Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Nắng gió trần gian

Truyện

Lê Công Tư

Từ lâu rồi, anh biết rõ là mình chỉ được lựa chọn một trong hai cách chết. Hoặc sẽ đi vào cõi chết như dạo cảnh vườn hoa, nếu không thế thì sẽ bị nó tóm cổ, lôi vào lò sát sinh rồi nện vào đầu một búa tạ như những con bò mà anh thường thấy hồi còn nhỏ ở lò sát sinh gần nhà đèn Dalat. Cuối cùng thì anh chọn cuộc sống trôi nổi như một áng mây trời, cố gắng trải mình trên nhiều bình diện khác nhau của cuộc sống, với niềm hy vọng mong manh rằng sẽ được chết theo kiểu thứ nhất.

Ngôi chùa này cũng không nằm ngoài những chuyến đi dài với hy vọng mong manh ấy. Đó là ngôi chùa nằm một mình trên một bờ đá nhô ra biển. Một bãi biển vắng tanh, có khi suốt ngày chẳng có bóng một con tàu qua lại, thỉnh thoảng mới thấy được đôi cánh chim trời lượn giữa bầu trời xanh ngắt, không một vẩn mây. Từ sân chùa nhìn xuống dưới chân núi luôn là những con sóng trắng vỗ vào bờ đá như những tiếng ru ngàn đời.

Anh đã đến nơi này không dưới hai mươi lần, có khi chỉ một mình, có lúc với dăm đứa bạn, có lần với mấy đứa nhỏ trong nhà. Tuyệt nhất vẫn là đi với người đàn bà nào đó mà anh tình cờ gặp trên trên phố lạ. Anh thường xuyên đến đây chỉ vì vẻ đẹp thơ dại và hoang dại của bãi biển nhỏ này, vẻ hoang sơ của một bãi biển thưa vắng dấu chân người, sự trinh bạch của bờ cát cùng với nỗi hồn nhiên của những con sóng nhỏ… Những ghềnh đá chơ vơ cuối trời vẫn còn nguyên cái dáng vẻ ngày sinh nặng đẻ đau của buổi đầu tạo thiên lập địa.

Khách thập phương đổ xô về đây từ khi danh tiếng của “ông Thầy” vang xa. Mọi người đồn ông giảng pháp rất có duyên. Những người đến đây hầu hết là phụ nữ. Anh cũng tìm một chỗ ngồi lẩn trong đám phụ nữ để chờ nghe buổi giảng đầu năm. Từ sau 1975 anh chẳng còn tha thiết bước vào bất kỳ ngôi chùa nào nữa vì ngại phải gặp gỡ, tiếp xúc với các tu sĩ. Anh thấy họ giống hệt các thầy cúng, nếu không thế thì cũng giống một người giữ chùa hơn là một tu sĩ theo cách hiểu biết của anh. Lần này anh chịu ngồi nghe giảng chỉ vì tò mò muốn biết “ông Thầy” sẽ nói cái gì.

Cuối cùng “ông Thầy” cũng đã xuất hiện trên bục giảng. Nhìn ông anh hơi thất vọng vì dáng vẻ quá đẫy đà, béo tốt trông thật phởn phơ, cái phởn phơ no đủ của một kẻ tin rằng mình đã có thể kết thúc mọi sự tìm kiếm, tra vấn, lục lọi vào những ngóc ngách của cuộc đời, đã nhìn ra chân tướng của vạn sự, đã có thể làm thầy thiên hạ, ăn trên ngồi trước…

Vốn là người có biết chút ít về đạo Phật nên bài giảng hôm đó cũng không xa lạ gì lắm với anh. Bài giảng nói về Giới Định Huệ, những bước đi căn bản nhất mà bất cứ Phật tử nào cũng phải biết. Ấn tượng buổi giảng hôm đó chỉ là giọng nói khá truyền cảm lẫn cách trình bày rất xác quyết, sự tự tin chỉ có được ở những ai nghĩ mình nắm rất chắc những gì đang nói. Sự tự tin lạ thường của nhà sư này khiến anh nhớ đến câu nói của Vivekananda, một hiền giả người Ấn Độ: “Cái thế giới này được cai trị bởi một thiểu số có lòng tự tin”. Qua cách giảng pháp của nhà sư này, anh ngộ ra vì sao hầu hết những đệ tử của vị này là phụ nữ. Chỉ có một điều anh nghi ngờ là anh không thể biết những gì vị sư thuyết giảng là điều ông tâm chứng hay là chỉ nói lại những gì ông ta đọc. Anh biết khá nhiều vị, lúc trên bục giảng thì nói rất hay nhưng trong cuộc sống thì lại trải đời mình trên những đống rác, chẳng thấy mối liên hệ gì giữa lời nói với hành động.

Kết thúc buổi giảng, không khí có vẻ thân tình, gần gũi hơn. Những phụ nữ bu quanh để xin “ông Thầy” bói cho một quẻ đầu năm. Mọi người ngồi im thành tâm nghe “ông Thầy” phán. Vốn là người chỉ tin vào đôi chân của chính mình, tin vào sự liều lĩnh của mình như tin vào cái chìa khóa có cơ may mở ra những kho chứa có thể làm đầy cuộc sống, vậy mà không biết bao lần anh tự hỏi mình: Những gì đã dự phần làm nên cái sinh mệnh này, cái vận mệnh đầy may rủi này? Anh từng đứng lặng hàng giờ để theo dõi một buổi hầu đồng như một trẻ tò mò. Như một kẻ hiếu kỳ, anh cũng theo dõi không chán những quân bài úp mở bên một lề đường với gương mặt vô hình của định mệnh vẫn còn ẩn giấu. Anh cũng lặng lẽ nghe một thầy bói phán về tương lai hậu vận của ai đó từ đường chỉ tay, vầng trán, ánh mắt, đôi chân mày… Chúng chẳng khác gì một cây đinh đóng chết định mệnh của ai đó xuống bãi đời cùng với những rủi may mà không ai kiểm soát, làm chủ được.

Anh là ai? Sản phẩm của một trò hoan lạc? Một hạt bụi của đất trời? Con của một vì sao lạ? Một linh thể của vũ trụ được gởi về đây từ một nỗi vắng im của vô tận? Là một túi máu, một bọc thịt? Là cái nơi hội tụ dung chứa đất với trời, thần thánh với yêu ma, biển xanh cùng sa mạc, đỉnh cao với vực sâu, thánh thiện cùng tội lỗi, tình dục với thăng hoa, rác rưởi với thiên thần, ti tiện cùng hào sảng, một sự trộn lẫn nhập nhằng giữa súc vật với thiên thần…? Anh thường xuyên nghe hàng ngàn tiếng nói khác nhau, nhận ra hàng ngàn hình thù khác nhau, sự đan quyện đủ sắc màu khác nhau lộn lạo trong anh. Chúng điều tiết, cân bằng, khóc lóc, rên la, thèm khát, cười cợt, ngủ nghê tỉnh thức, ngọ ngoạy trong máu, bò lê la trên hơi thở… Không khó để nhận ra những ý tưởng bẩn thỉu nhất vẫn thường hay cựa quậy trong đầu, đó chính là anh chứ còn ai vào đây nữa. Và rồi anh đi qua đời mình như đi qua một cánh đồng rộng. Một chuỗi quá khứ bỏ lại sau lưng với những đúng, sai, khôn, dại. Có lúc nhân ái, có lúc lọc lừa… Chấp nhận tất cả những gì xảy đến một cách thản nhiên vì thường xuyên thấy trước mặt chẳng có gì thật cả, trừ cái chết. Cái thằng trời đánh này, nó là một thành phần của toàn thể, vậy mà đúng lúc sự sống có được một chân dung toàn diện nhất thì cái chết ôm tất cả những bí mật này vào giữa lòng. Im hơi lặng tiếng chẳng động đậy gì, chẳng nói năng gì, cứ như thể nó với sự sống chẳng quen biết gì nhau cả…

Buổi tối, ai về phòng nấy. Chùa vắng im, chìm sâu vào bóng tối. Ngồi một mình trước sân chùa với một bầu trời đầy những ánh sao khuya, dưới chân núi là biển đen như vực, xa tít ngoài kia là ánh đèn của những chiếc ghe câu mực… Thế rồi bỗng nhiên anh nghe tiếng cười rúc rich của người đàn bà phát ra từ căn phòng của “ông Thầy”. Như một đứa ăn trộm, anh nhè nhẹ đi tới… Cho dù đã được che bởi bức màn nhưng anh vẫn có thể thấy những gì đang diễn ra bên trong. Trên cái giường xô lệch chăn chiếu, “ông Thầy” với một phụ nữ đứng tuổi đang trần truồng nô giỡn trên gường. Ông thầy đang vùi cái đầu trọc vào cặp vú của người đàn bà. Đúng lúc đó người phụ nữ kéo ghì ông ta xuống giường. Hình ảnh cuối cùng anh thấy trước lúc rời khỏi khung cửa sổ là cái thân thể to béo của ông ta phủ lên người phụ nữ…

Anh lại ra trước sân chùa ngồi tiếp, để thấy ngôi chùa vẫn đang chìm sâu vào bóng tối, còn “ông Thầy” hẳn đang chìm sâu vào hoan lạc…

Anh cứ nhớ hoài cái đầu trọc của “ông Thầy” lúc ông vùi nó vào cặp vú người đàn bà. Anh thấy nó kỳ cục quái gở sao đâu. Phải chi cái đầu ông ta đừng có trọc thì đã đành một lẽ…

Rồi anh chợt nhớ tới nhà sư T.T.T từng nổi tiếng một thời ở Dalat, gần như không ai không biết. Nghe đâu ông ta đã chết trong trong trại giam dưới Đại Bình Bảo Lộc. Tấm ảnh cuối cùng về vị “sư” này mà anh thấy được trên một tờ báo là hình ảnh ông đang ngồi đan rổ tre trong trại giam Đại Bình. Ngôi chùa của ông bị rào giậu không khác một trại lính. Sau khi ông bị tù, thằng bạn đi lính chung với anh trên Pleiku có vợ là đệ tử của ông đã kể: Mày biết không, có khi nó bắt tất cả những nữ đệ tử ở truồng, trên tay mỗi người là một cái đèn đi Thiền hành quanh người nó. Muốn ngủ với nữ đệ tử nào nó chỉ hỏi: Con có muốn làm mẹ một Đức Phật ở cái thời mạt pháp này không? Tao biết được những chuyện thế này vào một bữa cơm chiều. Lúc đang ăn cơm, con vợ tao kể là ổng hỏi nó có muốn làm mẹ Đức Phật không, nó lắc đầu từ chối. Nghe chuyện, tao nổi điên, chỉ muốn đốt rụi ngôi chùa…

Trước khi “nhà sư” này thương lượng, yêu cầu các ni cô nhượng lại cho ông ngôi chùa thì đây là chùa của các ni cô mà anh quen biết khá lâu. Một lần tạt vào chùa xin nước uống, anh thấy mấy ni cô đang lui cui sửa lại cái lỗ hổng hàng rào. Một cô vừa lau mồ hôi vừa nói: Chú biết không, có một thanh niên phá rào vô đây hái trộm hồng bị mấy cô bắt gặp, chú ấy bỏ bị hồng lại, chạy trốn vô rừng. Mấy cô sợ chú trợt té nên kêu lại, nói đàng nào cũng lỡ rồi, quay lại lấy bị hồng về cho mấy đứa nhỏ ở nhà ăn.

Giao chùa cho “ông Thầy” xong, các cô như bầy chim vỡ tổ lưu lạc đâu đó tận cuối trời, thỉnh thoảng anh nhớ các cô, muốn tìm gặp mà chẳng biết tìm nơi đâu. Chỉ còn một giọt nắng ở lại trong đầu anh lúc anh tưởng tượng hình ảnh mấy đứa nhỏ ngồi trước hiên nhà trong một buổi trưa vắng, gọt vỏ mấy trái hồng, vui vẻ ăn với nhau. Ngoài kia là cuộc sống vẫn đang trôi với hàng vạn sắc màu…

Nấm mồ của anh còn ở phía trước. Cả hai cánh cửa dẫn vào nghĩa địa vẫn còn khép hờ. Dọc hai bên đường đi đến đó là hoa trái lẫn cứt đái trần gian mà anh phải nhét cho kỳ hết vào cái đầu của mình, tọng cho hết vào bao tử của mình rồi phân loại, sàng sảy, đãi lọc… Và cũng không loại trừ việc anh sẽ mang hết cái đống rác cả sạch lẫn dơ này về bên kia thế giới, để ôn tập, để đào luyện lại một lần nữa… Lỡ sau này có đầu thai trở lại biết đâu chừng, anh sẽ khôn hơn một chút hoặc dại hơn một chút…

Cõi ta bà này dẫu sao cũng chưa đến nỗi tệ lắm. Đêm đêm vẫn còn nghe tiếng ma quỷ cười rũ sau hè, tiếng nô đùa của trẻ con giữa buổi trưa vắng trong một con hẻm nhỏ nào đó, khác hẳn mỗi lần phải ngước mắt nhìn lên trời… Chỉ toàn là những ngôi sao chết. Chẳng thấy ai khóc cười, ngủ nghê, chửi bậy gì trên đó cả…

Cả một tiếng chó sủa cũng không…

Dalat, 3/3/2016