Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Nhảy múa để chết (Kỳ 1)

Tiểu thuyết

Nguyễn Viện

Nguyễn Viện là một hiện tượng lạ trong làng văn Việt Nam với tư cách là tác giả của những tiểu thuyết Hậu hiện đại giầu cảm hứng những cũng vô cùng gai góc. Từ góc nhìn của người cầm bút không bị chi phối bởi hệ ý thức bệnh hoạn, giáo điều đang từng bước tàn phá nhân cách con người và di sản văn hóa cộng đồng, Nguyễn Viện phân tích các hiện tượng xã hội đương đại giống như hội chứng tâm thần tạo ra phản ứng dây chuyền chống lại sự “nghiêm túc một cách đểu giả” của thiết chế độc tài toàn trị. “Nhảy múa để chết” của Nguyễn Viện giống như một trò chơi xếp hình mà ở đó, mỗi chi tiết là một mảnh vỡ bắn ra từ một vụ nổ Bigbang nhân tạo.

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn cuốn tiểu thuyết này.

Trong nhiều năm nay, tôi vẫn viết như một người tự do, cho tự do. Tôi muốn được tự do cả trong quan điểm lẫn bút pháp và cấu trúc. Với tôi, mỗi tác phẩm cần một cách thể hiện khác nhau, thích hợp nhất với những gì tác giả muốn trình bày. Do đó mọi trường phái văn học đều là một chướng ngại và trở thành lỗi thời trước bản thảo của nhà văn. Cũng vì thế, tôi được coi là kẻ đã “cười và đái vào những tấm bảng chỉ đường” (*).

Tuy nhiên, với Nhảy múa để chết tôi lại hoàn toàn rơi vào trạng thái “hậu hiện đại” và tôi đã viết nó như một diễn ngôn hậu hiện đại đích thực.

Có một câu hỏi cần được trả lời: Liệu Việt Nam có phải là một xã hội hậu hiện đại không?

Không cần quan sát kỹ người ta cũng sẽ thấy ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh cái độc tài toàn trị của chính quyền là cái vô trật tự bừa phứa của nhân dân. Bên cạnh cái chính thống chuyên chế là cư dân vỉa hè vô thừa nhận. Bên cạnh cái quyền lực chuyên chính trung tâm là sự từ chối và lưu vong. Bên cạnh cái vô thần là mê tín. Bên cạnh cái hiện đại là lạc hậu. Bên cạnh cái hãnh tiến vô lối là mặc cảm tự ti. Bên cạnh cái “kinh tế thị trường” là “định hướng xã hội chủ nghĩa”… Sự đảo lộn các giá trị và giai tầng xã hội, tình trạng di dân và vấn đề đất đai, sự bứt lìa cội nguồn của các tôn giáo và các dân tộc thiểu số, sự phân hóa khu biệt và nghịch lý xã hội từ kinh tế đến ý thức…

Tôi cho rằng đấy là một hiện tượng xã hội hậu hiện đại kỳ quái nhất.

Đối với một nhà văn như ở Việt Nam, dù muốn hay không, một bút pháp hậu hiện đại cũng trở thành một thái độ phản kháng bởi vì tự bản chất, nó chống lại quyền lực áp đặt của một chủ nghĩa độc tôn và không ngần ngại chấp nhận vị thế “lề trái” cả trong văn học lẫn chính trị.

Trong tác phẩm Nhảy múa để chết này, tôi đã nhảy múa với ngôn ngữ, nhảy múa trong cấu trúc và nhảy múa bằng một thái độ chính trị. Không thỏa hiệp và lập lại.

Nhưng tại sao lại để chết?

Phải chăng, tôi không còn hy vọng gì với cái ác trong cuộc sống? Hay tôi muốn nói: dù sao thì cũng phải chết, nhưng trước khi chết, hãy nhảy múa?

Tôi không bao giờ là người thuyết giáo, nhưng dẫu thế nào tôi vẫn là một nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử. Vì thế tôi đã viết như một nạn nhân cả trong tâm linh lẫn đời sống xã hội. Nơi, dù tôi khinh bỉ sự ngụy tín nhưng vẫn phải sống như một bản thế vì của chính mình. Và vì ý thức được cái hoàn cảnh thế vì đó, tôi cần sự thật và nói lên sự thật, không phải bất chấp hiểm nguy, mà sẵn sàng chết vì sự thật để chính tôi được cứu rỗi.

Và câu chuyện của tôi không chỉ là những diễn biến, những sự kiện có thật hay hư cấu, mà còn là chính cấu trúc, bút pháp và ngôn ngữ của nó theo cách con người bị xé bỏ. Và những mảnh vụn bê bết máu của nó là văn chương trong ước muốn hàn gắn phức hợp đa chiều cho một dự phóng khác, vượt qua mọi giới hạn, đồng thời giải phóng năng lượng cho tư tưởng và sự sáng tạo.

Nguyễn Viện

(*)“Nguyễn Viện: cười và đái lên những bảng chỉ đường” (Hoàng Ngọc-Tuấn)

http://tienve.org/home/activities/viewTopics.do;jsessionid=DE648EA273E4EF68AEC1AA54FC8F414B?action=viewArtwork&artworkId=9057

PHẦN 1.

NHẢY MÚA

Và ngôn từ nhảy múa

Từ chữ này qua một chữ khác, từ câu này qua một câu khác, rời rạc và đứt khúc. Hắn nghĩ đó là cách viết dành cho những người có khả năng trực giác mạnh mẽ và sự liên tưởng không giới hạn. Đó cũng là cách có thể đẩy người đọc nhảy vượt qua các các cảm xúc và không gian, thời gian khác nhau. Cách của thần linh đi xuyên qua các thế giới. Nhưng khi bắt đầu viết cho một tiểu thuyết như thế, hắn lại không thể quăng ra từ linh hồn mình các từ hay câu trên các nếp gấp của suy tưởng và hư cấu mà không mang tính văn phạm. Không thể bước trên các ngọn núi mà không leo qua các đường đèo. Dù sao, hắn cũng không thể cưỡng được phải viết theo cách hắn đã nghĩ.

Sau đây là ví dụ:

Chồm lên và đè xuống. Ngấu nghiến. Bay. Hốt nhiên. Rẽ ngang và mất hút. Những vết răng cắm ngập đang rỉ máu cuồng. Đêm xuống. Mặt trời vung lửa. Cô hai ép sát người vào hắn cho đến khi họ dính vào nhau. Những con tinh trùng nhảy múa… Cửa sổ đập. Lũ chim ùa vào bay chật căn phòng. Cô rên từng chặp. Mùi hương của đồng cỏ ngan ngát. Hắn liếm vết thương. Cô hai nói, “em chết mất”. Hắn bay cùng lũ chim. Cô tan vào đồng cỏ. Ngày cũng ngập sương. Cả bầu trời ướt nhẹp. Cô mở mắt và không nhìn thấy gì cả. Đập tay vào tường. “Cứu tôi với. Cứu tôi với”.

Quỉ cũng nhảy múa

Đối với hắn, ngôn ngữ chỉ là một bước lùi của minh triết. Nó thất bại ngay từ khi đối diện với sự vật (việc). Cho nên khi cô hai kêu “Cứu tôi với. Cứu tôi với”, hắn bỗng ú ớ, đần độn. Không phải vì hắn không biết cách xử lý tình huống, mà tiếng kêu đó đẩy hắn xuống một trạng thái của kẻ thiểu năng. Dù sao hắn cũng biết phải gọi điện thoại kêu một Taxi và đưa cô vào bệnh viện. Bác sĩ cho biết cô hai bị kiệt sức, chỉ cần nghỉ ngơi. Cô nói với hắn, “Em muốn trở về phòng và chúng mình tiếp tục. Em vẫn chưa ra khỏi cơn mơ. Có một con quỉ nó vẫn còn ẩn nấp đâu đó trong em”. Đưa cô hai về lại phòng, hắn nói “Anh không muốn có một án mạng trong khách sạn”. Cô cười, “Em chỉ muốn trục con quỉ ra khỏi linh hồn em”. Hắn bảo, “Tốt nhất là em nên chui vào trong tủ lạnh”. Cô nói, “Anh không hiểu em. Em không ám thị ám chỉ ám dụ điều gì. Có một con quỉ trong linh hồn em”. Hắn bảo: “Thế thì em cần kiếm một bà phù thủy hay ông thày pháp, chứ anh làm được gì”. Cô nói, “Nếu anh tin em, chỉ có anh mới làm được điều ấy”. Hắn hỏi: “Em muốn anh làm điều gì”? Cô hai bảo: “Cho con quỉ sang sống với anh”.

Nhưng không như một cơn gió

Ngôn ngữ là một loại ma quỉ. Chập chùng ảo ảnh. Và hắn tin có những con quỉ thật sống trong linh hồn mỗi con người. Nó làm con người đau đớn. Và hắn biết, nếu hắn phải cưu mang hơn một con quỉ, nghĩa là gánh giùm một phần hay toàn bộ một con quỉ của người khác thì sẽ quá sức hắn. Cô hai bảo hắn là một người ích kỷ.

Trên miệng vực thẳm

Hắn hoàn toàn hiểu rằng, nếu cô hai cứ dán thân xác cô vào người hắn thì điều ấy có ý nghĩa hơn vạn lần tất cả mọi ngôn từ để diễn đạt tình yêu và nỗi nhớ nhung của cô. Nhưng sự im lặng với cô là một vực thẳm. Hắn nhìn thấy vực thẳm đó trong tâm hồn cô hai và hắn muốn nhảy vào, không phải để khuấy động mà muốn làm cho sự im lặng kia trở nên kỳ vĩ hơn.

Hắn viết:

Hụp lặn. Thở và nín thở. Không sóng không gió. Không bờ bụi không nông sâu. Mỗi cái với tay đều chạm vào nước mắt. Tình yêu chỉ là những khoảnh khắc không quá khứ không tương lai. Em không phải là con đĩ. Anh là thằng khốn nạn. Tiếng nói rơi vào khoảng không. Âm vang là một nụ hôn sâu. Khát. Khát. Bàn tay bấu vào thành giường. Giấc mơ chạm vào cơn mưa và tan biến. Hắn vẫn hụp lặn ở một nơi nào đó. Cô hai bảo: “Em không thấy anh”.

Tù đọng

Cô nhổ toẹt vào vực thẳm. Vực thẳm có mùi khai. Bởi đã có nhiều người đi qua đó. Hắn bảo chẳng có ai chết vì vực thẳm mà người ta chết vì núi cao. Ngôn ngữ là một thứ có cánh (giống như cánh mũi hay cánh tay) và đôi khi nó cũng khép lại cả thế gian. Hôm đứng trên đỉnh núi, ngó xuống vực thẳm, hắn nói với cô hai: “Em bay với anh nhé”. Cô bảo “Điên à”. Thiên tài và những thằng khùng đều giống nhau, nhưng cô chưa bao giờ coi hắn là thiên tài hay thằng khùng. Cô hai ngờ vực mọi nỗi niềm của hắn. Dù vậy cô vẫn yêu hắn. Cô thấy hắn trong sâu thẳm mà không thấy hắn trong hiện tiền. Có thể hắn chính là nguồn cơn của cô. Và cô muốn phủ nhận điều ấy. Cô không muốn nhìn thấy cô nơi người khác. Hắn nói: “Chúng ta cuốc bộ xuống đó vậy”. Cô hai bảo: “Không, em muốn trượt xuống”. Tuy nhiên, mùi khai dưới đáy vực xông lên làm cô ọe khan và cô bỏ ý định xuống đó. Hắn nói “Ừ, cũng chẳng để làm gì”.

Và sự bất tử

Bất chợt, một cơn giông thổi đến. Cả ngọn núi cũng bốc mùi khai. Những ngọn núi cũng đã đầy dấu chân người. Cơn giông đưa hắn về lại phố. Hắn đã lạc mất cô hai. Đó cũng là ngày chính quyền xử những người đòi hỏi tự do dân chủ. Hắn đến một quán cà phê gần tòa án. Hắn không nhận thấy có gì bất thường, nhưng khi vừa tìm được một chỗ để ngồi, liền có một người khác cũng ngồi xuống cạnh hắn. Hơi khó chịu, nhưng hắn đành chấp nhận vì quán hết chỗ. Hắn mở điện thoại định gọi cho cô. Mất sóng. Hắn không biết toàn bộ khu vực quanh tòa án đã bị cắt sóng. Chưa kịp kêu nước, một người lạ đến trước mặt hắn, hỏi: “Anh là nhà văn”? Hắn ngạc nhiên, đùa: “Ông thấy hình tôi trên mạng à”? Người lạ đáp: “Hơn thế nhiều, chúng tôi có cả một hồ sơ về anh. Cảm phiền anh đi theo chúng tôi”. Người ngồi bên cạnh cầm tay hắn kéo lên. “Chuyện gì vậy”? Hắn ngỡ ngàng hỏi. “Cứ theo chúng tôi rồi biết”, họ đáp. Hắn nhìn khắp quán để mong tìm một sự chia sẻ. Hình như không ai quan tâm. Toàn công an. Hắn chợt hiểu. Họ đưa hắn về công an phường. Hắn được mời cà phê, thuốc lá. Hắn cũng được đưa cho mấy tờ giấy và bút. “Anh hãy khai báo đã làm những gì”, họ yêu cầu. Rồi họ để mặc hắn ngồi một mình ở đó.

Hắn nghĩ, tốt nhất là làm một bài thơ.

Hắn viết:

“Quỉ không bao giờ chết. Từ linh hồn này đến linh hồn khác. Từ giấc mơ này đến giấc mơ khác. Con rắn mang theo lời nguyền của Chúa và nó chui qua những cánh cửa khép hờ. Ở đó, nó sinh nở ra mặt trời mặt trăng và những ngôi sao. Nó cũng sinh nở ra cây cỏ và dòng suối. Nó sinh ra mọi niềm vui và nỗi buồn. Khi tự cắn vào đuôi, nó sinh ra hoa trái và mật ong và sữa. Nó sinh ra những tiếng hót của loài chim và sinh ra tiếng gầm gừ của những con chó nhỏ. Nó sinh ra gió và bão. Nó sinh ra tình yêu và thù hận. Nó phun nọc độc vào mắt và nhỏ rãi của nó vào miệng con người. Nó phun nọc độc vào không khí và nhỏ rãi của nó vào cơn mưa. Nó múa vũ điệu của tàn phá và hủy diệt. Nó ca hát với thời gian và xưng tụng quyền năng của quỉ…”

Buổi trưa, họ mang cho hắn một ổ bánh mì thịt và chai nước. Họ hỏi, “Viết xong chưa”? Hắn bảo chưa, thật ra hắn chỉ muốn mượn đỡ cái băng ghế dài ở trụ sở công an để ngủ một giấc. Khi phiên tòa kết thúc, họ thả hắn ra mà không cần biết hắn đã khai những gì.

Đã dẫn đường

Hắn đến nhà bạn. Có một số người đã tụ tập ở đó. Đồ ăn và rất nhiều thứ để uống. Tuy nhiên, hắn chọn uống soda với một ít muối, mấy lát ớt và chanh. Một hỗn hợp kỳ quái không cồn mà như cocktail. Một không khí nhạt và nhàm như món thịt nguội. Nhưng có một khác là khuôn mặt rất lạ của cô ba thỉnh thoảng lại sáng lên với nụ cười hiền, duyên dáng. Không đẹp nhưng hấp dẫn mãnh liệt bởi sự thuần khiết và nghệ sĩ. Hắn ăn no và nằm xuống bên cạnh bàn nhậu. Dư chấn của cuộc bắt giữ vô cớ làm cho hắn mệt mỏi. Không để ý những người khác nói gì, hắn chờ đợi để được nghe cô ba. Nhưng cô, cũng như hắn, chỉ ngồi nghe. Hắn nghĩ, ngủ là một giải pháp để chống lại sự nhàm chán. Bất ngờ, một tiếng nói quen thuộc của một người bạn khác đang ở Sydney vang lên từ cái laptop, gọi tên hắn và nói sẽ hát bài “Nhịp ba” để tặng hắn. Một bài hát được phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền, hắn đã nghe vài lần khi người bạn về nước. Một trong hàng trăm ca khúc có thể tạo thế chân vạc với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn trong nền âm nhạc Việt Nam, nhưng bạn hắn chỉ coi là thứ vớ vẩn hát lúc trà dư tửu hậu. Âm nhạc đỉnh cao không dành cho ca khúc. Dẫu sao, hắn cũng không thể ngủ được suốt đêm hôm đó với dư âm của “tình yêu / tự do / mãi mãi”. Những ca từ của linh hồn bị đày ải. Cuồng nộ.

Đến một trò chơi

Tiệc tàn. Hắn mời cô ba đi uống cà phê. Họ ra bờ sông. Đêm dịu dàng nhưng bài hát trong quán phỉ nhổ vào sự thanh sạch của không gian. Cô ba nói: “Em không dứt khoát được với những sáng tác của mình. Cũng như em không biết phải quyết định thế nào về người chồng tương lai”. Hắn cười: “May nhờ rủi chịu em ạ”. Cô hỏi: “Một người như anh là may hay rủi”? Hắn lại cười: “May với người này, rủi với người khác”. Gió thổi từ sông lên se lạnh. Hắn nói: “Em mặc áo gió của anh nhé”. Cô bảo: “Khi nào em cảm thấy lạnh thì mình về”. Thế giới của cô ba vẫn kín mít. Hắn nói: “Khi nào tiện cho anh xem tranh của em”. Cô bảo, dạ. Cánh cửa nhà cô vẫn khép. Hắn nói: “Một người như em dễ làm đàn ông thích”. Cô hỏi: “Vì cái gì”? Hắn bảo: “Sự nhuần nhị của phụ nữ”. Cô nói: “Té ra bọn đàn ông các anh vẫn coi phụ nữ là trò chơi của mình”. Hắn bảo: “Không, đó là sự ngưỡng vọng”. Cô ba nói: “Ngay cả sự nịnh nọt của các anh cũng chỉ là một trò chơi”. Quán cà phê đóng cửa lúc 11g.

Hiện tại không phải là hiện thực

Những bức tranh của cô ba mang sắc màu của đất. Vừa nồng nàn vừa héo úa. Hắn không muốn gọi tác phẩm của cô là trừu tượng. Một sự im lặng thì có thể và có nên diễn đạt? Đấy chính là điều cô không thể dứt khoát. Cũng như một tình yêu thì nó vĩnh cửu hay chỉ là ảo tượng, cô không biết. Nhưng cô luôn bị thúc đẩy bởi một dòng máu cuồng, vừa gào thét vừa câm nín. Cô khao khát và khinh bỉ sự giãi bày. Có một nỗi chất ngất miên trường mơ hồ và oằn oại đục đẽo linh hồn cô. Nó làm cô tơi tả. Và như thế, tranh của cô chỉ là những gì đang tan rã. Cô ba nói: “Em không sống trong hiện tại. Em cũng không là trần gian”.

Của người cõi trên

Hắn viết:

Đàn dê băng qua cánh đồng đá. Tiếng kêu khan của chúng không làm đất rỉ nước và cây khô trổ lá. Hắn cầm cây gậy của Môi-Sen đập vào đá. Đá vỡ ra nhưng nước vẫn ngập ngừng nơi nguồn cội. Những đám mây không làm cho đàn dê hết khát. Cô hai bảo: “Thượng đế hôm nay đi vắng. Em sẽ đái cho bình nguyên nở hoa”. Hắn nói: “Cả trần gian đã khai lắm rồi”. Tiếp tục đập cây gậy vào đá, hắn nói với cô hai: “Dù sao em vẫn cần phải đái cho đàn dê khỏi khát”.

Đàn dê băng qua núi trọc lộng gió. Nắng bưng bưng. Cô hai nói: “Đã đến chỗ em phải đến rồi”. Hắn hỏi: “Em không đi với anh nữa sao”? Cô nói: “Không, em không phải trần gian”.

Trong đền thờ

Cô hai nói: “Không cà phê không vỉa hè không tụm năm tụm ba”. Cô từ khước lời mời đi uống cà phê với hắn. Hắn ra bờ sông một mình. Hắn nhớ có lần cô hai nói: “Một đàn én liệng” khi nhìn sóng nhấp nhô trên sông. Một lần khác cô hai nói: “Em thích chết trôi trên sông”. Ừ, hắn cũng thấy chết trôi trên sông thật bồng bềnh và mát. Nhưng hắn nghĩ, con người chỉ nhìn thấy hiện tại mà không nhìn thấy cái nguyên ủy hay cái trước đó. Chết trôi cũng phải sặc nước cũng phải dãy dụa cũng khổ sở trước khi thấy cái bồng bềnh buông thả. Cô hai đến chỗ của cô. Núi trọc lộng gió. Ở đó, quỉ sẽ ngủ và quỉ sẽ quên mình là quỉ. Nhưng chưa bao giờ hắn lại cảm thấy muốn có quỉ đến thế. Hắn nói với cô hai: “Anh muốn bắt con quỉ của em”. Cô hai bảo: “Chẳng ai bắt được quỉ của ai”.

Kẻ thế vai

Hắn rơi vào một cơn buồn khôn xiết. Cô ba bảo, “Em không vẽ nữa”. Hắn hỏi, “Em muốn lấy chồng à”? Cô ba bảo, “Lấy chồng là một cuộc ngoại tình bi tráng nhất. Mà em cũng chưa chuẩn bị để ngoại tình”. Cô ba không vẽ cũng không lấy chồng, như thế cô ba sẽ là kẻ trống không. Hắn hỏi, “Em không thấy con quỉ trong linh hồn à”? Cô ba bảo, “Cũng đôi khi. Nhưng quỉ nó không bằng em”. Cô ba làm cho hắn bất ngờ. Hắn nói, “Em lẫn lộn trừu tượng với hiện thực”. Cô ba bảo, “Nếu quả có một sự lẫn lộn như thế thì cũng thú vị”. Hắn nói, “Đó là trạng thái của người cõi trên”. Cô bảo, “Thật ra là một cảm thức sáng tạo”. Cô cảm thấy bối rối khi nói điều ấy. Một song thoại của ngôn từ. “Nhưng em sẽ từ bỏ cả cuộc sống này”, cô ba nói. Hắn chợt nhận ra hắn chỉ là kẻ thế vai trong niềm vui của cô.

Từ biệt

Cô hai nói, “Dù thế nào, em vẫn yêu anh”. Cô bước vào nỗi cô đơn của mình và đóng cửa. Cô đập vỡ chiếc điện thoại và bỏ địa chỉ email. “Anh cứ an tâm, em đứng vững”, cô tự nói.

Cô hai viết trên blog:

“Tôi thoát ra khỏi vòng xoáy. Dù tôi luôn nhớ vòng tay ôm của anh, nhớ cách anh hôn tôi, nhớ mùi anh. Yêu anh, nhưng tôi quá tỉnh táo để thấy tình yêu chỉ là câu chuyện được kể lại. Và như thế, không chỉ có anh mà tôi cũng là một kẻ thế vai cho chính mình. Tôi có đủ sức đương đầu với nỗi cô độc của mình không? Có thể tôi sẽ trở thành người bê tha hơn, bị đọa đày hơn, nhưng tôi vẫn tin rằng dòng máu tôi phải phun trào những bông hoa mê ảo. Tôi phải leo lên đỉnh núi cho sự hiến tế tôi với hư vô. Cho dù cơn cuồng điên này vô ích. Tôi cần phải im lặng và tránh xa những cái bẫy. Và tôi sẽ đi đến tận cùng nơi tôi phải đến. Anh không cần phải thương hại sự ngu ngốc của tôi. Bởi vì tôi chọn sự ngu ngốc như cách duy nhất để đứng lên và hét vang. Sự im lặng thần thánh. Không ai biết tôi cần tình yêu đến thế nào, nhưng cũng không ai biết tôi ghét bỏ tình yêu đến thế. Bởi tình yêu là cái bẫy nguy hiểm nhất hủy diệt chúng ta trong sự êm ái và giông bão của nó. Tôi cũng không cần một ai nắm tay tôi kéo lại. Bởi vì tôi không định phận. Tôi là một ánh chớp giữa cơn mưa, trần gian.

Ma

Thế là cô hai biến thành ma. Đêm đêm cô hai về trong giấc mơ của hắn. Có lẽ là ma nên cô hai không bao giờ mặc quần áo. Cô luôn sẵn sàng làm tình với hắn. Được kích thích từ sâu thẳm và một niềm mê đắm tràn bờ, hắn cũng rơi vào tình huống căng cứng ham muốn thường trực. Cô hai vẫn hỏi “có thể có một tình yêu vĩnh cửu không”? Hắn bảo “sự sống thì phù du, nhưng ước mơ là vĩnh cửu”. Và hắn hỏi lại cô, “ma có vĩnh cửu không”? Cô bảo “ma thì vĩnh cửu”. Vậy thì, hắn nói “yêu đương làm tình của chúng ta là vĩnh cửu”. Cô bảo, “nhưng âm dương cách trở, yêu đương và làm tình của chúng ta chỉ là một ý niệm”. Hắn nói, “anh có cảm giác mà”. Cô bảo “em cũng có cảm giác, nhưng đó chỉ là cảm giác của tưởng tượng”. Hắn nói “cảm giác thật”. Cô bảo “chẳng có gì thật, kể cả anh”. Hắn nói, “ma cũng là thật, huống chi người trần gian. Ý niệm cũng là thật. Không tin em hỏi đức Phật xem”. Cô nói, “em hiểu ý anh. Thật ra, em vẫn chảy nước và đôi khi có máu. Nhưng điều ấy không có nghĩa là em tồn tại”. Cô hai nằm trên người hắn, hỏi “anh có thấy nặng không”? Hắn bảo “không, ôm em cũng không mỏi”. Cô cười, “vì em chỉ là một khoảng trống”.

Một khoảng trống chật kín

Cô hai nói “em chật kín”. Hắn hỏi điều gì? Cô hỏi lại, “anh thích nghe không”? Thích, hắn nói. “Em luôn luôn chật kín, không phải đầy anh, cũng không phải nghiệp em, mà thật sự chỉ là một khoảng không căng mọng. Nó làm em nghẹt thở. Em muốn trút mình xuống, nhưng không thể. Đấy chính là điều làm em luôn cảm thấy cô đơn ngay cả khi nằm trong tay anh”. Hắn nói, “anh cần phải tự sát”. Cô hỏi, “sao thế”? Hắn bảo đó là cách duy nhất sở dĩ có thể hòa hợp được với cô.

Của dòng sông

Cô ba đi dọc bờ sông. Cô tự hỏi, nếu mình bước xuống sông. Bước mãi. Cái chết có giải mã được không? Mà tại sao lại cần giải mã? Cứ sống và cứ chết có phải là ôn tồn khoan thai không nào. Ngày nào cô ba cũng đi dọc theo bờ sông tập thể dục. Ngày nào cô ba cũng có ước muốn bước xuống dòng sông. Nhưng ngày nào cô ba cũng quay trở về căn nhà trọ của mình với một điều ray rứt duy nhất, con đường nghệ thuật thật ra là gì và để làm gì? Nó có đáng để cô theo đuổi hay không? Cô nhớ có lần hắn nói với cô: “Trước khi truy sát nghệ thuật, người nghệ sĩ cần phải tự truy sát chính mình”. Truy sát? Cô hỏi hắn có dùng lầm từ không. Một người như hắn không thể lầm được, ít nhất trong vấn đề của hắn. Sau cái chết của cô hai trên đỉnh núi trọc, cô ba hiểu ra việc truy sát chính mình là cần thiết. Và cái dòng sông êm đềm kia thật quyến rũ cô.

Cái thòng lọng

Cô ba thắt sợi thừng thành cái thòng lọng đặt trên bức tranh. Và treo ngược mình. Tất cả mọi tự vấn đều chông chênh. Hổng cẳng. Cô hai nói với cô ba: “Đừng vớ vẩn như thế”. Cô ba bảo: “Không thử sao biết vớ vẩn”. Và cô ba cứ treo ngược như thế mỗi khi có thì giờ. Cô không phát hiện được điều gì mới mẻ, ngoài việc cô nghĩ, người ta hoàn toàn có thể sống khác. Nhưng nghệ thuật vẫn là một lối mòn chán đến buồn mửa. Cô hai nói: “Mấy đứa lập dị chỉ làm được trò mèo thôi”. Cô ba chửi: “Tiên sư nhà cô”. Cô hai cười sằng sặc. “Sự im lặng đích thực là một khoảng không. Và từ khoảng không đó, ta sẽ bước ra như ánh sáng”, cô hai nói. Cô ba bảo cô hai: “Mày ăn phải cái bả của mấy thằng triết gia vườn”. Cô ba tiếp tục treo ngược mình trên bức tranh. Và cô ói ra muôn vàn màu sắc.

Và thòng lọng

Anh công an khu vực đến gặp cô ba. Anh ta nói: “Chiều nay mời cô ra văn phòng khu phố làm việc”. Cô ba hỏi: “Chuyện gì vậy anh”? Viên công an nói: “Tôi không biết. Tôi chỉ truyền lại lệnh của cấp trên”. Cô ba bảo: “Nếu là lệnh miệng thì tôi không rảnh”. Viên công an: “Tôi khuyên cô nên thu xếp công việc để gặp họ. Còn cô muốn có giấy mời thì cũng không khó đâu. Nhưng việc ấy chỉ gây khó thêm cho cô”. Cô ba hỏi: “Họ là ai”? Viên công an: “Công an PA.25 ở thành phố”.

Buổi chiều, cô đến văn phòng khu phố. Có bốn người mặc thường phục đón cô. Họ tự giới thiệu, hai người là công an thành phố, hai người là công an quận. Họ rót nước trà mời cô và hỏi cô có muốn uống cà phê không. Cô bảo không. Họ hỏi thăm công việc của cô và cuộc sống của cô một cách thân mật. Cuối cùng họ cũng đi vào việc: “Chúng tôi có hai yêu cầu: một, cô không được gửi tác phẩm cộng tác với trang mạng Talawas nữa; hai, cô không nên quan hệ với những thành phần phức tạp như hắn và những người bạn của hắn”.

N.V.