qatar, nước hiện đang khai thác khí này với quy mô lớn hơn. Mặc dù thực tế các chuyên gia ước tính Trung Quốc sẽ mất "vài năm hay thậm chí vài thập niên" để đuổi kịp các đối thủ phương Tây, CNPC đã kế tục Total tại lô South Pars 11 vào năm 2009 sau khi công ty Pháp, vốn ban đầu đã cam kết hợp đồng khai thác mỏ này, rút khỏi dự án. Một số nguồn tin cho rằng Total buộc phải rút lui do áp lực của Hoa Kỳ.
34. Do vị thế bị cô lập quốc tế, con số chính thức của Iran về đầu tư nước ngoài có xu hướng phóng đại lượng vốn thực tế chảy vào nước này. Ví dụ, báo chí Iran ước tính giá trị của các hợp đồng năng lượng ký kết với các công ty Trung Quốc kể từ năm 2005 là 120 tỷ đô-la. Tuy nhiên, các chuyên gia bác bỏ con số này. Giá trị thực các khoản đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng Iran có vẻ gần mức 40 tỷ đô-la do thứ trưởng dầu mỏ của Iran, Hossein Noqrehkar Shirazi, công bố. Trung Quốc thường thiếu minh bạch. Khi các tác giả liên lạc với ba công ty dầu khí Trung Quốc (CNPC, Sinopec và CNOOC), không công ty nào đồng ý phỏng vấn hay cung cấp bất kỳ thông tin về hoạt động của họ ở Iran. Nguồn: “China Invests $40 Billion in Iran’s Energy Sector,” Tehran Times, ngày 01.8.2010.
35. “The Impact of Iran Sanctions Six Months In,” Trevor Houser, Rhodium Group, ngày 27.6.2012.
36. Iran hiện đang sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, người ta ước tính trừ khi nước Cộng hòa Hồi giáo đầu tư 120 tỷ đô-la vào năm 2015 con số này có thể giảm xuống 2,7 triệu thùng. “Iran’s Chinese Energy Partners,” sđd., tr. 6.
37. Lời mở đầu nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, được Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ, thừa nhận "mối liên quan tiềm ẩn giữa thu nhập từ ngành năng lượng của Iran với việc tài trợ các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân nhạy cảm của Iran."
38. “US Embassy Cables: China and US Compare Notes on How to Handle Iran,” Guardian, ngày 29.11.2010.
39. “Iran’s Chinese Energy Partners,” sđd., tr. 3.
40. "Làm sao anh chơi rắn với ngân hàng của mình được?" ngoại trưởng Mỹ được cho là đã hỏi Thủ tướng Úc lúc đó Kevin Rudd, theo WikiLeaks. Ở đây Hillary Clinton đề cập đến ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nhà Trắng vì là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, ước tính khoảng 1.100 tỷ đô-la trái phiếu kho bạc Mỹ. Bất chấp điều này, tháng 1.2012, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty hóa dầu nhà nước Trung Quốc Zhuhai Zhenrong, mà Washington cho là nhà cung cấp lớn nhất các sản phẩm lọc dầu cho Iran. Cho dù đây là một công ty nhỏ, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với việc trừng phạt này. Nguồn: “WikiLeaks: Hillary Clinton’s Question: How Can We Stand Up to Beijing?,” Ewen MacAskill, Guardian, ngày 4.12.2010; “China Seen as Risk As Holdings Surpass $1 trillion,” Reuters, ngày 1.3.2011.
41. Năm 2012 Luanda xếp thứ hai, sau Tokyo, là thủ đô đắt đỏ nhất trên thế giới, theo công ty tư vấn Mercer. Một nhân viên người nước ngoài tại một tổ chức quốc tế ở Luanda cho chúng tôi biết dù công ty trợ cấp thuê nhà hàng tháng 10.000 đô-la, "tôi vẫn phải trả ít nhất 15.000 đô-la để thuê một căn hộ đạt tiêu chuẩn quốc tế, có nước nóng và điện cả ngày." Khi các tác giả đến thủ đô này, họ đã không thể tìm thấy chỗ nghỉ nào thấp hơn 300 đô-la mỗi đêm cho một phòng đôi. Tất cả do bùng nổ kinh tế của đất nước, là kết quả phát triển ngành công nghiệp dầu (kể cả tác động có hại của nó), dịch vụ cung ứng hạn chế và không có ngành sản xuất địa phương nào - di sản của hai mươi bảy năm chiến tranh - khiến Angola buộc phải nhập khẩu tất cả hàng hóa.
42. Trong năm 2011 Angola sản xuất 1,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chỉ sau Nigeria. BP Statistical Review of World Energy, tháng 6.2012. Thông tin về thu nhập dầu của Angola lấy từ bài “The New Imperialism: China in Angola,” của Rafael Marques de Morais, World Affairs Journal, tháng 3/tháng 4.2011.
43. Dos Santos nắm quyền trong hơn ba mươi năm. Trong cuộc bầu cử cuối cùng của Angola vào năm 2010, ông ta đã giành chiến thắng vang dội với 82 phần trăm số phiếu.
44. Mô hình Trung Quốc sử dụng ở Angola và khắp châu Phi được sao chép từ Nhật Bản, nước đã thực hiện rất nhiều dự án ở Trung Quốc trong những năm 1970 và 1980 để đổi lấy dầu của Trung Quốc.
45. Trong cuốn sách về vai trò của Trung Quốc ở châu Phi, The Dragon’s Gift, Deborah Brautigam cho rằng Đức là nước đầu tiên giải tỏa áp lực lên Angola, đơn phương xóa nợ của nước này vào năm 2003. The Dragon’s Gift: The Real History of China in Africa (Oxford University Press, 2009), tr. 275.
46. “Thirst for African Oil: Asian National Oil Companies in Nigeria and Angola,” Alex Vines, Lillian Wong, Markus Weimer and Indira Campos, Chatham House Report, tháng 8.2009.
47. Công ty dầu mỏ nhà nước Angola Sonangol sử dụng quyền phủ quyết để cấp lô này cho Sinopec, bất chấp thực tế Shell đã được chọn là công ty kế thừa công ty nhà nước Ấn Độ Oil and Natural Gas Corporation Limited (ONGC) nắm 50 phần trăm cổ phần. China in Angola: An Emerging Energy Partnership,” Paul Hare, China Brief, 6, tháng 5.2007.
48. "Nhân tố chính trong thành công của chiến lược được các công ty dầu khí Trung Quốc tại Angola sử dụng là kết nối kinh doanh với ngoại giao," theo một trong những báo cáo tốt nhất viết về quan hệ song phương giữa hai nước. "Thirst for African Oil,” sđd. Số liệu do đại sứ Trung Quốc tại Luanda, Zhang Bolun, cung cấp. Nguồn: “China Lends Angola $15 bn but Creates Few Jobs,” Agence France-Presse, ngày 09.3.2011.
49. Dựa trên các số liệu công bố công khai, các chuyên gia ước tính CIF đã cho Luanda vay tổng cộng từ 2,9 đến 9 tỷ đô-la tín dụng trả bằng dầu. “Thirst for African Oil,” sđd.
50. Xem sơ đồ chi tiết cho thấy cấu trúc của tập đoàn này và thành viên của nó tại “Thirst for African Oil,” sđd, tr. 86.
51. CSIH và SSI (công ty một phần sở hữu bởi một công ty con của công ty nhà nước Trung Quốc Sinopec) có cổ phần ở 8 trong số 29 lô dầu khí Luanda đưa ra đấu thầu quốc tế từ tháng 8.2011. Nguồn: www.sonangol.co.ao.
52. Nhiều chuyên gia châu Phi xem Guinea là một "quốc gia ma túy," hoạt động như cầu nối trên tuyến đường ma túy giữa Mỹ La-tinh và châu Âu. Chính ở đây CIF và CSIH đã ký hợp đồng với chính quyền quân sự của đại úy Moussa Dadis Camara xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 7 tỷ đô-la đổi lấy việc khai thác trữ lượng khoáng sản của nước này. Thỏa thuận được ký kết vào ngày 28.9.2009, chỉ vài ngày sau khi quân đội của Camara giết chết hơn 150 thường dân và hãm hiếp hàng chục phụ nữ khi đàn áp cuộc biểu tình tại sân vận động chính ở Conakry. Tại Zimbabwe, hai công ty cùng ký một thỏa thuận với chế độ Robert Mugabe trong tháng 11.2009 khai thác các mỏ bạch kim, vàng và dầu của nước này, đổi lấy khoản đầu tư 8 tỷ đô-la vào cơ sở hạ tầng. Trong cả hai trường hợp, công ty nhà nước Trung Quốc South Locomotive and Rolling Stock Corporation (CSR) tham gia vào các thỏa thuận bằng cách cung cấp vật liệu. Nguồn: “CIF, Beijing’s Stalking Horse,” Africa-Asia Confidential, 3 (7), tháng 5.2010.
53. "Chính phủ Trung Quốc không liên quan đến việc này [do CIF thực hiện], và không biết bất kỳ thông tin chi tiết nào về công ty này," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói vào ngày 19.10.2010. Trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh, Đại sứ Liu Guijin, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề châu Phi, đảm bảo với các tác giả "CIF chắc chắn là một công ty kinh doanh tư nhân Hồng Kông. Tôi nghĩ chính phủ không thể có bất kỳ loại quan hệ với nó hay yêu cầu CIF che chắn lợi ích của chính phủ Trung Quốc. Không có cách lý giải hay các quan hệ như vậy... CIF làm tôi và đồng nghiệp [chính phủ] đau dầu vì có quá nhiều ý kiến và báo cáo tiêu cực... Tôi cũng đang cố tìm hiểu tại sao họ rất có ảnh hưởng ở Angola hay Guinea. Có lẽ do họ là một công ty tư nhân và có thể sử dụng mọi loại biện pháp để có được hợp đồng với các chính quyền ở đó. Còn [các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc] có trụ sở tại Trung Quốc đại lục bị hạn chế bởi quy định của chính phủ và không thể tự do hành động... Họ phải xem xét tác động lên quan hệ giữa hai nước." Nguồn: “CIF, Beijing’s Stalking Horse,” sđd.
54. Sinh ra ở Algeria, Pierre Falcone là một trung gian có nhiều ảnh hưởng trước đây đã cung cấp dịch vụ, thông qua các công ty khác nhau của ông, trong đàm phán các hợp đồng dầu và vũ khí. Ông hiện ở trong một nhà tù của Pháp sau khi bị kết án sáu năm tù do vai trò của ông, cùng với con trai của cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand, trong việc bán vũ khí bất hợp pháp cho Angola vào những năm 1990. Ông quan hệ với cặp CIF-CSIH thông qua công ty tư vấn của mình, Pierson Asia.
55. “Data Reveal Huge Sums Spirited Out of Angola,” Reuters, ngày 4.4.2011.
56. Đây là địa chỉ của cả Bộ Công an và văn phòng của cơ quan tình báo nước ngoài của Trung Quốc. Nguồn: “The 88 Queensway Group: A Case Study in Chinese Investors’ Operations in Angola and Beyond,” Lee Levkovitz et al., U.S.–China Economic & Security Review Commission, ngày 10.7.2009.
57. Ngoài sự có mặt của chủ tịch Sonangol, Manuel Vicente, tại hội đồng quản trị của nhiều công ty liên quan đến CIF, con trai tổng thống Angola, José Filomeno "Zenu" Dos Santos, là đại diện của CSIH tại Angola.
58. “CIF, Beijing’s Stalking Horse,” sđd.
59. Venezuela sở hữu trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, đặc biệt là ở khu vực Orinoco Belt phía đông nam của nước này. BP Statistical Review of World Energy, sđd.
60. El poder y el delirio [Power and Delirium], Enrique Krauze (Tusquets, 2008).
61. Như trên, tr. 278.
62. Như thường thấy trong trường hợp của Venezuela, điều kiện của các khoản vay này có phần không rõ ràng. Các tác giả cố gắng để truy cập một phần của hợp đồng này và xác nhận một nửa của khoản vay 20 tỷ đô-la từ CDB được cấp bằng đô-la và nửa còn lại cấp bằng nhân dân tệ. Trả nợ bằng dầu trong thời gian mười năm và là "lần đầu tiên Venezuela dường như ký kết một cam kết lâu dài về dầu," theo các chuyên gia được các tác giả tham khảo về vấn đề này.
Beatriz de Majo, chuyên gia về quan hệ giữa hai nước, giải thích với các tác giả rằng Trung Quốc gắn việc cho vay với mua các sản phẩm của nước này: điều đó được thực hiện một phần qua việc cấp một nửa khoản vay bằng nhân dân tệ, phải được dùng để mua chỉ sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc. Về 10 tỷ đô-la còn lại, de Majo khẳng định "40 phần trăm sẽ đi vào các dự án Trung Quốc - Venezuela còn Trung Quốc sẽ kiểm soát 60 phần trăm còn lại." Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ quyết định số tiền này sẽ chi tiêu vào đâu.
Về bán vũ khí, Trung Quốc đã tìm cách bán 18 máy bay chiến đấu K-8 cho Venezuela, quốc gia đã tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang trị giá hàng tỷ đô-la trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ vô giá của Nga.
63. Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất trên hành tinh. Các chuyên gia ước tính trữ lượng này là "vô hạn," theo nghĩa là vào thời điểm thế giới ngừng sử dụng dầu như là nguồn năng lượng chính do sự phát triển và tính ưu việt của các dạng năng lượng thay thế, Venezuela vẫn còn trữ lượng dầu thô ở Orinoco Belt. Đổ xăng xe hơi cả năm ở Venezuela chỉ tốn bằng đổ một lần ở châu Âu.
64. Doanh số bán dầu thô Venezuela sang Mỹ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Mặc dù Washington vẫn mua khoảng 45 phần trăm dầu thô của Venezuela, mỗi ngày chừng một triệu thùng, con số này trước đây được biết đã đạt 1,5 triệu thùng một ngày.
Caracas cho rằng Venezuela muốn đa dạng hóa thị trường của mình để ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ, dù một số cộng tác viên cũ thân cận với Chávez nói với các tác giả rằng "sẽ là một trọng tội nếu để mất Hoa Kỳ với thị trường ưu việt của nước này chỉ để giao tất tần tật cho một nước khác [Trung Quốc] với giá thấp hơn." Lý do đằng sau lập luận này là chi phí vận chuyển dầu, thường do nhà cung cấp trả. Những chi phí khi vận chuyển dầu đến Hoa Kỳ (mất 5 ngày) thấp hơn nhiều so với đến Trung Quốc (45 ngày). Các quốc gia khác được chính phủ của Chávez lựa chọn để giảm phụ thuộc vào phương Tây bao gồm Belarus, Iran và Nga.
65. Ngoài khoản đầu tư tháng 1.2010, Trung Quốc có các hợp đồng cung cấp dầu khác ở Venezuela. Các hợp đồng này liên quan đến việc xác nhận dự trữ dầu ở Orinoco Belt, mua cặn và các khoản đầu tư phụ hay đầu tư khác đã được thực hiện trước khi Chávez nắm quyền.
66. Sản xuất dầu thô đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Trước khi Chávez lên nắm quyền, Venezuela sản xuất 3,6 triệu thùng dầu mỗi ngày; theo số liệu chính thức, con số này hiện đã giảm còn 3,1 triệu thùng. Tuy nhiên, International Energy Agency và các nguồn tin khác cho rằng con số sản xuất thực tế khoảng 2,7 triệu thùng mỗi ngày. Suy giảm sản xuất này có tác động to lớn đối với nền kinh tế của Venezuela vì nước này phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực dầu mỏ. Ngành này đã gặp nhiều khó khăn do các chính sách của Chávez, gồm cả việc sung công 3 triệu ha đất và hơn 400 công ty. “Venezuela, a Good Deal from China?,” Financial Times, ngày 16 tháng 3 năm 2011.
67. Trung Quốc hiện đang nhập khẩu khoảng một nửa nguồn cung dầu từ Trung Đông. Bắc Kinh đã nỗ lực đa dạng hóa ngành năng lượng, xâm nhập mọi ngõ ngách hành tinh với mục đích đảm bảo rằng sự bất ổn của Trung Đông sẽ không thể làm tổn hại đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Bất chấp công nghệ thua kém của mình, Trung Quốc đã xâm nhập mạnh mẽ vào Orinoco Belt của Venezuela. Do vậy, CNCP là một đối tác của PDVSA trong lô Junín 4, nơi công ty dầu khí này sẽ đầu tư 16 tỷ đô-la để khai thác mỗi ngày 400.000 thùng. Trong khi đó, Sinopec, là đối tác của PDVSA trong việc khai thác Junín 1 và Junín 8, nơi nó đặt mục tiêu khai thác mỗi ngày 200.000 thùng.
Tiến triển của các công ty dầu Trung Quốc - và Nga - tại Venezuela là do sự trì hoãn của các công ty phương Tây trong việc đầu tư vào nước này vì những bất ổn pháp lý do chế độ của Chávez gây ra. Điều này đặc biệt đúng từ đợt quốc hữu hóa vào năm 2007, khi các công ty của Mỹ như Exxon Mobil và Conoco-Phillips quyết định rời khỏi nước này. Sự quan tâm hạn chế trong dự thầu của các nước khác đã khiến Caracas chuyển sang Nga và Trung Quốc để tìm kiếm các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực dầu mỏ, theo hai cựu chủ tịch của PDVSA được các tác giả phỏng vấn.
68. Năm 2011 PDVSA có thu nhập trên 124 tỷ đô-la trong khi tổng vốn đầu tư trong năm 2010 trên 11 tỷ đô-la.
69. Orimulsion là một kỹ thuật được sử dụng để trộn dầu thô nặng chất lượng thấp - chiếm phần lớn trữ lượng dầu của Venezuela - với nước để vận chuyển bằng tàu hàng. Loại dầu này có thể dùng để sản xuất điện và bán bằng giá than, vì chất lượng của nó rất thấp và chi phí lọc nó thành dầu chất lượng cao rất lớn.
70. Enrique Krauze ước tính "từ năm 1999 đến năm 2007 quà Chávez tặng các nước lên tới 33 tỷ đô-la": El poder y el delirio, sđd., tr. 294.
71. Nguồn: “Cuba y China consolidan su alianza estratégica” [Cuba and China Consolidate Their Strategic Alliance], Mauricio Vicent, El País, ngày 8.6.2011.
72. Tháng 7.2011 Hugo Chávez thông báo ông đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, khiến tương lai chính trị của nước này ở trong tình trạng rất bấp bênh. Trích dẫn các hồ sơ bệnh án do các nguồn tin tình báo giấu tên cung cấp, tờ báo ABC của Tây Ban Nha đưa tin trong tháng 01.2012 bệnh ung thư của Chávez đã di căn và ông chỉ còn sống chín tháng.
5 CÁC NỀN TẢNG CỦA THẾ GIỚI TRUNG QUỐC
1. Được cánh tay phải của tổng thống, Osama Abdullah, lãnh đạo, DIU là một tổ chức rất có quyền lực ở Sudan. Nó có ngân quỹ khổng lồ, quản lý các dự án hạ tầng và có lực lượng an ninh riêng vốn từng bị cáo buộc tiến hành các vụ thảm sát liên quan đến các cuộc biểu tình của người dân bị các con đập ảnh hưởng. Gần đây được nâng lên thành Bộ Điện và Đập, tổ chức này tiếp tục hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống al-Bashir. Nguồn: "Black Gold for Blue Gold? Sudan’s Oil, Ethiopia’s Water and Regional Integration,” Harry Verhoeven, Chatham House Report, tháng 6.2011; “Climate Change, Conflict and Development in Sudan: Neo-Malthusian Global Narratives and Local Power Struggles,” Harry Verhoeven, Development and Change, 42 (3), 2011.
2. Ban đầu các tác giả tiếp cận Sinohydro, nhà thầu chính của đập Merowe, để xin phép thăm đập. Tuy nhiên, lời của Peng, người đứng đầu công ty Trung Quốc này ở Sudan, với người hướng dẫn Trung Quốc của các tác giả đã làm rõ suy nghĩ của ông ta về việc giúp đỡ họ: "Tôi không thích người nước ngoài. Người Mỹ và người Anh nói xấu Trung Quốc rất nhiều. Thật xấu hổ khi anh đi với người nước ngoài đến đây, vì nếu anh đi một mình chúng tôi chắc chắn sẽ đưa anh tham quan Merowe," ông nói, ngay trước mặt các tác giả, trong văn phòng của ông ở Khartoum. Sau khi ông ta từ chối, các tác giả đã chuyển sang xin phép DIU.
3. Nhà phân tích Harry Verhoeven cho rằng Khartoum cam kết phát triển các đập nước và hồi sinh nông nghiệp nhằm hai mục đích: thứ nhất, đưa điện đến thủ đô và miền bắc Sudan để phục vụ cho các dự án công nghiệp; và thứ hai, tạo thuận lợi cho tưới tiêu nông nghiệp sẽ giúp Sudan tham gia vào "cuộc thảo luận khủng hoảng lương thực toàn cầu," mang lại cho chế độ này những cơ hội mới và dòng vốn đầu tư nông nghiệp từ các nước Hồi giáo quan tâm đến loại hình đầu tư này. Những người thực sự hưởng lợi từ mô hình này tất nhiên là giới chóp bu Hồi giáo ở Khartoum.
4. Từ năm 2004 đến năm 2007, đụng độ giữa những người dân bị con đập ảnh hưởng và lực lượng an ninh gây ra một số lượng không xác định trường hợp tử vong và bị thương cũng như các vụ xung đột, bỏ tù và đàn áp thường xuyên, theo các nhà hoạt động trong khu vực. Năm 2006, một ngôi làng Amri bị ngập lụt mà không được cảnh báo trước, “vì thế dân làng đã phải chạy như chuột ra khỏi nhà," theo một lãnh đạo địa phương. Người ta cũng đồn rằng đã có những đợt bùng phát bạo lực mới trong năm 2009.
5. Trong bài thuyết trình năm 2007, “Lethal Partnership: China Investment Destroying African Communities: The Case of the Merowe Dam, Sudan,” nhà hoạt động Ali Askouri cho rằng tỷ lệ hộ nghèo trong các cộng đồng bị ảnh hưởng đã tăng từ 10 phần trăm lên 60 phần trăm. Con số này là bốn năm sau khi bắt đầu xây dựng đập và hai năm trước khi hoàn thành nó. Khi các tác giả phỏng vấn ông ở Khartoum, Askouri đoan chắc với họ rằng những người trẻ bị di dời đã buộc phải chuyển đến các thành phố, đặc biệt là thủ đô, đi ăn xin để tồn tại.
6. Các nguồn khác được phỏng vấn ở Sudan ước tính số lượng người bị ảnh hưởng thực ra từ 70.000 đến 74.000. Hè năm 2010, khoảng 600 gia đình vẫn từ chối di dời.
7. Tình trạng thiếu minh bạch xung quanh đập Merowe ngăn cản các tác giả tìm ra các chi tiết chính xác về dự án. Tuy nhiên, ai cũng biết Trung Quốc đóng vai trò quyết định cả về tài trợ và xây dựng. Trong chuyến đi của các tác giả đến khu vực, Awad nói với họ rằng "Trung Quốc tham gia xây dựng hạ tầng mới, những ngôi làng dành cho người dân di dời và dự án bệnh viện mới."
8. Thực tế các công ty Trung Quốc thực hiện các dự án xây dựng nước ngoài sử dụng đội ngũ công nhân của họ với giờ giấc lao động kéo dài và hiếm khi rời khỏi công trường đã gây đồn thổi Trung Quốc sử dụng tù nhân làm công nhân miễn phí. Một số người chỉ trích thậm chí còn công khai tố cáo việc này, nhưng không cung cấp được bằng chứng nào. Trong quá trình điều tra thực địa của mình, các tác giả không gặp bằng chứng nào hỗ trợ cáo buộc này.
9. Một trong những đập quan trọng nhất trong chín con đập mới mà Trung Quốc đang giúp xây dựng là đập Kajbar dựa trên thác nước thứ ba của sông Nile. Trong dự án này, ngân hàng Exim Bank cho vay 75 phần trăm kinh phí, còn Sinohydro sẽ thực hiện công tác xây dựng trong một dự án dự kiến tốn 800 triệu đô-la. Ngoài ra, một công ty Trung Quốc sẽ là nhà thầu chính trong một dự án gây tranh cãi khác, đập Roseires trên sông Blue Nile.
10. Vào lúc bắt đầu của dự án, con đập đã có ngân sách chính thức 1,8 tỷ đô-la, trong đó 519 triệu đô-la do Exim Bank tài trợ. Tuy nhiên, trang web chính thức của dự án nói rằng Trung Quốc đã cung cấp 608 triệu đô-la trong 2,381 tỷ đô-la chi phí thực tế của con đập. Trang web này cũng cho biết chính phủ Sudan tài trợ 550 triệu đô-la, còn các quỹ Arab khác nhau từ Vịnh Ba Tư cung cấp phần còn lại. Tuy nhiên, tháng 12.2010 bộ trưởng tài chính Sudan tuyên bố công khai tổng chi phí của đập Merowe lên tới 3,5 tỷ đô-la, trong khi các nguồn được các tác giả tham khảo ở Khartoum ước tính chi phí thực tế có thể vượt 5 tỷ đô-la. Trong đống số liệu rối rắm và tình trạng thiếu minh bạch như vậy, rất khó để nói liệu Trung Quốc có thực sự đóng góp kinh phí lớn hơn con số họ chính thức thừa nhận hay không.
12. Một báo cáo của tờ Financial Times cho thấy hai ngân hàng phát triển Trung Quốc cho vay ít nhất 110 tỷ đô-la trong năm 2009 và năm 2010, trong khi Ngân hàng Thế giới từ giữa năm 2008 đến giữa năm 2010 cho vay 100 tỷ. Nguồn: “China’s Lending Hits New Heights,” Geoff Dyer and Jamil Anderlini, Financial Times, ngày 17.1.2011.
13. Không thể phủ nhận thực tế đập Tam Hiệp đã tác động tích cực đến sản xuất điện, kiểm soát lũ lụt và đi lại trên sông. Tuy nhiên, dự án này đã bị chỉ trích quyết liệt vì tác động môi trường, tàn phá di sản văn hóa và di dời cưỡng bức đầy đau thương 1,7 triệu người. Một báo cáo được các nhà khoa học Trung Quốc công bố trong năm 2010 chứng minh số lần động đất ở khu vực gần con đập tăng 30 lần từ năm 2003, khi công trình bắt đầu tích nước hồ chứa rộng 600 km vuông của đập. Một số nguồn tin gắn con đập với hậu quả của trận động đất lớn đã tàn phá vùng Tứ Xuyên của Trung Quốc trong tháng 5.2008, làm gần 90.000 người chết. Nguồn: “China’s Admission Spotlights Three Gorges Woes,” Dan Martin, Agence France-Presse, ngày 29.6.2011.
14. Tháng 5.2010, Ali Askouri và Trung tâm châu Âu về Hiến pháp và Nhân quyền (ECCHR) nộp đơn tại một tòa án ở Frankfurt kiện lãnh đạo của công ty Đức Lahmeyer International. Cũng như kiện công ty Pháp Alstom và công ty Thụy Sĩ ABB vì dính líu đến dự án Merowe Dam. Vụ kiện, vẫn chưa được phán quyết (phiên điều trần của các nhân chứng dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2012), được đưa ra do vai trò bị cáo buộc của công ty Đức trong việc làm ngập các làng mạc cạnh Merowe khiến hàng ngàn gia đình bị mất nhà cửa và làm chết hàng trăm ngàn gia súc. Trong năm 2006, công ty Đức này cũng đã bị loại, không được nhận các hợp đồng của Ngân hàng Thế giới trong bảy năm vì tham nhũng.
15. Theo nhiều nguồn tham khảo ở Sudan, tính mờ ám và miễn trừ không bị kiểm soát mà các công ty Trung Quốc được hưởng khiến họ trở thành đối tác lý tưởng trong mạng lưới tham nhũng bị nghi nằm sau dự án Merowe. Ali Askouri cho rằng "vấn đề chính của con đập là tạo cơ hội tham nhũng," còn chuyên gia môi trường Asim al-Moghrabi tuyên bố như sau: "Vì sao con đập này được xây dựng? Câu trả lời rất rõ ràng: vì tham nhũng. Người Trung Quốc tham nhũng và chúng tôi tham nhũng. Chúng tôi không bắt người Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc ký hợp đồng, nhưng chúng tôi có thể cáo buộc họ chịu trách nhiệm về sự tham nhũng." Sự thiếu minh bạch về tổng chi phí dự án, được cấp 1,8 tỷ đô-la nhưng rốt cuộc đã tăng lên tới chừng 5 tỷ đô-la, rõ ràng hỗ trợ giả thuyết Merowe thực ra là bình phong của một mạng lưới rửa tiền. Một bức điện ngoại giao Mỹ do WikiLeaks công bố đã đề cập đến bằng chứng tham nhũng do công tố viên trưởng của Tòa án hình sự quốc tế, Luis Moreno Ocampo, đưa ra chống lại Tổng thống al-Bashir, người bị cáo buộc sở hữu 9 tỷ đô-la cất giấu trong các tài khoản ngân hàng bí mật nước ngoài. Nguồn: WikiLeaks: Sudanese President ‘Stashed $9bn in UK Banks,’ ” Afua Hirsch, Guardian, ngày 17.12.2010.
16. Trong tất cả dự án đập đầy tranh cãi của Trung Quốc trong năm 2011, nổi bật nhất là đập Gibe III ở Ethiopia. Industrial and Commercial Bank of China (ICBC) đã đồng ý tài trợ 500 triệu đô-la để cung cấp thiết bị xây dựng con đập sẽ ảnh hưởng nửa triệu người dân cũng như ảnh hưởng đến khu vực được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đều từ chối tham gia vào dự án bị xem là con đập "hủy diệt nhất" trong các con đập đang được xây dựng trên toàn thế giới, theo International Rivers.
17. Nguồn: “
” [Li Fusheng: Overseas Investment Should Care About the Local Complaint],
Global Times, ngày 11.1.2011 [Trung văn].
18. Theo nhiều cuộc phỏng vấn thực hiện ở Ecuador, khoản vay bao gồm 1,682 tỷ đô-la được hoàn trả trong mười lăm năm với năm năm rưỡi ân hạn và lãi suất 6,9 phần trăm. Con số này bằng 85 phần trăm chi phí dự toán của đập, do phía Trung Quốc yêu cầu nhà nước Ecuador tài trợ 15 phần trăm còn lại. Tuy nhiên, Quito có thể cung cấp 300 triệu đô-la cần thiết nhờ khoản vay 1 tỷ đô-la đã được thỏa thuận trước đó giữa hai nước, có nghĩa thực tế Trung Quốc tài trợ con đập 100 phần trăm.
19. Bộ trưởng các ngành chiến lược Ecuador, Jorge Glas, thông báo hiện có 15 dự án đã được lập kế hoạch, Trung Quốc và các công ty của họ sẽ nhanh chóng tham gia và tài trợ. Tháng 9.2010 một tập đoàn Trung Quốc do China Gezhouba Group đứng đầu đã ký kết một hợp đồng 672 triệu đô-la xây dựng một mỏ ở nước Mỹ La-tinh này, do Exim Bank của Trung Quốc tài trợ một phần. Trong khi đó, Rafael Quintero, thứ trưởng ngoại giao của Ecuador phụ trách châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, nói với các tác giả "Ecuador cần cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa ngành công nghiệp của chúng tôi, và vì vậy chúng tôi quan tâm đến đầu tư của Trung Quốc vào các nhà máy thủy điện, khu phức hợp hóa dầu và hiện đại hóa các cảng." Quito và Bắc Kinh được biết đang đàm phán tài trợ một phần dự án hạ tầng lớn nhất của nước này từ trước đến nay, cái gọi là Nhà máy lọc dầu Thái Bình Dương, một dự án cần 12,5 tỷ đô-la đầu tư.
20. "Trung Quốc có khả năng đầu tư cực kỳ to lớn, đó là điều đất nước chúng tôi cần. Hơn nữa, chúng tôi cần những khoản đầu tư không khiến chúng tôi quá phụ thuộc, và không đi kèm với quá nhiều ràng buộc. Chúng tôi cố gắng để đảm bảo các khoản đầu tư vào đất nước chúng tôi không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của IMF và Ngân hàng Thế giới, vốn đã hạn chế sự phát triển của đất nước chúng tôi trong mấy mươi năm gần đây," Ricardo Patiño, thủ tướng của chính phủ Correa trả lời phỏng vấn của các tác giả ở Quito.
Việc kết hợp hai yếu tố rủi ro đã đưa Ecuador vào vị thế nguy hiểm bị cô lập quốc tế: thứ nhất, nước này từ chối nhờ đến sự giúp đỡ của các tổ chức tài chính truyền thống và thứ hai, phụ thuộc vào Trung Quốc. "Trong khi tài trợ của Trung Quốc trong các dự án hạ tầng đóng một vai trò quan trọng do sự thiếu công quỹ [của Ecuador], nó cũng làm nổi bật tình trạng thiếu nguồn tài chính sẵn có khác," theo Ecuador Infrastructure Report Q4 2010 của Business Monitor International.
21. Ecuador Infrastructure Report Q4 2010, sđd.
22. Khu vực khai thác mỏ Ecuador có tiềm năng to lớn nhưng bị "đóng băng" chờ thông qua một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Tuy nhiên, năm 2011 công ty khai thác mỏ ở Canada Ecuacorriente, do China Railway Construction Corporation và một công ty khác của Trung Quốc, Tongling Nonferrous Metals Group, kiểm soát, đã công bố kế hoạch đầu tư 2,8 tỷ đô-la trong một dự án đồng ở Ecuador. Khoản đầu tư này sẽ gồm xây dựng một nhà máy thủy điện, nhiều cầu đường và một cảng. Nguồn: “DJ Ecuacorriente Plans to Invest $2.8 b in Ecuador up to 2016,” Dow Jones, ngày 29.3.2011.
Ngoài ra, China Development Bank đã cấp khoản vay 2 tỷ đô-la. Tổng số các khoản vay Trung Quốc cấp cho Ecuador chừng 7 tỷ đô-la. Nguồn: “China, Ecuador Sign $2 billion Loan Deal,” Wall Street Journal, ngày 28.6.2011.
23. Đây là một tham khảo về "chiến lược xuất ngoại," chỉ thị chính thức của chính phủ Trung Quốc cho các công ty của họ nhằm khuyến khích tiến ra các thị trường ngoài nước.
24. “China’s Foreign Aid,” Information Office of the State Council of the People’s Republic of China, tháng 4.2011.
2.025 dự án đề cập trong báo cáo được gộp trong tiêu đề "Các dự án trọn gói" (Complete Projects), một trong tám loại viện trợ nước ngoài. “Các dự án trọn gói" là "các dự án sản xuất hay dân dụng được xây dựng ở các nước tiếp nhận với sự giúp đỡ tài chính của Trung Quốc... Phía Trung Quốc chịu trách nhiệm toàn bộ hoặc một phần của quá trình, từ nghiên cứu và khảo sát đến thiết kế và xây dựng, cung cấp toàn bộ hay một phần thiết bị và vật liệu xây dựng, đưa kỹ sư, nhân viên kỹ thuật để tổ chức và hướng dẫn xây dựng, lắp đặt và sản xuất thử đối với các dự án này. Sau khi dự án hoàn thành, Trung Quốc bàn giao cho nước tiếp nhận. "Theo báo cáo, loại dự án này chiếm 40 phần trăm trong tổng chi tiêu của Trung Quốc cho viện trợ nước ngoài. Trong số các dự án khác được đề cập trong tài liệu, nổi bật nhất là việc xây dựng 85 khu phức hợp thể thao, 201 dự án hạ tầng giao thông và 236 tổ hợp khoa học, giáo dục và y tế.
Bắc Kinh dự kiến ba loại nguồn lực tài chính cho viện trợ nước ngoài: trợ cấp, mà chủ yếu được dành cho viện trợ nhân đạo và xây dựng các dự án bệnh viện, trường học, nhà ở rẻ tiền và cấp nước; các khoản vay không trả lãi, dành cho các nước đang phát triển và thông thường bao gồm năm năm sử dụng, năm năm ân hạn và thời hạn trả nợ mười năm; và vốn vay ưu đãi, do Exim Bank cấp với lãi suất thấp và thời hạn trả nợ từ mười lăm đến hai mươi năm. Theo báo cáo này, năm 2009 Bắc Kinh đã cấp vốn vay ưu đãi cho 325 dự án ở 76 quốc gia.
25. Các nguồn nêu khác nhau về tổng số sân vận động Trung Quốc xây dựng ở châu Phi. Một thông báo của cơ quan Agence France-Presse năm 2010 cho rằng Trung Quốc đã tài trợ xây dựng 52 sân vận động ở châu Phi, ước tính dựa trên các nguồn truyền thông Trung Quốc. Trong hành trình của mình, các tác giả đã chứng kiến việc xây dựng các sân vận động Trung Quốc ở Ndola (Zambia), Luanda (Angola) và Maputo (Mozambique). Nguồn: http://www.elmercurio.com.ec/240591-china-levanta-las-infraestructuras-deportivas-de-africa.html, truy cập ngày 27.5.2010.
26. Tên công ty con của Anhui Wai Jing ở Costa Rica là Chinafecc Central America.
27. Các tác giả đã gặp một ví dụ khác về thái độ này ở Sân Vận động Quốc gia tại Maputo, cũng do Anhui Wai Jing xây dựng. Các học giả Jorgen Carling và Heidi Ostbo Haugen mô tả một vấn đề tương tự liên quan đến các công ty xây dựng Trung Quốc ở Cape Verde trong “Mixed Fates of a Popular Minority: Chinese Migrants in Cape Verde,” in China Returns to Africa: A Rising Power and a Continent Embrace, eds. Chris Alden, Daniel Large and Ricardo Soares de Oliveira (Hurst, 2008), tr. 327.
28. Nguồn: http://www.diariolasamericas.com/noticia/102566/0/0/empresa-china-abandona-proyecto-inmobiliario-privado-tras. Các mẩu tin dựa trên một thông báo của hãng thông tấn EFE.
29. Năm 2011, Argentina xếp hạng 113 trong số 183 nước về chỉ số của Ngân hàng Thế giới xác định mức độ kinh doanh thuận lợi trên toàn thế giới. Nguồn: World Bank, Doing Business project (http://www.doingbusiness.org/).
30. Argentina, nước có diện tích cỡ bằng Ấn Độ với dân số chỉ 40 triệu người, là nước sản xuất đậu nành lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Brazil. Argentina cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về dầu đậu nành và bột đậu nành, trong đó bột đậu nành là thành phần rất quan trọng trong thức ăn nuôi lợn, gà, và các động vật khác.
Khi các tác giả phỏng vấn Darío Genua và Guillermo Villagra, các giám đốc của Open Agro, một công ty tư vấn Argentina chuyên về đầu tư nông nghiệp ở các nước Mỹ La-tinh, họ cho rằng Argentina có tiềm năng rõ ràng để trở thành vựa lúa mì của Trung Quốc, do nước này hiện nay "chỉ khai thác 73 phần trăm đất sản xuất. Với chừng đó sản xuất đủ lương thực cho khoảng từ 350 đến 400 triệu người, nhưng số lượng này có thể tăng lên." Theo Open Agro, Argentina hàng năm sản xuất 50 triệu tấn đậu nành, 30 triệu tấn ngô và 10 triệu tấn lúa mì, cũng như hoa hướng dương, dầu hạt cải và các loại cây trồng khác. Argentina hiện xuất khẩu 90 phần trăm tổng sản lượng của nước này.
31. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc tính toán đạt 238 điểm trong tháng 2.2011, mức cao nhất kể từ khi FAO bắt đầu đo lường việc tăng giá lương thực. Trong khi các tác giả cập nhật chương này vào tháng 8.2012, giá quốc tế vẫn tiệm cận mức cao nhất từ trước đến nay. Các nhà quan sát và phân tích quốc tế cho rằng các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập năm 2011 một phần từ bất mãn của tầng lớp trung lưu do việc tăng giá thực phẩm. Nguồn: “How Much Is Enough?,” The Economist, February 24, 2011; “Drought Forces Reductions in U.S. Crop Forecasts,” New York Times, ngày 10.8.2012.
32. Theo nguồn tin này, các sản phẩm thực phẩm chiếm 70 phần trăm tổng lượng xuất khẩu của Argentina sang Trung Quốc, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là những sản phẩm quan trọng nhất. Tình hình này đã bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh cãi giữa hai nước sau khi Bắc Kinh quyết định cấm nhập khẩu đậu nành Argentina trong năm 2010, tuyên bố sản phẩm của nước này có chất lượng thấp. Tuy nhiên, đây là đòn trả đũa của Trung Quốc đối với vô số hành động chống bán phá giá Argentina đã thực hiện chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Do đó, xuất khẩu đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành của Argentina đã giảm mạnh: năm 2009, Argentina xuất khẩu 1,9 triệu tấn dầu đậu nành đến quốc gia châu Á này (77 phần trăm toàn bộ nhập khẩu của họ), năm 2010 con số này đã giảm đột ngột xuống còn 224.000 tấn. Argentina đã bù đắp cho sụt giảm xuất khẩu này bằng cách tăng bán hàng cho Ấn Độ, dù Ấn Độ trả giá thấp hơn. Tác động đối với Argentina rất lớn vì đậu nành chiếm 30 phần trăm thu nhập tài chính của Argentina, và được gọi là "phép lạ tài chính của Argentina" ở nước này.
33. Trung Quốc hiện nay đang tự cung cấp 95 phần trăm nguồn cung thực phẩm của mình. Các chuyên gia đặt "giới hạn đỏ" đối với an ninh lương thực ở mức tối thiểu là 120 triệu ha; nói cách khác, đây là diện tích tối thiểu đất canh tác cần thiết của Trung Quốc để nuôi sống người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, các nguồn như giáo sư Zheng nghi ngờ giới hạn này đã bị vượt qua, vì các chính quyền cấp tỉnh không báo cáo số liệu chính xác cho Bắc Kinh về diện tích đất canh tác, do các vùng nông thôn bị đô thị hoá tăng hàng năm. Tham nhũng và việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế của chính quyền tỉnh đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
34. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 1.2012 lần đầu tiên dân số đô thị đã vượt qua dân số khu vực nông thôn. Quá trình đô thị hóa còn rất dài, vì di cư hàng loạt lao động nông thôn đến các thị trấn hiện đang diễn ra do sự chênh lệch thu nhập to lớn giữa các thị trấn và vùng nông thôn. Nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 250 triệu lao động nông thôn hiện đang sống ở các thành phố Trung Quốc. Giáo sư Zheng ước tính trung bình một công nhân đô thị có thu nhập hơn một lao động nông thôn 3,3 lần. Điều này một phần do sự kiểm soát giá lương thực của chính phủ Trung Quốc thông qua các công ty nhà nước: các công ty này thực hiện kiểm soát gần như độc quyền trong các công đoạn đầu của lĩnh vực này, từ đó đảm bảo cung cấp ổn định gạo, lúa mì, đậu nành, thịt lợn và các loại thực phẩm khác. "Các công ty nhà nước Trung Quốc mua sản phẩm của lao động nông thôn khi giá rất thấp. Họ trữ các sản phẩm này, và khi giá tăng họ đưa ra thị trường một số lượng cần thiết để giá giảm trở lại," giáo sư Zhou Deyi của trường Agricultural University of Huazhong giải thích khi gặp các tác giả ở Bắc Kinh.
Bằng cách này, chính phủ Trung Quốc có thể ngăn chặn việc tăng giá thực phẩm, vốn có thể dẫn đến các cuộc biểu tình đe dọa sự tồn tại của chính quyền. Đây là một nguy cơ rất thực, như được thể hiện rất rõ trong những căng thẳng xã hội gần đây ở Trung Quốc cũng như các cuộc nổi dậy năm 2010 và 2011 ở thế giới Ả Rập. Bắc Kinh đang gây thiệt hại to lớn cho nông dân nhằm kiểm soát giá lương thực, trong khi nông dân nhận thấy thu nhập của mình bị giảm, Zheng nói với chúng tôi. "Chính phủ quyết định ưu tiên cho nhu cầu của dân đô thị Trung Quốc muốn giá thấp, bằng sự thiệt hại của những nông dân này."
35. Il nuovo colonialism: Caccia alle terre coltivabili [The New Colonialism: A Hunt for Arable Land], Franca Roiatti (Egea, 2010), tr. 11.
36. Nhà sinh thái học Lester Brown, người sáng lập và chủ tịch Earth Policy Institute, ước tính 130 triệu người Trung Quốc hiện nay đang được cung cấp lương thực nhờ vào sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên nước ngọt, chẳng hạn như nước ngầm. Ông cũng ước tính mỗi khi nhiệt độ trái đất tăng thêm một độ C do sự nóng lên toàn cầu, thu hoạch ngũ cốc của thế giới giảm 10 phần trăm. Nguồn: “The New Geopolitics of Food,” Lester Brown, Foreign Policy, tháng 5–tháng 6.2011.
37. Ngoài việc mua đất ở đông bắc Brazil, Trung Quốc hiện đang tiến hành mua một số quyền kiểm soát nhất định đối với chuỗi thực phẩm Mỹ La-tinh. Do đó, các công ty Trung Quốc đã phản ứng với giới hạn của chính quyền trong việc mua lại đất canh tác bằng cách đầu tư, như vụ ở Rio Negro, cho phép họ cải thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt về sản xuất đậu nành.
Các công ty nhà nước Trung Quốc được biết đang thảo luận với ít nhất sáu bang của Brazil (Bahía, Goiás, Santa Catarina, Rio Grande do Sul, Tocantins và Mato Grosso) để đảm bảo việc họ mua đậu nành trực tiếp từ các nhà sản xuất nhằm tránh biến động và sự bấp bênh của thị trường. Được biết khoản đầu tư lớn nhất đến nay là của công ty nhà nước Trung Quốc Sanhe Hopeful, chuẩn bị đầu tư 7,6 tỷ đô-la trong mười năm tới để thúc đẩy nông nghiệp và dịch vụ hậu cần ở bang Goiás nhằm bảo đảm nguồn cung cấp hàng năm 6 triệu tấn đậu nành. Nguồn: “Chineses investem na soja brasileira” [Chinese invest in Brazilian soya], Folha de São Paulo, ngày 03.4.2011.
38. Đặc khu kinh tế Tam giác vàng cần khoản đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ, hay 300 triệu euro, dùng để xây dựng các khách sạn và sòng bạc khắp khu vực 3.000 ha. Một cầu tàu trên sông Mekong cũng được xây dựng để đón khách. Giai đoạn thứ hai dự kiến bao gồm việc xây dựng một sân golf, bể bơi, trung tâm mua sắm, nhà hàng karaoke, trung tâm massage và các trung tâm giải trí khác. Giấy phép được cấp 99 năm và tổng mức đầu tư trong các giai đoạn khác nhau của dự án dự đoán sẽ lên đến 2,25 tỷ đô-la vào năm 2020, gấp đôi ngân sách quốc gia của chính phủ Lào. Liên hiệp quốc đã bày tỏ sự lo ngại đặc khu sẽ trở thành một trung tâm rửa tiền cho buôn bán ma túy do gần với Tam giác vàng. Nguồn: “High Stakes As Laos Turns to Casinos,” South China Morning Post, ngày 23.1.2011.
6 CÁC NẠN NHÂN MỚI CỦA "CÔNG XƯỞNG THẾ GIỚI"
1. Tên bính âm đầy đủ của công ty là Anhui Wai Jing She Ji Tuan; dịch ra tiếng Anh là Anhui Foreign Economic Construction (Group) Co. Thành lập vào năm 1992, công ty tham gia các dự án hạ tầng trên toàn thế giới và có văn phòng ở 14 nước tại châu Á, châu Phi, châu Âu, vùng Caribbean và Nam Thái Bình Dương. Để biết thêm thông tin, xem http://www.afecc.com/.
2. Trong một cuộc đấu thầu với các công ty khác của Trung Quốc, công ty nhà nước Anhui Wai Jing đã được trao hợp đồng xây dựng Sân vận động quốc gia Maputo, dự án có chi phí ban đầu 400 triệu nhân dân tệ (42 triệu euro). Việc xây dựng được bắt đầu tháng 11 năm 2008 và hoàn thành hai năm sau. Các tác giả đã truy cập trang web này vào tháng 8.2010 khi Anhui Wai Jing cũng tham gia vào các dự án khác ở nước này, như sân bay ở thủ đô. Các nguồn tin trong nước được các tác giả tham khảo chỉ ra sân vận động là một món quà từ Trung Quốc do tiềm năng to lớn của Mozambique trong các lĩnh vực nông nghiệp, gỗ, khai thác mỏ và dầu khí.
3. Jiang Ning cho biết, ngoài 260 nhân viên Trung Quốc làm việc tại sân vận động, số lượng công nhân Mozambique trong biên chế của Anhui Wai Jing dao động từ 150 đến 250 trong quá trình hai năm xây dựng dự án, tùy theo nhu cầu của công ty. Đối với các công ty có hơn 100 nhân viên, điều 31 của luật lao động Mozambique cố định mức tối đa lao động nước ngoài là 5 phần trăm lực lượng lao động, một tỷ lệ mà Trung Quốc né tránh một cách hệ thống nhờ các ngoại lệ do pháp luật qui định khi công trình được xếp loại "vì lợi ích chung." João Feijó, nhà xã hội học vừa hoàn thành một nghiên cứu so sánh về điều kiện lao động tại Mozambique khi gặp các tác giả vào tháng 8.2010, nói ông chưa từng gặp công ty Trung Quốc nào “có số công nhân không phải người Trung Quốc trên 30 phần trăm."
4. Theo João Feijó, nhà xã hội học và chuyên gia về lao động ở Maputo, "một công ty Bồ Đào Nha, Ý hay Nam Phi phải trả ít nhất 6.000 meticais, hay chừng 130 euro cho vị trí đó."
5. Con số này do một công đoàn Mozambique cung cấp dựa trên tính toán về chi phí của một gia đình năm người trong một tháng. Những chi phí này bao gồm đi lại, chất đốt, nước, gạo, dầu ăn, cà chua và rau quả khác. Danh sách này không bao gồm các khoản chi không thiết yếu cho sự sống còn, như thịt cá, quần áo, y tế và trường học.
6. Căn cứ vào rất nhiều cuộc phỏng vấn của tác giả với các chủ doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc, trong con mắt của các công ty Trung Quốc, trả lương phân biệt ưu tiên công nhân Trung Quốc so với công nhân địa phương là thỏa đáng để bù đắp chi phí riêng tư của việc phải rời xa đất nước, làng quê và gia đình trong nhiều năm. Nó cũng xuất phát từ quan điểm rất phổ biến công nhân Trung Quốc làm việc chăm chỉ, tốt, nhanh và có kỷ luật hơn do đó có năng suất cao hơn công nhân địa phương. Kiểu lập luận này, nhiều lần được thực tế hỗ trợ, thường được thể hiện bằng những lý lẽ gắn với ý nghĩa phân biệt chủng tộc, như các tác giả đã xác nhận khi phỏng vấn các nguồn tin này.
7. Trao đổi điện thoại với một đại diện của Anhui Wai Jing tại trụ sở chính của công ty ở Trung Quốc, ngày 26.10.2010.
8. "Giải hữu nghị Trung Quốc - châu Phi - Top 10 doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi" được trao cho Anhui Wai Jing vào tháng 1.2011. Giải thưởng được trao bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hội hữu nghị nhân dân Trung Quốc-châu Phi, và các tổ chức khác.
9. Khi ở Mozambique, các tác giả đã được nghe khiếu nại của công nhân địa phương trên các công trường xây dựng khác của Trung Quốc ở nước này. Ví dụ, trên con đường 95 km tập đoàn China Henan International Co-operation Group đang xây dựng nối Xai-Xai với Chisbuka ở miền nam Mozambique, nhiều công nhân than phiền lương thấp (25 cents cho mỗi giờ làm việc), không có hợp đồng và bảo hiểm, công ty từ chối trả chi phí đi lại giúp công nhân đến nơi làm, cấp trên đối xử thô bạo, và thiếu trang thiết bị cần thiết. Khi các tác giả trao đổi với công ty, họ phủ nhận có bất kỳ vấn đề nào tại công trường.
10. João Feijó, “Relações sino-moçambicanas em context organizacional: Uma análise de empresas em Maputo” [Sino-Mozambican relations in the context of organizations: an analysis of companies in Maputo], in A construção social do outro: Perspectivas cruzadas sobre estrangeiros e moçambicanos [The Social Construction of the Other: Mixed Perspectives on Foreigners and Mozambicans], ed. Carlos Serra (Imprensa Universitária, Maputo, 2010), tr. 245–316. Nghiên cứu gồm 34 cuộc phỏng vấn với công nhân Trung Quốc và Mozambique tại tám công ty Trung Quốc ở thủ đô Mozambique.
11. "Copperbelt" là tên chính thức của tỉnh có mỏ ở Zambia với trữ lượng đồng và coban lớn nhất thế giới.
12. Dự án TAZARA (Tanzania-Zambia Railway Authority) bắt đầu vào năm 1970 và hoàn thành năm năm sau, đòi hỏi nỗ lực to lớn của 25.000 công nhân Trung Quốc và 50.000 công nhân Tanzania và Zambia. Dự án bao gồm xây dựng 300 cây cầu, 23 đường hầm và 147 nhà ga dọc theo tuyến đường. Thời đó, TAZARA được xem là dự án hợp tác lớn nhất của Trung Quốc từng được thực hiện ở nước ngoài, Bắc Kinh và nhiều nước châu Phi vẫn xem dự án là biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp và "hợp tác cùng thắng" giữa Trung Quốc và châu Phi.
13. Đặc khu kinh tế (SEZ) ở Chambishi là một trong bảy đặc khu Trung Quốc có kế hoạch thiết lập ở lục địa này theo thoả thuận với các chính phủ châu Phi liên quan. Được xây dựng theo mô hình của các đặc khu kinh tế Trung Quốc đã tạo ra trong nội địa từ năm 1979, các đặc khu này nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài, dùng điều kiện tài chính và giá đất hấp dẫn làm mồi nhử. Cho đến nay, các đặc khu tỏ ra không hiệu quả lắm; thực ra chúng hầu như thất bại hoàn toàn. Trong cuốn African Shenzhen: China’s Special Economic Zones in Africa (Cambridge University Press, 2011), Deborah Brautigam và Tang Xiaoyang chỉ ra chỉ có các đặc khu ở Zambia và Ai Cập hiện đang hoạt động, còn các đặc khu ở Mauritius, Ethiopia, Algeria và Nigeria (đã thành lập hai đặc khu) đều đang kéo dài quá trình xây dựng nhiều năm trời hay đình chỉ hoàn toàn. Khi tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách này, các tác giả đã đến đặc khu ở Suez tại Ai Cập, nơi Trung Quốc hiện diện rất ít, và đặc khu ở Chambishi, sau này có một cơ sở phụ ở Lusaka. Theo tạp chí Zambia Review 2010, việc này liên quan đến khoản đầu tư 900 triệu đô-la và có từ 50 đến 60 công ty sử dụng 6.000 người Zambia vào năm 2014. Theo các cuộc phỏng vấn do các tác giả thực hiện, hiện chỉ có bảy công ty hoạt động trong khu vực. Cảnh sát và nhân viên bảo vệ không cho các tác giả đi vào khu vực đầy camera an ninh. Phát ngôn viên của tập đoàn China Nonferrous Mining Group, đơn vị tài trợ dự án, từ chối trả lời phỏng vấn của các tác giả.
14. Vụ nổ chết chóc xảy ra vào ngày 20.4.2005, được cho là do sự thiếu kinh nghiệm của công nhân, chủ yếu được hợp đồng tạm thời, không được huấn luyện hay có kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị cần thiết và bỏ qua ngay cả những biện pháp an toàn cơ bản nhất. Các công nhân tử vong, tất cả ở độ tuổi từ 18 đến 23, có thu nhập từ 15 đến 25 đô-la một tháng, theo báo cáo Zambian Mining Labor: Modernity, Casualization and Other Forms of Precariousness, Grace-Edward Galabuzi (Ryerson University, 2005). Mỗi gia đình nhận được 10.000 đô-la bồi thường.
15. Bốn công nhân đoan chắc với các tác giả điều kiện do các công ty nước ngoài khác cung cấp "tốt hơn nhiều," nhưng có rất ít cơ hội được làm việc cho các công ty đó vì phần lớn công ty ở Chambishi là công ty Trung Quốc. Nghiên cứu “Chinese Investments in Africa: A Labor Perspective” của African Labor Research Institute năm 2009 cho rằng các công ty khai thác mỏ Trung Quốc ở Zambia trả thấp hơn các công ty cạnh tranh khoảng 30 phần trăm. Khi các tác giả liên hệ với công ty Fifteen Metallurgical Construction Company ở Bắc Kinh, đại diện của công ty phủ nhận có bất kỳ tranh cãi nào về điều kiện làm việc ở Zambia.
16. Theo NUMAW, ngoại lệ duy nhất là mỏ của China Nonferrous Metal Mining Group ở Luanshya, nằm giữa Kitwe và Ndola, nơi có điều kiện làm việc đạt "tiêu chuẩn." Điều này do thực tế công ty buộc phải phát huy điều kiện làm việc đã có từ người chủ cũ khi đầu tư vào mỏ. Về điều kiện làm việc, mỏ Luanshya là mỏ do Trung Quốc tài trợ duy nhất có điều kiện làm việc tốt nhất trong toàn khu vực Copperbelt, theo NUMAW.
17. Hàng trăm trong số 800 thợ mỏ làm việc trong các mỏ than Collum do Trung Quốc sở hữu đã tham gia cuộc biểu tình ngày 15.10.2010, phản đối điều kiện làm việc không an toàn trong khu mỏ. Hai đốc công nổ súng, làm bị thương 11 thợ mỏ. Vụ án đã chính thức bị bác vì thiếu nhân chứng, có vẻ hơi bất ngờ trong tình huống này. Báo chí địa phương và nước ngoài suy đoán áp lực chính trị và việc phóng thích hai phụ nữ Zambia bị buộc tội buôn bán ma túy ở Trung Quốc có thể là nguyên nhân thực sự của việc bác vụ án.
18. Trung Quốc đầu tư 400 triệu đô-la vào lĩnh vực khai thác mỏ của Zambia trong năm 2009, khi cuộc khủng hoảng toàn cầu đang ở đỉnh cao. Theo thứ trưởng thương mại Trung Quốc, Li Jinzao, dòng vốn đầu tư lũy kế từ Trung Quốc vào Zambia đạt 5.6 tỷ đô-la vào đầu năm 2012. Thương mại song phương đạt 3.4 tỷ đô-la năm 2011.
19. Người chỉ trích Trung Quốc lớn tiếng nhất trên lục địa này, Tổng thống Zambia Michael Sata, gặp đại sứ Trung Quốc ở Lusaka trong cuộc gặp chính thức đầu tiên của ông sau khi nhậm chức tổng thống. Ông đưa ra quan điểm rằng các công ty Trung Quốc vẫn được hoan nghênh ở nước này, nhưng nhấn mạnh họ phải tuân thủ luật pháp quốc gia. Một vài tháng sau, Sata dường như đã dịu giọng chỉ trích và một thỏa thuận song phương đã được ký kết tháng 3.2012, Trung Quốc đảm bảo đẩy mạnh tài trợ, hợp tác kỹ thuật và đầu tư.
20. Xem Chương 3 về mô tả điều kiện làm việc không an toàn giống nhau của công nhân địa phương trong các hầm mỏ của Trung Quốc ở Peru và Myanmar.
21. Tháng 11.2011, báo cáo của Human Rights Watch “You’ll Be Fired If You Refuse: Labor Abuses in Zambia’s Chinese State-Owned Copper Mines” nêu chi tiết các vụ lạm dụng liên tục trong các hầm mỏ do Trung Quốc khai thác ở Zambia, kể cả điều kiện y tế và an toàn tồi tệ. Báo cáo này phù hợp với những gì các tác giả chứng kiến trong cuộc nghiên cứu thực địa ở Zambia.
22. Chinese Investments in Africa: A Labor Perspective, sđd.
23. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hy vọng vượt Mỹ vào năm 2020, vẫn còn áp dụng mức lương tối thiểu của thế giới thứ ba tại các chính quyền địa phương của họ: khoảng 1.400 nhân dân tệ (160 euro) ở thị trấn, thành phố và 900 nhân dân tệ (100 euro) ở khu vực nông thôn trong năm 2013. Kể từ khi bắt đầu quá trình "mở cửa và cải cách," Bắc Kinh đã miễn cưỡng cải thiện điều kiện làm việc của các tầng lớp lao động của nước này, ý thức được rằng chi phí thấp là chìa khóa cho sự thành công và bền vững của "công xưởng thế giới." Ví dụ, quy định đầu tiên của chính phủ trung ương về tiền lương tối thiểu đã không được ban hành trước năm 2003. Tuy nhiên, từ năm 2009-10 chính phủ Trung Quốc dường như đã quyết định thay đổi mô hình vốn không bền vững về dài hạn do sự bất bình đẳng rất lớn mà họ tạo ra. Điều này đã khiến chính phủ thắt chặt luật về việc làm, bắt buộc tuân thủ nghiêm chỉnh hơn các cam kết, và tăng đáng kể mức lương tối thiểu với hy vọng chấm dứt sự bất bình đẳng này, ít ra tại các thị trấn ở phía đông đất nước nơi bất ổn xã hội dễ bộc phát. Năm 2012, khoảng 15 tỉnh đã tăng mức lương tối thiểu, đáng chú ý nhất ở Thâm Quyến, nơi có mức lương tối thiểu hiện nay là 1.500 nhân dân tệ một tháng, và Thượng Hải, 1.450 nhân dân tệ. Chính quyền cũng đang thử nghiệm các cuộc đàm phán lương tập thể giữa công đoàn do đảng lãnh đạo và chủ doanh nghiệp như một biện pháp tăng tiền lương. Chính phủ Trung Quốc hy vọng các biện pháp này cũng sẽ thúc đẩy việc tạo ra một tầng lớp trung lưu, tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến tới một mô hình kinh tế dựa trên tiêu dùng.
24. Để giải thích toàn bộ câu chuyện của họ từ đầu đến cuối, tháng 5.2010 theo yêu cầu của các tác giả bốn công nhân đã đi xe lửa đến Bắc Kinh, chi phí chuyến đi do các tác giả trả. Họ mang theo các loại tài liệu liên quan đến sự việc (hợp đồng, phiếu lương, lịch thanh toán lương, vé máy bay, thị thực, vv). Các tác giả đã can thiệp vào vụ án của họ để bảo đảm họ sẽ có được đại diện pháp lý tại phiên tòa sắp tới của họ.
25. Các tài liệu những người đàn ông mang theo tới Bắc Kinh phản ánh sự phức tạp của hệ thống chi trả lương cho người lao động nhập cư. Tiền lương được trả nhiều lần và cho nhiều người nhận (công nhân, và gia đình của họ), trong một hệ thống cực kỳ phức tạp nhằm ngăn các công nhân tiêu sạch tiền và không hỗ trợ gia đình, và cũng để đảm bảo công nhân sẽ không phá vỡ cam kết với công ty trước khi kết thúc hợp đồng. Trong khi hệ thống này cơ bản là hợp pháp, nó thực tế bác bỏ quyền thôi việc của công nhân. Dù thực tế này không chỉ duy nhất ở các công ty Trung Quốc, trong thời đại của chúng ta không có nước nào sánh bằng người Trung Quốc trong việc áp dụng khắt khe các hợp đồng này. Một số công ty thậm chí còn đi xa hơn: giữ hộ chiếu của công nhân để ngăn họ phản đối mức lương và bỏ việc, thực sự biến họ thành con tin của công ty. Nguồn: “Hired on Sufferance: China’s Migrant Workers in Singapore,” Aris Chan, China Labor Bulletin, tháng 2.2011, và cuộc phỏng vấn với Zhang Zhiqiang, luật sư Trung Quốc và chuyên gia về các vấn đề lao động di cư.
26. Khi các tác giả liên lạc với ông qua điện thoại, Lei Youbin phủ nhận tất cả những cáo buộc và từ chối đưa ra bất cứ giải thích thuyết phục nào trước khi đột ngột gác máy.
27. Ít nhất một chục công nhân Trung Quốc đã bỏ việc do điều kiện làm việc bấp bênh và ngược đãi dưới tay các ông chủ ở Aolong, những kẻ vẫn sử dụng bạo lực và đe dọa để kiểm soát công nhân. Sự kiện loại này mới nhất xảy ra vào đêm giao thừa tết Tân Mão tháng 2.2011, khi các ông chủ đánh đập một công nhân vì anh ta kêu ca về điều kiện làm việc trong trại. Sự kém hiệu quả của hệ thống pháp luật Gabon và tính nửa vời của hệ thống pháp lý Trung Quốc - thể hiện ở bản án trong vụ này, chỉ yêu cầu công ty trả lương cho các công nhân và không có bất kỳ khoản bồi thường nào khác - đã cho phép Aolong tiếp tục áp đặt luật lệ của riêng nó ở châu Phi. Những điều kiện lao động thô sơ cũng đã ảnh hưởng đến công nhân Gabon được CCCC thuê. Trong tháng 4.2012 họ đã đe dọa đình công để tố cáo các khoản khấu trừ bất công vào tiền lương của họ. “Les employés de Construction Company ltd menacent de rentrer en grève,” Gaboneco, ngày 14.4.2012.
28. Do không có bất kỳ con số chính thức nào, các ước tính khác nhau đưa ra số lượng công nhân Trung Quốc tại Angola từ 70.000 đến 300.000.
29. Nguồn: “Hired on Sufferance: China’s Migrant Workers in Singapore,” sđd., và cuộc phỏng vấn của các tác giả với China Labor Bulletin tại Hồng Kông.
30. Các tác giả đã có thể tiếp cận các hợp đồng mẫu được Meilian sử dụng, trong đó có các điều khoản như điều khoản nêu rõ chi phí thức ăn ở nhà ăn sẽ được chia đôi giữa chủ và công nhân, và một điều khoản khác nêu chủ có quyền khấu trừ tiền lương của công nhân phạm lỗi trong công việc hoặc gây thiệt hại vật chất. Hợp đồng này cũng định ra các khoản phạt từ 5.000 đến 10.000 nhân dân tệ cho một số loại hành vi hay do không đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, hợp đồng cho phép người chủ có quyền chấm dứt hợp đồng nếu công nhân "gây rối hoặc tham gia đình công," hay khi công nhân "không tuân lệnh cấp trên... hoặc làm việc thiếu sót gây thiệt hại cho công ty," và nhiều lý do khác. Dịch từ tài liệu gốc tiếng Trung Quốc.
31. Tổ chức phi chính phủ hàng đầu có trụ sở tại Hồng Kông này đã dành nhiều năm theo dõi và tố cáo tình trạng lạm dụng lao động ở Trung Quốc. Để biết thêm thông tin, xem http://www.china-labor.org.hk/en/.
32. Từ khi chủ nghĩa Mao sụp đổ, câu thần chú của chính quyền Trung Quốc là "tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị." Do đó, thất nghiệp là một trong những nỗi ám ảnh của chính phủ, và nó cố hết sức để giảm thất nghiệp và từ đó tránh tình trạng bất ổn có thể gây nguy hiểm đến sự thống trị quyền lực quốc gia của đảng cộng sản. Ngoài các sáng kiến của Bắc Kinh khuyến khích tạo việc làm bằng mọi giá, như gói kích thích tài chính 586 tỷ đô-la được phê chuẩn trong năm 2008 để giúp chống lại cuộc khủng hoảng tài chính, lãnh đạo chính quyền địa phương được hoàn toàn tự do đưa ra các chính sách cấp địa phương. Ví dụ, chính quyền thị trấn Thanh Châu thuộc tỉnh Sơn Đông, một trong những trọng điểm của ngành xuất khẩu lao động, đã thúc đẩy di cư để "kiếm ngoại tệ" và chống thất nghiệp. Một nghiên cứu do các chuyên gia Trung Quốc thực hiện phản ánh tính cấp thiết của tình hình trong khu vực, 700.000 lao động nông nghiệp chung nhau khoảnh đất canh tác có diện tích chỉ 62.800 ha. Để đối phó với vấn đề này, chính quyền địa phương đã thành lập một công ty xuất khẩu lao động đưa hơn 50.000 lao động sang các tỉnh khác và sang các nước như Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
33. Lei Lin ở công ty tuyển dụng Meilian quy một phần dư thừa lao động này cho tác động của đập Tam Hiệp, cho đến nay đã khiến phải di dời 1,5 triệu người. Con đập đã làm một số lượng lớn người phải chuyển chỗ ở, không chỉ bị mất nhà cửa, mà còn phải từ bỏ lối sống truyền thống của mình. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều sáng kiến để ngăn chặn gia tăng căng thẳng từ tình rạng nghèo đói do việc này gây ra. Ví dụ, từ năm 1999 đến năm 2009, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang các nước khác bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và cải tiến điều kiện tiếp cận tín dụng cho các công ty có kế hoạch gửi ít nhất 100 người lao động ra nước ngoài.
Nguồn: “
” [The Preferential Policy on Encouraging Labor Co-operation in Chongqing], do chính quyền Trùng Khánh cung cấp năm 1999, và có sẵn tại http://www.pccqpc.com.cn/office/law.nsf/7dec3d01d2b5eb6448256aef00066148/2b3a1f0376ad7e3b48256862002bba1f?OpenDocument&Click=.
34. Luật pháp quy định hoa hồng công ty lao động đòi công nhân trả cho dịch vụ của công ty không được quá 12,5 phần trăm tổng số đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế các công ty thường tính phí cao hơn mức này, theo China Labor Bulletin.
7 PHÉP LẠ TRUNG QUỐC CHỐNG LẠI HÀNH TINH
1. Logging in the Wild East: China and the Forest Crisis in the Russian Far East, Charlie Pye-Smith (Forest Trends, 2006).
2. Tháng 9.1998, chính quyền Trung Quốc công bố một kế hoạch nghiêm cấm đốn hạ gỗ gần như trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc do lũ lụt thường xuyên, làm chết 3.600 người ở miền trung Trung Quốc trong năm đó, gây thiệt hại kinh tế tới 30 tỷ đô-la. Các chuyên gia cho rằng lũ lụt - tập trung xung quanh sông Dương Tử - là do khai thác gỗ quá mức và chất lượng kém của các con đập xây dựng trên bờ sông, một hậu quả của tham nhũng. “Forests, Floods, and the Environmental State in China,” Graeme Lang, Organization and Environment, tháng 6.2002.
3. “The Russian–Chinese Timber Trade: Export, Supply Chains, Consumption, and Illegal Logging,” WWF Forest Programme, 2007.
4. Nếu khai thác gỗ có chọn lọc, như trường hợp của các loài gỗ quý hiếm ở Siberia, sản lượng gỗ trung bình của khu vực Primorsky từ 1 đến 1,5 mét khối mỗi ha. Do đó, 10 triệu mét khối tương đương từ 8 đến 10 triệu ha rừng, theo Anatoly Lebedev.
5. "Nói chung, các nhà nhập khẩu Trung Quốc kiểm soát việc buôn bán gỗ và đặt ra mức giá, các nhà xuất khẩu gỗ Nga rất khó... mua bán trực tiếp với người sử dụng gỗ cuối cùng. Không có đường cho các nhà xuất khẩu Nga xâm nhập trực tiếp thị trường gỗ đông bắc Trung Quốc. Hiện nay, các nhà xuất khẩu Nga không thể cung cấp gỗ sang Trung Quốc nếu không có quan hệ với một công ty thương mại của Trung Quốc." “The Russian-Chinese Timber Trade,” sđd., tr. 13.
6. Đây là giá tại chỗ khi các tác giả đến khu vực vào tháng 4.2010.
7. Russian Logs in China: The Softwood Commodity Chain and Economic Development in China, Song Weiming et al. (Forest Trends, 2007).
8. Logging in the Wild East, sđd., và “The Russian–Chinese Timber Trade,” sđd.
9. Con số ước tính cho rằng 95 phần trăm gỗ Nga xuất khẩu sang Trung Quốc là thân cây chưa trải qua bất kỳ kiểu xử lý công nghiệp nào. Logging in the Wild East, sđd., tr. 2.
10. "Trung Quốc không có luật pháp kết án việc đưa ra thị trường các sản phẩm từ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, và cũng không có sẵn hệ thống thẩm định, như Mỹ hay châu Âu, hay các chính sách mua sắm công như châu Âu hay Nhật Bản. Có nhiều lý do phức tạp tại sao Trung Quốc [không ban hành những chính sách này], liên quan đến cấu trúc pháp lý và lịch sử... và cam kết mạnh mẽ của nước này đối với chủ quyền quốc gia của các nước khác, vv. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng Trung Quốc đang có những tiến bộ mạnh mẽ ở một số chuỗi cung ứng và các vấn đề môi trường," giải thích của Kerstin Can thuộc tổ chức Forest Trends trong một cuộc phỏng vấn email.
11. Russian Logs in China, sđd.
12. Khi các tác giả phỏng vấn Zhu Changling, giám đốc của China National Furniture Association, ông ước tính có hơn 50.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này trên lãnh thổ Trung Quốc, mang lại việc làm cho 5 triệu người.
13. Từ 40 đến 60 phần trăm các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gỗ Mozambique sang Trung Quốc do các công ty nhà nước Trung Quốc điều hành. Tristezas Tropicais: More Sad Stories from the Forests of Zambézia, Catherine Mackenzie and Daniel Ribeiro (Maputo, 2009), tr. 34. Ở Nga, đa số các doanh nghiệp này là công ty tư nhân.
14. Theo Ana Alonso giải thích, có hai cách để tiến hành đốn gỗ ở Mozambique: xin cấp một giấy phép thường có thể gia hạn hàng năm và chỉ cấp cho dân Mozambique; hoặc xin cấp một giấy phép khai thác rừng. Những giấy phép loại này cấp cho mọi người, nhưng để có được phải thông qua các kênh pháp lý đòi hỏi đầu tư hơn một triệu đô-la và mất nhiều năm trời quan liêu phức tạp.
Theo Alonso, các công ty Trung Quốc không có giấy phép khai thác rừng ở các tỉnh Sofala, Zambezia và Nampula. Tuy nhiên, họ tham gia gián tiếp vào việc khai thác gỗ ở các khu vực này, vì họ thường sử dụng người địa phương để có được giấy phép thường. Nói theo cách của Alonso, đây là một "hệ thống hiểm độc vì công ty Trung Quốc chồng chất hàng đống nợ lên người dân Mozambique và đảm bảo gỗ bị đốn hạ được bán trực tiếp cho công ty theo các điều kiện do nó đặt ra." Một trong những thủ thuật thường được sử dụng trong lĩnh vực này là cách ghi chất lượng và số lượng gỗ. Việc này cho phép người có giấy phép vượt qua giới hạn khai thác gỗ hợp pháp hàng năm (500 tấn gỗ chất lượng cao với chi phí khoảng 8.000 đô-la) để họ có thể trả nợ.
Về vấn đề này, chuyên gia Catherine Mackenzie ước tính "phần lớn các nhà khai thác nhỏ chỉ có thể xâm nhập vào lĩnh vực này bằng cách vay của khách hàng mua gỗ châu Á," Mozambique: Chinese Takeaway! Catherine Mackenzie (FONGZA, 2006), tr. 13.
15. Do không có thống kê chính thức, chúng ta có thể nhân 7.500 tấn gỗ Zheng hàng năm xuất khẩu sang Trung Quốc với 50, đó là số lượng các công ty Trung Quốc ước tính hoạt động trong khu vực. Như vậy, chỉ riêng số lượng gỗ chưa qua chế biến do các công ty Trung Quốc ở tỉnh Sofala xuất khẩu hàng năm đã trên 375.000 tấn.
16. “Mozambique: Resistance Forms to Illegal Logging,” UN Integrated Regional Information Networks, ngày 20 tháng 4.2007.
17. "Từ năm 1997 đến năm 2007, khối lượng sản phẩm gỗ [của Trung Quốc] sản xuất xuất khẩu - chủ yếu là gỗ dán và đồ nội thất - tăng vọt hơn tám lần từ 5,1 triệu lên 48,5 triệu m3," Recent Developments in Forest Products Trade Between Russia and China: Potential Production, Processing, Consumption and Trade Scenarios, Steve Northway et al. (Forest Trends, 2009), tr. 2.
18. Năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu 42,3 triệu mét khối gỗ tròn, tăng 23 phần trăm về khối lượng so với năm 2010. Nga là nhà cung cấp gỗ tròn lớn nhất sang Trung Quốc trong năm 2011, chiếm 33,2 phần trăm khối lượng. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế chính của Trung Quốc, ước tính nước này sẽ phải đối mặt thiếu hụt từ 140 đến 150 triệu mét khối gỗ dùng trong công nghiệp vào năm 2015. Nguồn: “The Forest Industry Snapshot,” MFLNRO, British Columbia, February 2012; Recent Developments in Forest Products Trade Between Russia and China, sđd., tr. 2.
19. State of the World’s Forests 2011, Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO).
20. Điều này thể hiện một sự gia tăng 34,4 phần trăm so với năm 2009. Nguồn: 2010
962.7
37.1 percent, tại http://www.wood168.net/woodnews/20625.html.
21. Sharing the Blame: Global Consumption and China’s Role in Ancient Forest Destruction (Greenpeace, 2006), tr. 42.
22. “Investigation into the Global Trade in Malagasy Precious Woods: Rosewood, Ebony and Pallisander,” Global Witness and the Environmental Investigation Agency (US), tháng 10.2010, tr. 11.
23. Mùa xuân năm 2010, miền nam Trung Quốc bị trận hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm, ảnh hưởng hơn 50 triệu người. Nguồn: “China Says Drought Now Affecting 50 million People,” Ben Blanchard, Reuters, ngày 19.3.2010.
24. Trung Quốc đã xây dựng bốn con đập trên sông Mekong: Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng và Tiểu Loan. Cao 292 mét, đập Tiểu Loan là đập cao nhất thế giới với khả năng chứa 15.000 mét khối nước (đủ để điều chỉnh mực nước của dòng sông). Tổng cộng ở Trung Quốc 70.000 người đã bị di dời do các dự án thủy điện, con số sẽ tăng lên 130.000 trong thập niên này khi các con đập còn lại ở phần sông trên đất Trung Quốc hoàn thành, theo Yu Xiaogang, giám đốc của Green Watershed. Nguồn tin đề nghị không nêu tên cho các tác giả biết đã có những vi phạm nghiêm trọng về tiền bồi thường trả cho những người bị các con đập ảnh hưởng (gồm bồi thường thấp hơn so với mức đã định và tái định cư vào các khu vực có nguy cơ địa chấn hay các khu vực không có nước sinh hoạt). Tuy nhiên, các nạn nhân "sợ nói chuyện với báo chí vì trong số họ có thể có những kẻ chỉ điểm của chính quyền Trung Quốc." Trung Quốc được xếp hạng 171 trên 178 nước trong danh sách do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố vào năm 2010 về mức độ tự do báo chí trên toàn thế giới. Nguồn: “Mekong Tipping Point: Hydropower Dams, Human Security and Regional Stability,” Richard Cronin and Timothy Hamlin, The Henry L. Stimson Center, 2010, tr. 29.
25. Phần lớn điện sản xuất từ các đập xây dựng trên phần sông Mekong nằm trên đất Trung Quốc được bán cho Quảng Châu, Thái Lan và Lào, theo Yu Xiaogang.
26. “Dams in China Turn the Mekong into a River of Discord,” Michael Richardson, Yale Center for the Study of Globalization, 2009.
27. Ước tính hồ Tonle Sap ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do sự kết thúc chu kỳ tự nhiên của sông Mekong. Trong trường hợp của Tonle Sap, các nhà hoạt động và các chuyên gia lo ngại nhiều loài sẽ bị tuyệt chủng trong một hệ sinh thái đã bị ô nhiễm và đánh bắt quá mức đe dọa, hồ này cung cấp 70 phần trăm lượng protein tiêu thụ của 15 triệu cư dân của Campuchia. Ở Việt Nam, các con đập bị đổ lỗi làm mực nước thấp khiến biển lấn vào đất liền khắp đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nền tảng cho an ninh lương thực của Việt Nam do sản lượng lúa gạo to lớn của nó. Nguồn: Freshwater Under Threat, South East Asia, United Nations Environment Programme (UNEP), 2009; “China Hydropower Dams in Mekong River Give Shocks to 60 Million,” Lee Yoolim, Bloomberg Markets Magazine, ngày 26.10.2010.
28. Tại thời điểm viết sách vào năm 2012, Trung Quốc là nước duy nhất đã xây đập trên dòng chính sông Mekong. Các nước khác trong khu vực đã tiến hành các nghiên cứu xây dựng các dự án thủy điện trên sông từ những năm 1970, và những nghiên cứu này đã tăng lên trong những năm gần đây. Dự án mới nhất là đập Xayabouri, một dự án hạ tầng được lập kế hoạch cho vùng Bắc Lào với công suất phát 1.260 MW. Các nghiên cứu khác đang được thực hiện liên quan đến việc xây dựng thêm 11 con đập dọc theo sông ở Lào, Việt Nam và Campuchia. Báo cáo khả thi chỉ ra tác động của các dự án này sẽ rất thảm khốc, các chuyên gia hàng đầu yêu cầu một thời hạn cấm mười năm không được xây dựng bất cứ con đập mới nào trên sông.
Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong các đập ở hạ lưu đã được lên kế hoạch. Một mặt, việc xây dựng các con đập của Trung Quốc đã phá vỡ điều cấm kỵ từng bao quanh sự phát triển của bất kỳ dự án nào trên một dòng sông quan trọng như thế. Mặt khác, Bắc Kinh là một nhà đầu tư quan trọng, người ta ước tính rằng, nếu các kế hoạch được phê duyệt, khoảng 40 phần trăm các dự án thủy điện ở hạ lưu sông Mekong và các nhánh của nó sẽ do các công ty Trung Quốc thực hiện. Nguồn: "“Strategic Environmental Assessment of Hydropower on the Mekong Mainstream, Final Report,” International Center for Environmental Management, October 2010; “Cascade Effect,” Philip Hirsch, Australian Mekong Resource Center: http://www.chinadialogue.net/article/show/single/en/4093-Cascade-effect.
29. Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 20 đập và lên kế hoạch xây dựng 40 đập khác trên tám con sông chính bắt nguồn từ dãy núi Himalaya. Nguồn: “Water Wars? Thirsty, Energy-Short China Stirs Fear,” Denis Gray, Associated Press, ngày 16.4.2011.
30. A Sino-Indian River War: How Serious Is the Threat? Jonathan Holslag, (BICCS, 2008).
31. Trung Quốc đã xây dựng 15 hồ chứa trên các nhánh của sông Ili và một con kênh rộng 22 mét, dài 300 km trên sông Irtysh để cung cấp nước cho ngành công nghiệp dầu khí của nó tại Karamay ở tỉnh Tân Cương. Nguồn: “The Upstream Superpower: China’s International Rivers,” E. James Nickum, in Management of Transboundary Rivers and Lakes, eds. Olli Varis, Cecilia Tortajada and Asit K. Biswas (Springer, 2008), tr. 239.
32. Chưa đầy 1 phần trăm tổng tài nguyên nước của Trung Quốc bắt nguồn từ bên ngoài biên giới của nước này. Như trên, tr. 230.
33. Như trên.
34. Được thông qua vào năm 1997 với 103 phiếu thuận, 27 phiếu trắng và 3 phiếu chống, Công ước cố gắng đặt nền móng cho việc giải quyết các xung đột nước tiềm tàng. He Deming giải thích với các tác giả tại sao Trung Quốc tiếp tục phản đối hiệp định mà nó vẫn từ chối ký kết này: "Đây là một hiệp định không công bằng vì nó ưu tiên khu vực hạ lưu. Nó đặt ra các hạn chế đối với việc thêm các dự án thủy điện ở thượng nguồn nhằm bảo vệ môi trường, nhưng làm như thế nó sẽ hạn chế sự phát triển của các nước "thượng nguồn.” Xem thêm “The Upstream Superpower: China’s International Rivers,” sđd., tr. 231.
35. Cũng công bằng để chỉ ra sự nhạy cảm môi trường này đang được cải thiện ở Trung Quốc. Điều này chủ yếu là kết quả của nhu cầu cấp bách thay đổi hoàn toàn một tình hình môi trường đầy thảm họa và không bền vững do ba mươi năm phát triển tàn nhẫn.
36. Công nghiệp hoá của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1949 khi đảng cộng sản lên nắm quyền và được đẩy mạnh sau cải cách kinh tế năm 1978, đã ảnh hưởng sâu sắc lên môi trường. Mặc dù quá trình chuyển đổi Trung Quốc thành công xưởng thế giới - kết quả của việc bố trí lại công nghiệp phương Tây - đã đóng một vai trò rất quan trọng, dứt khoát không được đánh giá thấp tác động của việc thiếu quan tâm bảo vệ môi trường của chính quyền trong sáu thập niên qua.
Vì thế, Trung Quốc là đất nước có 20 trong 30 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới cũng như hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, cái gọi là "làng ung thư," có rác thải công nghiệp không được kiểm soát ở các hồ và sông đã đẩy tình trạng bệnh tật của dân địa phương tăng vọt. Ngoài ra, ước chừng 26 phần trăm nước sông hồ của Trung Quốc không thích hợp để con người sử dụng, trong khi 62 phần trăm còn lại hầu như không thể uống được. Chỉ 1 phần trăm trong 560 triệu cư dân thành thị Trung Quốc được hít thở không khí an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu.
Theo một báo cáo công bố năm 2007 - đồn rằng đã bị chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt, yêu cầu cắt giảm các con số gây sốc của nó - Ngân hàng Thế giới ước tính 760.000 người Trung Quốc chết hàng năm vì ô nhiễm. Nguồn: Cost of Pollution in China: Economic Estimates of Physical Damages (World Bank, 2007); “Transboundary Water Pollution Management: Lessons Learned from River Basin Management in China, Europe and the Netherlands,” Xia Yu, Utrecht Law Review, 7 (1), tháng 1.2011.
37. Trong Chương 3 chúng ta đã thấy Shougang Hierro Peru, công ty hoạt động ở khu mỏ Marcona của Peru bị chỉ trích nghiêm trọng về các tiêu chuẩn môi trường của nó, bị xem là một trong những công ty gây ô nhiễm nhất ở Trung Quốc như thế nào.
38. Trong tháng 5.2011, một tòa án ở Phúc Kiến đã phạt Zijing Mining Group, một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất Trung Quốc, 4,62 tỷ đô-la về tội thải chất độc hại đầu độc hàng chục ngàn con cá trong một con sông ở Phúc Kiến và làm cho 60.000 người mất nguồn cung cấp nước.
39. Erdos chiếm quyền khai thác bauxite tại nhượng địa trong khu vực phía đông Mondulkiri sau khi công bố một khoản đầu tư 3 tỷ đô-la, bao gồm việc xây dựng hai nhà máy điện (năng lượng carbon) và tiến hành một dự án gây tranh cãi trên hồ Boeng Kak ở Phnom Penh. Khoảng 3.000 gia đình đã buộc phải rời nhà của họ bên cạnh hồ nhận lấy số tiền bồi thường ít ỏi để đất cho công ty xây dựng các khu nhà xa xỉ với sự tiếp tay của giới chóp bu chính trị địa phương. Nguồn: Phỏng vấn với các nguồn yêu cầu giấu tên; “Thousands Displaced As Chinese Investment Moves into Cambodia,” Prak Chan Thul, South China Morning Post, ngày 07.4. 2011.
8 HÒA BÌNH KIỂU TÀU
1. Mùa thu năm 1950, một năm sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông đã đưa hàng chục ngàn quân vào Tây Tạng để đàn áp người dân ở đây. Cuộc chống xâm lược đạt đỉnh điểm vào tháng 3.1959, khi cuộc nổi dậy bị đàn áp tàn nhẫn tại Lhasa khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải chạy trốn và sống lưu vong ở Ấn Độ, nơi Ngài vẫn ở cho đến nay. Kể từ đó, Dharamsala đã trở thành trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong.
2. Theo chính phủ Tây Tạng lưu vong, có khoảng 100.000 người Tây Tạng sống ở Ấn Độ, trong đó 12.000 người ở Dharamsala. Nepal là quê hương của cộng đồng Tây Tạng lớn thứ hai bên bên ngoài Tây Tạng, có ít nhất 20.000 người Tây Tạng di cư.
3. WikiLeaks cung cấp một bức điện từ đại sứ quán Mỹ tại New Delhi cho thấy từ năm 1980 đến năm 2009 tổng cộng 87.096 người tị nạn Tây Tạng đã đăng ký tại Trung tâm tiếp nhận ở Dharamsala. Trong nhiều năm, dòng người tị nạn hàng năm khoảng 3.000. Trong số này, khoảng 600 là trẻ em có cha mẹ đã buộc chúng chạy trốn để không bị giáo dục dưới sự cai trị của Trung Quốc. Đối với các bậc cha mẹ, đưa con cái họ thoát khỏi Tây Tạng có nghĩa là đầu tư khoảng 1.000 đô-la - khoản tiết kiệm cả đời của họ - để trả cho người hướng dẫn Nepal trên dãy Himalaya. Nhiều đứa trẻ không bao giờ gặp lại cha mẹ mình.
4. Ngày 14.3.2008, chỉ vài tháng trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, một cuộc biểu tình do các nhà sư ở Lhasa lãnh đạo chống lại sự thống trị của Trung Quốc và tình trạng thiếu tự do tôn giáo lan rộng sang các khu vực khác và các tu viện trên khắp Tây Tạng trong những ngày sau. Nhiều người Tây Tạng đã tham gia hành động bạo lực, tấn công người Trung Quốc Hán tộc và các doanh nghiệp của họ. Cảnh sát và quân đội Trung Quốc đã phản ứng tàn nhẫn, cả khi trấn áp cuộc nổi dậy và đàn áp sau đó. Báo chí phương Tây không được phép đưa tin các sự kiện, và do đó thông tin chính thức rất khác với các nguồn Tây Tạng. Theo các nguồn tin này, ít nhất 220 người Tây Tạng đã chết và 7.000 người khác bị bắt giữ. Trong khi đó, Bắc Kinh đảm bảo với thế giới bạo lực ở Tây Tạng chỉ làm 19 người chết, tất cả là người Trung Quốc. Human Rights Watch ghi lại sự lạm dụng của các lực lượng an ninh Trung Quốc ở Tây Tạng từ năm 2008 đến năm 2010 trong báo cáo “I Saw It with My Own Eyes,” xuất bản năm 2010.
5. Lobsang Sangay, sinh ra ở Ấn Độ và học luật tại Harvard, được bầu làm Thủ tướng Tây Tạng vào tháng 4.2011 sau khi nhận được 55 phần trăm số phiếu bầu của người Tây Tạng sống ở nước ngoài. Ông sẽ đảm nhận vai trò chính trị vốn của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
6. Trong một cuộc phỏng vấn với học giả Trung Quốc Ma Jiali, chuyên gia hàng đầu về quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ và phó giám đốc nhóm nghiên cứu China Reform Forum, ông chỉ ra trong trường hợp "có thể" cực đoan hóa phong trào Tây Tạng sau cái chết của Đức Đạt Lai Lạt Ma, "Trung Quốc sẽ yêu cầu Ấn Độ không cho phép người Tây Tạng lưu vong tiến hành các hoạt động chính trị chống lại Trung Quốc, vì Tây Tạng là vấn đề nhạy cảm nhất đối với chính phủ Trung Quốc." Khi các tác giả hỏi ông liệu Bắc Kinh có hy vọng Ấn Độ sẽ hợp tác như Nepal hiện nay, ông trả lời, "Vâng, chính xác là vậy, giống như ở Nepal." Điều này có khả năng gây ra xung đột ở nước Ấn Độ dân chủ, nơi người Tây Tạng được dư luận, giới truyền thông và các tầng lớp chính trị ủng hộ. Nếu chính phủ Ấn Độ cố gắng điều chỉnh tình cảm này theo đòi hỏi của Trung Quốc, điều đó có thể dẫn đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
7. Đây là một tham khảo về mối quan hệ trực tiếp giữa vấn đề Tây Tạng và tranh chấp của Ấn Độ với Pakistan, đồng minh truyền thống của Bắc Kinh. Sự bình ổn của Tây Tạng hay, cách khác, sự leo thang căng thẳng trong khu vực - sẽ có ảnh hưởng liên quan đối với Ấn Độ và Pakistan.
8. Trong một chuyến thăm Delhi năm 1956, Chu Ân Lai, t hủ tướng Trung Quốc trong thời Mao, cảnh báo Nehru về hậu quả của việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma tỵ nạn. Năm 1959, trong sự bất đồng giữa hai nước về phân định biên giới, bao gồm việc Trung Quốc xây dựng tuyến đường chiến lược nối Tân Cương với Tây Tạng đi qua khu vực tranh chấp Aksai Chin, Nehru đã đồng ý để nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng tỵ nạn và cấp phép để Dharamsala trở thành trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong. Trong mắt Bắc Kinh, Nehru đã vượt qua giới hạn.
9. Sau cuộc lưu vong của người dân Tây Tạng, CIA đã ủng hộ và tài trợ cho các hoạt động du kích của hàng trăm người Tây Tạng được huấn luyện trong các trại ở Nepal và Ấn Độ nhằm làm suy yếu quyền lực của Bắc Kinh ở Tây Tạng. Hoa Kỳ hỗ trợ đội quân du kích bí mật này cho đến năm 1970, khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Nguồn: La actualidad de China [China Today], Rafael Poch-de-Feliu (Critica, 2009), pp. 538 ff.
10. "Thực tế các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy nỗ lực của Ấn Độ cố gắng "nắm lấy Tây Tạng," biến Tây Tạng thành "một vùng đệm," đưa Tây Tạng trở về tình trạng trước năm 1949, "lật đổ chủ quyền của Trung Quốc," hay làm cho Tây Tạng "thoát khỏi quyền lực của chính quyền trung ương Trung Quốc," không nhất thiết có nghĩa là những nhận thức này chính xác. Thực ra, quan điểm cốt lõi này của Trung Quốc đã sai. Quan điểm mà các nhà phân tích Trung Quốc giải thích làm cơ sở cho quyết định chiến tranh của Trung Quốc năm 1962, thực ra, không chính xác. Đó là một nhận thức sai lầm cực kỳ tai hại của Trung Quốc góp phần mạnh mẽ vào quyết định gây chiến vào năm 1962." “China’s Decision for War with India in 1962,” John W. Garver, in New Directions in the Study of Chinese Foreign Policy, eds. Robert S. Ross and Alastair Iain Johnston (Stanford University Press, 2006).
11. Nehru đã ngây thơ tin rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng với các cuộc xâm nhập biên giới của quân đội của ông và, vì thế, sẽ không có tấn công quy mô lớn của Trung Quốc. Do đó khi điều này thực sự xảy ra, quân đội Ấn Độ đã không lường trước cuộc tấn công và không chuẩn bị thích đáng. Vì thế không thể chặn đứng đà tiến của quân Trung Quốc.
12. Mối quan hệ tiếp tục xấu đi sau cuộc chiến do sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Pakistan trong cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan năm 1965, cũng như việc ký kết một hiệp ước hợp tác với Liên Xô vào năm 1971 đã đưa New Delhi nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô, và nhiều cuộc đụng độ biên giới kéo dài đến những năm 1980.
13. Hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã vượt ra ngoài vấn đề thương mại. Ví dụ, hai nước có khuynh hướng đồng thuận về các vấn đề đa phương, tại G20 hay các vấn đề biến đổi khí hậu, hay cái gọi là "hợp tác Nam-Nam." Tuy nhiên, hai nước vẫn không đồng ý với nhau về các vấn đề khác: vấn đề chia sẻ tài nguyên nước, những hành động chống bán phá giá thường xuyên do Ấn Độ đệ đơn chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới, thâm hụt thương mại của Ấn Độ, sự thiếu nhiệt tình của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ nguyện vọng của New Delhi có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, và chính sách khiêu khích của Trung Quốc về cấp thị thực tại các khu vực biên giới tranh chấp, mà Ấn Độ xem là xúc phạm, và nhiều vấn đề khác.
14. Ấn Độ đòi một khu vực có diện tích bằng Thụy Sĩ của Trung Quốc cho khu vực Ladakh trên biên giới phía bắc. Về phía đông của nước này, Trung Quốc đòi một khu vực lớn gấp ba lần của Ấn Độ, bao gồm phần lớn Arunachal Pradesh, một khu vực rất quan trọng đối với Phật giáo Tây Tạng. Bắc Kinh không công nhận cái gọi là đường "McMahon Line" phân chia biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng, được thiết lập năm 1914 bởi cường quốc thực dân Anh và các nhà lãnh đạo của Tây Tạng độc lập. Tranh chấp này trùng với tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan ở bang Jammu và Kashmir, trong đó Bắc Kinh đã công khai ủng hộ Islamabad.
15. Trong khi sự nghiệp của người Tây Tạng được ủng hộ rộng rãi ở Ấn Độ, không thiếu các nhà bình luận đặt câu hỏi về chính sách của New Delhi ở khu vực. Một trong số đó là Madhav Das Nalapat, giáo sư tại Đại học Manipal và là chuyên gia có ảnh hưởng lớn trong cả nước, dù công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ, đã nói với tác giả "Ấn Độ đã trả một giá rất đắt về địa chính trị khi hỗ trợ Đức Đạt Lai Lạt Ma và người dân Tây Tạng."
16. Ngoài sáu sư đoàn tại chỗ, Ấn Độ cũng đã triển khai cảnh sát biên giới và đang thành lập thêm hai sư đoàn quân sơn cước để tăng cường cho Arunachal Pradesh. Trong khi đó, ước tính Trung Quốc đã triển khai 500.000 người ở Tây Tạng, nơi họ có khả năng huy động 12 sư đoàn trong vòng chưa đầy một tháng, nhờ vào cơ sở hạ tầng đã được xây dựng trong vùng tạo thuận lợi cho việc chuyển quân. Các cơ sở này gồm tuyến đường sắt đến Lhasa ngang qua mái nhà của thế giới, năm sân bay và một mạng lưới đường giao thông kết nối khoảng cách 41.000 km. “Consolidating Control: Chinese Infrastructure Development in Tibet,” Monika Chansoria, CLAWS, Spring 2011.
17. Lịch trình dự kiến bao gồm một cuộc phỏng vấn với các giám đốc người Trung Quốc ở văn phòng Ấn Độ của Huawei tại New Delhi và một chuyến thăm tới Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển của công ty ở Bangalore. Dù cuộc họp ở Delhi bị hủy bỏ, cuộc hẹn của các tác giả tại Bangalore vẫn được thực hiện. Tất cả các lãnh đạo được phỏng vấn tại Bangalore là người Ấn Độ. Các tác giả đã không thể phỏng vấn một lãnh đạo người Trung Quốc duy nhất tại công ty.
Theo các nguồn tin tại công ty, 10 phần trăm doanh thu của Huawei được tái đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu & phát triển, nơi công ty có 51.000 nhân viên (46 phần trăm của tổng số nhân viên). Một chuyên gia mười năm kinh nghiệm có mức lương hàng năm khoảng 40.000 đô-la tại Huawei Ấn Độ, thấp hơn ba đến bốn lần lương của một chuyên gia cùng trình độ ở Hoa Kỳ hay châu Âu.
19. Về lý thuyết, lệnh cấm mở rộng đối với tất cả các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài, nhưng hành động của chính phủ rõ ràng nhằm vào các công ty Trung Quốc. Nguồn tin tại Huawei nói với tác giả lệnh cấm "đã được nới lỏng" trong tháng 8.2010 khi công ty đồng ý chứng minh tính minh bạch bằng cách tiết lộ mã nguồn, cái gọi là DNA của công nghệ của họ. Các đối thủ cạnh tranh của Huawei từ chối làm điều đó, khiến chính phủ Ấn Độ giới hạn tác động của biện pháp an ninh, cũng chính các nguồn tin này giải thích.
Vào tháng 4.2012, cơ quan tình báo Ấn Độ Research and Analysis Wing (RAW) yêu cầu New Delhi thận trọng trong các giao dịch với công ty Trung Quốc Huawei, vì cho rằng công ty này có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Nghi ngờ về quan hệ của Huawei với các cơ quan an ninh của Trung Quốc dường như cũng giải thích tại sao, tháng 3.2012, chính phủ Úc đã ngăn cản công ty đóng ở Thâm Quyến này tham gia đấu thầu các hợp đồng, trị giá 38 tỷ đô-la, để cải thiện mạng băng thông rộng của nước này.
20. Về thành phần cổ đông, Huawei chỉ cho biết công ty "100 phần trăm là tài sản của nhân viên và không có người nào nắm giữ trên 2 phần trăm." Cho đến khi công bố báo cáo thường niên năm 2010 của công ty, thực tế chẳng thể nào biết được ai là ai trong đội ngũ điều hành của công ty. Ren Zhengfei không cho phép trả lời phỏng vấn báo chí và công ty không có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán, vốn sẽ buộc nó trở nên minh bạch hơn.
21. Tháng 8.2010, tờ New York Times tiết lộ Bắc Kinh đã triển khai từ 7.000 đến 11.000 quân ở khu vực chiến lược Gilgit-Baltistan tại vùng Kashmir do Pakistan quản lý với mục đích bảo vệ các tuyến đường bộ nối Tân Cương với Ấn Độ Dương. Ấn Độ tuyên bố lãnh thổ này là của họ.
22. Theo một thỏa thuận song phương ký kết vào tháng 7.2010, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân dùng cho mục đích dân sự ở Pakistan, với chi phí 2,4 tỷ đô-la. Trung Quốc trước đây đã xây dựng hai lò phản ứng khác tại nhà máy này. Thỏa thuận này là hành vi vi phạm hướng dẫn của Nuclear Suppliers Group cấm buôn bán hạt nhân với các nước chưa ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, như trường hợp Pakistan. Để biện minh cho sự liên quan của mình, Trung Quốc cho việc bán hạt nhân của họ sẽ góp phần vào sự ổn định ở Nam Á, lặp lại tuyên bố của Pakistan hiệp định hạt nhân giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã gây ra sự mất cân bằng hạt nhân trong khu vực.
Một số chuyên gia được các tác giả phỏng vấn ở Ấn Độ cho thấy sự quan tâm của họ về việc sử dụng "không phù hợp" mà Pakistan có thể thực hiện từ công nghệ hạt nhân có thể dùng cả cho dân sự lẫn quân sự do Trung Quốc cung cấp. Những nghi ngờ này không chỉ dựa trên khao khát của Islamabad đạt được cân bằng trong khu vực bằng cách giữ mối đe dọa hạt nhân tiếp diễn, mà còn dựa trên vai trò lịch sử của Trung Quốc trong chương trình hạt nhân của Pakistan. Sự hỗ trợ vô giá của Bắc Kinh đối với Islamabad trong những năm 1980 và những năm sau đó trở nên rõ ràng sau vụ phát giác âm mưu mua bán hạt nhân do nhà khoa học nổi tiếng của Pakistan Abdul Qadeer Khan chủ mưu, ông đã cung cấp thông tin chi tiết quan hệ của Trung Quốc với chương trình hạt nhân quân sự của Pakistan. Hỗ trợ của Trung Quốc đóng vai trò vô giá giúp Pakistan nhanh chóng có được bom nguyên tử. Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận sự dính líu của họ trong vụ phổ biến. "Người Mỹ đã biến thành kẻ đui mù trong vụ phổ biến hạt nhân của Trung Quốc," một nhà cựu ngoại giao Ấn Độ tại Pakistan tuyên bố.
23. “
” là một cụm từ xuất hiện lần đầu tiên trong một tác phẩm được viết trong triều đại nhà Nguyên. Nó có nghĩa là "dùng vạn đao, cắt vạn nhát." Cụm từ này được sử dụng tại New Delhi để mô tả chiến thuật Bắc Kinh đang bị cáo buộc sử dụng nhằm làm suy yếu nước láng giềng của nó.
24. Có thêm hai chuyên gia nói với các tác giả rằng học giả Trung Quốc không có khả năng trả lời các câu hỏi tại sao Trung Quốc không sử dụng ảnh hưởng của mình với Pakistan để chấm dứt sự khủng bố. "Trung Quốc hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng chỉ khi nó là mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ hay người dân của nước này. Khủng bố có nhiều khuôn mặt ở Pakistan. Nếu nó không ảnh hưởng đến họ, họ chẳng việc gì phải lo," một chuyên gia nói với chúng tôi.
25. Trung Quốc có kế hoạch biến Gwadar thành một trung tâm năng lượng và do đó cần phải xây dựng một đường ống dẫn dầu đi qua Pakistan đến tận Tân Cương để vận chuyển dầu từ châu Phi và Trung Đông. Vào mùa xuân năm 2011 Trung Quốc đã công bố sẽ chịu trách nhiệm quản lý cảng, nhưng chính phủ Bắc Kinh phủ nhận họ tiếp tục yêu cầu Islamabad để đặt một căn cứ hải quân Trung Quốc.
26. “China and India: A Rivalry Takes Shape—Analysis,” Harsh V. Pant, Foreign Policy Research Institute, tháng 6.2011.
27. Tàu sân bay Admiral Gorshkov mua của Nga sẽ được vận hành vào năm 2013. Dự kiến một tàu sân bay tự chế sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nguồn: “China and India: A Rivalry Takes Shape—Analysis,” Harsh V. Pant, sđd.; Pant là chuyên gia về an ninh và quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại trường King’s College, London.
28. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong khi Malaysia, Brunei và Philippines tuyên bố chủ quyền một phần quần đảo. Năm 2002, các nước đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, dù không phải là một bước tiến trong việc giải quyết vấn đề, đã được thông qua với mục đích tránh leo thang quân sự trong khu vực bằng cách cam kết các bên sẽ tuân theo những nguyên tắc chỉ đạo nhất định. Tuyên bố yêu cầu các bên tranh chấp không chiếm bất kỳ hòn đảo nào trước đây không có người ở. Kể từ đó, Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia đã tăng cường sự hiện diện của họ trên các đảo đã chiếm đóng trước đây bằng cách xây dựng đường băng, doanh trại, tháp canh và cơ sở hạ tầng cần thiết để thu nhận cộng đồng ngư dân từ 200 đến 300 người. Điều này đang được thực hiện với mục đích pháp lý chứng minh "nền hành chính thực tế" của lãnh thổ đó vốn sẽ là một yếu tố quan trọng trong trường hợp ít có khả năng xảy ra là giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế.
29. Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, lợi dụng sự yếu kém của chính quyền Sài Gòn ngay trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Do quan hệ chặt chẽ giữa Moscow và Hà Nội mục đích chiếm quần đảo là do Bắc Kinh lo sợ có thể đóng một căn cứ hải quân của Liên Xô trong tương lai tại đó, rất nguy hiểm do gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Lập trường hiện tại của các nhà ngoại giao Trung Quốc liên quan đến tuyên bố của Việt Nam về quần đảo là không lay chuyển: "Lập trường của Trung Quốc là: chuyện là thế, chuyện đã qua, chúng tôi không bàn về nó. Chuyện đã khép, đã xong, chấm hết," theo Ian Storey, thuộc Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS) khi các tác giả phỏng vấn tại Singapore.
30. Cuộc xung đột quân sự lớn gần nhất ở Biển Đông là vào năm 1988, khi 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc. Sau này, một số ngư dân đã thiệt mạng, chủ yếu là tai nạn.
31. Ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2012 chính thức tăng 11,2 phần trăm so với năm 2011, đạt 670,3 tỷ nhân dân tệ (106 tỷ đô-la). Trong khi con số này còn khác xa chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ, khoảng 614 tỷ đô-la, các chuyên gia chỉ trích sự không rõ ràng xung quanh các kế hoạch quân sự của Trung Quốc và cho rằng chi tiêu thực tế lớn hơn nhiều so với con số chính thức đưa ra, có thể gấp hai hoặc ba lần. Bắc Kinh bị cáo buộc không đưa vào các chi tiêu phát triển và hiện đại hóa máy bay chiến đấu, một tàu sân bay, và nhiều thứ khác trong tổng số này. Năm 1994, ngân sách quân sự của Trung Quốc hầu như không quá 6 tỷ đô-la.
32. Trong quá khứ, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo ở bên cạnh – hay thậm chí bên trong - vùng lãnh hải của Đài Loan để cảnh báo các lãnh đạo hòn đảo này không được vượt qua điều Bắc Kinh xem là giới hạn đỏ: ví dụ, tuyên bố độc lập. Bằng chứng có thể được nhìn thấy trong việc phóng nhiều tên lửa Trung Quốc trong năm 1995 và năm 1996 tại vùng lãnh hải của Đài Loan, trên tuyến đường giao thông thương mại hàng hải quan trọng. Điều này dẫn đến phản ứng từ Hoa Kỳ, tổng thống vào thời điểm đó, Bill Clinton, ra lệnh một cuộc triển khai quân đội Mỹ lớn nhất ở châu Á kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng đạo luật “Taiwan Reaction Act” để đảm bảo an ninh phòng thủ của hòn đảo khi có bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai, điều này giải thích tại sao Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan. Nguồn: “New China Missile Unit Near Taiwan: Spy Chief,” Agence France-Presse, ngày 26.5. 2011.
33. Hiện chỉ có 23 nước đang công nhận Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) là một quốc gia có chủ quyền, độc lập với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đa số các nước này (12) ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng Caribê. Phần lớn các nước khác, kể cả các đối tác quốc tế lớn, tán thành nguyên tắc "một Trung Quốc" và ủng hộ giữ nguyên hiện trạng. Nói cách khác, họ tin rằng Đài Loan - giống như Tây Tạng - là một phần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
34. Dù ký kết ECFA, Trung Quốc tiếp tục tẩy chay và gây áp lực lên các quốc gia khác để ngăn chặn Đài Loan tham gia như là một "quốc gia" trong cộng đồng quốc tế. Điều này đã làm cho Đài Loan không thể bắt đầu đàm phán hay ký kết hiệp định thương mại với các nước hay các khu vực quan tâm, như Liên minh châu Âu hay Nhật Bản. Trái với sự mong đợi của chính quyền Đài Loan, điều này đã dẫn đến sự cô lập kinh tế lớn hơn của hòn đảo này. Các nhà phê bình ECFA cho rằng Trung Quốc đang sử dụng quá trình hội nhập kinh tế khu vực để loại Đài Loan ra bên lề bằng cách buộc hòn đảo triển khai quan hệ với phần còn lại của thế giới thông qua Bắc Kinh. Nguồn: “Taiwan Risks Trade Isolation, Group Warns,” Wall Street Journal, ngày 25.5.2011.
35. Trong một cuộc trao đổi vào tháng 5.2009 với thứ trưởng ngoại giao Mỹ James Steinberg, Lý nhấn mạnh Bắc Kinh không vội sáp nhập hòn đảo vào lãnh thổ Trung Quốc và cho rằng ở Đài Loan Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược kinh tế tương tự chiến lược đã áp dụng với Hong Kong: đầu tư, mua sắm tài sản và gia tăng ảnh hưởng kinh tế phù hợp với mục tiêu chính trị dài hạn của mình. "Nhà lãnh đạo cấp cao Singapore cho biết lãnh đạo của Trung Quốc kiên nhẫn đối với Đài Loan: WikiLeaks," Want China Times, ngày 08.12.2010.
36. Cộng sự của Tổng thống Chen, Tao Liu, cũng nói với tác giả rằng "sau khi Chen được bầu, ông bắt đầu chịu áp lực rất lớn từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Họ nói với ông ta dù đã thắng cuộc bầu cử, ông không thể tuyên bố độc lập; ông không thể thay đổi hiện trạng."
37. Theo một cuộc thăm dò do đài truyền hình TVBS của Đài Loan thực hiện phát sóng ngày 12.11.2008, 15 phần trăm số người được hỏi nghĩ rằng Chen đã bị bắt vì lý do chính trị.
38. Vấn đề gây tranh cãi nhất xung quanh gói hỗ trợ là hành động của Trung Quốc mua các khoản nợ của Costa Rica. Dù đã được thông báo Trun g Quốc sẽ mua trái phiếu Costa Rica khi mối quan hệ lần đầu tiên được thành lập, các chi tiết của vấn đề đã không được công bố. Tờ báo La Nación, mà Arias mô tả như một "thứ vớ vẩn" trong cuộc phỏng vấn của các tác giả, phải viện đến các biện pháp pháp lý để buộc công bố các điều kiện của thỏa thuận này: lãi suất 2 phần trăm và thời hạn trả nợ 12 năm. Trung Quốc không muốn công bố lãi suất "vì họ không cho tất cả các nước vay tiền với lãi suất đó," ông Arias nói với chúng tôi, biện minh cho sự thiếu minh bạch.
Nhiều nguồn tin có thẩm quyền ở San José yêu cầu giấu tên đoan chắc với chúng tôi bí mật thực sự liên quan đến một vấn đề khác. Dù mua trái phiếu là việc nhà nước Trung Quốc sử dụng dự trữ ngoại tệ để thâu tóm, và vì thế cần thực hiện thông qua Cục Quản lý Ngoại hối (SAFE), việc này thực ra đã tiến hành thông qua Bo An Investment Company, một doanh nghiệp đăng ký ở Hồng Kông. Theo các nguồn tin, công ty này đã giúp ai đó trong chính phủ cũ của Arias bỏ túi 2 phần trăm lãi suất sẽ không bao giờ được thu về trong kho bạc của nhà nước Trung Quốc.
39. “China Refused Panama Offer to Drop Taiwan: WikiLeaks,” Agence France-Presse, ngày 14.5.2011.
LỜI KẾT
1. Theo Venezuela Violence Observatory (OVV), 155.577 vụ giết người đã xảy ra tại nước này giữa các nhiệm kỳ tổng thống năm 1999 và năm 2011 của Chávez. Điều này có nghĩa là số lượng các vụ giết người đã gần như tăng gấp bốn lần kể từ khi ông lên nắm quyền và xu hướng này còn lâu mới chấm dứt: năm 2011 là năm bạo lực nhất trong lịch sử Venezuela. Cái gọi là "vi phạm không bị trừng phạt" cũng cho thấy kịch tính của tình hình: trong tổng số các vụ giết người được đề cập, 91 phần trăm vẫn không bị trừng phạt. Nguồn: phỏng vấn của tác giả với nhà xã hội học Roberto Briceño-León, giám đốc của OVV.
2. The Rise and Fall of the Great Powers, Paul Kennedy (Vintage, 1989).
3. Ví dụ hoàn hảo được thấy trong lĩnh vực ô tô, được chính phủ tuyên bố là lĩnh vực chiến lược với mục đích biến Trung Quốc thành một trong những nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này, như Hoa Kỳ, Đức hay Nhật Bản. Để thực hiện, Bắc Kinh buộc các thương hiệu nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc hợp tác với các hãng Trung Quốc, nhằm ép buộc chuyển giao công nghệ để cuối cùng cho phép Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình. Ba mươi năm sau, Bắc Kinh đang gặt hái thành quả: Thượng Hải đã trở thành Detroit mới và các thương hiệu Trung Quốc đang có tham vọng trở thành những thương hiệu toàn cầu trong trung hạn.
4. Các công ty Trung Quốc bị cáo buộc trả thuế cực kỳ thấp ở một số nước châu Phi, do những nghi ngờ xung quanh khối lượng sản phẩm xuất khẩu thực tế (căn cứ để tính thuế) hoặc do chính sách miễn giảm thuế của chính phủ các nước này.
5. Qin bảo vệ sự hiện diện và cách làm của Trung Quốc ở châu Phi bằng cách sử dụng một chuỗi số liệu lấy chủ yếu từ báo cáo “China’s Foreign Aid,” do Hội đồng Nhà nước xuất bản năm 2011. Ông đặc biệt đề cập đến trường hợp Zambia, được trình bày như một mẫu mực của hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, giải thích Trung Quốc đã đầu tư 6 tỷ đô-la và tạo ra 6.000 việc làm ở nước này. Những con số này chắc chắn rất ấn tượng đối với bất kỳ ai, như các tác giả, không có cơ hội tự mình nhìn thấy điều kiện làm việc không ổn định của 6.000 công nhân này (nêu trong Chương 6) và những cuộc xung đột bao quanh các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Zambia.
6. Một ví dụ điển hình làm nổi bật tầm quan trọng của các tác dụng phụ là Nigeria. Nguy cơ chỉ tập trung vào phát triển không một chút quan tâm đến luật pháp hay tham nhũng đã đưa đất nước này vào hoàn cảnh bạo lực gay gắt. Báo cáo Illicit Financial Flows from Developing Countries: 2000–2009 do Global Financial Flows công bố đã chỉ ra từ năm 2000 đến năm 2008 tổng số 130 tỷ đô-la đã bị mất ở Nigeria do tham nhũng. Con số này có nghĩa là trung bình 15 tỷ đô-la một năm, tức từ 4 đến 9 phần trăm GDP của nước này.
7. “China’s Policy and Its Effects in Africa,” trình bày tại Quốc hội Châu Âu ngày 28.3.2008.
8. “China Blocks Nam on Internet,” Jo-Mare Duddy, The Namibia, ngày 30.7.2009.
9. Nhiều cơ quan nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm kiểm soát báo chí (báo, đài phát thanh và truyền hình) cũng như nội dung Internet (blog, các trang tin tức, phòng chat). Ban Tuyên huấn Trung ương là cơ quan cao nhất trong việc kiểm soát nội dung văn hóa và báo chí để đảm bảo báo chí phù hợp với đường lối chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, Văn phòng thông tin Hội đồng Nhà nước và chính quyền các tỉnh, địa phương cũng chịu trách nhiệm giám sát nội dung tin tức.
Theo trang web tin tức uy tín China Digital Times, các phương tiện truyền thông và các trang web thường xuyên nhận được cái mà các nhà báo Trung Quốc gọi là “Directives from the Ministry of Truth” (Chỉ thị của Bộ Sự thật, đề cập đến cuốn 1984 của George Orwell). Được viết với giọng quyền lực và gửi đến những người phụ trách bộ phận biên tập, chính quyền Trung Quốc sử dụng các chỉ thị này định ra các quy tắc những gì được xuất bản và những gì phải bỏ đi. Sau vài tháng phân tích các chỉ thị này, các tác giả bắt đầu hiểu kiểu kiểm soát hoang tưởng các phương tiện truyền thông này mở rộng đến từng mỗi chủ đề và định dạng và - trái với điều phương Tây thường tin - cũng áp dụng cho các chủ đề ít liên quan đến nhân quyền hay dân chủ. Ví dụ, các vụ án tham nhũng liên quan đến các quan chức chính phủ được giữ kín, cũng như những tin tức về tăng lương của quân đội Trung Quốc, các vụ bạo động chống lại chính quyền hay các dự án nghiên cứu di truyền.
Việc kiểm soát thông tin không chỉ đơn giản là cấm hoặc loại bỏ nội dung. Một số chuyên gia như David Bandurski, nhà phân tích làm việc cho China Media Project tại trường Hong Kong University, chỉ ra Bắc Kinh có sẵn 30.000 công an trong không gian ảo, suốt ngày lẫn đêm rà tìm trên Internet và khóa chặn các trang web, bình luận và các nội dung khác trên trang web. Như vậy vẫn chưa đủ, chính quyền tiếp cận với khoảng 280.000 nhà bình luận, những người đã được tuyển mộ để tác động trao đổi ở các phòng chat, các diễn đàn trực tuyến và các trang web thảo luận khác trên Internet và làm những người này có vẻ như tự nguyện. Nhiều người "áo đỏ" này, hay "cộng sản 50 xu" như Bandurski gọi họ, là những sinh viên kiếm được nửa nhân dân tệ (năm cent euro) cho mỗi bình luận góp phần ảnh hưởng đường hướng chi phối các diễn đàn để lái cuộc tranh luận theo hướng thuận lợi phù hợp với quan điểm của chính quyền. Kỹ thuật này nhằm mục đích vô hiệu hóa các dư luận không muốn có thông qua phổ biến những quan điểm của đảng, theo chuyên gia này. Nguồn: Source: “China’s Guerrilla War for the Web,” David Bandurski, Far Eastern Economic Review, tháng 7.2008.
10. Chính sách bành trướng của Trung Quốc đang khiến cho những tổ chức này dần dần thích nghi hoặc nhường đường cho logic và tiêu chí mới của Trung Quốc. Trong năm 2010, Export-Import Bank của Hoa Kỳ đã có quyết định chưa từng có tuân thủ các qui định tài chính của ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc để General Electric có thể giành được hợp đồng cung cấp 150 đầu máy xe lửa ở Pakistan. Nhật Bản cũng làm cho những yêu cầu tài chính của họ linh hoạt hơn để cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Nguồn: "Western Nations Match China’s Game," John Pomfret, Washington Post, ngày 12.1.2011.
11. When China Rules the World, Martin Jacques (Allen Lane, 2009).
12. The China Fantasy: How Our Leaders Explain Away Chinese Repression, James Mann (Viking Penguin, 2007).
13. Tháng 3.2012, Trung Quốc đã thông qua luật mất tích "hợp pháp," hay nói cách khác, những vụ công an bắt giữ hiếm khi hợp pháp những người bất đồng chính kiến, những luật sư tại thời điểm đó. Luật này xóa bỏ rất nhiều sự bảo đảm có được - ít nhất là trên giấy - từ luật cũ, trao cho công an quyền hạn mới và khác thường. Ví dụ cho phép giam giữ người bị tình nghi trong một thời gian đến sáu tháng tại các địa điểm bí mật. Trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, luật này chỉ mất một năm tranh luận để đạt được đồng thuận. Trong khi đó, luật sở hữu tư nhân của Trung Quốc, thông qua vào năm 2007, đã mất khoảng mười lăm năm, vì bị những đảng viên kỳ cựu phản đối kịch liệt.