Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Nhảy múa để chết (kỳ 3)

Tiểu thuyết

Nguyễn Viện

Của tính nhân dân

Họp tổ dân phố. Từ ngày hôm trước, đứa con của ông tổ trưởng đã đi mời từng gia đình đến nhà ông họp vào lúc 7 giờ tối. Riêng hắn, đích thân anh công an khu vực đã đến mời và dặn dò không được vắng mặt. Ngoài đại diện mỗi gia đình, còn có mấy anh công an phường, đại diện hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội thanh niên… Sau một vài thông báo của ông tổ trưởng về vấn đề đóng góp hàng năm với các quĩ như khuyến nông, khuyến học, hỗ trợ gia đình nghèo, cứu trợ thiên tai bão lụt… Ông tổ trưởng giới thiệu ông phó chủ tịch phường có ý kiến với bà con. Khởi đầu ông phó chủ tịch khen ngợi sự đóng góp tích cực của bà con trong mọi hoạt động công tác trên giao. “Tuy nhiên, ông nói, trong thời gian vừa qua, tại tổ dân phố chúng ta đã xuất hiện một đối tượng, theo tôi là đáng lên án. Tôi xin nói thẳng, đó là ông X. Mang danh là nhà văn, lẽ ra ông phải nhìn thấy những điều tốt đẹp của xã hội ta, lẽ ra ông phải biết ơn đảng đã mang đến những điều tốt đẹp ấy. Thay vì thế, ông đã lợi dụng tự do dân chủ để nói xấu chính quyền, phủ nhận công lao của đảng, của những người đã hi sinh cho tự do độc lập của tổ quốc… Tôi đề nghị bà con đóng góp ý kiến để đương sự nhận biết những sai trái của mình, ngõ hầu ngăn chặn kịp thời những âm mưu phá hoại của địch…”

Hắn còn nhớ một số ý kiến đóng góp như sau:

Ông đại diện hội cựu chiến binh: “Nhất định không để các thế lực phản động nước ngoài cấu kết với bọn phản động trong nước thực hiện diễn biến hòa bình…”

Ông đại diện hội khuyến học: “Chúng ta cần phải tích cực giáo dục giới trẻ về truyền thống yêu nước của nhân dân ta, không để cho giới trẻ học đòi cái trào lưu tự do dân chủ kiểu Tây phương, cần phải dạy dỗ cho giới trẻ cũng như cái ông nhà văn này ý thức được tầm quan trọng của sự lãnh đạo của đảng…”

Bà đại diện hội phụ nữ: “Tôi xin có một đề nghị, là cứ để ông này cho hội phụ nữ chúng tôi giám sát…”

Sau cuộc họp đó, cô tư đến ngủ với hắn. Cô nói: “Em đã bảo anh phải theo em, anh lại cứ chứng nào tật nấy, ngôn với chả ngữ. Vất mẹ các loại chữ nghĩa cho nó lành. Về ở giữa lưng chừng trời với em là vĩnh cửu”.

& ở nơi lưng chừng

Cô tư nhất định cho rằng, Khổng Tử là người ba phải và cái ông Karl Marx thì dở hơi. Cái ba phải giao hợp phối ngẫu với dở hơi đã đẻ ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa diêu bông. Cô tư không làm kinh tế, cô chỉ thích làm thơ và làm tình, bởi thế cô chỉ quan tâm đến sự thành tựu của nền văn hóa diêu bông, đỉnh cao của trí tuệ loài người. Cô nói: “Cái lưng chừng trời với cái diêu bông là con công nó múa”. Hắn nghe xong bảo: “Hiểu chết liền”. Cô tư nói: “Sao ngốc thế. Nó là biểu tượng”. Hắn bảo: “Chẳng ăn nhập gì với cái sự vụ em làm thơ và làm tình với anh”. Cô nói: “Sao không? Anh có thấy thơ em giống lá diêu bông không? Anh có thấy em làm tình như công nó múa không? Anh có sướng như ở lưng chừng trời không?”.

Không cần hư cấu

Cô ba bảo nằm trên mặt đất còn chẳng biết có chắc không, lại đòi nằm ở lưng chừng trời thì có ngày nát bét. Tình yêu và sự xúc cảm của nó không cần phải hư cấu. Cứ phàm phu và tục nữ đời thường là tới bến phiêu diêu thượng nguồn vĩnh thúy. Cô ba nói tiếp, anh cứ nằm yên để em chèo chống chồng chéo rồi cũng đáo bỉ ngạn sông Tiền, sông Hậu, biển lớn ba la mật.

Về một chỗ nằm

Cô hai nói đừng hy vọng. Xúc cảm lừa đảo lý trí. Đừng tin vào bất cứ điều gì. Nhưng anh đừng rời xa em. Đừng để sự cô đơn xói mòn cái trống rỗng căng mọng trong em. Hãy đi với em đến bất cứ nơi nào chúng ta có thể nghĩ đến. Em cần phải thoát ra khỏi thế giới này. Như em cần phải thoát khỏi anh. Nhưng anh đừng rời xa em. Đừng để cho sự bẽ bàng vùi dập niềm cay đắng của em nỗi nhớ nhung của em. Hãy về với em trên đỉnh núi trọc lộng gió. Và hãy đem đàn dê xanh xao về lại thung lũng cho dù cây cỏ đã héo tàn. Cho dù những đám mây không còn nước và nắng đã hanh thành hổ phách. Cho dù anh đã thân tàn ma dại. Cho dù tuyệt vọng đã lấn chiếm mọi nguồn cội căn nguyên số phần lận đận.

Của quân khốn nạn

Thời gian. Hắn sợ. Và hắn luôn tìm cách lấp đầy thời gian với các loại hàng mã. Các nhà thơ bảo thời gian là giời than. Hắn thấy vui. Nhưng trong các loại nhảm nhí trên cõi đời này, hắn cho rằng không có gì nhảm nhí hơn nhà thơ. Sự nhảm nhí ấy trở thành một niềm vui khác. Cô tư hỏi anh không thấy thơ em hay à? Hắn bảo cứ thơ là hay rồi. Người làm được thơ lại hay hơn. Cô tư bảo anh là quân khốn nạn. Hắn cười cười bảo trưa nay em đi ăn cơm với anh. Anh thích làm quân khốn nạn lắm. Hắn lại muốn giết thời gian một cách khác. Hắn nhìn ngắm nỗi đau, nỗi quằn quại, siêu hình và “nhân văn” của các nhà thơ và hắn khám phá ra nỗi đau và quằn quại ấy thật ra là một hiện tượng thủ dâm. Cứ như thể không đau không quằn quại không phải là nhà thơ. Ngôn ngữ bị cắt tiết cho cuộc trình diễn lý lịch tự khai. Cái lý lịch không ma ám, không bóng đè, không bị quỉ nhập, không bị bóp cổ bịt miệng, không bị cướp bóc tước đoạt, không bị trói bị đánh, không bị bỏ tù, không bị cắt cơm…

Hắn chợt hiểu tại sao âm phủ lại cần các nhà thơ đến thế. Hắn rủ cô tư: “Em đến phố hàng mã với anh nhé”. Cô tư hỏi: “Chi vậy”? Hắn nói: “Anh cần mua một số thi sĩ để cúng rằm tháng giêng”.

Phố hàng mã

Tiền đô loại 100 xếp từng thùng. Những người chết cần tiền cần vàng. Chẳng biết họ sẽ mua được những gì dưới âm phủ. Những người chết cũng cần gái đẹp. Chẳng biết họ sẽ yêu đương làm tình thế nào. Những người chết cần mọi thứ như người sống. Bọn cô hồn các đảng cũng chẳng kém cạnh, thậm chí hay yêu sách. Bọn này được các công ty xí nghiệp cúng mỗi tháng ít nhất hai lần. Không kể heo quay hay gà luộc, tiền cúng cho chúng hàng tháng đủ để trở thành đại gia. Nhưng bọn cô hồn hình như cũng phú quí sinh lễ nghĩa, chúng bảo hãy cúng cho bọn chúng thi sĩ các loại. Thế giới âm phủ cần được tô hồng để che giấu cái ảm đạm nghìn thu. Bọn thi sĩ vốn ngoan như cừu và háo danh như chim lồng cá kiểng, cứ dẫn bọn nó đi bia ôm thì bảo gì cũng nghe. Hắn hỏi bà bán hàng: “Có sẵn mấy ông thi sĩ không”? Bà bán hàng bảo: “Đẳng cấp nào”? Hắn hỏi lại: “Loại một bao nhiêu? Loại hai bao nhiêu”? Bà bán hàng bảo: “Loại hai thì nửa tiền. Nhưng bọn này ba phải, ông mua làm gì. Ông mua loại một đi. Toàn thi hào với thi bá. Âm phủ mà có mấy ông này thì phải biết”.

Hắn mua 10 thi sĩ loại một. Cô tư hỏi: “Sao anh mua nhiều thế”? Hắn bảo: “Một thằng tâng bốc thì không ai tin, nhưng cả mười thằng cùng tâng bốc thì hiện tượng sẽ biến thành bản chất”.

& thằng ngốc

Cô hai bảo hắn là một thằng ngốc. Không sai. Hắn thắp nhang lạy tứ phương. Xin các cô hồn cho tôi được an nghỉ bên những người đẹp như cô hai, cô ba, cô tư. Xin cho cuộc đời tôi được êm ấm bên những người thân yêu như cô hai, cô ba, cô tư. Có cô hai, cô ba, cô tư làm chứng, tôi không hề đòi tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng. Và tôi tin rằng cuộc sống này thật sự tươi đẹp, tôi xin cúng mười đấng thi sĩ để đời đời ca tụng công đức của các đồng chí kính yêu.

Cắc cớ

Cô ba hỏi: “Mười thằng thi sĩ mà anh cúng xuống âm phủ là những ai vậy”? Hắn nói: “Đây là vấn đề nhạy cảm và tế nhị. Đó là mười thằng đỉnh cao của nền thi ca cách mạng”. Cô ba bảo: “Dưới ấy, bọn chúng tha hồ múa bút. Người trần gian đọc thơ bọn chúng thế nào cũng đua nhau xuống âm phủ”. Hắn nói: “Ừ, cũng nên thế. Trần gian chật quá rồi”.

Đường xuống âm phủ

Đẹp như mơ. Hai bên con đường dốc xoắn ốc, cảnh tượng luôn thay đổi nhưng được trang trí vĩnh hằng bởi một rừng cờ đầy màu sắc theo kiểu dáng của những chiếc quần lót phụ nữ. Rạo rực máu lửa. Càng xuống sâu càng trượt nhanh, nhưng cảm giác càng lúc lại càng tỉnh táo. Ý thức về sự sống và sự hiện hữu bừng sáng nhưng không chỗ bám víu. Nó định danh một thân phận nhưng đồng thời hủy diệt tính sở hữu thân phận đó. Vì thế, cảm thức về “cuộc sống”, cái bối cảnh tồn tại, là một trạng thái chơi vơi lồng lộn. Rừng rực và bất an. Sự cộng hưởng tốc độ khi trượt xuống với những chiếc quần lót trong ý nghĩa biểu tượng một lá cờ tạo ra những âm thanh của tiếng rên không thể xác định sung sướng hay đau khổ. Và nó không thể không tạo ra vấn đề, các hồn ma có sống, chiến đấu vì lá cờ đó không?

Từ rất lâu đã có những địa ngục

Âm phủ và địa ngục có thể không giống nhau. Nhưng những trải nghiệm về địa ngục hay một nơi tối tăm như âm phủ, đối với hắn như đã từng, chỉ là những ngày vất vưởng vô sở trú, vô sở trụ và tràn đầy âu lo. Đó là cuộc săn đuổi của nhà tù đối với sự bất tuân của quyền sống. Khi những người bạn của hắn lần lượt bị bắt với những tội danh rất mơ hồ như “lợi dụng tự do dân chủ”, hắn không còn cách nào khác là bỏ trốn. Bởi vì hắn không thể chấp nhận là một “phạm nhân” trong việc làm công chính của mình. Nhưng từ chối sự xét xử của bạo quyền và để sống tự do không bao giờ là một tự do. Đó là một lựa chọn tuyệt vọng và chỉ mang tính triển hạn. Đầu tiên, hắn nghĩ cần phải ra khỏi nhà và rời khỏi thành phố. Nhưng thật sự hắn cũng không biết phải đi đâu. Đó cũng là giai đoạn người dân ồ ạt vượt biên, tuy nhiên hắn chưa bao giờ coi đấy là giải pháp. Ở thành phố Cần Thơ, hắn được tin Trung Quốc đánh Việt Nam. Hắn nghĩ, giáo điều về chủ nghĩa cộng sản bắt đầu phá sản. Những dòng sông mênh mang của miền Tây Nam bộ vẫn tràn đầy phù sa và thủy sản, nhưng người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học và thiếu không khí cho một lồng ngực tự do. Hắn phải mua những tờ giấy phép đi đường, những lệnh công tác giả, in lậu để có thể đi lại. Và đã có rất nhiều đêm, hắn phải ngủ vạ vật dưới đất trong các xó xỉnh ở các bến xe, các nhà ga. Và đã có rất nhiều đêm, hắn không biết phải về đâu dù có rất nhiều bạn bè. Và đã có rất nhiều đêm, hắn nằm ngủ với một cái bụng rỗng đầy nước máy. Và ở trên đất nước này, địa ngục không phải là âm phủ, nó mọc lên dưới ánh mặt trời, giữa mây và gió, trên những cánh đồng, trong những khu dân cư, hiển hiện với từng số phận.

& sự đánh tráo các ngôn từ

Có lẽ không ở đâu như trong các xã hội mà chế độ độc tài ngự trị, khái niệm và ngữ nghĩa của ngôn từ lại bị đánh tráo và áp đặt trắng trợn đến thế. Tự do và đồng thuận, độc lập và độc tôn, dân chủ và lãnh đạo, nhân văn và man rợ… Đặc biệt là các từ cộng sản, xã hội chủ nghĩa, dân tộc, tổ quốc, yêu nước… không những bị đánh tráo mà còn bị đánh đĩ.

Con đĩ ở lưng chừng trời

Cô tư nói: “Em muốn là một con đĩ của anh”. Hắn cười: “Chẳng lẽ em muốn anh thành một thằng điếm”? Cô tư bảo: “Không phải thế. Em muốn tìm cảm giác của sự sòng phẳng. Sau mỗi lần làm tình, anh trả cho em một ít tiền”. Hắn nói: “Em không nghĩ là anh yêu em sao”? Cô tư bảo: “Em không tin tình yêu. Nhưng em biết em cần tình dục cũng như em cần tiền”. Hắn nói: “Anh sẽ không phải là người khách tốt bụng”. Cô tư bảo: “Không quan trọng. Em chỉ muốn anh coi em là một con đĩ”. Hắn nói: “Anh không hiểu”. Cô tư bảo: “Em không muốn chờ đợi sự chung thủy của anh. Dù em sẽ không đi khách với bất kỳ ai, ngoài anh”. Hắn nói: “Như thế, anh trở thành người đánh đĩ với chính mình”. Cô tư bảo: “Cũng đâu có sao”.

Bị tống giam

Không thể thoát. Cuối cùng thì hắn cũng bị bắt. Hôm đó, hắn đến nhà ông bạn già để biên tập lại những tài liệu do ông già soạn về phương pháp đấu tranh hợp pháp. Nhưng khi vừa bước qua cánh cửa, hai công an phục sẵn trong nhà đã áp sát hắn và giải về trụ sở công an phường. Họ nhốt hắn trong phòng ăn. Sau một tiếng, một công an đến hỏi cung, lập biên bản rồi họ còng tay hắn áp tải bằng xe gắn máy về trại giam công an quận. Trong ba ngày liên tiếp, họ chỉ tra vấn một câu duy nhất: “Phương thức tập trung lực lượng”? Hắn chẳng biết khai thế nào vì hắn không có ý định tập trung lực lượng, ít nhất cho đến thời điểm hắn bị bắt. Hắn nghĩ, người ta cần phải được lên tiếng về những điều người ta cho là cần thiết và đúng đắn. Và lên tiếng như thế nào để không bị bắt, không bị khép tội âm mưu lật đổ chính quyền. Nhưng hắn mới chỉ nghĩ và muốn bày tỏ điều đó, hắn đã bị bắt. Cho đến khi ra khỏi tù, hai năm sau, hắn vẫn chưa được cho biết hắn bị tội gì.

Ở nơi ấy chúng tôi đã hát

Trại giam vốn là khu chung cư của Mỹ trước năm 1975, được cải tạo lại với các song sắt toàn bộ phía trước của các phòng. Thoáng, mặc dù mỗi tù nhân chỉ được nằm một chỗ ba viên gạch bông loại hai tấc. Thằng đại bàng trong phòng bảo hắn ngồi giữa phòng, hỏi: “Anh bị tội gì”? Hắn nói: “Chính trị”. Không khí trong phòng đột nhiên dịu xuống, mọi người vui vẻ hoan hô hắn. Hắn không bị đánh phủ đầu như lệ thường. Người già nhất trong phòng bảo hắn nằm bên cạnh ông. Ông già hỏi: “Ăn gì chưa”? Hắn bảo chưa. Ông già cho hắn một lát sandwich. Một người trẻ hơn bên phía trái cho một ly đậu xanh khô. Ông già lại hỏi: “Có tiếp tế không”? Hắn bảo có, nếu gia đình biết tin. Đại bàng bảo: “Nếu anh muốn, ngày mai sẽ có người đưa tin cho anh”. Hắn cám ơn mọi người. Một thằng nhóc bảo: “Mai mốt ra khỏi đây, anh cho em theo anh”. Đó là đêm cuối năm. Đúng giờ giao thừa, một ai đó cất tiếng hát: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”, cả phòng hát theo. Chưa được nửa bài, quản giáo rầm rập chạy xuống. Phòng im bặt. Cửa mở. Quản giáo xông vào đấm đá bất cứ ai trong tầm chân của hắn. Sau đó một cây sắt dài và những chiếc cùm được mang tới. Cả phòng bị cùm chân xâu vào với nhau như những con cá.

Vào mùa hè, phòng giam trở nên chật chội và nóng bức hơn bởi hơi người. Tên đại bàng vẫn tập thể lực nhưng yêu cầu mọi người hạn chế di chuyển để giảm bớt sự tỏa nhiệt. Ông già bàn với hắn về kế hoạch vượt ngục với sự giúp đỡ của thằng con ông ta từ phía ngoài. Hắn cảm thấy cần phải cảnh giác, nói: “Cháu sợ mình không đủ sức”. Một thằng khoác lác khác cũng khoe có một lực lượng bên ngoài sẵn sàng làm chiến dịch giải cứu cho anh ta. Nhưng nó ra lệnh không được manh động. Hắn chỉ cười, khen anh ta anh hùng. Một bố khác tự khai là đảng viên Quốc Dân đảng, bạn của Sơn Đảo hay Sơn Vương lừng lẫy giang hồ, sẵn sàng giúp hắn vượt biên khi được tự do. Hắn bảo điều tốt nhất cho mọi người ở đây là hãy kể chuyện tiếu lâm hoặc ca cải lương hát hò gì đó cho đỡ buồn. Nhưng nhà tù có nhiều điều cấm, trong đó có lệnh cấm ồn, cũng như cấm hát nhạc vàng. Bởi thế, mỗi khi quản giáo đi qua, mọi người lại cất tiếng hát chế giễu “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” để tránh nguy cơ bị trừng phạt.

Nhà tù, dẫu sao cũng giúp hắn trút bỏ được nỗi lo âu bị bắt và chấm dứt tình trạng vô gia cư lẩn lút. Hắn tìm được sự bình an và nghĩ mình không thể chết một cách lãng nhách vì đau bụng ỉa chảy hay một thứ gì như chiếc đũa đâm vào lỗ tai trong lúc ngủ. Cũng như sau này, hắn không muốn chết vì một thằng phải gió nào đó tông xe ngoài đường.

Và những kẻ từ biệt

Bạn hắn lần lượt vượt biên. Những kẻ tự mang cho mình sứ mạng cứu nước cứu dân cũng lần lượt ra đi. Cái giá của sự cứu chuộc bỗng trở nên cay đắng. Người đàn bà yêu hắn trong những ngày điêu linh cũng từ biệt nồng nàn để ra đi và lãnh chịu cái thú tính man rợ của bọn cướp biển. Đó cũng là sự từ biệt của chữ nghĩa, để có một thứ chữ nghĩa khác vang động trong hắn. Và hắn bắt đầu cuộc hành trình mới đi tìm những chữ nghĩa còn ẩn giấu đâu đó.

Tai nạn của chữ

Viên chấp pháp cầm quyển sách hỏi: “Cái này do anh viết”? Hắn nhìn quyển sách xác nhận: “Vâng”. Viên chấp pháp nói: “Chúng tôi có đủ chứng cớ để truy tố anh. Anh nghĩ sao”? Hắn bảo: “Truy tố hay không là quyền của mấy ông. Viết là quyền của tôi”. Viên chấp pháp nói: “Đúng là anh có quyền viết. Nhưng viết như thế nào là điều anh cần biết. Tôi nghĩ điều quan trọng là người ta cần phải tồn tại cái đã”. Quả thật, người ta cần phải tồn tại, nhưng hắn đã là ma từ lâu rồi, thành ra cái sự viết lách của hắn chỉ là trò ma quỉ rỡn mặt thánh thần. Viên chấp pháp đưa cho hắn một xấp giấy trắng và cây bút bảo: “Anh hãy viết kiểm điểm”. Hắn hỏi: “Tại sao tôi phải kiểm điểm”? Viên chấp pháp lạnh lùng nói: “Vì đó là yêu cầu của chúng tôi”. Nói xong, viên chấp pháp bước ra khỏi phòng.

Bài kiểm điểm của hắn:

“Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bản kiểm điểm

Tôi tên là Nguyễn X, đã chết.

Địa chỉ hiện tại: Âm phủ.

Tôi đã viết những gì tôi cảm thấy cần phải viết và không thể viết khác. Tôi không nghĩ điều đó lại phạm pháp.

Ký tên.”

Viên chấp pháp quay trở lại, đọc bản kiểm điểm của hắn và nói: “Chúng tôi muốn anh cam kết không được chống đảng, chống chính quyền”. Hắn tự nghĩ, đã là ma rồi thì chống ai? Tuy nhiên, hắn cảm thấy không thể rời khỏi cái nhà mồ này nếu không viết cam kết.

“Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bản cam kết

Tôi tên là Nguyễn X, đã chết.

Địa chỉ hiện tại: Âm phủ.

Cam kết không chống đảng, không chống chính quyền.

Ký tên.”

Tại sao con người không có cánh?

Tờ báo, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, trong hơn một nửa thế kỷ vẫn có khẩu hiệu này:

“Vì tổ quốc

Vì chủ nghĩa xã hội”.

Không có chỗ cho nhân dân. Lại càng không có chỗ cho con người.

Chữ nghĩa chống ai?

Không chống đảng. Không chống chính quyền. Không chống lại sự độc đoán. Văn chương chữ nghĩa chỉ có thể chống lại chính nó.

Trong mùa trăng của nguyệt

Máu của cô hai tràn qua hai mép mấp máy và thấm ngược trở lại vào chùm lông. Hắn bảo máu của cô hai linh thiêng. Những sợi lông chuyển qua màu đỏ tía rực rỡ và lúc nào cũng đứng thẳng ngay cả khi cô mặc quần.

Tuy nhiên cô ba không bao giờ chảy máu. Vì cô ba vĩnh viễn thơ ngây.

Nhưng cô tư thì ngày nào máu cũng chảy. Vì cô tư có một nhịp độ sinh học của kẻ được triển hạn bởi cái chết và một dâm tính vô độ. Máu của cô tư màu vàng, vì thế trên các vì tinh tú, ánh sáng lúc nào cũng ngời ngời hồi quang minh trị.

& sự triển hạn

Sự có mặt của cô tư trên xứ sở này mà cô vẫn tự bảo là ở giữa lưng chừng trời, thật ra chỉ nói cho văn vẻ. Cô vốn là thi sĩ. Và được gọi là Việt kiều, một loại người Việt không thể định nghĩa một cách chính xác về luật pháp lẫn tâm tưởng. Vì nó vừa là một “khúc ruột ngàn dặm” nhưng cũng luôn luôn là “thế lực phản động nước ngoài”. Và sự có mặt của cô trên quê hương có “chùm khế ngọt” và rất nhiều cạm bẫy lẫn âm mưu, chỉ được phép gia hạn ba tháng một lần cho cái visa nhập cảnh. Thành ra cô tư lúc nào cũng nhấp nhổm, cô không có cảm giác hai bàn chân bám vào đất và hai tay lại không với tới trời. Đấy là lý do làm cho nhịp độ sinh học của cô bất bình thường. Cô phải sống vội mỗi ngày cho sự gia hạn kia, vì thế dâm tính của cô càng ngày càng gia tăng. Cô bảo không fuck lung tung thì chết mất.

Nhưng fuck thế nào mới “trọng lượng”?

Hắn khám phá ra rằng, khi fuck mà không văng tục bằng cái lỗ mồm thì không đủ sướng.

Hắn viết:

“Hãy trút nỗi điên cuồng của anh vào thế giới vào tất cả mọi con người bằng việc dịch ra mọi thứ ngôn ngữ trên mặt đất động từ fuck và nói văng ra khi anh làm tình. Tiếng fuck sẽ vang động trong không gian và chuyển hóa vào mọi sinh thể. Nó làm cho mọi sinh thể rậm rật và hưng phấn. Đó là cách anh làm cho sự sầu hận trở nên thanh thoát và được hòa giải”.

Trong một tình huống khác

Khi cô tư đang fuck với hắn lúc 11 giờ tối, anh công an khu vực gõ cửa. Cô tư chỉ kịp mặc cái áo đầm ngủ, ra hỏi: “Có gì vậy anh”? Anh công an nói: “Xét hộ khẩu. Cô cho xem giấy tạm trú”. Cô tư đi kiếm cái sổ tạm trú cho anh công an. Xem xong, anh công an nói: “Cô đã hết hạn tạm trú hai ngày rồi”. Cô tư bối rối: “Có lẽ ngày mai tôi mới có visa mới. Anh thông cảm”. Anh công an: “Cô đã vi phạm luật. Ngày mai cô lên phường đóng phạt”. Quay sang hắn, anh công an hỏi: “Anh là ai? Cho xem giấy tờ”. Hắn đưa giấy tờ cho anh công an. Anh công an hỏi tiếp: “Anh làm gì”? Hắn nói: “Tôi chẳng làm gì cả”. Anh công an cười đểu: “Việt kiều nuôi à”? Hắn nói: “Tôi nuôi Việt kiều”. Anh công an cười trừ: “À, ra thế. Nếu anh ở lại qua đêm, yêu cầu anh báo tạm trú”. Hắn nói: “Nếu anh ngồi chờ, tôi sẽ báo trước 12 giờ”. Tuy nhiên, hắn bảo cô tư: “Chúng ta đi”. Anh công an cũng ra về sau khi để lại cái biên bản vi phạm luật cư trú cho cô tư.

Đêm ấy, cô tư và hắn ngủ ở một khách sạn không đòi chứng minh nhân dân hoặc hôn thú và họ tiếp tục fuck.

Thì đã sao?

Cô ba nói: “Em không thích sự trần trụi của ngôn từ, mặc dù em thích sự khỏa thân của tranh”. Hắn nói: “Anh chẳng thấy có điều gì khác nhau, ngay cả sự bạo lực”. Cô ba bảo: “Ngoài tự thân cái nó bộc lộ, nó còn có cả sự khác biệt trong cách tiếp nhận”. Hắn nói: “Cũng không có gì khác”. Cô ba vẫn bảo: “Em thấy nó khác. Đó chính là điều em đã chọn hội họa”. Hắn nói: “Anh chỉ thấy đó là vấn đề tốc độ”. Hắn không nhận ra điều đã làm cho cô ba trở nên dịu dàng và tha thiết đến vậy.

Trong một thế giới khác

Cô hai nói: “Máu của em là máu thánh. Bởi thế em là một ngôi đền thiêng. Chưa bao giờ anh đến được ngôi đền thiêng ấy và uống được máu thánh ấy”. Hắn bảo: “Vì anh đã nhắm mắt lại”. Cô hai nói: “Cả khi anh mở mắt cũng thế. Anh không nhìn thấy em”. Thật ra, hắn vẫn cảm thấy cô hai có hai thế giới, một thế giới thuộc về hắn, và một thế giới bí ẩn mà cô hai vẫn cho rằng đó là một sứ mạng của cô ở trần gian. Đôi khi cô hai cũng hé lộ, không phải chỉ có mình cô, còn có những người khác như cô và họ gọi nhau bằng máu. Mặc dù, hắn đã từng uống máu cô, nhưng hắn cũng không cảm thấy có điều gì khác ngoài một nỗi si mê cùng cực. Trong tận cùng thâm tâm, hắn luôn xa lạ và ngạc nhiên với đàn bà.

N.V.