Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Nói chuyện cùng nhà văn Phan Tấn Hải

Hồ Đình Nghiêm

Nhà văn Phan Tấn Hải tự họa

Không cứ là chuyện cổ tích bao giờ cũng khởi đầu giọng kể bằng “Ngày xửa ngày xưa…”. Mỗi chúng ta hôm nay vẫn quen dùng tới nó khi nhớ lại một kỷ niệm đã trôi trong quá khứ. Ngày xưa, tôi từng gặp anh. Anh ở bên Mỹ sang đây, tay bắt mặt mừng những hai lần. Một lần có diễn ra Đại Hội Văn Bút tổ chức ở Montréal (1989). Lần khác anh lặn lội về chung vui cùng nhà văn hoạ sĩ Võ Đình để rồi chung buồn trong vấn nạn khôi hài có tên gọi “động đất ở Mộng Lệ An” (1992). Ngày xửa, anh có tặng tôi tập truyện ngắn “Cậu Bé Và Hoa Mai”. Ngày xưa, dù tổn thất do trận động đất gây ra có lớn tới mức nào đi chăng nữa, xấu xa rồi cũng chóng vuột trôi; nhưng tôi vẫn nhớ, tôi không quên một người: Anh Phan Tấn Hải. Nhớ nụ cười hiền, nhớ mái tóc thưa, nhớ giọng nói chậm rãi thường chứa những ẩn dụ bên trong, dẫu ngập ngừng như kiểu đắn đo trước khi bày tỏ. Nhớ ngày xưa, thấy trán anh bị sưng một nốt bằng ngón tay cái, không dằn lòng tôi buột miệng hỏi để có ngay câu trả lời: Đêm qua Phật chỉ trăng, tôi thưa ồ trăng sáng quá. Phật cười khẽ búng ngón tay vào trán tôi.

Sau này, có lúc tên anh đi kèm với “pháp danh” Nguyên Giác. Tôi tin là mỹ danh nọ hẳn đã khoác vào thân anh từ lâu lắm. Ngày xưa, hoạ sĩ Đinh Cường vẫn mến chuộng anh, có thuật lại cho tôi nghe về cái tâm lành anh luôn nuôi dưỡng: Muốn đi đâu, muốn nhờ giúp đỡ việc gì Hải đều sốt sắng đứng ra lo liệu, chẳng đắn đo, không ngại tốn thời gian… Những phác hoạ sơ khởi trên không làm rõ về một người tôi mang đầy cảm tình. Muốn “nhìn ngắm” anh, tôi mạo muội bước vào “hậu liêu” để quấy phá, lôi anh ra khỏi thế giới riêng anh đang tĩnh tâm.

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Phan Tấn Hải, trước tiên xin anh xí xoá giùm tôi cái tật ưa kể lể dài dòng như trên. Ngày xưa anh rất phong độ, bây giờ anh có nghe ra chút hao hụt nào không?

Phan Tấn Hải (PTH): Kính thưa nhà văn Hồ Đình Nghiêm và tất cả độc giả, tôi rất hân hạnh được trả lời phỏng vấn hôm nay — đây là một may mắn, vì tự lòng mình chỉ thấy mình chẳng là gì, may ra chỉ là một hạt bụi rất nhỏ trên trí nhớ của một số độc giả. Lòng tôi rất mực là vui, trước giờ vẫn luôn luôn hướng về Canada với nhiều hình ảnh đẹp. Các nhà văn, nhà thơ ở Canada mình từng gặp, như Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Bắc Phong, Lưu Nguyễn, Trân Sa, Trang Châu, Võ Kỳ Điền… vẫn là các ký ức đẹp, rất đẹp và thơ mộng. Bạn cũng vừa mới nhắc tới họa sĩ Đinh Cường, người tôi rất mực quý trọng — tài hoa, thơ mộng, độ lượng. Mình tự thấy rất mực may mắn có giao tình với những người như thế. Bây giờ bạn hỏi gì, nếu mình biết gì, sẽ xin nói ra. Còn hao hụt, thì sức khỏe yếu dần với thời gian. Ngày xưa, sức khỏe mình khá, lái xe từ Virginia sang Canada là chuyện bình thường. Chở họa sĩ Đinh Cường từ Virginia lên New York xem tranh cũng là chuyện dễ dàng. Bây giờ sức yếu, lái xe đi xa không nổi nữa.

HĐN: Trước 1975, anh là sinh viên ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn hay Đại Học Vạn Hạnh, thưa anh? Và tới ngang đâu thì quyết định giũ áo lên đường?

PTH: Kính thưa, mình học ở Văn Khoa Sài Gòn. Nhà thơ Lưu Nguyễn, một người hàng xóm của Hồ Đình Nghiêm, là bạn cùng học Ban Triết ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn với mình, cùng làm Tập San Nghiên Cứu Triết Học ở trường với mình. Chuyện lên đường là vì đất nước qua mấy kỳ tổng động viên, thì đi thôi; lúc đó, mình học năm thứ 3, chưa xong Cử Nhân, sau này là tự đọc sách là chính. Tự mình thấy bất toàn trong việc nghiên cứu, vì tiếng Hán thì lôm chôm, còn tiếng Phạn, dù Pali hay Sanskrit, thì đều chẳng biết.

HĐN: Duyên do nào anh theo học Phật Pháp và theo đuổi tu tập Thiền?

PTH: Đó là khi đất nước ngổn ngang, tự nhiên lòng người hướng về Đạo Phật. Thiệt sự, từ hồi bậc trung học, mình đã tự mua sách về tập Thiền, tập Hatha Yoga, rồi Raja Yoga, rồi có anh bạn dạy cho mình chú thuật Katha chi đó, rồi sau gặp vị sư dạy bài Đại Bi, rồi lên học Mật Tông nhà Phật với Hòa Thượng Thích Thiền Tâm ở Lâm Đồng… rồi tự học Thiền Chỉ Quán theo một cuốn sách mỏng gặp ở một ngôi chùa. Nhưng tuyệt vời là Thiền Tông. Ban đầu do các bạn trong Nhóm Nghiên Cứu Triết dẫn lên gặp Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng Bình Dương. Thầy nói rằng chưa thấy tánh thì tu gì cũng là sai. Thầy biết bản thân mình (và Nhóm Triết) ưa đọc sách, nên cũng nói rằng phải rời bỏ chữ thì mới xong. Tôi nghe là tự nhiên tin liền, nhưng phải mất nhiều năm mới dần dần mà vào. Cần phải nói rằng, bản thân mình chẳng là gì cả, vẫn tự xem như người dựa cột, ngoài cửa. Thí dụ, hàng sư huynh của tôi nổi bật có nhà văn Nguyễn Thế Đăng (nhà sư, nhưng vẫn ký tên đời khi cầm bút), hay dịch giả Thị Giới Trần Đức Phi Bằng thì hơn mình xa lắm, và một số vị khác. Bản thân mình được chú ý phần lớn vì mình viết truyện, làm thơ, viết báo, nghĩa là có tiếng vang hơn, chớ tự thân không có gì là đáng nể.

HĐN: Nếu như tôi than thở cùng anh “đời là bể khổ”, trong nhất thời anh sẽ dùng lời gì để khuyên tôi? Tôi sẵn sàng để cho trán u lên như ngày xưa anh hứng chịu.

PTH: Bạn ơi, mình thử đưa ra nhiều câu trả lời – làm kiểu như bàn tiệc, để bạn lựa chọn tùy ý. Kinh Phật dạy nhiều pháp, không phải một. Mình không dám nói ý riêng, chỉ đưa ra Kinh Phật thôi.

Điều quan trọng là toàn lực, nên y hệt như võ sĩ ra trận, bốn bề cung tên, chỉ có cách: đầu mình tay chân đều trở thành áo giáp. Do vậy, phải thanh tịnh cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Pháp Cú Kệ 183 tóm tắt Phật Pháp: “Đây là lời Phật dạy: Chớ làm ác, hãy làm lành, giữ tâm trong sạch.” Giữ tâm cho trong sạch thì cần thấy tâm, và từ đó các phương pháp có thể khác nhau.

Cần ghi nhận rằng hiện nay nhiều phương pháp Thiền tập tại Hoa Kỳ và Canada chú trọng vào Chánh Niệm (Mindfulness) và xem đó như là thuốc chữa bá bệnh. Thậm chí, nhiều huấn luyện viên không nói gì về Giới khi dạy Mindfulness cho chiến binh, doanh nhân, vận động viên thể thao… Trong khi đó, Đức Phật luôn luôn xem giới là quan trọng nhất.

Đặc biệt, Đức Phật cũng nhấn mạnh về Từ Bi. Kinh SN 10.4 nói rằng Chánh Niệm không đủ để giải thoát, mà cần có Từ Bi nữa (Bản dịch Bhikkhu Sujato: Each new day is better for the mindful, but they’re not freed from enmity).

Nhiều pháp khác được kể trong Kinh Pháp Cú, qua các bài kệ từ 368 tới 376, ghi rằng Đức Phật dùng thần lực hiện ra trước 900 tỳ khưu, và khi ngài đọc một bài kệ về một cửa giải thoát, thì có 100 tỳ khưu đắc quả A La Hán. Tới 9 lần như thế, là toàn bộ 900 tỳ khưu giải thoát. Trong đó, bài kệ 368 nói về Từ Bi. Kệ 369 nói giữ tâm vô niệm. Kệ 371 nói về Chánh niệm trong mọi thời. Kệ 372 nói giữ tâm trong Chỉ Quán (lặng lặng, tỉnh tỉnh)… Nghĩa là, 900 vị, theo 9 cách khác nhau.

Mình tu chưa tới đâu, cho nên chưa biết nên khuyên Hồ Đình Nghiêm thế nào. Nhưng có lẽ tiện nhất là dùng Bát Nhã Tâm Kinh: hễ thấy được Tánh Rỗng Rang Vô Tướng của các pháp là hết khổ. Đó là nhận ra thực tướng cái được thấy (sắc) là vô tướng, là Không (bật màn hình TV là thấy hình ảnh vèo vèo hiện rồi biến, dù đẹp cỡ nào, rồi cũng vào cõi tịch lặng), nhận ra thực tướng cái được nghe (thanh) là vô tướng, là Không (ca khúc nào hay cỡ nào cũng trôi vào tịch lặng) thì cái khổ cũng thế: bạn mở mắt ra nhìn xem, cái khổ đó ở đâu trong tâm, tới một lúc sẽ thấy nó là rỗng rang, là không ở đâu cả.

Chúng ta là nhà văn, từng có nhiều cơ duyên để gặp những người đẹp nhất và nghe những giọng hát hay nhất. Nếu để động tâm, thì chỉ gây nghiệp thôi. Tốt nhất là theo bài Bát Nhã Tâm Kinh mà tu. Thí dụ, tự nhủ lòng rằng cô hoa hậu này chỉ là cái được thấy, rằng giọng ca tuyệt vời kia chỉ là cái được nghe, thì tự nhiên thấy các pháp tịch lặng dễ dàng. Trong kinh đó, chữ “hành thâm” có nghĩa là chỉ, là định, là giữ tâm cho vắng lặng; chữ “chiếu kiến” là quán, là nhìn vào thực tướng; chỉ quán được như thế, sẽ thấy cái được thấy là không, cái được nghe là không… thì khổ còn bám vào đâu, từ từ sẽ hết.

HĐN: Anh giải thích thế nào về chữ Nghiệp? Hình như từ khi qua Mỹ đến giờ, công việc của anh đều bị bù đầu vào lãnh vực báo chí? Điều đó có thể gọi là Nghiệp không?

PTH: Mình tin đây là nghiệp. Tự nhiên mê đọc, mê viết từ thời thiếu niên. Rồi xã hội sắp xếp cho những cơ duyên để rồi gặp môi trường thích nghi cho công việc cầm bút.

HĐN: Tôi theo dõi những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật bên vùng anh cư ngụ, hầu như anh đều góp mặt để sau đó viết nên những cảm nhận thật chân tình, thật ấm áp, thật sâu sắc dành cho các văn nghệ sĩ ấy. Từ sinh nhật Gió-O đến buổi ra mắt sách của nhà thơ nữ Nguyễn Thị Khánh Minh, đến đêm nhạc của nữ ca sĩ Thu Vàng… Tôi vẫn nghĩ, trong một cộng đồng luôn cần có một người đứng trong bóng tối như anh. Ở xa, nhờ vào anh, tôi mới được tham dự “nguội”, chia sẻ những thành tựu mà cộng đồng đó vừa gặt hái ra. Tôi nói cảm ơn anh thì hình như vẫn còn thiếu?

PTH: Bạn Hồ Đình Nghiêm ơi, mình học viết theo tiêu chuẩn Đức Phật dạy trong Kinh MN 58, chỉ viết và nói khi thấy lợi mình, lợi người và trong tâm từ. Còn chuyện tu học thì, tự thân vẫn thấy chưa tới đâu cả.

HĐN: Anh vừa xuất bản tuyển tập “Viết Từ Phương Xa”. Thưa anh, tôi nghĩ theo đà này anh sẽ viết thêm cuốn thứ 2, 3… Bởi vì tấm lòng nhân ái của anh dành cho bạn bè không chỉ gom đủ trong một cuốn. Anh đặt nhan Viết Từ Phương Xa có phải muốn chia sẻ cho bạn đọc trong nước chút tâm tình của kẻ tha phương?

PTH: Cuốn “Viết Từ Phương Xa” chưa phát hành, chỉ mới có 1 bản duy nhất do nhà xuất bản gửi tới để xem cần sửa gì không. Mình gửi bản duy nhất này tặng cho họa sĩ Đinh Trường Chinh rồi, vì trong đó có một bài về họa sĩ Đinh Cường, thân phụ của ĐTC. Có thể vài tuần nữa, sách đó mới lưu hành ra thị trường. Còn nói “phương xa” là vì luôn luôn có ý nghĩ rằng mình đang ở xa quê nhà. Còn cuốn 2 hay 3 thì sợ không viết được, vì chuyện văn nghệ bây giờ là thứ yếu, phải ưu tiên tập trung đọc và dịch Kinh Phật.

HĐN: Vì công việc, mỗi ngày anh đọc phải biết bao tin tức diễn ra khắp nơi, những “sự cố” xẩy ra ở Việt Nam có quấy rầy, có tác động vào tâm cảm anh? Anh có từng buồn cho vùng đất chịu nhiều đổ vỡ đau thương ấy?

PTH: Có nhiều lúc mình mất ăn, mất ngủ vì quê nhà. Như năm 2014, khi giàn khoan Trung Quốc 981 vào Biển Đông, mình theo dõi tin suốt ngày đêm; có khi nửa khuya thức dậy, mở máy để vào Internet xem tin tức. Đọc tin quê nhà ngày nào cũng có chuyện không vui, nhưng làm sao bây giờ; cõi này nhiều chuyện không vui như thế.

HĐN: Anh vừa làm thơ, vừa sáng tác truyện ngắn, vừa viết ra bao nhiêu là cuốn sách về Thiền, vừa làm báo, vừa dịch bản tin, vừa viết cảm nhận về một cuốn sách mới trình làng… Tôi ngờ anh là người đeo vào tay cái đồng hồ đặc biệt mà mỗi ngày hai cây kim ở đó quây tới 48 giờ mới giáp vòng. Cho tôi nghịch chút xíu, rằng chị Dung có than vắn thở dài không anh? (Kinh nghiệm cá nhân tôi).

PTH: Khi viết nhiều, nghĩa là giấc ngủ phải ngắn lại. Mà không thể không viết, vì các đề tài Phật học cứ hiện ra trước mắt hoài. Do vậy mình phải giữ sức khỏe kỹ, phải tập thể dục, ăn kiêng, tập thiền… Còn chuyện bị than vắn thở dài là bình thường. Hễ bị cằn nhằn nhiều quá, thì mình tự nhắc tới Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn Tỳ Bà), rằng những âm thanh nghe được chỉ là do duyên mà sinh và diệt, vốn thực là không, là tịch lặng; chẳng nên vì cái không mà phản ứng cho thành cái có.

HĐN: Ở thể loại truyện ngắn, tôi thường sa đà vào những cảnh đời bất hạnh, dung tục và có hơi “ngã mặn” bởi có nhiều điều tôi chẳng muốn hư cấu nó. Với một người đang tìm cách từ bỏ những phiền não như anh, anh có phê phán tôi không? Về chuyện thanh, tục ấy?

PTH: Mình cùng trong cõi này thì phê phán làm chi. Từ từ rồi mọi chuyện sẽ tự lắng xuống. Thêm nữa, cách viết mỗi nhà văn thay đổi theo thời gian. Đọc nhiều, viết nhiều, rồi tự nhiên sẽ thay đổi theo hướng tốt nhất. Các nhà văn nổi tiếng thế giới cũng tự thay đổi. Thực ra, truyện của Hồ Đình Nghiêm vẫn thuộc loại hiền lành.

HĐN: Khi tôi muốn tập tĩnh tâm, làm chủ bản thân, theo kinh nghiệm anh từng trải, anh có thể ban cho tôi một lá bùa nhằm độ trì? Vỡ lòng thôi, nhập môn thôi, vì đốn ngộ thì phải trì chí dài lâu, đúng không anh? Nói không phải thì anh bỏ quá cho, tôi vốn là đứa “quay đầu là bờ, ngờ đâu là biển”.

PTH: Xin nói rõ, rằng bản thân mình chẳng là cái gì. Do vậy, mình sẽ nhắc những gì có thể Hồ Đình Nghiêm đã đọc, nhưng chưa chú ý, và có thể chưa thử tập. Rất nhiều pháp trong nhà Phật linh diệu vô cùng tận. Chỗ này, mình nói dài dòng, nói về nhiều pháp, rồi bạn tập, với thời gian sẽ thấy một pháp nào thích hợp thì tập hoài cho tiện dụng. Mình nói cô đọng, rồi bạn tìm đọc thêm. Tập một phút, là an lạc một phút; tập một giờ, là an lạc một giờ.

Có một lời khuyên của Đức Phật trong Kinh AN 9.36 là nên vào sơ thiền, rồi từ đó quán vô thường. Mà vào sơ thiền, là an lạc vô cùng tận. Kinh AN 5.28 gọi lúc đó là cảm thọ hỷ lạc nhờ ly dục. Đó là khi tâm lắng xuống, lặng lẽ, cảm nhận làn da trên toàn thân vui sướng vô cùng, hệt như bột tắm xoa toàn thân. Có nhiều cách vào sơ thiền. Bạn nếu còn chưa rõ, có thể vào Google để tìm bài “Các Pháp Vào Định” trong đó mình đã dịch nhiều bản văn liên hệ.

Có thể vào sơ thiền nhờ tập qua hơi thở. Bạn theo dõi hơi thở dịu dàng. Không cần đếm hơi thở, vì Đức Phật không dạy đếm, chỉ các luận sư đời sau mới dạy đếm hơi thở. Không cần ngồi xếp bằng; ngồi bình thường trên ghế thì hai chân áp sát mặt đất để không bị nghiêng. Chỉ thở tự nhiên, dịu dàng, tỉnh thức theo dõi hơi thở, cảm thọ hơi thở. Rồi đi đứng nằm ngồi đều theo dõi hơi thở, cảm thọ hơi thở.

Cách thứ nhì, qua Tâm Từ: Kinh MN 52, nói rằng tu Từ vô lượng, rồi suy tư, nhận biết, vững trú trong cái thấy vô thường, từ đây đoạn trừ lậu hoặc.

Cách thứ ba, qua buông xả. Kinh SN 48.10, bản dịch Sujato viết, buông xả là vào định: “It’s when a noble disciple, relying on letting go, gains immersion, gains unification of mind. Quite secluded from sensual pleasures, secluded from unskillful qualities, they enter and remain in the first absorption…” (Đó là khi một vị Thánh đệ tử, nhờ buông xả, được định tâm, được nhất tâm. Vị ấy xa rời dục, xa rời bất thiện pháp, vào và an trú trong sơ thiền…”

Thiền Tông, bên Tào Động, nói một câu y hệt: thân tâm phóng hạ. Tức là: buông bỏ cả thân và tâm. Kinh Kim Cang còn gọi là “vô sở trụ”…

Còn pháp Thấy Tánh thường dạy qua thấy và nghe. Tức là nhận ra thế giới này, chung quanh mình, và tất cả đều là những gì hiện ra trong gương tâm của mình. Nghĩa là, nói về “cái được thấy” và “cái được nghe” hiển lộ trong gương tâm. Thầy Tịch Chiếu thỉnh thoảng vẫn hỏi: có nghe gì không, có thấy gì không… Trong khi Kinh Lăng Nghiêm chỉ rõ lắm: tâm không ở đâu hết, nhưng khi có tiếng chim kêu, thì đó là tâm, là tiếng hiển lộ qua tâm. Tiếng kêu có sinh, có diệt; nhưng gương tâm vẫn trong trẻo, không sinh và không diệt. Do vậy, mình có cảm giác sự tích Đức Phật cầm bông hoa đưa lên, Ngài Maha Ca Diếp mỉm cười… lẽ ra, là ngài Maha Ca Chiên Diên mới đúng. Vì trong Trưởng Lão Kệ Thag 8.1 của ngài Mahākaccāyana viết, trích bản Sujato như sau:

All is heard with the ear, all is seen with the eye; the wise ought not forsake all that is seen and heard. Though you have eyes, be as if blind; though you have ears, be as if deaf; though you have wisdom, be as if stupid; though you have strength, be as if feeble.

Xin dịch (có đối chiếu với bản dịch Bodhi):

Tất cả được nghe với tai, tất cả được thấy với mắt; người trí không nên xua đuổi, kình chống tất cả những gì được thấy và nghe. Dù ngươi có mắt, hãy làm như mù; dù có tai, hãy làm như điếc; dù ngươi có trí tuệ, hãy làm như khờ dại; dù ngươi có sức mạnh, hãy làm như mong manh.

Đó là Thiền Trúc Lâm, là Thiền Nhà Trần, không thể khác được. Trần Thái Tông gọi đó là “Thế Tôn chưa ra khỏi thai mẹ, độ người đã xong.” Tức là nghe tiếng chim kêu là nhận ra tâm, và gương tâm trong thực tướng chính là không, là vô tướng, là vô tác. Tức là, giải thoát đã hiển lộ sẵn trong thấy nghe; hễ xua đuổi, bóp méo gì với thấy nghe đều là trên đầu lại chắp thêm đầu. Đó là, các pháp như thế, thì cứ như thế. Cái nhìn và nghe như thế cũng là là kinh vô tự, là cái nhìn vô ngôn, là ngôn ngữ dứt bặt, là không đọc sách, là không dính vào khái niệm. Do vậy, mình tin Đức Phật truyền dạy Thiền Tông cho ngài Maha Ca Chiên Diên, chớ không phải cho ngài Maha Ca Diếp.

HĐN: Sợ anh mất thời giờ, tôi xin có câu hỏi cuối: Anh thường làm thơ vào lúc nào? Anh có thích thơ Haiku của Nhật Bản không? Việt Nam thì tôi yêu quý tất cả những bài thơ của Tuệ Sĩ, vừa thông tuệ vừa thơ mộng vừa ảo diệu.

PTH: Buồn hay vui, có khi thấy muốn làm thơ thì làm. Thường khi do bạn hữu yêu cầu. Mình vẫn thích đọc thơ, đủ thể thơ, kể cả haiku. Thơ Thầy Tuệ Sĩ là tuyệt vời rồi. Hy hữu trong cõi này đó. Tôi vẫn tự xem mình là học trò của Thầy Tuệ Sĩ, dù chưa trực tiếp diện kiến.

HĐN: Xin thành thật cảm ơn anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải. Qua anh, tôi học hỏi được nhiều điều. Bể học vốn vô đáy, mong có duyên lành được ngồi bên anh “đàm đạo” dài lâu hơn. Mến chúc anh, chị Dung luôn an lành, tìm gặp những điều tốt đẹp ở “phương trời viễn mộng”.

PTH: Cảm ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm về cuộc phỏng vấn này. Cảm ơn tất cả các độc giả đã đọc những lời trình bày này.

Hồ Đình Nghiêm

Thực hiện bằng điện thư cuối tháng Tư, 2019