Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Bờ Bên Kia (kỳ 18)

Lưu Thủy Hương

Chương 18: Phần kết

Gã đàn ông mang họ Dauner ngồi một mình trong góc phòng, lẫn trong đám bàn ghế gãy. Đầu tóc bạc bờm xờm đang cúi thấp xuống gần ngang mép đĩa. Đôi vai rộng nổi gồ lên ở gáy như cái mắc áo bị gãy ở khúc giữa. Bộ quần áo gã mặc trên người tuy bẩn thỉu nhưng không rách rưới tơi tả như những kẻ xung quanh. Tấm khăn mặt bà nấu bếp vừa dúi vào tay gã cũng không quá đen đúa như mấy cái nùi giẻ mà đám trại viên đang sử dụng. Con người này không gợi cho tôi một liên tưởng nào về John Gellert. Khi xưa, tôi chỉ mới năm tuổi, còn John là một gã đàn ông trung niên mạnh mẽ bạo tàn.

Bartmann quan sát vẻ mặt tôi một lúc rồi cất giọng thì thào:

"Mình đi vô. Đang là lúc thuận tiện vì tất cả đều tập trung ở đây và bận rộn chuyện ăn uống. Anh hỏi nhanh những điều cần thiết rồi mình biến đi ngay."

Bartmann đưa tay kéo lại thắt lưng, rồi đẩy cửa bước tới. Tôi đoán, trong lưng gã có lận vũ khí, nhưng chắc là không cần thiết. Bọn người này có vẻ như không đập nổi một con ruồi.

Đúng như tôi nghĩ, đám trại viên vẫn ngồi im khi chúng tôi bước vào. Một vài kẻ ngước cặp mắt đờ đẫn nhìn lên rồi lại cúi đầu xuống đĩa súp. Cái đầu tóc bờm xờm của người đàn ông mang họ Dauner cũng chỉ khẽ lắc lư. Duy nhất có bà nấu bếp là tỏ thái độ hốt hoảng. Bà ta xấn tới, khuôn mặt đỏ ửng:

"Các người vào đây bằng cách nào?"

Bartmann cười ngờ nghệch, trả lời bằng giọng Bayern:

"Bằng cách nào là sao? Chúng tôi đi qua cánh cửa."

Người đàn bà cũng ngẩn ra:

"Thì phải đi qua cánh cửa. Nhưng cửa không khóa sao?"

"Cửa mở chứ. Cửa khóa thì tôi đã không vào được. Tôi phải mang cái bao này về."

Gã mở cái túi vải lôi ra ba chai rượu vang. Mắt người đàn bà sáng rực lên. Tôi không chần chờ, tiến về phía cuối phòng.

Gã đàn ông vẫn ngồi bất động. Mùi hôi hám trong căn phòng kín mít này thật ghê tởm làm tôi chỉ muốn biến ngay khỏi đây. Lão già lẩn thẩn này chắc cũng chẳng còn nhớ gì để tôi mất công tìm hiểu. Tôi ngồi xuống chiếc ghế cáu bẩn trước mặt gã đàn ông, lập tức bắt đầu:

"Chào ông."

Cái đầu tóc bù xù vẫn cúi thấp xuống. Tôi nín thở cố dịch sát vào lão, nói thật nhỏ, thật rành rọt:

"Chào John. John Gellert."

Người đàn ông bất chợt ngẩng đầu lên. Ánh mắt hung tợn lóe lên trên bộ mặt nhăn nheo tàn tạ. Tôi giật mình lùi lại. Nhưng điều đó chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi. Nó thoáng qua rồi lập tức biến mất, nhanh đến độ tôi đâm ra nghi ngờ cảm giác của mình. Bộ mặt người đàn ông trước mặt tôi vẫn ngu dại, ánh mắt đờ đẫn vô tri. Tôi thì thầm:

"John, ông có nhận ra tôi không? Thằng nhỏ Thomas ngày xưa đây."

Cặp mắt đỏ lừ của lão ngơ ngác nhìn tôi. Lão không nhận ra tôi trong bộ dạng ngày nay, hay lão chẳng có liên quan gì đến cái tên John Gellert. Tôi tuyệt vọng hỏi tiếp:

"Ông Dauner, vì sao ông bị bắt vào đây?"

Trong một khoảnh khắc bất ngờ, gã đàn ông mở miệng thì thào. Giọng nói yếu ớt và mệt mỏi của lão già nghe thật thê thảm:

"Tôi phải trả giá quá đắt. Hãy nhìn thân thể tàn tạ của tôi đây."

Lão đưa cánh tay xanh xao lở lói ra trước mặt tôi. Thật là ghê tởm, cả người lão bốc mùi thối rữa. Tôi lùi lại, giữ một khoảng cách cần thiết. Lão già lại thều thào:

"Anh ta đã chết cách đây hơn hai năm."

"Ai?"

"John... Gellert."

Tôi giật mình, hỏi lại:

"Ông bảo có một người tên John Gellert đã chết cách đây hai năm?"

Người đàn ông yếu ớt gật đầu:

"Anh ta vào đây cùng ngày với tôi. Chết trong trận dịch cúm."

"John đã chết rồi." Tôi thất vọng nhắc lại.

Gã đàn ông quan sát vẻ mặt tôi, im lặng một lúc rồi thì thầm:

"Trong phòng hình như có một số giấy tờ và sổ tay ghi chép của John."

"Ở đâu? Sổ ghi chép đó bây giờ ở đâu?"

"Anh là người nhà của John à? Anh muốn lấy giấy tờ và kỷ vật của John?

Tôi gật đầu. Lão già cười như mếu:

"Cho tôi năm euro thì tôi đưa anh đi lấy."

Không biết lão cần tiền làm gì ở chỗ khỉ ho cò gáy này. Tôi vẫn móc bóp đưa lão năm euro. Cặp mắt đờ đẫn sáng lên một thoáng. Lão chộp lấy tờ tiền, nhét vào túi quần rồi vịn thành bàn lảo đảo đứng dậy. Có vẻ như đôi chân lão rất yếu. Phía bên kia phòng, Bartmann lo lắng liếc mắt nhìn sang. Bà nấu bếp vẫn xoắn lấy Bartmann, kể huyên thuyên về chuyện thu hoạch trứng gà gì đó. Lão Dauner vịn tường, ho một tràng dữ dội, khào khào nói:

"Giấy tờ nằm trong phòng. Có một bầy sâu nấp trong phổi tôi, chúng cắn phá ngày đêm."

Bartmann tiến nhanh về phía tôi, vội vã lên tiếng:

"Tôi đi cùng hai người."

Lão già mệt mỏi phẩy tay, trong khi bà đầu bếp ôm ngực cười hềnh hệch:

"Lão ta không đủ sức đi xa hơn năm mét. Phòng lão ngay cạnh đây. Nếu anh thu mua trứng gà thì có thể đến lấy hàng tuần. Còn rượu của chúng tôi, à, được làm từ bánh mì..."

Tôi theo lão Dauner đi qua cánh cửa cạnh bên. Hành lang tối tăm tù mù, vì các ô cửa và lỗ thông gió đã bị bịt kín. Nhưng tôi đoán, đây là lối dẫn về cửa chính. Dauner vịn tường lầm lũi đi về phía trước, vừa ho vừa rên rỉ:

"Có một bầy sâu trong phổi tôi. À, phòng ngay cuối hành lang kia thôi."

Tôi ngạc nhiên lên tiếng:

"Nhưng phòng ông ở cạnh đây."

"Con mẹ đầu bếp ngu xuẩn. Chúng ta đến phòng của John."

Tôi ngại ngùng từ chối:

"Không. Tôi quay lại báo tin cho bạn tôi."

"Suỵt. Đừng để lộ chuyện này. Anh ta bị bắt vào đây vì một vụ án mạng liên quan đến một bà bác sĩ nổi tiếng."

Tôi giật mình, bước vội theo cái bóng xiêu vẹo phía trước.

"Tại sao ông biết?"

"Thì John kể. John chỉ muốn lấy tiền, gã chẳng muốn lằng nhằng gì với con mẹ bác sĩ. Nhưng con mẹ bác sĩ nhà thương điên này có những tính toán ép buộc mà hắn ta không chấp nhận. Ờ, tôi nghĩ, John hoàn toàn không hiểu vì lẽ gì mà bà ta cứ muốn nhận lấy cái chết. Chuyện đơn giản lắm, nhưng bà ta làm rối tung lên. Thỉnh thoảng John cần tiền, thỉnh thoảng John muốn gặp lại thằng nhỏ. Đơn giản vậy thôi. Nhưng thằng nhỏ đã không xuất hiện. Nó không đến là nó tự gây ra cái chết cho mẹ nuôi nó. Đúng không?"

Tôi thấy ớn lạnh sống lưng:

"Không. John mới là kẻ giết người. Thằng nhỏ đó chẳng liên can gì."

"Tầm bậy. Khi John đến bờ hồ, bà ta còn chưa chết. John muốn gặp thằng nhỏ để bắt nó trả tiền cho tội lỗi của nó. Vì nó mà John mất đi một người đàn bà và sa vào cảnh tù tội. Gã cần gặp thằng nhỏ, nhận tiền rồi ra đi. Nhưng mụ nhà giàu ấy không tin như vậy. Và chuyện đó đã xảy ra ngoài dự tính. Đó là sự thật, John từng kể như vậy."

Tôi rùng mình nghĩ đến cái gọi là sự thật trong suy nghĩ một kẻ giết người như John. Và cả gã đàn ông này nữa, cũng đều điên khùng rối loạn nhân cách như nhau.

Con đường hành lang dài hơn tôi tưởng. Từ đây nhìn về cánh cửa phòng ăn chỉ thấy một vùng sáng nhỏ. Dauner lại cất tiếng ho sù sụ, lão đang cố tìm cách kéo cánh cửa một căn phòng. Giọng lão rên rỉ thật thảm não:

"Mọi thứ đều hoen rỉ cả. Tôi cũng không hy vọng sống qua được mùa đông này. John từng sống ở đây rồi chết ở đây. Anh làm ơn giúp tôi mở cái cửa này ra."

Tôi đưa tay thử kéo cánh cửa gỗ về phía mình, nó to dày nhưng không hề nặng nề so với sức của tôi. Chỉ cần kéo thêm một cái, cánh gỗ đã mở ra dễ dàng. Bên trong tối om. Lão Dauner lại ho sù sụ:

"Cái công tắc điện bên phía phải, ngang tầm tay của anh."

Tôi lách qua cửa bước vào phòng, sờ tay lên tường mò mẫm. Không thấy cái công tắc nào. Giữa lúc đó, tôi nghe có tiếng cót két kỳ dị ngay trên đầu. Trong cơn hoảng hốt, tôi vội vàng thụt lùi về phía sau và hét lên:

"John!"

Tiếng thét của tôi bị một tiếng động khủng khiếp cắt ngang. Một vật cực lớn, cực nặng rơi "ầm" xuống ngay trước mặt tôi. Căn phòng vụt tối đen.

Phải mất một phút sau tôi mới hiểu được tình hình. Bàn tay tôi lần mò sờ lên khung cửa, ở đó bây giờ có một tấm sắt bịt kín. Nó được thả từ bên trên xuống bằng một hệ thống khởi động ở bên ngoài. Nếu lúc đó tôi không lùi ngay vào trong phòng mà tìm cách nhảy ra bên ngoài, chắc cánh cửa sắt đã nghiền nát tôi. Điều may mắn nhất thời đó đã cứu tôi thoát chết nhưng đẩy tôi vào cảnh bị giam cầm trong bóng tối. Tôi thử dịch chuyển cánh cửa sắt, nhưng nó đứng im lìm như đã được hàn dính vào khung cửa. Lão già khốn khiếp này đã đánh lừa tôi quá dễ dàng.

Tôi giận dữ đấm lên tấm sắt, hét to:

"Lão già khốn khiếp. Mở cửa ra."

Như chỉ chờ có như vậy, tiếng cười của kẻ ở bên ngoài vang lên khoái trá:

"Thằng nhóc con ngu ngốc. Thomas, mày chưa chết sao? Nhưng ở trong đó, mày cũng không sống quá ba ngày đâu. Thằng bạn của mày cũng vậy. Đồ ngu. Nó tưởng tao không nhận ra nó. Lần trước tới đây nó hỏi mua gà, lần này tới đây nó hỏi mua trứng. Bây giờ tao bán tụi mày cho đám lũ chuột núi, đó là cái chết kinh khủng nhất."

Tôi lo lắng nghĩ tới Bartmann, hy vọng gã biết cách đề phòng để không rơi vào bàn tay độc ác của bọn người điên loạn này. Tôi ngước mắt nhìn quanh, căn phòng này chắc là nhà giam, không có cái cửa sổ nào. Tường vôi phẳng phiu bốn mặt. Không bàn ghế, giường chiếu. Chỉ có một cái đống gì đen thui trong góc. Ánh sáng xuyên qua lớp ngói hư hỏng bên trên cao đủ cho tôi nhìn ra tình cảm bi thảm của mình.

Giọng nói hung tợn của lão già lại vang lên. Tôi sững người lắng nghe. Trong bóng tối, đó chính là giọng nói của gã đàn ông đã từng làm tôi sợ hãi. Giọng nói của John Gellert. Bây giờ lão già không thều thào và ho sù sụ nữa, lão hằn học nguyền rủa:

"Thằng cục c. Chính mày đã giết chết hai mụ đàn bà ngu xuẩn đó. Bây giờ mày sẽ lãnh bản án tử hình. Tao là chánh án, là công tố viên, là người đứng đầu luật pháp của xử sở này."

Lão cười sằng sặc, cười đến độ bật ho. Lần này tôi chắc lão ho thật. Tôi đi loanh quanh theo dọc mấy bức tường, quan sát kỹ lưỡng căn phòng và tìm cách giữ chân lão già. Ở bên ngoài tôi vẫn còn có Bartmann và Yilmas.

"John. Ông đã giết chết mẹ ruột và mẹ nuôi của tôi. Nếu tôi ra được khỏi đây, tôi sẽ đấm vỡ mặt ông."

"Thằng nhóc. Chính mày đã giết Nora. Lẽ ra cô ta phải đưa mười DM đó cho tao mua rượu, đằng này cô ta lại bảo: Thomas muốn có một con chó. Tôi cứ bỏ nhà đi suốt, thằng bé cần có con chó làm bạn. Đồ ngu. Tao cần rượu và tao không thích chó."

Lời nói của John như cú đấm tống thẳng vào ngực tôi. Cơn đau từ đó lan ra làm tôi đứng chết sững. Bây giờ tôi mới nhớ, mẹ tôi tên là Nora. Tiếng nói của John cứ nhỏ dần đi, cho tới lúc tôi nghe gã hét lên giận dữ.

"Thằng cục c, mày còn trong đó không? Lẽ ra tao giết mày chứ không giết Nora, vì tao cần cô ta. Nhưng con đàn bà ngu xuẩn đó vì mày mà cản trở công việc của tao."

Tôi không trả lời gã. Bóng dáng mẹ tôi bảng lảng hiện ra trong bóng tối miền ký ức. Bên khung cửa sổ sụt sùi mưa, mẹ cúi đầu nhìn xuống hai bàn tay nứt nẻ: "Thomas, mẹ vừa bị mất việc ở cửa hiệu giặt ủi. Nếu tháng sau tìm ra việc làm mới, mẹ sẽ mua cho con một con chó." Nước mắt tôi chảy ràn rụa trên má, nhưng tôi không còn thiết tha gì đến chuyện gạt nước mắt. Tôi đứng lặng như vậy một lúc, cố níu giữ hình ảnh mong manh của mẹ.

Bên ngoài John lại cất tiếng chửi rủa. Tôi chậm chạp quay trở về với thực tại, nghẹn ngào nói:

"Mười DM thời đó bằng đúng năm euro tôi vừa đưa cho ông. Chỉ vì số tiến nhỏ nhoi đó mà ông giết chết mẹ ruột tôi. Rồi cũng vì tiền mà ông giết cả mẹ nuôi tôi."

Giọng John vang lên giận dữ:

"Có một thứ công lý nào khác không? Có một thứ công lý nào cho bọn đàn bà ngu ngốc? Và những thằng luôn gây phiền nhiễu như mày? Nếu khi đó tao giết mày thì mọi chuyện đã không tồi tệ như bây giờ. Tại sao Nora lại cản trở tao. Con mẹ bác sĩ cũng vậy. Bây giờ mày lãnh án tử hình là đúng theo công lý. Tao là chánh án, là công tố viên, là người đứng đầu luật pháp của xử sở này."

"Tôi sẽ ra khỏi đây và đấm vỡ mặt ông."

John cười sằng sặc:

"Mày sẽ không bao giờ ra khỏi chỗ này. Cái trục quay cửa sắt đã bị hư hỏng. Không ai xoay nổi nó."

Tôi ngước mắt nhìn lên cao. Nếu Bartmann tới cứu, tôi sẽ nói gã leo lên nóc nhà thả dây xuống dọc vách tường. Chỗ thấp nhất khoảng độ năm mét, tôi dư sức leo lên."

Đột ngột có tiếng súng nổ từ xa vọng tới, tiếng người la văng vẳng. Tôi hoảng hốt la lên:

"Có chuyện gì vậy? Tôi bị nhốt ở đây. Ông Bartmann? Ông Bartmann!"

Không ai trả lời tôi. Tiếng chân lão già chạy lạch bạch, xa dần. Lòng tôi bấn loạn, nếu hai kẻ bên ngoài có mệnh hệ gì thì tôi sẽ không thoát được khỏi đây. Thời gian chậm chạp trôi đi, ánh sáng trên cao rọi xuống yếu dần. Mùa này trời bắt đầu tối sớm, hôm nay u ám chuyển mưa e rằng năm giờ chiều đã nhập nhoạng. Tôi mở di động xem đồng hồ, ba giờ ba mươi. Chỉ mới nửa giờ trôi qua mà tôi tưởng bằng cả thế kỷ. Trong máy tôi có số di động của Bartmann, nhưng tôi biết mình không được phép gọi gã. Nếu gã đang nấp ở đâu thì tiếng chuông reo sẽ là một lời tố cáo. Nhưng một người cẩn thận như Bartmann chắc chắc đã khóa chuông trước khi tôi đột ngột gọi đến. Không biết bây giờ gã ta đang làm gì bên ngoài. Tôi sốt ruột đi tới đi lui, gõ tay lên khắp nơi trên vách tường, vẫn không tìm ra một cánh cửa bí mật nào. Căn phòng này bị cách ly với thế giới bên ngoài, những tiếng động nhỏ không lan được tới đây. Chỉ có một không gian yên ắng rợn người.

Bỗng rồi có những tiếng hét vang lên thật gần. Tiếng hét đầy kích động của rất nhiều người. Tiếng chân chạy rầm rập bên ngoài.

Ai đó gào lên:

"Mau chiếm dãy nhà kho."

Nhiều người cùng la lên:

"Đốt cửa. Đốt cửa ra vào."

Không biết bọn người này là ai. Họ nói cửa ra vào nào. Nếu họ đốt cửa chính thì tôi bị thiêu sống sớm nhất. Tôi bấm số di động của Bartmann. Có tiếng chuông reo nhưng không ai bắt máy. Tôi gọi liên tục nhiều lần cho đền khi nghĩ ra sự thật kinh khủng. Gã thám tử đã chết.

Yilmas không biết tôi bị dẫn vào đây. Tôi lại không có số di động của Yilmas, thật là bất cẩn. Có khi tay vệ sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ này cũng đã bị giết chết.

Giờ đây tôi phải tìm cách tự cứu mình. Vách tường thẳng đứng trơn láng, không chỗ nào bấu víu. Tôi thử bám mấy khe nứt leo lên mà cứ bị tuột xuống. Chúa ơi. Trong căn phòng này lại không có một thứ vật cứng nào, một cái chân ghế gãy cũng không có. Cái đống đen thui trong góc phòng chỉ là đám chăn mền mốc meo. Tôi đấm mạnh lên tường, nó vẫn đứng im không rung chuyển. Tôi thử co chân dùng hết sứ đạp, cổ chân trái bị trặc cách đây mấy tuần giờ lại đau thốn, bức tường vẫn đứng sừng sững. Tôi lại dùng đầu chìa khóa xe cào lên mép cửa, hy vọng có một cái ngách hay một cái chốt nào đó. Tuyệt đối không. Cánh cửa sắt nằm vừa in trong cái khung sắt, không có một khe hở nào. Tôi dùng đèn pin của máy di động rọi lên cánh cửa. Nó đứng đó bằng phẳng kiên cố như được đúc dính vào bức tường đá.

Máy di động trên tay tôi bỗng rung lên dữ dội. Tên Bartmann hiện ra trên màn hình. Tôi mừng rỡ bấm máy, hét lên:

"Bartmann. Anh... còn sống à? Tôi bị nhốt vào trong này."

"Phòng nào? Ở đâu?" Tiếng Bartmann bình tĩnh vang lên.

"Phòng cuối hành lang. Bên phải."

"Được. Tôi đến ngay đây."

Bên ngoài bỗng có tiếng nổ dữ dội, cứ như là đạn pháo gì đó. Rồi những tiếng bùng bùng như là đám cháy. Qua một lúc, ánh sáng trên nóc rọi xuống từ từ ửng màu lửa đỏ. Tôi sốt ruột đi tới đi lui trong phòng. Mùi khói khét lẹt cũng bắt đầu tràn xuống. Bartmann vẫn chưa thấy xuất hiện. Tôi nắm chặt di động trong tay than thầm, nếu bây giờ gã thám tử gọi xe chữa lửa thì ba bốn ngày sau hay có khi cả năm sau họ mới tới được chỗ này.

Có ai dộng ầm ầm lên cánh cửa sắt, tiếng Bartmann vang lên khẩn cấp bên ngoài:

"Tôi đây. Anh ở trong này, đúng không?"

"Đúng. Đúng. Ở trong đây. Có cái cần trục bên ngoài nhưng nó đã hư hỏng."

Tôi đập tay lên cánh cửa báo vị trí. Hơi ấm tỏa ra trên tấm kim loại làm tôi giật mình. Hành lang bên ngoài cũng đang cháy. Tôi kêu to:

"Ngoài đó cũng đang cháy à?"

Giọng Bartmann nhỏ dần:

"Tôi đang dò tìm cần trục. Phải có..."

Tôi lại chạm tay lên tấm sắt và đoán rằng bên ngoài đang nóng dần. Mẹ ơi, lửa cháy tới nơi rồi làm sao mà ra.

"Bartmann. Anh có thể thả dây từ trên nóc xuống không?"

Thình lình bên trên có tiếng cọt kẹt. Bartmann hét lên:

"Tránh ra. Tránh khỏi cánh cửa. Mẹ kiếp."

Tôi lùi lại trong khi cánh cửa chậm chạp chuyển động. Nó nhích dần lên cao, hơi nóng và ánh sáng đỏ tràn vào phòng. Khi khoảng trống đến ngang đầu gối tôi, tiếng Bartmann vang lên ngắt quãng:

"Chui qua nhanh. Chui qua. Tôi hết sức rồi."

Tôi không kịp suy nghĩ, nhoài người về phía trước, phóng ra bên ngoài. Khi cặp chân tôi vừa co lại, thân hình cuộn tròn lăn trên hành lang, tiếng động dữ dội phía sau đã vang lên. Cánh cửa vừa được thả xuống. Đầu hành lang phía nhà ăn đang cháy hừng hực, lửa lan dần tới nơi này như con rồng dữ. Mái nhà bên đó bắt đầu sụm xuống ầm ầm. Những tiếng la náo động vang lên từ mọi hướng, kinh khủng nhất là những tiếng la hấp hối trong đám lửa cháy. Bartmann từ trong đám khói phóng tới, mặt mày nám đen:

"Đi. Chạy ra hướng này."

Chúng tôi chạy ra cửa chính. Cánh bị chặn bằng thanh gỗ lớn. Bartmann và tôi tì vai đẩy thanh gỗ ra. Cửa chưa mở mà những tiếng ồn ào bên ngoài đã tràn vào. Bartmann thận trọng nhìn qua khe cửa. Gã nói rành rọt:

"Nghe đây. Bọn nổi loạn đang vây khu vực phía trước này chờ người chạy ra. Chiếc xe của tôi đậu bên ngoài đã bị họ đốt cháy, ngay khi vừa tấn công. Tôi với anh chỉ còn cách xông ra vượt vòng vây, chạy bộ ra cổng và băng đường rừng về. Những người này chỉ có gạch đá và không đủ sức khỏe để đuổi theo."

Tôi vội vã gật đầu. Lửa phía sau đã tràn tới nóng rực. Mái nhà bên trên này cũng rung rinh chuyển động. Bartmann vẫn bình tĩnh nói tiếp:

"Tôi sẽ ném flashbang về phía họ. Anh đứng úp mặt vô tường, nhắm chặt mắt, bịt kín hai tai lại. Chờ khi có hiệu lệnh thì phóng theo tôi."

Tôi nhanh nhẹn làm theo lời Bartmann, đứng úp mặt vô tường, nhắm kín mắt, bịt kín tai. Khoảng vài giây sau, một tiếng nổ lớn, xoáy vào tai tôi làm chất dịch trong hai lỗ tai như đông cứng lại. Đầu tôi váng vất gần như mất hết cảm giác. Một thoáng nào đó, có người thúc vào vai tôi và hét lên:

"Chạy. Chạy theo tôi."

Tôi mở mắt ra, lảo đảo phóng theo Bartmann. Bên ngoài lác đác mấy bóng người đang ngồi bệt trên đất, khuôn mặt ngơ ngác. Bộ dạng họ thật kinh khủng. Đó là những bộ xương người khoác mớ áo quần rách tơi tả. Họ bị ánh sáng và âm thanh của trái flashbang làm mất phương hướng, hóa mù và điếc trong chốc lát. Một người tóc dài, nhưng không rõ là đàn ông hay đàn bà, bộ dạng như zombi. Người đó ngồi ngay trước mặt tôi, há cái miệng đen ngòm không răng, từ đó phát ra những tiếng kêu thú vật ghê rợn.

Bartmann quay lại kéo tay tôi:

"Chạy. Đừng nhìn họ."

Tôi hốt hoảng phóng theo Bartmann. Vài người ở phía xa, không bị ảnh hưởng của flashbang bắt đầu phát hiện ra chúng tôi. Họ hét lên giận dữ, cầm gậy gộc xông tới. Một viên gạch vụt qua đầu tôi. Một khúc gỗ rớt trước mặt. Chúng tôi cắm đầu chạy cho đến khi những tiếng la nhỏ dần. Cổng vào vẫn còn chưa hiện ra, nhưng cổ chân trái của tôi giờ đây đau dữ dội. Đôi giày thể thao rẻ tiền đã sút mất phần đế phía sau. Tôi gần như lết đi thất thểu. Bartmann chạy trước một khoảng khá xa, phát hiện ra sự chậm chạp của tôi. Anh ta quay đầu chạy ngược lại, lo lắng hỏi dồn:

"Sao? Anh bị thương à? Chân trái anh bị gì?"

Tôi bám vào tay Bartmann, cố nén đau đớn:

"Cổ chân trái bị trặc. Chỉ đau chút đỉnh."

Bartmann không trả lời, ánh mắt anh ta nhìn sững về phía sau lưng tôi. Tiếng máy xe từ sau vọng tới. Tôi quay đầu lại, khinh khiếp nhận ra, từ trong vùng lửa cháy đỏ của dãy nhà văn phòng hiện ra hai ánh đèn pha sáng chói. Một chiếc xe hơi đang mở máy phóng hết tốc lực về phía chúng tôi.

Tay thám tử đẩy tôi sang bên lề đường, gã đứng sững giữa đường chăm chú nhìn về phía chiếc xe, bàn tay phải của gã đặt lên thắt lưng.

Giữa lúc đó, tiếng còi xe bắt đầu vang lên chập đôi. "E... e..." "E...e...".

Khuôn mặt Bartmann bất chợt giãn ra:

"Đó là Yilmas."

Chiếc xe giảm tốc độ rồi dừng lại ngay cạnh Bartmann. Tôi nhận ra chiếc kombi giao hàng màu xám đậu ở sân sau. Yilmas ló đầu ra, hối thúc:

"Lên nhanh đi. Không biết bọn nổi loạn có đóng cổng chính chưa."

Bartmann vừa giúp tôi lên xe, vừa an ủi:

"Ra đến đường nhựa, tôi sẽ xem lại cái chân của anh."

Tôi lo lắng đến nỗi không còn cảm thấy đau đớn gì. Trời chiều bắt đầu xâm xẩm tối. Bartmann dõi mắt qua cửa xe, nhìn đăm đăm về phía khu nhà đổ. Cổng chính vẫn mở toang như khi vào. Chiếc xe chạy qua cây cầu gỗ, qua nghĩa địa hoang rồi tiến vào con đường núi. Khi ấy Bartmann mới lên tiếng với Yilmas:

"Cậu làm cái quái quỷ gì mà lâu vậy?"

Yilmas cười hề hề:

"Nhờ vậy mà lấy được chiếc xe này. Nếu không, bây giờ tụi mình còn loay hoay trong trại."

"Tại sao chiếc xe vẫn còn đậu ở đó?" Bartmann hỏi.

"Là vì tụi nó đã giết người đưa hàng. Nhưng cũng may là không phá hủy chiếc xe."

Bartmann và tôi đều giật mình. Gã thám tử hỏi:

"Anh có tìm được xác không?"

"Tôi tìm được xác anh ta ngay khi mới vào. Giá như không nhìn thấy thì tốt hơn. Anh ta bị xẻ thịt. Cái xác trong bếp chỉ còn phần trên. Nhưng tôi tin đó là người giao hàng vì khuôn mặt anh ta trẻ trung và béo tốt hơn những kẻ trong trại."

Tôi nghĩ đến món súp "thịt bò thứ thiệt" của bà đầu bếp, bỗng thấy nhộn nhạo buồn nôn. Khuôn mặt Yilmas trong kính chiếu hậu cũng trắng bệch. Anh ta lắc đầu, kể tiếp:

"Sau khi giúp anh xoay cần trục kéo cánh cửa sắt lên, tôi phá cửa sổ chuồn ra bên ngoài. Nhìn đám phạm nhân ốm đói tiều tụy đó, tôi đoán các anh sẽ không gặp khó khăn gì, nên tôi quay lại lấy xe. Ở cạnh chiếc xe cũng có vài tên phạm nhân, tôi lại không có chìa khóa nên phải loay hoay mất một chút thời gian."

Tôi hỏi xen vô:

"Đám phạm nhân này là ai? Tôi tưởng trại này chỉ có mười người sống trong khu văn phòng."

"Đó là đám người bị bọn trại viên trong văn phòng xua đuổi. Họ sống lẩn lút trong những khu nhà đổ bên ngoài, tình trạng thiếu đói rất khủng khiếp. Cuộc tấn công quy mô và cuối cùng này sẽ chấm dứt sự tồn tại của một trại dưỡng lão."

Tôi nghĩ đến quang cảnh cháy đỏ hoang tàn phía sau và những con người không còn là con người. Giờ này có lẽ bọn họ đã thanh toán hết nợ nần. Đám người trong văn phòng chắc chẳng ai thoát chết. Yilmas và Bartmann tiếp tục trao đổi với nhau về chuyện vừa rồi. Tôi hiểu chung chung rằng, Bartmann bị bà nấu bếp lừa vào một gian phòng có cửa sập. Cũng như tôi, anh ta bị nhốt trong đó, nhưng nhờ liên lạc được với Yilmas mà Bartmann được cứu ra ngoài. Tôi bắt đầu ngáp, cố hỏi xen vào:

"Vậy là anh gọi di động cho Yilmas. Nhưng tôi gọi anh thì không được."

Bartmann quay lại nhìn tôi ân hận:

"Xin lỗi anh. Tôi thấy tên anh hiện ra thì biết là anh vẫn còn sống. Khi đó, khu văn phòng đột ngột bị tấn công nên tôi không kịp liên lạc với anh. Bọn này có chủ đích trước, vừa kéo đến nơi đã quyết liệt nổi lửa. Tôi bị đám người trong văn phòng chận lại ngay hành lang, họ nghĩ là tôi làm nội gián cho đám bên ngoài tấn công vào."

"John cũng ở trong số đó?"

Bartmann gật đầu:

"Ông ta ở trong số đó. Vì tôi và Yilmas trấn giữ lối bên cửa chính nên họ tìm cách băng ngược ra cửa sau. Khu vựa đó tuy cháy lớn nhưng không có người bao vây."

Tôi nghe được đến đó thì mơ màng nhắm mắt lại. Hình ảnh tên sát nhân hiện ra trong lửa đỏ, nhưng mảnh puzzle vẫn còn trống lỗ chỗ. Ngày hôm nay như vậy là quá đủ. Tôi không muốn hỏi Bartmann thêm những chuyện khác. Anh ta sẽ nhận được số tiền công hậu hĩnh và tôi đã có được điều mình muốn biết cùng những trải nghiệm mạo hiểm đắt giá. Có thể ngay đêm nay Bartmann sẽ báo cảnh sát chiếc xe BMW của gã bị đánh cắp và chiếc xe kombi giao hàng này sẽ được bí mật bán qua Ba Lan. Những người này có vô số cách để xóa dấu vết.

Họ đánh thức tôi dậy khi phải đổi xe ở gần Dresden. Yilmas lái xe vào một ga ra hẻo lánh, trò chuyện gì đó với một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi biết một ít tiếng Thổ, nhưng không muốn để ý nghe họ nói gì. Vụ này biết càng ít càng khỏe. Bartmann đưa tôi sang một chiếc VW passat. Tôi ngồi ở ghế trước, ngả người ra sau tiếp tục ngủ như chết. Khi chúng tôi về đến Berlin, đồng hồ chỉ chín giờ đêm. Gã thám tử chở tôi thẳng đến nhà người quen nhờ chăm sóc cổ chân cho tôi. Nó chỉ sưng tấy một chút do bong gân. Bà chuyên viên vật lý trị liệu dán cho tôi mấy miếng băng kinesiology màu đen và màu hồng, dặn dò cẩn thận:

"Tối nay anh phải chườm nước đá và nhớ ngày mai đi khám bác sĩ."

Tôi nuốt vội miếng bánh mì hamburger, gật đầu cười. Mấy lớp băng dán trên chân làm tôi thấy thư giãn và đỡ đau. Hai ổ bánh mì của McDonalds cũng làm bao tử tôi ấm lại. Vừa bước ra khỏi nhà người quen, Bartmann đã cười chế nhạo:

"Con mẹ này chỉ chuyên dán băng keo lằng nhằng. Nhưng giờ này chở anh vào nhà thương cấp cứu thì họ giữ anh lại cho tới sáng mai. Có thể sau đó lại phiền hà thêm vì cảnh sát."

Tôi dừng lại, xoay thử cổ chân:

"Không, tôi chẳng thích gì chuyện vô nhà thương. Mấy cái băng này tôi thấy xuất hiện đầy trên ti vi. Olympia, tennis, đá banh... Không ngờ nó nó mang lại cảm giác thật dễ chịu."

Bartmann cười lớn:

"Chắc là yếu tố tâm lý. Nói vui với anh. Thật ra người Nhật phát minh ra nó dựa trên hai yếu tố khác. Thứ nhất, tạo sự khích thích trực tiếp các thụ thể dưới da bằng cách dựa vào sức kéo của mặt băng dán, để tạo ra những mô lượn sóng, nhằm nâng cao sự lưu thông máu và bạch huyết bên dưới. Thứ hai, các băng dán có tác dụng định vị tọa độ. Từ trong vô thức, bệnh nhân có cảm nhận rõ ràng hơn vị trí của bắp cơ và dây chằng bên dưới khu vực dán, dẫn đến những cử động dung hòa, tương ứng nhằm giảm bớt áp lực cho các bộ phận bị chấn thương."

"Thật thú vị. Còn màu sắc thì sao?"

"À. Để hiểu được việc điều trị bằng màu sắc, anh cần phải có một trí tưởng tượng đặc biệt: đỏ thì tăng lưu thông máu, xanh thì thư giãn... Nó nhảm nhí như là, nếu anh mặt quần lót đỏ thì sinh lực và khả năng tình dục của anh sẽ tăng lên."

Tôi vừa cười vừa ngáp. Ví dụ của Bartmann làm tôi nhớ đền bộ đồ ngủ màu đỏ của Vi. Nàng quyến rũ mê hồn trong màu áo đỏ. Sau giấc ngủ dài trên xe tôi vẫn còn thấy mệt mỏi. Nếu bây giờ đặt lưng nằm xuống tôi sẽ đánh luôn một giấc không mộng mị tới giữa trưa. Sau đó nhất định phải đi ăn một bữa thật no. Tôi nghĩ đến một tiệm ăn ở Postdammer Platz, đồ biển Tây Ban Nha ở đó ngon tuyệt. Nếu rủ được Vi đi ăn chung thì vui biết mấy. Nhưng biết Vi ở dâu mà tìm.

*

Tôi mở cửa bước vào căn hộ. Có một thứ gì đó không bình thường trong căn phòng mà qua vài giây tôi mới nhận ra. Chốt cửa đã không khóa hai vòng như tôi vẫn làm. Mùi vị và hơi thở của một kẻ thứ hai tản mát trong không khí.

Cánh cửa phòng ngủ mở toang báo hiệu một sự đột nhập. Cánh cửa này luôn được khóa lại khi tôi bước ra khỏi nhà, đó là thói quen từ khi còn sống cạnh Moni. Tôi rón rén, nép mình theo vách tường lần vào phòng ngủ. Những trải nghiệm sóng gió ngày hôm nay làm tôi trở nên quả cảm và nhạy bén.

Một cái va li màu đen của ai nằm trong góc phòng.

Một người lạ nằm trên giường ngủ của tôi.

Tim tôi thắt lại nghẹn ngào. Trong bóng đêm, tôi vẫn nhận ra người ấy. Hương thơm dịu ngọt của nàng. Mái tóc đen mượt mà của nàng. Mái tóc vừa gội còn hơi ướt xõa mịt mùng trên gối. Vi đắp mền cao đến ngang cổ, nhưng tôi biết, bên dưới tấm mền bông là thân mình mềm mại trong bộ đồ ngủ màu đỏ. Bằng cách nào mà Vi vào được đây?

Tôi bước rón rén đến bên giường, ngắm nhìn khuôn mặt xanh xao của Vi trong giấc ngủ. Đôi chân mày nàng hơi cau lại. Vi có vẻ tiều tụy và lo âu. Bàn tay tôi rụt rè chạm vào tóc Vi, thèm khát được đặt môi mình lên đó. Nhưng Vi ngủ say và tội nghiệp làm sao. Tôi thở dài bước ra ngoài và khép cửa lại. Đêm nay tôi sẽ ngủ trên sofa trong phòng khách, lần đầu tiên ngủ chung nhà với Vi mà không thấy sợ hãi.

Con dao cắt cà chua vẫn sẽ nằm yên trên giá treo. Một buổi sáng yên bình sẽ tìm đến.

*

Nửa đêm, tôi giật mình thức giấc. Chiếc bóng vừa lướt qua, thổi vào mặt tôi một làn hơi lạnh. Ai? Suýt nữa thì tôi hét lên. Màu đỏ lóe lên dưới ánh trăng làm lưỡi tôi cứng lại. Đó là Vi. Đó chỉ là Vi thôi mà.

Dần dà tôi mới nhớ lại chuyện đêm qua. Vi ngủ qua đêm ở đây và bây giờ cô ấy ở trong nhà bếp. Tôi định nhắm mắt ngủ tiếp, nhưng những tiếng động nho nhỏ trong bếp làm tôi khó thư giãn. Căn phòng vẫn tối thui. Ánh trăng vàng vọt từ hướng của bếp soi lên tường những mảng đen chuyển động chập chạp. Đó là cái bóng của Vi. Cô ấy làm gì trong gian bếp tối thui. Cánh cửa sổ bếp vừa bị ai mở ra. Gió lạnh từ hướng đó đang tràn vào phòng khách.

Tôi lo lắng đi vào nhà bếp. Chúa ơi, Vi đang ngồi cheo leo trên bệ cửa sổ bên ngoài. Kiểu ngồi chơi kỳ dị của Vi làm tôi thắt tim. Đây là tầng bốn, lỡ xẩy chân té xuống là tiêu tan. Tôi định gọi Vi, nhưng một suy nghĩ lạ lùng giữ miệng tôi lại. Có vẻ như Vi bị mộng du, tiếng kêu của tôi sẽ làm Vi hoảng hốt tỉnh ngủ và rơi xuống đất.

Trời bên ngoài bắt đầu mưa, nước từ thành cửa sổ nhà bên trên đổ ào ạt xuống người Vi. Còn tôi thì cứ đứng loay hoay bên trong này, không biết làm cách nào đưa Vi vào. Tấm áo đỏ của Vi ướt sũng và sẫm lại. Dường như nước mưa lạnh dần dà cũng làm Vi tỉnh ra. Nàng xoay người lại. Suýt nữa thì tôi hét lên vì sợ Vi rớt xuống đất. Nhưng Vi leo trở vào rất thành thạo, rõ ràng không phải lần đầu Vi làm chuyện này.

Vi đi chân không trên thềm, lần mò đến bên bàn ăn, mắt đăm đăm nhìn vào giá treo dao. Cặp mắt Vi trong veo hướng về những con dao sắc. Đừng. Đừng, Vi ơi. Tôi sợ hãi kêu thầm. Bàn tay xanh xao có những cái ngón thật dài của Vi lần trên giá, tìm đúng con dao cắt cà chua. Nàng từ từ rút nó ra, đưa lên ngang tầm mắt. Dưới ánh trăng đôi mắt của Vi trống rỗng vô hồn thật dễ sợ.

Trong một phút bất ngờ, Vi đâm mạnh con dao xuống mặt bàn. Cử động của Vi nhanh gọn và chính xác đến không ngờ. Con dao lóe sáng cắm sâu xuống mặt bàn gỗ. Tôi hoảng quá hét lên xông tới bên Vi. Tiếng hét của tôi làm Vi giật mình, ánh mắt nàng lóe sáng như ánh dao.Khuôn mặt nàng trắng bệch, xa lạ và ma quái.

Tôi đứng sững lại, đưa tay về phía Vi, sợ hãi gọi nhỏ:

"Vi. Đừng... sợ."

Vi bỗng xoay người thật nhanh. Tôi còn chưa kịp phản ứng thì bàn chân trái của nàng đã lướt đến như vũ bão. Mặt tôi vỡ tung ra. Bóng đêm vụt đổ xuống.

*

Tôi tỉnh dậy khi ánh ban mai len lỏi vào gian bếp. Trời bên ngoài vừa hửng sáng. Tôi nằm lăn lóc trên sàn nhà, nửa bên trái của khuôn mặt đau dữ dội. Quai hàm như đã long ra, mấy cái răng chắc đã rụng hết, đầu óc váng vất. Trong cơn hoảng hốt, tôi ngồi bật dậy. Đây là căn phòng bếp màu vàng chanh của tôi. Trên bàn ăn con dao cắt cà chua hiện ra sừng sững, một phần ba lưỡi dao cắm sâu xuống mặt gỗ. Tôi mò đến bên bàn, thử rút con dao ra, nhưng nó dính cứng ngắt. Hình ảnh của Vi khi phóng dao hiện ra trong mắt tôi. Hành động đó không chỉ dứt khoát, nhanh gọn mà còn mang một sức mạnh ghê hồn. Không ngờ, một phụ nữ Á Châu mảnh mai xinh đẹp như Vi lại sử dụng dao thành thạo như vậy. Ban ngày Vi làm gì mà ban đêm, trong giấc chiêm bao, nàng sử dụng dao? Chẳng lẽ ban ngày Vi luôn bận rộn với dao nhọn? Chưa bao giờ tôi hỏi Vi làm nghề gì. Có thể cô ấy làm nghề cắt bánh ngọt, cắt sushi. Hay xắt rau cải thịt cá trong nhà hàng Tàu?

Cú đá chân trái của Vi cũng thật kinh khủng. Không ngờ, một phụ nữ Á Châu mảnh mai xinh đẹp như Vi lại sử dụng bạo lực dã man như vậy. Tôi vừa há miệng ra định chửi Vi đã thấy đau thốn. Hôm nay tôi định đi bác sĩ khám cổ chân, không ngờ rồi khám luôn cả quai hàm. Thật không ngờ. Không ngờ, Vi lại ra đòn sát thủ như vậy với một người đàn ông yếu đuối không phương tự vệ. Nếu con dao còn cầm trong tay, chắc Vi đã đâm cho tôi một nhát lủng tim. Thật ghê rợn. Tôi thầm nguyền rủa Vi. Tôi nguyền rủa tất cả những người phụ nữ Á Châu mảnh mai xinh xắn.

Nửa bên mặt trái của tôi vẫn đau nhức không chịu nổi. Vỉ thuốc paracetamol nằm trong tủ đựng dao cạo râu. Tôi lảo đảo lần mò vào nhà vệ sinh tìm thuốc uống và kiểm tra lại mức độ thương tật của mình. Chắc chắn tôi sẽ kiện Vi ra tòa đòi bồi thường tiền đau đớn.

Ánh đèn trong phòng vừa bật sáng, một hình ảnh gớm ghiếc hiện ra trước mắt tôi.

Ai đã dùng son đỏ vẽ trái tim bị dao đâm trên tường. Màu son đỏ chót trên nền gạch men trắng thật kinh dị. Chúa ơi, Vi định đâm lủng trái tim tôi thật. Hình ảnh đe dọa nằm rành rành ra đó. Hai đứa đâu có thù oán gì nghiêm trọng, sao Vi lại nỡ ra tay tàn khốc. Cây son đỏ của Vi còn nằm lăn lóc trên nền nhà kia kìa.

Nếu Bartmann có ở đây, anh ta sẽ giải thích rành rọt là: "Cô ấy lên chương trình hành động ở đây rồi đi ra phòng khách, định đâm chết anh nhưng không có dao." Đúng vậy, Vi vào nhà bếp tìm dao nhưng vì lý do gì đó mà Vi leo ra cửa sổ. Khi phát hiện ra tôi, Vi liền hạ độc thủ, định đá tôi bể đầu. May mà tôi chịu đựng được cú đá của Vi nên chỉ bể quai hàm. Suy nghĩ này làm tôi thấy tự hào chút đỉnh, nhưng nó khẳng định một điều ghê rợn: Vi là một người phụ nữ vô cùng độc ác.

Bartmann sẽ nói gì? Gã sẽ đặt ra hàng loạt nghi vấn:

"Anh biết gì về cô ta?"

"Một người phụ nữ với cái tên giả."

"Một người phụ nữ không rõ nghề nghiệp."

"Một người phụ nữ tuy có chỗ cư ngụ nhưng vẫn có thể vô gia cư. Thỉnh thoảng phải đến nhà người khác ngủ nhờ."

"Nghiêm trọng hơn hết, cô ta sử dụng bạo lực rất chuyên nghiệp và ác hiểm."

Mẹ ơi, một thứ bạo lực giết người. Không ngờ bao lâu nay tôi thầm yêu một người đàn bà như vậy. Tôi tưởng phụ nữ Á Châu hiền dịu ngọt ngào, không ngờ lại có kẻ điên loạn bạo lực đến mức ác hiểm trầm trọng. Nhẫn tâm giết chết người tình. Đàn ông Âu Châu mê phụ nữ Á vì lẽ gì? Vì lẽ: họ hiền lành, ngoan ngoãn, luôn phục tùng và chăm chỉ nấu ăn.

Vi chẳng ưa nấu ăn lại còn độc ác hung dữ.

Tôi bực bội bước tới trước gương. Thằng người trong gương hiện ra thật khủng khiếp, suýt nữa thì tôi la làng lên. Khuôn mặt tím ngắt một nửa bên trái. Lưỡi cũng sưng vù. Nhưng may quá, răng còn đủ cả. Nếu răng rụng, tôi sẽ kiện Vi bắt bồi thường tiền làm lại răng mới. Tôi lắc đầu nhìn bộ dạng thê thảm trong gương, tức giận nguyền rủa Vi. Loại đàn bà hung dữ này không được phép nằm trên giường của tôi.

Những mảnh puzzle trong đầu tôi bỗng rùng rùng chuyển động, chúng tự gắn vào chỗ khuyết. Bức tranh ghép bây giờ hiện ra hoàn chỉnh, đó là hình ảnh con dao cắt cà chua. Bấy lâu nay con dao cắt cà chua này là nỗi ám ảnh điên loạn. Cứ mỗi khi có Vi ngủ qua đêm, buổi sáng con dao lại leo xuống nằm trên bàn. Bao giờ tôi cũng tưởng, đêm qua tôi vừa giết Vi. Bao giờ tôi cũng tưởng, vì yêu Vi mà giấc mơ ký ức quay ngược về. Bao giờ tôi cũng tưởng, tôi là kẻ bị rối loạn nhân cách. Thời gian quen Vi là những ngày tháng dằn vặt hãi hùng. Vi không chỉ tàn phá thân thể tôi mà còn hủy hoại tinh thần tôi.

Một tội ác quá lớn.

Tôi tức giận xăm xăm đi vào phòng ngủ, quyết định lôi cổ Vi dậy, đuổi Vi ra khỏi nhà.

Vi nằm đó, mái tóc xõa dài.

"Ánh nắng ban mai mông lung chuồi ra từ hai mép màn trôi từng dọc dài trên bức tường giấy hoa dã yên thảo. Em yêu những buổi sáng cuối tuần tỉnh dậy trên chiếc giường êm ái của anh, trong căn phòng ngủ màu tím của anh. Màu tím kỳ diệu, cứ như mình vẫn còn đi lạc trong giấc mơ sâu lắng và nhạt nhòa sương. Tấm màn cửa sổ tím thẫm, như xa hun hút. Cảm giác vừa qua một đêm bên một người, cảm giác không lẻ loi cô quạnh khi tỉnh giấc, thật êm đềm dễ chịu."

Tôi đứng sững bên giường, lời thì thầm vừa thoảng qua bên tai. Giọng nói của Vi êm đềm trong những giấc mơ. Một đêm nào đó, nàng đã đến cạnh tôi, ngồi lên mép sofa và thì thầm những lời âu yếm như vậy. Bao giờ khi tỉnh dậy, tôi cũng tưởng đó là giấc mơ, vì Vi vẫn còn ngủ say trong phòng, vì khi tỉnh dậy Vi luôn chối bỏ những điều đó.

Vi nằm co ro trên giường, đơn độc và nhỏ nhoi. Lưng nàng quay về phía tôi như đứa trẻ dỗi hờn.

"Có thể em sẽ gọi điện thoại cho anh vào một ngày nào đó trong tuần và bảo rằng, em còn để quên cái áo ngủ ở nhà anh. Hay anh sẽ gọi điện thoại cho em vào một ngày nào đó trong tuần và bảo rằng, anh vừa tìm được một tiệm bánh ngọt rất ngon?

Có khi... hai đứa mình sẽ hẹn gặp nhau ở một quán cà phê êm đềm nào đó bên bờ Museumsinsel, ngắm tranh vẽ và ngắm thuyền trôi trên sông. Hai đứa sẽ nắm tay nhau thả bước trên những con phố nhỏ xinh tươi, đẹp như cổ tích của Hackesche Höfe."

"Người yêu trong giấc mơ của anh."

Tim tôi thắt, một cảm giác êm đềm xâm chiếm tâm hồn làm tôi thấy mình mềm yếu. Đã có những đêm Vi tìm đến bên tôi, dành cho tôi những lời tâm sự từ đáy lòng nàng, nhưng chưa bao giờ tôi đáp trả. Giấc mơ vây phủ thân thể Vi, quá khứ giam hãm tâm hồn tôi. Chưa bao giờ chúng tôi đến được với nhau.

Câu chuyện đêm qua đối với tôi là sự thật hãi hùng, đối với Vi chỉ là giấc mơ. Bao giờ tôi cũng tỉnh giấc trước Vi. Tôi sợ hãi đón nhận sự thật và tìm cách giấu giếm sự thật để Vi đừng biết được.

Tôi lặng lẽ nằm xuống cạnh Vi, nhẹ nhàng ôm nàng vào lòng. Vi hơi cựa mình rồi lại nằm yên. Tôi lùa bàn tay mình vào mái tóc ẩm ướt của nàng, lắng nghe cảm giác đê mê xâm chiếm những đầu ngón tay. Tóc Vi có mùi thơm hạnh nhân. "Vi." Tôi thì thầm, quai hàm vừa dịch chuyển ra đã thấy đau nhói. Chờ cho cơn đau qua đi, tôi khó khăn nói tiếp:

"Vi. Vì sao em lại đến đây?"

"Giọng anh thật khó nghe. Anh bị đau răng à?"

Vi cười nho nhỏ chế diễu. Nàng không nhớ gì chuyện xảy ra đêm qua. Tôi cố nhịn đau, cố dìm cơn giận, nói tiếp:

"Em bị mộng du từ bao lâu rồi?"

Cả thân hình Vi cứng lại, mãi lâu sau nàng mới lên tiếng:

"Tại sao anh hỏi như vậy?"

"Vì đêm qua anh bắt gặp em."

Vi lại im lặng một lúc, rồi hỏi thật nhỏ:

"Bắt gặp ra sao?"

"À, em tỉnh dậy và đi lòng vòng trong nhà, nhưng không nhận ra anh."

"Thật không?"

"Thật. Em mở cửa sổ, muốn leo ra ngoài."

Vi nói ngắc ngứ ngập ngừng như một đứa nhỏ có tội:

"Khi còn rất nhỏ... em thường trốn nhà ra đi vào ban đêm... em luôn thấy mình chạy trốn trong mưa, buổi sáng tỉnh dậy quần áo em vẫn còn ướt. Suốt bao nhiêu năm, em vẫn không lý giải được giấc mơ kỳ dị này, vì khi đó, gia đình em sống trong căn hộ ở tầng năm."

Tôi vuốt tóc Vi:

"Em chỉ ngồi trên cửa sổ và thả giấc mơ của mình đi. Đêm hôm qua cũng vậy, trời mưa rất lớn. Em ngồi rất lâu trên thành cửa sổ nhà bếp. Trong nhà vệ sinh em dùng son đỏ vẽ lem nhem trên tường."

Nàng rùng mình, hỏi như khóc:

"Hình trái tim bị dao đâm, đúng không?"

Tôi kéo Vi sát vào lòng mình:

"Ừ. Hình trái tim bị dao đâm. Nhưng tại sao em có những giấc mơ kinh khủng như vậy?"

Vi lùi sát vào người tôi, thân thể nàng mềm và ấm. Cái mông chắc lẳn của nàng thúc vào háng tôi đầy khoái cảm. Tôi ôm Vi chặt hơn, mong nàng đừng nói gì lúc này. Nhưng Vi lại thì thào ngắt quãng:

"Lúc nhỏ em luôn khao khát được thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại. Em mơ thấy mình thoát đi. Những giấc mơ này nhạt nhòa dần khi em trưởng thành và đủ sức đứng vững. Khi đó em mạnh mẽ hơn những giấc mơ. Thời gian sau này... nó bỗng quay trở lại. Giấc mơ lại thúc dục em chạy trốn. Và em tìm cách chạy trốn."

Như có một luồng điện chạy qua đầu tôi. Câu hỏi bật ra ngay lập tức:

"Vì sao trong thời gian sau này? Vì sao nó trở lại?"

"Có lẽ lúc sau này em làm việc quá sức. Em trở nên mệt mỏi và yếu đuối hơn giấc mơ."

Tôi gật đầu, ngẫm nghĩ:

"Có lẽ! Giấc mơ như con vật độc ác bị giam hãm trong cũi sắt. Nó kiên nhẫn nằm yên ở đó. Nó chờ khi con người yếu đuối, kiệt sức thì nó bò ra và tấn công ngược trở lại."

"Thật là khủng khiếp, khi người ta không còn đủ sức đạp lên quá khứ và đi tới."

"Quá khứ?"

"Dạ."

Tiếng dạ của Vi thật nhỏ nhưng vẫn làm tôi giật mình. Phải rồi. Quá khứ. Tôi chạy trốn quá khứ rồi quay lại săn lùng quá khứ. Vi thì khác, Vi can đảm đạp lên quá khứ mà đi tới nhưng rồi Vi bị quá khứ quay ngược lại tấn công. Nhưng quá khứ đó của Vi gì? Có chuyện gì hệ trọng đã xảy ra trong cuộc đời Vi? Hệ trọng đến độ trong giấc mơ Vi trở thành kẻ bạo loạn, muốn giết chết đàn ông. Cách xử trí và hành động của Vi rõ ràng là bất thường.

Tôi thận trọng hỏi Vi:

"Khi em còn nhỏ thì sao? Ở tuổi lên sáu, lên bảy, có bao giờ em nghĩ đến bạo lực?"

"Em luôn nghĩ đến bạo lực! Có một nguồn năng lượng dữ dội nào đó tồn tại trong cơ thể em. Nó đòi phá vỡ những trật tự có sẵn, nó đòi tấn công ra bên ngoài."

"Tấn công ai?"

"Tấn công những đứa con trai cùng tuổi."

"Rồi em làm gì?"

"Em đánh nhau lung tung trong trường, rồi tìm cách yêu một thằng con trai cùng tuổi. Em muốn tự giải thoát mình khỏi những trật tự có sẵn để đi về phía trước. Chuyện tình để lại một kết cuộc chẳng hay ho gì, nhưng khi đó em đã đủ sức đạp lên những rào cản mà đi về phía trước. Khi đó, em trưởng thành sớm và đủ sức kháng cự."

"Khi đó? Vào lúc nào?"

"Năm em mười bốn tuổi."

"Như vậy giấc mơ đã được hình thành từ trước đó, rất sớm. Một đứa trẻ không tự nhiên khi sinh ra đã có những ham muốn bạo động, phải có một tác động tâm lý nào đó."

Vi vùi đầu xuống gối, có vẻ như nàng mệt mỏi, có vẻ nàng lại muốn trốn chạy. Tôi giữ chặt bờ vai Vi, hỏi tiếp:

"Bây giờ, khi nhận diện được giấc mơ của mình, em thử tìm nguyên nhân xem. Có thể nó bắt đầu từ một biến cố nào xa xưa trong quá khứ."

Trong lòng tôi, đôi vai Vi run lẩy bẩy. Tôi áp môi mình lên cái gáy mảnh mai của Vi, áp cả thân mình vào lưng Vi. Một cảm giác khao khát dữ dội chưa từng có trong đời bỗng tràn tới. Tôi ôm choàng lấy Vi, ép sát bụng mình vào lưng nàng. Dường như Vi cũng cảm nhận được điều đó, nàng lùi lại, rúc sâu vào tôi. Cả hai nằm lặng đi, tìm tòi đón nhận phần thân thể của nhau. Tôi lên tiếng khi cảm giác tuyệt vời nhẹ nhàng lắng xuống:

"Đã có chuyện gì xảy ra? Kể cho anh nghe đi."

"Năm lên năm tuổi, em theo ba mạ xuống tàu trốn khỏi quê hương. Tàu lênh đênh trên biển không bờ bến. Một đêm tối những người đàn ông hung tợn xuất hiện. Họ đánh đập ba, kéo mạ đi. Mạ không vùng vẫy chống cự, không kêu la gào thét như những người đàn bà khác. Mạ chỉ nằm yên khóc và gọi em. Nhắm mắt lại đi con. Nhắm mắt lại. Con ơi. Nhắm mắt lại. Chính điều ấy đã làm ba thù oán mạ, nguyền rủa mạ."

Tôi sững sờ nghe tiếng Vi nức nở. Vi khóc rất to, khóc ngon lành như đứa con nít:

"Bao lâu nay em cứ tưởng mình không biết khóc. Nước mắt luôn làm em nghĩ đến mạ nên em không thể khóc. Em muốn mình phải mạnh mẽ, phải đạp lên quá khứ mà đi tới."

Tôi đưa tay lên, xoa những giọt nước mắt ấm nóng trên má nàng. Vi nghẹn ngào nói tiếp:

"Dù cố gắng hay không, có ý thức hay không, cả em và ba mạ không ai thoát khỏi cái bóng đen của quá khứ. Ba bỏ mạ theo một người đàn bà khác. Mạ tự tử, hiện nằm trong nhà thương. Em bị quá khứ săn đuổi."

Tôi giật mình, lo lắng:

"Mẹ em đã đỡ chưa?"

"Chưa, càng lúc càng trầm trọng. Bác sĩ mới gọi điện cho em tối qua. Mạ đang từ chối cuộc sống, đang ra đi."

"Em có vào thăm mạ chưa?"

Vi lại khóc thành tiếng:

"Em không đủ sức. Nils ơi, em đã nhìn thấy chuyện đó vì em không sao nhắm mắt lại được. Em không nhắm mắt lại được. Thật là kinh khủng. Có lẽ mạ cũng biết như vậy và không tha thứ cho em. Em sợ không dám vào thăm mạ, sợ mạ nhìn thấy em, mạ lại giận dữ."

Tôi nằm im, áp môi mình lên gáy Vi. Có những đoạn đường kinh hoàng trong quá khứ mà người ta phải đi qua. Không có cuộc đời nào giống với cuộc đời nào. Không có nỗi ám ảnh nào giống với nỗi ám ảnh nào. Hai mẹ con Vi lẽ ra có chung một ký ức để mà nương tựa vào nhau, nhưng ký ức kinh hoàng đó lại chia cách họ. Tôi thì khác, tôi chỉ có một mình, lặng lẽ xoay xở vật vã với quá khứ. Khuôn mặt nghiêm nghị của Moni bỗng hiện ra trong tâm trí tôi. Có thật là tôi chỉ có một mình? Moni thì sao? Bà ấy đóng vai trò nào trong miền quá khứ thê thảm của tôi. Những chuyện xảy ra ngày hôm qua lại lần lượt trở về như một cuốn phim. Không phải John là chiếc chìa khóa. Chính Moni mới là chiếc chìa khóa.

*

"Một điều thật bất cẩn và nguy hiểm. Vì muốn tìm hiểu tư tưởng thầm kín của bệnh nhân, muốn xâm nhập vào vô thức của bệnh nhân, người ta thường tự đặt mình vào vị trí người ấy, tìm cách tưởng tượng ra suy nghĩ trong những hoàn cảnh đặc thù của người ấy. Đó là sai lầm tệ hại. Tâm lý học phải khách quan, người ta chỉ được phép đứng bên ngoài để khảo sát các hành động, thái độ, ngôn ngữ, tâm lý xử trí của bệnh nhân."

"Mẹ muốn nói về tâm lý học xử trí của Pierre Janet, khi ông ấy phê phán Descartes?"

"Phải. Mẹ nói về phương pháp nghiên cứu của Pierre Janet - De l'Angoisse à l'Extase - cách ông ấy đề cao ngôn ngữ của xử trí và hành động."

"À. Con nhớ rồi. Descartes xem tư tưởng như hiện tượng nguyên thủy và hành động như hậu quả hay xuất diễn phụ thuộc. Pierre Janet lại cho rằng - ở những kẻ mang tâm lý bất thường - hành động thấy được bên ngoài mới là hiện tượng căn bản, còn tư tưởng bên trong chỉ là sự mô phỏng, sự phối hợp các hành động bên ngoài ấy dưới những hình thức riêng biệt."

"Và ngôn ngữ là một hành động riêng biệt. Nó là hành động thực thụ bên ngoài - nghĩa là hành động của một chủ thể gây ra những phản ứng ở kẻ khác. Nhưng ngôn ngữ có thể rất dễ dàng trở thành một hành động bên trong - nghĩa là một hành động của chủ thể chỉ gây những phản ứng ở chính mình."

"Mẹ cho rằng, một kẻ bất thường có thể bị điều khiển bởi một thứ ngôn ngữ tự sinh ở bên trong?"

Moni quan sát tôi thật lâu, trầm ngâm nói:

"Robert, nếu điều đó xảy ra. Mẹ muốn nói là, nếu một ngày nào đó con phát hiện ra tiếng nói nội sinh, con hãy tìm cách tự cứu lấy mình."

"Bằng cách nào?"

"Phải loại bỏ tất cả những tham vọng về giải phẫu học, sinh lý học, xã hội học... để khiêm tốn tự giới hạn vị trí của mình vào tâm lý học mà khảo sát tâm lý của đối tượng qua cách xử trí và hành động của chính họ."

"Đối tượng? Ai là đối tượng khảo sát ở đây?"

"Tất cả. Tất cả những người trong cuộc đều là đối tượng khảo sát của con. Tất cả những kẻ khích thích ham muốn hành động của con, những kẻ thúc đẩy xung động vô thức chống lại bản thân con."

"Chúng ta đang nói về tư tưởng và tâm lý học xử trí, sao mẹ lại nhảy sang khái niệm vô thức? Mẹ nói về thứ vô thức nào chứ?"

"Mẹ nói về phần nhân cách tối tăm mù quáng của mỗi con người, nói về nơi chôn giấu ký ức."

"Mẹ nghĩ là con chôn giấu ký ức trong vô thức?"

"Không chỉ ký ức bị chôn giấu trong vô thức mà ở đó còn có những yếu tố bị dồn nén khác. Những yếu tố bị dồn nén đó nằm lẫn lộn với vô thức, theo thời gian chúng trở thành một phần của vô thức. Nhưng nhờ có vô thức mà những yếu tố bị dồn nén có thể ăn thông với cái tôi trong khi chúng bị sức chống cự ngăn cản không cho ngoi lên trên bề mặt. Robert, đừng quên, có một cánh cửa ăn thông cái tôi với ký ức."

"Chúa ơi. Mẹ lại nói lan man sang Phân tâm học của Freud rồi. Thật là điên rồ. Người ta không thể tự khảo sát trạng thái vô thức của chính mình. Người ta không thể tự mình bước chân vào nơi chôn giấu ký ức của chính bản thân để giải thoát những dồn nén."

"Robert. Con là đứa học trò thông minh nhất của mẹ từ trước đến nay, một đứa học trò có những năng khiếu rất kỳ lạ về tâm lý học. Con phải cố làm cho được điều mẹ căn dặn, thông qua phương pháp của Pierre Janet. Đọc thật kỹ những điều ông ấy khuyên bảo. Và, tìm cách mở cánh cửa đó ra."

Robert. Hãy mở cánh cửa đó ra.

Robert. Hãy mở cánh cửa đó ra.

Robert. Hãy mở cánh cửa đó ra.

*

Moni không nói cho tôi biết đó là cánh cửa nào.

Ở tuổi mười bốn tôi cũng không quan tâm nhiều đến những lời dặn dò bất chợt của Moni, tôi lo cố thủ trong vỏ ốc của mình và tìm cách chống trả. Cho đến ngày mẹ nuôi tôi chết đi. Phương pháp nghiên cứu sai lầm, tự đặt mình vào vị trí của bệnh nhân đã đẩy Moni vào một tình yêu lầm lạc không lối thoát. Sai lầm đó, sự bất cẩn đó, Moni phải trả giá bằng mạng sống của mình. Lá thư của John mà Moni để lại mở ra cho tôi một con đường tìm kiếm khi tiếng nói kỳ lạ bên trong bắt đầu xuất hiện. Tiếng nói nội sinh ma quỷ đó lúc đầu đẩy tôi vào miền sợ hãi hoảng loạn, nhưng những lời dặn dò của Moni đã từng bước nâng đỡ tôi. Moni biết trước, một đứa trẻ lên năm yếu ớt mang mầm bệnh tâm lý sẽ không tự mình vượt qua những khó khăn, một ngày nào đó tôi sẽ đánh mất tài sản tri thức của mình và rơi vào tình trạng điên loạn và đần độn.

Cánh cửa vô thức bị đóng kín trong nhiều năm đã từ từ mở ra. Tôi tìm lại được ký ức của mình, nhưng Moni đã vĩnh viễn ra đi.

Tôi buồn bã gọi Vi:

"Vi này, em có nghĩ rằng, mẹ dùng cái chết để giải thoát cho mình và giải thoát cho cả em?"

Vi co rúm người lại, chỉ khóc nhiều hơn chứ không nói gì.

Tôi xoay Vi lại, hôn lên gò má đẫm ướt của nàng:

"Ngay bây giờ, anh đưa em đến thăm mẹ. Hãy nói với mẹ, em yêu thương mẹ, yêu thương hình ảnh của mẹ trong phút giây này. Trong giây phút này, con yêu mẹ, khi mẹ nằm trên giường bệnh, khi mẹ mỉm cười với con."

Tôi cúi xuống, nhìn ngắm khuôn mặt Vi. Đôi môi nàng yếu ớt mỉm cười. Tôi nghẹn ngào nói:

"Anh yêu em. Yêu thương hình ảnh em trong giây phút này. Khi em nằm đây và mỉm cười với anh."

Bỗng nhiên rồi Vi mở mắt ra, nàng thôi cười, nhìn tôi trân trối. Đôi môi Vi mấp máy sợ hãi:

"Khuôn mặt anh vì sao tím bầm một bên?"

Tôi giật mình, trở về với câu chuyện tối hôm qua. Hình ảnh Vi lại hiện ra bên khung cửa với con dao nhọn.

"Có một kẻ đã đá lên mặt anh. Một đòn thật dữ dằn. Nhưng thôi, đó là chuyện của ngày hôm qua."

Vi lắc đầu kiên quyết:

"Đâu được. Chuyện ngày hôm qua nhưng nỗi đau ngày hôm nay. Đứa nào đá anh?"

Tôi thở dài, buột miệng tuôn ra nỗi ám ảnh:

"Vi, em làm nghề gì? Vì sao em lại dùng dao rất... sành điệu?"

Vi hơi nheo mắt, nhưng lại mỉm cười rất đáng yêu:

"Anh muốn biết thật sao? Em sợ anh sẽ nhảy ra khỏi giường và chạy trốn vô bếp."

Tôi trườn lên người Vi, hôn lên khóe môi khêu gợi của nàng và thì thầm:

"Không đâu. Anh nghĩ rằng, một phụ nữ Á Châu thì..."

*

Berlin, mùa thu 2016

Lưu Thủy Hương