Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Ghi nhớ Một trăm năm chữ Quốc Ngữ (1919 – 2019): Ngược nguồn chữ Việt (kỳ 2)

Bút ký của Hoàng Minh Tường

III. NGƯỜI TIỀN TRẠM

Có lẽ, người Việt Nam đầu tiên tìm được mộ cha Alexandre de Rhodes là một ông già tóc bạc húi cua, gần tám mươi, nhưng vóc dáng, cử chỉ, hát xướng đôi khi các trai tơ còn khó vượt. Đó là một người Việt có quốc tịch Bỉ, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng có hơn bốn mươi năm giảng dạy tại trường đại học Liège, với lĩnh vực cơ học vật rắn biến dạng, chuyên ngành cơ học tính toán, từng là chủ nhiệm bộ môn cơ học phá hủy thuộc khoa học kỹ thuật hàng không không gian, đại học Liège. Từ năm 1976, giáo sư Hưng đã có nguyện vọng về hợp tác với các trường đại học, các nhà khoa học Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực bậc cao để phát triển đất nước. Năm 2006, nghỉ hưu, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về sống tại Việt Nam, tham gia giảng dạy và liên kết với các trường đại học ở Tây Âu đào tạo nhiều thạc sỹ, tiến sỹ cho các trường đại học TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.

Hình như chính ông phó giáo sư BH, người bị mạng xã hội ném đá tới tấp vì chuyện cải tiến (hay cải lùi?) chữ Quốc ngữ, là duyên cớ để giáo sư Nguyễn Đăng Hưng quyết chí sang Iran.

- Đang yên đang lành, cái chương trình cải tiến chữ Quốc ngữ của ông BH khiến tôi buồn cả tháng trời. - GS Nguyễn Đăng Hưng bộc bạch - Một người làm khoa học tự nhiên như tôi, hà cớ gì phải quá bận lòng với những vấn đề xã hội. Tôi tự nhủ và cố gạt đi. Nhưng không nổi. Tôi nghĩ, chữ quốc ngữ còn có những điều cần cải tiến, như có nên thay PH bằng F, D bằng Z, hoặc có nên đưa F, J, Z, W, vào bảng chữ cái hay không…, nhưng kiểu làm của ông BH thì không thể được. Chắc chắn có một thế lực nào đó hậu thuẫn cho ông BH, muốn đảo lộn tất cả, muốn xóa bỏ thành quả trăm năm của chữ Quốc ngữ… Nếu cứ nhốt mình trong phòng để bấm iphone cãi nhau với ông BH trên mạng có khi mình phát điên. Tôi nghĩ, thiết thực nhất là chúng ta cần tìm cách nào đó vinh danh tiếng Việt, bảo vệ chữ Quốc ngữ.

Thế rồi trong dịp sang Bỉ nghỉ hè cùng vợ con, tháng 5 năm 2018, giáo sư Hưng gặp lại người bạn cũ, một nhà khoa học Iran. Sau khi được chỉ dẫn, cho những lời khuyên và giới thiệu một vài người cần gặp, giáo sư Hưng bỏ tiền túi mua vé bay sang Teheran.

Chao ôi, đi tìm ngôi mộ cổ của một ông linh mục thuộc tòa thánh Vatican truyền đạo ở xứ sở đạo Hồi, chết cách đây 358 năm, thật quá chuyện mò kim đáy biển. Rất may, như có thế giới tâm linh mách bảo, một người bạn ở thủ đô Teheran đã giới thiệu cho giáo sư Hưng một hướng dẫn viên du lịch thượng thặng, ông Hojat Sadeqzadeh, đang sống cùng gia đình ở Isfahan. Ông Hojat, chỉ thiếu một chút chiều cao, vài ba centimet, chắc chắn sẽ không làm nghề hướng dẫn viên du lịch mà sẽ làm người mẫu, ngôi sao, hái ra tiền. Nhìn gương mặt tuổi tráng niên mà vẫn đẹp như hình mẫu của nhà điêu khắc Auguste Rodin với bộ râu quai nón xanh rì, sống mũi thẳng, đôi mắt sâu trầm ấm mà cương nghị, khiến giáo sư Hưng nghĩ tới bóng dáng của Chúa Jesus Christ. Và ông hoàn toàn yên tâm. Việc đầu tiên là phải tìm ra ngôi mộ của cha Alexandre de Rhodes. Khác ở Việt Nam, nghĩa địa là thành phố của người chết, có khi nguy nga hoành tráng chẳng kém gì thành phố của người sống, ở Iran, đi cả ngày trời cũng không tìm ra một nghĩa địa. Các nghĩa trang nằm lẩn trong rừng cây, khiêm nhường như những bãi đá phơi trên mặt đất, u tịch và hoang liêu như chính cõi vĩnh hằng. Và ông Hojat người bản địa, thông thuộc thành phố như lòng bàn tay, không khó khăn gì, chỉ nửa giờ sau, đã tìm ra nghĩa trang của người Armenia theo đạo Thiên Chúa ở ngoại ô Isfahan.

Đi qua trường đại học Isfahan chừng mươi phút thì đến khu nghĩa địa Armenia. San sát, ngổn ngang mộ đá nằm dưới bóng thông, thông trồng dọc đường vào từng khu nghĩa địa, thông mọc thành rừng, chen trong các hàng mộ, trên một không gian rộng chừng vài hecta. Giống như hầu hết những nghĩa địa của xứ này, mộ chỉ nhô trên mặt đất chừng hai gang tay, như những chiếc quan tài đá, hoặc là những tấm đá, phiến đá, to nhỏ, dài ngắn tùy theo sự giàu nghèo, thứ bậc. Ở khu mộ cổ, thời gian đã làm vị trí các mộ xê lệch, trồi sụt không theo hàng lối, nhiều tảng đá xô chồng lên nhau, bị vùi trong đất, hoặc bị vỡ, bị mòn vẹt hết chữ.

Khi ông Hojat cùng người trông coi nghĩa trang từ nhà quản trang dẫn giáo sư Hưng đi về phía khu mộ cổ, tim ông có lúc tưởng chừng như thắt lại. Ông ngỡ như sắp được gặp một người thân thiết trong dòng tộc của mình.

- Đây, đây là mộ của cha Alexandre de Rhodes mà giáo sư muốn tìm.

Giáo sư Hưng sà xuống, ấp cả hai bàn tay lên khối đá màu xám tro, đã được gió và cát và thời gian mài mòn, kích thước như một chiếc quan tài ở Việt Nam. Có những dòng chữ, nhưng mờ quá, không thể đọc được.

Người quản trang cùng ông Hojat xách nước tưới lên mộ đá và dùng khăn lau rửa bụi. Nước khô đến đâu, những chữ Latin hiện ra đến đó. “Nơi đây yên nghỉ Linh mục Alexandre de Rhodes… Đã tạ thế tại Isfahan ngày 5 tháng 11 năm 1660.

Không còn nghi ngờ gì nữa rồi. Gần bốn thế kỷ trôi đi, người có công to lớn khai sinh ra chữ Quốc ngữ, vẫn nằm đây một mình. Không thể tả nổi tâm trạng giáo sư Hưng lúc đó. Ông là một cá thể, nhưng dường như là tất cả. Một kế hoạch ngay lập tức được ông phác trong đầu. Ông không thể đến đây như một kẻ hành hương suông, một kẻ tri ân tầm phào, đặt một bó hoa, thắp một nén hương rồi tếch về xứ sở. Ông phải có bổn phận, có nghĩa vụ. Ngay hôm đó, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bàn với ông Hojat tìm cách gặp các nhà chức trách, từ khu nghĩa trang, đến giáo phận nhà thờ, chính quyền thành phố, thậm chí Bộ Văn hóa quốc gia… để tìm cách được sửa sang lại mộ, đặt bia tưởng niệm cho cha Alexandre de Rhodes. Nếu ở Việt Nam, công việc phức tạp và rườm rà đó chắc chắn sẽ phải mất vài tháng trời. Người ta sẽ đùn đẩy từ phòng này sang ban kia, sẽ cật vấn anh là ai, giấy tờ đâu, có quan hệ gì với người dưới mộ? Tại sao muốn làm việc này? Có ý đồ chính trị gì không? Nhà nước của ông có cho phép ông chưa? Người ta sẽ điện về Đại sứ quán ở Teheran, và tất nhiên đại sứ quán không thể trả lời, phải điện về nước xin chỉ thị trung ương… Chỉ nghĩ đến mớ chằng chịt ấy đã rã rời, chẳng thiết làm gì. Vậy mà, lại như có tâm linh dẫn dắt, giáo sư Hưng chỉ phải gặp vài ba nơi, như nhà thờ, sở Xây dựng, sở Văn hóa thành phố…, mà chẳng phải quà cáp, phong bì lót tay gì, đến đâu cũng hanh thông.

IV. ĐOÀN HÀNH HƯƠNG

Như được trao một sứ mệnh, giáo sư Hưng lặng lẽ đề ra một chương trình hành động. Ông thiết kế hai tấm bia để ghi danh cha Alexandre de Rhodes bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Iran và nhờ thợ khắc đá đặt ngay dọc chiều dài của mộ đá. Tấm bia quan trọng nhất, đặt ở đầu phần mộ, sẽ phải làm tại Việt Nam và do chính những người Việt mang tới bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Từ năm 1975, giáo sư Hưng có nhiều bạn, nhất là những vị có tiếng tăm, từng làm trong guồng máy nhà nước, nhiều bạn bè xứ Quảng quê hương ông, nơi phát tích đầu tiên của chữ Quốc Ngữ. Nghe trình bày dự định của ông, hầu như ai cũng tán đồng. Thế rồi Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt của Đại học Duy Tân, Đà Nẵng được thành lập, do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm viện trưởng. Một chương trình hành hương sang Isfahan để lập bia tưởng niệm cha Alexandre de Rhodes được tổ chức, với nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, tự đóng góp tài chính. Trong nửa tháng, tour du lịch đầu tiên tới Iran của chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng đã kín khách đăng ký.

Công việc quan trọng đầu tiên là phải thiết kế một tấm bia vinh danh cha Alexandre de Rhodes, có hình ảnh ngài, có chữ Việt, chữ Latin, chữ Iran bằng thứ đá hoa cương Quảng Nam, do những người thợ đá trứ danh Đà Nẵng tạo tác. Có ngay một Mạnh thường quân xin giấu tên cung tiến. Gian nan nhất sẽ là việc đóng kiện và vận chuyển bảo vật cồng kềnh nặng hàng mấy tạ này để đến xứ sở Ba Tư mà không có thảm bay thần kỳ.

Sáu tháng sau, vào ngày 1 tháng 11 năm 2018, cùng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng còn có thêm mười chín con dân Việt Nam nữa, tám nữ, mười một nam, thuộc đủ thành phần, lứa tuổi, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, quá giang qua Hà Nội, sang Istanbul.

Trong đoàn có một nhà sử học, đúng hơn là nhà khảo cổ học: tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, hiện là phó tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay lừng danh. Có lẽ công việc khảo cổ ở xứ sở Ba Tư, nếu có liên quan đến việc xác định xương cốt của người quá cố cách đây hơn ba trăm năm, sẽ không xảy ra. Nhưng rất cần những chứng cứ, những dấu mốc liên quan đến quá khứ mà chỉ có lịch sử mới đủ khả năng minh định. Có hai nhà nhiếp ảnh và quay phim quan trọng được mời đi trong đoàn. Nhà nhiếp ảnh Việt Kiều Nguyễn Văn Tâm và nhà nhiếp ảnh kiêm quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền.

Vợ chồng anh Tâm người Sài Gòn, theo đạo gốc. Khi đã thân quen rồi, anh mới hé lộ một khoảng đời khó quên, ấy là thời kỳ trước năm 1975, anh từng là lính kỹ thuật trong hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Chính anh đã tham gia cùng với các sĩ quan kỹ thuật trong hạm đội hải quân gồm các tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, hộ tống hạm Nhật Tảo, khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng… trong trận bảo vệ Hoàng Sa từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974. Vì là lính am hiểu kỹ thuật, sau năm 1975 anh được trọng dụng, tiếp tục phục vụ cho đến khi nghỉ hưu. Niềm đam mê nhiếp ảnh đã cho anh đi khắp các nẻo đường đất nước. Chính anh, và có lần cả chị Thu vợ anh, đã chín lần đi phượt lên đỉnh Phanxipan để săn mây. Anh bảo, có lần gần lên đến nóc nhà nước Việt thì bị mưa tuyết, thức ăn mang theo gần cạn, cả đoàn tưởng không thể trở về… Trước chuyến đi này, vợ chồng anh Tâm đã tìm đến nhà thờ Mằng Lăng ở Phú Yên, xin với cha xứ cho xem báu vật “Phép giảng tám ngày” rồi nài nỉ xin được photo lại, đóng thành quyển mang sang Iran để trình trước mộ cha Alexandre de Rhodes và xin mọi thành viên trong đoàn ký ngay tại mộ để làm kỷ niệm chuyến đi để đời.

Nhà nhiếp ảnh trẻ Huỳnh Văn Truyền là một bí ẩn, mà sau này mọi người mới phát hiện ra và thốt lên Eureka! Truyền vốn là một nhà kinh doanh. Anh từng thành lập một doanh nghiệp, lương tháng vài bốn chục triệu. Nhưng quá say mê nghệ thuật thứ bẩy, anh bỏ nghề, mua máy quay, máy ảnh, để thỏa lòng đam mê. Tại Hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng, anh là một tay máy được đặc cách mời vào bộ phận truyền thông, và đã ghi nhiều dấu ấn với những thước phim, những khuôn hình đầy ấn tượng. Mùa băng tuyết nào ở Mẫu Sơn, ở Sa Pa, anh đều vác máy lăn lộn trong giá rét để săn ảnh hàng tuần. Trước khi sang Iran anh đã kịp gửi những bức ảnh tâm đắc nhất trong năm tham dự cuộc triển lãm ảnh Quốc gia năm 2018 tại Hà Nội. Và, anh không thể ngờ, bộ ảnh Hạ Long của anh, với những góc nhìn mới lạ, với bố cục độc đáo được chiếu rọi bởi thứ ánh sáng thần tiên của biển trời Đông Bắc, ngay trong thời gian Truyền ở xứ sở Ba Tư đã đoạt huy chương vàng, khẳng định tay máy của một tài năng trẻ.

Có hai hành khách trong đoàn lên từ ga Nội Bài. Đó là người đẹp Nguyễn Thu Hà thuộc Trung tâm Bưu điện Hà Nội và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Trong giới văn chương, báo chí hầu như rất ít người không biết đến Nguyễn Đình Toán, một tay máy thượng thặng, tất nhiên, nhưng còn là một nghệ sỹ thứ thiệt say mê nghệ thuật nhiếp ảnh đến tận cùng, một ham mê định mệnh, phi lợi nhuận. Ngay từ năm 1965, khi còn làm pháo thủ số 2, số 3 pháo 100 ly của trung đoàn 261 phòng không Hà Nội, từng đặt bệ pháo bên hồ Trúc Bạch để săn máy bay Mỹ, chàng tân binh Nguyễn Đình Toán đã mơ ước có được một chiếc máy ảnh như phóng viên quân đội Đoàn Công Tính đang nổi như cồn ngày đó. Ông yêu khẩu pháo đã gắn bó phần đời trai trẻ của mình, tới mức, ngày Bảo tàng Phòng không Không quân được thành lập, đến thăm, nhìn thấy khẩu 100 ly, ký hiệu viết bằng chữ Nga MBI (N ngược) 1263 M2, ông nhận ra ngay. Hệt như nó là đứa con, người bạn thân thiết máu thịt của đời mình. Những vết bom bi trên thân pháo kia thì đúng rồi, nhưng còn những vết xì kia, vết rách ở lốp kia thì không phải, đó là những vết tôn tạo. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, mà khoảng khắc thời gian, giới hạn không gian là tiêu chí sự thật quan trọng ngang với bố cục, góc nhìn của nhà nghệ sỹ, thì điều sắp đặt kia là sự phản nghệ thuật... Không có bức ảnh nào của Nguyễn Đình Toán chụp con tuấn mã 100 ly của ông ngày ấy, nhưng ông đã chụp nó bằng trái tim, tâm hồn. Năm 1993 Nguyễn Đình Toán xuất ngũ với quân hàm đại úy. Và từ đó ông là tay máy chuyên nghiệp không biên chế của một cơ quan nào. Cầm máy không lương. Nhuận ảnh không đủ mua phim Kodak, phim Orvo, càng không đủ tiền để in tráng. Nhưng không có một sự kiện văn hóa văn nghệ nào vắng mặt ông. Không có một gương mặt ấn tượng của văn nghệ sỹ nào của Hà Nội (và cả nước) không được ông ghi lại. Càng những tài năng bị khuất lấp, những số phận chông chênh, chìm nổi càng được ông nâng niu từng khuôn hình. Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc… đã trở thành đặc sản của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

V. XỨ SỞ NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM

Du khách có tiền nhưng đến được Iran cũng không dễ dàng gì. Đất nước Hồi giáo dòng Shia này có diện tích rộng tới 1,7 triệu km2 với dân số khoảng 85 triệu người, vẫn luôn là một góc thế giới bí ẩn. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chưa thiết lập đường bay đến xứ sở Ba Tư. Đến như hãng du lịch nổi tiếng, Saigontourist, cũng chưa mở tour đến Teheran. Nước Mỹ thù ghét Iran đến mức, nếu visa của du khách có đóng dấu Iran, sẽ không được cấp thị thực vào bất cứ nơi nào của Hoa Kỳ. Riêng điều này đã làm những người sau này muốn đến Mỹ nản lòng. Biết nguyện vọng của nhóm người Việt muốn đến lập bia mộ cha Alexandre de Rhodes, chi nhánh Saigontourist ở Đà Nẵng đã nhanh nhạy hợp tác như một cơ hội mở một hành trình du lịch mới. Tổng công ty ở Sài Gòn cử ngay hướng dẫn viên cừ khôi Nguyễn Trọng Tiến, người từng thông thạo thị trường Trung Đông và có kiến thức sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa vùng lãnh thổ kì bí và khốc liệt này làm hướng dẫn viên trưởng. (Thật đau xót và thương tiếc, chỉ sau chuyến đi này một tháng tám ngày, ngày 28 tháng 12 năm 2018, Nguyễn Trọng Tiến dẫn đầu đoàn du khách Việt Nam sang Ai Cập, trên đường đến tháp Ghiza, thủ đô Cai Rô, đoàn đã bị bọn khủng bố đánh bom, Tiến và hai người Việt Nam thiệt mạng. Một tổn thất lớn cho Saigontourist, cho những người thân. Tiến còn rất trẻ, chưa lập gia đình, còn nhiều dự định và hứa hẹn ở phía trước). Ba thành viên trẻ tuổi nữa: Nguyễn Mai Phương, Hồ Vũ Hiếu và Trịnh Hoài Nguyên ở Đà Nẵng, ai cũng thành thạo tiếng Anh, từng một mình dẫn khách đi nhiều tour trên thế giới, và đặc biệt nhiệt tình năng động, thậm chí kiêm cửu vạn, shopping cho đoàn. Ngay từ mấy tháng trước, khi đoàn hành hương chuẩn bị thành lập, nhóm hướng dẫn viên Saigontourist đã trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội. Phía Iran giang cả hai tay chào đón. Thì ra đất nước tưởng khép kín vì muốn quay lưng với thế giới, vì những khuôn phép của đạo Hồi, lại hồ hởi mở cửa đón bạn bè Việt Nam. Thay vì cấp thị thực vào hộ chiếu, nhà nước Iran có sáng kiến làm cho mỗi thành viên một tấm visa riêng biệt, chẳng có dấu tích gì khi mai kia anh muốn sang chơi hay làm ăn với ông kễnh phía bên kia Thái Bình Dương luôn kì thị và cấm vận họ.

Hai mươi con dân Việt Nam lập một tour đặc biệt, không cần bầu bán, tự nguyện gọi giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là thầy, tôn ông làm trưởng đoàn, với lá cờ xanh của Saigontourist dẫn đường, khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất 6 giờ chiều 1/11 trên chuyến bay 0168 (nhất lộc phát) của Turkish Airlines, bay quá giang ra Nội Bài đón thêm khách rồi ngay trong đêm cưỡi mây đạp gió sang Istanbul. Có thể nói đây là tour khai mở. Bởi sau này, không nhất thiết phải mua đường (không) như thế. Có thể bay Việt Nam - Dubai, rồi tạt sang Teheran, hoặc đến thẳng Isfahan sẽ gần hơn, rút ngắn được vài ngàn cây số. Nhưng nhà tổ chức chuyến đi - phóng viên báo Lao Động thường trú tại Đà Nẵng, Nguyễn Bích Thủy và Saigontourist đã tính hết rồi. Hãng hàng không Turkish là một bạn hàng truyền thống, giá phải chăng và dịch vụ chẳng thể phàn nàn.

Được ngồi cạnh Nguyễn Đình Toán trên khoang máy bay xuất ngoại, tôi mừng quá. Chúng tôi từng công tác với nhau mười năm ở báo Văn Nghệ (1987 -1997). Nguyễn Đình Toán là phóng viên hợp đồng, lương 300.000đ một tháng. Ngày lễ, ngày Tết mọi cán bộ chúng tôi được thưởng 500.000đ, hoặc 1.000.000đ, ông vẫn 300.000đ. Để vợ khỏi nghĩ mình bất tài không được trọng dụng, ông lặng lẽ bỏ thêm 200.000đ, 700.000đ vào phong bì để bằng chúng tôi, rồi về đưa tặng vợ… Những nhà văn, nghệ sỹ được ông chụp chân dung, được ông in tráng ảnh và tận tay đem tặng, nhưng không bao giờ ông lấy tiền. Bao nhiêu tiền nhuận ảnh của các báo, ông đều dành để mua phim, mua giấy, trang bị cho phòng tối…, công việc tái đầu tư ấy kết quả là cả một gian nhà phim ảnh chồng chất mấy mươi năm…

- Ông có biết không, đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại đấy - Ngồi yên vị cạnh tôi rồi, Toán mới thì thầm - Mà lại xuất ngoại bằng tiền 50 triệu của một người bạn tài trợ mới oách chứ. Họ chuyển tiền qua tài khoản cho tôi, muốn đích thân tôi đi chuyến này…

Tôi biết, trong chuyến đi này, có hai người được nhận tiền tài trợ. Một nhà doanh nghiệp hảo tâm ở Vũng Tàu, yêu văn hóa, văn chương, mến tài danh những văn nghệ sỹ có tâm với đất nước, đã bỏ ra 75 triệu, 50 triệu tặng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, 25 triệu tặng nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền, người cùng đi trong đoàn.

Tôi quay nhìn ông tròn mắt, tưởng nghe nhầm:

- Sao? Năm nay ông 72 tuổi rồi. Bây giờ mới ra nước ngoài?

- Thế đấy ông ạ. Gần hết cuộc đời mới được nhìn thấy thế giới. Vậy mà cách đây nửa tháng, tưởng không thể đi được, tôi đã hủy vé. Đầu tuần vừa rồi, quyết định đi, bị hãng hàng không phạt, bắt đóng thêm năm triệu.

- Đã có người tài trợ, mà sao cứ phải kéo pháo ra kéo pháo vào?

- Tôi ao ước được đi chuyến này, nên đã nhận lời, làm thủ tục xin visa và đóng tiền mua vé. Nhưng đúng lúc ấy, vợ tôi quyết định phá dỡ nhà cũ, xây lại. Một đại tá bác sỹ quân y cỡ như vợ tôi mà lúc nghỉ hưu rồi mới tích cóp đủ tiền xây nhà đấy ông ơi. Tôi chỉ suốt đời ăn bám vợ. Đúng lúc vợ con cần mình làm công việc thổ mộc, lại vác máy dong chơi, thì nhẫn tâm quá. Nhưng đáng lo nhất là cái kho phim ảnh. Mười bao tải. Đã lâu cất trong kho, bây giờ dở ra, nhiều cuộn phim và các tập ảnh đóng cục lại. Sợ khi mình dong chơi ở Iran thì vợ nó bực mình, vứt đi. Thế là lại không dám đi nữa…

- Nghe nói nhà tài trợ sẵn sàng bỏ mười triệu nữa để ông thuê nhà kho cất phim, ảnh, cho đến khi đi Iran về.

- Vâng. Mấy ông bạn văn chương đến ép mình như ép quân dịch. Họ bảo mình đi lần này như một sứ mệnh lịch sử…

Vui chuyện, Nguyễn Đình Toán kể: Thực ra đời ông đã có một lần ra nước ngoài. Đó là lần được đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sang Lào cách đây gần hai mươi năm. Nhưng lần ấy hai đứa chỉ bước qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Phía bộ đội biên phòng nước bạn mời sang giao lưu văn nghệ một đêm... Rồi mười năm trước, năm 2008, một doanh nhân người Việt làm ăn ở Đức mời sang thủ đô Berlin dự lễ hội bia. Đây, cuốn hộ chiếu này đây. Làm để đi Đức đấy. Ông mở cuốn sổ bìa xanh, vẫn còn như mới. Bức ảnh hộ chiếu trẻ trung, tóc đen ánh chứ không phải ông già tóc bạc bây giờ. Toán cười chua chát: Chuyến đi Đức ấy tôi háo hức lắm. Hộ chiếu, visa có rồi. Đã mua vé rồi, ba ngày nữa là bay. Vậy mà sáng hôm đó, đang đi xe máy đến nơi chụp ảnh, thì một thanh niên từ trong ngõ phóng ra, tông vào xe mình. Chiếc xe bị bẹp, còn mình gãy chân, phải vào viện ba tháng ông ạ… Cũng may mà cái sổ hộ chiếu này chưa hết hạn. Và lần này thì không ai làm mình gãy chân…

Nhiếp ảnh gia nghiêng sang tôi cả cười.

Tiếng cười hồn nhiên và vô tư khiến cô gái Thổ Nhĩ Kỳ ở hàng ghế bên khẽ liếc nhìn ông, như nhìn một chàng trai lần đầu trong đời được bay ra ngoài xứ sở.

VI. TỪ TEHERAN ĐẾN SHIRAZ

Qua một đêm ngủ vật vờ trên máy bay, lại transit ở Istanbul năm giờ đồng hồ, rồi lại lên máy bay hãng Turkish bay ngược lại năm giờ nữa, khoảng hai giờ chiều hôm sau thì đến sân bay Imam Khomeini, Teheran.

Không tấp nập như Istanbul, nhưng Khomeini là một sân bay bề thế, to đẹp. San sát máy bay mang sắc cờ ba màu xanh trắng đỏ có chữ tượng hình thánh Allah ở giữa. Khắp tứ bề đại sảnh dẫn vào cửa nhập cảnh là những tấm ảnh khổ lớn vị lãnh tụ Khomeini, bức cười, bức nghiêm nghị, bức kêu gọi tiến lên. Chợt lạnh gáy khi nhớ tới một thời… Ở phía hông sảnh lớn, nơi khách chờ làm thủ tục nhập cảnh có một chiếc xe mui trần giống như xe Zjeep, nhưng mẫu mã đặc biệt. Cả ba nhà nhiếp ảnh trong đoàn: Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Văn Tâm, Huỳnh Văn Truyền đều tháo ống kính máy chuyên dùng, săm săm tiến lại chụp. Lập tức một vệ binh mũ ca nô đỏ tiến lại ra hiệu không được quay chụp, không được lại gần. Chúng tôi đồ rằng chiếc xe này là một hiện vật đặc biệt của vị thống soái trong cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 lật độ chế độ quân chủ Pahlavi lập nên nhà nước Hồi giáo Iran hiện đại, hoặc là chiến lợi phẩm trong cuộc chiến tám năm tàn khốc (1980 - 1988) với chính quyền độc tài Addam Hussein của Iraq. Thì ra chỉ qua khung cửa kiểm tra kia là bước vào một đất nước kỳ bí, chẳng kém gì Bắc Triều Tiên bí ẩn. Tôi chợt nhớ lời dặn và vẻ mặt trang nghiêm của một người bạn khi tôi rời Hà Nội: Sang bên đó phải cẩn thận, một bên là Afghanistan, một bên là Iraq, Syria. Bắt cóc, khủng bố là chuyện thường ngày ở huyện. Nghe mà hãi, định bỏ cuộc. Quả thật, nhìn quanh, ai cũng có vẻ trang nghiêm, khép nép. Những người đàn bà áo đen choàng kín chân, khăn đen bịt kín mặt, chỉ hở đôi mắt to hun hút. Không ai nhắc, cả đoàn đều bám sát theo nhau. Lạc nhau giữa thế giới Hồi giáo này chỉ có trời tìm, bởi không thể đọc nổi những dòng chữ như lửa cháy, như khói hương kia, bởi tất cả các máy điện thoại đều thành cục gạch. Ngay cả khi một vài người bỏ ra mười đô la mua simcard lắp vào máy, mạng Google, Facebook, Masennger, Zalo… cũng vô tác dụng. Mấy người bạn mách tôi cài WhatsApp trước khi sang đây, cũng chẳng thấy tín hiệu gì.

Đoàn đã vào hết phòng chờ, bỗng thấy anh Nguyễn Văn Tâm hớt hải đi tìm vợ. Chi Hồ Nguyệt Thu, từ lúc xuống sân bay Istanbul đã mệt lả, nhưng vẫn cố bám theo chồng. Nhưng khi vào cửa hải quan, nam đi cửa riêng, nữ khám cửa riêng, thì anh mất hút vợ. Mấy chàng trai trẻ vừa khuân kiện hàng đặc biệt bằng đá hoa cương Quảng Nam ra phòng chờ để chuyển ra ô tô còn đang thở dốc, rồi cả anh chàng cao khều Emad con trai ông Hojat, do ông phái từ Isfahan đến đón đoàn, cùng bủa đi tìm. Thế mới biết chế độ sử dụng điện thoại ở Việt Nam mình khi chưa có luật ANM còn thoải mái hơn khối nước. Bấm một phát biết ngay chị Thu đang ở đâu. Nhưng giờ này, ở xứ này, đành bó tay chấm com. Nhìn gương mặt anh Tâm, thấy đã bắt đầu hoảng loạn. Chỉ còn ít phút nữa, đoàn phải di chuyển ra phi trường nội địa bay tiếp về Shiraz. Không thể để lỡ công việc đã chuẩn bị hàng tháng trời…

Rất may, có ai đó bỗng phát hiện ra chị Thu đang nằm ngủ ở dãy ghế phía bên kia. Hú vía. Thì ra mệt quá, không đi nổi, chị Thu đã ngả xuống chiếc ghế dài khuất sau cột và thiếp đi. Cả đoàn tưng bừng ra xe buýt đã đặt sẵn, di chuyển sang sân bay Mehrabad.

Có hai tiếng đồng hồ quá giang ở thủ đô. Thời gian này chỉ đủ cho đoàn chiêm ngưỡng một công trình văn hóa kiến trúc tiêu biểu của Teheran. Đó là Azadi square, còn gọi là quảng trường Tự Do. Quảng trường rộng vài chục heta, mênh mông cỏ xanh và được bao quanh bởi một bờ hoa hồng trắng tinh khôi miên man nở. Giữa quảng trường là tháp Azadi, được xây bằng 8000 khối đá cẩm thạch trắng, cao 45 mét, vút lên trời xanh. Dưới tòa tháp là cụm kiến trúc ngầm dành cho nhà bảo tàng và khu dịch vụ bán đồ lưu niệm. Đây là công trình kiến trúc vào loại đẹp và độc đáo nhất của Iran hiện đại do kiến trúc sư lừng danh người Iran sáng tạo năm 1971 dưới thời vị vua cuối cùng triều Pahlavi (1925 - 1979) để kỷ niệm 2500 năm nền quân chủ Ba Tư, trước khi bị cuộc cách mạng Hồi giáo khai tử. Nếu Paris có Eiffel, New York có Thần Tự do, Maxkva có điện Kremlin thì Teheran có Azadi square.

Trời ơi, một chốn bồng lai! Hiền Phương reo lên, rồi như một thiếu nữ mười bảy tuổi, mái tóc bạch kim như bay về phía ngọn tháp như một đài lửa đang bò lên từ bốn góc cỏ, thắp sáng từng không. Du khách và dân chúng tràn ngập quảng trường. Ai cũng muốn chụp hình với khách châu Á. Họ tưởng chúng tôi là người Nhật, người Hàn. Khi biết là người Việt Nam, họ đặc biệt thân thiện và yêu mến, ai cũng vẫy tay chào và giơ máy điện thoại xin chụp ảnh.

Lại năm giờ bay đêm. Cho đến 11 giờ tối thì chúng tôi về đến ARG hotel, nằm ở trung tâm thành phố Shiraz, cách Teheran chừng hai nghìn cây số. Tại sao lại bay dọc Iran từ cực bắc xuống nam vượt qua Isfahan để đến Shiraz rồi ngày mai lộn vòng trở lại? Cho đến sáng ngày hôm sau, khi từ trung tâm cố đô Shiraz, chúng tôi lên chiếc xe bus mới bóc tem, có máy điều hòa, bốn mươi chỗ ngồi rộng rãi có thể ngả nằm khi đi đường mà cha con ông Hojat thuê riêng suốt thời gian phục vụ đoàn, mọi người mới nhận ra ông Hojat và những người thiết kế chương trình tuyệt vời thế nào. Còn hai ngày nữa mới đến giờ G của ngày 5/11/ 2018, ngày giỗ lần thứ 358 cha Alexandre de Rhodes và đặt bia tưởng niệm. Phải có một ngày thư giãn và thăm thú một kỳ quan nào đó của xứ Ba Tư. Thì đây, kỳ quan thứ nhất là Thánh đường Hồng giữa phố cổ Shiraz. Thánh đường xây dựng từ thế kỷ XVII, hầu như còn nguyên vẹn. Bề thế, tinh xảo đến từng mái vòm, ô cửa. Độc đáo nhất là hai dãy nhà cầu nguyện được chọn hướng xây đối diện với hướng mặt trời. Và tất cả các ô cửa kính đều được lắp kính đủ màu sắc và phối màu độc đáo tới mức từ bảy giờ sáng, khi mặt trời lên, ánh nắng xuyên qua ô kính tạo ra muôn ngàn tia màu khúc xạ vào nhà cầu nguyện, đẹp lộng lẫy và lung linh, tưởng như ta đang lọt giữa ống kính vạn hoa bảy sắc cầu vồng. Đúng lúc ấy, tràn ngập không gian, tiếng chuông từ nóc các thánh đường ngân lên, rồi tiếng loa đặt trên các đỉnh tháp âm vang bầu trời: “Allah là đức Chúa Trời. Mohamed là thiên sứ của Người…”. Năm lần trong ngày, vào những giờ nhất định, khắp thế giới Hồi giáo đều vang lên chỉ một câu như thế, một giai điệu như thế. Lúc ấy, các con dân của thánh Alla trong các gia đình, các công sở, trường học đều phủ phục hướng về phía thánh địa Mecca ở Saudi Arabia, còn trong nhà thờ, mọi con chiên cũng quỳ gối hướng về vòm cửa, nơi biểu tượng sự hiển linh của Chúa Trời để nguyện cầu. Trong các nhà thờ đạo Hồi không có bất kỳ hình ảnh nào của Chúa. Mỗi thánh đường khi xây dựng, nhà thiết kế phải định vị la bàn, chọn đặt vị trí cửa điện thờ hướng về thánh địa Mecca.