Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Cần một thái độ thực sự nghiêm cẩn và khách quan khi tiếp cận các đề tài dân tộc, tôn giáo và đặc biệt mối quan hệ lương giáo

Nguyễn Thanh Văn

Bài viết này liên quan vài ý kiến đầy nhiệt huyết của phóng viên báo Tuổi trẻ Minh Tự về vụ thầy trò sư chùa Ba Vàng và đề nghị Chấn hưng Phật giáo (bài “Chấn hưng Phật giáo”, Tuổi trẻ ngày 24.3.2019), nhân đó và trong tinh thần thẳng thắn của chính ông truyền qua, người viết có một vài lời bàn thêm hy vọng không đến độ lạc đề.

clip_image002

clip_image004

Trước hết xin trích lại đoạn văn trong bài báo tôi sắp bình luận của ông Minh Tự: “Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng đã có lúc thịnh lúc suy, cũng bao lần pháp nạn. Những lúc suy vi như thế, Phật giáo Việt Nam luôn ra đời một cuộc chấn hưng. Trong đó, cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 (bắt đầu từ năm 1920 đến thập niên 1950) được xem là lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Phật giáo từ chỗ là quốc giáo của Việt Nam đã trở nên suy yếu trước sức mạnh của Nho giáo (của chế độ quân chủ) và Kitô giáo (của thực dân), kéo theo nhiều hệ luỵ như tăng đồ làm điều trái nhà Phật, mê tín tràn ngập chùa chiền…”.(*)

Để làm rõ, tôi điểm qua từng ý kiến của tác giả bài báo.

– Cuộc Chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ các năm 1920 tới thập niên 1950 được Minh Tự cho là khi Phật giáo “suy yếu trước sức mạnh của Nho giáo (của chế độ quân chủ)” liệu có ổn không? Nho giáo đã được các học giả xếp là một hệ thống tư tưởng đạo đức chính trị, một mô hình tổ chức nhà nước, cũng có cái đuôi “ism” (Confucianism, Nho giáo), nhưng không có tính cách tôn giáo, nặng về tâm linh như Phật giáo, Thiên Chúa giáo (đây không phải lúc dài dòng sẽ phiền tai độc giả và mang tiếng “sính chữ”, nên chỉ lưu ý quan niệm của cụ Khổng đối với quỷ thần nên “kính nhi viễn chi” và những màn tâm linh, tâm học của các nho sĩ đời sau chủ yếu học lỏm của Đạo học và Phật học mà phát triển ra, do sự đòi hỏi của quần chúng lẫn giới nhà nho đó thôi!). Vậy so sánh thịnh suy giữa Nho giáo và Phật giáo như hai đối tác tôn giáo là không chính xác. Nếu không làm sao giải thích chuyện các vua Tàu và Việt viện tư tưởng, triết lý nhà Nho mà trị nước, nhưng hoàng hậu, cung nữ và chính đức vua lại đi chùa, xây chùa, tín Phật. Nếu có dạng lý lịch như ngày nay, ai nói các bậc quý tộc này không điền vào mục tôn giáo là “Phật giáo” nhỉ.

Đầu thời Lê có chấn chỉnh, ưu tiên Nho học (đặc biệt đời Lê Thánh Tôn) – cũng là một sự bình thường đối với nhà lãnh đạo một quốc gia độc lập có dân số đang tăng và lãnh thổ đang bành trướng khi áp dụng một mô hình quản lý kiểu pháp gia thay cho mô hình chính quyền trước đó khá lâu. Thời Đinh, Tiền Lê và đầu Lý - Trần, vai trò quản lý, tham mưu của các chính trị gia là tu sĩ Phật giáo khá trọng yếu, nhưng không phải do tính khả thi trong tổ chức chính trị của Phật pháp như các nhà nghiên cứu lâu nay lý giải và nhấn mạnh, mà do một ngẫu nhiên của lịch sử: những triều đại độc lập đầu tiên khởi lên bởi những dân áo vải hoặc chủ yếu là dân nhà binh ít chữ, cần giới tăng lữ vốn do nhu cầu học kinh kệ (bằng chữ Hán) mà tự lập thành tầng lớp trí thức của vương quốc Đại Cồ Việt và Đại Việt một thời. Không có bằng chứng Phật giáo bị ức chế, lại càng không dám nói thời Lê mạt xem nhẹ nhà Phật, đặc biệt cho vua chúa Nguyễn trọng Nho, khinh (xin hiểu với nghĩa xem nhẹ, ít chú trọng, không khuyến khích) Phật lại càng sai. Năm 1945, chính quyền Việt Minh lật triều Nguyễn. Rồi tới giai đoạn cuối, sau khi đất nước chia đôi, công cuộc Chấn hưng Phật giáo chỉ còn chút hào khí ở miền Nam – tôi đoán ông Minh Tự hẳn không đem chuyện Nho giáo lấn sân Phật giáo trong thời kỳ này làm lý do giải thích đạo Phật mất thế nữa.

– Nhân tiện nói thêm chỗ đóng mở ngoặc đơn (của chế độ quân chủ) rằng đối với thế hệ con cháu chúng ta trong thời kỳ hiện đại kị nhất là cách nhìn ngụ ý đánh giá, “dán nhãn” thiếu khách quan với cha ông. Nho giáo không chỉ thuộc về “chế độ quân chủ” với âm hưởng nặng phần phủ định, mà còn là một trong những thành tố căn bản làm nên văn hoá Việt Nam. Và do vậy việc phê phán Trung Quốc bành trướng cứ phê phán, quyết dành lại cho được Hoàng Sa không xong thì dặn con cháu tiếp tục, nhưng Nho giáo hay văn hoá Trung Quốc là một phạm trù khác, không nên nói khơi khơi; hệ luỵ có hai mặt, trong đó không chỉ khía cạnh bảo thủ, trì trệ – và cả hương vị “bành trướng” đặc thù Trung Hoa nữa chứ – mà còn cả mặt ân nghĩa giữa văn hoá Việt và văn hoá Trung Quốc – về mặt lịch sử, có thể khẳng định đó là một nền văn minh vĩ đại không phải riêng của khu vực mà trên toàn thế giới. Phàm đã nằm trong cõi giới và phạm trù văn hoá thì không phải là nơi dành cho chuyện hoan hô đả đảo hời hợt, nhất thời, mà nên chí thành, công phu, xem là cả một sự nghiệp lớn, nghiên cứu nhiều đời. Có khi tưởng đang đánh “bành trướng” lại vỗ mặt chính cha ông nhà mình! Thậm chí khái niệm “chế độ quân chủ” trong lịch sử không nên sử dụng với ý xa gần chê bai, (hoàn toàn) phủ định; nó có thể trong nhiều giai đoạn lịch sử là chế độ tốt bậc nhất (những trang sử oanh liệt đời nhà Trần là thời quân chủ đó thôi)! Nói thêm, nhưng không bàn, những hiện tượng tiêu cực của nhà Phật đầu thế kỷ 20 mà đổ một chiều – không chứng minh, không khách quan và chi tiết – cho ảnh hưởng và hệ quả từ Nho giáo và Ki tô giáo thì phi logic quá! Thế Ki tô giáo bị rẻ rúng, thậm chí bị đàn áp thời các vua Nguyễn sơ, người ta có bám lý do khổ nạn này mà “suy đồi” đâu! Còn thời đó Phật giáo suy đồi từ đâu, sao không đọc các bài viết của những người làm nên cuộc Chấn hưng Phật giáo lớn lao, đáng tự hào này – mà Minh Tự có nhắc tới!

– Các bạn – người đọc và có thể người biên tập – cho là dài dòng, lạc đề thì tôi đành xin lỗi. Tôi không thể ủng hộ cái chú thích của ông Minh Tự – mạn phép lặp lại “Phật giáo […] suy yếu trước sức mạnh […] của Kitô giáo (của thực dân)”. Đang lo lắng cho tiền đồ một tôn giáo lớn của dân tộc mà hạ bút chú thích một tôn giáo lớn khác cũng của dân tộc bằng ba từ gọn lỏn “của thực dân” là đi xa quá mất rồi, dù với tư cách nhà báo, người nghiên cứu lịch sử hay người quan tâm tới Phật pháp và Chấn hưng Phật giáo. Tiện đây xin trịnh trọng lưu ý các bậc trí thức các nguồn nên tự đánh giá lại lối quy kết lảm nhảm thiếu căn cứ và phi lịch sử – lặp lại thành thói quen, thành chân lý – rằng tôn giáo nhà mình là đồng hoá với dân tộc và Thiên Chúa giáo là không đồng hành với dân tộc. Đừng quá say sưa mà sa vào chủ nghĩa phân biệt sắc tộc, sai lệch tuyệt đối với lời dạy và lòng từ bi của Đức Phật! Dân tộc là ai? Ai có quyền nhân danh dân tộc? Ai có quyền hạn tự xếp một tầng lớp, bộ phận đồng hương, đồng loại là dân paria, là chi thứ và dòng phụ đối với dân tộc? Quy định nào để xứng đáng là thành phần dân tộc, luật pháp và hiến pháp nào và do ai tự cho có quyền bảo trợ? Đừng quên trong một đất nước dân chủ, chỉ cần vi phạm quyền bình đẳng của một thiểu số là có chuyện với pháp luật. Đừng quên rằng chớ đợi người ta “đụng” tới quyền tự do tín ngưỡng của tôn giáo mình mới phản ứng, mới đấu tranh mà phải ý thức thường trực rằng khi ai đó xúc phạm vị trí bình đẳng và tự do của bất cứ một tôn giáo nào thì họ đang xúc phạm chính tôn giáo của mình, xúc phạm tất cả tôn giáo khác! Trong những cái hạ liệt hàng đầu của giới tu sĩ và tín đồ có thứ ngầm – và công khai – thỏa lòng thỏa dạ khi một cá nhân hay tập đoàn có thế lực xa gần có thái độ và hành vi trấn áp một tôn giáo bạn, thậm chí tìm cách đổ lửa thêm dầu. Có thể nghĩ ra một thái độ nào thiển cận và nguy hại hơn không?!

Thưa rằng nếu dân tộc là quốc tịch An Nam, Đại Việt, Việt Nam Cộng Hoà hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì thái tử Tất Đạt Đa là quốc tịch Nepal – Ấn Độ – cụ thể ngài là thần dân vương quốc Ca-tì-la-vệ, không sinh ở Giao Chỉ hay trong thành Luy Lâu. Việc (ngầm) lôi kéo Ngài thành bà con bên nội ngoại vua Hùng thật lố bịch. Sự nhập nhằng này được nhà nước Hà Nội lặp lại khi he hé mở cửa lại ngại gió “ngoại lai” ảnh hưởng di sản nội và tác động tiêu cực tới chủ nghĩa Mác - Lênin. Về di sản “nội”, cụ Marx không phải người làng Kim Liên và bác Lênin không có sinh quán Tân Trào. Cụ Khổng ở ngay quê hương mình vốn đã gặp bao nhiêu khổ nạn, sống không vua nào dám sử dụng, mất thì bị chỉnh sửa cho hợp khẩu vị vua chúa, khi là Vạn Thế Sư Biểu, khi thì bè lũ Khổng Tử, rồi là nguyên uỷ của sự trì trệ châu Á, chợt nâng lên là nguồn đẻ ra các con Rồng kinh tế Đông Nam Á, rồi gần nhất là hiện tượng Viện Khổng Tử mà thế giới đang nghi ngờ – ở Việt Nam có khi ổn định hơn, được thờ như Thánh Nhân từ trước cả thời kỳ Đại Cồ Việt thì trên thực tế đạo Nho của cụ theo gươm giáo và đại pháo Trung Hoa mà vào đất Việt chứ không phải nhờ công du học sinh nhà Ngô, Đinh hay triều Lý, Trần gửi qua Trường An mang về hay do một nhà nho người Hoa “len lén” tìm kẻ hữu duyên ở Giao Châu để mật truyền. Vậy nhận cụ là hàng nội, đối lại với hàng ngoại Jefferson hay J. S. Mill hay Locke nghe có thuyết phục không? Đánh giá và cảnh giác ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu) hay ngài Lư Thoa (Rousseau) – dù kiểu đánh giá quáng gà của người không có công phu nghiên cứu mô tê chi về chính trị học và lịch sử thế giới – thì cũng nhớ đừng xếp họ vào quan điểm ngoại lai so với “nếp nhà” cộng sản hay Marxist mà thế giới người ta cười cho. Những khái niệm nội ngoại, ta người, dân tộc và ngoại lai… áp dụng đầy thiên vị, thiên kiến vừa nhập nhằng, vừa khiên cưỡng, vừa phi lịch sử!

– Kitô giáo là một tôn giáo tầm quốc tế mà sự nghiệp truyền bá giáo lý có từ hai ngàn năm trước, không phải đợi tàu Pháp bắn vào cửa Thuận An và cảng Đà Nẵng giáo sĩ mới truyền đạo. Phê phán kiểu gì thì gì, nhưng quyết từ đầu các cha cố đến với sứ mệnh đầu têu, thám thính cho sứ mạng thuộc địa thì vô căn cứ (người xâm lăng là quốc tịch Pháp mà lớp người đầu tiên đặt chân vào Việt Nam truyền đạo là quốc tịch Bồ Đào Nha kia mà!). Thậm chí Việt Nam không phải là địa điểm trong kế hoạch truyền đạo, mà là hệ quả việc đàn áp Thiên Chúa giáo ở Nhật và Tàu, các giáo sĩ mới tới Việt Nam. Trong chúng ta, có thể có khối người không chia sẻ Tin Mừng hay không tán thành tất cả giáo lý của người Thiên Chúa giáo, nhưng trong cái lõi niềm tin tôn giáo và cách tín đồ sống đạo và giới tu sĩ dám thiết tha hiến dâng cho sự nghiệp truyền giáo hàng thế kỷ, xác thân bỏ lại xứ người, có lắm điều làm cho ta phải xúc động và kiêng dè. Xin lỗi, người cộng sản nào ví von ý chí cách mạng của người bôn-sơ-vích Nga với nhiệt huyết cao bằng trời của tín đồ Thiên Chúa Giáo thời ban sơ? Thưa là ông Stalin! Đảng viên cộng sản nào không tin vui lòng lật sách giáo lý của ông này do nhà xuất bản Sự thật dịch và in. Thế giới tiếp cận và cả phản biện Thiên Chúa giáo là trên cơ sở thần học, triết học, tư tưởng… (cẩn thận, nhiều người trong chúng ta đọc và chiêm nghiệm Platon, Aristote còn kém xa giới tu sĩ Thiên Chúa giáo thời cổ đại – thánh Augustine là một ví dụ – và Trung đại ở châu Âu), chứ không phải như ta cứ loay hoay mãi với chuyện các cha cố ngăn tín đồ thắp hương trước bàn ông bà tổ tiên (chuyện thiếu tinh tế và chướng quá rõ rồi, chướng tới độ người ta chịu sai và sửa sai rồi cơ mà) hay vụ tu sĩ Pellerin (?) trốn dưới tàu chiến Pháp đang hăm he nã đạn vào đồn quân ta (không người Việt nào không cảm thấy dè dặt, bất bình về chuyện này, nhưng bình thêm e các nhà ái quốc lại đùng đùng nổi giận). Chuyện xa lắm rồi sao ta không thử nhìn một góc độ khác: người ta truyền đạo, bị cấm, triều đình Nguyễn lùng bắt để giết, với tình huống hoàn toàn tuyệt vọng người ta có chạy xuống tàu Tây – là tàu đồng bào của họ – tìm sự che chở cho mạng sống của mình hình như không phải là một phản ứng quá khó hiểu, chí ít không nên là sự kiện và đối tượng cho chỉ một cách giải thích và tố cáo. Trong pháp luật thế giới có sự đánh giá phản ứng của bị cáo trong tình huống bị hăm doạ để giảm án kia mà và có nghe các tu sĩ Thiên Chúa giáo bám tín đồ trên đất liền để truyền đạo, chứ không nghe họ truyền đạo từ trên chiến hạm – mà làm gì có g-mail và i-phone vào thời đó kia chứ!

Việc nghiên cứu lịch sử Thiên Chúa giáo trên cả giác độ chính trị, xã hội, xã hội học với khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực là việc của (hàng) trăm năm, chưa bao giờ là chuyện cưỡi ngựa xem hoa. Có người thích gắn ác cảm với Thiên Chúa giáo với một vụ ấu dâm cụ thể gần đây một cách thông tục – phê phán là đúng chắc rồi (chính đức Giáo hoàng hiện nay trực tiếp công nhận và xử lý còn gì) – thì khái niệm “ác tăng và sư hổ mang” tồn tại trong dân gian và dư luận của Phật tử Tàu, Việt ắt phải có nguyên nhân, thì sao nào. Có nên vì nạn thiếu phạm hạnh của một số sư sãi hay linh mục mà phát biểu kiểu chụp mũ về một tôn giáo lớn – hay nhỏ – không?

Sau những kinh nghiệm xung đột tôn giáo đầy cay đắng và đẫm máu trong lịch sử thế giới, đã có những đại hội liên tôn thế giới tìm đến đối thoại giữa các tôn giáo “anh em” – dù phải thừa nhận thường và chủ yếu là cuộc đối thoại giữa Công giáo, đạo Tin Lành và Hồi giáo với sự tham gia không đều của đại diện các truyền thống Phật giáo. Cũng cần ghi nhận các cuộc gặp gỡ có ý nghĩa này đến từ sáng kiến của Nhà Thờ Công giáo. Hiện tượng có ý nghĩa sâu sắc nữa là các sinh hoạt tạm gọi là tương giao, tương kính giữa các tôn giáo không quá hiếm hoi ở phương Tây – các tín đồ hoặc người quan tâm giá trị tâm linh có ngày tới thiền viện thực hành Thiền, Chủ nhật đi nhà thờ nghe linh mục giảng Thánh Kinh. Người chỉ trích công khai giấc mơ một tôn giáo duy nhất cho toàn nhân loại, xem nó có hại cho sự đa dạng của các truyền thống tâm linh của nhân loại là ai? Thưa là Ngài Đạt Lai Lạt Ma kính mến.

Riêng giới Phật tử và tăng ni Phật tử nên học bài học sư phạm nghĩa tình vĩ đại của chính Giáo chủ – Đức Thích Ca, vào thời kỳ còn khoảng ngăn cách, nghi ngại to lớn giữa đạo của Ngài và đạo Bà la môn, thì khi giảng Ngài trầm tĩnh nói và lặp lại “Để trở thành một tì kheo và bà la môn chân chính nên… phải…”, “Một tì kheo và bà la môn có phạm hạnh luôn luôn… nên… cần nhớ…”. Trong suy nghĩ của Bậc Thầy thì phẩm hạnh, phẩm chất chân chính là hệ trọng, chứ không phải tên gọi và có thể suy luận thêm không phải sự khiêu khích mà thái độ tương kính mới đem lại lợi lạc, an lạc cho nhau và cảm hoá được nhau. Người từng theo dõi Kinh Bộ Nikaya chắc nhớ câu chuyện khi một tu sĩ ngoại giáo nghe xong bài pháp của Đức Phật liền tuyên bố đã nhận ra Chánh Pháp, muốn từ bỏ thầy cũ của mình liền được Đức Thích Ca khuyên nhủ khoan vội vã và chớ nên ngừng sự chu cấp và chăm sóc sư phụ của mình, tránh gây sốc cho ân nhân cũ. Ấm cúng thay cho bạn và tôi và Vĩ đại thay Bậc Thầy mà bạn và tôi quy ngưỡng, xem là Chân Sư của mình! Không ai nêu rõ được Pháp Lành sau đây minh bạch, hùng hồn, bằng Đức Thích Ca: cái đem lại an lạc lâu dài cho mình, cho người và đã được kiểm nghiệm, thử thách là Phật pháp, là chân lý dù nó không có nhãn hiệu Phật pháp đi nữa!

Không thể không lưu ý một sự quái gở nữa là việc toàn Đảng hô hào công nghiệp hoá và hiện đại hoá – thực chất là khẩu hiệu văn minh hoá theo model phương Tây – nhưng rất ưa thông điệp xa gần rằng với Thiên Chúa giáo xin được “saying no”. Không một ai phân tích cho thanh niên sinh viên hay giới bình dân và “trí thức bình dân” – thật ra về vấn đề này đa số trí thức “chuyên nghiệp” của ta có vẻ như cũng kèm nhèm thế thôi (trước hết là khối to đùng nghe nói tới vạn rưỡi (!) tiến sĩ chính trị của lò Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh! – người viết từng gọi là Đại học Hồi giáo xã hội chủ nghĩa, nhưng khi bỏ công nghiên cứu chút đỉnh mới rõ chế độ Hồi giáo hoá ra có tính khoan dung với các luận điểm triết học “phi chính thống” hơn hẳn cộng sản và nhiều người biết họ có ý thức dịch thuật quy mô lớn, bảo quản, khai thác di sản triét học Hy Lạp; nói cụ thể, trí thức Hồi giáo chắc chắn 100% hiểu Platon và Aristote hơn hẳn các trưởng ban tuyên giáo xứ mình, nên xin từ bỏ ví von nói trên). Sự thực đằng sau cái lịch sử hiện đại hoá và công nghiệp hoá mà người phương Tây đi trước ta hàng thế kỉ, Thiên Chúa giáo là một trong những yếu tố then chốt mà việc phân tích – thực tế chỉ cần chịu học cái người ta đã phân tích cho rồi cũng tốt chán! – cần sự nghiêm túc, cầu thị và công phu mới nhìn ra cả mặt tiêu cực lẫn đóng góp văn hoá to lớn trên bình diện thế giới của Thiên Chúa giáo.

Do không gian bài viết có hạn lượng xin không bàn dài dòng thêm ở đây về dòng sự kiện lịch sử của các thế kỉ trước, như thái độ cực đoan ở nhiều phía, có thái độ tự mãn, quá khích và khiêu khích của nhiều nhà tu sĩ truyền đạo – lưu ý không phải tất cả, một số tư liệu còn được lưu trữ ở châu Âu và toà thánh La Mã cho thấy có chư vị linh mục và cả giám mục phản đối cách tiếp cận và giảng đạo cực đoan của đồng đạo – và mặt khác là việc triều Nguyễn đàn áp, áp đặt cả án tử hình với tín đồ và nhà truyền giáo. Nét lớn nhất mà các học giả, sử gia phương Tây đều gần như đồng tiếng nói là “nhánh” Thiên Chúa giáo truyền đạo qua châu Á bắt đầu thế kỷ 16 là nhánh Công Giáo có thiên hướng bảo thủ, nặng giáo điều, vốn bắt đầu mất chân đứng ở châu Âu – tuy nhiên nội dung này không thuộc chủ đề bài viết hôm nay. Dù phức tạp thế nào, việc gắn chặt Thiên Chúa giáo với cái mác “của thực dân” như một thứ kim cô vừa là lối tư duy phi lịch sử, cổ lổ sĩ, vừa là lối ăn nói hỗn xược với một cộng đồng tôn giáo và cũng là một thành phần đầy đủ uy tín và hợp pháp trong lòng dân tộc. Xin đặt một câu hỏi: mất bao lâu một giá trị, khái niệm, trào lưu mới thành “dân tộc”, “dân tộc hoá”? Chỉ qua non vài thập kỉ, các khái niệm “Công nghiệp hoá”, “Dân chủ hoá”, “Hiện đại hoá” đi vào ngôn ngữ Việt, có người Việt nào xem là ngôn ngữ và khái niệm ngoại lai, phi dân tộc hay không! Chủ nghĩa Marx và Thiên Chúa giáo, ai có bề dày lịch sử hơn ai? Trên cơ sở gì hàng Roma là ngoại lai mà hàng Berlin và Moscow trở thành quốc hồn quốc hồn tuý của dân Giao Chỉ?

Dù còn anh chị bạn đọc cho là quá lời chăng hay qui cho người viết chưa đủ bằng cớ – còn phải có bằng cớ nào nữa đây (!) – , xin thưa với tất cả các vị đang chơi trò “lương giáo” (cố ý hay vô tình!) , đặc biệt giới có danh là tu sĩ, dù bất cứ tín ngưỡng nào, chức sắc tôn giáo nào rằng nên nhanh chóng “bước qua lời nguyền”, check lại lương tri, nghiền ngẫm lịch sử đau thương của một giai đoạn mà hàn gắn và xoá trang cay đắng bậc nhất trong lịch sử nước nhà, nói riêng quan hệ giữa lương giáo. Cái quý là nỗ lực chữa cháy hơn thứ nhiệt huyết đổ dầu vào lửa mà một gã say rượu (dù có học hay vô học) thời nào cũng làm được và làm rất tốt. Thưa rằng quá khứ cho về với quá khứ, mà lạ lùng quá đi mất: lòng dân thì vị tha và nói riêng thái độ của giới trẻ hiện nay rất cởi mở, quảng đại về vấn đề tôn giáo – đến người từng bỏ bom giết cả người thân mà có đồng bào của mình còn bỏ qua được hận thù cơ mà – vậy mà sao có người có chữ nghĩa lại vô tâm, vô cảm đến thế, muốn xa gần vuốt ve ai đó và xem chuyện xào nấu thù hận trong quan hệ lương giáo làm màu mè trí thức (lịch sử) cho riêng mình chăng. Thưa rằng phải nói ngược lại mới đúng: hoàn toàn vị trí thức và phi trí thức!

– Cuối cùng, ý kiến của ông Minh Tự nhận định Phật giáo từng là quốc giáo có chính xác không? Ai và triều nào, vua nào công khai xác định sự kiện Phật giáo là quốc giáo? (Không nên đồng hoá thái độ công khai ủng hộ Phật giáo đầu triều Lý và Trần với việc xác lập Phật giáo là quốc giáo). Có tác giả nhận định từ trung kỳ thời nhà Trần, Phật giáo đã bắt đầu sang mùa mạt pháp (nghĩa là giai đoạn Thiên Chúa giáo chưa xuất hiện trên sân khấu lịch sử Việt Nam), trừ khi – như một số tín đồ và cả tu sĩ hiện nay nhầm tưởng – các thời kỳ xây chùa cho to, tháp cho cao, tượng cho hết cỡ là đỉnh cao của chánh pháp. Và nếu có chuyện “quốc giáo” – với sự mơ hồ về thời kỳ và bằng chứng – thì hoá ra lại nói ngược với nhận định Phật giáo bị Nho giáo chèn ép ở trên! Sao có vẻ như cùng một giai đoạn mà Phật giáo vừa đóng vai quốc giáo vừa sử dụng quyền than vãn là nạn nhân của đến hai tôn giáo được nhỉ!

“Cuối cùng” sau cuối cùng, người viết có thể lẩm cẩm chăng, nhưng do trong lòng có cẩn trọng và run sợ cho ách nạn của dân tộc – vụ phân biệt tôn giáo thời Ngô Đình Diệm và hệ quả còn chưa lành hẳn trong lòng dân tộc chưa xa lắm và những thông tin mới nhất về tình hình Sri Lanka với những nhà thờ, đền miếu vấy máu của hàng trăm tín đồ và người dân vô tội có nên là một răn đe cho dạng kẻ sĩ và tăng lữ chuyên nghiệp mang nặng khẩu nghiệp, và đám amateur học đòi làm nhà chính luận đang xuất hiện gần đây ở xứ ta.

Thưa rằng Làng và Nước không của riêng ai, mà lửa thì có đặc tính lan toả; một lời nói quá đà, một chữ dùng bất cẩn thì e… cháy cả làng! Cũng năn nỉ chư vị chớ quên bài học đắt giá Đông Tây khi để giải quyết những vấn nạn do mình gây ra, các thế lực chính trị của các triều đình thường có xu hướng xúi bẩy mâu thuẫn tôn giáo để làm yếu mối đoàn kết trong xã hội, đổ vấy cho tầng lớp hay nhóm xã hội nào đó và nhảy xổ vào làm trọng tài, đóng vai trò quyền lực của quyền lực – từ “court” trong tiếng Anh vừa có nghĩa toà án vừa có nghĩa triều đình có khi nói lên nhiều ý. Ai đã nói ý lịch sử châu Âu chứng minh mỗi khi mâu thuẫn giai cấp tiến tới chỗ không thể giải quyết (người nhận xét muốn nói thời điểm nhà nước có thể sụp đổ – NTV) sẽ là lúc cho một giải pháp cơ hội xuất hiện: tiến hành một cuộc chiến tranh thần thánh bảo vệ tổ quốc? Thưa là lời của Karl Marx! Vậy hoá ra bổn phận một công dân lương tri sáng suốt là luôn luôn cảnh giác tối đa với đám cuồng tín hô hào “thánh chiến” và dạng chính quyền sính tiến hành chiến tranh “bảo vệ tổ quốc” – xin đừng so sánh với sự nghiệp đánh quân Nguyên Mông hay cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp trong lịch sử – để xoá trách nhiệm về sự thất bại nội bộ, và cứu vãn quyền lợi chính trị và tôn giáo vị kỉ của tập đoàn nhà mình!

Những ai “tiên tiến” quá đáng, cầm đèn chạy trước ô tô, nên cẩn thận thấy rằng ngay một chính quyền quen bo bo giữ quyền lực, xem lợi quyền tập đoàn cao hơn quyền lợi dân tộc cũng không dám hoặc chưa dám mơ tới kịch bản… cháy cả làng! Cẩn thận và cẩn thận hơn nữa kẻo “công” sắp thành… tội!


(*) Lưu ý mấy chữ “trước sức mạnh của Nho giáo (của chế độ quân chủ) và Kitô giáo (của thực dân)” bị lược bỏ khi đưa lên bản online (dưới tên “Không phải chấn chỉnh, cần có cuộc chấn hưng Phật giáo”, Tuổi trẻ ngày 24.3.2019). Có lẽ vì chính tác giả hay Ban Biên tập hoặc cả hai cũng thấy không ổn.