Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Thriller Bờ Bên Kia

Lưu Thủy Hương

Chương 4: Phần sâu

Không ai có thể duy trì quá khứ để đưa nó quay nguợc trở về hiện tại.

Em yêu! Chỉ có quá khứ tự duy trì chính nó, một cách tự động, và mang một quyền lực ghê gớm. Nó không ngừng tìm cách quay về và lén lút nối kết với hiện tại, như những kẻ tội phạm và đồng lõa. Nó không ngừng tái hiện trong những giấc mơ tối tăm u khốc. Cho dù anh sợ hãi và chối bỏ nó, thì nó vẫn ngang ngược trở về từ trong vùng tối đen của vô thức. Người yêu trong giấc mơ của anh! Anh muốn kể cho em nghe về những giấc mơ của mình.

*

Tôi là Nils.

Tôi là Robert.

Tôi tự bảo, tôi là Nils.

Khi lên năm tuổi, tôi không là Nils, tôi không là Robert. Tôi còn có một cái tên khác.

Không ai nghĩ rằng, một đứa trẻ năm tuổi có thể lưu giữ quá khứ trong những giấc mơ.

Chúng như những mảnh puzzle rời rạc nằm lẫn lộn trong một căn phòng bừa bộn. Có những lúc bất chợt, một mảnh ghép nào đó bỗng hiện ra, tự nối kết vào bức tranh khiếm khuyết. Và một mảnh ghép khác trong bức tranh bị gió lùa vào đống rác cũ. Bởi vậy mà bức tranh ký ức đó không bao giờ cố định và hoàn chỉnh, theo ngày tháng, hình ảnh cùng màu sắc cứ mất mát và phai nhạt dần.

Đi ngược về quá khứ là một hành trình vô vọng và đau đớn. Tôi biết rõ điều đó nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Có một người có thể giúp tôi, gỡ bỏ cho tôi gánh nặng. Nhưng ông ta đã tàn nhẫn từ chối điều đó. Ông ta từ chối tất cả, đó là kẻ luôn trốn chạy, chối bỏ cuộc sống. Ông ta chỉ trở về với cuộc sống, trong những giây phút mà tự ngã biến gã đàn ông bê tha khiếp nhược đó thành con quái vật ghê tởm.

Gã đàn ông có cú đấm rất mạnh. Cú đấm thường trúng ngay gò má tôi, làm đứa bé năm tuổi té nhủi vô góc tường. Khi ấy gã lại lảm nhảm chửi bới, gã gọi đứa bé đó là Thomas.

Tôi nói về John Gellert, mùa thu năm 1980, gã bị toà án kết tội giết chết mẹ tôi.

Năm mười bốn tuổi, ở câu lạc bộ đá banh, tôi kết bạn với thằng Ahmed. Nó là chân tiền đạo tuyệt vời của đội thiếu niên Alemannia và luôn mơ ước trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được rằng, mơ ước của nó không vì tình yêu dành cho thể thao mà xuất phát từ nỗi khao khát thoát khỏi số kiếp bần hàn. Nó kể cho tôi nghe điều đó trong bóng tối của những đêm mùa hè oi bức. Chúng tôi mở toang cánh cửa sổ căn phòng chật chội và ngột ngạt. Hơi nóng, bụi bặm, tiếng xe rú máy, tiếng người kêu réo… từ bên ngoài hỗn độn tràn vào. Và cả mùi rau trái thối, mùi hành tỏi, mùi nước tiểu khai ngấy, mùi gia vị của những bếp ăn Thổ Nhĩ Kỳ. Hai đứa nằm trên tấm thảm sờn cũ vương vãi vụn thức ăn. Bầu không khí nghèo nàn tạp nhạp của khu người ngoại quốc Wedding không làm tôi khó chịu, mà dường như ngược lại. Tôi ngỡ mình đang thoát khỏi khung cảnh nề nếp trưởng giả của gia đình để trở về một nơi nào đó rất quen thuộc mà đầy bất trắc. Chúng tôi cùng nốc bia cùng xem phim sex, phim porno và phim horro. Người đàn ông tỉnh dậy trong đêm, bàn tay lăm lăm con dao nhọn. Gã đến từng phòng, lùng kiếm và giết chết vợ con. Đôi mắt gã vô hồn trong vắt như pha lê. Căn phòng màu đỏ, bóng tối màu đỏ. Tiếng nhạc kéo ken két như tiếng cưa sắt. Thằng Ahmed thì thào vào tai tôi.

"Robert, người ta có thể giết người trong giấc mơ."

Tôi đổ gục trên sàn, như vừa bị đâm một nhát vào tim.

Mười bốn tuổi, tôi khám phá ra, Moni chỉ là mẹ nuôi. Tôi vô tình đọc được hồ sơ bệnh lý của mình trong phòng làm việc của Moni. Những mảnh puzzle rời rạc bỗng chuyển động và kết nối. Bức tranh ký ức rách rưới tang thương và kinh hoàng hiện ra làm tôi choáng váng. Một đứa trẻ năm tuổi tên là Thomas, buổi sáng tìm thấy xác mẹ trên giường. Con dao cắt cà chua đâm xuyên qua ngực trái. Chỉ có hai người hiện diện trong đêm xảy ra án mạng và toà án đã kết tội John Gellert. Không ai nghĩ rằng, một đứa trẻ năm tuổi có thể giết chết mẹ mình, trừ một người. Đó là Moni, tiến sĩ phân tâm học, bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện tâm thần. Bà ta không tin vào kết luận cuả toà án. Bà nhận tôi làm con nuôi, không vì tình yêu thương dành cho một đứa trẻ côi cút. Bà nhận tôi làm con nuôi, như nhận một sinh vật thí nghiệm, một đối tượng nghiên cứu phân tâm học.

Tôi đọc hồ sơ bệnh lý của mình vào một buổi chiều trước lễ Noel, trong căn phòng làm việc lạnh lẽo. Căn phòng kín ở tầng hầm gần như cách ly với thế giới bên ngoài, nó im ắng hoang vu như một nhà mồ. Tiếng gió xào xạc buồn bã, tiếng nước hồ vỗ về uể oải, tiếng chim chiều kêu khoắc khoải trong bờ lau… những tiếng động đó đều bị giữ ở lại bên ngoài. Chỉ còn tôi cùng những tiếng lật giấy xột xoạt trong nỗi đau đớn và sợ hãi không cùng.

Ở tuổi mười bốn, tôi không thể hiểu hết những điều mình đọc. Nhưng câu hỏi thường xuyên được lặp lại, được Moni viết nắn nót trong hồ sơ đã đánh thức những ám ảnh u khốc trong lòng tôi. "Người ta có thể giết người trong giấc mơ?" Tôi ngồi chết lặng trong bóng chiều tà. Khi ánh sáng chỉ còn là một vệt mờ trên bờ cửa thông gió, có tiếng chìa khoá xoay lọc cọc ở tầng trên. Đó là thời khắc Moni từ nhà thương trở về nhà. Trong cơn sợ hãi hoảng loạn, tôi trốn vào một ngách của tầng hầm, lắng nghe từng tiếng bước chân của Moni. Từng tiếng gót giày cao gõ đều đặn trên những bậc cầu thang bằng đá dẫn xuống tầng hầm. Moni ngồi làm việc dưới hầm suốt cả buổi chiều. Tôi ngồi trong ngách tối lạnh lẽo, không thoát đi đâu được. Tay chân tôi tê cóng dần vì sợ hãi, vì lạnh và vì những nỗi ám ảnh khủng khiếp. Chúng tôi ngồi gần bên nhau trong căn phòng vắng vẻ, tưởng như có thể nghe được tiếng hơi thở của nhau. Không hiểu sao, Moni vẫn ngồi im lìm như bức tượng bên bàn. Và tôi ngồi co quắp trong góc tường đá lạnh băng, giữa mùa đông. Tôi cố kéo những tấm bao nilon, những tấm giấy báo cũ đắp lên mình. Thân thể tôi run lập cập. Bên ngoài là Moni, chiếc bóng đen to lớn in trên nền gạch trắng. Ý nghĩ phải đối diện với ánh mắt sắc như dao của bà ấy, phải trả lời những câu hỏi kỳ quặc làm tôi sợ hãi khủng khiếp. Nếu lúc đó tôi đủ can đảm bước ra, để nói với Moni rằng, tôi đã đọc tập tài liệu và đó chỉ là quá khứ, có lẽ cuộc đời tôi đã khác đi. Ở tuổi mười bốn, tôi đã không đủ can đảm để bước qua quá khứ của mình mà đi về phía trước. Nỗi sợ hãi khủng khiếp giữ chân tôi lại, trói tôi vào góc hầm tối tăm lạnh lẽo. Tôi vô tình rơi vào trò chơi số phận, và chiếc bóng đen to lớn của Moni phủ lên mọi nẻo đường.

Đêm đó tôi ngã bệnh, vật vã trong cơn sốt. Những giấc mơ kinh hoàng thời thơ ấu bỗng lũ lượt kéo về. Tôi trôi dần vào vùng sương mù ký ức, cảm giác đó thật là đau đớn. Tôi bị bó chặt trong tấm vải liệm đến nghẹt thở - máu không chảy được đến những tế bào - thần kinh đang héo khô - cơ bắp đang thối rữa - đứa trẻ ngồi trong căn phòng tồi tàn - mẹ nó để tấm pizza lên bàn - bà ấy sẽ đi - cứ mỗi lần chuẩn bị ra đi bà ấy lại để pizza lên bàn - nó sẽ sống lây lất cầm cự cho đến ngày mẹ về với pizza khô và nước lã - bà ấy lại hát - rất vui - con căm thù những bài hát đó - căm thù những ngày cô độc trong căn phòng với tấm pizza khô cứng mốc xanh - mòn mỏi chờ mẹ về - nhưng con yêu mẹ - xin mẹ đừng đi - nhưng bà ấy sẽ đi - sẽ khoá cửa lại - nó câm lặng nhìn mẹ - tiếng khóc của nó sẽ làm người đàn bà nổi giận - roi đòn sẽ giáng xuống - nó cứ ngồi trong căn phòng khách hôi hám dơ bẩn, ăn pizza và chờ mãi - ngày qua ngày, đêm cũng chậm chạp trôi - bà ấy chỉ trở về khi say khướt - mái tóc đen ướt đẫm mồ hôi - hơi thở nồng nặc mùi rượu và hát vui sướng nghêu ngao - mẹ, con khát lắm - nóng bức khủng khiếp - lửa đốt cháy con - con đau đớn, sợ hãi và cô đơn.

Tôi oà lên khóc.

"Mẹ, con muốn có một con chó."

"Mẹ sẽ mua cho con một con chó."

"Con muốn mẹ đừng đi. Xin mẹ đừng đi."

"Mẹ sẽ ở lại với con. Hãy cầm lấy tay mẹ."

Bàn tay tôi hoảng loạn nắm chặt bàn tay người đàn bà. Tấm áo liệm nới giãn ra, hơi thở ấm áp lùa vào lòng ngực. Bàn tay mềm mại âu yếm vuốt ve mái tóc tôi.

"Mẹ đây, hãy tin tưởng mẹ.”

Tôi tin cậy nắm lấy bàn tay, nức nở thì thào.

"Mẹ, con sợ những người đàn ông trèo qua hành lang, con sợ John, con sợ những tiếng kêu thét vật lộn trong phòng mẹ."

"Còn gì nữa? Còn sợ gì nữa?"

"Con không biết."

"Con biết chứ. Một đứa trẻ năm tuổi biết nhiều lắm. Con là một đứa trẻ thông minh và ngoan ngoãn.”

"Con khát lắm, lửa thiêu cổ họng con.”

"Được rồi, sẽ có nước. Mẹ và con sẽ cùng uống nước. Mẹ và con cùng nhìn vào khoảng tối đó, con nhìn thấy gì, con sợ gì?"

Giọng nói thì thầm êm ái bên tai tôi. Tôi mở mắt ra, ánh nến vàng vọt soi bóng một người trên tường. Chiếc bóng đen to lớn làm tôi kinh hãi.

"Con sợ mẹ. Xin mẹ đừng đánh con."

"Mẹ sẽ không đánh con nữa. Mẹ sẽ mua cho con một con chó - chúng mình quay lại nơi đó - tìm con chó - trong căn phòng ngủ - vào đêm mưa - mưa rả rích bên ngoài."

"Căn phòng ngủ - vào đêm mưa – mưa rả rích bên ngoài."

"Con tỉnh giấc - bước chân ra khỏi giường - John say khướt nằm trong góc hành lang."

"Tỉnh giấc - bước ra khỏi giường - John nằm góc hành lang."

"Con lần đi trong bóng đêm - tìm dến căn phòng ngủ của mẹ."

"Trong bóng đêm - căn phòng ngủ - của mẹ."

"Con dao nhọn trên tay - mẹ nằm trên giường."

"Con dao nhọn - mẹ trên giường."

"Con đến cạnh mép giường - đưa dao lên."

Tôi rú lên đau đớn - không, không - không đúng như vậy - con không thể quay về - xin mẹ tha cho con. Những cơn đau lại tràn đến, tôi vùng vẫy muốn tháo chạy. Bàn tay mạnh mẽ của ai đó đè tôi xuống giường. Những sợi dây trói siết chặt cổ tay, cổ chân tôi. Lửa thiêu đốt thân thể - nước nước. Ngụm nước tràn qua cuống họng mang hơi nóng của lửa, mang vị đắng nồng của gia tử và dã yên thảo. Tôi đau đớn rên rỉ rồi lả dần đi. Hình ảnh cuối cùng tôi đem theo vào thế giới đang bốc cháy là Moni. Bà ấy kéo ngược mí mắt tôi ra, soi ngọn nến vào đáy mắt. Khuôn mặt bà ấy cúi xuống thật gần, hơi thở bà ấy toả trên mặt tôi, nóng hổi.

"Ngủ đi nào, con trai.”

"Mẹ, con căm ghét mẹ."

"Con muốn giết chết mẹ, đúng không? Đúng không? Nhắm mắt lại và hành động đi."