Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học in sai thơ BÙI KHÁNH ĐẢN

Vũ Huy Ngọc

clip_image002

Kho tàng thi ca Việt Nam chất đầy những châu ngọc. Tiếc thay trong bao nhiêu châu ngọc quý giá ấy một số bị bụi thời gian vùi lấp, một số bị thiêu đốt trong cơn lửa đỏ, một số bị thất tán theo những cánh buồm đi muôn phương. Rất nhiều hoàn cảnh éo le đã khiến người xưa bị quên lãng và người sau phải ngậm ngùi. 

May thay trong đám tro tàn vẫn âm ỉ ngọn lửa, chỉ chờ dịp là bùng lên mạnh mẽ. Thế hệ nào cũng có những người giàu tâm huyết, kẻ đi nhặt nhạnh những viên ngọc xưa, người lau chùi cho toả sáng trước khi đặt trở lại vào kho tàng văn chương Việt Nam. Những người yêu thơ, yêu những bản dịch thơ Đường sang tiếng Việt thật xuất sắc đã rất hân hoan khi thấy cuốn "Đường thi trích dịch" của Đỗ Bằng Đoàn và  Bùi Khánh Đản được in lại. Tập thơ dịch này được in lần thứ nhất ở Sàigòn năm 1959 dưới dạng ronéo. Dưới sự điều khiển của giáo sư Giám đốc Mai Quốc Liên, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ở Việt Nam tái xuất bản tháng 7 năm 2006.

clip_image004

Khi đọc Lời Giới Thiệu, chúng tôi rất vui mừng trước hàng chữ, “Chúng tôi giữ nguyên dạng bản in cũ", nghĩ rằng sẽ thấy lại một bản chụp (với kỹ thuật tân tiến hơn) của ấn bản ronéo với những chữ đánh máy mộc mạc năm 1959. Chúng tôi rất phấn khởi khi đọc những lời của Gs. Mai Quốc Liên:

“Mặc dù hàng ngàn năm đã trôi qua, thơ Đường vẫn giữ vẻ đẹp tươi thắm, sức quyến rũ, chiều sâu triết học … của nó. […]. Tiếng Việt với trên 70% từ gốc Hán vốn mượn âm Trường An thời Đường Tống (thế kỉ IX-X), đã vô cùng thuận lợi để tiếp nhận thơ Đường. […]. Đã vậy, Việt Nam còn « bứng trồng », « tiếp biến » thơ Đường vào thơ Việt, để có thơ Đường luật ở ta …Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thăng trầm, duyên nợ ; đến nay, giữa lúc bao nền văn hóa khác vào ta và văn hóa Việt cũng đã biến đổi nhiều, thơ Đường vẫn giữ được vị trí hàng đầu của mình trong tâm thức Việt Nam.”

Chúng tôi đã kỳ vọng được thấy lại quyển Đường thi trích dịch với hình dáng và nội dung hệt như trước kia, với những chữ Hán qua nét bút già dặn của các bậc tiền bối.

clip_image006

Nhưng Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học đã cho đánh máy lại và in thành một ấn bản khác, về hình thức đẹp hơn rất nhiều. 

clip_image008

Điều đáng cho chúng ta quan tâm là khi đánh máy lại để tái xuất bản như thế, nội dung tập thơ in năm 2006 có hoàn toàn giống như nội dung của tập thơ được in năm 1959 hay không?

Chúng tôi được một số thân hữu cho biết: Trong tập Đường thi trích dịch ở lần tái xuất bản này, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học đã không “giữ nguyên dạng bản in cũ” như lời tuyên bố của Gs. Giám đốc Mai Quốc Liên phía trên, mà có những thay đổi khá đáng kể khiến ý thơ kém đi, lời thơ dở hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng được cho biết rằng sau khi thấy có những thay đổi như thế, thân quyến của nhà thơ Bùi Khánh Đản tại Hoa Kỳ đã viết thư về Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ở Việt Nam để đính chính và xin được sửa lại, nhưng lời thỉnh cầu ấy không được đáp ứng. Xin đan cử một thí dụ nhỏ: bài thơ đề từ của Bùi Khánh Đản in ở trước phần “Lời nói đầu” (trang 7 trong bản do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học tái xuất bản) đã có những thay đổi như sau:

Nguyên văn bài thơ trong bản in roneo ở Sàigòn năm 1959:

Câu 1: Đây chút tơ tằm trả nghĩa dâu.

Bản do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học in lại (xin xem phóng ảnh phía sau): Đây chút tơ tình trả nghĩa dâu. 

clip_image010

Nguyên văn câu 6: Ta sầu Đỗ Mục đất Dương Châu.

Bản do TTNCQH in lại: Tôi buồn ….

Nguyên văn câu 8: Có thấy tâm tình gặp gỡ nhau.

Bản do TTNCQH in lại: Có thấy tơ tình.

Trong 8 câu thơ thì 3 câu bị in sai. Trong tổng số 56 chữ của bài thơ, 4 chữ đã bị thay đổi. Có sự khác nhau rất xa giữa lời tuyên bố của Gs. Giám đốc Mai Quốc Liên, “Chúng tôi giữ nguyên dạng bản in cũ” và thực tế trước mắt.

Nhờ các nguồn thông tin đa dạng hiện nay, chúng tôi may mắn tìm được hai ảnh chụp của bài thơ nguyên tác, một từ trang sachxua.net, chụp từ bản in ronéo năm 1959, một do một thân hữu liên hệ với Viện Việt - Học cung cấp, từ một bản in trong tạp chí Bách Khoa số 100 (ra ngày 1 tháng 3-1961), trang 66.

clip_image012

Nguồn: sachxua.net

clip_image014

Nguồn: Tạp chí Bách Khoa số 100 (1-3-1961), trang 66.

Bài thơ vốn không có tựa. Trong bản in năm 1959, cụ Bùi Khánh Đản chỉ đơn giản ghi “Đề Đường thi trích dịch.” Khi phổ biến trên tạp chí Bách Khoa số 100 (phóng ảnh phía trên), nhà thơ Đông Hồ đã thêm chữ “tự” vào.  Nguyên văn bài thơ như sau: 

Đây chút tơ tằm trả nghĩa dâu

Đem lòng người trước gửi người sau

Mong làm gió nhẹ qua hiên gác

Luống thẹn trăng non xế mái lầu.

Ai xót Thanh Liên bờ Thái Thạch

Ta sầu Đỗ Mục đất Dương Châu

Đêm đêm đọc lại dòng thơ cũ

Có thấy tâm tình gặp gỡ nhau.

                                         Bùi Khánh Đản

clip_image016

Nguồn: Lam Điền

https://lamdien.wordpress.com/category/tho-bui-khanh-dan/
Dưới đây là toàn thể bài thơ ấy qua nét bút của chính tác giả. Thành thật cám ơn chị Phương Kim, ái nữ của cụ Bùi, đã cho phép chúng tôi phổ biến hai bài thơ thủ bút cùng chân dung của cụ.

clip_image018

Trong bản chép tay trên giấy hoa tiên cũng như trong bản chụp in lại trên tạp chí Bách Khoa số 100 (1/3/1961), nhà thơ Đông Hồ viết thêm tựa đề "Gió nhẹ trăng non," và chép thêm bài thơ họa của cụ. Thi sĩ Đông Hồ đặt tên cho bài thơ họa lại này là “Thử tài Lý Đỗ.”

clip_image020

Rõ ràng cụ Bùi Khánh Đản đã viết câu 1: Đây chút tơ tằm trả nghĩa dâu. Cụ coi việc dịch thơ để những áng thơ hay được truyền lại tới người sau là một hành động mang tính cách đền ơn trả nghĩa về phương diện tinh thần, giống như con tằm sau khi ăn lá dâu nhả ra tơ để lại cho đời. Đối với cụ, mục đích của việc “trả nghĩa” ấy là:

Đem lòng người trước gửi người sau.

Khi bị đổi lại:

Đây chút tơ tình trả nghĩa dâu

người đọc sẽ không thấy được mối liên hệ ấy.

Việc con tằm nhả tơ, đôi khi được nói trong văn chương, “con tằm rút ruột để nhả tơ,” còn mang một ý nghĩa tình cảm có tính cách thiêng liêng. Trong Truyện Kiều có câu “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.” Câu này được dịch thoát từ một câu thơ của Lý Thương Ẩn đời Đường, “Xuân tàm đáo tử ti phương tận” (con tằm đến khi chết tơ mới hết). Không rõ giáo sư Mai Quốc Liên và các vị ở Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học có nhận thấy điều ấy hay không khi đổi câu thơ của cụ Bùi Khánh Đản từ “tơ tằm” sang “tơ tình,” một từ ngữ không hàm chứa mối liên hệ nào cả?

Trong câu 6:

Ta sầu Đỗ Mục đất Dương Châu

hai chữ “Ta sầu” bị đổi thành "Tôi buồn.” Có người dễ dãi nói, "Thôi kệ. “Tôi buồn” với “ta sầu” thì nghĩa cũng như nhau." Trong ngôn ngữ nói chuyện hàng ngày có thể như thế, nhưng trong văn chương, nhất là trong thơ, ý nghĩa khác nhau rất xa.

Trước hết là giữa hai tiếng “ta” và “tôi.”

Tuy cùng là lời tự xưng, cùng là nhân vật đại danh tự ngôi thứ nhất số ít, “tôi” hàm ý khiêm tốn trong khi “ta” mang tính cách hào sảng, khí phách, ngụ một thái độ tự tin hơn.

Trong Truyện Kiều, sau khi Kiều cho biết nhận thấy ở Từ Hải một cốt cách phi thường và tin rằng sẽ có thể được nương nhờ sau này (Rộng thương cỏ nội hoa hèn/Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau),  người “khách biên đình” từ xứ Việt Đông xa xôi đã trả lời một cách đắc ý:

Một lời đã biết đến ta

        Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

Nguyễn Du cho Từ Hải tự xưng bằng tiếng “ta.” Nếu chúng ta đổi sang tiếng “tôi,” ý nghĩa  và văn khí sẽ kém hẳn.

Cũng tương tự, trong bài “Tống biệt hành,” nhà thơ Thâm Tâm viết:

Đưa người, ta không đưa qua sông …

Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước …

Trong bài “Bài hành phương Nam,”nhà thơ Nguyễn Bính viết:

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

        Riêng ta với ngươi, buồn vậy thay

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh

        Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi

Trong bài “Bài ca sông Dịch,” nhà thơ Vũ Hoàng Chương  có  những câu:

Ta chỉ thấy

        Tơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bên

        Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng …

Nếu chúng ta đem những tiếng “tôi” thay chỗ cho những tiếng “ta” ở các câu ấy, ý nghĩa sẽ kém hẳn.

Đôi khi tiếng “ta” mang một ý nghĩa rộng hơn, gần tương đương với “chúng ta.” Nghĩa của “nước ta,” “tiền nhân ta” khác hẳn nghĩa của “nước tôi,” “tiền nhân tôi.” Đó là trường hợp tiếng “ta” được dùng trong bài “Lên sáu” của Tản Đà:

Sách quốc ngữ, chữ nước ta

        Con cháu nhà, đều phải học

hay trong bài “Trả ta sông núi” của Vũ Hoàng Chương:

Trả ta sông núi, từng trang sử

        Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.

Có lẽ đó chính là dụng ý của Bùi Khánh Đản khi cụ viết:

Ta sầu Đỗ Mục đất Dương Châu

vì cụ đã hỏi người đọc:

Đêm đêm đọc lại dòng thơ cũ

        Có thấy tâm tình gặp gỡ nhau?

Chúng tôi thành thật tin là Gs. Mai Quốc Liên và các vị cộng tác với ông ở Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học cũng hiểu những điều ấy. Chúng tôi chỉ thắc mắc: Tại sao các vị lại đổi câu thơ của cụ Bùi Khánh Đản từ chữ “ta” sang chữ “tôi”?

Hai chữ “buồn” và “sầu” cũng ở trường hợp tương tự.

Trong khi “buồn” chỉ một trạng thái tình cảm nhẹ nhàng như trong câu thơ của Xuân Diệu:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

hay một câu trong Truyện Kiều:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

        Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

thì “sầu” chỉ một trạng thái tình cảm mạnh và sâu đậm hơn. Với bài thơ mở đầu bằng câu:

Đêm mưa làm nhớ không gian

        Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

Huy Cận đặt tên bài là “Buồn đêm mưa.” Nhưng với bài thơ mở đầu bằng câu:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!

và kết thúc bằng câu:

Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!

thì Huy Cận đặt tên bài là “Nhạc sầu.”

“Sầu” là một từ Hán Việt, nhắc ta liên tưởng đến một số câu thơ chữ Hán: “Xuân sầu mang mang tắc thiên địa” (Sầu xuân lai láng đầy trời đất) hay, “Dục phá sầu thành tu dụng tửu/Túy tự túy đảo, sầu tự sầu” (Muốn phá thành sầu nên dùng rượu, say thì say mềm, sầu vẫn sầu). Chính vì thế trong mấy câu thơ sau của Vũ Hoàng Chương:

Đất trời nghiêng ngửa

        Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ

        Đất trời nghiêng ngửa

        Thành Sầu không sụp đổ em ơi

Trong bản đánh máy được phổ biến lần đầu với bản in ronéo năm 1959, nhà thơ Bùi Khánh Đản viết “Ta buồn.” Khi tập thơ được in thêm lần thứ hai năm 1960 (vẫn dưới dạng ronéo) kèm theo hai phụ bản (hai bài thơ thủ bút của thi sĩ Đông Hồ, một cho bài thơ của Bùi Khánh Đản, một cho bài họa của Đông Hồ), tiếng “buồn” đã được đổi sang “sầu.” Khi bài thơ được đăng trên tạp chí Bách Khoa số 100 (ngày 1-3-1961), chúng ta cũng đọc thấy “Ta sầu.”  Nhà thơ Bùi Khánh Đản đã thay tiếng “buồn” bằng tiếng “sầu” để ý được mạnh và sâu hơn. Nếu in là “Tôi buồn” (thay cho “Ta sầu”), chúng ta đã đi ngược lại sự lựa chọn của ông.

Trong câu kết, "Có thấy tâm tình gặp gỡ nhau" bị in thành:

Có thấy tình gặp gỡ nhau.

Trong câu thơ trước, cụ Bùi Khánh Đản đã hỏi người đọc:

Đêm đêm đọc lại dòng thơ cũ

Cụ muốn được chúng ta cho biết khi đọc lại những hàng thơ ấy, có thấy “tâm”“tình” (tâm hồn và tình cảm) gặp gỡ nhau hay không? Dùng chữ “tâm” ở đây, ý tác giả rất chân thành. Nếu đổi “tâm tình” ra “tơ tình,” chúng ta tự chứng tỏ là đã quá nông cạn không hiểu nổi điều ấy, hoặc đã không tôn trọng tác giả.

Tóm lại, mới chỉ một bài đầu tiên trong tập thơ mà đã nhiều lỗi đến như thế. Tỷ lệ sai có thể coi là khá cao. Ba câu bị in sai trong tổng số 8 câu, tức 38.5%. Bốn chữ bị thay đổi trong tổng số 56 chữ của bài thơ, tức tỷ lệ 7.14%. Chúng tôi hiện không có toàn thể quyển thơ của ấn bản nguyên thủy in năm 1959 trong tay, nên không rõ tình trạng những bài thơ khác có khả quan hơn hay không. Ước mong vị thức giả nào có cả hai tập thơ sẽ có thể cho một nhận xét đối chiếu thích đáng hơn.

Chúng tôi ghi nhận công lao của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học trong việc tái xuất bản quyển Đường thi trích dịch của hai cụ Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản. Chỉ đáng tiếc là các vị đã không làm theo đúng lời tuyên bố “giữ nguyên dạng bản in cũ.” Như chúng ta đã thấy phía trên, những câu, chữ bị đổi sai đã khiến ý nghĩa của bài thơ, vẻ đẹp của câu thơ, bị giảm đi rất nhiều.

Đưa ra các bản chụp của bài thơ khi xuất hiện lần đầu ở Nam Việt Nam trước năm 1975,  chúng tôi chỉ muốn một bài thơ hay và rất có ý nghĩa của cụ Bùi Khánh Đản được “phục hồi nguyên dạng.” Giới thiệu thêm bài thơ họa của thi sĩ Đông Hồ cùng ít bài họa khác của một vài người yêu thơ lớp sau, chúng tôi chỉ muốn nói: Những lời hay, ý đẹp sẽ được giữ lâu bền. Theo cách nói của cụ Bùi Khánh Đản, mặc dù gặp bao nhiêu cảnh ngộ ngang trái, éo le, tấm lòng của “người trước” vẫn sẽ được chuyển tới “người sau.”

clip_image022

VŨ HUY NGỌC

clip_image024