Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

“Kiến, chuột và ruồi” (trích, kỳ 4)

Nguyễn Quang Lập

11. Kiến

Ba bị dẫn đến đình làng nhốt vào kho đựng đồ tế lễ nhà tả vu. Từ ngày có cuộc cách mạng long trời lở đất đây là nơi giam giữ tử tù, dân chúng vẫn gọi là “Xà lim cải cách”. Chính ba chọn cái nhà kho này làm “xà lim cải cách”, nó được đổ bê tông cốt thép, tường dày bốn tấc kín như bưng, voi không thể húc đổ kiến không thể bò qua. Ba năm qua hai mươi sáu tử tù giam giữ ở đây không một ai trốn thoát khỏi cái xà lim này. Nó cũng là niềm tự hào nho nhỏ của ba, khắp tỉnh không nơi nào có cái xà lim như thế.

Ba bị đẩy vào xà lim. Cửa xà lim lập tức đóng sập, trong phút chốc bóng tối phủ kín đen đặc. Ba không dám bước thêm một bước nào, ông không thể thấy một chút gì, đưa bàn tay lên sát mắt cũng không thấy. Thứ bóng tối đen đặc mà Balzac nói là có thể xắn được ra từng khúc lần đầu ba mới biết. Ông buộc phải đứng yên, có cảm giác nếu động cựa sẽ va phải bóng tối. Và im lặng tuyệt đối. Im lặng lành lạnh. Im lặng rờn rợn. Im lặng cũng có thể xắn ra từng khúc lành lạnh và rờn rợn. Tựa hồ ba đang ở dưới đáy huyệt, người ta đã đem ông chôn sống ở nơi đây.

Ba đứng ngây ra giữa bóng tối và im lặng, không biết phải làm gì với chúng. Ông thử ngồi sụp xuống rồi lại thử đứng lên, cả đứng lên và ngồi xuống không cho ông một cảm giác gì. Ông thử đi vài bước, đi vài bước nữa... đầu óc vẫn đặc quánh đen ngòm. Ở cái nơi cuộc sống tuồng như không tồn tại này, đặc quánh đen ngòm đang bao vây ba, chui vào óc não ông hay chính óc não ông là nguồn đặc quánh đen ngòm từ đó chảy ra tràn ngập xà lim này, ông cũng không biết nữa.

Không biết làm gì hơn ba rơi xuống nền xi măng lạnh toát, nằm bất động, lịm dần đi. Ba ngủ rất nhanh, giấc ngủ cũng là một khối đặc quánh đen ngòm có thể xắn ra được. Hơn nửa giờ sau ba bừng tỉnh, ông không hề biết mình đã ngủ ba mươi phút. Chưa bao giờ ba có giấc ngủ thế này. Đó không phải là giấc ngủ, cơn vắng ý thức như một cuộc chết chìm nhét ba vào cái chết trong vòng ba mươi phút. Nếu giấc ngủ không chiêm bao vô tri vô giác gọi là chết thì lần đầu tiên ba biết chết là thế nào.

Ba bừng tỉnh, có cái gì ram rám ngưa ngứa trên mặt ông. Ba phát hiện má ông đang áp vào vết rạn nhỏ ai đó rạch trên nền, tạo thành đường hào cho kiến bò. Rất nhiều kiến từ đường hào đó bò lên má ông, chui vào khắp nơi trên người ông. Ba lần theo vết rạch truy diệt lũ kiến. Dần dà ông phát hiện ra đó không phải là vết rạch thẳng, nó lòng vòng như nét chữ ai đó rạch trên nền xà lim. Kiên trì dò lần tới lui, ba đọc được ba chữ “Tôi bị oan!” Ba vụt dậy, ông nhớ ngay ra thân phận của mình.

Sáng sớm mai ba sẽ bị điệu ra trường bắn, chỉ sáng sớm mai thôi không thể kéo dài hơn. Bao nhiêu lần chỉ đạo xử bắn phạm nhân ông biết quá rõ, không ai muốn giam giữ lâu lắc, người ta chỉ muốn bắn quách đi cho xong. Ba biết chắc bảy giờ ba mươi sáng ông được ăn một bát cháo gà và hai quả chuối, tám giờ ông bị điệu ra sân đình, quì mọp giữa một ngàn quần chúng đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo. Đồng chí Đội trưởng sẽ luận tội ba với ba giai đoạn điếu cày, xong một giai đoạn chị Hiên sẽ hướng dẫn một ngàn quần chúng rạo rực hô muôn năm và đả đảo. Chín giờ ba sẽ bị bịt mắt đứng dựa cột, một loạt đạn vang lên, rạo rực vang lên tiếng hô muôn năm và đả đảo, đời ông sẽ kết thúc đúng chín giờ mười lăm phút. Chắc chắn.

Ba không tin ông sẽ chết một cách dễ dàng như vậy được. Thà chết vì rắn cắn chó đớp có thể hiểu, một cái chết lãng nhách thế này quả thật nực cười, nhất là với người có trí khôn trong vòng bán kính 5km không ai bì được. Nếu ông bác Vĩ và ông bác Phú Huệ còn ở Kô Long nhất định họ sẽ chửi ba là ngu. Ông bác Phú Huệ chửi ngu như chó, ông bác Vĩ không thể chửi ngu như người, đành chửi ngu như chó. Ông bác Phú Huệ chửi xong chắp tay sau đít túc tắc đi về cái cổng sắt cao ba mét chui vào nguyên lý “không liên quan” của ổng. Ông bác Vĩ chửi xong cũng chắp tay sau đít túc tắc đi nhưng không đi về nhà, người có chỉ số IQ và núi tiền cao nhất mọi thời đại ở Kô Long sẽ đi tới nơi cần đến. Chẳng cần biết ông bác Vĩ nói gì làm gì, chỉ biết một giờ sau, hoặc hai giờ sau hoặc cùng lắm một ngày sau ba rời khỏi cái sà lim khủng khiếp này, trở về với vợ con. Cả hai ông bác giờ này không ở Kô Long, ông bác Vĩ đang ở Sài gòn, ông bác Phú Huệ nghe đồn đang ở Thái Lan, có thể vĩnh viễn không bao giờ họ về Kô Long nữa.

Ba cố quên hai ông bác, giờ phút hiểm nghèo ngu nhất là ngồi chép miệng giá như. Ông ngồi thu lu góc phòng cố tính xem liệu ai có thể cứu mình. Từ nay đến sáng mai còn mười lăm giờ, tức chỉ còn chín trăm phút nữa thôi, thời gian quá ít để người bạn chí thiết của ông ở Hà Nội biết tin. Chỉ cần một cú máy của người đó gọi về huyện nói rằng Phạm Vũ không phải là gián điệp Quốc Dân Đảng là ba sẽ được thả ra tức thì. Không, chẳng cần đến một cam kết, chỉ cần người đó nhấc máy hỏi một cách giận dữ: Tại sao lại bắt Phạm Vũ? Chắc chắn một giờ sau ba cũng sẽ được thả ra.

Vẫn biết hiện thời người đó không chịu mất thời giờ cho bạn bè, thứ bạn bè tép riu như ba lại càng không, ba vẫn tin một cú điện thoại không quá mất thời giờ, cũng không nặng nhọc khó khăn gì, nhất là việc cứu người. Đánh thức chữ nhân của đám quan lại thật khó như đơm đó ngọn tre nhưng không phải không có những ngoại lệ. Ba tin người đó vẫn còn nhớ những khoản trợ cấp thường xuyên của ông bác Vĩ và món tiền đút lót khổng lồ cho cả bảy sĩ quan phòng nhì tại Quy Nhơn nhằm giúp cho người đó thoát tù tội, tránh được cái án chung thân. Ông bác Vĩ không biết chuyện này, hoặc vờ như không biết chuyện này, khi ba được tin tưởng giao cho tay hòm chìa khóa đã lén lấy tiền giúp người đó. Người đó ra tù, ôm chặt lấy ba nghẹn ngào. Ơn Vũ như núi Thái Sơn, biết bao giờ trả được đây? Và rồi người đó nhảy tàu đi tít mù cho đến bây giờ.

Ba không ngu muội đến mức nghĩ rằng người đó sẵn sàng chết vì ông, nhưng ba phút cho một cú máy thì ba tin. Vấn đề là ai sẽ báo cho người đó? Mạ không biết người đó là ai, nếu biết người đó là ai bà cũng không biết gọi về đâu, nếu biết gọi về đâu cũng không ai cho bà gọi. Thời này điện thoại là một cái gì rất hệ trọng, bách tính không được mó vào. Ba biết giờ này cả nhà tôi đang bị giam lỏng trong chuồng bò bỏ hoang gần cầu Phố, chẳng biết làm gì ngoài việc ôm nhau khóc. Đi ra khỏi cửa chuồng bò còn không được. Nói gì lên huyện gọi nhờ điện thoại.

Ba chợt nhớ đến anh Ba. Đúng rồi. Thằng con trai lớn của ông có thể chạy lên tỉnh chạy lên trung ương kêu cứu. Mạ và hai chị gái gặp những việc thế này chỉ biết ngồi khóc, nhưng thằng con trai lớn của ông thì làm được. Mười lăm tiếng dù không kịp chạy lên trung ương vẫn thừa sức chạy lên tỉnh, ở đấy có rất nhiều bạn chiến đấu của ba ở chiến khu Đá Mài. Những bạn nhậu lưu niên với ông, những người được ông dạy chữ vẫn khiêm tốn gọi ông bằng thầy, những người đang nợ tiền ông bác Vĩ đến giờ chưa giả, sổ nợ hãy còn lưu nơi ông. Không phải không có cả những người được ông cứu sống trong các trận càn đột xuất Pháp đổ bộ lên Đá Mài…. Chỉ cần một trong số đó mủi lòng thương ba, họ sẽ biết làm gì để cứu ông.

Niềm hy vọng rực cháy, ba đứng bật lên. Có thể giờ này thằng con trai lớn nhất nhà đang chạy đi cứu ông. Dù nghĩ về đời không quá một bước chân nó cũng thừa sức biết phải chạy về đâu, tìm đến những ai. Ba đi đi lại lại, đi đi lại lại, giá có thể liên lạc với thằng Ba trong một phút, chỉ cần một phút không hơn, ông có thể nói cho con trai trưởng của ông biết làm thế nào để cứu ông trong trường hợp tất cả bạn chiến đấu của ông đều lánh mặt.

Anh Ba phải chạy vào tỉnh gặp bác Đông trai, hàng xóm chí thân của nhà tôi. Hiện thời bác Đông trai là phó ty công an, bác có thể yêu cầu giữ Phạm Vũ lại để khai thác. Gián điệp Quốc Dân Đảng rất nguy hiểm, cần phải khai thác để nắm được các đầu mối tổ chức Quốc Dân Đảng trên địa bàn. Bác Đông có quyền điều tên gián điệp Quốc Dân Đảng vào tỉnh để đấu tranh khai thác. Nếu được vậy thì trời cho ba sống. Ba thừa sức nói cho bác Đông hiểu ba hoàn toàn vô tội, bác Đông cũng thừa sức nói cho cấp trên hiểu ba hoàn toàn vô tội. Đến đây vụ án có thể bị lật ngược, Đội trưởng và chị Hiên nếu không bị dựa cột thay ba cũng bị loại ngay lập tức ra khỏi cuộc cách mạng long trời lở đất này.

Nghĩ đến đây ba sướng điên, ông nhảy liền hai ba cái hú hét hai ba tiếng. Chợt có con kiến lửa nhéo ở dái tai đau như bị ong đốt. Ba chụp lấy dái tai cố bóp chết con kiến. Không thấy con kiến đâu. Có tiếng ai đó vang lên trong tai ông, tiếng kêu mảnh và sắc. Không phải tiếng người, đó là tiếng của con kiến. Hồn ma của ai đó hóa thành con kiến chui tọt vào tai ba. Nó nhéo một cái và kêu. Nếu anh Ba không gặp được bác Đông thì sao? Lại nhéo một cái và kêu. Nếu anh Ba không gặp được bác Đông thì sao? Ba đứng ngẩn, ông sợ câu hỏi ấy.

Cả tháng nay bác Đông trai không về nhà. Bác Đông gái cũng không biết bác trai đi đâu. Thời điểm này hết thảy đều nháo nhào chạy về cơ sở, ít ai dám về nhà hoặc ngồi lì ở văn phòng. Về cơ sở vừa kiếm được cơm rượu vừa khỏi bị chỉ trích quan liêu, thiếu ý chí tiến công cách mạng. Ấy là chưa kể cứ loanh quanh văn phòng, lên xe xuống ngựa trước mắt thiên hạ, ngứa mắt người ta khéo không bị chụp cổ. Cuộc cách mạng long trời lở đất đã ba năm, khắp nơi ra sức trừ gian diệt ác nhưng hãy còn thiếu chỉ tiêu. Trung ương không giao chỉ tiêu, tự các cơ sở đua nhau đề ra chỉ tiêu để thể hiện lòng trung thành và tài năng của họ. Án tử mới quan trọng, mấy thứ án khác người ta không mấy quan tâm.

Từ tỉnh tới thôn xã ra sức thi đua lập nhiều án tử. Con gà tức nhau tiếng gáy, không có án tử như nơi nọ nơi kia thật tức chết được. Giết người hóa ra không dễ. Không phải như thực dân phong kiến thối nát, Cách mạng muốn giết ai cũng phải tìm cho được tội đáng chết. Vấn đề là bắt kẻ nào để moi ra được tội đáng chết. Địa chủ đã tóm gọn từ lâu, trung nông tiểu tư sản chưa có lệnh giết, muốn đủ chỉ tiêu chỉ còn cách qui hết cho việt gian phản động. Bọn này tội trạng vô hình không đo đếm được, rất dễ qui tội. Đội trưởng tóm gọn Phạm Vũ không ai thắc mắc vì huyện nhà đang quá thiếu chỉ tiêu, cũng vì Phạm Vũ thuộc nhóm “Tội trạng vô hình”, đúng thế.

Con kiến quay lại nhéo dái tai ba một lần nữa. Lần này ba không dám tìm diệt con kiến, để xem nó nói thế nào. Con kiến đã chui tọt vào tai, ba nghe tiếng chân nó đi lại lạo rạo trên màng nhĩ. Con kiến đi lại rất lâu, sốt ruột. Vào khi ba không quan tâm tới con kiến nữa, nó bỗng nhéo vào tai ông từng tiếng một. Đừng-ảo tưởng-không-ai-cứu-được-anh-đâu! Tim ba như bị hắt ra khỏi lồng ngực, ông ôm ngực ngồi rũ. Con kiến không nói gì thêm nữa. Ba ngẩng lên miệng cười như mếu. Nghe ai lại nghe mồm con kiến, ngu! Ông nhăn nhó lầm bầm.

Ba căm ghét con kiến. Bỗng dưng ba căm ghét kẻ nói trái tai đến thế. Ông kiên trì tìm diệt con kiến, quyết không cho nó làm nản chí ông. Ba sờ từ tai trái sờ sang tai phải. Con kiến đâu rồi? Nó biến đâu mất tăm như là ma, tức thế. Mà thôi, không quan tâm đến nó nữa là xong, việc gì phải tìm diệt nó. Dù thế nào yes or no không phải là xác suất tuyệt vọng. Nhược bằng thằng con của ông không tìm được bác Đông trai là số trời đã định, coi như xong một kiếp người, đếch gì.

Ba đã tính nhầm, ông không biết anh Ba bị tống giam chỉ một giờ sau khi ông bị bắt. Dầu được thả rong anh Ba cũng chẳng biết chạy đi đâu để cứu ông. Chạy đi đâu? Bốn phương tám hướng đều đúng, mình ba là sai. Bốn phương tám hướng đều Cách mạng, mình ba là phản động. Anh Ba chỉ biết ôm mặt khóc chẳng biết làm gì hơn. Giờ này anh Ba đang đứng khóc trong nhà kho phía sau Ủy ban hành chánh huyện. Suốt tám tiếng đồng hồ đứng khóc triền miên, chưa khi nào anh tự hỏi: liệu có cách nào cứu được ba mình không? Chân lý bất biến của Trần Ngô Đống Tiên Sinh đã chặn đứng mọi nẻo tư duy dẫn về câu hỏi ấy.

Trong nhà còn có một đàn ông lớn tuổi hơn anh Ba, có thể thay anh Ba chạy lên tỉnh lên trung ương để cứu ba, đó là anh Rể, chồng chị Cả. Mười tám tuổi anh Rể cưới chị Cả. Cũng mười tám tuổi như anh Ba bây giờ nhưng anh Rể già dặn hơn, tinh ranh hơn. Mười tám tuổi anh Ba chưa hề biết yêu là gì, vợ con là thế nào, đến cái bướm cũng chẳng biết tròn méo ngang dọc ra sao, trong khi anh Rể đã có cả mấy xâu bướm vắt vai. “Làm trai đi đâu về đâu/ cũng cố mang được một xâu bướm về.”…

Anh Rể dụ dỗ chị Cả ra khỏi nhà, đè chị trên bờ đê từ đầu hôm đến rạng sáng. Chưa đầy mười sáu tuổi chị Cả đã có chửa , anh Rể mặc nhiên là chàng rể của nhà tôi không tốn một cắc cưới xin. Anh Rể thuộc nhóm máu tháu cáy, làm gì cũng khác với anh Ba. Anh Ba theo Cách mạng nhiệt tình cả muôn năm lẫn đả đảo, anh Rể một mực đeo lấy muôn năm. Làm thế chắc chắn hơn. Muôn năm nếu không được gì cũng chẳng mất gì, đả đảo tất chuốc thêm thù oán. Trời đất thừa trừ sự cơ mầu nhiệm, kẻ bị đả đảo hôm nay mai mốt được muôn năm thì sao, thì mình chạy đi lối nào? Vậy thì muôn năm tất, đứa đéo nào cũng muôn năm, khỏe!

Ba không coi anh Rể là đứa con trong gia đình, chưa khi nào ông nhìn sửa mặt anh. Từ khi bị bắt đến giờ không giây phút nào ba nhớ đến anh. Vốn cẩn thận chu đáo từ khi bị bắt ông điểm danh từng người trong gia đình, nhớ thùng gạo nhà tôi còn mấy lon, túi áo mạ tôi còn mấy đồng, mái nhà bếp có bao nhiêu chỗ dột ba tôi cũng nhớ. Ba nhớ cả hố xí sau nhà chưa kịp rắc tro, ông lo gà qué bới tung. Riêng anh Rể thì không. Với ba, anh Rể chẳng liên quan gì đến nhà tôi cả. Vậy mà khi có con kiến nhéo vào tai ông từng tiếng một, đừng-ảo tưởng-không-ai-cứu-được-anh-đâu, ông đã nghĩ đến phương án phải dùng đến thằng con rể trời đánh này. Cái chết đã không cho phép ông từ chối bất kỳ ai muốn giúp đỡ mình, huống hồ là thằng con rể. Huống hồ cha đẻ nó là một trong bảy thành viên quyền thế nhất của Ban cải cách tỉnh nhà.

Mặc kệ kiến nhéo dái tai ba bốn nhéo liền cùng với ba bốn tiếng hét ngu!... Ngu!... xói thẳng vào tai, ba vẫn ngồi dựa tường cầu Trời khấn Phật giờ này thằng con rể đang chạy vào cầu cứu cha đẻ của nó. Ba đâu biết sáng nay ông bị điệu ra khỏi nhà, đàn con sau lưng ông không có anh Rể. Chị Cả năn nỉ mãi anh Rể buộc phải sang dự vào đám rước tiễn ông bố vợ về “Xà lim cải cách” ở đình làng. Vừa mới chui vào đám rước anh Rể đã giật mình dựng tóc gáy. Có ai đó gọi tên anh. Thằng ni là con rể ông Phạm Vũ! Ai đó sau lưng anh lên tiếng. Anh Rể lẹ làng dọt khỏi đám rước, lặn một hơi đến giờ phút này vẫn không thấy sủi tăm. Nếu biết chuyện này ba có dập tắt niềm hy vọng về anh Rể hay không? Chắc không. Khi cái chết cận kề không ai ngu gạt bỏ bất kì niềm hy vọng nào, kể cả niềm hy vọng chó đẻ.

Đã mười một giờ trưa. Một luồng sáng đập thẳng vào mắt ba. Ông bị lóa trong mười giây, sau đó dần nhận ra ai đó đã mở cái cửa sổ nhỏ bằng cuốn vở học trò nằm ở góc cao trên cùng. Một cái rá nhỏ đựng thức ăn được ròng dây thả xuống, người ta làm vậy để tránh mọi bất trắc khi mở cửa đưa cơm cho tử tù.

Ai đó ơi... ai đó! Ba chồm dậy vội vã lên tiếng. Ngoài cửa sổ không có tiếng trả lời. Mặc, ba cứ hét lên. Làm ơn làm phúc nói với thằng Cả nhà tui chạy vô tỉnh gặp bác Đông trai! Ai đó ơi làm ơn làm phúc!...Làm ơn làm phúc!Tịnh không một tiếng đáp. Nửa giờ sau cái rá được kéo lên, không cần biết ba đã ăn hay chưa. Ai đó ơi làm ơn làm phúc!... Làm ơn làm Phúc!... Làm ơn làm phúc! Làm ơn làm Phúc!... Ba lại chồm dậy hét thật to, kéo dài tưởng không dứt. Bỗng có tiếng đáp gọn lỏn. Thằng Cả bị giam lỏng rồi!

Ba chết giấc chừng mười giây và bừng tỉnh, ông cuống cuồng hét thật to. Ai đó ơi... làm ơn làm phúc nói với thằng con rể!... Làm ơn làm phúc nói với thằng con rể!... Làm ơn làm Phúc!... Làm ơn làm phúc! Làm ơn làm Phúc!... Làm ơn làm phúc! Làm ơn làm Phúc!... Làm ơn làm phúc!... Hét đến khan cổ thì thôi, chẳng ai trả lời.

Ba đứng khóc lặng lẽ.

*

Cửa sổ nóc xà lim vẫn mở, có lẽ đó là ân huệ cuối cùng tiểu đội du kích canh gác xà lim dành cho Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ. Ánh sáng ngập tràn căn phòng mười sáu mét vuông. Ba đứng nhìn bốn xung quanh. Căn phòng trống rỗng lạnh lẽo ngổn ngang những nét chữ vạch trên tường, mỗi ba chữ “Tôi bị oan” không có chữ nào khác. Có hai mươi sáu tử tù bị nhốt ở đây, ba là người thứ hai bảy, lại có hàng trăm dòng chữ “Tôi bị oan” la liệt trên bốn bức tường và nền nhà. Không biết những ai đã viết, lấy cái gì để viết. Kiến đen bò kín đặc trên tất cả các nét vạch chữ, không sót một chữ nào, cảm giác chính lũ kiến đen đã sắp hàng tạo nên hàng trăm chữ “Tôi bị oan” ấy.

Quay lại nhìn bức tường sau lưng, ba thấy dòng chữ “Tôi bị oan” rất to kéo dài từ đầu bức tường cho đến cuối bức tường, nét chữ đậm chừng bốn, năm centimet. Kiến đen bu đầy trên những nét chữ đó, nổi cộm lên trên tường. Không ai có thể vạch được nét chữ to đậm như vậy, có ai đó đã lấy máu viết. Ba đoán đúng, khi tiến tới gẩy một khúc kiến, ông thấy vệt máu đã khô cứng. Ông trân trố nhìn hàng vạn con kiến đen bu đầy trên những vết máu khô cứng ấy, nhớ đến một câu của G.Flaubert, hình như trong cuốn Nhật kí người điên thì phải, “Em yêu, rồi một ngày em sẽ biết máu người tanh đến thế nào.” Ba bỗng buồn rũ ra.

Ba ngồi dựa tường lắng nghe những âm thanh ngoài đời lọt qua cửa sổ. Hình như trời đang mưa. Tiếng ếch nhái nhao nhao cùng tiếng loa phóng thanh ẩm ướt, thứ âm thanh nhàm chán hàng ngày giờ đây thật quá đỗi thiêng liêng. Lẫn giữa tiếng ếch nhái và tiếng loa phóng thanh là tiếng gì nghe như tiếng người, nhiều âm rè, thỉnh thoảng nhói lên chói tai. Mãi sau ba mới nhận ra đó là tiếng hát say bét nhè của dị nhân Kiểm Hát. Sáu giờ rồi, giờ say của Gã say thời đại mới. Không, làm gì sáu giờ, người ta vừa đưa cơm trưa xong cơ mà.

Ngoài kia Kiểm Hát vẫn nói và hát triền miên trong cơn say. Thoạt đầu nghe như tiếng rên, kế đến như tiếng thét, tiếng chửi, tiếng bù lu bù loa về một điều gì đó. Tại sao dị nhân Kiểm Hát không say ở nhà lại say ở đây? Tại sao không say vào sáu giờ mà say giờ này? Tại sao cửa sổ không chịu đóng và dã đứng giữa trời mưa hát vọng vào? Khấp khởi trong ba những câu hỏi hy vọng, bất chấp lũ kiến vẫn thi nhau nhéo dái tai ông. Có thể người bạn chiến đấu của ông năm xưa vẫn còn coi ông là người bạn chiến đấu. Có thể lắm.

Một hòn sỏi bắn qua cửa sổ, hòn sỏi bọc giấy! Ba chộp lấy, chữ dị nhân Kiểm Hát rành rành: “Thằng Tuy đã đi Thanh Hóa từ 5 giờ sáng, thằng bạn mi đang ở đó.” A đúng rồi! Ba muốn bay ra khỏi cửa sổ ôm chầm lấy Kiểm Hát. Giờ đây ba mới thực sự hiểu được giá trị lớn lao của tình bạn. Người bạn đã bị ba bỏ rơi hơn chục năm nay kể từ khi ông làm chủ tịch Thị trấn, trong thâm tâm ông vẫn coi gã là kẻ đầu bò cần tìm biện pháp xử lý, giờ đây đang tìm cách cứu ông. Đúng là không ai có thể học hết chữ ngờ. Đây là chữ ngờ tuyệt hảo, chữ ngờ viết hoa phóng to một ngàn lần vẫn chưa thỏa.

Ba giờ sáng ba bị bắt. Dị nhân Kiểm Hát vội vàng chống nạng đi lên huyện đánh thức thằng em phó chủ tịch huyện nhằm moi lấy thông tin Nhân vật có số má của Chính phủ, người bạn chí thiết của ba hiện đang ở đâu. Khi biết chắc người đó đang thăm và làm việc tại Thanh Hóa, năm giờ sáng dã lôi cổ thằng con cả dậy, nói như vầy như vầy và giục nó đi ngay, càng nhanh càng tốt. Anh Tuy lái xe tải cho Công ty lương thực tỉnh, chỉ có anh mới đi về nhanh được, mới nói được rành rẽ vì sao ba bị bắt. Thế mà ba không nghĩ ra, từ khi bị bắt đến giờ chưa khi nào ông nghĩ tới phương án này! Trời có mắt...

Bây giờ khoảng ba giờ chiều. Từng sống nhiều năm trong hang đá ba nhìn vệt sáng qua cửa sổ áng chừng thời gian. Năm giờ sáng anh Tuy đi, mười hai giờ trưa đến Thanh Hóa, nhiều nhất ba giờ chiều anh Tuy sẽ gặp được người đó. Nhất định giờ này anh Tuy đã gặp người đó rồi. Bốn giờ chiều anh Tuy sẽ quay về, chậm nhất chín giờ đêm sẽ có tin, sáu tiếng nữa ba sẽ có tin.

Sáu tiếng đồng hồ dài hơn thế kỉ. Ba đi đi lại lại vài chục vòng, nằm lăn qua lật lại vài trăm lượt, đứng lên ngồi xuống mấy trăm lần... Sáu tiếng đồng hồ đã trôi qua, chín giờ tối đã đến. Không thấy tăm hơi Kiểm Hát. Ba im lìm dán mắt lên cửa sổ bây giờ là khoảng sáng trắng mờ, âm thầm đếm nhịp tim tính thời gian. Bảy lăm nhịp tim là một phút, một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua, ba giờ trôi qua, bốn giờ trôi qua, năm giờ trôi qua, sáu giờ trôi qua... Ba giờ sáng vẫn không thấy bóng Kiểm Hát đâu.

Ba nơm nớp lo kiến cắn dái tai. Kiến chưa cắn dái tai ông vẫn còn hy vọng. Mười hai giờ trôi qua chưa thấy kiến cắn. Thỉnh thoảng có một hai con bò lên dái tai, ba tôi hồi hộp đến nghẹt thở. Kiến không cắn! A ha kiến không cắn! Lồng ngực ba muốn vỡ tung. Khoảng sáng mờ cửa sổ bị che khuất, một cái đầu chuồi vào. Kiểm Hát! Ba chạy tới dưới chân cửa sổ.

Ba thì thào. Gặp không? Kiểm Hát thì thào. Không gặp được nhưng người ta cho nối máy, thằng Tuy kể hết cho ông đó rồi. Ba hấp tấp hỏi. Sao sao?... Ông đó nói sao? Ông đó nói: “Thế à!”. Kiểm Hát nói. Là sao?...Là sao? Thế à là sao? Ba không hiểu cuống quít hỏi lại. Ông đó chỉ nói “Thế à?” rồi dập máy. Dứt lời, cái đầu dị nhân Kiểm Hát biến mất sau cửa sổ..

Ba rơi xuống nền xi măng lạnh toát, nằm im như chết. Kiến đen đang ngủ yên trong các vạch chữ ở bốn bức tường và nền nhà bỗng đâu thức dậy, chúng lũ lượt bò tới ba. Trong phút chốc hàng vạn, hàng chục vạn con kiến đen phủ kín lấy người ông.