Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Phỏng vấn Nina McPherson – Kỳ 3

Trần Vũ thực hiện

Trần Vũ: Trong bối cảnh hiện nay, Nina không nghĩ Việt Nam là một chủ đề thời sự? Rồi với thời gian, khi thời trang biến mất, tâm tình độc giả Hoa Kỳ sẽ thay đổi? Những quan tâm bất chợt của độc giả Mỹ đối với con người và xã hội Việt Nam sẽ chóng tàn? Nếu đúng như vậy, thì có thể nói là độc giả hôm nay chỉ tìm kiếm phong vị lạ trong tiểu thuyết Việt Nam?

Nina McPherson: Câu hỏi của Vũ mở ra một đề tài khá bao quát. Tôi ý thức quá rõ khía cạnh chốc lát của thời sự, cùng “phong vị lạ” của Việt Nam và “Đông phương” dưới mắt người Tây-Âu. Chính vì thế tôi đã bỏ nghề ký giả. Tôi không thích sống một hiện tại vĩnh cửu. Quá khứ, điều Vũ gọi là “Cái Chết Sau Quá Khứ” mãnh liệt ám ảnh tôi. Tất nhiên, trong lúc này, tổng thống Clinton hủy lệnh cấm vận, Việt Nam trở thành một chủ đề thời sự, nhưng nó không giống lắm những đề tài thời sự khác… Tôi sẽ trở lại đề tài này. Về “phong vị lạ”: Chắc chắn là có một thị trường cho những độc giả chỉ đi tìm Exotisme. Nhưng đây là một thị trường gia giảm rất thất thường. Tuy vậy, mối quan tâm Việt Nam của người Mỹ, của dân tộc Mỹ, không chỉ hạn hẹp trong một cơn khát thương mãi tức thời, theo một thị trường phù xuất trồi sụt, hay đồng nghĩa hóa với một mê hoặc “của lạ” nào đó. Nó phức tạp hơn nhiều, chôn sâu trong lòng người Mỹ. Tôi nghĩ chính châu Âu, đặc biệt người Pháp thích đi tìm Exotisme hơn người Mỹ, do tưởng nhớ quá khứ thuộc địa của mình ở Đông Dương. Bằng chứng, họ cứ tiệp tục gọi Phương Đông (Orient), Cochinchine (Nam-kỳ), Tonkin (Bắc-kỳ), An-Nam (Trung-kỳ), bán đảo Trung-Ấn (Indo-Chine)… (Tên Cochinchine xuất phát từ chữ “Cochin” trong tiếng Bồ Đào Nha ám chỉ Ấn Độ, Cochinchine mang nghĩa Trung-Ấn ngầm chỉ một nửa ảnh hưởng văn minh Ấn và một nửa ảnh hưởng Trung Hoa. Tonkin hay Tunquin là ký âm từ Đông Kinh, tên cũ của Hà-Nội.)

Có thể, người Mỹ ít lãng mạn. Tôi không nghĩ những quan tâm Việt Nam hiện nay là phù du. Có quá nhiều những tiếng vọng, đau khổ, tủi nhục, và ray rứt để có thể quên Việt Nam một sớm chiều. Chiến tranh, giống tình yêu, là thứ kinh nghiệm ghi dấu cuộc đời. Quá khứ ấy tiếp tục sống trong lòng ta, thực hơn cả thực tại. Và Việt Nam, đối với hàng triệu người Mỹ, chưa từng đặt chân tới, chưa từng mất mát một người thân, vẫn là bước ngoặc trong đời sống. Đối với Robert Kramer, nhà thực hiện phim tài liệu, đã từng phản chiến, rồi tự ý lưu vong sang Pháp, nó là một chuỗi ám ảnh. Đối với Oliver Stone, cựu chiến binh trở thành đạo diễn Hồ Ly Vọng, Việt Nam như con quỷ ám thường trực. Còn những « VETS », những cựu binh cầm bút viết về Việt Nam càng đông hơn: Michael Herr, Tim O’Brien, Philippe Caputo, và gần đây nữa, Robert Olen Butler giải thưởng Pulitzer, phô bày những trắc ẩn sâu sắc của mình đối với Việt Nam, những gì đã sống ở đó, xuyên qua tiếng nói của các nhân vật Việt Nam sinh sống ở tiểu bang Louisiane. Nhưng phải nhận là Việt Nam đang là một đề tài biến đổi rất nhiều. Phim ảnh, tiểu thuyết, truyện ngắn Hoa Kỳ viết về Việt Nam còn nhắc đến chiến tranh, nhưng càng lúc càng nhiều phim, truyện do chính người Việt thực hiện. Đa số là tiếng nói phụ nữ: Linda Lê, Lệ Lý Hayslip, Tiana Alexandra, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài là những gương mặt nổi bật, nhưng chắc chắn còn nhiều người khác nữa.

Trần Vũ: Thế hệ trẻ Hoa Kỳ như Nina, nhìn về cuộc chiến Việt Nam ra sao? Vô tâm, không can dự hay băn khoăn?

Nina McPherson: Thông thường mọi người nghĩ thế hệ của tôi không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Mặt nào đó, rất đúng, nhưng tránh khỏi thời kỳ bản lề của đất nước mình chưa chắc là điều may mắn. Tôi cảm thấy thế hệ mình hụt một chuyện gì quan trọng. Điều tôi biết, lớp người cùng tuổi với mình, sinh năm 61, đều đã va chạm với chiến tranh, cách này hay cách khác. Trẻ thơ, chúng tôi đều là chứng nhân phân vân trước bối rối của cha mẹ, đối với một cuộc chiến xa vời truyền hình về nhà; chứng nhân cơn khủng hoảng chính trị và niềm tin của đất nước. Tôi còn nhớ đã trông thấy, năm lên mười hay mười một tuổi, trong phòng ngủ của ông anh lớn một người bạn, bức hình nổi tiếng chụp đứa bé gái trần truồng, bốc cháy vì bom napalm, và một bức khác, cũng đầy biểu tượng, hình một người lính Nam Việt hành quyết một Việt Cộng giữa đường với khẩu súng lục. Những bức hình không có chú thích. Một cơn ác mộng mà tôi không giải thích được. Nhưng chúng tôi linh cảm, rất sớm, trước những cuộc cãi vã dữ dội giữa cha mẹ, giữa những ông anh, đó là đề tài cực kỳ nguy hiểm, một nỗi sợ, một thứ tai tiếng nhục nhã đớn đau trong gia đình, một “bí mật dơ bẩn”. Trong một thời gian dài, chúng tôi không dám đặt câu hỏi. Mãi về sau, mới hiểu cuộc chiến đã giết sự hồn nhiên trong trắng của đất nước. Giết chết ảo mộng. Điều tôi kiểm chứng, đối với rất nhiều người cùng lứa tuổi, ám ảnh Việt Nam – Sụp đổ ở Việt Nam – đã trở thành, một cách vô ý thức, lý do viện dẫn cho mọi chối từ, thụ động của chính mình trước mọi đấu tranh, trước mọi tình huống chính trị thế giới. Lối thoái thác đó bọc lộ rõ trong thái độ của Hoa Kỳ đối với Somalie và Nam-Tư.

Trần Vũ: Nina đã có mặt ở Thiên An Môn vào đúng lúc “Mùa Xuân Bắc Kinh”. Có phải chính cuộc đàn áp đẫm máu này đã hủy đi phần nào ảo ảnh, giấc mơ Trung Hoa đối với Nina? Không phải Nina sang Tàu để khám phá những huyền bí Viễn Đông sao? Một thứ hương thơm quyến rũ xa vời mà biến động Bắc Kinh đã xóa đi? Những năm tháng ở Hoa Lục, Nina có dự đoán trước cuộc nổi dậy của sinh viên hay cảm giác sẽ phải xảy ra chuyện gì đó, trong bầu không khí nặng nề khi ấy?

Nina McPherson: Ngày 4 tháng 6-1989 là khúc quành trong đời tôi. Làm thế nào để lượng định sức công phá của một biến cố to lớn như vậy ở mình? Tôi cũng chưa thấu rõ. Tôi có những người bạn Hoa đã chết, bị bắt, tù đầy, tuổi trẻ vỡ tan và lưu vong tứ xứ. Tôi đã thấy một trong những sinh viên của mình trên đài truyền hình, còn bận áo ngủ sau cuộc tuyệt thực, cùng với một nhóm sinh viên tranh đấu đi gặp thủ tướng Lý Bằng. Nhưng chuyển động dân chủ không chỉ bắt đầu từ năm 1989. Tất cả mọi người đều chờ đợi từ lâu. Mặt nào đó, chúng tôi, ký giả và giáo sư ngoại quốc, đều cùng tham dự. Cùng đồng lõa. Nhưng không phải Thiên An Môn đã phá vỡ ảo tưởng trong tôi. Tôi không có ảo tưởng nào hết. Những ảo mộng, nếu có, tôi đã đánh mất ở trấn Vũ-Hán, nơi tôi dạy tiếng Anh từ năm 1984 đến 1986, ở một đại học tỉnh lỵ. Trước nhất, không ai trách tôi đã đi tìm kiếm hương thơm huyền bí của Viễn Đông, như Vũ nói. Giống các sinh viên Hoa Kỳ cùng khóa ở đại học Yale khi ấy, tôi là một người tự do khuynh Tả, không có nghĩa là tôi theo Chủ nghĩa Xã hội. Động lực thúc đẩy tôi sang Trung Hoa rất giản dị: Ước muốn thu thập kinh nghiệm làm việc ở Hoa Lục, quốc gia mà mình đã nghiên cứu. Các giáo sư hướng dẫn của tôi ở đại học Yale, thời đó phần lớn là những cựu nổi loạn chán chường của năm 1968, cựu tín đồ sám hối của chủ nghĩa Mao. Vào đầu thập niên 80, họ đều ý thức rất rõ những lầm lạc của mình và không ngớt khuyên nhủ sinh viên cảnh giác chiếc bẫy Cộng Sản. Không ai ăn năn hối lỗi bằng những tín đồ Mao-ít!

Nếu có một nổi loạn nào đó, chính vì tôi cưỡng lại đầu óc trưởng giả, tính cách “Yuppie”, ham danh phận của tuổi trẻ. Các bạn tôi đều muốn trở thành bác sĩ, luật sư, thương gia. Còn tôi, tôi muốn đi xa, đi khắp trái đất, trông thấy tận mắt, viết, sống, làm một điều gì. Đối với những người bạn cùng trường, tôi là một đứa khùng. Một người bạn thân đã trách tôi “mất hết tham vọng sự nghiệp”. Trung Hoa đối với họ không phải là hương thơm huyền bí, nhưng là một lỗ đen. Tôi còn nhớ, học bổng của tôi, cho hai năm trời, chỉ vỏn vẹn năm ngàn đô-la. Còn lương giáo sư Anh văn của tôi ở đại học Vũ-Hán chỉ hơn ba mươi đô-la một tháng. Mà chẳng có gì quyến rũ trong cuộc sống ở trấn Vũ-Hán. Tôi sống với sinh viên Hoa trong những nhà ngủ không có hệ thống sưỡi, không nước máy, đầy chuột cống, lúc nhúc gián, bị những loa phóng thanh bủa vây hò hét từ 5 giờ sáng, la gào những khẩu hiệu tuyên truyền Marxiste, ca ngợi công lao Mao, xen lẫn những bài ca Cách Mạng. Đồng ca tập thể…

Ưu đãi duy nhất cho tôi, là được phòng riêng, trong lúc các sinh viên Hoa ngủ từ bốn đến sáu người trong những buồng hai mươi thước vuông. “Hương thơm quyến rũ xa vời” là những cầu tiêu sát hành lang, không hệ thống cống thải mà là những hố xí bốc mùi hôi thối, hay mùi nước phân đong đưa từ các quang thúng thum thủm của những người nông dân gánh đi tưới rau. Mỗi tuần tôi được tắm ở nhà tắm công cộng hai lần và cũng phải xếp hàng lãnh nước nóng như mọi người. Bạn bè Hoa thì bị công an theo dõi. Còn sinh viên theo học với mình thị bị chính trị viên Chi Bộ Đoàn hạch hỏi, bắt làm báo cáo… Tôi sút mất bảy ký-lô và đánh mất rất nhiều ảo mộng. Không ai hiểu tại sao tôi sang Trung Hoa. Với ý đồ gì? Họ nghi tôi làm gián điệp cho CIA, vì tôi nói sõi tiếng lóng địa phương. Vì tôi viết được tiếng Quan Thoại. Vì tôi hiểu quá nhiều, lại quá chú tâm vào các biểu ngữ đòi dân chủ do sinh viên dán dọc bờ tường câu lạc bộ. Những biểu ngữ bị chính quyền lột đi ngay. Những truyền đơn bị công an nhặt tức khắc. Thời đó, một người bạn Tàu đã ví tôi như một mầm sinh kháng thể, trong hệ thống đối kháng vi trùng của con người! Tôi đã chứng kiến hết những giận dữ, cay đắng của thế hệ trẻ Trung Hoa. Sau đó tôi trở thành ký giả làm việc tại Hồng-Kông, năm 1987 tôi trở lại Bắc Kinh làm đặc phái viên cho Thông Tấn Xã Pháp (AFP Agence France-Presse).

Đây là thời kỳ mà kinh nghiệm chuyên môn đã tác động lên tôi rất nhiều, và cũng đã thay đổi quan hệ giữa tôi với Hoa Lục. Tôi không còn là một nhà giáo giữ vai trò nhân đạo. Tôi sống trong một căn nhà giữa khu Ngoại giao cấm người bản địa. Tôi thấy rõ mình bị đối xử như kẻ địch. Ở Hoa Lục, người ký giả bị xem như gián điệp. Tôi còn bị nghi ngờ hơn vì công an không hiểu tại sao một người Mỹ lại đi làm việc cho Pháp ở Trung Quốc. Năm 1987 tôi “bao sân”, như trong nghề thường nói, những vụ nổi dậy chống Bắc Kinh ở Tây Tạng. Tôi đã chứng kiến tận mắt các Lạt Ma bị đạn của công an Trung Quốc, chính tôi cũng bị bắt giam nhiều lần, bị thẩm cung. Không phải đợi đến Thiên An Môn, như giọt nước tràn ly, đã cắt đứt tất cả. Tôi không trở lại Bắc Kinh nữa, từ 1989.

(Còn tiếp)

Trần Vũ thực hiện bằng Pháp văn và phiên dịch, Paris 25 tháng 3-1994

Bản in lần đầu trên tập san Hợp Lưu số 17 phát hành tháng 6-1994