Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Táo quân chầu giời (2)

Chu Mộng Long

(4)

HỒI THỨ HAI

Cảnh 4: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo cùng đi trên con rồng vàng Pikachu vừa đáp xuống trần gian. Tất cả còn ngồi trên lưng rồng. Con rồng vẫy tai chó, khua miệng vịt kêu cạc cạc. Thiên Lôi cùng Táo Tuyên bước xuống trước kiểm tra an ninh.

Ngọc Hoàng: Vậy là hạ cánh an toàn rồi. Năm nay các ngươi sáng chế ra con rồng độc đáo đấy. Biết tự lực, tự cường thế là tốt. Lúc nó trục trặc ta cứ tưởng cả bọn rơi xuống biển chết nguyên vẹn từng mảnh. May quá. Đây là đâu?

Bắc Đẩu: Tràng An, nghĩa là mảnh đất an bình muôn thuở. Nhưng mà các ngài khoan bước xuống, để Thiên Lôi kiểm tra an ninh đã. Nghe nói hạ giới đang có loạn, cướp, hiếp, giết, thậm chí đòm nhau như cơm bữa…

Táo Tuyên: Đó là những thông tin bịa đặt có hại, gây hoang mang dư luận. Sự thật là… Tràng An thanh lịch và được xếp vào điểm sáng về an ninh.

Thiên Lôi: Bẩm Thượng Đế, an ninh đã kiểm tra xong.

Táo Tuyên: Mọi người ngồi yên đã. Chúng ta chụp một vài kiểu hình lưu niệm. Nào, Thượng Đế giơ tay lên vẫy chào, giống như là đi xe công cộng chúc Tết dân vậy. Một… hai… ba… OK. Hình ảnh rất đẹp, rất an lạc, thái bình. Ngày mai thần sẽ cho các báo đăng hình ảnh Thượng Đế đi chúc Tết cho toàn dân vui.

(Thượng Đế và mọi người vừa bước xuống, lập tức có hai thanh niên xuất hiện)

Thanh niên 1 (nhìn đi nhìn lại cái đầu chó mỏ vịt của con rồng Pikachu): A, xe đẹp quá! Trông cứ như xe rồng đám tang vậy, nhưng hơi ngộ một chút... Các bác cho em xin tiền giữ xe.

Thiên Lôi: Chúng mày có biết ai đây không mà vòi tiền giữ xe?

Thanh niên 2: Cần đéo gì phải biết? Xe nhỏ năm trăm, xe lớn chiếm chỗ như thế này phải trả vài ba triệu. Nếu không thì biến!

Thiên Lôi (nổi cơn thịnh nộ): Đến Thượng Đế chúng mày cũng không tha à?

Bắc Đẩu (vội bịt mồm Thiên Lôi và nói nhỏ vào tai): Này Thiên đình đi vi hành, không được tiết lộ thân phận…

Thanh niên 2 (sấn sổ đến chỗ Thiên Lôi): Vừa bảo ai là Thượng Đế? Đất Tràng An này ta đây mới là Thượng Đế, nhớ chưa?

Thanh niên 1: Địt mẹ, có đéo gì đâu mà phải căng thẳng? Bác cứ đưa em một triệu thôi cũng được.

Táo Kinh (rút túi đưa tiền): Tiền đây. Mất một cái lông nào của con rồng này, ông nhổ hết lông chúng mày. Vé giữ xe đâu?

Thanh niên 1: Cần đéo gì vé? Các bác cứ yên tâm mà đi chơi…

Bắc Đẩu: Ơ, giữ xe không vé thì lấy căn cứ nào tính thuế?

Thanh niên 2: Hỏi ngu hơn tiến sĩ. Thuế nộp trước hàng tháng cho Thổ Địa rồi…

Ngọc Hoàng (Lườm qua Táo Kinh và khua tay): Thôi được rồi, không cãi nhau nữa. Này hai thanh niên kia. Ở đây chỗ nào có quán bún ngon nhất?

Thanh niên 2: Đéo biết. Muốn biết bác cho em năm trăm…

Ngọc Hoàng (không kiềm chế được thịnh nộ): Ta nghe Tràng An thanh lịch mà chẳng thanh lịch chút nào. Đưa tiền cho nó. Chỉ đường nhanh lên, ta đói lắm rồi…

Thiên Lôi (chỉ mặt 2 thanh niên): Chúng mày đéo biết thanh lịch là gì?

(Bắc Đẩu rút tiền đưa cho bọn thanh niên kia. Một thanh niên dẫn cả đoàn đến quán bún. Quán bún đã khuya nhưng vẫn còn khách. Bà chủ ngồi thái thịt. Ông chồng mặc xà lỏn ngồi bốc bún cho vào tô. Mùi thơm của nồi nước dùng bay ra làm Ngọc Hoàng ngây ngất, nuốt nước dãi ừng ực)

Thanh niên 2: Đến rồi. (Nói với Thiên Lôi) Mày muốn biết thanh lịch là gì thì nhìn cái thằng chủ mặc xà lỏn kia. (Nói xong biến mất)

Thiên Lôi (Ngạc nhiên nhìn ông chủ): Thanh lịch là lòi chim?

(Cả bọn nhìn vào chiếc xà lỏn của ông chủ rồi cười bò ra)

Ngọc Hoàng: Mùi thơm, mùi thơm. Chắc là bún ngon, bún ngon. Này bà chủ, ở đây có bún mọc không?

Bà chủ (đang cầm dao thái thịt, vung dao lên và nện xuống đánh phập): Hỏi cái đéo gì mà hỏi. Muốn ăn bún mọc thì về nhà tự lấu mà ăn. Ở đây chỉ có bún thịt, bún sườn, bún lưỡi thôi. Làm ông tướng gì mà đòi với chả hỏi...

(Cả bọn ngơ ngác. Bọn nhà Táo thất kinh muốn khuyên giải điều gì nhưng không nói nổi một câu)

Bà chủ: Ơ, trông mặt mấy thằng nhà quê lày như mất sổ đỏ vậy. Muốn ăn thì vào trong, không ăn thì biến…

(Cả bọn lặng lẽ vào trong và ngồi xuống)

Nam Tào (nói với Bắc Đẩu): Trông con mụ này như Thiên Lôi vậy. Mặt mày xấu xí, ăn nói thô lỗ, không coi ai ra gì…

(Thiên Lôi chạm tự ái, đùng đùng đứng dậy định vung búa vào đầu bà chủ, may mà Ngọc Hoàng lườm mắt ra hiệu dừng lại)

Thiên Lôi (cố nén giận): Này bà chủ. Làm bún nhanh lên. Nhớ là lưỡi ngon đấy. Không ngon là…

Bà chủ: Nà nàm đéo gì bà? Có nà Thiên Lôi cũng đéo giục được bà. Làm đéo gì có chuyện vào sau mà đòi ăn trước? Ở đây chỉ có cái lưỡi của nhà mày là thúi vì quen ăn bẩn chứ lưỡi nhà bà cái lào cũng ngon. Chỉ cần mở miệng mở mũi ra là thấy ngon. Hiểu chưa?

Táo Tuyên: Chắc là phải dẹp ngay cái quán bún chửi này.

Táo Kinh: Mang tiếng Tràng An chúng ta quá!

Táo Dục: Rất vô giáo dục.

Táo Văn: Rất vô văn hóa.

Táo Tế: Rất mất vệ sinh…

(Bún được mang đến. Cả bọn cùng ăn. Ngọc Hoàng ăn một hơi, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon)

Ngọc Hoàng: Này bà chủ. Bún ngon, ngon chưa từng thấy. Ngay cả Thiên đình cũng không có món cao lương mĩ vị nào ngon hơn… Sợi bún trong veo, mềm mà không nhũn. Nước dùng đậm đà, mặn mà không chát, cay mà không gắt. Thịt thái to mà không dai… Nhưng mà bao nhiêu một tô vậy?

Bà chủ: Ở đây chỉ có bát, đéo có tô. Dân quê nghèo bà chỉ lấy hai mươi ngàn. Còn lũ khốn quan chức ăn bẩn nhưng tỏ ra sạch sẽ bà lấy bốn mươi ngàn, hai mươi ngàn tiền bún, hai mươi ngàn tiền nghe bà chửi. Khỏi tán tỉnh linh tinh để kì kèo trả giá. Hồi giờ ăn quỵt lần nào chưa? Ăn xong rồi thì trả tiền và biến cho người khác có chỗ mà ngồi.

(Ngọc Hoàng móc túi đưa tiền. Táo Tuyên nhanh tay dùng máy chụp được hình ảnh Ngọc Hoàng móc túi trả tiền để đăng báo)

Táo Dục (chặn tay Ngọc Hoàng): Ngài đừng nàm thế, để chúng em trả tiền cho…

Ngọc Hoàng: Cứ để ta trả hết. Về nhà thanh toán sau… Nhưng mà này anh Dục, ở đây người ta mở miệng ra là đéo. Đéo là gì vậy?

Táo Dục: Dạ bẩm, đéo nà tiếng tục, giảng thanh nà giao phối, nà kết hôn ạ!

Ngọc Hoàng: Các Táo giáo dục kiểu gì mà để họ nói tục quen mồm vậy?

Táo Dục: Thần dạy hoài mà họ đéo chịu nghe. Do quen mồm lên người Tràng An xem lói tục nà văn hóa ạ.

Táo Tuyên: Tức là đéo có văn hóa ạ!

Táo Văn: Vâng, đéo có văn hóa ạ!

Bà chủ: Ngu cả bọn. Cho ăn bún chửi để khôn ra chứ ăn cháo lú hay sao mà ngu thế? Đéo biết tôn trọng văn hóa địa phương mà giở giọng văn hóa dạy đời. Tiếng Tràng An đấy. Đéo là không, không là đéo. (Bà chủ dùng cán dao gõ thớt hát giọng chầu văn) Đéo đi đéo biết Tràng An. Đi rồi nghe đéo ngút ngàn sướng chưa...

(Hết cảnh 4. Xem tiếp cảnh 5: Phê và tự phê các Táo tại Thiên đình)

(5)

HỒI THỨ HAI

Cảnh 5: Trở lại điện Linh Tiêu. Ngọc Hoàng tiếp tục chủ trì hội phê và tự phê. Tả Nam Tào hữu Bắc Đẩu. Các Táo ngồi dưới. Phông một màu đỏ rực.

Ngọc Hoàng: Ta cám ơn các Táo cho ta quá giang xuống trần thưởng thức món bún chửi tuyệt ngon. Các ngươi thấy sao?

Nam Tào: Thần thấy rất ngon.

Bắc Đẩu: Thần cũng thấy rất ngon.

Táo Văn: Tiếc là không văn hóa.

Táo Dục: Vô giáo dục.

Ngọc Hoàng: Các Táo không thấy ngon cũng phải…

Nam Tào: Ngày nào cũng ăn chửi thì làm sao thấy ngon được?

Bắc Đẩu: Đúng. Món gì ăn nhiều lần thì đều không thấy ngon được!

Ngọc Hoàng: Nhưng ta thấy lạ là hình như các Táo ăn chửi không thấy ngon mà cũng không thấy chán. Mời Táo Tuyên, Táo Văn, Táo Dục hãy tự phê vì sao trần gian lắm tiếng chửi. Họ chửi đời thì được, sao lại để họ chửi đến tận trời?

Táo Tuyên: Bẩm, là do bọn thù địch kích động xúi giục ạ. Tống hết chúng vào ngục là chúng hết chửi.

Nam Tào: Ăn ở thế nào mà lắm kẻ thù địch vậy? Nhà ngục nào chứa cho hết?

Táo Tuyên: Thả hết bọn ma túy xì ke ra là có chỗ. Không cần xây thêm trường học nữa mà xây thêm nhà ngục. Nhưng mà... thần có nghe ai chửi đâu?

Bắc Đẩu: Đến cụ già hết hơi, con nít chưa sạch váng mũi cũng chửi. Không tin cứ mở Fây búc ra xem?

Táo Tuyên: Fây búc là thế giới của bọn rỗi hơi. Thần chẳng rỗi hơi vào xem.

Ngọc Hoàng: Thôi được. Coi như thiên hạ chửi thằng điếc, thằng mù. Còn Táo Văn, Táo Dục nghĩ sao?

Táo Văn: Bẩm, là do tình trạng vô giáo dục.

Táo Dục: Lày, đừng chuyền bóng tùy tiện nhé. Giáo dục ta cải cách liên tục với những dự án khổng lồ, cả thầy lẫn trò vận động hơn cả đèn cù và đạt thành tích vượt bậc. Bằng chứng nà, mỗi lăm nò ấp ta sản ra hàng vạn giáo sư, tiến sĩ; còn học sinh thì tốt nghiệp 99% khá và giỏi. Thiên hạ hay chửi chỉ nà do vô văn hóa.

Táo Văn: Đang nói giáo dục mà chuyền ngược lại văn hóa là tiểu nhân nhé. Phải nói là chưa bao giờ văn hóa của nhà Táo ta vươn đến đỉnh cao như hiện nay. Bên ta cũng có dự án nghìn tỉ để xây tượng đài, tổ chức lễ hội. Mỗi năm có đến 8000 lễ hội văn hóa, sao dám bảo là vô văn hóa? Thiên hạ sẵn sàng nhịn đói nhịn khát để tế bánh chưng nặng cả tấn, tế chai rượu cả ngàn lít, đến người chết cũng được hưởng no say. Không chỉ trong lễ hội văn hóa, trong đời thường, nếu có con mèo nhà Táo chết, thiên hạ cũng xếp hàng đi điếu và khóc rưng rức. Văn hóa đến thế là cùng!

Bắc Đẩu: Ta hỏi Táo Dục. Có chuyện điều động hàng loạt cô giáo hầu rượu quan trên như cave không?

Táo Dục: Chỉ nà vui vẻ thôi. Có Táo Tuyên nàm chứng. Đó nà nhiệm vụ chính trị cao cả, nà liềm vinh dự của cô giáo. Cho lên, cave nhà thần nà cave có giáo dục ạ! Giống như ăn rau sạch vậy.

Nam Tào: Ta hỏi Táo Văn. Chuyện chém heo, đâm trâu, treo cổ trâu, tranh cướp chà đạp nhau trong các lễ hội thì sao?

Táo Văn: Đó cũng là chém văn hóa, đâm văn hóa, cướp văn hóa ạ!

Bắc Đẩu: Chuyện mua thần bán thánh như ban ấn, hầu đồng, đốt vàng mã, khác nào hối lộ, cờ bạc, tranh quan tranh chức?

Táo Văn: Thì là… mua quan bán chức có văn hóa. Ngày xưa tặng lễ vật, tặng gái đẹp, nay tặng phong bì để thăng quan. Các chức vụ đều có rao giá sàn và đấu giá công bằng ạ.

Ngọc Hoàng: Ta đã có chỉ cấm cái thứ trao tặng đó, các ngươi không nghe sao?

Táo Dục: Cấm hẳn thì cạp đất mà ăn à? Còn vốn tiền cọc khi đấu giá chỗ ngồi của Táo nữa. Hu hu... Cho nên chúng thần phải tự liệu. Cấm cửa trước thì đi cửa sau. Cấm xếp hàng thì đi lộn xộn. Cấm tặng quà thì tặng phong bì ạ. Chúng thần tuyệt đối tuân chỉ, không chút sơ hở.

Táo Văn: Nói chung là chúng thần luôn tuân chỉ đúng quy trình. Không tin mở sách nhà Giời xem có đúng quy trình không?

Ngọc Hoàng: Quy trình là do các ngươi tham mưu. Không nên đổ cho quy trình. Nếu có thứ văn hóa như ngươi nói là suy thoái nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Táo Tuyên: Rút kinh nghiệm là không để cho bọn thù địch, kẻ xấu lợi dụng bôi nhọ, chống phá.

Ngọc Hoàng: Ha ha. Ta biết thân làm Táo ngồi dưới đít nồi không nhọ không là Táo. Tình hình là các ngươi bị phỉ nhổ đến dày mặt nên không thấy ngứa chứ ta thì ngồi đây mà nghe nóng cả đít. Làm văn hóa, giáo dục mà cũng tham nhũng thì thiên hạ chửi cho là phải. Tham nhũng ngày một như ghẻ ngứa, rất khó chịu. Phải xử vài Táo để làm gương, để hạ nhiệt, nếu không thì đít ta cũng cháy đến ló trôn.

Táo Văn: Bẩm, quy hết tham nhũng cho chúng thần thật oan.

Táo Dục: Oan thị gì nhỉ…

Bắc Đẩu: Thị Mầu… Chẳng tham thì cũng đến mòn, liêm chính cũng chẳng sơn son để thờ. Anh Văn anh Dục có đá qua đá lại thì lòng vả cũng như lòng sung.

Táo Văn: Vâng, vâng, oan Thị Mầu. Bởi không có những dự án nghìn tỉ thì không vay được vốn, tiền không lưu thông. Mà rốt cuộc cũng vì thánh thần chúng ta cả thôi, không buôn thì sao có lãi. Thị trường mà. Để có được cung vàng điện ngọc của Thiên đình và bếp ngà bếp ngọc của Táo gia, chúng thần phải cạnh tranh nhau và làm đến thối cả móng tay đấy chứ!

Nam Tào: Các Táo làm quan chứ bốc cứt hay sao mà thối móng tay?

Bắc Đẩu: Các Táo xuất thân từ Cổ Nhuế à?

(Đúng lúc này có tiếng ồn ào náo nhiệt của đám đông từ dưới đất dội lên. Cả Thiên đình hốt hoảng. Nam Tào, Bắc Đẩu lấy kính chiếu yêu soi xuống trần gian).

Nam Tào: Khải bẩm Thượng Đế, trần gian đang có loạn.

Bắc Đẩu: Hàng triệu người đang trào lên. Họ chà đạp lên nhau, không chừng miếu thờ thành thần vừa khôi phục cũng bị san phẳng.

Táo Tuyên: Chắc là không phải đâu ạ. Đang khai hội đấy. Để thay đổi không khí, chúng thần đã chỉ đạo tổ chức lễ hội như đại hội võ lâm cho nó oách xà lách. Kìa, có Thiếu Lâm tự, có Cái Bang, có Võ Đang, có Nga My,… có cả anh hùng Thánh Gióng nữa. Đủ mặt các môn phái đang tranh hùng. Đù móa, xem kìa, cả đám anh hùng xuất thiếu niên dùng khinh công bay vun vút. Vui lắm!

Ngọc Hoàng (nhìn xuống): Vui cái con khỉ! Sao ta trông họ đánh nhau, chà đạp lên nhau như cướp vậy? Yêu khí ngút trời. Không chừng chúng bay lên đến Thiên đình. Bay đâu, tạm giam các Táo lại, chờ xử tiếp. Nam Tào, Bắc Đẩu ở lại canh giữ Thiên đình. Thiên Lôi, Thiên binh, Thiên tướng áp giải Táo Tuyên theo ta giáng hạ. Lần này không phải cải trang vi hành. Cứ lộ diện thử xem đám dân đen to gan kia dám làm trò gì.

(Hết cảnh 5. Xem tiếp cảnh 6: Thiên đình tham dự lễ hội)

(6)

HỒI THỨ HAI

Cảnh 6: Trần gian. Trên đồi cao. Ngọc Hoàng và các tùy tùng vừa giáng thế. 

Ngọc Hoàng: Đây là đâu? Sao dưới kia người ta tụ tập đông thế?

Táo Tuyên: Thưa, đất ngàn năm ôn vật, à lộn, văn vật. Mọi người tập trung đi dâng hương và dự lễ khai ấn đầu năm.

Ngọc Hoàng: À lộn lồn ạ cái giề? Ta thấy ôn vật hơn là văn vật. Đi dâng hương kiểu gì mà chen lấn, xô đẩy như bọn ôn vật? Khai ấn là khai chịch đấy hử?

Táo Tuyên: Chắc lại là do bọn xấu kích động nên rối loạn đấy thôi. Ở trần gian có lễ khai chịch nhưng thần cấm lâu rồi. Cái món linh tinh tình phọt ấy phô ra ngoài khó coi lắm. Khai ấn là để ban ấn cho mọi người cầu mong được thăng quan tiến chức ạ!

Thiên Tướng: Dân ai cũng được thăng quan thì quan còn chỗ đâu mà ngồi? Ta tưởng khai ấn là khởi sự công việc chứ làm như thế khác nào khích động mua quan bán chức?

Táo Tuyên: Xưa rồi diễm ơi. Trần gian nay tất tần tật mọi nghi lễ đều cầu tài. Không cầu tài bố ai tham gia lễ hội? 

Ngọc Hoàng: Sao không tìm người hiền tài giúp nước giúp dân mà chơi trò may rủi?

Táo Tuyên: Chẳng phải Ngọc Hoàng đã ra chiếu chỉ tìm người tài sao? Tài là tiền. Tài lớn ngồi ghế lớn, tài nhỏ ngồi ghế nhỏ ạ…

(Đúng lúc ấy, bên dưới đám đông ào ào kéo lên đồi, Thiên binh kéo rào ra ngăn chặn)

Thiên Tướng: Nguy rồi. Làm sao đứng ra ngăn chặn đám đông khổng lồ này?

Táo Tuyên: Trông thần dân của ta hung dữ vậy nhưng thực ra rất hiền. (Bắc loa lên) Này đám đông ngu muội kia hãy trật tự, trật tự. Thượng Đế, tức Thánh Tổ của chúng mi đang giá lâm. Quần chúng mi muốn có cái ăn cái mặc thì hãy đến đây mà tạ ơn Thánh Tổ…

(Đám đông lập tức xếp hàng theo trật tự. Một số vội vàng sụp lạy và hô Thánh Tổ chí tôn muôn năm)

Táo Tuyên: Tốt rồi. Thượng Đế đứng đây thả thính. Khi mọi người đến cạnh hàng rào, Người hãy chìa tay ra cho mọi người… âu yếm.

(Đám đông lần lượt đến hôn tay Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng rưng rưng xúc động. Một đại lão trong đám đông bước ra, hôn lấy hôn để bàn tay của Ngọc Hoàng lần nữa)

Đại lão: Chúng thần nguyện sẽ không tắm rửa ba năm để thưởng lãm mùi tay của Thánh Tổ. Thơm lắm. Đúng là tay vàng tay ngọc.

Ngọc Hoàng: Ta khen. Ta có nhời khen. Các ngươi xứng đáng là niềm tự hào con ngoan của thời đại đỉnh cao rực rỡ.

Thiên Tướng: Này Táo Tuyên. Ngọc Hoàng ra chỉ cấm công chức bỏ giờ làm việc đi hội, nhưng sao lại lắm xe biển số xanh ở đây vậy hè?

Thiên Lôi: Chắc là vừa rồi ăn nhậu mất vệ sinh bị Tào Tháo đuổi nên vơ cả chiếu chỉ của Ngọc Hoàng vào toa lét?

Táo Tuyên: Thần nghi là biển số giả…

Thiên Tướng: Sao đi dâng hương mà lại có quá nhiều cô gái ăn mặc hở cả hang thế kia?

Táo Tuyên: Thiên Lôi đâu, đi bắt mấy ả ăn mặc hở hang kia đến đây cho ta thẩm vấn.

(Thiên Lôi tóm được vài ả đến trước mặt Táo Tuyên)

Táo Tuyên: Này mấy con nha đầu thối kia. Đi dâng hương mà ăn mặc hở cả hang như thế, không sợ Thánh Tổ bắt tội sao?

Ả 1: Chúng em đi chơi chứ đi dâng hương hồi nào hè?

Ả 2: Chúng em tưởng Thánh Tổ cũng từ hang mà ra chứ?

Táo Tuyên: Láo toét. Truyền lệnh bêu danh các nha đầu thối hở hang này ở những nơi công cộng.

Ả 1: Bêu luôn cái quần què này lên mà thưởng thức!

Ả 2: Bêu luôn cái quần què này lên mà thưởng thức!

(Một đám thanh niên thấy ồn ào trào lên, đạp rào lướt tới. Ngọc Hoàng và đám tùy tùng thấy không ổn, vội vã lui vào trong điện. Táo Tuyên hiến kế cho Ngọc Hoàng hóa thân vào pho tượng bằng vàng ở giữa. Thiên Lôi, Thiên Tướng và các tùy tùng hóa thân vào các pho tượng khác. Táo Tuyên không biết làm sao bèn đóng vai ông từ giữ đền)

Ngọc Hoàng: Bây giờ chúng ta chỉ ngồi đây và quan sát xem thiên hạ làm gì. Chỉ nói cho chúng ta nghe và không được ai manh động.

Táo Tuyên: Thượng Đế an tọa. Thần sẽ làm cho đám đông ngu muội kia thành những người có văn hóa giáo dục.

(Đám đông chen lấn ùa vào điện. Hai cái bánh chưng nặng cả tấn được khiêng vào, to đến mức đặt ngáng cả họng Ngọc Hoàng. Vàng mã gồm tiền, xe máy, ô tô, gái chân dài được chất vào lò đốt lên, khói bay nghi ngút. Mọi người thi nhau nhét tiền vào tay các pho tượng. Táo Tuyên đứng trên bục cao phát lộc)

Táo Tuyên: Quần chúng mi đến đây cầu gì sẽ được nấy. Ta đại diện cho Thánh Tổ ban ấn, phát lộc cho các ngươi đây. Nào, ngoan nào…

(Quần chúng lao vào tranh như cướp. Đám thanh niên leo lên lưng, lên vai người khác lao vun vút đến tranh lộc. Một bà lão ngã lăn đùng ra ngất lịm. Các Thiên binh lo bồng bế trẻ em chạy ra chỗ trống. Các pho tượng nói chuyện với nhau, không ai nghe thấy)

Thiên Lôi: Đám tiểu tử này khinh công khá thật!

Thiên Tướng: Khá thật. Không chừng chúng có thể bay về trời nhanh hơn chúng ta!

(Một phụ nữ chộp được lộc cho ngay vào miệng. Ba phụ nữ khác xông vào móc họng, móc mũi, điểm huyệt vào đan điền…)

Ngọc Hoàng: Bọn này ra chiêu gì mà tàn độc thế?

Thiên Tướng: Hình như Cửu âm bạch cốt trảo của sư tỷ Mai Siêu Phong. May mà tiểu nữ này mới luyện được ba ngón, nếu không thì ả kia đã lủng sọ.

Ngọc Hoàng: Thế cái chiêu chọc ngón tay móc họng kia thuộc chiêu gì?

Thiên Tướng: Trông có vẻ như Nhất dương chỉ, huyền thoại võ công của vua Đại Lý. 

Thiên Lôi: Đéo phải. Nếu là Nhất dương chỉ thì ả kia đã bị thủng từ họng xuyên qua óc. Đó chỉ là biến chiêu của Tiểu cầm nã thủ hòng đoạt lấy lộc trong miệng mà thôi.

(Ngọc Hoàng định mở miệng ra nói gì đấy thì cả loạt người tranh nhau nhét cả mớ tiền vào mồm. Đến lượt Thiên Lôi, Thiên Tướng mồm cũng đầy tiền. Mùi khói xộc vào mũi, nhưng Ngọc Hoàng lẫn đám tùy tùng đều ấm ớ không mở miệng được. Vài thiếu nữ mặc quần đùi sát bẹn thi nhau nhảy tót lên cổ Ngọc Hoàng chụp ảnh. Ngọc Hoàng thất kinh ra hiệu tất cả hô biến. Lúc vội vã, pho tượng bằng vàng lẫn mớ tiền trên tay, trong miệng bay theo Ngọc Hoàng về Thiên Đình)

(Hết cảnh 6. Xem tiếp Hồi thứ ba, cảnh 7: Thiên Đình phê và tự phê Táo Tài Môi, Táo Kinh)

Nguồn:

(4) https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1580250688655835

(5) https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1582583611755876

(6) https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1586167221397515