Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Góp một cái nhìn về vụ chùa Ba Vàng

Nguyễn Thanh Văn

Vụ việc “oan gia trái chủ” xảy ra ở chùa Ba Vàng còn nóng hổi. Vài biện pháp nhanh chóng, công khai (phần lớn bạn đọc theo dõi trên các mạng) và khá nghiêm khắc – theo giới luật nhà Phật – đối với sư trụ trì không thể nói là không có phần tác dụng tích cực trong dư luận xã hội. Có vẻ như giới Phật tử quan tâm tới Đạo pháp bước đầu khá hài lòng vì tốc độ giải quyết vụ việc, cho dù nói như ông Minh Tự, phóng viên báo Tuổi trẻ, trong bài viết “Không phải chấn chỉnh, cần có cuộc chấn hưng Phật giáo” (Tuổi trẻ ngày 24.3.2019) “rất có thể còn những “pháp môn” kỳ quặc hơn đang “hoằng bá” ở trong một hay nhiều ngôi chùa nào đó nữa”. Khi bàn về vụ “dâng sao giải hạn” ở chùa Phúc Khánh, Quán Sứ trước đây, phóng viên báo Tuổi trẻ – nếu tôi hiểu đúng ý ông – tỏ ý bi quan “không một ai có thể tin rằng tháng giêng năm sau chùa chiền sẽ không có cảnh đau lòng đó nữa”. Quả đúng như vậy, cái nhọt nảy từ cái ung, cái ung ắt phát từ thứ cơ địa kinh niên nào đó, đâu phải chuyện một hai ngày, nếu không chịu đi sâu vào nguyên nhân thì khó tin dứt được bệnh.

Tuy nhiên xin mạn phép rằng chấn hưng một tôn giáo xưa nay chưa hề là nhờ chuyện bức xúc, nhiệt tình đơn thuần mà có thành tựu – dù là nội bộ Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo đi nữa. Trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo bắt đầu vào giữa tiền bán thế kỷ 20 mà ông Minh Tự có nhắc trong bài báo, sự lên tiếng bức xúc của dư luận có tên tuổi các tri thức chủ yếu là trí thức Phật tử, cư sĩ – nổi bật nhất tất nhiên là Cụ Lê Đình Thám, một trong những khuôn mặt lãnh đạo, nếu không nói là lãnh tụ của cuộc Chấn hưng lừng tiếng này – nhưng sức nặng nòng cốt, khuấy động vẫn là từ lực lượng quý cao tăng còn uy tín và thừa tâm huyết vì Đạo pháp (bài báo ngắn không tiện kê khai tên tuổi chư tăng ni và quý cư sĩ).

Nói khác đi, báo chí – chưa nói chính quyền và chính quyền nào – tham dự thường với tư cách người thông tin, hỗ trợ, cảm tình viên chứ không phải hướng dẫn và khởi xướng. Vấn đề khá rõ: việc đột ngột và đồng thanh kêu gọi Chấn hưng Phật giáo lại không bắt đầu từ đội ngũ tăng chúng, tăng ni không phải và không thể là chuyện bình thường! Xin lưu ý tổ chức một Đại hội, điền đủ tên họ vào danh sách chức sắc tôn giáo không đồng nghĩa với công cuộc Chấn hưng Phật giáo – đấy chỉ là một việc mà một tôn giáo từ thời còn chánh pháp qua tượng pháp, đến mạt pháp đều làm được. Nội dung lớn, sâu xa để viện tới khái niệm Chấn hưng Phật giáo ở xứ Việt ta quyết không phải là vài trò mê tín, dù hẳn nhiên lối mê tín có thương hiệu Ba Vàng tự nó đã là món suy đồi đáng cho công luận kết án. Tôi sẽ có dịp phân tích kỹ hơn chủ đề phức tạp này.

Ở đây chỉ nói qua là cái lõi của một cuộc Chấn hưng bao giờ cũng là vấn đề nhân sự (dù có tình hình chia năm xẻ bảy thì nên là và phải là tổ chức đoàn kết của người trong cuộc, không thì tổ chức của ai và với mục đích gì cơ chứ?) và tôn chỉ, nội dung (cái mà giới chính trị gọi là cương lĩnh – cứ tưởng tượng một đảng chính trị mà không có cương lĩnh là biết!) – đúng đắn, xác thực của một tôn giáo, mà không dừng ở chuyện phong trào tôn giáo phù hợp khẩu vị một vị vua đương quyền hay toan tính “sáng tác” một pháp môn với pháp chủ mới. Hoặc kịch bản tệ hại nhất cái gọi Chấn hưng tôn giáo chỉ là chuyện đảo chính trong nội bộ cung đình tôn giáo – mà trong thực tế Việt Nam hiện nay chắc mẩm sẽ có sự can thiệp, làm chệch hướng của nhiều giới, không chỉ có giới có quyền và có tiền trong nước (kinh doanh tôn giáo một cách vô sỉ và các lối hoằng pháp hoàn toàn sai lệch với giáo pháp là một hiện tượng đang được dư luận chú ý – kể cả trò thi đua vô vị tượng to nhất nước, tháp cao nhất Đông Dương, chùa bự nhất ASEAN, và chúng ta bình tĩnh thử đợi bao giờ có cuộc thi Ni hậu – dành cho ni cô đẹp nhất nước!). Người dân, quý Phật tử và quý tăng ni cần rõ và chắc đã quá rõ điều này.

Đáng lẽ một cái nhìn “hình sự” – không cần tốt nghiệp ngành an ninh hay chuyên gia nghiên cứu tội phạm học – có thể đặt câu hỏi một ông sư gần như vô danh về sự nghiệp hoằng pháp và trong lịch sử Phật giáo cùng nhóm “phụ tá” sao cả gan gần như công khai diễn trò mê tín, mê muội làm tủi hổ chốn cửa thiền và uy tín các bậc tăng ni đồng đạo tới mức này?! Ai bảo trợ và chống lưng cho màn diễn của nhóm tăng và tục này?! Truyền thống cộng sản vốn xem tôn giáo là thuốc phiện, lịch sử ghi nhận không ít biện pháp cực đoan, ít ra của Stalin và Mao Trạch Đông đối với tôn giáo (Hồng vệ binh Trung Hoa đã đốt sạch kinh sách trong Viện nghiên cứu của ngài Lữ Trừng, nhà Phật học nổi tiếng thế giới và toàn bộ thư viện riêng của ông, hệ quả là là sự im lặng tuyệt đối, tức tưởi hơn hai mươi năm, cho đến lúc qua đời của một học giả Phật học năng lực trác tuyệt đang ở đỉnh cao tài năng!), vậy ai dám nói việc cất chùa, nhà thờ là chuyện dễ dãi trong chế độ xã hội chủ nghĩa, như chùa Ba Vàng với 12 (đương kim và cựu) uỷ viên Bộ Chính trị và Trung ương đảng trực tiếp dự lễ hoặc gửi lẵng hoa chúc mừng? Vô tiền khoáng hậu! Các bậc lãnh đạo kỳ vọng gì ở tài cứu đời độ thế của tập thể “trụ trỉ” này! Nếu tìm nguyên nhân của vụ buôn thần bán thánh thì có lý do nêu giả thuyết có sự chủ quan của trụ trì và vây cánh chùa Ba Vàng rằng “chùa ta” có sự chống lưng của giới quyền lực hay không. Còn nếu đó chỉ là sự hiểu lầm thì nên là kết luận của một cuộc điều tra nghiêm túc hòng giữ uy phong cho các cấp đại quan, tứ trụ liên quan mà uy tín trong nhân dân đã không có gì lạc quan cho lắm, khác với lời khẳng định vội vã, vô căn cứ rằng “chưa bao giờ lòng dân tin Đảng như bây giờ” của ngài Thủ tướng đang hứng khởi với hanh vận của mình.

Thiết lập quan hệ giữa một tu sĩ và một lãnh đạo cấp tỉnh đã khó, lại quan hệ được với một loạt cấp tận trung ương mới quái lạ chứ? Tôi không nhắc lại cụ thể danh sách riêng từ nguyên/đương kim ủy viên Bộ Chính trị đến ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – có tên tuổi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Ban Tôn giáo chính phủ; rõ ràng, nếu không nói hẳn là nghi ngờ, liệu lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội đã thực sự tín Phật, mộ Pháp, đang cùng ủng hộ một tông phái Phật giáo cộng sản chủ nghĩa mới tinh mang tên Bavangism (mà sao không công bố cho dân chúng, đảng viên và quan chức cùng theo!) hay không. Bằng như không phải (vì làm sao có sự kết hợp về giáo lý giáo điều giữa siêu toàn trị cộng sản và một tôn giáo kinh điển (gốc) minh bạch như Phật giáo được nhỉ!) thì đến một sĩ quan công an quèn cũng thừa sức lần mò ra cái gốc sự gan liền và thanh vọng kì dị của thầy trò tông phái Bavangism này. Sao chỉ hô chấn hưng nhà Phật mà giả vờ không nhìn ra sự quái gở của các nguồn to đùng khác nhỉ – tợ như trong phim Trung Hoa, vua và đại quan làm bậy, che chở, ủng hộ người chưa đáng bảo trợ, che chắn thì xử nặng – thường là xử tử – kẻ phạm pháp, cấp thừa hành, rồi tất cả phục xuống, đập đầu tươm cả máu mà tung hô “Thánh thượng anh minh! Thánh thượng anh minh!”. Sao chỉ hô chấn hưng nhà Phật mà giả vờ không nhìn ra sự quái gở của các nguồn to đùng khác nhỉ – tợ như trong phim Trung Hoa, vua và đại quan làm bậy nhưng lại xử nặng – thường là xử tử – kẻ phạm pháp, cấp thừa hành, rồi bề tôi tất cả phục xuống, đập đầu tươm cả máu, hô “Thánh thượng anh minh! Thánh thượng anh minh!”.

Xin trở lại ý trên, nếu cái lõi của công cuộc chấn hưng Phật giáo là vấn đề Phật pháp và nhân sự thì nó phải xuất phát từ đội ngũ sư ni và cư sĩ tâm huyết với Phật pháp, Phật sự chứ không từ nguồn nào khác.

Vậy ai giữ được truyền thống hộ trì Phật pháp nếu không phải là thành phần tinh hoa nhất, đầy đủ phạm hạnh và nhiệt tình nhất trong Tăng chúng? Và ai dám nói Phật giáo Việt Nam không còn chánh tăng, chánh ni, trong tứ chúng không còn người tha thiết với chánh pháp, phải chờ chực, mời mọc ai đó đã nằm chờ “Chấn hưng Phật giáo” mấy chục năm nay rồi! “Chấn” cái gì và “hưng” cái chi – thưa, không đơn giản như quý vị vẫn tưởng và vẫn mong ngóng! Lời kêu gọi một sự nghiệp tầm vóc như công cuộc Chấn hưng Phật giáo có nên là chuyện có chút âm hao ngẫu hứng, ngẫu nhiên – hoặc không ngẫu nhiên cho lắm – xuất phát từ một cán bộ tôn giáo nào đó, đồng nghĩa việc giới tu sĩ lâu nay mơ ngủ không thấy lửa đã bốc cháy tận thềm chùa hay tận mái chùa ư! Hay từ lâu tiếng nói của quý tăng ni có lương tri không có người nghe, hay có ai đó đứng đàng sau quá trình suy sụp đạo lý này? Vì sao nạn suy đồi này lại xảy ra sau 1975, trong khi trong chiến tranh và qua những tháng năm Pháp nạn, Phật giáo – về mặt cụ thể và lịch sử tôi nhấn mạnh là Phật giáo Miền Nam – căn bản vẫn đứng vững? Hay ngày nay các tăng ni rủ nhau tha hoá sạch mất rồi? Thưa rằng, bất kể các hiện tượng quái chiêu như các dạng tà pháp mà công luận bức xúc hiện nay, thì nội dung của một cuộc Chấn Hưng đúng nghĩa và đúng thực chất không có đệ-nhất-trọng-tâm là các vụ mê tín, bao gồm cả vụ Ba Vàng, vốn chỉ là phế phẩm của một mặt là trình độ văn hoá quốc gia thoái hoá tới độ không phân biệt rạch ròi chánh tín và mê tín (đại khái như học trò mẫu giáo mà cô giáo quên dạy vệ sinh); mặt khác, nó là hệ quả phụ của các xã hội cạn niềm tin vào chính quyền hoặc thậm chí chế độ. Những vấn đề và vấn nạn cần đưa vào nghị sự Chấn hưng Phật giáo hiện nay là chuyện gì tất nhiên là việc đại sự. Các bậc tăng ni có tuệ trí, đức độ phải cho ý kiến đã đành, đồng thời chấp nhận ghi nhận phản hồi, gợi ý của quý Phật tử và dư luận xã hội rộng rãi về từng đề mục.

Một trong những người lên tiếng ngay, đòi hỏi Chấn hưng Phật giáo là ông Đỗ Quang Hưng, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, được các nhà báo Phan Đăng (trên báo An ninh thế giới, số 124, 5-2018) đề cập một cách trân trọng. Vị cựu Viện trưởng này công khai – có lẽ sau mấy thập kỉ dày công thâm cứu – phát biểu ngợi ca phát kiến kì diệu của trí tuệ (Phật giáo) Nhật Bản là đã chủ trương Tân Tăng – nôm na là chủ trương “sư lấy vợ, ni lấy chồng”. Gợi ý này – lạ là ở ngay vương quốc có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa một triệu lần hơn dân chủ xứ người lại không có ai phản hồi phản biện – chắc mẩm Đỗ tiến sĩ sẽ tích cực chào hàng tại đại hội Chấn hưng Phật giáo tương lai! Một viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo – còn ai chỉnh lại là Viện trưởng Viện theo dõi tôn giáo thì vui lòng trưng bằng chứng – và thường phát ngôn đầy tự tín về Phật giáo và Phật pháp như Đỗ tiên sinh, mà còn là chỗ tham mưu thân tín của đảng và chính quyền mà không tham gia sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo thì ai tham gia? Đề xuất hệ trọng này xuất hiện công khai trên một tờ báo phát hành cả nước! Hãy chờ xem phản ứng của tăng ni thế nào – lẽ ra bình thường “đã phản ứng thế nào” mới đúng.

Tất nhiên tôi sẽ có bài viết phân tích sau về đề nghị lớn của ngài cựu viện trưởng – và tốt nhất là có một cuộc trao đổi thẳng thắn, công khai giữa ngài và tôi trên một tờ báo “trung lập” (theo nghĩa cụ thể không phải trên báo An ninh thế giới và mạng vanviet.info, mà điều kiện duy nhất tôi đề nghị là không được bỏ dù một chữ hay ý để bảo đảm cuộc tranh luận được khách quan). Tiện đây tôi trích dẫn trực tiếp đoạn văn của ông nguyên viện trưởng để bạn đọc tham khảo “Nếu so sánh [Phật giáo Việt Nam – NTV] với với bản thân Trung Quốc hay Nhật Bản thời kỳ ấy thì ta thấy, cùng là hệ Bắc Tông, nhưng các tri thức Phật giáo của họ có những suy gẫm về gốc rễ tư tưởng kinh khủng lắm [trong văn cảnh từ “kinh khủng” dùng với nghĩa khẳng định, ca ngợi, liên tưởng cách nói của người Anh-Mỹ “terribly attractive” hay cách nói “đẹp dễ sợ” ở quê Huế của tôi). Cùng tiếp cận tư tưởng Phật giáo từ bên ngoài nhưng người Nhật lại tạo ra những suy nghĩ rất độc lập của riêng họ […]”. Trước khi tiếp tục trích dẫn, xin lưu ý nhà báo Phan Đăng trong văn viết – nghĩa là trong văn nói ông Đỗ Quang Hưng có sử dụng là chuyện bình thường – nên cắt cụm từ thừa “của riêng họ”. Còn giữ lại tất nhiên nên bỏ từ “độc lập”.

Sau đây bạn đọc nghe người được phỏng vấn nhấn mạnh mặt “kinh khủng”, “độc lập” của Phật giáo Nhật Bản – lưu ý ông Đỗ Quang Hưng đang ngợi ca Phật giáo Nhật Bản để chỉ chỗ thiếu kinh khủng và thiếu độc lập của truyền thống Phật giáo Việt Nam– “[…] ví dụ như họ suy nghĩ xem đã là nhà tu hành thì có nhất nhất phải xuống tóc, phải không lấy vợ, không sinh con đẻ cái hay không. Chính những tầng lớp trí thức Phật giáo rất uyên thâm [tôi nhấn mạnh ý “uyên thâm” được ông Đỗ Quang Hưng đưa vào hỗ trợ cho “kinh khủng” và “độc lập” trước đó – bạn đọc để tâm kẻo phụ lòng người phát ngôn – NTV] của Nhật Bản từ thời kỳ ấy đã là tiền đề để nước Nhật có một người như Suzuki trong thời hiện đại”. Về ngài Suzuki danh tiếng lẫy lừng thế giới, một nhận xét qua loa là điều bất kính – nên tôi đã có một bài riêng trong loạt bài về “Văn hoá và Phật giáo Nhật Bản” sẽ đăng trên vanviet.info. Chỉ mạn phép nhận xét rằng không rõ trong nhận xét của ông Đỗ Quang Hưng có hàm ý việc Thiền sư Suzuki có vợ (người Mỹ) là một chứng cớ ngài thừa hưởng di sản “kinh khủng” và “uyên thâm” của Phật giáo Nhật Bản hay không – điều mà người nói không giấu giếm là nhược điểm của Phật giáo Việt Nam? Các bạn chớ nghĩ người viết đùa cợt với uy tín của một nhà Phật học có không ít đóng góp cho việc giới thiệu Phật pháp với phương Tây và là idol của tôi thời trai trẻ. Vì chức danh “thiền sư” gắn với ngài Suzuki vốn chỉ tu sĩ Phật giáo nói chung, rồi có chuyển nghĩa thêm chỉ các hành giả chuyên thiền định hoặc dạy phép thiền cho tín đồ. Từ thực tế đến sự vận động của ngôn ngữ trong thực tế, các bạn có thể nhận ra một nghĩa mới của từ “thiền sư” nhằm chỉ trường hợp không xác định đối tượng có vợ hay không, hoặc chỉ một tu sĩ – thượng toạ hay hoà thượng – đã chuyển từ tình trạng độc thân qua có vợ con. Ngài Suzuki chưa hề là thượng toạ hay hoà thượng, nên nhận xét của người viết không hề có ý thất kính. Đáng lẽ tôi có thể dẫn vài trường hợp tu sĩ Việt – có vị rất nổi tiếng, có thể làm nhiều người bị sốc – nhưng không cần thiết và lại không phải chủ đích hay điểm tôi chú ý.

Điều ít người để tâm là mê tín không phải chỉ là chuyện của bần dân, tín đồ “tầng lớp dưới”. Một quan chức cấp nhà nước cậy các bậc vu sĩ, các nhà phù thuỷ hiện đại – gọi hồn bằng gmail hay iphone! – cho ý kiến việc xây trụ sở, cơ quan và trả tiền bằng thuế của dân thì gọi là gì? Công an nhà nước có dám điều tra có cấp cao nào trong Đảng Cộng sản Việt Nam xin quý chiêm tinh gia coi ngày tốt để tổ chức đại hội hay không? Việc đại chướng tai gai mắt là công khai xác nhận sự có mặt của đảng viên tu sĩ ngay trong nhà chùa (một trường hợp là hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam mất vào tháng 3 năm 2018, được báo Nhân dân, báo Giác Ngộ đăng tiểu sử, xác nhận “hòa thượng” được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng và nói rõ được kết nạp đảng vào năm 1962 – xin đọc bài trên báo Giác Ngộ tại đây; bài trên báo Nhân dân đã bị gỡ nhưng có thể đọc tại đây) thì có nên đưa vào nội dung chấn hưng Phật giáo hay không và nếu việc chùa hoạt động chính trị tích cực tới độ có cả đảng viên – và tất nhiên có chi bộ cộng sản – thì Phật giáo sao lại không đương nhiên có quyền tự lập đảng Phật giáo được nhỉ? (điều mà Đức Phật tất nhiên chưa bao giờ cho phép và khích lệ) – đây rành mạch là một quan điểm phi pháp khi đối chiếu với giáo pháp của Đức Thích Ca!

Mê tín thường được xem là dạng tập tục phi trí thức, văn hoá thấp. Có thực không? Tôi từng mục sở thị bài viết của phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức, người được xem là chuyên gia về Rùa hồ Gươm (báo Sài Gòn giải phóng – rất tiếc bài tôi có ý lưu lại bị lạc mất, nhưng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về thông tin này). Trong bài viết, bậc trí thức của chúng ta lập luận hiện tượng “Cụ Rùa” (ông Hà Đình Đức có cách gọi tôn trọng như vậy) trồi lên là không phải chuyện ngẫu nhiên, mà có yếu tố thiêng liêng thực sự và ông quả quyết Cụ Rùa chỉ trồi đầu khỏi mặt hồ vào những dịp lễ lớn; tôi nhớ hai dịp ông ghi nhận là lễ Quân đội nhân dân và ngày Đại hội môi trường! Điều thất thố của nhà khoa học này là ông tỏ ý cười cợt các đồng nghiệp của ông vì giải thích do nguyên nhân môi trường! Có còn gì để nói về nhận định siêu khoa học này không. Do chi tiết đầy thú vị nếu không nói là độc đáo này, tôi có thêm nhận xét sau:

Nếu quả thực Cụ Rùa trồi đầu lên khỏi hồ Gươm đơn giản vì cụ là Thần Rùa – là thần thánh thì cần quái chi tới quy luật môi trường – thì hoá ra việc ăn học lấy học hàm, học vị mấy chục năm trời của các bậc trí thức toàn là chuyện lãng phí và lãng nhách. Ngay một bà cụ bán lạc rang mù chữ bên hồ cũng có thể có kết luận tương tự, mà không cần viện tới học bổng, trợ cấp và tất nhiên chẳng cần du học, du lịch chi cho phí của. Và liệu có nghĩ tới chuyện giải tán luôn cả cái tổ chức – Viện hay…, tôi không rõ! – môi trường hay sáp nhập luôn vào Hội Chiêm tinh xã hội chủ nghĩa – nếu có.

Nội dung Chấn hưng Phật giáo – và nói riêng vụ mê tín – do vậy khá phức tạp và đâu chỉ liên quan Phật giáo. Hay nói cách khác nếu từ vụ mê tín liên quan chùa Ba Vàng dẫn tới đòi hỏi chấn hưng một tôn giáo cho được, thì sự kiện một nhà khoa học tên tuổi của thủ đô kết hợp với một tờ báo của một đảng bộ thành phố lớn và to nhất nước bất kể lý luận Marxist vốn rạch ròi về tôn giáo và tín ngưỡng (thực tế, riêng ở xứ An Nam ta các nhà Marxist cũng chẳng rạch ròi cho lắm, đại khái cùng một thứ ruột hàng đó thôi, trước gọi là hàng “duy tâm” phải lên án, phỉ báng, nay khui ra dán tên mới “tâm linh”, mới rõ công dụng thời kì hậu xã hội chủ nghĩa của món hàng hoá này hoá ra còn tốt chán!) và từng được tuyên truyền ra rả đêm ngày – trong một phút đánh mất lòng tin vào chính mình (ơi xưa nay người vẫn thiếu tin người!) – đã đi tìm sự yểm trợ của thần linh từ thế giới bên kia một cách khá công khai, nhưng không quang minh chính đại cho lắm – xin lỗi – thế thì có cần kêu gọi “chấn hưng” luôn chế độ không nhỉ!

Phức tạp không? Thưa rằng phức tạp vô cùng. Và phức tạp nhất là cái thì giờ đòi dấn thân cải cách chuyện người nên dành để nghiên cứu cho rõ cải cách cái gì và ai có tâm, có tài, có tư thế, trách nhiệm cải cách? Nhưng chuyện lớn nhất là nên cải cách chính nhà mình trước khi bàn chuyện nhà người, kẻo người ta đâm ngờ động cơ của mình!