Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Người tạc tượng Phật bà

Truyện ngắn Trần Quốc Toàn


Ai ngờ! Cho tới khi đất Việt thống nhất, thì có chữ Việt lại bị cắt chia. Chữ “họ hàng” già thế, lại Việt rặc vậy mà sau 1975 chẳng cần hiệp định “giơ-neo” can thiệp, vẫn đàng trong, đàng ngoài nơi bia miệng, “miền Bắc nhận hàng,vmiền Nam nhận họ”! Lúc chinh chiến, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mình xin đi thì chẳng được đi. Nay phải đi, cũng hướng ấy nhưng chẳng còn hứng thú gì. Nhưng cứ đi xem thế nào.


Trên chuyến tàu Hà Nội – Vinh mùa hè 1976, thầy Đăng Hùng giáo viên văn 6 tuổi nghề ghi vào nhật ký những dòng trên. Sau hai chữ họ, hàng viết đậm, thầy còn chua thêm, làm một chuyên đề thống nhất chữ nghĩa sau thống nhất non sông cũng hay!

   Năm ấy đường xe lửa xuyên việt chưa nối xong, tới ga Vinh, đoàn giáo viên chi viện thành phố Hà Nội phải xuống tàu lửa, lên xe hơi tiếp tục Nam tiến. Tranh thủ lúc xe dừng ở Huế để khách cơm trưa, thầy Hùng lại ghi. Xe khách, miền Nam gọi là xe đò. Rất may, nhờ chạy xe đò mà được xuống xe, đi bộ qua cầu Hiền Lương, được tận mắt thấy, tận tay sờ vào vết cắt lịch sử này!

    Sau vết cắt kia, phải ba ngày xe đò nữa thầy Hùng mới tới ngôi trường dưới chân núi Sam của mình. Tiết dạy đầu tiên ở Nam Bộ, còn chưa ghi hết tên bài lên bảng thì nghe dưới lớp có tiếng cười. Thầy quay lại. Bàn cuối, mấy trò đang dành nhau một tờ giấy. Ánh mắt nghiêm khắc của thầy khiến nữ sinh Thu Dung đang cầm trên tay tờ giấy kia, tự đứng lên như trời trồng! Thầy Hùng từ bục giảng bước xuống.

- Em có thể cho tôi xem được không?

    Thu Dung mặt nhợt nhạt vì sợ, bối rối tới tờ giấy trên tay em cũng run lên thấy rõ. Em nhìn quanh như tìm người bàn giao. Chẳng ai dám nhận, Dung đành đưa thầy Hùng. Đó là một hí họa. Giữa tờ giấy là một khuôn mặt đang mở cái miệng háu đói, rộng tới mang tai. Ngay từ mang tai, tay phải đưa lên cầm một cục phấn như múa, từ mang tai bên kia, tay trái thõng xuống cầm một con cá rô đủ vây, đủ đuôi nhưng không hề có vẩy! Chỉ có các vân gỗ! Thầy Hùng bật cười thành tiếng, đưa bức tranh cho cả lớp xem. Giỏi lắm! Tôi nhận ra mình trong bức tranh này. Bắc kỳ ăn cá rô cây!

   Mặt Thu Dung tái nhợt. Cả lớp nín thinh chờ một bùng nổ ghê gớm nơi ông thầy bị chọc quê. Bắc kỳ ăn cá rô cây – thầy Hùng nhắc lại, rồi tiếp – ăn nhằm xí muội, dạy hay thần sầu. Bây giờ thì cả lớp cười. Thầy cũng cười nhưng không quên ra dấu cho Dung ngồi xuống. Không dễ thành dân cá gỗ như ông Nguyễn Du chúng ta học hôm nay đâu. Nào bắt đầu...

Sau tiết học ấy thầy Hùng ghi nhật ký. Có lẽ chữ xí muội, chữ thần sầu đã cứu mình. May mà cũng đã đọc Nguyên Sa, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Tất Nhiên... từ hồi nào, đã sẵn mấy chữ chào sân. Chẳng nhà trường nào dạy những chữ vỉa hè như thế, phải tự học lấy. Nhưng ai vẽ truyện cười ấy nhỉ. Tài đấy!

    Câu chuyện tìm ra người tài kia cũng khá là ly kỳ. Học xong Truyện Kiều, thầy Hùng cho cả lớp làm bài tại nhà. Đề rất mở, phân tích nhân vật mà em thích nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cả lớp nộp bài đúng hạn, bằng những tờ giấy. Chỉ duy nhất một người, cùng với một tờ giấy, còn kín đáo nộp thêm một hòn đá được phong bao trong một vỏ lon sữa bột bọc giấy bông. Đá mới là văn, còn tờ giấy chỉ là một bản kiểm điểm ngắn gọn thay cho lời chia tay... Thưa thầy, xin thầy đừng bắt lỗi bạn Dung. Lỗi của em. Em vẽ bức tranh hỗn hào ấy. Cho em chuộc lỗi bằng bức tượng Thúy Kiều em tạc theo lời thầy. Kính tặng thầy. Còn bài văn phân tích nhân vật em xin nộp chậm, vào ngày nào lại được tiếp tục tới trường. Xin thấy thứ lỗi. Trò hư Đỗ Lập Thạch.

     Ngồi chấm bài trong đêm, thầy Hùng sửng sốt vì vẻ đẹp của món quà mình nhận được. Chìm trong khối đá chỉ nhỉnh hơn một lọ mực, Thúy Kiều đang ngồi với cây đàn của mình trong tư thế thật mềm mại. Tóc mây lẫn vào dây tơ. Mặt người kề với mặt đàn – vốn chỉ là một lỗ trống đủ để cắm mấy cây bút. Trong tư thế ấy Kiều như đã thoát thành tiếng tơ, lại như vẫn ngồi đấy, đưa vai ra mà gánh lấy sức nặng văn bút kia. Bài văn đá tạc, đã làm tốt việc chặn giấy, việc gác bút lại vẫn làm đẹp nơi nó được đặt vào, vẫn làm sáng thêm Truyện Kiều. Không đợi nhận bài phân tích nộp chậm kia, thầy Hùng ghi điểm mười cho Thạch vào cột bài viết. Đêm ấy, trong nhật ký, thầy Hùng ghi. Mình sẽ có tội nếu để tay búa tài hoa này chết dí ở một làng đá chỉ biết làm chân cột, cối xay bột, cối giã cua. Đây là một nghệ sĩ. Mai, phải tới ngay nhà Thạch xem thế nào.

   Thầy Hùng tới làng Đá tìm Thạch. Nhà mở cửa nhưng chẳng có ai trong nhà. Có người bảo, giờ này muốn gặp nhà Lập Thạch phải ra bãi đá. Ngoài bãi, dưới một mái lá che tạm, thầy Hùng thấy Thạch đang tay búa tay đục, tỉa răng cho một thớt cối đại, bán kính cả gang tay. Khoanh tay chào thầy rồi lại đục, gấp gáp lắm. Vừa nói chuyện với thầy, vừa đục. Người kia thi đang giấc trưa. Giấc ngủ của người thợ say, gối lên đá, gác lên đá mà ngủ. Khuôn mặt đỏ bừng bừng như đang nổ, bằng nhịp gáy rền trong một giấc mơ, ha ha có hơi rượu, đá núi cũng mềm!

   Nhưng đá mỗi ngày mỗi cạn, còn đâu mà mềm. Chính quyền mới đã có lệnh thôi khai thác đá núi Sam để giữ vững Miếu Bà, lăng Thoại Ngọc Hầu lịch sử... vừa bảo vệ thiên nhiên vừa phát triển du lịch vùng tứ giác Long Xuyên. Nhà này, tính làm xong mấy thớt cối đã nhận với dân thương hồ thì bỏ Châu Đốc, xuống Biên Hòa, hay đi xa hơn nữa, ra Non Nước ngoài Trung kiếm việc làm. Thầy tới thăm trò vào hồi bĩ cực, thật khó nói chuyện cái học khi miếng ăn sắp cạn. Nhưng cứ thử xem, thầy Hùng mới nhìn thấy những hòn, những cục đầu thừa đuôi theo, cỡ bài đá tạc phân tích nhân vật Thúy Kiều mà thầy mới nhận được hôm qua, nằm vất vưởng đây đó dưới mái lều. Thầy tính...

Ông thợ say cũng đã tỉnh, lúc đầu còn ngơ ngác, nhưng nghe Lập nói thì tỉnh hẳn:

- Kính thầy! Mời thầy vô trong nhà để anh em chúng tôi được thưa chuyện. Thạch ơi! Em ở nhà nấu nước! Nhớ lấy bộ bình trà có khắc chữ nho.

    Hóa ra họ chỉ là anh em! Sau lần gặp này, hỏi ra thầy Hùng mới biết, Thạch là con người thầy dạy nghề của Lập, đang sống một nhà với Lập, đang được Lập nuôi ăn học. Ngày ấy, ông thầy dạy nghề nói giọng Trung, không biết đến từ đâu làm thuê cho chủ xưởng đá lớn nhất Châu Đốc. Ngoài các cối đá, các chân cột, ông thầy trẻ con tạc chơi các bức tượng bằng đá bỏ đi. Toàn là tượng mỹ nữ. Những người đẹp bằng đá của ông thầy lọt mắt ông chủ. Ông thử bày bán và bán chạy không ngờ. Những bức tượng đồ chơi nhẹ hơn các cối đá lại thu nặng tiền hơn. Ông thầy được giao hẳn việc tạc tượng mỹ nghệ. Từ tượng các mỹ nữ vô danh, theo yêu cầu của ông chủ, ông thầy tạc tượng phật bà Quan Âm. Tượng Phật mỗi ngày mỗi lớn hơn và làm không đủ bán. Ông chủ điều thêm tay thợ tên Lập, vừa phụ việc vừa học nghề. Thầy giao cho học trò vạc những khối đá thành các phôi tượng thô sơ, chính thầy sẽ điểm nhãn. Chỉ thầy điểm nhãn cho nên bức Phật nào cũng một khuôn mặt ấy. Cũng giống mặt một người trần. Giống ai, Lập biết, nhưng lo cho thầy, Lập chẳng nói ai hay, người ấy là ai. Mãi tới khi ông chủ cũng nhận ra nét quen quen kia, sinh nghi và để tâm rình rập, tìm kiếm. Chẳng mấy khó khăn, trong một đêm trăng, ông chủ thấy cô con gái đài các sang trọng, của mình cũng chỉ là thớt cối cái, để cái thằng thợ ngụ cư kia phủ lên như thớt cối đực và xay nghiến xay ngấu như xay gạo mẩy thành bột nhuyễn. Xay giữa những cối đá to nhỏ đủ cỡ đứng nghiêm, mím miệng học nghề. Đêm ấy, trăng cũng tròn như một mặt cối đang xay chảy ánh trăng. Biết ra thì đã muộn, thằng Thạch, cái mầm đá tình yêu, đã ba tháng tuổi trong bụng mẹ nó.

    Ông chủ không nhận cháu ngoại, đuổi cả lũ bốn tên ra khỏi xưởng đá. Lập thành người nhà của thầy cô giáo mình, thành anh của Thạch. Rồi Lập vào vai cha, sau ngày vợ chồng người thợ đá bị chính đá núi Sam đè chết trong một tai nạn lao động, khi ấy Thạch còn là học sinh tiểu học…

    Ông Lập về tới nhà thì nước vừa sôi, người thợ đá pha nắm trà mới mua trong cái bình đá có khắc bài cổ thi bình minh sổ trản trà đãi khách:

- Đây là bộ đồ trà chính tay thầy tôi, chính cha em Thạch làm ra. Bao giờ nhà có khách quý chúng tôi mới dám dùng tới. Chẳng hay thầy có việc gì mà quá bộ tới chơi.

- Thưa ông! Việc học của em Thạch! Tôi vừa được Thạch cho hay ông và em tính chuyển vùng kiếm việc làm. Nhưng đang dở năm học. Hay là ta lui việc này đến dịp hè. Cũng chỉ còn vài tháng nữa. Nói thật với ông, tôi cũng có việc muốn hợp đồng với nhà ta, để ông khỏi nhớ nghề, vừa nhởn nha làm, vừa đợi hè tới!

- Việc gì! Thưa thầy!

     Mắt ông Lập sáng lên khi thấy có việc làm. Việc ấy thầy Hùng mới vừa dám nghĩ mà ngay tức thì ông Lập dám làm, đó là hướng dẫn để Thạch và các bạn của em biến đá phế liệu thành tượng mỹ nghệ gia dụng, tìm cách cứu lấy một làng nghề truyền thống!

- Thưa thầy, ngày xưa tôi được thầy tôi tin yêu, việc gì cũng tập cho. Một lần tạc tượng Phật bà cẩm thạch, tôi lỡ tay làm gãy mũi tượng. Sợ quá ôm lấy Phật mà khóc. Phật thương, khiến thầy tôi vốn dữ đòn, thay vì bạt tai tôi, lại thắp nhang khấn vái rồi xuống tay biến Phật bà thành phật ông Di Lặc, đẹp lắm. Bức Di Lạc cẩm thạch bán đi đủ tiền mua khối cẩm thạch lớn hơn. Tạc xong tượng Bà còn làm được đôi vòng thật đẹp, thầy nói là để cho vợ thằng Thạch, tôi còn giữ cho nó. Nếu được dạy các em nghề này tôi xin toàn tâm như thầy tôi.

   Ông thợ Lập thành thầy từ ngày ấy. Từ ngày ấy, ông thành bạn tâm giao của thầy Hùng, giữ thầy ở lại chân núi Sam với mình cho tới ngày Lập Thạch tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật về cưới Thu Dung, cũng ngay tại chân núi Sam. Trong lễ thành hôn, chính thầy Hùng là người đeo cho cô dâu đôi vòng cẩm thạch giữ lại từ một đời thầy trước. Thầy vẫn không bỏ thói quen nhật ký. Sau ngày vui của hai trò thầy ghi, đôi cẩm thạch rồi sẽ tới một cổ tay khác. Vòng tròn giáo dục chẳng bao giờ dừng lại.