Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Điều duy nhất phải học từ Jean-Jacques Rousseau

Phạm Toàn

Tác giả bài viết này suy nghĩ rất lâu trong việc chọn đầu đề. Nói ra cái điều duy nhất hay nói chung chung vô thưởng vô phạt điều căn bản, điều vô cùng quan trọng…? Và điều duy nhất phải học hay là nên học, cần học…?

Tại sao lại phải đắn đo như vậy?

Lý do thứ nhất là vì Jean-Jacques Rousseau là con người quá đa tài thuộc lớp người của Thế kỷ Ánh sáng và cũng là Thế kỷ Bách khoa. Bóng của ông lớn quá, nên bài học cũng khó rút ra.

Lý do thứ hai là vì Jean-Jacques Rousseau là con người quá lãng mạn: ông được Giời phú cho sự lãng mạn từ khi ra đời và được nuôi ở nhà trẻ mồ côi, rồi sau đó cũng vì Giời hành nên các con ông cũng phải nuôi dạy trong nhà trẻ mồ côi nốt.

Những đóng góp của ông, ngay cả Khế ước xã hội xuất bản năm 1872 mang tính triết học chính trị, cũng viết như là một bút ký, mở đầu bằng cảm hứng từ Những ngày lưu trú tại Cộng hóa Venise, còn lại đều viết dưới hình thức văn chương, mà cho đến nay vẫn còn được trích học ở nhà trường, để học sinh đến với Rousseau như đến với một nhà văn lãng mạn! [i].

Lý do thứ ba, rất quan trọng, ấy là cách học Jean-Jacques Rousseau của người đời sau với những cách học rất nhiều khi thiếu chính xác và thiếu thiết thực.

Vì vậy, trong bài viết này, tác giả sẽ cố gắng nêu ra cách học Jean-Jacques Rousseau như thế nào là chính xác và thiết thực – dĩ nhiên là từ góc độ nhà giáo dục.

Tư tưởng phát triển tự nhiên

Chắc chắn, vào thời đại Jean-Jacques Rousseau, tư tưởng Tự Do là điều thống soái tư duy và hành động của con người.

Đọc tác phẩm Émile hay là «Về Giáo dục», không suy nghĩ kỹ sẽ thấy Jean-Jacques Rousseau cũng đòi tự do, thậm chí tự do tuyệt đối cho con trẻ.

Đò là một hiểu lầm. Trẻ em sẽ trở thành những con người trưởng thành ăm ắp tinh thần và năng lực tự do. Nhưng con đường đi đến tự do của trẻ em, theo tinh thần của Jean-Jacques Rousseau, là con đường phát triển tự nhiên. Và người lớn, nhà giáo dục trước hết, là những người tổ chức con đường phát triển tự nhiên đó cho trẻ em.

Trẻ em được tổ chức phát triển tự nhiên trong xã hội đi qua con đường của phương thức nhà trường. Phương thức này có những quy định của nó, mà nếu làm đúng thì trẻ em được phát triển tự nhiên, còn nếu không làm đúng thì là thảm họa.

Trong tranh dân gian “Thầy đồ Cóc”, ta chỉ thấy cái vỏ “nhà trường” và chưa phải là phương thức nhà trường đúng nghĩa, do chưa có chương trình và phương pháp. Thầy đồ Cóc dạy chữ cho các học trò lớn và học giỏi, gọi là trưởng tràng và các trưởng tràng này sẽ dạy lại các học trò nhỏ hoặc các học trò dốt.

Rành rành đây là một loại hình nhà trường không tự do và cũng chẳng có phát triển tự nhiên!

Cách mạng công nghiệp ở phương Tây, cùng với phong trào Cải cách Tôn giáo, có phong trào đòi tách Nhà trường khỏi Nhà thờ (phong trào đòi “école laique”). Nhưng nền giáo dục “tiểu học bắt buộc” chỉ mới nhằm tạo ra những công nhân có trình độ Ba âm R – biết đọc (Reading), biết viết (Writing), và thông thạo Số học (Arithmetic).

Đây là một loại hình nhà trường không tự do, vì chỉ nhằm tạo nhân công, (tay làm, hoặc main-d’oeuvre) cho phát triển công nghiệp, và cũng khó mà có sự phát triển tự nhiên – “bút ký” Émile của Jean-Jacques Rousseau đâu có ra đời từ chân không?

Cũng ở Pháp, vào thời kỳ lên ngôi của tầng lớp bình dân, đã có phản ứng trong hình thức nhà trường mang tên là Nhà trường tự do (École libre) do Célestin Freinet chủ xướng. Ở các nhà trường này, học sinh học chữ và cùng giáo viên soạn bài học rồi còn mở luôn nhà in để in “sách giáo khoa” của mình trao đổi với các trường học kiêm nhà in khác. Đó cũng vẫn chưa đúng là phương thức nhà trường nên sự thất bại của Freinet là dễ hiểu. Dễ hiểu vì nó chỉ tự do chứ chưa tự nhiên.

Các loại nhà trường không tự nhiên đó đều có mẫu số chung là việc học tiến hành tùy theo cách giảng giải của giáo viên – và giáo viên thì có “động cơ thi đua” là tạo ra nhiều học sinh đỗ đạt và thuộc nhiều kiến thức.

Phương thức nhà trường với những quy định về tỷ lệ đi học (scolarité, schooling) dưới danh hiệu phổ cập hoặc cưỡng bức, dù thực hiện với những chương trình học cao siêu hoặc thực dụng. Cuối cùng đều đụng vào bức tường rất khó vượt qua: tổ chức cách học của trẻ em như thế nào.

Hình như từ đầu thế kỷ trước, nhà tâm lý học phát triển Jean Piaget là người đầu tiên đã khám phá ra con đường tự học của học sinh kể từ khi chào đời. Phải chăng tư tưởng phát triển tự nhiên của Jean-Jacques Rousseau đã được chào đón bởi nhà tâm lý học xuất thân sinh vật học, nhờ đó mà trường học kiêm viện nghiên cứu mang tên Jean-Jacques Rousseau đã được Piaget cho ra đời ở Genève với chính các con của Piaget là những học sinh đầu tiên?[ii]

Không tìm ra phương pháp học của trẻ em, mọi «cải cách» chỉ là những thay đổi hời hợt bên ngoài sự tự hình thành trí khôn của trẻ.

Với sự khiêm tốn cần thiết, nhóm Cánh Buồm tự thấy mình đã đi đúng đường khi cụ thể hóa được con đường tổ chức cách học của trẻ em qua những thành tựu ban đầu của mình[iii].

Thiết thực biết ơn Jean-Jacques Rousseau

Không cần đi xa và tiêu tốn để học những «cách thức» cải cách giáo dục cầu kỳ xa lạ.

Chỉ cần nắm bắt tư tưởng phát triển tự nhiên của Jean-Jacques Rousseau là đủ.

Chỉ cần áp dụng tinh thần phát triển tự nhiên cho trẻ em Việt Nam, trên mảnh đất văn hóa Việt Nam, và dõi xem trẻ em Việt Nam hưởng ứng như thế nào qua kết quả học tập của các em.

Phát triển tự nhiên có thể nằm trong định nghĩa này: tổ chức hoạt động học tự nhiên của người học theo sự phát triển tự nhiên của đối tượng chiếm lĩnh (khoa học, nghệ thuật, và lối sống) thay cho sự nghe giảng thụ động (không tự nhiên).

Nhưng đó là cả một câu chuyện dài và có khi xa lạ để thực sự học tập và biết ơn Jean-Jacques Rousseau đúng nghĩa với sự đóng góp của con người lãng mạn, con người bách khoa, con người chân thành, con người viễn tưởng vô cùng đáng yêu có tên Jean-Jacques Rousseau.

Hà Nội, 14 tháng 5 năm 2017

P. T.


[i] Đây là một đoạn văn trích đó, thời Pháp thuộc học tại trường Trung học bằng tiếng Pháp:

Thậm chí tôi còn nhớ đã qua một đêm tuyệt diệu bên ngoài thành phố, trên một con đường ven sông Rhône hay sông Saône, vì tôi không nhớ rõ là sông nào. Những khu vườn được đắp cao viền lấy mép đường đối diện. Hôm ấy ban ngày rất nóng; buổi tối thật thú vị; sương xuống làm ẩm lớp cỏ úa héo; không có gió, một đêm yên tĩnh; trời mát mà không lạnh; vầng dương, sau khi lặn, để lại trên bầu trời những làn hơi màu đỏ mà ánh phản chiếu khiến nước mang sắc hồng; cây cối trên các vườn cao đầy chim họa mi hót đối đáp nhau từ cây này sang cây kia. Tôi đi tha thẩn trong một trạng thái ngây ngất, thả cho giác quan và con tim vui hưởng tất cả những cái đó, chỉ thở than đôi chút vì tiếc rằng hưởng thụ một mình. Đắm trong niềm mơ màng êm dịu, tôi dạo chơi rất khuya, chẳng nhận thấy mình mệt lử. Cuối cùng tôi nhận ra. Tôi khoan khoái nằm xuống tấm kệ nhỏ lát trên một kiểu hốc hay ô cửa giả lõm sâu vào một bức tường của vườn cao; các ngọn cây thành đình màn; một con họa mi ở đúng bên trên tôi; tôi thiếp đi trong tiếng hót của chim: giấc ngủ của tôi êm đềm, lúc thức dậy còn êm đềm hơn. Trời đã sáng rõ: mắt tôi, khi mở ra, nhìn thấy mặt nước, màu xanh cây lá, một phong cảnh tuyệt đẹp.

(Những lời bộc bạch, Lê Hồng Sâm dịch, tủ sách Tinh hoa, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2014).

[ii] Xin tham khảo Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh buồm ra đời với sự đỡ đầu của nhà xuất bản Tri Thức: Jean Piaget, Sự ra đời trí khôn ở trẻ (Hoàng Hưng dịch, 2015), Sự hình thành biểu tượng ở trẻ (Hoàng Hưng và Nguyễn Xuân Khánh dịch, 2015), và Sự xây dựng cái thực ở trẻ (Hoàng Hưng dịch, 2017).

[iii] 1/ Nhóm Cánh Buồm đã hoàn thành bộ sách giáo khoa cho hai môn khó nhất Văn Tiếng Việt từ Lớp 1 đến Lớp 9, và đã thực hiện thí điểm khá thành công ở một số địa chỉ.

2/ Bộ sách của nhóm Cánh Buồm là một hệ thống chặt chẽ, có cơ sở lý thuyết không lai căng, thể hiện rõ lý tưởng “Giáo dục có nhiệm vụ tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc”. Hệ thống đó có triết lý Giáo dục rõ rệt như đã được các đại diện của Nhóm là Phạm Toàn, Nguyễn Thị Thanh Hải, và Dương Trọng Tấn báo cáo trước Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc Hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 16 tháng 7 năm 2014: Một nền Giáo dục Tự học – Tự Giáo dục với mục tiêu đào tạo những con người tự học – tự lập – tự nên người.

3/ Bộ sách của nhóm Cánh Buồm được dư luận xã hội quan tâm theo dõi. Một chứng cớ rõ rệt là những cuộc Hội thảo tổ chức đều kỳ hằng năm mang tên Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em (2009), Chào lớp Một (2010), Tự học – Tự giáo dục (2011), Em biết cách học (2012), Cao hơn, Xa hơn, và dễ học 2015), và gần đây nhất Hành trình trí tuệ (2016). Một Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm cũng đã hình thành với ba đầu sách dịch quan trọng của Jean Piaget và Howard Gardner. Sau cuộc ra sách ngày 19 tháng 11 năm 2016, mục Sách mở trên trang mạng Canhbuom.edu.vn chỉ sau một tháng đã được hơn bốn mươi nghìn lượt tải xuống miễn phí.