Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

chùm truyện cực ngắn

Phùng Thành Chủng

1.Thời

Cải cách ruộng đất. Quy thành phần, bố tôi là địa chủ! Tất cả nhà cửa, ruộng nương bị tịch thu chia cho tá điền.

Năm mươi năm sau.

Khu ruộng của bố tôi ngày xưa biến thành trang trại. Những hộ nhận khoán sản cho hợp tác xã (trong đó có tôi) được ông chủ mới đền bù tính theo đầu sào một khoản tiền mang tính tượng trưng.

Không ruộng, không biết nghề gì ngoài nghề nông, tôi thành tá điền.

Bố tôi và tôi đều không thức thời!

Bố tôi là địa chủ hơi sớm! Còn tôi, ngược lại... tôi là tá điền hơi muộn.

2.Cơ chế

Một người có cái thớt, dùng lâu, đã lõm giữa. Thái miếng thịt mãi không đứt, người ấy quẳng bỏ dao, ra chợ mua con dao khác. Thấy dao mới không hơn gì dao cũ, người ấy lại ra chợ tìm người bán dao, đòi đổi. Đến bốn năm lần như thế, cuối cùng người ấy đem dao ra trả, đòi lại tiền, không mua nữa. Hắn bảo người bán dao:

" Nhà tôi có cái thớt, dùng đã mấy chục năm nay, không hiểu làm bằng gỗ gì mà tốt thế. Dao của bác tuy sắc, nhưng đem về thử, thay đổi đến bốn năm lần mà không con nào chịu được...".

3.Nòng nọc... cạn

Khi còn sống cuộc sống dưới nước, Nòng Nọc rất thù ghét cuộc sống trên cạn và nói xấu họ hàng nhà Cóc hết lời.

Cho đến một hôm, Nòng Nọc nhận thấy cái đuôi của mình mỗi ngày một teo đi rồi rụng hẳn, Nòng Nọc phải nhảy lên bờ và trở thành ... Cóc con, bởi không thể tiếp tục cuộc sống dưới nước được nữa!

Thấy vậy, Cóc cụ chẳng những không giận mà còn tỏ ra vui mừng: "Chào người anh em! ".

Không hiểu do ngượng vì trước đây mình đã nói xấu họ hàng nhà Cóc hết lời hay không chịu nhận ra bây giờ mình cũng đã là một thành viên trong họ nhà Cóc, Cóc con trả lời:  "Ai anh em gì với nhà ngươi! Ta là Nòng Nọc!".

Cóc cụ cả cười:

"Nhưng là thứ Nòng Nọc... cạn".

4.Khuyển kinh

Chó nhà hỏi chó rừng:

"Có một cuốn sách hay lắm, không hiểu anh đã xem chưa?”.

"Cuốn gì?".

"Khuyển kinh".

"Khuyển kinh?".

"Phải, Khuyển kinh! Nghĩa là sách viết về phép xem tướng chó".

"Vậy thế nào là chó hay?".

"Chó hay phải tam tinh khoáy sọ, tứ túc huyền đề, tai phải cúp, đuôi phải cong...".

Mới nghe đến đây, chó rừng đã cắt ngang:

"Thế là hay với người chứ không phải hay với chó! Bởi tướng ấy là tướng cam phận làm tôi tớ người ta...".

5.Ngày 27 tháng 7

Nhà có hai chị em. Năm 1954, chị ở lại với gia đình ngoài Bắc, em theo chồng vào Nam. Chiến tranh, thằng con người chị xung phong đi bộ đội, vào nam chiến đấu. Thằng con người em dù trốn chui trốn lủi, cuối cùng số phận cũng bắt phải cầm lấy khẩu súng và là người lính của phía bên kia. Cả hai đều tử trận!

Đất nước thống nhất. Hai chị em (lúc này đã là hai bà lão) đều sống trong cảnh cô đơn. Em đón chị vào Nam ở để chị em sớm tối có nhau.

Từ đó, hằng năm cứ đến ngày 27 tháng 7, người em lại vắng nhà...