Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 13)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

Phần Ba

_______________________

Sững Sờ Vì Sự Buồn Bã

Độc Thoại

_____________________________

về điều mà chúng ta đã không nhận ra : Cái chết có thể rất đẹp

Lúc đầu, câu hỏi được đặt ra là : Ai là người phải chịu trách nhiệm? Nhưng dần dà khi thời gian trôi qua, khi biết thêm được đôi điều, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ khác đi. Chúng ta nên làm gì đây? Làm thế nào để có thể tự cứu lấy chính mình? Sau khi nhận ra rằng những hệ quả nghiêm trọng không chỉ kéo dài một năm, hay hai năm, mà có thể là hàng nhiều thế hệ tiếp nối, chúng tôi ngoảnh nhìn lại phía sau, lần giở từng trang sự kiện.

Nó xẩy ra vào tối khuya thứ Sáu. Buổi sáng hôm đó, không ai thấy có gì khác thường. Con tôi đã đi học, chồng tôi đến hiệu cắt tóc. Tôi đang sửa soạn bữa cơm trưa thì anh ấy bước vào nhà, nói : “Ở khu vực nhà máy hạt nhân có một vụ hỏa hoạn. Họ bảo mình không nên tắt máy phát thanh.”. Tôi quên nói với bà chúng tôi ở Pripyat, kế cận khu vực nhà máy hạt nhân. Tôi vẫn còn có thể thấy những tia lửa màu đỏ sẫm sáng rực, như thể cả lò phản ứng đang rực sáng giữa bầu trời đêm. Vì thế, không thể bảo đây là một vụ cháy bình thường. Nó sáng lấp lánh và đẹp kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một chùm lửa đẹp đến như vậy, dù là trong phim ảnh. Buổi chiều hôm đó, mọi người đều đổ ra ban công. Nhà ai không có ban công thì họ đến nhà bạn. Nhà chúng tôi ở trên lầu 9, nơi có một vị trí quan sát rất rõ ràng. Người ta dẫn trẻ con ra xem, chỉ đám lửa, bảo chúng : “Các con hãy nhìn và nhớ lấy nhé !”. Đó là những người làm việc tại nhà máy hạt nhân – những kỹ sư, công nhân, giảng viên vật lý. Trong đám bụi đen, họ trò chuyện, hít thở, băn khoăn về những gì đang xẩy ra. Dân chúng ở những vùng kế cận cũng túa đến, bằng xe hơi, bằng xe đạp. Lúc ấy, chúng tôi không biết rằng cái chết cũng có một vẻ đẹp quyến rũ đến như thế. Tôi không thể nói trong không khí lúc ấy không có một mùi gì khác lạ. Chẳng phải mùi mùa xuân hay mùi mùa thu, nhưng chắc chắn không phải mùi từ đất. Đó là một mùi gì đó – nếu nó thực sự hiện hữu – Chỉ thấy cảm giác ngứa ngáy ở cổ họng và nước mắt sống cứ chảy ròng ròng.

Đêm đó tôi không ngủ. Trên tầng lầu trên tiếng người cũng lục đục cả đêm. Không ai ngủ được cả. Hình như họ di chuyển vật gì đó, bỏ ra bỏ vào, giống như đang thu xếp hành trang cho một chuyến đi xa. Tôi uống mấy viên thuốc Citramon mong hạ cơn nhức đầu như búa bổ. Vào buổi sáng, khi thức giấc, tôi nhìn quanh và ghi nhớ cảm giác của mình. Lúc này đây, cảm giác của tôi nhận ra có một điều gì đó bất thường đang xẩy ra và nó sẽ thay đổi thế giới sống của tôi mãi mãi. Quãng 8 giờ sáng, đã thấy bóng dáng các quân nhân đeo mặt nạ dưỡng khí đi lại trên đường phố. Hình ảnh những người lính đi trên phố cùng với các trang thiết bị quân sự của họ không làm chúng tôi sợ hãi. Trái lại, chúng tôi cảm thấy an lòng. Quân đội đã đến để trợ giúp, chúng tôi không có gì để lo lắng nữa. Lúc ấy chúng tôi nào biết rằng những hạt bụi nguyên tử trông có vẻ hiền từ lại có thể giết người dễ dàng, khiến con người trở nên bất lực trước sự hoành hành của các định luật vật lý.

Suốt cả ngày hôm đó đài phát thanh nhắc đi nhắc lại rằng mọi người hãy sẵn sàng cho một cuộc di tản : toàn bộ dân chúng sẽ được cho đi ra khỏi khu vực trong 3 ngày để chính quyền dọn dẹp, tẩy rửa đường phố, nhà cửa. Học trò được dặn dò mang theo sách vở học của mình. Chồng tôi bỏ vào túi xách của mình các thứ giấy tờ cần thiết và hình ảnh đám cưới của chúng tôi. Còn tôi, chỉ lấy theo chiếc khăn choàng mỏng manh phòng khi thời tiết trở lạnh.

Ngay từ giây phút ấy, tôi đã có cảm giác mình là một thành phần riêng biệt, một loại người có tên đặc thù là Chernobyl. Xe tải chở chúng tôi ngừng lại ở một ngôi làng qua đêm. Người ta xuống xe tìm chỗ ngủ, trên sàn phòng các lớp học, các văn phòng hội quán. Vì chẳng còn nơi nào khác để đến. Một phụ nữ ra mời chúng tôi vào ngủ ở nhà chị. Chị nói : “Đến nhà tôi đi. Tôi đã chuẩn bị sẵn mấy tấm trải. Tội nghiệp cho lũ trẻ quá!”. Đột nhiên, có người bước lại kéo chị ra một bên và bảo : “Chị có điên không? Họ đã bị nhiễm xạ nguyên tử!”. Sau này, chúng tôi định cư ở Mogilev, và con tôi đi học ở đó. Ngay hôm đầu tiên, nó về nhà, nước mắt đoanh tròng. Người ta sắp cho nó ngồi cạnh một bé gái. Nhưng cô gái này lại không chịu cho con tôi ngồi gần với lý do con tôi đã bị nhiễm độc phóng xạ. Trong lớp 4 này thì con tôi là đứa học trò duy nhất đến từ Chernobyl. Đứa nào cũng xa lánh, sợ hãi thằng bé. Chúng gọi nó là thằng “Lấp lánh”. Thế là thời thơ ấu của con tôi đã mau chóng kết thúc.

Lúc chúng tôi ra khỏi Pripyat có một đoàn xe quân đội đi hướng ngược lại. Bóng dáng quân đội có ở khắp nơi, điều ấy làm tôi hoảng sợ. Dù vậy, tôi vẫn không thể rũ bỏ cái ý tưởng rằng mọi chuyện đang xẩy ra chẳng có gì liên quan đến mình, mà là cho một ai đó. Tôi khóc lóc, chạy đôn đáo tìm thức ăn, rồi về ngủ, lúc nào cũng ôm chặt lấy con dỗ dành nó, nhưng sâu thẳm bên trong, tôi vẫn mang cảm giác mình chỉ là kẻ đứng bên lề quan sát sự việc. Đến Kiev, chúng tôi được phát một ít tiền, nhưng cũng chẳng mua được gì. Hàng trăm ngàn người tị nạn bỏ nhà bỏ cửa, họ mua bất cứ thứ gì mua được, ăn bất cứ thứ gì ăn được. Nhiều người lên cơn đau tim, bị đột quỵ ngay tại nhà ga xe lửa, trên xe bus. Chính mẹ tôi là người đã cứu tôi, bà đã sống quá lâu, đã từng mất mát tất cả, không phải chỉ một lần. Lần thứ nhất là vào những năm 1930s, người ta lấy đi của bà nào bò, nào ngựa, nào nhà cửa. Lần thứ hai là do hỏa hoạn. Lần ấy, bà chỉ có thể cứu được tôi. Giờ thì bà bảo : “Mình phải chấp nhận hoàn cảnh thôi. Dù gì thì chúng ta vẫn còn sống sót!”.

Tôi vẫn còn nhớ : lúc ấy chúng tôi đang ngồi trên xe bus, mọi người đều khóc lóc. Phía trước, có một gã đàn ông đang quát mắng bà vợ. “Tôi không thể tưởng tượng sao bà lại ngu đần đến như vậy. Ai người ta cũng mang theo mọi thứ cần dùng, chỉ có bà lại tha theo mấy cái chai 3 lít này.”. Bà vợ thì cho rằng nhân tiện họ đi xe bus nên mang theo mấy cái chai không này cho mẹ mình. Họ có mấy cái bao lỉnh kỉnh chai lọ để ngay bên cạnh ghế khiến chúng tôi cứ bị vấp vào chúng mỗi khi đứng lên. Và đó cũng là những thứ họ mang theo đến Kiev.

Hiện nay, tôi hát trong ca đoàn xứ đạo. Tôi đọc Kinh Thánh, đi lễ nhà thờ - nơi duy nhất người ta nói về cuộc sống vĩnh cửu. Nơi duy nhất người ta an ủi một con người. Bà sẽ không thể nghe được những lời lẽ ấy ở bất cứ nơi nào khác. Và tôi nghĩ bà cũng muốn được nghe những lời an ủi ấy.

Tôi thường mơ thấy mình đạp xe đạp đi trong thành phố Pripyat ngập nắng cùng với đứa con trai. Hiện giờ nó chỉ còn là thành phố ma không một bóng người. Dù vậy, chúng tôi vẫn đạp xe đi ngang qua đó để chiêm ngưỡng những bông hồng. Ở Pripyat có rất nhiều hồng, những bụi hồng thật lớn. Ngày ấy, tôi còn trẻ. Con tôi còn nhỏ. Đứa con tôi yêu thương hết sức. Thế nên, trong những giấc mơ, tôi quên hết mọi nỗi sợ hãi. Như thể tôi là một kẻ đứng bên lề, một khán giả đứng xem suốt từ đầu đến cuối tấn bi kịch.

Nadezhda Petrovna Vygovskaya

Di dân đến từ thành phố Pripyat

Độc Thoại

_____________________________

về cái xẻng và hạt nguyên tử

Tôi đã cố ghi nhớ những ngày ấy, những ngày có rất nhiều những nỗi xúc động mới mẻ - sự sợ hãi, cảm giác đang lao vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, như thể tôi vừa đặt chân lên Sao Hỏa. Tôi là cư dân của Kursk. Năm 1969, họ xây một nhà máy hạt nhân trong thành phố Kurchatov lân cận. Chúng tôi thường đến đó để mua thực phẩm – các công nhân nhà máy hạt nhân được ưu tiên cung cấp những nguồn thực phẩm tốt nhất. Ở đó có một cái hồ, ngay kế bên nhà máy hạt nhân. Nơi đó chúng tôi thường đến câu cá. Sau Chernobyl, tôi luôn liên tưởng đến nhà máy hạt nhân ở Kurchatov.

Sự việc là như thế này : Tôi nhận được giấy triệu tập, và là một con người luôn tôn trọng kỷ luật, ngay hôm sau tôi đến trình diện ở phòng tuyển mộ. Họ xem xét hồ sơ của tôi, rồi bảo : “Anh chưa bao giờ có cơ hội thực hành ngành nghề anh được đào tạo với chúng tôi. Mà hiện giờ ở đó người ta cần chuyên viên hóa học. Vậy anh có muốn đi một chuyến công tác 25 ngày ở một nơi gần Minsk không?”. Tôi nghĩ : tại sao mình lại không thử xa gia đình và công việc thường ngày một thời gian xem thế nào. Cũng là dịp ra ngoài cho dãn gân dãn cốt.

Ngày 22 tháng 6 năm 1986, lúc 11 giờ sáng, tôi trình diện tại điểm tập trung với cái bị trên lưng và chiếc bàn chải đánh răng. Tôi ngạc nhiên khi thấy một số lượng người đông đảo đến như vậy cho một cuộc diễn tập thời bình. Lúc ấy những hình ảnh tôi đã từng thấy trong những cuốn phim chiến tranh bắt đầu hiện ra trong trí tôi. Và cũng thật trùng hợp, ngày 22 tháng 6 là ngày quân Đức phát động cuộc chiến tranh xâm lược. Suốt ngày, họ tập cho chúng tôi tập họp thành đội ngũ, rồi tan hàng. Cuối cùng, khi trời xâm xẩm tối, chúng tôi được lệnh lên những chiếc xe bus chờ sẵn. Một người leo lên xe, thông báo : “Trong các anh, có người nào mang theo rượu thì cứ mở ra uống ngay bây giờ. Đêm nay, chúng ta sẽ lên xe lửa. Và sẽ đến nơi vào sáng mai. Chúng ta cần phải thật tỉnh táo vào buổi sáng, và không ai được mang vác cồng kềnh những thứ không cần thiết.”. Thế thì tốt thôi! Chúng tôi sẽ mở tiệc suốt đêm nay.

Sáng hôm sau, chúng tôi nhập vào với đơn vị ở trong rừng. Một lần nữa, chúng tôi được lệnh tập họp theo thứ tự vần tên. Họ cấp phát cho chúng tôi trang phục bảo hộ. Không phải một bộ, mà là 3 bộ. Tôi nghĩ : nghiêm trọng lắm đây! Họ còn cấp phát cả áo choàng ngoài, mũ, chăn mền, gối – tất cả đều là đồ mùa đông. Nhưng hiện giờ đang là mùa hè, và người ta hứa hẹn chúng tôi sẽ xong nhiệm vụ về nhà trong khoảng thời gian 25 ngày. “Giỡn hoài mấy cha!”. Viên chỉ huy đi cùng với chúng tôi cười nhạo. “25 ngày hả? Các anh sẽ ở Chernobyl 6 tháng là ít ”. Hoài nghi. Rồi giận dữ. Thế nên họ tìm cách dỗ dành chúng tôi : Ai làm việc trong khoảng chu vi nhà máy hạt nhân từ 25 ki lô mét trở đi sẽ được trả lương gấp đôi; trong khoảng chu vi 10 ki lô mét thì hưởng lương gấp 3; còn làm việc ngay tại nhà máy thì hưởng mức lương gấp 6 lần. Một công nhân bèn làm bài tính số tiền anh ta có thể kiếm được trong 6 tháng đủ để mua chiếc xe hơi mới lái về nhà. Có người tính đến chuyện bỏ trốn nhưng lại kẹt ở trong quân đội nên đành chịu. Chất phóng xạ là cái gì vậy? không ai trước đó được nghe nói đến. Riêng tôi, vừa học xong khóa học phòng vệ dân sự mà nội dung cũng chỉ là những kiến thức có được từ 30 năm trước, đại khái biết lõm bõm rằng một người bị nhiễm khoảng 50 roentgen là có thể tử vong. Họ còn chỉ cách khom người ngã xuống để sóng phóng xạ không chạm vào mình. Họ còn dậy các hiểu biết khác về phóng xạ, về nhiệt độ. Chỉ có thế. Tịnh không một lời về sự nhiễm phóng xạ một môi trường sống của sinh vật, yếu tố độc hại nhất.

Ban chỉ huy dẫn chúng tôi đến Chernobyl làm việc thì thiếu hiểu biết một cách đáng sợ. Họ chỉ biết được một điều : uống nhiều Vodka có thể giúp giảm độ nhiễm xạ. Chúng tôi ghé một nơi gần Minsk nghỉ ở đó 6 ngày. Trong suốt 6 ngày đó chúng tôi uống rượu liền tù tì. Tôi đặc biệt chú ý đến nhãn những chai rượu. Mới đầu thì toàn là Vodka, rối kế đó chúng tôi uống đủ loại rượu lạ lẫm : Nithinol và một vài loại khác có tác dụng tẩy rửa. Với tôi, là một hóa học gia, những thứ vừa kể khiến tôi càng chú ý hơn nữa. Sau khi uống Nithinol, chân của bà cứ mềm nhũn như bông gòn, mặc dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Bà đứng lên theo lệnh của bộ não, nhưng cơ thể bà xụm xuống không cách gì đỡ được.

Tôi là một kỹ sư Hóa học, tôi có bằng tốt nghiệp Cao Học, hiện đang là một trưởng ngành thí nghiệm ở một công ty sản xuất lớn. Đến Chernobyl, họ phân công tôi làm gì nào? Họ đưa cho tôi một cái xẻng – trong thực tế, đây là dụng cụ duy nhất của tôi. Ngay lập tức, chúng tôi sáng chế ra khẩu hiệu : Chiến đấu chống lại bụi phóng xạ bằng xẻng. Chúng tôi cũng được cấp phát mặt nạ ngừa hơi độc nhưng không có ai sử dụng, vì bên ngoài trời nóng đến 30 độ C, mặc nó vào thì chỉ có chết vì nóng. Ký nhận những dụng cụ phòng ngừa ấy, giống như người lính nhận thêm đạn dược dự trữ, xong là chúng tôi bỏ qua một bên, rồi quên khuấy luôn. Như thể đó là việc nhỏ không quan trọng.

Từ xe bus, chúng tôi được chuyển qua xe lửa. Toa xe lửa chỉ có 45 chỗ ngồi, mà quân số chúng tôi là 70. Vậy nên chúng tôi đã phải thay phiên nhau ngồi ngủ.

Vậy Chernobyl là gì? Nơi đó có rất nhiều những trang thiết bị quân sự và lính tráng. Những trạm tẩy rửa. Một không khí căng thẳng mang tính quân sự. Họ chia chúng tôi ra và phân theo từng cái lều, mỗi lều 10 người ở. Trong chúng tôi, có người có con cái nhỏ ở nhà, có người có vợ đang mang bầu, một số khác thì vẫn lang thang nay đây mai đó chưa ổn định gia đình. Nhưng không có ai kêu ca than phiền điều gì. Nếu đây là nhiệm vụ phải làm, thì nó phải được thi hành. Đất mẹ lên tiếng gọi, chúng tôi đáp lại bằng cách lên đường. Đó là việc chúng tôi coi như hiển nhiên.

Chung quanh lều có hàng đống khổng lồ những vỏ đồ hộp bị thải ra. Quân đội đã sử dụng nguồn cung cấp thực phẩm đặc biệt chỉ dùng trong thời chiến. Đó là những vỏ hộp thịt, hộp đậu, hộp cá. Đám mèo hoang bu lại đông như ruồi. Cả ngôi làng không còn một bóng người. Nghe có tiếng cổng mở kêu kẽo kẹt, tưởng có ai bước vào, hóa ra chỉ là một chú mèo đang rảo bước.

Công việc của chúng tôi là hớt đi lớp đất trên mặt chứa đầy mầm bệnh, rồi dùng xe tải chở đi đổ vào một cái hố chứa rác thải. Tôi tưởng cái hố rác thải ấy phải là một công trình được thiết kế và xây dựng kỹ lưỡng, nào dè chỉ là một hố rác bình thường. Để lấy đi lớp đất trên mặt, chúng tôi xắn một lớp xẻng vừa phải, rồi cuốn đất lại như người ta cuốn thảm, kéo đi cả rác rưới, cỏ rả, cây cành, côn trùng, tất cả các thứ nằm trên mặt đất. Đó là công việc dành cho người mất trí. Người bình thường không thể tiêu hủy hết sự sống mọi sinh vật, thực vật. Nếu hằng đêm chúng tôi không nốc rượu vào như điên như khùng, tôi không tin chúng tôi có thể hoàn tất được công việc ấy. Cân não chúng tôi khó lòng chịu đựng nổi một thực tại như vậy. Kết quả là chúng tôi đã tạo ra hàng trăm ki lô mét đất trơ trụi. Nhà cửa, kho lẫm, cây cối, đường xe chạy, nhà trẻ, giếng nước, vẫn còn đó, nhưng trơ trọi như những hình nhân trần truồng. Mỗi buổi sáng thức giấc, người ta cần phải cạo râu, nhưng lại không dám nhìn vào khuôn mặt của mình trong gương. Đủ mọi thứ ý tưởng đang chạy loạn xạ trong đầu. Thật khó mà tưởng tượng mảnh đất ấy lại sẽ có người quay về sinh sống. Dù vậy, chúng tôi vẫn cứ thay ngói, thay mái cho những căn nhà. Ai cũng biết đây là việc làm vô ích. Hàng ngàn người trong anh em chúng tôi ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng mỗi buổi sáng, chúng tôi vẫn thức dậy để tiếp tục làm công việc ấy. Một cụ già nhà quê đến bảo chúng tôi : “Này các cậu, dẹp ngay công việc ngu xuẩn ấy đi. Đến nhà tôi uống chén rượu còn có ích hơn.”.

Gió vẫn thổi, mây vẫn bay lơ lửng. Nhà máy phản ứng cũng chưa bị dẹp bỏ. Chúng tôi hớt bỏ lớp đất trên mặt, một tuần lễ sau quay lại làm cùng một công việc. Nhưng cũng chẳng còn gì nhiều để hốt bỏ. Họa chăng chỉ một ít cát được gió đem đến từ đâu đó . Công việc duy nhất mang chút ích lợi thực tiễn là những chiếc trực thăng phun xuống một hợp chất hóa học bọc lấy những hạt bụi phóng xạ lóng lánh không cho chúng di chuyển. Điều đó thì tôi hiểu. Nhưng chúng tôi vẫn được lệnh đào đất đổ đi . . .

Những ngôi làng bỏ trống vì dân chúng đã di tản, nhưng ở một vài nơi vẫn còn thấp thoáng bóng mấy ông già. Họ lặng lẽ bước vào những căn lều nông dân, ngồi xuống cho bữa cơm chiều, như một thứ nghi thức hàng ngày không thể không làm – trong nửa giờ của một đời sống bình thường. Tất nhiên, chỉ ngồi xuống thôi, chứ không thể ăn uống được thứ gì, vì đã có lệnh cấm. Nhưng tôi thực sự tha thiết muốn được ngồi xuống bàn ăn trong căn lều nông dân cũ kỹ.

Sau khi mọi việc được hoàn tất, vẫn còn cần phải giải quyết những cái hố rác thải khổng lồ. Trên nguyên tắc, người ta sẽ đổ xi măng kín mặt hố rồi dùng kẽm gai rào lại chung quanh. Những chiếc xe tải, xe chở hàng, cần cẩu cũng bị chôn vùi thật kỹ ở đây, vì kim loại cũng hút chất phóng xạ theo cường độ riêng của nó. Sau này, người ta kể những thứ phế bỏ ấy biến đi đâu mất tăm mất tích, tức là chúng đã bị lấy cắp mang đi. Tôi tin thế, vì chuyện gì cũng có thể xẩy ra ở đây.

Có lần chúng tôi bị báo động : máy đo độ phóng xạ đã khám phá ra là nhà ăn của chúng tôi được dựng ngay phải điểm có độ nhiễm phóng xạ cao nhất, cao hơn cả nơi chúng tôi phải đến để dọn dẹp. Khi biết được điều này, thì chúng tôi đã hàng ngày ăn uống ở đó suốt cả hai tháng trời. Thực tế lúc ấy là như vậy. Cái nhà ăn vốn chỉ là những tấm cọc gỗ, đóng ván cao đến ngực. Chúng tôi thường đứng mà ăn. Rửa ráy thì từ những thùng gỗ chứa nước bên ngoài. Nhà vệ sinh tiêu tiểu là cái hố đào giữa cánh đồng trống. Đi xong, chúng tôi dùng xẻng xúc đất lấp lại. Phía không xa lắm thấp thoáng bóng nhà máy phản ứng hạt nhân.

Sau hai tháng, chúng tôi bắt đầu từ từ hiểu dần mọi việc. Mọi người kháo nhau : “Đây không phải là nhiệm vụ tự sát. Chúng mình đã ở đây được hai tháng. Như thế đủ lâu rồi. Họ phải cho người khác đến thay cho mình chứ!”. Thiếu tướng Antoshkin có một buổi trò chuyện với chúng tôi. Ông ta tỏ vẻ thành thực. “Đem người mới đến đây không có lợi cho công việc chung. Các anh đã được cấp phát ba bộ quần áo bảo hộ. các anh đã quen thuộc với nơi này. Đem người mới đến chỉ thêm tốn kém và làm phức tạp thêm tình hình.”. Ông ta còn nhấn mạnh đến tính cách anh hùng nơi mỗi người chúng tôi. Mỗi tuần đều có bình chọn người đào đất xuất sắc nhất để nhận bằng khen tuyên dương trước tập thể. Người đào mồ vĩ đại nhất Liên bang Xô Viết. Thật là điên khùng.

Làng mạc lúc này thật vắng vẻ. Chỉ còn lũ mèo và gà hiện diện. Chỉ cần bước chân vào một chái nhà là đã thấy đầy ắp trứng gà. Chúng tôi chiên trứng lên ăn. Lính tráng thì thứ gì cũng có thể bỏ vào miệng được. Bắt được con gà, nổi lửa lên nướng, xong dùng ít rượu Vodka tự nấu lấy rửa sơ qua là xong. Mỗi đêm, chúng tôi giấu một chai rượu 3 lít trong lều. Trong khi có người đánh cờ, người chơi đàn guitar, những kẻ khác thì uống rượu. Say rồi thì lăn ra ngủ, hoặc la ó, thậm chí đánh nhau. Có hai anh say khướt, rủ nhau lấy xe lái đi dạo, và gây tai nạn. Người ta phải cưa lớp sắt bẹp dúm mới lôi được họ ra khỏi chiếc xe. Còn tôi tự cứu rỗi chính mình bằng cách viết những bức thư dài gởi về nhà và viết nhật ký. Tay chính ủy để ý, ông ta luôn hỏi tôi viết cái gì thế. Anh bạn bên cạnh tôi được lệnh ông ta theo dõi những việc tôi làm. Anh ta hỏi : “bồ viết cái gì thế?”. Tôi trả lời : “Luận án.”.Anh ta cười khà “Được rồi. Tôi sẽ báo cáo lại với chính ủy là bồ viết luận án. Nhưng tốt nhất bồ nên giấu mấy cái ấy đi nhé!”. Tất cả đều là những người tốt. Chẳng có ai trong số họ là kẻ đi phản bội anh em. Không một người nào làm thế. Hãy tin tôi đi : Không một ai sẽ có thể ép buộc được chúng tôi. Mấy viên chỉ huy chả bao giờ ra khỏi lều. Họ lê dép lạch xạch đi tới đi lui trong lều và uống rượu cả ngày. Ai thèm quan tâm nào? Chúng tôi làm nhiệm vụ đào đất của mình mỗi ngày. Để cho mấy tay chỉ huy có được thêm sao trên cầu vai của mình. Thế thì đã sao? Ai thèm quan tâm đến? Đất nước này của chúng tôi có những con người như vậy đấy.

Mấy cái máy đo độ nhiễm xạ được dân làng xem như vật linh hiển. Họ luôn tìm cách mon men lại gần. “Cháu ơi, nói cho chúng tôi biết với, độ nhiễm xạ ở đây là bao nhiêu vậy?”. Có anh lính tinh nghịch nghĩ ra được cách dùng một cái cây bình thường, quấn dây nhợ chung quanh trông giống như cái máy đo độ nhiễm xạ, rồi bước vào nhà một bà cụ già, tay khua cây gậy đập đập vào tường. Bà cụ già vội vã hỏi : “Thế nào hả cháu? Nhiễm xạ có nặng không?”. “Bà ơi, đây là bí mật quân sự, cháu không thể nói được.”. “Nhưng mà cháu vẫn có thể nói riêng cho bà biết được chứ! Bà lấy cho cháu cốc rượu nhé!”. “Thế cũng được, bà ạ !”. Anh ta nốc cạn ly rượu, rồi bảo : “Bà ạ, ở đây các thứ đều ổn hết, bà không có gì phải lo lắng cả.!”. Nói xong, anh ta bỏ đi.

Cuối cùng, khi chúng tôi ở đó được khoảng nửa thời gian, họ cũng cấp phát cho chúng tôi những chiếc máy đo độ nhiễm xạ. Đó là những cái hộp nhỏ, bên trong có chứa pha lê. Một số người đề nghị, mỗi buổi sáng, chúng tôi sẽ đem những cái máy ấy ra khu hố chôn, để chúng ở đó cả ngày để bụi phóng xạ bám vào và cho kết quả nhiễm xạ cao hơn bình thường. Nhờ vậy, chúng tôi có thể được cho về nhà sớm hơn, hoặc ít nhất, được trả lương cao hơn. Từ ý kiến đó, có người buộc cái máy đo vào ủng của mình để cho nó gần sát với mặt đất đầy chất nhiễm xạ phía dưới. Thật là một hí trường cho những điều vô lý hiển lộng. Mấy cái máy đo này tự nó không thể khởi động, chúng cần phải có một lượng xạ nhất định để kích thích chúng khởi động. Thực ra, đó chỉ là những thứ đồ chơi người ta lấy ra từ những nhà kho tồn tại cả 50 năm trước. Nói cách khác, một hình thức tâm lý trị liệu cho bọn chúng tôi. Khi thời gian thi hành nhiệm vụ của chúng tôi chấm dứt, mỗi người đều nhận được một tấm thẻ y tế với nội dung giống hệt nhau : Số lượng phóng xạ chúng tôi hấp thụ là kết quả của số ngày làm việc ở đó nhân với lượng nhiễm xạ trung bình. Nhưng số lượng nhiễm xạ trung bình họ đo tại căn lều chúng tôi ở, chứ không phải tại nơi chúng tôi làm việc.

Mỗi ngày làm việc chúng tôi được nghỉ ngơi hai tiếng. Tôi thường tìm những bụi cây lớn, nằm ngửa nhìn trời, nhìn những cây anh đào trĩu trái, những trái anh đào mọng nước, hái xuống, chỉ phủi sơ qua lớp bụi là bỏ vào miệng. Cả những trái dâu tây thơm phức. Tôi được nhìn thấy cây dâu tây lần đầu tiên ở đây. Khi không có việc gì làm, họ cho chúng tôi đi vòng vòng chung quanh. Chúng tôi được xem phim, loại phim tình yêu Ấn Độ, có khi đến 3, 4 giờ sáng. Có hôm người đầu bếp mải xem phim quá khuya, ngủ quên, nên không đủ thì giờ hầm chín hột kiều mạch, khiến mọi người phải ăn đồ sượng. Chúng tôi cũng được xem báo hàng ngày. Họ ca tụng chúng tôi là những anh hùng. Những con người tình nguyện! Có cả những bức hình. Ước gì chúng tôi được gặp người chụp những bức ảnh đó . . .

Gần chỗ chúng tôi có những đơn vị quốc tế trú đóng. Những người Tatars đến từ Kazan. Tôi đã có dịp chứng kiến một phiên tòa quân sự xử việc nội bộ của họ. Họ rượt theo một người bị buộc tội ăn cắp ngay trước hàng quân, hễ anh ta đứng lại hay tìm cách chạy ra ngoài là đám người rượt theo xúm lại đấm đá. Anh này phụ trách công việc dọn rửa khu trại, bị bắt gặp lấy trộm đồ bỏ đầy một cái túi. Khu trại của người Lithuanians cũng ở kế bên. Sau hai tháng làm việc, họ nổi dậy phản đối và đòi được trở về nước.

Một hôm, chúng tôi nhận được một lệnh rất đặc biệt : Phải tẩy rửa sạch sẽ ngay lập tức một căn nhà trong khu làng bỏ hoang. Thật khó tin lại có một cái lệnh như vậy. “Để làm gì vậy?” “Ngày mai người ta sẽ đến quay phim một đám cưới ở đó!”. Chúng tôi dùng vòi nước xịt rửa mái nhà, nền nhà, cây cối chung quanh nhà. Hạ xuống hết mấy dàn khoai tây, rồi nguyên cả khu vườn, cùng với cỏ rả trên sân. Chung quanh tuyệt không còn một thứ gì. Ngày hôm sau, cô dâu chú rể được chở đến cùng một xe đầy khách. Họ mang theo cả âm nhạc. Đây là cô dâu chú rể thật, chứ không phải diễn viên đóng phim. Họ vốn là người trong vùng, được di tản và hiện sinh sống ở một nơi khác. Có người đến thuyết phục họ hãy tổ chức đám cưới ở làng cũ, để người ta thâu phim làm tài liệu lịch sử. Thế là cả một chiến dịch tuyên truyền vào cuộc. Người ta tha hồ thêu dệt những hình ảnh không thể có thật. Ngay trong tình trạng tuyệt vọng như thế này vẫn có những câu chuyện huyền thoại xẩy ra, để quan phòng cho chúng tôi. Đấy, thấy không, chúng ta có thể vượt qua mọi gian khó hiểm nguy, kể cả sống còn trên mảnh đất chết..

Trước khi tôi được cho về, tay chỉ huy cho gọi tôi lên.

“Anh viết cái gì vậy?”

“Thư cho người vợ trẻ ở nhà.”

“Thôi được. Phải cẩn thận đấy nhé!”

Tôi còn nhớ được gì về những ngày ấy? Cái bóng bao trùm của một não trạng mất trí. Những cảnh tượng người đào đất. Từ ngày này qua ngày nọ. Trong nhật ký của mình, tôi đã viết xuống rằng tôi đã hiểu, ngay từ những ngày đầu tiên ở đó, rằng thật quá dễ dàng để biến thành đất đá vô tri vô giác.

Ivan Nikolaevich Zhykhov, Kỹ sư Hóa Học.