Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Văn học miền Nam (315): Nhã Ca (6)

Đêm Nghe Tiếng Đại Bác (kỳ 1)

GIỚI THIỆU

ĐÊM NGHE TIẾNG ĐẠI BÁC

Đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên được in của Nhã Ca. Nhưng ngay từ khi cuốn sách nầy chưa ra đời, Nhã Ca đã có một chỗ đứng trong khu vực văn nghệ, không những nhờ cuốn thơ được xuất bản năm ngoái, mà còn nhờ những truyện ngắn, truyện dài, kịch in trên các báo của Nhã. Đó chắc chắn là một điều có lợi – lợi cho nhà xuất bản trước hết – nhưng cũng là một điều có hại.

Sau khi đọc ít nhiều tác phẩm rời rạc ấy, tôi và những bạn đọc có cùng một nhận xét với tôi, đã có một ấn tượng về văn chương của Nhã. Nhã viết rất lưu loát, có con mắt quan sát rất tinh tế, sự phân tích tâm lý bao giờ cũng thông minh, phồn thịnh, nhưng hầu hết các nhân vật đều mới, lạ ở trên mức trung bình.

Đọc Nhã Ca phải cố gắng để theo kịp nhân vât, để hiểu ý tác giả. Giữa cái "thế sự bồng bềnh" trên đất nước ta hiện nay, tôi có cảm tưởng đa số độc giả đã bắt đầu sợ phải mệt mỏi thêm vào cái mệt mỏi mà bất cứ ai cũng phải chịu đựng hàng ngày.

Giới trí thức trung lưu tìm đọc truyện võ hiệp nhiều hơn để giải trí. Các bạn trẻ muốn đi ngược dần lại con đường mà tuổi trẻ cách đây năm năm còn hăng hái vượt lên: họ tìm đọc những tác phẩm giản dị hơn, gần hơn với sự thật.

Tôi coi đó như một triệu chứng tốt. Bởi vì ở vị trí người viết, tôi vẫn nghĩ rằng nghệ thuật cao nhất, khó thể hiện nhất, là nghệ thuật gần gũi nhất với đời sống, đời sống bình thường của lớp người bình thường.

Còn ở vị trí người đọc, tôi khao khát từ lâu một tác phẩm thật đơn sơ mà đầy tràn thơ mộng: một tác phẩm diễn tả thành công niềm hạnh phúc, hay nỗi thống khổ hết sức quen thuộc, vì nó xảy ra luôn luôn, nhưng lại hết sức đằm thắm hay thê lương, vì nó có thể đến với bất cứ người nào đang đọc sách.

Không biết Flaubert hay Maupassant đã bắt một môn đồ văn nghệ phải tả ngọn lửa trong lò sưởi thế nào cho nó không giống bất cứ ngọn lửa nào trong một lò sưởi khác. Tôi nghĩ Nhã Ca vừa mới làm xong việc đó.

Đêm nghe tiếng đại bác không giống bất cứ tác phẩm nào nói về chiến tranh.

Tác phẩm nầy – và đây là điều mà riêng tôi cho là quan trọng – không giống bất cứ một tác phẩm nào trước của Nhã, nếu không kể một vài đoản tác mới đăng trên các báo Văn hay Nghệ thuật…

Đêm nghe tiếng đại bác trong như một chén nước mưa mà trung thực như một tấm gương soi thuận chiếu ánh sáng. Điều chắc chắn sẽ làm cho bạn đọc vui lòng nhất, là câu truyện xảy ra trong một gia đình trăm phần trăm vừa phải.

Người nghèo quá còn bận kiếm ăn, không có thì giờ cho tình cảm. Nhà văn viết về nhà nghèo hay tăng cái khổ của họ để làm ra vẻ ta đây có tinh thần xã hội. Tôi không ưa những người đến uống nước hàng ngày ở La Pagode, xong lúc về cầm bút lại khăng khăng muốn tả cảnh khốn cùng, để bắt độc giả phải nhiều ít suy tư về một cuộc cách mạng lý tưởng.

Thật là hiếm có, những nghệ sĩ dám trung thành với hoàn cảnh và tâm sự của chính họ. Một trong những nguyên nhân của sự kiện nầy là viết như thế có bao hàm sự xác nhận rằng tác giả không có những bận tâm cao siêu về triết học.

Tác giả viết về những người trung bình sẽ bị coi như chính hắn đã là một phần tử trung bình, không chứa đựng những ý kiến lạ lùng mà người ta tưởng chỉ có trong những thiên tài đặc biệt.

Vậy gia đình của nhân vật xưng tôi trong tác phẩm của Nhã Ca có thể là một gia đình nào đó ở khu Phú Thọ, hay Bàn Cờ, hay Phú Nhuận. Ông bố đi làm, người con cả đi lính, bà mẹ ở nhà trông nom cơm nước cho chồng con, có cô con gái lớn giúp việc. Hai đứa em, một gái một trai, của cô ta còn đi học. Kim, cậu em út, có chiếc xe gắn máy còn mới tinh. Như vậy là gia đình nầy không nghèo. Nhưng cũng không giàu. Một vé số kiến thiết trúng 500 đồng cũng đủ làm cho cả nhà vui vẻ bàn luận về cách tiêu dùng. Và chính cái vé số nầy cũng sẽ là một yếu tố động cơ của truyện. Bà mẹ cho lĩnh số tiền về, đã quyết định dùng nó đế mua sắm, làm một bữa chả giò thết anh chàng Phan, trung úy, sắp về nghỉ phép.

Nhưng Phan không về, không bao giờ về cả. Phan đã tử trận từ hai bữa trước rồi, nhưng cả nhà không ai biết. Sự chờ đợi làm bằng âu yếm chen lẫn với lo sợ làm cho bầu không khí trở nên phập phồng, mệt nhọc. Rất nhiều động tác khác, bề ngoài như vô tình, nhưng bên trong là kết tinh của hoàn cảnh, cũng dự vào việc xây dựng hẳn thành một thứ tâm hồn tập thể hướng trọn về người vắng mặt. Ông bố, bà mẹ, những người con, cùng thương nhớ, nhưng mỗi vị trí có một tâm sự, một phản ứng khác nhau. Phượng, in hệt người tình nhân dưới "mái Tây" của không biết bao nhiêu thế kỷ trước, đã vội nghe tiếng im lặng của bước chân của người sai hẹn. Bà mẹ sợ những câu nói gở. Cô Quyên thấy chị buồn mà lo sợ cho mình. Sự thương nhớ sẽ trở thành một công thức chung – và tác phẩm sẽ nặng nề hay buồn tẻ nếu không có tuổi trẻ và nhựa sống của Kim; một phút trước khi được biết anh Phan tử trận, anh Phan vẫn còn sống. Kim vẫn không có lý do gì để không đòi ăn chả giò. Bằng những nét đơn sơ nhất, tác giả kể lại cho người đọc những cảnh sinh hoạt linh động mà cặn kẽ, như chúng ta thường thấy ở đâu đây. Tôi đoán chắc Nhã Ca đã thành công theo kiểu người thợ nề bắt đầu làm ngôi nhà cho chính anh ta trú ngụ.

Rất có thể Nhã Ca không đồng ý, sẽ trả lại những lời khen không chờ đợi.

Nhã với Từ dắt tay nhau đi trên con đường tìm kiếm. Họ chưa tới đích, nhưng họ đã viết nhiều về những gặp gỡ giữa đường. Kỹ thuật của họ đã hơn một lần xây dựng thành những tác phẩm có giá trị. Cho nên, theo ý tôi, họ - họ ở đây, là những người viết trẻ như Nhã và Từ - thường lầm chúng như mục đích.

Độc giả lầm theo họ. Nhà phê bình vội cho rằng họ chỉ biết có hoài nghi và đập phá không thôi. Tôi vốn không tin như thế. Tôi chờ đợi có những người có khả năng đủ vững, có ngày tháng đủ dài, và có hoàn cảnh thuận lợi.

Những người đó sẽ hoàn thành được tác phẩm sau cùng của họ: tác phẩm mà, so với nó, bao nhiêu tác phẩm là bấy nhiêu bước chân đi tới. Và, đến bây giờ, tôi sẽ cười thầm trong tinh thất của tôi sau một lời phân bua đắc thắng: có phải không, nghệ sĩ không "bịa" ra đề tài bao giờ?

Rất có thể Nhã Ca đang cười trả lại cho tôi. Không, tôi biết lắm, cốt truyện nầy của Nhã làm tôi nhớ cốt truyện của Saroyan, tác giả Mỹ. Tôi có lần đã giới thiệu bản dịch cuốn sách ấy với thính giả đài V.O.A, nhưng bây giờ tôi đã quên tên nhân vật chính. Tôi chỉ nhớ có đoạn sau cùng: người lính về tỉnh nhỏ, thăm gia đình người quá vãng. Truyện của Nhã cũng có người lính ấy. Giá nghiêm khắc, tôi sẽ buộc Nhã vào tội phỏng theo người đi trước. Nhưng tôi không làm như thế, vì tôi đã có kinh nghiệm bản thân, những điều tôi viết ra, tưởng là mới nhất, nào ngờ đâu có cả chục người đã viết trước tôi nhiều. (Người ta bảo Việt Nam có những màu sắc riêng tư, mà không đâu có trên thế giới. Tôi nghe theo, nhưng tôi đã nhầm. Kể cả mắm tôm, nước mắm, cứ chịu khó tìm, sẽ thấy có nơi có đủ!)

Tôi đành chịu. Nhất là về tình cảm. nhân loại thật mênh mông, thời gian dài đằng đẵng. Tôi thèm khát học hỏi và hưởng thụ, nhưng tôi chối từ so sánh hơn thua. Sự không ngoan đôi khi che giấu cái hèn của tuổi tác. Nhưng nghệ sĩ vốn có tâm hồn kiêu hãnh tuyệt trần, nên đọc tác phẩm nào tôi cũng thấy phần thành công trước phần thất bại. Đêm nghe tiếng đại bác nhất định chưa phải là công phu tới đích của Nhã Ca, nên đối với riêng tôi. Nhã vẫn có phần hụt bước. Tiếng đại bác trong đêm gợi ý chiến tranh, mà tôi nghĩ đến chiến tranh rất ít. Phan đi lính. Phan chết trận. Nghĩa đi lính. Nghĩa mất tích. Bữa chả giò để mừng Phan nhưng cũng để tiễn Hoàng đi Thủ Đức. Không kể Mẫn, Đông, Đảo… rất nhiều truyện lính tráng và tiếng đại bác trong đêm. Nhưng trong khi đọc, và sau khi đọc xong tác phẩm của Nhã, cái mà người ta nhớ nhất, mà người ta thương yêu hay ao ước hơn cả, là gia đình. Ông bố, bà mẹ, Phượng, Quyên, Kim, Hoàng – với cả Phan, Nghĩa và Mẫn – mỗi người đã giữ đúng vai trò của mình. Vai trò bà mẹ cố nhiên có phần trội hơn vai trò của ông bố, cũng như Phan tuy vắng mặt mà "hiện hữu" hơn Hoàng, nhưng tất cả những vai trò ấy không riêng lẻ, không cô đơn, kể cả Mẫn ra đi thật buồn. Tất cả họp lại thành một gia đình, cùng một số người thân, đang chịu đựng chiến tranh. Sự chịu đựng không nói thành lời ấy dai dẳng, mà cái chết tàn nhẫn của Phan không cắt đứt được: Phan chết, đã có Hoàng thay thế. Sự chịu đựng tiếp tục. Chịu đựng như thế có phải đâu là tiêu cực.

Con người bằng cách tụ họp thành những đơn vị lớn hơn, đang chống trả thắng lợi với ý chí tiêu diệt của chiến tranh – ngoại cảnh.

Sự thắng lợi còn to lớn hơn. Ông bố già đánh rơi hai giọt nước mắt.

Phan để lại một tên lính tương lai, nếu chiến tranh còn tiếp tục. Người ta đau khổ, rên la, khóc lóc, nhưng rõ ràng là đời sống vẫn tiếp tục, với Hạnh thêm vào gia đình Quyên. Có phải chăng một người bạn nhiều tuổi mà lạc quan như tôi, có thể căn cứ vào hình ảnh sau cùng ấy, và lời Nhã Ca đề tặng "cho con sắp ra đời của đời mẹ" ở cuối tập truyện nầy, để quả quyết rằng, mặc dù hoàn cảnh thế nào, nếu chúng ta muốn, chúng ta bao giờ cũng có lý khi chúng ta hy vọng.

Nguyễn Mạnh Côn

17 tháng VI, 1986

… Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho mẹ tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phượng tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông. Với Hoàng. Với tất cả. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Ngủ đi Ba. Ngủ đi Mẹ. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó.

Tháng chạp, 1965.

Viết cho con sắp ra đời của mẹ.

NHÃ CA

I

Daksut, ngày 14-5-1965

Me,

Đây là thư con viết cho me, me ạ. Và con xin khai đầy đủ những điều me hỏi: Con vẫn nặng 53 ký lô, hơn tháng trước một ký, vì dạo nầy phải leo núi nhiều hơn. Ngoài ra, vòng ngực vẫn như cũ, vòng eo vẫn như cũ.

Theo lời me dặn, buổi trưa trước khi ăn cơm, con vẫn uống một ống B12 và ăn đủ 4 chén. Tối, con mặc chiếc áo me đan. Me đan đẹp lắm. Nhưng me đan dầy quá, thành thử chỉ mặc được một lát là con đã nghe thấy tiếng ve sầu kêu ầm ĩ, y như mang cả mùa hạ trên mình. Buổi sáng, vẫn theo lời me, con đánh răng bằng kem Hynos, ông già Tây đen bạn thân của me.

Hồi nầy con cũng ít uống rượu nữa. Đấy, con trai lớn của me vâng lời me vậy đó. Me bằng lòng rồi chứ. Nhưng con xin me tha cho cái khoản me nói. Tây, Tàu, Mẽo hay Việt Cộng gì đó thì con không ngán, nhưng vợ thì con sợ lắm. Con là con của ba và me. Dù sao, me yên tâm, sẽ có ngày con gửi về cho me cháu nội để bế. Me ơi, bữa nay me gầy hay mập. Me định mang polo số mấy đấy. Mắt me đã thêm được vòng tròn nào chưa. Me nhớ tập thể thao mỗi sáng me ạ. Me cứ dậy từ 4 giờ, tập chạy bộ cho con chừng 30 phút. Chạy thi với thằng Kim ấy. Cứ thế, một thời gian me sẽ vượt xa bọn Phượng và Quyên cho mà coi.

Con đùa nhiều quá phải không me. Nhưng me đã vui và cười chưa nào. Con không muốn me khóc, nhất là khóc vì con. Khổ quá. Sao me cứ xem con như thằng Phan thủa còn mặc quần sọt hồi xưa mãi thế. Me quên con đã là lính, là tổng thủ lãnh của một trung đội rồi sao. Con bây giờ oai lắm me ạ. Con mập hơn và đen hơn. Me vẫn nói con trai phải đen mới mạnh khỏe và đẹp trai lắm rồi đấy. Me có nhớ ra điều đó không hả me?

Ở trong rừng lạnh thì đã có áo len me đan. Nhỡ cảm gió ho gà ho vịt thì đã có dầu cù là, dầu nhị thiên đường của me. Con không thiếu gì đâu me ạ. Me lo cho con quá. Me của con. Con nhớ me quá. Con nhớ me hơn tất cả. Nhất là đêm nay, khi đơn vị con đang phải đóng trong một cánh rừng rậm.

Me ơi, ở đây có nhiều rắn lắm, để hôm nào con bắt về một giỏ làm quà cho me nhé. Thay thế món lươn um của me được đấy, me ạ.

Me đừng lo lắng, đừng sốt ruột về con me nhé. Tuy bận, ít biên thư về nhà được, nhưng con không quên những điều me dặn đâu. Me lo con ham đi chơi, thì me tính, ở rừng ở rú thế nầy, còn có chỗ nào đâu để đi chơi. Me yên tâm nhé me. Con nhớ me và thèm ăn món canh rau ngót nấu thịt nạc của me quá đi mất. Ở đây, con vẫn quảng cáo với tên Nghĩa món canh của me hoài. Me chuẩn bị đi nhé. Bữa nào chúng con sẽ rủ nhau về ăn vạ me đấy.

Con của me.

Dakto, ngày 17-4-65

Phượng và Quyên,

Các cô chơi ác quá. Định bắt anh về ra mắt nhà vợ thì anh trốn luôn cho mà coi. Bởi nghe hai cô tả dung nhan người đẹp anh đã hết hồn rồi. Tính anh cả thẹn lắm. Hai cô biết rồi mà. Thôi, cho anh hai chữ bình an nhé.

Thư nhà anh vẫn nhận đều đặn. Nhưng hai tuần nay thì chưa có. Bởi mấy hôm nay phải di chuyển luôn luôn. Hôm kia, ở Daksut, anh cũng có viết một thư dài cho me. Nhưng hơn một tuần nay rồi, chưa có một chiếc trực thăng nào xuống lấy thư. Thành thử anh còn phải để lại. Có lẽ phải viết trọn bộ đã, rồi mới gửi về được. Nằm buồn, anh thường mang mấy thư cũ ra đọc. Các cô viết bao nhiêu anh cũng không ngán, vì các cô sắp thành văn sĩ hết rồi. Ở đây, đôi lúc anh buồn và nhớ Saigon lắm. Giá có một phút nào vù về được, rủ các cô ra bến tàu làm vài đĩa bánh cuốn nóng, rồi lại bay lên đây thì nhất. Nói vậy không phải để mấy cô nhạo anh là hư ăn đâu nhé. Cái bảng hiệu ăn thì chắc phải nhường cho thằng Kim chức vô địch rồi.

Các cô thì chúa là rắc rối. Thích đó rồi không thích. Không thích thì thôi. Bộ tưởng gửi một con sóc nhỏ về Saigon không tốn công tốn của đấy hả. Lần sau muốn gì Phượng chịu khó bảo tên Nghĩa nó lo về cho, anh không biết đâu.

Ởvới một lô sư tử tương lai như các cô, chắc con sóc của anh phải tội nghiệp lắm đây. Nói đùa thế thôi. Đừng giận, nhưng đàn bà con gái mà bày đặt nói chuyện chiến trường làm gì. Thôi cho anh khất kỳ khác, bao nhiêu trận trước anh quên cả rồi. Lần tới, kể phải kêu tên Nghĩa nó nhìn phụ với anh, chắc anh mới tả nổi. Tá khăn tay của Phượng anh đã nhận được. Nhưng cả anh và Nghĩa đồng ý đem chia cho mấy tên trong trung đội mỗi đứa một chiếc. Biết làm gì không. Để cất vào ví làm kỷ niệm. Bởi khăn của các cô đẹp quá, nho nhã quá lại thơm quá nữa. Ai nỡ đem lau mồ hôi và bùn đất hành quân bao giờ. Lần sau, có làm khăn cho anh, nhớ là khổ lớn, vải xô càng tốt. Chứ cái kiểu khăn thành phố bằng lỗ mũi của các cô đây không dùng được đâu. Bộ các cô nghĩ bọn anh chỉ có cái mũi là cần săn sóc giữ gìn cho mấy cô thôi hả.

Mấy anh bạn được anh và Nghĩa phát khăn tay cho đó, chúng cứ đòi được viết thư cho các cô. Đồng ý chứ. Chắc Nghĩa và Hoàng cũng không nỡ cấm đâu, phải không. Với lại tên Nghĩa thì đồng ý với anh nhất vợ nhì trời rồi. Phượng nghe chưa. Soi gương đi, xem mũi có nở thêm chút không. Còn Hoàng hình như nó chưa nói gì với anh về khoản nầy, nhưng nó xem cái dáng phụng phịu lì lì của con Quyên, anh đã đoán được cái triển vọng sợ vợ của nó.

À, còn truyện Đoàn Dự nữa. Ngót hai tuần nay không có báo. Quyên nhớ kể cho anh nghe xem gã họ Đoàn của tụi mình đến đâu rồi nhé. Bây giờ Lục mạch thần kiếm các cô đã thông cả rồi chứ. Cứ điệu nầy, chắc khi về, đấu chưởng với các cô, anh đến thua mất thôi.

Anh buồn ngủ quá rồi. Thôi nhé. Trời đang lạnh lắm. Nhưng chui đầu vào cái tác phẩm vỉ đại của me đan, anh sẽ nghe thấy tiếng ve sầu kêu ngay. Hôm nào về, anh sẽ cho các cô mượn để nghe thử. Thôi nghe. Nhớ biên thư cho anh. Anh mong lắm đấy.

Kim,

Nói ngủ mà vẫn chưa ngủ được. Phải bò dậy để viết thêm cho Kim nữa đấy. Thế nào, phê thuật cho anh trận cầu vừa rồi với chứ. Hôm kia nằm nghe trực tiếp truyền thanh đoán cầu Thái Lan đá với Hội tuyển Saigon, anh nhớ Kim quá. Rạng và Rỏn của Kim vẫn khá cả đấy chứ. Phong độ của Vinh có còn hách để đi tiền đạo không. Cả mấy cầu thủ nhóc của Kim nữa, anh hỏi thăm đấy.

Dakto, ngày 20-4…

Hồi sáng, một chiếc Dakota đã thả cả một gói thư khổng lồ xuống đồn con. Và con đã nhận được cả bó thư nhà rồi. Ngày mai có lẽ sẽ có một chuyến đến tải thư nữa. Vậy con xin viết thư thêm về ba để trọn bộ, rồi sẽ gửi luôn thể. Đáng nhẽ thư ba phải viết ngay phần đầu, nhưng chắc ba cũng muốn nhường me con. Bởi đứng sau me bao giờ cũng yên ổn hơn, phải không ba?

Con đã đọc hết lá thư ba viết. Nhưng ba quên không kể cho con nghe chuyện cờ tướng của ba với ông Chín Hội rồi. Từ dạo con đi, con cóc của ba, không còn bị chết máy trước cây mãng cầu của bà thợ may đầu ngõ rồi chứ. Ba phải coi chừng me đốn mất cây mãng cầu của bà thợ may đấy.

Con vẫn thường và có phần khỏe hơn là khác. Nghĩa vẫn ở chung một tiểu đoàn với con. Chúng con đi đâu cũng có nhau. Còn mấy cô ở sở của Ba nữa, đã có thêm cô nào cân đủ ký lô để địch lại với me chưa hả ba. Con Phượng và con Quyên dạo nầy hết nhõng nhẽo với ba rồi đó, ba thấy không, con luyện cho chúng mê kiếm hiệp lợi cho ba thế đấy.

Ở đây, đêm kia, chúng con vừa chạm một đơn vị phục kích, và có một chú lính của con bị chúng bắn tử thương. Riêng con, con không hề sợ chết. Con cũng chẳng hề căm thù gì ai. Nhưng cứ trông những cái chết của đồng đội cạnh mình, con cũng nổi sùng quá. Y hệt phim La loi du Seigneur mà ba từng đưa cả nhà đi xem dạo nào đó.

Nghe các em kể chuyện về ba me với không khí nhà mình, con vui lắm và yên tâm hơn bao giờ hết. Tuy xa gia đình, ngày đêm ở tiền đồn nghe bom nghe đạn, nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới gia đình, tới thành phố yên vui, và con sung sướng.

Tháng tới, có lẽ con và Nghĩa sẽ có giấy đi về phép. Nhưng con chưa biết có suông sẻ không, ba đừng nói vội me má mong. Dạo nầy không những con lái xe giỏi rồi, mà còn lái được cả thiết vận xa nữa. Khi con về, chắc không còn cảnh cho chiếc xe con cóc của ba sa lầy đâu.

Xin ba chuyển lời con kính thăm ông Chín Hội.

Con trai ba.

Đó là một xấp thư cũ của anh Phan tôi, mà khi nào nhớ quá, me tôi lại sai chúng tôi lấy ra đọc cho bà nghe. Xấp thư tuy viết trong nhiều ngày, ở nhiều nơi, nhưng cùng trên một khổ giấy ca rô nhỏ, còn nguyên dấu chỉ xé từ một cuốn sổ nào đó. Nhà có ba chị em, tôi đã có đến 6, 7 lần phải đọc lá thư anh Phan. Chị Phượng có lẽ còn phải đọc nhiều hơn bởi chị hát hay và mẹ tôi cho là giọng chị tốt, có thể đi làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh được. Còn thằng Kim, mỗi lần mẹ tôi lôi thư anh Phan ra bắt nó đọc, nó vừa giật lùi vừa kêu lên:

- Trời ơi, sao me không bắt ba thủ thỉ đọc cho nghe có phải êm ái không. Con có là xướng ngôn viên đâu nào.

Rồi nó lủi mất.

Cả xấp thư anh Phan viết bằng bút nguyên tử. Bị giở đi giở lại nhiều quá có chỗ đã hơi nhòe. Nhưng đã nghe hoài, mà mỗi lần nghe lại xong, mẹ tôi đều dừng tay (thường chỉ vừa nghe, bà vẫn vừa làm việc, gọt dưa món, khâu lại áo cho thằng Kim, hay ghi tiền chợ), mỉm cười, rồi nhìn ra ngoài cửa. Nếu không vì chúng tôi hay cười, những lúc ấy, thế nào bà cũng lặp lại những câu bà thường nói. Chẳng hạn như:

- Cái thằng tệ quá. Nó lại quên không cho me biết về mấy hộp thuốc bổ. Không chừng nó vứt đi mất rồi cũng nên.

Hoặc:

- Nó cũng lên được một ký đấy. Lạy trời, cơm vẫn thường bốn bát.

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=ddemnghetiengdaibac