Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Bờ kia (kỳ 1)

Nam Dao

“Bờ kia”có thể xem như một thiên phóng sự nửa hư nửa thực về cuộc hành trình của một nhóm người đóng bè vượt sông đi tìm miền đất hứa. Tuy nhiên, họ là những kẻ luôn mang bên mình căn duyên đầy nghiệp chướng nên không qua nổi bến Mê, cuối cùng lại bị dòng xoáy bí hiểm đẩy ngược trở lại phía “Bên này”, hoàn nguyên làm thần dân của vương quốc tham, sân, si có “định hướng”sau khi đã biết thế nào là “tội vượt biên”trong trại tạm giam. Nói về cuốn sách mang phong vị phúng thích của mình, tác giả chỉ coi đó như một trò du hý: “Giả hư cấu, tiểu thuyết phóng sự này rất đúng tiêu chí người thật việc thật này chắc chẳng thuận buồm xuôi gió dễ dàng đến tay bạn. Cái hy vọng mua vui không chắc được nửa trống canh e thế cũng khó thành. Có lẽ nó hiện thực quá, thế quyền hẳn không ưa. Để bạn đọc kiểm tra tính hiện thực vừa nói, chắc chắn phải kể đoạn tiếp của những nhân vật tiểu thuyết. Tuy nhiên, thực chất lại không hoàn toàn như thế. “Bờ kia” là một văn phẩm đa nghĩa được ẩn dấu dưới lớp ngôn từ mang màu sắc Phật giáo, nhưng lại phản ánh một hiện thực trần trụi về kiếp nạn của một đám chúng sinh vướng vào vòng luân hồi. Lặn ngụp trong cõi tục lụy, nếm trải đủ mùi tân khổ, họ liều lĩnh rủ nhau đóng bè vượt sông tìm sang “Bờ kia”. Nhưng “Bờ kia” có thật hay chỉ là ảo ảnh? Đây mới là tư tưởng chủ đề cuốn truyện. Văn Việt xin trân trọng giới thiệu toàn văn “Bờ kia” của nhà văn Nam Dao cùng bạn đọc.

Văn Việt

Chống lại cái nỗi sợ truyền kiếp, chuyện lên đồng tập thể là một liệu pháp có thật nên tác giả truyện theo thể loại phóng sự này buộc phải đổi danh tính nhân vật, tên địa phương, nhằm tránh những hậu quả không cần thiết. Dĩ nhiên tác giả giữ trách nhiệm trước mọi thẩm quyền, có hay không có chính danh.

MỘT

Đúng ngọ, ô Quan Chưởng im lìm trong cơn ngái ngủ bỗng ầm ầm tiếng “Tùng tùng tùng, tùng tùng tùng!”.

Lại ông đánh trống mồm, bà cụ bán nước chè lề đường lẩm bẩm. Nhô ra từ góc phố nơi hàng quán hạ mành xuống che nắng, người đàn ông râu ria, quần áo dơ dáy, tay giơ hai chiếc đũa lên đập vào khoảng không trước mặt, miệng ngoác ra hét tùng tùng tùng, thỉnh thoảng lại kêu “Bớ bà con thiên hạ, hãy nghe tiếng trống Đăng văn!”.

Trống do vua Lê Thánh Tông cho đặt để hàng dân ai có điều oán thán báo cho quan quyền biết. Một anh dân phòng áo lơ quần mầu cứt ngựa ở cổng ô bước ra, đi sau là một anh công an, trang phục xanh lá cây, đầu cát két gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng. Người đàn ông râu ria tiến lại, cúi rạp người xuống:

- Chào hai vị thượng quan, hạ dân tôi xin kính bẩm...

Anh dân phòng quay về phía anh công an:

- Vẫn cái nhà ông khùng khùng này, cứ hò hét từ mấy tháng nay. Đem đến nhà thương xét nghiệm thì bên y tế xác nhận là hắn có bệnh tâm thần! Anh mới về đây công tác nên chưa biết.

Người râu ria giơ tay, nói chen vào:

- Hừm, gì mà quan Chưởng binh không biết cơ chứ. Quan chỉ huy đội Trung Kính phủ Chúa, Nội mật viện bá cáo hàng ngày hàng giờ, chẳng có cái chi qua mắt được...hà hà!

- Thường thì các anh đối phó thế nào? Anh công an hỏi.

- Thường thì đuổi, bắt im. Chống đối người thi hành công vụ thì - anh giơ cao cây gậy - quật cho một hèo!

- Ấy quan ơi, đừng đánh tôi...Người đàn ông râu ria lùi lại, quì gối khom lưng nhưng miệng tiếp tục hét tùng tùng tùng.

Thình lình, bật ngồi dậy, người râu ria cắm đầu chạy thục mạng, miệng la " Cướp, hàng dân ơi, có cướp!” Ngoái lại nhìn không thấy ai đuổi, hắn cười ằng ặc rồi thủng thỉnh bước, tay vuốt ria mép, tay mở quạt giấy giơ lên đầu che nắng. Cao lớn, mắt trũng sâu dưới cặp lông mày chổi xể, miệng khi cười nhìn như mếu, người râu ria gốc Tuy Hòa nhưng rêu rao mình là dân Bắc Hà đặc sệt. Trong những cơn cuồng, hắn kể theo cha ra Thăng Long từ thuở Kiêu binh lập Trịnh Cán lên ngôi Chúa, khoe chứng minh nhân dân tên Trần Chà, xưng là Đô úy trong đội Trung Kính lính Tam Phủ. Tên cúng cơm Chà là tiếng cha hắn thốt lên khi mạ đẻ được đứa con trai mà ông hằng mong đợi sau khi hai đứa đầu lòng đều là con gái. Lối xóm gọi Chà là thằng Tư cho gọn.

Thời giặc mới đây với vết tích bom đạn chưa kịp xóa, không như mọi thanh niên cùng lứa tuổi, phía bên này thì bên kia bắt ở tù, nhưng riêng Chà đặc biệt ở tù cả hai phía, và nhiều lần. Đến thời bình, nghĩa là sau 1975 nếu quên đi cuộc chiến tranh biên giới phía Ải bắc, Chà kết thân với Sư chùa Lọ. Chùa không xa gò Ai Ơi, nơi Chà tin như đinh đóng cột rằng kiếp trước mình đã chết ở đó. Với cách thế để quá khứ lấn vào hiện tại, thứ quá khứ lưng chừng giữa hư thực, Chà lắm lúc hoảng loạn lẫn lộn thời gian. Lê la đầu đường cuối chợ ăn nói những chuyện chẳng mấy ai hiểu, người ta nay gọi Chà là chú Tư-cuồng. Nhưng cuồng chỉ có lúc. Bình thường, Chà nhìn sự đời khá sáng suốt, từng nhiều lần dự báo thế sự sâu sát, nhất là trước những kỳ Đại Hội Đảng, kiểu ai vào Bộ Chính Trị, ai lên Tổng Bí Thư, vân vân. Những dự báo này Tư-cuồng đều diễn ngôn như chuyện xảy dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Người ta cho là hắn cố tình nói lái vì lo an ninh bản thân, thứ lý do chẳng mấy người không hiểu ở cái thời đầy ắp những rình rập nghi kị trình báo này.

Thuở niên thiếu, Chà nhút nhát, nghe nhiều nói ít, khéo tay nên vẽ rất đẹp. Năm 15 tuổi, một chuyện không đâu đổi đời Chà. Gặp một đoàn lính Mỹ GI trên quốc lộ 1, Chà thấy dân khom mình thưa bẩm người thông dịch viên cầu khẩn anh nói thế nào để cứu mạng cho họ. Trong trí óc còn non nớt, Chà hiểu tiếng Anh quan trọng. Nó đánh cắp một quyển Từ điển Việt-Anh, và học từ A, đến B,C...và Z. Trí nhớ nó khi đó khủng khiếp, mỗi ngày học được trăm chữ, thuộc nằm lòng. Bắt đầu vần A...a-dua, a-phiến, a-tòng...Vần Z, tiếng mình không có, kết thúc với Y, như yêu, yêu đương, yêu quái, yêu sách...Nhưng nói tiếng Anh thì phát âm và lắp chữ thế nào? Chà bỏ nhà ra Đà Nẵng, đi vẽ chân dung cho lính tráng ở mấy cái ba rượu, vừa kiếm ăn vừa học nói tiếng Mỹ. Chỉ vài tháng, nó nói khá lưu loát, và mua một cuốn văn phạm Anh văn về tự học. Một tối, bar rượu bị VC quăng lựu đạn, Chà lãnh một miểng đạn và khi vào nhà thương thì Quân Cảnh điều tra, biết Chà vị thành niên nên họ chỉ đuổi về quê. Năm 18 tuổi, Chà bị bắt lính, đóng ở Quảng Ngãi. Mấy tháng sau thì Chà bị quân Cách Mạng bắt đem giam một nơi trong rừng không rõ là đâu. Máy bay Mỹ ném bom. Lửa bùng lên cuồn cuộn như sóng biển. Chết, chết cả người coi lẫn kẻ bị tù, chỉ một số rất ít còn sống tứ tán. Chà chạy rồi lạc trong rừng, đầu ù, tai gần như điếc, hai ngày sau gặp quân Cách Mạng. Chà kể lại chuyện bị đánh bom, và lấy tên một cán bộ quản giáo cùng quê mà Chà biết. Thế là Chà thành cán bộ, được đưa vào vùng Giải phóng, và nhờ biết tiếng Anh, Chà phiên dịch cho lính Mỹ bị bắt làm tù binh. Cán bộ Chà vốn thông minh nên học bài bản chống Mỹ cứu Nước rất nhanh, thuộc lòng cả luận cương Lê-nin lẫn Hồng thư Mao Chủ tịch. Khéo léo lấy lòng lãnh đạo, Chà được họ đề cử làm công tác điệp vụ, ra Bắc học ít lâu rồi chuyển vào Sài Gòn qua một đường dây nội tuyến. Lại dưới một cái tên khác, Chà thành hạ sĩ trong cơ quan Chiến tranh Chính Trị của chế độ cũ, năm 74 chung đụng với những nhà văn nhà thơ tầm cỡ như Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên... Bị lộ, người ta bắt giam Chà nhưng chẳng bao lâu sau là ngày Giải phóng 30 tháng 4.

Người nào về địa phương ấy nên “điệp viên” Chà không được địa phương chứng nhận, khai báo đâu nửa năm thì lộ tẩy. A, Giải phóng ai chứ Chà lại bị bắt và đưa vào trại học tập cải tạo tận Thanh Hóa. May mà chưa có chứng cớ gì buộc Chà vào tội bức hại cán bộ Cách Mạng. Mặt khác, những kẻ đã đề cử Chà vào công tác điệp vụ xác minh là Chà có ít nhiều đóng góp vào công cuộc Giải phóng nên thời gian học tập chỉ 3 năm. Chính trong thời gian đó Chà quen sư cụ chùa Lọ, và cũng qua vị này Chà học chữ Hán, rồi chữ Nôm, sau một mình cả gan soạn lại cả Tự Điển Việt-Hán-Nôm trên những khuôn giấy khổ to bằng cái bàn chữ nhật 60 x 100 phân phải hai người mới khiêng nổi.

Chà tức Tư-cuồng chơi trò giả điên rất hợp vai, lâu lâu diễn xuất một lần, riết thành trò giải trí công cộng cho mọi người hò hét vỗ tay, đặc biệt là khi Chà giả đánh trống Đăng văn, vừa chạy vừa la, đôi khi lại vừa bò vừa sủa gâu gâu như chó dại. Nhưng trò giả chó khá nguy hiểm vì bọn con nít chúng ném đá, và đám trộm chó lỡ mà tưởng là chó thật thì xương thịt Tư-cuồng có thể lên đĩa ở những quán vùng Nhật Tân nổi tiếng là khu ăn nhậu.

*

Đẩy cổng chùa Lọ, Chà đi lối sau chánh điện ra bờ ao. Chùa lẩn dưới những lùm cây mọc cạnh gò Ai Ơi, sân lát gạch nay long lở, trên bệ thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma miệng như cười nhìn xuống hiền từ. Mùa này giữa hè, ve kêu inh ỏi trên những tàn cây cao. Gió im, không khí nóng như sắp bốc lửa, hai con chó nằm cạnh cổng lim dim ngủ.

Sư trụ trì thủng thỉnh bước ra cửa thềm, đậm người, mắt xệ xuống dưới cặp lông mày hình cung thon thả. Sư vẫy Chà rồi trầm giọng:

- Lại đi làm sô về hả? Diễn mà kệch cỡm quá, người ta chẳng ai tin nữa đâu. Cái gì cũng cứ quá là hỏng. Đi tắm rửa đi, vào mình có chuyện bàn!

Chà gật đầu. Việc đầu tiên hắn làm, như lệ thường, là gọi “Con, con ơi” rồi đến bên cái lồng chim treo trên một chạc cây cạnh bờ ao. Trong lồng, con sáo mỏ vàng lông đen mượt mà nhẩy cà tửng, véo con : “Chào chà, Chào chà”. Chà đổ chút nước mưa vào một cái lọ bé xíu, bốc một vốc kê cho sáo ăn. Nó lại véo von “Đ. má mày, Đ. má mày”, học được nhờ nghe Chà chửi thề liên tục. Trong Chùa, Sư rất ít nói, lắm khi cả ngày mới mở miệng. Chà đành mua một con sáo, cho ăn ớt đến bóc lưỡi, gọi nó là con rồi sau dậy nói, ngày nào cũng trò chuyện cho đỡ buồn. Sáo cũng đầy năng khiếu ngôn ngữ, chỉ phát âm hơi sai, như Chào cha thì thành Chào chà. Sau hai tháng ngày, sáo nói được năm bẩy câu, như “Chào Thày” hay “Mô Phật” khi thấy Sư. Nhưng sau khi sáo bắt chước chửi thề thì Sư bắt Chà mang lồng chim ra treo ở bờ ao, không để cho khách thập phương đến lễ Phật phải nghe văng tục.

Chà cởi áo đẫm mồ hôi, tay múc nước vỗ lên mặt. Tiếng nước ao bì bõm, rồi tiếng nước giếng xối trên sân gạch. Lát sau, quần áo tươm tất, Chà bước vào trai phòng nơi sư tiếp khách. Sư nhổm lên, tay chỉ một người ngồi dựa vào vách:

- Đây là người đến muốn gặp xin qua Bờ Kia!

Người đàn bà tuổi trạc ngũ tuần, mặt hoa da phấn, khẽ nghiêng mình kiểu cách:

- Xin chào ông, Sư đây có nói nhiều về ông, nay hân hạnh được diện kiến!

Giọng nửa nam nửa bắc, trang phục hơi loè loẹt, bà ta không có vẻ những thiện nam tín nữ thường lui tới chùa. Ngạc nhiên, Chà giữ thái độ lạnh lùng, mắt nhìn Sư dò hỏi. Chà lấy giọng từ tốn, bâng quơ buông một câu hỏi :

- Bà có biết Bờ Kia ở đâu không? Có ai biết thêm gì về dự định của chúng tôi không?

- Không! Sư mới chỉ nói qua loa nhưng tôi thì bám vào như phao cứu độ. Tôi không biết Bờ Kia ra sao, ở đâu... Nhưng tôi chắc nó khác bờ này. Và càng xa cái bờ này tôi càng muốn đi! Ở đây tôi ngột ngạt lắm rồi, lắm lúc không thể thở được nữa!

Chà nhìn kỹ người đàn bà. Bà mang cái dáng Mệnh phụ, phúng phính trong bộ đồ kiểu người Nam bộ. Chà hỏi lai lịch, giả như hỏi để hỏi thôi chứ chẳng có gì quan trọng. Bà đáp, giọng thật thà, lan man kể lể. Bà vốn là vợ một ông quan tam phẩm, thời nay chức vụ ngang cấp Vụ Trưởng. Bà gặp ông trước Giải phóng, giấu ông dưới hầm ở Củ Chi, và đêm hôm khuya khoắt ông đã sử dụng bạo lực cách mạng, tặng cho bà một cái thai nhưng xử lý khá có tình có lý bằng cách lấy bà làm vợ. Chửng giỡn, ông bảo tiền trảm hậu tấu, cấp trên ban hành nghị quyết miệng như vậy.

Đâu khoảng 10 năm trong thời kỳ hậu chiến, ông bà sống đời sống viên chức Nhà nước, khá vất vả, nhưng vẫn thêm 2 đứa, một trai một gái. Bà tảo tần chạy chợ, giúp ông thu vén Kinh tế gia đình. Khá lanh lợi ông cứ thế thăng quan tiến chức, được điều ra Thành Phố nhận những nhiệm vụ phức tạp. Từng bước, văn hoá phong bì được phổ biến và chẳng lạ gì nó cám dỗ kể cả những người tử tế nhất. Ấy, cái nước mình nó vậy, ông thi thoảng than cho người ta nghe thấy, làm như ông không để tiền bẩn dính nhơ tay. Nhưng còn cái vụ tình tang thì ông hơi bị đào hoa. Khi thì cô trợ lý, lúc thì người em nuôi mang giấc mơ người mẫu, ông dẫu cố che giấu nhưng rồi có lúc hầm bí mật cũng bị lộ. Ông lại dùng cái quyền tiền trảm hậu tấu, nhưng phu nhân không chịu được nữa. Bà buộc ông thanh toán ân xưa nghĩa cũ bằng cách đưa bà một số kim ngân. Ông dùng dằng thì bà kêu than với những anh Ba anh Tư trong Thành ủy. Đi xa hơn một bước, bà bắt chước cô Quờn miền Nam thành đồng tổ chức đốt sống cô bé người mẫu. Vụ việc bất thành, cô người mẫu được báo nên tông cửa chạy tuốt luốt. Nhà Nghỉ 60,000 đồng một giờ ở Tân Định trình báo công an khu vực và đòi bồi thường. Bà bị bắt, ông phải bịt miệng công quyền bằng khí giới phong bì. Tai tiếng, ông được đánh lên Trung Ương, lãnh hàm tam phẩm, nhưng khéo chạy nên ông được xếp đặt vào một vị trí khá nhiều lợi nhuận. Ông ăn rất nên, làm rất ra, mua hẳn một cái vila ở hồ Tây. Bà Mệnh phụ đi theo, quản lý khá chặt, nhưng chỉ quản lý được tài sản chứ bó tay với cái tật tiền trảm hậu có cần mới tấu. Một tối nổi cơn tam bành, bà nắm lấy chú tiểu yêu thủ phạm thò dao ra cắt. Ông vùng chạy được, vào bệnh viện 108 dành cho cán bộ gốc quân đội nhân dân, máu me tùm lum như trong thời chiến.

Thế là, hát nho nhỏ lời một bản hát khá đồng bóng, thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo...

Đầu tiên, người ta tái thiết tiểu yêu cho ông, loan báo cho cơ quan ông bị tai nạn... lao động. Bà tự nguyện chia ngay đống tiền giấy cho các đồng chí, chỉ bị cơ quan điều tra kết vào cái tội vô ý đả thương tiểu yêu khi bà cạo lông làm đẹp cho ông. Sau, hệt như hành xử của những nhóm lợi ích trong nền Kinh tế thị trường cộng hưởng với sự cạnh tranh quan chức có định hướng phong bì khiến ông bị tạm ngưng công tác chăn dân, và công quyền tiến hành điều tra tài sản khiến bà phải chuyển tiền thành vàng mang đi chôn ở một nơi tuyệt mật. Giai đoạn này gay go, bà thôi thoa son trát phấn, ăn nói mềm mỏng nhưng rất thận trọng, có dịp lại kể lại những ngày chiến đấu chống Mỹ dưới địa đạo Củ Chi. Bà chăm đi Chùa, đến những nơi linh thiêng xin được Bề Trên gia ân, và tuyên bố ăn chay trường hòng giải sạch nghiệp trần gian. Phần ông, ông mím môi lập danh sách những kẻ đã bày kế lập mưu đẩy ông về hưu non, hạ giọng rủa họ là bọn chó đẻ chứ không còn đồng chí đồng choé gì nữa.

Nghe Bà Mệnh phụ kể, Chà thót dạ, tự nhủ mình phải cảnh giác tuyệt đối. Đối tượng này khá phức tạp và hẳn trong tầm ngắm của đám kiêu binh Lam y, cách Chà chỉ bọn lính Tam Phủ trong Nội mật viện thời này. Chà cười hề hề:

- Ai bảo bà chị đến đây nhỉ? Bọn chúng em chỉ định tổ chức một buổi du ngoạn dã ngoại trên phố Hiến, thăm mấy cái làng dệt lụa và đình chùa cổ qua hợp tác với SaiGon-Tourism để moi ít bạc vụn thôi!

- Dzậy mà cô Đồng phán, cứ đi đến chùa Lọ, ắt có quí nhơn phù trợ sang được bên kia, Bà Mệnh phụ thốt lên, giọng ngờ vực.

- Không có thế đâu, bà chị. Chà gãi đầu, mà cô Đồng là ai chứ?

- Cô là nhà ngoại cảm nổi tiếng đền bà Chúa Ngọc Trần, từng tìm ra hàng ngàn mộ xác liệt sĩ ở Quảng Trị, báo chí nói ầm ầm, ông không biết à?

- Dạ có, Chà lại gãi đầu. Nhưng thôi, bà chị định đi dã ngoại phố Hiến thì cứ bảo em và để lại số phôn tay, hiện nay em chỉ mới bắt đầu gọi khách, bà chị là ưu tiên số một. Quay sang nhà Sư, Chà tiếp - Bạch thày, đệ tử phải trẩy Kinh lo thu xếp chuyện thuê xe Sinh Ca-phê, thày tiếp khách nhé!

Nói xong, Chà đứng dậy bước ra, ngoái lại thoáng thấy cái nhìn ê chề thất vọng của Bà Mệnh phụ.

*

Ú ớ khi có ai đó lay nhẹ vào tay, Chà mắt nhắm mắt mở, thấy Án đô Vương Trịnh Bồng đang cúi xuống, nhỏ nhẹ như ngày Vương bị Bằng trung công Nguyễn Hữu Chỉnh truy bức:

- Trưa mai khi họ bắt ta, mi nhớ đừng manh động bằng võ lực mà tạo nghiệp dữ. Chớ nói gì, chỉ nghe và mỉm cười là đúng như ta nguyện ước. Dặn đám tùy tùng thuộc hạ cũng hành xử như vậy, may mới sống...

Thời đó, Trịnh Bồng trốn khỏi Thăng Long để tránh phải kế nghiệp Chúa thay Trịnh Tông. Khi cái cuộc lập Cán phế Tông nhà Chúa kết thúc bằng loạn Kiêu Binh thì Bồng được triệu về kế nghiệp, tiếng có nhưng thực quyền thì không. Bằng trung công Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Lê vời về dẹp nạn tiếm quyền, Bồng chạy đi lánh nạn. Giữ chức Chưởng quản Vệ quân, Chà tuân lời Bồng ra lệnh buông khí giới, nhất nhất ai nói gì hay chửi sao cũng chỉ một mực mỉm miệng cười.

Trịnh Bồng nhỏ nhẹ:

- Thời này khó hơn cả thời Lê tàn Trịnh mạt khi xưa! Trước còn có cái đạo lý phong kiến nó làm rào cản cho sự vô nhân. Ngày nay hiện đại nên tiền và quyền thế chỗ tất tật, vô cảm là khí giới phòng thân cho mọi sinh linh. Khôn ắt không sống, dại tất nhiên chết, bọn thứ dân biết thì ngắc ngoải, sống không ra sống, chết chẳng ra chết! Mi phải đánh cược đời mình, tìm cái sống trong cõi chết này, nghe rõ chưa!

Nói xong, Bồng vẫy tay như đánh thức Chà, rồi biến mất.

Ngồi bật dậy, Chà ngước mắt nhìn ra phên cửa có ai vừa mở. Bên ngoài, trời đầy sao. Sao giăng khắp cây cỏ, nhấp nhánh đánh nhịp cho côn trùng rỉ rả, chốc chốc có tiếng ộp oạp ễnh ương điểm vào như đại hồ cầm trong một tấu khúc jazz. Châm đèn, Chà loay hoay đun nước pha trà. Sư dậy, ra ngồi cạnh.

- Tôi đã đi đề nghị hợp đồng với Saigon-Tourism và Sinh-Caphê. Nếu cái Bà Mệnh phụ có báo cáo bọn an ninh, mình có thể khai là Chùa Lọ định làm công tác du lịch văn hóa. Tiện, tôi cũng tìm địa điểm chùa Tàu và chùa Nhật trên phố Hiến...Văn hóa Việt mà!

- Thí chủ khéo nghĩ thật! Sư đáp, trầm ngâm.

- Phải thủ thân cho kỹ, trong khi ta vẫn cứ thúc đẩy chuyện sang bờ...Duy một điều tôi thưa với thày, chỉ tiền công đức của chùa thì hụt, hụt nhiều lắm. Tôi đi khảo giá tre đực dài 10 thước đến 20 thước, hiếm nên đắt vô cùng. Đúng là có thực mới vực được đạo. Không tiền thì chẳng làm chi được!

Sư trầm ngâm, tay lần tràng.

- Tôi nghĩ Bà Mệnh phụ thì có vẻ có khả năng, nhưng thực chưa biết bà ấy là ai và mưu tính gì. Có lẽ cái nút gỡ đầu tiên là hỏi cô đồng đền Ngọc Trần!

Sư vẫn gật gù không đáp. Chà bực mình, thốt:

- Nhìn Sư cứ ba phải như Đạt Hải thiền sư Trịnh Bồng khi xưa...

Sư nói, giọng như dỗi:

- Eo ôi, ta chẳng có cái gốc gác nhà Chúa đâu! Cha mẹ ta nghèo nên ta bị bỏ đói, sắp chết thì sư ông chùa Thày cứu cho sống. Ta qui y trước tiên vì đói bụng, sau dần dần ngộ ra, đúng hạ tầng dạ dày là cơ sở xây dựng thượng tầng tâm linh, hà hà...

- Thày dạy tôi nay nên thế nào?

- Nhà Phật có ba chữ Bi – Trí – Dũng thôi! Sư lại cười. Thí chủ thừa Dũng, còn Trí thế nào thì chưa thấy nói ra trong công việc sang Bờ Kia...

Chà ngần ngừ, sau quyết định thổ lộ những gì Chà chưa biết làm thế nào cho thoả đáng. Bờ Kia là dương bản của Bên Này, mà Bên Này là thứ âm bản tăm tối không còn chút ánh sáng hy vọng. Bờ Kia hẳn là đối cực của Bên Này, nhưng Bờ Kia cụ thể là sao, sinh hoạt thế nào, môi trường thiên nhiên cho cả sinh lẫn thảo vật có phù hợp với cư dân Bên Này không? Tất cả là những ẩn số Chà cố tìm hiểu nhưng thực hư thế nào thì chẳng có cơ sở gì để xác quyết.

Sư bảo:

- Cứ cho điều kiện thiên nhiên của Bờ Kia cũng chẳng khác xa Bên Này, ta dự trù khả năng vật chất tương tự như ta biết, Cái chính là tuyển chọn cho Bờ Kia những con người bản chất khác với những con người Bên Này!

- Chẳng hạn khác thì khác ra sao? Chà hỏi.

Sư ngẫm nghĩ một lát rồi nhỏ nhẹ:

- Chẳng hạn có sao nói vậy, không ngậm miệng ăn tiền, cầu an...Tệ hơn thế, nói một đàng, nghĩ một nẻo, như con thò lò hai mặt nói vậy mà chẳng phải vậy, hành xử nghịch ngôn, việc làm không khớp lời nói, thậm chí ngược lại khi chuốc được lợi! Một xã hội như vậy chẳng còn ai tin được ai!

Sư thở ra, miệng lẩm bẩm Nam Mô, nói như chỉ cho mình nghe:

- Ngôn ngữ thành ra khí giới dùng để lươn lẹo đánh lừa, không còn là công cụ nhân loại xưa nay xử dụng để giao hảo và hợp quần! Một xã hội như vậy tất sẽ tan rã...

Chà nhìn sư, gặng:

- Như thế là chỉ vì bất tín, chẳng ai tin ai. Khi xửa khi xưa, cụ Ức Trai dạy, Tín là chữ hàng đầu để bảo quốc hộ dân! Nhưng nay, toi toàn bộ rồi, chẳng còn gì ngoài ba cái nghị quyết và dăm khẩu hiệu!

Sư khà một tiếng, thầm hỏi, nhưng tại sao mọi người lại lươn lẹo bất tín? Dễ hiểu nhất là coi đó như phương cách mọi cá nhân tự vệ giữa họ với nhau. Nhưng như vậy thì tức có cái gì đó đe dọa khiến họ khiếp sợ. Sợ gì? Thánh thần không dạy dối trá, tức không phải sợ thánh thần. Vậy dối trá vì sợ là sợ những thế lực ma quỉ. Nó vô hình, ở mọi nơi, lúc nào cũng lơ lửng như gươm treo trên cổ, đe dọa bản thân, gia đình, đời này cho đến đời sau. Oái oăm thay, chính con người dựng ra những thế lực này, giắt tay nhau cùng bước những bước hững hụt hoang tưởng dựa trên những đại danh từ như công bằng, bác ái, hạnh phúc trong một xã hội không có người bóc lột người! Và rồi để những thế lực này khai sinh ra những con người chỉ còn hình dạng méo mó, tất cả tha hóa tâm thần, cứ thế rối mù loanh quanh lòng vòng như những con cù xoay tít trong cõi nhân sinh!

Sư vuốt mặt, tay lần tràng, lát sau chậm rãi:

- Thí chủ không tin Bà Mệnh phụ chính là vì sợ bọn Nội mật viên, chuyện tất nhiên thôi! Bất tín vì sợ, sợ người, và vì không tin ở mình nên càng ngày càng sợ!

Chà giơ tay lên gãi đầu:

- Hừm, ai là người không sợ? Nhưng sợ mà tê liệt thì là chết như con giun bị xéo, chỉ biết quằn lên!

Sư im bặt, mắt nhắm lại, thầm nhủ “ Thiện tai! ta chớ phạm khẩu nghiệp rao giảng !”. Lát sau, Chà rủ sư mai lên đền Ngọc Trần miệt kế cận Ba Vì thăm dò tin Bà Mệnh phụ. Và nhất là tìm hiểu làm sao cô Đồng lại bảo bà ta đến chùa Lọ xin cứu hộ là có quí nhơn phò trợ.

Suy nghĩ một chặp, Sư khoác tay từ chối nhưng không nói lý do.

*

Tìm suốt nửa ngày Chà mới đến được đền Ngọc Trần. Đền nằm trên một quả đồi tròn như nậm rượu tráng men xanh. Dưới chân đồi, hơn chục nhà mái ngói đỏ bao quanh một cái hồ nước trong văn vắt lung linh dưới nắng. Lúc nào cũng tấp nập, tiếng nhạc bát âm lẫn trong tiếng xênh phách trống chiêng khiến cảnh giới trần gian này cứ như lúc nào cũng là lễ hội. Và thế giới ngoài kia, với những con người vật lộn kiếm cái ăn cái mặc, chỉ là ảo ảnh.

Đền mang tên bà thứ phi của Lê Lợi, người đuổi giặc Minh rồi lên ngôi hiệu là Lê Thái Tổ. Truyện đồn Ngọc Trần là mẹ thế tử Nguyên Long, tức vua Lê Thái Tôn sau này kế nghiệp. Khi vượt sông Ác, thuyền quân không sao sang được, Thủy thần hiện ra đòi phải tế sống một phụ nữ có nhan sắc thì mới cho qua sông. Khi đó, Nguyên Long mới đầy năm, nhưng Ngọc Trần đã có thai. Bà bắt Lê Lợi thề trước mặt tướng lĩnh ba quân rằng bà tự nguyện hy sinh thì Lợi để Nguyên Long kế vị khi công cuộc kháng giặc xâm lăng thành công. Lợi chép miệng rồi thề sau khi khạc nhổ rồi văng tục liên hồi. Ngọc Trần quyên sinh, nhẩy xuống nước chết nhưng lạ là xác không bao giờ nổi lên, chẳng biết trôi giạt về đâu. Thuyền quân sang sông thuận buồm mát mái, tiếp viện cho nghĩa quân đang bị vây khổn. Kháng chiến thành công, Lợi lên ngôi trị vì, giữ lời phế Tư Tề là con trưởng, lập con thứ Nguyên Long. Xưng là Lê Thái Tôn, Nguyên Long kế vị nhưng chỉ dăm năm sau chết ở vườn Vải nhà Nguyễn Trãi khiến vị này bị bọn quyền thần kết tội thí quân, mang ra tru di tam tộc. Đó là vụ án Lệ Chi Viên, vai sát thủ là Thị Lộ, thứ thiếp của Nguyễn Trãi, từng là Lễ Nghi học sĩ trong triều vua.

Đi qua tiền sảnh giữa hai hàng lư cắm những cây nhang đường kính to bằng ngón tay út đang nghi ngút khói mới đến điện thờ lừng lững ở trên cao. Chính giữa điện là tượng Mẫu, bên trái tượng bà Liễu Hạnh và bên phải, bà Ngọc Trần, tất cả đều trang phục mầu sắc loè loẹt, môi tô son đỏ lòm, má phấn trắng toát, mày xếch mi cong đều được kẻ đen nhay nháy. Nhưng ngay khi bước vào nội điện, hai bức tượng làm bằng thạch cao nằm dựa lưng vào tường đối diện nhau, một bên là Đức Thánh Trần, bên kia là bác Hồ. Hai câu thơ do bác trước tác được khắc trên gỗ sơn son choé vào mắt: Bác đưa một nước qua nô lệ để dưới ngọn đao của Thánh là vế đầu, nhắc chuyện Đức Thánh Trần 3 lần phá quân Nguyên xâm lăng nước ta vào thế kỷ 15. Vế thứ hai, nằm dưới chân bác Hồ: Tôi dẫn năm châu đến đại đồng mới thật cao cả và vĩ đại, nhắc nhiệm vụ quốc tế mà bác định gánh cho cả nhân loại thế kỷ thứ 20 này, được bác khiêm nhường lưu ý ta đừng quên. Thánh tay vẫn lăm lăm cây đại đao, mắt trợn, một chân co lên dẵm trên một giải mây. Còn bác Hồ, nay mỉm cười hiền từ, râu tóc vẫn dài nay tráng bạc sáng lấp lánh, áo đại cán 4 túi được thếp vàng. Tuy như thế có giảm chút chút khí thế cách mạng nhưng bù lại là tăng phẩm chất đại gia khá bắt mắt, vị cha già dân tộc nay nhìn thật là cực kỳ hoành tráng.

Vào đền trong, Chà đến đúng giá Ông hoàng Mười cưỡi ngựa qui Nam. Trên bàn thờ Tam Tòa, có tượng Đức Thánh, dưới là nhị vị Vương Cô. Xung quanh, vô số tượng, từ ngũ vị tôn quan đến thập nhị vị quan hoàng. Cô Ðồng cô đứng lên, xoay vòng vòng, vạt áo xanh cuốn thành một giải lượn lờ. Mắt cô long lanh, liếc trái, liếc phải, tay giơ lên uốn lượn như hai con rắn lục, năm ngón tay chĩa nhọn trông tựa đầu rắn...  Cưỡi con ngựa giấy, tay cầm quạt phát vào đít, cô eo éo hát:

Nhong nhong ngựa ông mới về

chiến công đã lập lời thề đã xong

ông về cho thoả ước mong

cái ngày đoàn tụ ngóng trông một đời.

Những người hầu đồng cùng nhau xướng ông về, ông về. Ban nhạc bát âm ngừng đàn, và chiêng trống cất lên, hương khói bay mờ mắt. Cung văn hát, tiếng ê a nhừa nhựa:

Bốn phương mưa móc (ư ư) mượng mầu

Bồ đào mỹ tửu thanh tâm đủ mùi... (ư... ư)

Câu thơ bách lý

Thế sự vô thường

Có quan Hoàng Mười (a à) như có cả mùa xuân

Nhớ người vì nước vì dân vì đời... (a à ơi)...

*

Chà bước ra sân, bắt chước hàng dân đốt nhang cắm vào những chiếc lư to một người ôm, giả lầm rầm nghiêm trang khấn vái. Chán, Chà đến hàng hiên ở rìa đền, nhắm mắt ngổi như thiền định, nhưng mục đích là đánh một giấc.

Khi tỉnh, Chà vẫn thấy người đi hầu Mẫu tuy có thưa đi nhưng còn tấp nập. Chà quanh quẩn cho đến lúc thưa người mới xin yết kiến vị chủ trì. Cô Đồng không tỏ vẻ ngạc nhiên, cười cợt:

- Em đoán anh giai đến, nhưng sai mất một khắc, tưởng là muộn hơn... Phép đoán bằng cuống lá cây thế là hơi lệch, em sẽ “chỉnh đốn”, sau chính xác hơn để nghênh tiếp anh giai cho đúng lễ.

Cô Đồng nhìn kỹ là một trung niên khó xác định là trai hay gái. Da bôi phấn trắng, môi thoa chút son nhạt, viền mi kẻ phấn đen, cô cười phô ra một hàm răng đều đặn trắng nhởn. Bối rối, Chà cám ơn rồi kể chuyện Bà Mệnh phụ đến viếng chùa Lọ. Cô vui vẻ:

- Anh giai chẳng cần nói, em cũng biết rồi...

- Nhưng khi bà ta bảo là sẽ được cứu độ thì...

- Thì... cô Đồng ngắt lời Chà - thì... thiên cơ bất khả lậu! Anh giai đừng nôn nóng. Anh giai ngồi lên ngai Bạch hổ, cho em vái một vái, sau ta chuyện trò!

Cô vái, tay chân uốn éo, yểu điệu. Và cô kể, thánh thương nên cô mới được bà chúa Liễu Hạnh cho làm thị nữ, rồi sau giao hẳn đền Ngọc Trần cho cô chủ trì. Xưa, cô mơ màng, ngày xửa ngày xưa cơ, cô là bộ binh sư đoàn 313, đóng ở Hà Tuyên dối đầu với quân Tàu và tham gia vào trận đánh cao điểm 1509 núi Bạc - tức Lão Sơn - năm 1984. Pháo ta dập xuống trận địa địch cả ngày, sau bộ binh tiến lên, nhưng trong những công sự đổ nát không có bóng dáng một tên địch nào. Chúng nó rút đi trước lúc pháo ta đổ xuống, thế là pháo ta đổ vào chỗ không người. Còn đang loay hoay tính rút thì pháo địch nã xuống. Công sự hầm hố ta phá rồi, không có nơi trú ẩn, lính ta thành những cái bia sống. Cô đồng chép miệng:

- Toàn quân bọn em hơn 800 mạng chỉ có 19 người sống sót, trong số đó có em. Nhưng về đến nơi an toàn ở chân núi thì em choáng váng, đầu như bị búa tạ nện vào nghe choang choảng. Sau nằm viện mê man liền ba tháng mới tỉnh. Xuất viện, em được xếp vào thương binh loại 3/5, năm sau thì cho giải ngũ, chắc lúc đó Nhà nước ta túng tiền. Em thì thỉnh thoảng đầu vẫn choáng nhưng rất sợ khi phát hiện ra dăm ba chuyện chẳng bình thường. Thuở đó, tự nhiên em nghe được những tiếng động không ai nghe thấy. Chim bay cao mắt không nhìn thấy, em vẫn nghe chúng ríu rít gọi nhau. Giun dế dưới đất sâu chẳng ai biết, em nghe chúng nó rỉ rả chuyện trò. Nhưng sợ nhất là em nhìn ra và cảm thấy cái lòng dạ của con người ta. Chỉ nhìn một người, em đoán người ấy dự định gì, sẽ ăn nói làm sao...và gần như đúng trăm phần trăm. Eo ôi, hãi lắm, lắm lúc em sợ không muốn sống nữa cơ! Rồi tối tối, em thấy người âm về chơi, rủ rê em đi, hứa dạy em phép nhìn xuyên thời gian, về phía sau cũng như phía trước...

Cô Đồng đưa tay lên day day thái dương. Nhìn Chà, cô cười, giọng tỉ tê:

- Cuộc sống dân sự là không công ăn việc làm, ngày đã dài mà đêm đêm em cứ nằm mơ thấy một người đội khăn vàng đến bên, chẳng ra nam mà chẳng ra nữ, bảo em phải đội bát hương hầu bà Chúa Ngọc Trần. Em không biết bà là ai, lòng lúc nào cũng nóng nảy bồn chồn, nhưng chẳng hiểu sao trước em là đàn ông mà nay em lại phải lòng thằng Báu, dân quân tự vệ, gặp em đâu là nhăn nhở cười ở đó. Bu em thấy em quái quá, đưa em lên Phủ Giày, làm lễ cầu xin chư Thánh chư Tiên giải trừ nghiệp dĩ. Một người đồng bóng có cốt bà Chúa Liễu vạch ba vòng khói trên đỉnh đầu em rồi phán rằng em căn cơ là tì thiếp của bà Ngọc Trần, xưa là thứ phi của vua Lê Thái Tổ, chết trên dòng sông Ác. Đấy, mất mấy tháng em mới tìm ra nơi này, và từ đó, em cũng hết bồn chồn, không còn mê thằng Báu, không còn thấy người âm, nhưng em chẳng ra nam mà cũng chẳng ra nữ. Nghĩa là gì em cũng thích cũng kham tất... Nhưng em thiên về bên nữ hơn, cô đồng khúc khích, vì... em thích thế đấy!

Sợ cô Đồng lan man những chuyện không đâu, Chà hỏi về chuyện Bà Mệnh phụ đến chùa Lọ:

- Bà ấy nói cô bảo ở chùa sẽ có quí nhơn phù trợ cho bà ấy qua Bờ Kia. Phải thế không?

- À, à... cô Đồng lim dim. Vâng ạ, đúng, em nhớ ra rồi. Bà đó là cái bà có chồng Vụ Trưởng mới mất chức ấy mà! Nhìn Chà gật đầu, cô tiếp, chắc bà ấy muốn tìm chỗ giấu của chứ gì, he he... Anh giai với bà ấy xứng đấy! Zzô đi, món bở mà! Trăm năm một thuở, bà ấy còn xuân chán!

Chà ngắt, giọng có chiều gắt gỏng:

- Nhưng còn Bờ Kia...

- Bờ ước vọng của em đấy anh giai ạ! Qua đến đó, em sẽ là người tự do mà!

Nuốt nước bọt, Chà lấy lại trầm tĩnh, nhỏ nhẹ tiếp:

- Cô nhầm rồi, chùa định tổ chức đi dã ngoại ở phố Hiến, chỉ qua cầu Chương Dương chứ có đi đâu mà bờ này với bờ nọ!

Cô Đồng giơ tay chặn Chà, miệng lầm rầm khấn vái, rồi tung ba đồng chinh lên mặt một cái đĩa sứ. Hai lần như vậy, cô ngừng gieo quẻ, một tay với nhánh hoa lan, tay kia ngắt một chiếc lá. Nhìn chăm chú, cô reo:

- Quẻ Lữ, anh giai ạ! Hạ Sơn Lữ, xuống núi sau một trận gió lớn, thế là đi xa đấy, chắc xa hơn phố Hiến nhiều. Muốn em xem tiếp, anh giai phải đặt tiền chứ! Cô cười như nắc nẻ, tiếp, là thánh là tiên cũng phải có cái mà ăn, anh giai ạ!

Nhìn Chà quần áo lếch thếch, cô chép miệng, ngần ngừ :

- Hay là anh giai cho em đi với, khỏi phải trả tiền quẻ...

Không đợi Chà đáp, cô tiếp, giọng mơ màng:

- Quẻ Lữ này tốt, đi xa làm khách phải giữ hai điều là Trung và Nhu... Cùng thông đắp đổi, họa phúc cặp kè, cần nhất là chữ Minh, lấy đó mà phán đoán khi biến, khi thường!

- Vâng thì xin mời cô đi phố Hiến, đoàn chưa đủ người nên cô đợi dăm bữa nửa tháng tôi sẽ báo lại.

Cô nhìn Chà, ánh mắt tinh quái, giọng giễu cợt:

- Anh giai ơi, em sang bên Bờ Kia cơ, anh bảo cho em nó ở đâu, em bói thêm cho quẻ địa cát... Còn cái Bà Mệnh phụ, nứt đố đổ vách đấy, có cho đi thì bán vé ngoại hạng dành cho VIP nhé!

*

Chỉ mấy hôm sau khi đi đăng ký tua du ngoạn văn hóa phố Hiến thì một phân đội Lam y đến chùa Lọ. Đồng chí Chưởng quản hỏi, chùa có bao giờ đăng ký dịch vụ du lịch đâu mà dám tự tiện đứng ra tổ chức. Sư đáp, đây là do thiện nam tí nữ đến yêu cầu thăm chùa cổ ở phố Hiến, nhằm phát huy văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chứ không trục lợi buzi-nét kiếm tiền lẻ, nên chùa chỉ trình báo với chủ quản công tác văn hoá xóm Gà. Chà chen vào:

- Báo cáo đồng chí, chúng tôi liên hệ với Saigon-Tourism và Sinh-caphê thì ắt là an ninh nắm rõ, không có chi phải giấu giếm cơ quan công quyền...

- Hừm... - đồng chí Chưởng quản lừ lừ - phải có phép tắc chứ. Cấp văn hóa xóm không thẩm quyền. Phải lên Phường, rồi sau Phường chuyển lên Huyện, Huyện lên Thành phố, từ đó lên Bộ, giấy phép là do Bộ cấp sau khi điều tra về nhân thân những người đứng ra tổ chức. Đoàn “ta” cứ trên 5 tức thuộc diện “tụ tập đông người” là phải theo nguyên tắc qui định!

Câu chuyện nguyên tắc lằng nhằng chấm dứt khi Sư hiểu ra thủ tục “đầu tiên”, vào mở khóa hòm công đức lấy ra 2 triệu, rón rén đưa cho các đồng chí để bồi dưỡng, và thế là thủ tục có châm chước ngừng ở cấp Phường. Tiễn các đồng chí đến cổng chùa, Sư quay vào, buột miệng:

- Bá ngọ cái thời thế, thuế chính thức rồi bồi dưỡng thông cảm, đến đau đầu nhức óc!

Sư vô tâm nhưng Chà bắt đầu lo. Thủ tục hẳn không một mà sẽ là nhiều lần “đầu tiên”, vậy thì gay, cơ sở hạ tầng không cho phép. Chà bực bội, ra quán thịt chó khá xa chùa, mua một cút rượu và cái món rựa mận Chà cứ ăn là quên những phiền toái nhân sinh. Cẩn thận tránh Sư rầy la, Chà ra bờ ao, nhậu với hai con chó canh chùa, trên con sáo cứ chửi “Đ.má mày” liên hồi. Gặm cho sạch thịt, Chà vứt xương xuống đất, hai con chó nhẩy xổ lại tranh ăn, gầm gừ nhe nanh nhọn hoắt như đầu mũi kiếm, cứ như là sắp một mất một còn. Chà liệng thêm một mẩu xương, quát nhỏ: “Đừng cắn cấu như loài người chúng tao, chia nhau mà gặm!”

Hai con chó mỗi con một mẩu xương, thôi gầm gừ. Chà thở ra: “Xương là xương loài chúng mày, thế mà chúng mày gặm ngon lành. Thì chúng tao cũng ăn lẫn nhau, nhưng biết chùi mép, và tin lên báo Dân Trí thì làm như chỉ một thiểu số vô cảm chứ phần đông thì chúng tao chỉ... vô can. Ấy, cái nước chúng tao giờ nó dzậy!”

Sư không biết ra đứng sau cây sung tự lúc nào, nhỏ nhẹ:

- Có đủ mà ăn thì mới chia nhau được! Đừng trách người! Khẩu nghiệp đấy!

Chà thầm nhủ, Sư cứ ẩn hiện như là mật thám thời Tây thực dân. Sư tiếp:

- Súc miệng cho sạch thịt chó thì mới vào Chùa đấy nhé! Tập ăn rau ăn dưa chay tịnh đi. Cho bớt cái liều luợng súc sanh trong máu!

N.D.

(Xem tiếp kỳ sau)