Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, niềm hy vọng về một cuộc “cách mạng xanh”

Du Tử Lê

 

Một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hồ Dzếnh, để lại cho đời, là bài “Đợi Thơ”, với hai câu đầu:

Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen”
(1)

Ở đây, tôi không có ý bước vào khả năng sử dụng chữ tuyệt vời của nhà thơ này, xuyên qua cụm từ “chưa nề” mà, tôi chỉ muốn nói: Khi tác giả ca khúc “Chiều” (2) chọn cho mình hai chữ “Đợi thơ”, ông chủ tâm nhấn mạnh, làm thơ là một công việc có tính cách linh thiêng, như những tín đồ của một tôn giáo.

Tuy nhiên, có đôi người đã ngộ nhận, cho rằng, cứ ngồi yên đó. Đợi đi, thơ sẽ đến. Thơ sẽ… gõ cửa. Người làm thơ sẽ chỉ phải làm một động tác duy nhất là… mở cửa cho thơ bước vào. Và, người được gọi là nhà thơ,  sẽ cuống cuồng ghi xuống những gì thơ mang đến cho mình mà, không cần phải làm bất cứ một thao tác lao động (tinh thần) nào hết. Điều đó có nghĩa nhà thơ không cần phải động não! Không cần phải dầm mình trong những cân nhắc nên dùng chữ nào cho đúng (khía cạnh tu từ học). Nên chọn hình ảnh nào cho hay? (Đó là trường hợp của những nhà thơ không có một chút kinh nghiệm về kỹ thuật làm thơ. Họ cũng chẳng có ý niệm gì về niêm luật mà, chỉ làm thơ theo cách thức những người đi trước đã làm và, họ đã nhập tâm - - Hiểu theo nghĩa họ viết xuống như một phản xạ của vô thức. Và, khi đọc lại ông / bà đó, thấy xuôi tai, êm chảy, không dằn xóc gì là được rồi!)

Ngược lại, vẫn theo tôi, những người “tìm đến với thơ” một cách trân trọng, là những người ý thức được nỗ lực lao động cật lực của mình, để hy vọng (tôi nhấn mạnh hai chữ hy vọng) có được những câu thơ hay, hoặc những bài thơ hay.

Chính vì thế mà tiếng Việt thâm thúy đã cho chúng ta cụm từ “làm thơ”, chứ không phải… “đợi thơ!” hay…“chờ thơ!”    

Khi người xưa dùng động từ “làm” để chỉ những thao tác đưa đến sự hình thành, hoàn tất một bài thơ thì, nó cũng tương tự như khi những nông dân cực nhọc với khu vườn hay, thửa ruộng của họ.

Rõ ràng hơn, nếu nhà nông muốn có một mùa gặt thành công thì, họ phải đầu tư rất nhiều công, sức, chăm bón, săn sóc cho khu vườn hoặc thửa ruộng đó. Ngược lại, họ sẽ chỉ gặt hái được một mùa gặt thất bát, hay trắng tay mà thôi!

Gần đây, tôi cho là tôi may mắn, nhận được thơ của nhiều người…làm thơ trẻ. Rất trẻ. Tôi nghĩ họ chỉ ở độ tuổi 8x hay 9x thôi. Nhưng ngay tự những bài thơ thứ nhất tôi được đọc, đã cho thấy, bên cạnh khả năng, hay khuynh hướng bẩm sinh về thi ca, họ còn là những “nông dân” lao tác cật lực trên những cánh-đồng-thi-ca của họ.

Cụ thể, mới nhất, với tôi, là cánh-đồng-thi-ca mang tên Nguyễn Hoàng Anh Thư, hiện dạy môn ngữ văn, ở Huế. Ngay tự bài thơ thứ nhất, tựa đề “Chẳng có gì ngoài mưa”, Nguyễn Hoàng gửi cho, tôi đã hân hoan bắt gặp hai câu thơ khá mới mẻ:

giữa ngày buột rời nhau
như chiếc dây đồng hồ vừa tháo
”. 

Tôi nói hai câu thơ đó khá mới mẻ vì tính liên tưởng bất ngờ của chúng. Từ sự kiện tình cảm là “giữa ngày buột rời nhau” Nguyễn Hoàng so sánh hay liên tưởng tới sự kiện gỡ khỏi tay, một vật dụng hàng ngày là “chiếc dây đồng hồ vừa tháo”.

Ở những bài kế tiếp, về phương diện kỹ thuật thơ, Nguyễn Hoàng bước thêm một vững vàng, quyết liệt nữa, khi sử dụng kỹ thuật nhân cách hóa một trạng thái tình cảm, trừu tượng là “nỗi nhớ” và, một thực thể thiên nhiên là “đám mây”, để làm thành phong cách riêng cho thơ của mình:

“Lặng rơi vào nỗi nhớ
Nó nhìn em mắc cỡ”

(Trích “Sẽ còn chút nồng nàn”)

Và:

Hôm qua mây vừa bị vấp
Trên cọc nhọn sông Hàn.”

(Trích “Hôm qua đám mây bị vấp”)

Nếu ở hai câu thơ trên, cho thấy nữ tính hồn nhiên, của tiếng thơ này thì, hai câu dưới, ngược hẳn! Nó lại là một tố cáo bản chất lãng quên, lạnh lùng của thời gian, qua hình ảnh những vật dụng bé mọn, sớm trở thành vô nghĩa thường thấy trên sông, hồ Việt Nam. Nó mang tính biểu tượng của sự phụ rẫy quá khứ! Như thể đó là một thứ định lý bất biến của dòng chảy, ngày càng cuồng, xiết, hôm nay.

Tuy nhiên, trong bài thơ “Hôm qua đám mây bị vấp” bạn đọc cũng sẽ tìm được chút ánh sáng của hy vọng (hoặc vẫn là bản chất nữ tính hồn nhiên của tiếng thơ này?) - - Với những câu thơ sau đây:

Mây trở về thăm mùa trăng vãn
nỗi nhớ cắm trên triền cỏ mọc hoang
châu chấu búng hồn nhiên xếp hàng cổ tích
có con sáo lanh lánh mắt khép lại cầu vồng”

Tôi không biết Nguyễn Hoàng Anh Thư khai thác kỹ thuật nhân cách hóa vừa kể, do tình cờ hay chủ tâm? (Tôi nghĩ, nhiều phần chủ tâm). Nhưng, trường hợp nào, với tôi, thì những câu đó, của Nguyễn Hoàng Anh Thư, vẫn là những câu thơ có được từ những lao tác tinh thần cật lực, liên lủy nhiều ngày, tháng…

Nhưng, cõi-giới thi ca mang tên Nguyễn Hoàng Anh Thư không chỉ mở tới mấy chân trời tâm cảnh vừa kể. Mà, tiếng thơ nữ này, còn ném tôi tới những chân trời bất ngờ, đục lờ, chua xót nhân sinh, khác. Như:

“những gương mặt dài thuỗn ướp đủ thứ gia vị nhằng nhịt
nuốt những bình an trên những ngã tư đường

(Trích “Cái chết của một bài thơ”)

Hoặc:

“người đàn bà đem cái cực nhọc vắt giữa trời mà gối!
nhìn con cò đi qua câu ca dao
chẳng trút được nỗi đau nơi máng xối”

(Trích “Giấc mơ của một người đàn bà”)

Với những câu thơ lột trần mọi lớp áo đắp điếm cho thân xác hiện thực xã hội kia, tôi không biết các họa sĩ tài ba của chúng ta, sẽ cần tới bao nhiêu bức tranh, bao nhiêu gam mầu để có thể hoán chuyển chữ, nghĩa thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư qua đường nét và, màu sắc?

Dù ở mức độ tài hoa nào, tôi cũng không tin, chỉ cần một bức tranh thôi, vị họa sĩ nào đó, có thể thâu tóm hơi thở buồn bã, hắt ra từ trái tim mẫn cảm và, tấm lòng xót xa của Nguyễn Hoàng với những cảnh đời ê chề… là nỗi tuyệt vọng của người vợ, người mẹ, dù đã sẵn sàng chấp nhận, cam đành thân phận “con cò lặn lội bờ ao…” - - Vậy mà người đàn bà VN (trong thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư) vẫn bị hất ra khỏi cái cam đành tận cùng nghiệt ngã ấy!!!  

Và, nữa, những vần lục bát đầy phong cách Nguyễn Hoàng Anh Thư:

“cầm tay chút gió mà reo
ơ em một thuở ta teo tong chờ”

(Trích “Bỗng dưng phố muốn hồn nhiên”)

Hoặc:

Hỏi gương xin chút mặt người
Về mà đắp lại mảnh rời khuyết hao

(Trích “Chiều trời đánh vỡ chiếc gương”)

.

Tới đây, xin bạn đọc cho phép tôi được nói rằng:

- Càng lúc, tiếng thơ của / như Nguyễn Hoàng Anh Thư, cùng những bạn đồng hành thế hệ Nguyễn Hoàng, càng hiển lộ trong tôi, niềm tin:

“Rồi đây, cõi thơ của những người trẻ ý thức, hôm nay, sẽ sớm làm thành một cuộc ‘cách mạng xanh’ cho thơ Việt Nam, một ngày không xa lắm”. 

Du Tử Lê

(Garden Grove, Nov. 2014)         

____________

Chú thích:

(1) Theo Wikipedia Mở.
(2)   Tựa đề nguyên thủy của ca khúc “Chiều” thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước là “Màu cây trong khói”. Bài thơ này in trong tập “Quê ngoại” của Hồ Dzếnh. XB năm 1943. (Nđd.)

Nguồn: http://www.dutule.com/D_1-2_2-148_4-6568_15-2/tho-nguyen-hoang-anh-thu-niem-hy-vong-ve-mot-cuoc-cach-mang-xanh.html