Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Ghi nhớ Một trăm năm chữ Quốc Ngữ (1919 – 2019): Ngược nguồn chữ Việt (kỳ 3)

Bút ký của Hoàng Minh Tường

VII. PERSEPOLIS

Nhưng vĩ đại và choáng ngợp hơn cả là cung điện Persepolis. Chưa đến Shiraz, chưa đến Persepolis, coi như chưa đến Iran. Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, khi đế chế Achaemenes thôn tính hầu hết các nước Trung Cận Đông trải từ bờ đông Địa Trung Hải tới vùng Trung Ấn, Shiraz được chọn làm kinh đô. Suốt từ năm 518 TCN, dưới triều Cyrus đại đế, giữa một vùng núi đá granit màu gan gà, sừng sững mọc lên một cung điện nguy nga tráng lệ, mà nếu ai chưa đến đây, sẽ không thể tưởng tượng nổi. Người Việt mình, nhất là những ai quê Thanh Hóa, từng tự hào có một Thành Nhà Hồ ở Tây Đô. Một thành đá được Hồ Quý Ly cho gấp rút xây từ những năm 1396 - 1400, với những tảng đá nguyên khối vuông vức hàng hai, ba mét khối, xếp chồng khít lên nhau, đã thấy cha ông mình quá vĩ đại. Nhưng tường thành Tây Đô chỉ cao chừng hai mét. Tường thành ở đây, cũng như vậy, và nhiều khối đá to hơn, nhưng cao gấp nhiều lần. Và kỳ vĩ hơn là trải rộng một không gian hàng trăm ngàn mét vuông, từ sườn núi lên cao mãi là những bậc lên, những quảng trường, cung điện, những cổng thành với những bệ đá tạc nhân sư, nhân mã như thời Ai Cập cổ đại, cột đá chạm trổ hoa văn tinh vi đường kính chừng hai mét, cao chót vót vài ba chục mét. Bây giờ, giữa ngổn ngang những khối đá bị con người và thời gian phá hủy, người ta đang phục chế lại từng phần, nhưng vẫn còn hầu như nguyên vẹn những mảng tường được điêu khắc chạm trổ hình ảnh sinh hoạt, ngoại giao, văn hóa… thời cổ đại với một nghệ thuật bậc thầy. Tài năng, sức sáng tạo và công sức của con người ba ngàn năm trước mới kì diệu làm sao…

Đế chế Ba Tư phát triển hùng mạnh nhất là thời Darius đại đế, thế kỷ thứ IVTCN. Vào năm 356 TCN, Alexandros ra đời, để rồi hai mươi năm sau trở thành Alexandros đại đế của đế chế Macedonia của người Hy Lạp. Năm 334 TCN, quân Macedonia do Alexandros chỉ huy tiến đánh Ba Tư, làm cỏ một vùng đất từ Địa Trung Hải sang vùng Lưỡng Hà, chiếm Babylon rồi tiến sang Persepolis. Trận vượt sông Granius lừng danh vào năm 330 TCN, đội quân bách chiến của Alexandros tiêu diệt 20.000 bộ binh và 2.500 kỵ binh của Darius đại đế mà chỉ mất 34 người! Thành Persepolis nguy nga bị thiêu trụi, lửa cháy hàng tháng trời… Để rồi hai ngàn ba trăm bốn mươi tám (2348) năm sau, chúng tôi đến đây, đặt chân lên những phiến đá còn đẫm mồ hôi và máu người, còn nóng rực hơi lửa chiến tranh, và ngơ ngẩn giữa những thành quách đổ nát, mà trầm trồ thán phục, mà nuối tiếc, mà kinh hãi trước sức sáng tạo vô biên và sự tàn khốc khủng khiếp của con người…

Giã từ Persepolis, chúng tôi đi dọc đường cao tốc qua trùng trùng núi cằn và hoang mạc, lên Isfahan. Bây giờ thì chúng tôi toàn tâm toàn ý cho hai ngày trọng đại sắp tới. Thùng xe biến thành phòng tập hợp xướng. Từ lúc nào “nhạc trưởng” Nguyễn Trọng Tiến đã in sẵn cho mỗi người một bản lời bài “Tình ca” của nhạc sỹ Phạm Duy.

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi.

Mẹ hiền ru những câu xa vời. À ơi, tiếng ru muôn đời…

Hai mươi con người, người già nhất 77, người trẻ nhất là con trai nữ bác sĩ Nhữ Phương, chàng sinh viên mới ra trường Trương Hoàng Nhân, 24 tuổi, ai cũng rưng rưng nghĩ về quê mẹ Việt Nam, cùng bật ra từ trái tim những lời thổn thức.

… Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh

Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình

Nhìn trùng dương hát câu no lành…

“… Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao.

Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi.

Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao.

Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi…”.

Đi xa, càng thêm nhớ về quê Việt. Lời ca và giai điệu thổn thức lòng người. Cho đến khi đoàn lữ khách ghé vào một trạm nghỉ giữa đường để ăn trưa, thì nỗi nhớ ấy từ trạng thái tình cảm bỗng biến thành sự cồn cào của dạ dày. Ẩm thực của xứ Ba Tư ngày nào cũng giống ngày nào: Cơm hấp khô, bánh mì lát, thịt xay, cá hấp, bắp cải cà rốt trộn xalat,… Thứ gì cũng chua tới mức các nàng thai nghén cũng chào thua, tưởng như họ đổ hàng bát chanh vắt vào mỗi món ăn. Mấy ông quen có vại bia, tí cay mỗi bữa thì sang đây như bị triệt sản. Hầu như không nhà hàng nào bán bia rượu. Có một thứ nước chua có ga có thể thay thế, nhưng thà đừng uống còn hơn. Tối qua tại Shiraz, mấy gã sâu bia gọi mãi, nhà hàng mới xì ra một loại bia cỏ, khi tính tiền mới thấy đắng hơn cả nhân sâm: 10 USD một ly chừng 250 ml! Ngồi xuống mâm tiệc Ba Tư là các nàng lại ngẩn ngơ như nhớ một cái gì. Ai cũng nghĩ đến bát phở bò, phở gà nghi ngút khói. Chao ôi, giờ mà được ăn một tô bún riêu, một bát canh cá với rau điên điển trong mùa nước nổi Nam Bộ, được xì xụp chan húp bát canh cua đồng, được nhìn thỏa mắt một đĩa rau muống luộc xanh rờn… Không còn nghi ngờ gì nữa, ẩm thực Việt Nam nhất thế giới.

Ở Isfahan, chúng tôi có một ngày chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại. Đoàn có thêm ông Hojat, bà vợ và hai con trai Emad và Moin. Emad Sadeqzadeh cao kều đang là thạc sỹ công nghệ, mấy ngày qua xin nghỉ việc cơ quan, thay cha dẫn đòan thăm Shiraz. Moin Sadeqzadeh ngược hẳn anh trai, thanh mảnh thư sinh, từng theo học mười năm âm nhạc ở Istanbul, hát hay như nghệ sỹ, sử dụng thành thạo hai mươi nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống truyền thống Iran. Từ đây, những người Iran này đã thực sự hòa nhập cùng đoàn chúng tôi, như một gia đình lớn, chia sẻ và tin cậy.

Phiến đá bia tưởng niệm từ Quảng Nam, kết tinh hồn sông núi, máu xương xứ Việt đã theo đường không, đường bộ chục ngàn cây số, được các chàng trai, được trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng và lần lượt từng thành viên trong đoàn, rồi cả gia đình vợ chồng và hai con trai ông Hojat, cả mấy người quản trang, cùng ghé tay chuyển đến phần mộ, để lắp đặt đúng vị trí như đã trù định. Ngôi mộ đá mấy trăm năm bị lãng quên, tưởng như bỗng có linh hồn, như một thỏi nam châm, có sức hút và sự liên kết tâm linh kỳ lạ. Ai cũng muốn được chạm tay, được có một tấm hình, có người lặng lẽ gói một nắm cát… Người nằm dưới ngôi mộ đá kia dường như chính là tổ tiên, dòng tộc của nhóm người Việt đột ngột xuất hiện ở nghĩa trang này. Ông là một người Việt tha hương, một người mang dòng máu, tâm hồn Việt, từng và đang ký gửi lại cho họ một thứ gì đó, như báu vật, như khế ước, như hương hỏa…

Dường như mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Buổi chiều thần tiên ấy chúng tôi tự thưởng cho mình một chuyến du ngoạn, khám phá con người và văn hóa Iran.

VIII. CỐ ĐÔ ISFAHAN

Isfahan, gần như nằm giữa trung tâm đất nước. Tỉnh Isfahan là một trong 35 đơn vị hành chính của Iran, có dân số khoảng 5 triệu người, thì riêng thành phố Isfahan chiếm 2,5 triệu. Sau thời kỳ bị đế quốc Ottoman (1027 – 1239), rồi Đế quốc Mông Cổ (1255 – 1500) cai trị, dưới triều vua Abbas I, đã dời kinh đô về Isfahan. Từ năm 1598 đến 1722, Isfahan trở thành tân đô lộng lẫy nguy nga của triều Safavid, tiêu biểu cho thời kỳ nền văn hóa, nghệ thuật, công nghệ Ba Tư phát triển phồn thịnh. Hầu hết những nghệ nhân tài hoa người Arap, người Aryan, người Do Thái, người Armenia… khắp các nơi được tuyển chọn về đây, tạo thành những làng nghề thủ công tinh xảo và độc đáo. Ngày nay, thị phần (chiếm tới 65%) hàng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, thêu, dệt thảm, đồ gỗ, đồ da, trạm trổ vàng bạc…) của toàn Iran tập trung tại đây. Isfahan được UNESCO công nhận là thành phố truyền thống thủ công mỹ nghệ.

Hết ngạc nhiên này đến thán phục khác, khi cha con ông Hojat dẫn chúng tôi đi từ vườn và cung điện Chehel Sotoun đến quảng trường và khu chợ Naqsh-e Jahan, trái tim của thành phố. Một quảng trường hình chữ nhật, có hai thánh đường mái vòm đối diện, với hồ nước, bãi cỏ, đường xe ngựa… rộng chừng chục hecta, xung quanh được bao bởi bốn “bức tường thành” là liên tiếp những gian hàng cao ba tầng thiết kế giống hệt nhau, bốn phía có nhiều cửa vào chợ, tạo nên mặt tiền khu thương mại. Phía sau bốn dãy mặt tiền là khu chợ liên hoàn phát triển về nhiều phía với cơ man nào là ngóc ngách, với những mái vòm liên tục, mưa nắng không tới, đủ các chủng loại, từ khu rau quả, thực phẩm, các sạp hoa rực rỡ, khu các loại gia vị, khu thảm các chủng loại, khu vải vóc, quần áo may mặc, dày dép, khu gốm sứ tinh xảo, khu chạm trổ đồ đồng, đồ bạc, vàng, đá quý, khu đồ cổ. Miên man, kỳ lạ… Có điều đặc biệt: người bán hàng hầu hết là đàn ông. Từ ông già râu tóc bạc trắng, đến thanh niên trẻ trai, người nào cũng râu quai nón đen rậm rì, mắt sâu hiền từ và hóm hỉnh. Tưởng như gặp lại anh chàng Ali Baba và những chàng lái buôn thành Babylon, những thương gia sắc màu sặc sỡ cưỡi lạc đà rồng rắn băng qua sa mạc thuở nào. Họ chào hàng và dẫn dụ khách điệu nghệ và lịch sự còn hơn gái bán hoa. Họ nói thách đến mây xanh, nhưng sẵn sàng bấm máy tính nhoay nhoáy để giảm cho bạn tới tám mươi phần trăm, khiến khối cô, khối bà nhẹ dạ như bị thôi miên. Có thể mua bằng các loại tiền, đô la, euro, rials (Iran), lira (Thổ Nhĩ Kỳ), … Hầu như không người đàn ông nào uống bia rượu. Đàn ông ở Iran dường như đã thay đổi giới tính, trừ một khả năng có vú và nuôi con…

Rồi chúng tôi lạc nhau lúc nào không biết, bởi mỗi người, mỗi nhóm bị hút theo những dòng hàng, những ngách chợ riêng. Các bà các cô mải tìm khăn lụa, quả chà là, ô lưu, nhụy hoa nghệ tây (saffron), một loại đặc sản dùng làm đẹp da phụ nữ và chữa bách bệnh chỉ xứ Ba Tư mới có, mỗi gram giá tới vài trăm USD. Các quý ông, như nhà thơ Mã Lam, doanh nhân Đỗ Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tâm, bị hút vào vào các món đồ cổ, các cây đèn Aladdin đủ loại. Nhóm trẻ Saigontourist chỉ thích các loại bánh kẹo, trái cây Trung Đông thơm ngon và rẻ đến bất ngờ.

Tôi tháp tùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đi vào phía sau khu chợ, để khám phá chiều sâu của văn hóa thương mại. Thật bất ngờ, ngay sau dãy tạp hóa, nhà hàng café, là khu sản xuất tại chỗ. San sát những xưởng nhuộm thảm, công nghệ bí truyền của những tấm thảm Ba Tư nổi tiếng nghìn năm. Những người thợ Iran đón tiếp chúng tôi quá ân tình, chỉ cho công nghệ in hoa văn và nhuộm màu với đủ các khuôn mẫu, các quy trình công nghệ. Và trên tầng hai của khu in nhuộm, là khu chạm khắc các đồ mỹ nghệ vàng, bạc, hợp kim. Biết chúng tôi là người Việt, họ nhường hẳn những chiếc ghế đang ngồi chế tác, tự tay pha trà mới, gắp đường vào ly mời khách. Và kia, phòng chế tác dành riêng cho phụ nữ. Các nàng còn mến khách hơn cả đấng mày râu. Những cô gái khăn trùm đen trễ nải mở ra cả gương mặt đồng trinh, với đôi mắt vời vợi, hun hút, đẹp và quyến rũ hơn cả những thiếu nữ đi dạo ngoài quảng trường. Từng được đi nhiều nước Đông, Tây, tôi đoan chắc rằng, trên thế giới, không đâu trai gái lại đẹp bằng xứ sở Ba Tư này. Đàn ông ai cũng gợi nhớ Ali Baba, còn phụ nữ, người nào cũng xinh đẹp kiều diễm như nàng Scheherazade. Chỉ nhìn những bàn tay, đã đoán được người. Những bàn tay búp măng trắng muốt nhè nhẹ dùng búa nhỏ và chạm, đục, tạo tác những hoa văn tinh xảo. Nghệ sỹ Nguyễn Đình Toán khi quỳ sát đất, lúc vặn mình, lúc dướn cao, bấm liên tục không dời những thao tác, những góc chân dung mà cả đời không nghĩ rằng lại có những khoảng khắc quí giá này. Tôi định chạy xuống gọi thêm mấy tay máy nghiệp dư trong đoàn, nhưng Toán khua tay ngăn lại. Chợt nhớ câu chuyện về nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Có lần ông phục hàng tuần lễ để chụp một dáng cây làm tiền cảnh Tháp Rùa, Hồ Gươm lúc rạng đông. Chụp xong bức ảnh ưng ý nhất của mình, ông sai người cưa cái nhành cây mà ông đã chụp để không ai có được bức ảnh Tháp Rùa như của ông nữa… Tôi hiểu ý Nguyễn ĐìnhToán. Ông đã có những bức ảnh thiếu nữ Iran đang chạm khắc mĩ nghệ ở Isfahan độc nhất vô nhị mà không nhà nhiếp ảnh tài ba nào trên thế giới chụp được.

Rồi buổi sáng ngày 5 tháng 11 cũng đến. Trời trong và se lạnh. Nhiệt độ ngoài trời 12 độ C, rất hợp với một nghi lễ trọng đại. Trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng vận sắc phục truyền thống, khăn đóng, áo gấm màu vàng ngà. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Tâm quốc phục nhiễu tam giang. Những đàn ông khác đều vận complet như các chú rể trước lễ rước dâu. Rồi tám nàng tiên Việt trong bộ áo dài truyền thống đủ màu sắc đột ngột xuất hiện cùng tám chiếc nón lá xứ Huế mộng mơ, khiến mấy cô gái khăn trùm đen ở phòng lễ tân mắt đã to đen càng mở lớn hơn nữa. Và các chàng trai râu rậm bản xứ thì như bị hút hồn. Ba nàng tên Phương: Hiền Phương, Nhữ Phương, Mai Phương chênh lệch nhau đến bốn mươi tuổi mà nhìn từa tựa chị em. Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Thị Hậu lung linh trong tà áo xanh đi cạnh dịch giả Hiếu Tân, tưởng như vị hôn thê. Rồi đôi bạn Thu Hà, Bích Thủy dìu dặt như Thúy Vân, Thúy Kiều. Riêng cặp đôi Đỗ Anh Tuấn và Phạm Thuy Thủy vừa như qua đêm tân hôn, cứ dính như sam trên từng cung bậc… Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán mọi ngày tuềnh toàng như bác xe ôm, sáng nay cũng súng sính một bộ véc ca-rô màu cháo lòng, nhưng chiếc túi đen nặng trĩu lỉnh kỉnh đồ nghề vẫn không thể khiến đôi vai ông cân được. Không thể bỏ lỡ những khoảng khắc lịch sử, nhà nhiếp ảnh bấm hai máy liên tiếp như bắn liên thanh. Kia rồi, ba cặp tình nhân đích thực: Cặp doanh nhân Đỗ Anh Tuấn và Phạm Thu Thủy, cặp Việt kiều Nguyễn Văn Tâm và Hồ Nguyệt Thu, rồi nàng Hiền Phương với gã nhà văn hay cãi... Cưới tập thể cũng không thể vui hơn thế này. Hãy tưởng tượng: Nếu đoàn người Việt lộng lẫy kia ngồi trên những cỗ xe tam mã và cưỡi trên những con lạc đà được phủ trên mình bằng những tấm thảm Ba Tư nhiều sắc màu, diễu qua đường phố Isfahan và băng qua hoang mạc ngoại ô kia, thì sự thể sẽ ra sao? Một cảnh tượng mà Hollywood có hàng núi tiền cũng không thể tạo ra nổi.

IX. GHI CÔNG NGƯỜI, GHI ƠN CHỮ

Nhằm giữa giờ Tỵ (10g), buổi đại lễ đặt bia tưởng niệm tác giả hai bộ sách Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum, Phép giảng tám ngày, nhân ngày giỗ ông đã được khởi sự với sự tham dự của các ngài đại diện chính quyền thành phố Isfahan, đại diện nhà thờ cộng đồng Armenia, các vị quản trang.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, viện trưởng Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, trưởng đoàn, đọc bài diễn từ nói lên công lao linh mục Alexandre de Rhodes với sự hình thành chữ Quốc ngữ và sự tri ân của các thế hệ người Việt. Tiếp đó là phát biểu của các quan chức thành phố, của đại diện nhà thờ Kitô giáo của người Armenia, phát biểu của tiến sỹ lịch sử Nguyễn Thị Hậu, phát biểu của người viết bài này, ký giả tự nhận của đoàn hành hương. Vất vả nhất là hai ông phó nháy Nguyễn Đình Toán và Nguyễn Văn Tâm, chạy như con thoi, phủ phục các góc để chọn góc máy và ánh sáng đẹp nhất. Đặc biệt là nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền. Trước khi đi anh đã chuẩn bị một máy flycam xịn để quay từ trên cao, nhưng khi biết bạn không cho phép, đành thay đổi phương án, kỳ công tìm chỗ đặt ba chân máy quay cho ba vị trí, nhờ Emad giữ máy cố định, còn anh sử dụng chiếc máy chuyên dụng liên tục chạy chỗ không để lỡ một cảnh quay đắt giá nào. Những thước phim và những hình ảnh độc nhất vô nhị này sẽ là kho báu cho một bộ phim tư liệu đặc biệt.

Khi tấm lụa trắng có hình trống đồng nước Việt phủ mộ được tám kiều nữ, áo dài Việt, nón lá tinh khôi, mở ra, tấm đá hoa cương có hình Cha Alexandre de Rhodes bừng sáng dưới nắng rực rỡ, nhạc nền bài “Tình ca” từ băng đĩa ngân lên, dàn đồng ca hai mươi người cùng ngân vang những âm thanh Việt: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buốn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”. Những ngấn lệ nhòe giữa câu hát. Mỗi người vừa hát vừa chầm chậm bước lên, đặt một bông hoa hồng, màu đỏ, màu vàng, màu xanh thành ba dòng màu dọc mộ. Cả vợ chồng và hai con trai ông Hojat, cả những người bạn Iran cũng cất lời hát theo và cầm hoa đặt lên mộ.

Có cảm giác như có một vầng mây lành sà xuống, cuốn làn khói hương bay lên. Hẳn người nằm dưới mộ đang biết có một nhóm người Việt đến với ông. Họ đã không quên ông dù đã ba trăm năm mươi tám năm trời… Tôi đứng lặng rất lâu và như có một dòng thời gian với những loạt phim mờ chồng đứt nối, từ xa xưa cuộn lướt trong đầu, tạo nên muôn vàn tình huống, muôn vàn giả định. Nếu như không phải đợi đến năm 1919, khi triều đình nhà Nguyễn ra chiếu chỉ học chữ Quốc ngữ toàn nước Việt, mà ngay từ thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687), sau khi bộ từ điển Viêt - Bồ - La ra đời, liền ra chiếu cho con dân xứ Đàng Trong của Đại Việt phải thay ngay chữ Nôm, chữ Hán bằng thứ chữ của Cha Alexandre de Rhodes thì tình hình xã hội nước Nam sẽ ra sao nhỉ? Và nếu như bộ tiểu thuyết chương hồi đồ sộ đầu tiên Việt Nam khai quốc chí truyện, hay còn gọi là Nam triều công nghiệp diễn chí của Bảng Trung Nguyễn Khoa Chiêm (tổ phụ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) viết năm 1689, rồi Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia Văn phái, Thượng kinh ký sự của Hải Thượng lãn ông (thế kỷ XVII), Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820), thơ Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cùng thời gian ấy, rồi Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu (1822-1888) và bao nhiêu trước tác giá trị khác… cứ đối chiếu từ điển Viêt - Bồ - La mà viết ra, không cần qua chữ Nôm, thì đời sau con cháu đỡ công mày mò chuyển dịch, nhiều khi tam sao thất bản, và tất nhiên sẽ hay hơn biết bao nhiêu. Giống như trong truyện Trái tim Danko của Maxim Gorki, Alexndre de Rhodes và bao đồng đạo của ông, bao con chiên người Việt của ông, đã thắp lửa từ ấy, mà phải hơn hai trăm năm sau những thế hệ người Việt nối tiếp mới nhận ra. Và sẽ thật bất hạnh, nếu như không có những người Việt tiên phong đi đầu, những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của với sự ra đời của Gia Định báo tại Nam Kỳ năm 1865, với những nhà văn đi đầu của dòng văn chương tự sự Nam Bộ, như Nguyễn Trọng Quản với Truyện thầy Lazaro Phiền (1887), Trương Vĩnh Ký với Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), rồi ba mươi năm sau, tiếp đến những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh với sự ra đời của Đông Dương tạp chíNam Phong tạp chí (những năm 1910). Rồi cùng với phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Đông Kinh Nghĩa Thục… một dòng văn chương Việt hiện đại bắt đầu phát lộ từ Tự lực Văn đoàn, từ Thơ Mới (1932 – 1945), cho đến văn chương chữ Việt đương đại, nhanh chóng chiếm lĩnh những đỉnh cao và sự toàn bích, đưa ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt trở thành vi diệu, có khả năng giao hòa, khuếch tán vào nhân loại.

Đã chính ngọ, mà không ai muốn về. Bãi tha ma cổ xứ Ba Tư đã lưu hơi ấm của người Việt.

Từ nay, có một người Việt nằm đây, Cha Alexandre de Rhodes. Từ nay có những dòng chữ Việt, lưu khắc tại đây: “Chữ Việt còn, Tiếng Việt còn, Nước Việt còn”.

Sẽ có người thắc mắc: Tại sao lại đề “Chữ Việt còn” lên trên “Tiếng Việt còn”. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thổ lộ: Từ lần đi sang Iran tiền trạm, tháng 5 năm 2018, nhiều đêm tôi ít ngủ. Tôi luôn mơ thấy ngài Alexandre de Rhodes về. Ngài chỉ nhìn tôi im lặng. Tôi nghĩ rất nhiều về câu sẽ khắc trên bia tưởng niệm. Tiếng Việt còn thì đương nhiên rồi. Dân tộc mình trường tồn suốt lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước là nhờ còn bảo tồn và phát triển được tiếng nói. Hơn một nghìn năm các triều đại phương bắc muốn triệt hạ chúng ta về văn hóa, cả vật thể và phi vật thể. Và chúng đã phá hủy biết bao nhiêu… Chỉ riêng tiếng nói của người Việt là chúng không thể đồng hóa nổi. Vì thế nước Việt, người Việt mãi còn. Và từ khi có chữ Quốc ngữ, thì tiếng nói mọi vùng miền càng có cơ hội giao thoa, thống nhất. Như vậy chữ Việt còn, và ngày càng trong sáng, càng phát triển, thì tiếng Việt càng giàu có, phong phú, đa thanh đa sắc…

Vâng. Chữ Việt là chìa khóa vàng để bảo tồn và phát triển tiếng Việt, nhất là tiếng Việt hiện đại của thời đại 4.0 với tốc độ phát triển thông tin, công nghệ vũ bão. Chính vì thế, uống nước phải nhớ tới nguồn. Nơi đây, dưới nấm mộ đá ở Isfahan này, là một nguồn mạch, trong rất nhiều nguồn mạch của nước Việt. Nơi đây sẽ là chốn hành hương của những dòng người Việt trên toàn thế giới, những ai khao khát trở về với cội nguồn, khao khát được nói tiếng Việt, viết chữ Việt.

X. ISTANBUL, NGÃ BA THẾ GIỚI

Hành trình cuối cùng của đoàn chúng tôi là du ngoạn ba ngày ở Istanbul.

Cưỡi “thảm bay” Airbus từ Teheran sang Istanbul, một ngày trời trong, sẽ nhìn thấy dưới cánh máy bay, địa hình biến đổi dần từ hoang mạc khô cằn một màu đất đá gan gà, sang vùng đồi núi loáng thoáng xanh, rồi trập trùng xanh, Và bên phải cánh bay là biển Hắc Hải (Biển Đen) mênh mông tới tít tắp Odessa…

Khởi thủy Istanbul vốn là một hải cảng vùng biển Marmara, trấn ngữ eo Bosforus, huyết mạch dẫn vào biển Hắc Hải. Nước Nga và các nước vùng Ban Căng, vùng Trung Á, muốn ra Địa Trung Hải và đi thế giới, không thể không qua Istanbul. Với địa thế hiểm yếu này, đương nhiên Istanbul phải là một đại pháo đài. Những bức tường thành, nhiều đoạn nay đã đổ nát nhưng vẫn còn được bảo tồn, bao quanh bờ biển là minh chứng cho những cuộc giao tranh đẫm máu diễn ra nhiều thời kỷ.

Lịch sử chiến tranh, luôn gắn liền với những cuộc di dân và thôn tính, giao hòa văn hóa. Người Hy Lạp, La Mã từng ngự trị ở đây từ thời của những bản hùng ca Homer, từ thời Alexandros đại đế và hòa đồng cho tới bây giờ. Không thể ngờ rằng, ở đây, chứ không phải một nước trong thế giới Hồi giáo nào khác, chữ Arap lại được sử dụng sớm nhất. Các thánh đường Hồi giáo từ thời cổ đại còn nguyên vẹn những bản khắc trên đá lời Allah. Nhưng cũng thật kỳ lạ, ngày nay, khắp các đường phố Istanbul, và cả ở thủ đô Ankara, cả ở các thành phố khác trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, rất hiếm thấy các biển quảng cáo, các thông tin bằng thứ chữ như lửa, như khói của thế giới Arap, mà chỉ thấy các dòng chữ ký tự Latin. Chợt nghĩ tới Việt Nam mình. Hàng nghìn năm bị bó gộp vào bộ chữ tượng hình của người Tàu (dù là chữ Hán hay chữ Nôm), bỗng nhiên vùng thoát, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, để rồi từ đầu thế kỷ XIX, khởi phát một phương tiện văn hóa, giáo dục, phát triển khoa hoa kỹ thuật, văn học nghệ thuật… hòa đồng với nhân loại.

Năm 1923, nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lâp, do lãnh tụ Mustafa Kemal Ataturk dẫn dắt và là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa thế tục này. Việc đầu tiên Mustafa Kemal Atatürk làm là cải cách giáo dục, thay đổi chữ viết, đoạn tuyệt với thứ chữ giun dế, chuyển sang hệ chữ Latin. Từ đây, nước Thổ Nhĩ Kỳ ngả nhiều sang màu sắc châu Âu. Cho nên, dù vẫn ghé chân trong thế giới Arap (về mặt tôn giáo, văn hóa, lãnh thổ), nhưng thể chế, lối sống, chữ viết, xu thế…Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự là một quốc gia châu Âu. Chỉ cần Đông Thrae với 3% diện tích cả nước, chỉ cần một nửa thành phố Istanbul thuộc bờ bắc kênh Bosforus, cả nước Thổ Nhĩ Kỳ đã được ăn theo, được coi là một nước châu Âu.

Tới thăm thánh đường Hoja Sophia, một trong nhiều thánh đường Hồi giáo ở Istanbul, mà du khách luôn choáng ngợp, trầm trồ bởi kiến trúc bậc thầy, bởi sự tráng lệ, nguy nga và nghệ thuật điêu khắc hoành tráng, tinh xảo, sẽ thấy sự bảo tồn và hóa giải tuyệt vời giữa Kitô giáo và Hồi giáo như thế nào. Thánh đường được xây dựng từ thế kỷ thứ IV bởi những người Kitô giáo, với những bức tranh chúa Jesus Christ và thánh mẫu Maria trên tường, trên vòm mái. Thế kỷ thứ XIV, người Hồi giáo chiếm lại, nhưng không phá hủy, mà sơn phủ đi, quay lại điện thờ hướng về thánh địa Mecca, khắc ghi những lời của Allah, trở thành một thánh đường Hồi giáo hoàn hảo. Ngày nay, người ta đã cạo đi một vài mảnh tường, để lộ ra nguyên bản ban đầu, để nói rằng, ở Istanbul, sự hòa hợp của các tôn giáo là một phẩm chất, một ứng xử văn hóa nhân văn.

Cũng tại một trong những bảo tàng lớn ở Istanbul, bảo tàng và cung điện Topkapi Palace, năm 1980, ngài bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội Makoto Anabuki đã phát hiện ra chiếc bình hoa lam quý giá hình củ tỏi, cao 54 cm được bảo hiểm tới một triệu USD, có ghi dòng chữ: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút (Thái Hòa năm thứ 8 – Đời vua Lê Nhân Tông (1450), tượng nhân là Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách, lưu bút). Vậy là từ thế kỷ thứ XV, hàng gốm cao cấp Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương của Đại Việt đã vượt trùng dương sang tận vùng viễn tây xa xôi này

Du khách đến thăm Istanbul, luôn thấy mình sống trong một đô thị đa văn hóa. Cả những lữ khách Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, cả những du khách các nước Arap, đều thấy Istanbul thân thiết như thành phố quê nhà. Riêng với khách châu Á, nhất là những người Việt, thì luôn thấy choáng ngợp, mỗi nhà thờ, mỗi pháo đài, mỗi con phố, mỗi nhịp cầu đều lạ lẫm, kỳ khu, mới lạ.

Xin đừng bỏ qua những khu chợ Istanbul. Chỉ riêng bờ bắc thành phố đã có vài ba khu chợ cổ kính. Lớn nhất có lẽ là Spice Market. Thực sự là những chợ trong chợ, thành phố chợ, có tới 12 cổng, mỗi cổng đều có mái vòm, vọng lâu, như Ô Quan Chưởng ở Hà Nội. Du khách vào chợ nên đi theo đoàn, rồng rắn theo nhau kẻo lạc. Cổng chợ số 7 Kapalycarsi có quốc huy cổ, xây từ năm 1461, là một cổng thành chứ không phải cổng chợ, rất ấn tượng. Vào đây, đi lòng vòng hết khu may mặc đồ da, đến khu gốm sứ, khu chạm khắc, khu hương liệu… cơ man hàng hóa, cơ man người. Chợt nhận ra cái lõi văn hóa đạo Hồi, giống như xứ sở Ba Tư ngày xưa, như Iran bây giờ. Hầu hết những người bán hàng đều là đàn ông. Trước mỗi quầy hàng, ngay cả khu rau quả, thực phẩm, vẫn là những ông già râu tóc bạc phơ, những người đàn ông mắt sâu, râu quai nón rậm rì, ai cũng thường trực nụ cười, rồi cười rất tươi chào mời khách. Chỉ cần khách dừng lại là họ chỉ trỏ giới thiệu các mặt hàng và mở máy tính, bấm nhoay nhoáy giá từng thứ đồ. Họ chấp nhận đủ mọi thứ tiền, USD, euro, rials (Iran), lira (Thổ Nhĩ Kỳ). Và thường bán cho khách chỉ một nửa số tiền họ nói, nếu khách biết mặc cả. Lại nhớ lần sang Ba Lan, thăm khu chợ vòm ở thủ đô Vacsawa. Cả khu chợ mênh mông hàng trăm gian hàng chia làm ba khu vực, khu người Tầu, khu người Thổ và khu người Việt. Người Thổ Nhĩ Kỳ buôn bán giỏi nhất thế giới Arap.

Có một tour mua sắm, mà chỉ những tour leader chứ không phải tour guide dẫn mối, mới được tiếp cận. Đó là đi mua thảm len và hàng đồ da ở hãng sản xuất lâu đời và nổi tiếng nhất Istanbul. Cơ sở sản xuất thảm len nằm ở khu phố bờ biển. Khách đến, được mời xem quy trình dệt len thủ công với những người thợ lành nghề. Rồi hàng chục thanh niên lực lưỡng khuân ra những khoanh thảm, nhỏ như vuông chiếu và lớn bằng cả diện tích những gian đại sảnh. Đẹp và tinh xảo, quý phái đến ngỡ ngàng. Nhưng đến khi phát giá, hầu như tất cả đều lắc đầu, lè lưỡi. Tấm nhỏ nhất, như vuông chiếu cũng hai ngàn USD. Tấm đại sảnh tới vài chục ngàn USD. Khách tấm tắc khen rồi vái tay ra về.

Ở hãng sản xuất hàng da quý hiếm, có tuổi đời hơn trăm năm, sự tiếp đón còn nồng hậu hơn nữa. Khách được mời uống trà ô liu nóng với đường chà là, được mời xem một catwalk show, thậm chí mời cả các thành viên của đoàn lên sàn biểu diễn. Ai cũng tưởng mình đang trong một cung điện trình diễn thời trang ở Ytalia, ở Pháp. Những chiếc áo da đủ loại, da cừu, da bò, da tuần lộc… với độ mềm như lụa, mịn như nhung, với đủ màu sắc. Tất nhiên một chiếc áo da hai lớp, có thể mặc trong mặc ngoài, một túi xách cũng đề bảng giá tối thiểu từ 2500 USD tới nhiều nghìn USD. Khi biết khách là người Việt Nam, ông chủ tuyên bố xanh rờn: “Chúng tôi thường chỉ khuyến mại 40%, nhưng với các bạn Việt Nam anh hùng, hôm nay chúng tôi khuyến mại tới 60%”. Và tất nhiên, những chiếc hầu bao của khách Việt vốn luôn khóa chặt, được mở tung. Nhưng khi thanh toán thì hai bên tiếp tục một cuộc thương lượng. Cuối cùng, ông chủ râu rậm và mến khách lại tuyên bố xanh rờn một lần nữa: “Hôm nay là một ngày đặc biệt, được đón đoàn khách đặc biệt đến từ Việt Nam quang vinh, chúng tôi đặc cách giảm giá cho các bạn 80%”.

Tám mươi phần trăm cho Việt Nam quang vinh. Một niềm vui, một tình cảm quá hào phóng của những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ giữa cố đô Istanbul.

Isfahan, Iran 5/11

Vũng Tàu,Hầ Nội, 12/2018.

HMT

Xin xem thêm bài của nhà văn Hoàng Minh Tường đọc trước mộ Alexandre de Rhodes:

http://vanviet.info/van/doc-truoc-mo-cha-alexandre-de-rhodes-o-isfahan-iran/