Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Viết sau ngày 30 tháng Tư năm 2019

Lê Học Lãnh Vân

1) Ngày 30/4 năm nay, việc mừng “chiến thắng” dịu hơn những năm trước.

Nhớ về 44 năm xưa, tôi thực lòng tiếc cho “bên thắng cuộc”, và tiếc cho vận mệnh cả nước ta.

Ngày 30/4/1975, nhiều người Việt Miền Nam, dù chưa hiểu về Miền Bắc, dù có thể chưa chưa đồng ý với cuộc chiến, chưa đồng ý với lập trường chính trị chuyên chính của Miền Bắc, vẫn sẵn sàng đón nhận đoàn quân tiến vào Sài Gòn hợp nhất gian san.

Người dân chào mừng Thống Nhất và Hòa Bình, vốn là ước vọng cháy bỏng của dân tộc ngày đó, chớ không phải chào mừng chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiếc thay, những người cầm quyền không nhìn ra ước vọng đó của dân tộc để vinh danh ngày 30/4 là ngày Thống Nhất, ngày Hòa Bình, ngày Tiếc Thương mất mát đã qua, ngày Hàn Gắn lại vết thương chiến tranh, đoàn kết và xem hai Miền Nam Bắc cùng là con dân nước Việt. Để ngày 30/4/1975 là ngày bắt đầu công cuộc phục hưng vĩ đại trong hòa bình, cần cù xây dựng kinh tế, tập họp rộng rãi toàn dân...

Hơn nữa lúc đó ý đồ xâm chiếm lãnh thổ và không chế Việt Nam của cường quốc phương Bắc đã rõ. Hoàn cảnh càng thúc giục phải cố kết lòng dân, huy động toàn lực quốc gia phát triển dân tộc nhanh nhất. Trễ chân ngày nào bất lợi cho quốc gia ngày đó!

Nếu lúc đó bên thắng cuộc có được tầm nhìn xứng tầm, có được tấm lòng với vận mệnh tổ quốc ngàn năm! Ôi, mỗi lần nghĩ tới lại buồn đứt ruột, tiếc mênh mông...

Những dòng này được viết ra không phải từ kiến thức hiện nay, mà từ kiến thức thời đó, cả “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc” thời đó có không ít người có tầm nhìn chiến lược xa như thế. Bài học gì rút ra ở đây? Phải chăng là bài học tận dụng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực tri thức của dân tộc?

2) Những ngày đó, dân tộc đang có xung lực rất lớn. Xung lực của một đất nước chia đôi mà lúc nào cũng ngóng ngày thống nhất. Có thể các bạn trẻ thời nay không cảm nhận tâm trạng này, và thậm chí còn hỏi thống nhất để làm chi! Nhưng thật sự thì sự thôi thúc của ước ước muốn thống nhất là tấm lòng của thời đại lúc đó. Khi sự thống nhất xảy ra, trăm hướng lòng dân đổ về, lại thêm thời cuộc chính trị và kinh tế thế giới thuận lợi, Việt Nam có thể bùng nổ phát triển với năng lượng nguyên tử!

Nguồn năng lượng khổng lồ đó cần được tập họp, chuyển biến thành năng lượng có ích phục vụ phát triển dân tộc. Điều này chỉ có thể khi toàn dân đoàn kết, đồng sức đồng lòng, động viên được mọi năng lực quốc gia. Tiếc thay, nguồn năng lượng được tiêu dùng phần lớn vào xung đột với láng giềng, đương đầu với cấm vận và, đau xót thay, xung đột và triệt tiêu những nguồn lực khác của đất nước. Xin hãy cùng nhau chân thành nhìn kỹ, có phải đưa “ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo”, đánh tư sản đợt X1, X2, X3... dẫn tới biến cố thuyền nhân lũ lượt rời Việt Nam là những tổn hại, thất thoát sinh lực vô cùng lớn của đất nước hay không? Còn bao nhiêu năng lượng sót lại dành cho phát triển?

Cái giá phải trả là mười lăm năm chậm tiến. Trong mười lăm năm đó, đối thủ cạnh tranh khu vực đã vượt Việt Nam khá xa, còn quốc gia luôn muốn khống chế Việt Nam đã vươn lên nhanh chóng, thần kỳ. Biến chuyển tương quan thế và lực ngày càng bất lợi cho đất nước!

3) Còn rừng còn củi. Quá khứ để học hỏi, muốn tiến vể tương lai phải đối diện với thực tế hiện tại.

Hiện nay Việt Nam có kích thước dân số không nhỏ, thứ 14 thế giới, gần một trăm triệu người.

Nền kinh tế Việt Nam có GDP tổng khoảng 250 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 49 thế giới. Nền kinh tế thuộc loại mở nhiều và mở rộng.

Việt Nam nằm trong vùng địa lý nhận nhiều nước ngọt và có bờ biển dài trên 3,000 cây số, có nhiều đất trồng trọt nhiều loại cây nông nghiệp và công nghiệp khác nhau. Có khoáng sản, có nông nghiệp và công nghiệp. Có nguồn năng lượng tái tạo cao.

Vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, nằm ngay ngả ba giao thương thế giới giữa các cực kinh tế hùng mạnh. Các Khu Vực Mậu Dịch Tự Do mà Việt Nam tham gia hầu như trải khắp thế giới.

Thời cuộc chính trị toàn cầu thuận lợi hơn cho Việt Nam nếu so với năm năm trước. Thuận lợi hơn cho một Việt Nam có vai trò trung lập hơn trên bàn cờ khu vực và thế giới. Riêng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, do trước nay Việt Nam nghiêng về Trung Quốc hơn, nên để trung lập hơn, Việt Nam cần xích gần Hoa Kỳ và phương Tây hơn. Bối cảnh chính trị thế giới thuận lợi cho động thái đó của Việt Nam, và nếu thành công, Việt Nam sẽ có cơ hội thành nước có nền kinh tế phát triển rất nhanh trong mười lăm, hai mươi năm tới, lọt vào một trong hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây chính là các mục tiêu chiến lược để phát triển dân tộc.

Người có vị trí cao nhất và quyền lực nhất Việt Nam hiện nay sắp gặp Tỗng thống Hoa Kỳ. Bài viết xin chúc ông thành công trong việc mang lại điều kiện cho đất nước đạt các mục tiêu chiến lược đó!

4) Ngày 30/4 năm nay, việc mừng “chiến thắng” dịu hơn hẳn những năm trước trong khi các từ Thống Nhất, Hòa Bình được nhắc tới nhiều hơn. Kết quả này, dù tới chậm so mong đợi của nhiều người, vẫn là một thành quả của nhiều cố gắng từ nhiều phía, những người quan tâm trong dân chúng và cả các thành viên trong chính quyền. Xin được trân trọng những viên gạch lát đường này để cùng nhau tiến bước xa hơn.

Ngày 30/4 được chú ý vì có tính đại diện cao độ, đại diện cho kết quả cuộc chiến phân ly tàn khốc, đại diện cho sự cọ xát hai quan điểm tự do và chuyên chính, cộng hòa và xã hội chủ nghĩa... Ngày này được coi là ngày vinh quang của “hàng triệu người vui” và ngày tủi hận của “hàng triệu người buồn”. Lẽ nào người Việt không có cách chuyển biến nó thành ngày cả nước quây quần, chia sẻ tâm tình, quá khứ để cùng hướng tới tương lai được đa số đồng thuận?

Việt Nam đã để lỡ nhiều thời cơ, và bây giờ thời cơ đang lần nữa tiến lại. Nếu đồng ý nhau rằng bài học lớn nhất của đất nước là chia rẽ, thù địch nhau trong lòng dân tộc thì lời chúc trước nhất của bài viết này là không còn một thành phần nào trong lòng dân tộc coi thành phần khác là thế lực thù địch! Lời chúc thứ hai là Việt Nam dần xây dựng thành công nền dân chủ với các định chế thích hợp phát triển và bảo vệ dân chủ. Tôi tin rằng đó là điều kiện ắt có và đủ để đất nước huy động cao nhất các nguồn lực của mình mà tận dụng thời cơ. Quí độc giả có chia sẻ niềm tin này không?

Xét cho cùng, nghiêng về Hoa Kỳ hay Trung Quốc chỉ là phương tiện tùy thời. Phát triển dân tộc mới là mục tiêu và nội lực dân tộc mới là nguồn lực chính đạt mục tiêu đó! Mong sao từ ngày 30/4 này trở đi...

Ngày 1 tháng 5 năm 2019