Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Hỗn độn (kỳ 3)

Nguyễn Khắc Phục
NHIỄM PHẢI TƠ TẰM
00 Giờ!
Rơm tan cơn mộng du tị nạn tại xóm Dựa Cột lúc 00 Giờ.
Rơm dự định một ngày nào đó, sẽ quay lại xóm Dựa Cột tìm thêm tài liệu để viết về những cư dân của nó...
Rơm luôn tự nhủ. Mình thuộc loài ấy. Loài nhiễm phải tơ tằm. Không hiểu sao lại vặn tay nắm cửa sổ. Hơi lạnh buốt xộc vào. Đóng sập cửa. Tự nhiên chạnh buồn. Lại thằng bé áo cổ vuông. Môi nó mím lại, mặt xám chì. Các xương sườn của nó va vào xương sống. Cũng trong cái giá lạnh thấu xương như sáng nay.Lạnh. Hơi lạnh đặc quánh làm không khí đùng đục màu khói. Rơm ngồi trong gác trọ chật chội, đóng kín các cửa và cửa sổ, đồ đạc chất lỉnh kỉnh nên khá ấm áp. Ngoài kia, Rơm lại bất giác với tay định mở cửa sổ. năm độ C chứ không chơi. Ngoài ấy, có những đứa trẻ chân trần đang dắt trâu trên những bờ đê. Chưa năm nào rét đậm, rét hại như năm nay. Rơm bất giác xoè diêm dù không định châm thuốc, trấn tĩnh lại. Đợt lạnh Rốn Rồng kéo dài hơn một tháng, rét chết cá. Các cụ già và người đau yếu thi nhau đi. Cứ cách ngày Rơm lại nhận được ai đó báo tử ai đó. Ở thôn quê, họ, những người đàn bà lam lũ với những đứa trẻ chân trần ấy, họ chống cự ra sao. Họ quen chịu đựng. Nếu thoát chết vì rét buốt, lại chết đói. Bị gậy đi ăn xin.
Mắt Rơm nhoè nhoẹt. Rơm ngồi đây, trong phòng trọ ấm áp. Rơm làm được gì cho họ.
Cái lạnh khủng khiếp kéo dài biến mùa đông thành mùa phát tang. Người quen, bạn hữu của Rơm rụng lả tả. Không khí sền sệt như sắp đông cứng. Có lẽ đang quay lại kỷBăng Giá. Rơm từng là một con lôi giác long chúi đầu về phía trước dưới những làn mưa tuyết. Xung quanh Rơm những con khác lần lượt ngã gục. Tận Thế. Không phải ám ảnh. Rơm không bịa ra Tận Thế...
Rít hơi thuốc dài. Làm gì nhỉ. Támgiờ nàng mới lên mạng. Nàng muốn viết buổi sáng. Rơm biết. Càng lạnh. Trống vắng. Rơm không thích cái màn hình hoang lạnh. Nàng muốn viết. Rơm biết. Rơm lại muốn thấy nàng ngay khi vừa mở mắt ra. Nàng là mặt trời mọc mỗi ngày của Rơm. Nàng cứ muốn viết đến támgiờ.
Chờ.
Chờ mặt trời mọc trong không khí lạnh mờ đục.
Cái loài nhiễm phải tơ tằm. Rơm lại rít một hơi. Hãy hình dung một con tằm mềm oặt, trắng trong lụi hụi ăn lá dâu, tiêu nhuyễn thành dịch rồi nhả hết ra tơ. Ăn rồi nhả tơ, cái số kiếp phải thế, không khác được. Nó dính lằng nhằng trong một đám tơ bùng nhùng, đám tơ chính nó rút ruột nhả.
Loài vương tơ như Rơm khác xa loài đi tìm lạc khoái. Khác căn bản. Rơm vẩy tàn thuốc lá vào cái đĩa đựng cốc chén, ngửa cổ tu ấm trà, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tấm màn xám lạnh đùng đục vẫn chưa giãn ra. Càng rét mướt dai dẳng Rơm càng nhiễm nặng...
Rơm nhả tơ rồi dính dấp lúc nào chả biết, ngoài ý muốn của Rơm. Thực ra, Rơm có muốn gì khác ngoài viết, viết cái gì đó, một cái gì đó. Tâm trí Rơm đáng phải dồn hết vào cuốn tiểu thuyết của đời Rơm mà Rơm yêu như con, mà Rơm yêu như...
Có gì quí giá để Rơm có thể so sánh...
Sinh mệnh? Phải rồi, Rơm bỗng dừng rít thuốc, không gì khác. Cuốn tiểu thuyết và tình yêu mà Rơm đang ấp ủ trong lồng ngực, nguồn sống ấm áp của Rơm, chúng chỉ là một. Thật vậy không? Rơm chợt thẫn người. Hơi lạnh bỗng chốc loang ra khắp bụng, thấm vào từng ngóc ngách cơ thể.
Rơm lén lút nhìn về phía màn hình vẫn im ắng. Rơm không tự huyễn hoặc về tình yêu đang ủ ấm lồng ngực Rơm. Rơm không tạo ra nó. Rơm không tạo ra mối tình tiểu thuyết. Rơm không nặn nên nó.
Không.
Mặt Rơm nhăn lại như muốn khóc vì khói thuốc xộc thẳng lên mắt, mũi. Rơm không tạo ra nó. Nó đang tạo ra Rơm. Rơm đang sống nó. Rơm là con lôi giác long bền bỉ, con cuối cùng, Rơm sẽ vượt qua kỷBăng Giánày nhờ tình yêu sưởi ấm trong lồng ngực.
Không, Rơm không tự huyễn hoặc.
Rơm chờ mặt trời lên...
00 Giờ!
Trong lúc chờ lên mạng mật đàm với nàng, mỗi ngày của Rơm hầu như đều bắt đầu bằng việc lang thang trên xa lộ thông tin với một mớ hổ lốn tin tức khắp thế giới.
Ian Usher đã đưa tất cả cuộc sống của anh, nhà cửa, xe hơi, công việc, thậm chí bạn bè, lên đấu giá trên eBay sau cuộc chia ly đau đớn với vợ. Vào cái ngày mọi chuyện được giải quyết êm xuôi, tôi sẽ bước ra khỏi cửa với ví tiền một bên túi, hộ chiếu ở bên kia và vé máy bay đi đâu đó, ngoài ra không có gì khác nữa.
Cuộc đời của Usher sẽ được đấu giá cả gói, khoảng 390.000 USD...
Nàng bỗng nhớ lại, có lần Rơm thú nhận. Tình trạng cô độc và vô vọng tệ hại đến nỗi khi nhận được một bức thư điện tử, báo tin Rơm trúng giải một triệu bảng Sương Mù, Rơm đã sướng run cầm cập. Dù biết chắc đó là tin vịt, nguy hiểm hơn, một trò bịp bợm quen thuộc trên mạng, Rơm vẫn hăm hở nhờ từ điển online dịch ra tiếng Lạc.
Với mớ tiếng Sương Mù lõm bõm, Rơm cũng phải phì cười trước lối dịch thuật ngây ngô của máy móc.
00 Giờ!
Rơm lơ lửng. Rối ren. Và hoảng loạn...
Rơm vốn vậy. Trước khi gặp nàng, đã có thời gian rất dài, chả ai liên lạc thư từ hay gặp gỡ Rơm. Trong cơn sợ hãi và nỗi ám ảnh bị bỏ rơi, Rơm cứ phải tưởng tượng ra một kẻ nào đó để Rơm căm thù, chửi rủa, giảng giải, thuyết giáo hay tỏ lộ tình cảm, sự âu yếm..., rồi Rơm viết tất cả những điều hoang tưởng ấy, bỏ vào phong bì, dán tem và gửi... cho chính địa chỉ và tên mình. Vậy mà khi nhân viên bưu điện chuyển những bức thư ấy cho Rơm, Rơm vẫn thấy hồi hộp, ngỡ ngàng và run run xé phong bì, cái phong bì của Rơm mua, tự tay Rơm ghi địa chỉ...
Rơm đọc những bức thư ấy cứ như chúng do một kẻ nào đó viết gửi cho Rơm. Lại tiếp tục chửi rủa, tranh luận, âu yếm, thuyết giáo...
Là kẻ ngoại đạo của tất cả các chuyên ngành, lọt thỏm giữa các cuộc họp, chẳng com-lê, cà-vạt, hai tay đút túi, nói năng chủng chẳng, quên cả thưa gửi, Rơm đi thẳng vào việc dính líu đến mình rồi quầy quả bỏ đi. Các vị ớ ra, ừ thì rõ quá rồi. Rơm thường giả bộ khiêm nhường nhưng trong lòng réo vang bản khải hoàn của thằng bé áo cổ vuông. Thằng bé môi xám ngắt, đói khát, bị giày xéo ấy, nó mới hãnh diện vắt vẻo trên cả chồng sách uyên bác kia, trên cả cái học hàn lâm. Cả đời nó trầy trật, nó mầy mò, nó cậy cục học, học bất cứ nơi đâu, bất cứ ai, bất cứ cái gì, nhai nuốt tiêu hoá tất như một cái dạ dầy thủng với cơn đói khát hiểu biết?
Rơm rít một hơi thuốc lá, cố tập trung vào các tài liệu về tiền tệ và ngân hàng. Nếu họ nhận làm kịch bản của Rơm, Rơm sẽ có chút tiền rủng rỉnh, bằng không, cũng là một cơ hội học thêm về lịch sử tiền tệ.
Vì làm thuê mà Rơm phải mò mẫm các loại bách khoa toàn thư. Kiến thức của Rơm luôn được học để dùng ngay, chúng không được xếp vào kho lưu trữ rồi mốc dần. Chúng tươi mới, sống động, tung tẩy, hoạt bát. Mà Rơm lại có cách học như ăn, nên kiến thức gì cũng chuyển hoá thành da, thịt, máu của Rơm.
Rơm cứ đường mình mình đi.
Rơm mà không đi theo cách của mình thì chết dúi dụi như con sâu cái kiến từ lâu rồi. Da thịt, các sợi thần kinh, trí não của Rơm đều là các công cụ thẩm thấu, một hệ thống tiêu hoá không ngưng nghỉ và chuyển hoá ngay lập tức, kiến thức như sữa mẹ được Rơm bú chuyển thành lực sống.
Với sự điều khiển của bộ não maestro, đội quân ấy trở thành thiện nghệ, linh hoạt, có sức biến hoá khôn lường. Người ta bảo Rơm có một sức ma quái nào đó. Rơm cũng chẳng dại dột tự lật tẩy bí mật của mình.
Nàng luôn hình dung Rơm như một con vật vờ...
Cuộc sống nơi này của Rơm chẳng có gì đáng phàn nàn, chỉ có một điều, Rơm vật vờ.
Khi vật vờ thì còn biết mình muốn gì hay không muốn gì. Được chăng hay chớ.
Với những gì xảy đến nơi này Rơm vẫn vận hành như thế. Tiền trong túi vơi thì nhận hợp đồng nhỏ, sắp trả tiền nhà thì nhận hợp đồng lớn. Có khi Rơm cũng quên bẵng đi, nước đến đít mới nhảy. Lịch sổ và kế hoạch là những cái Rơm chẳng bao giờ có. Đồng hồ cũng thế. Vài ba váy áo lượn lờ đã cho Rơm đủ đau đầu. Rơm không mặn mà cũng chẳng hờ hững. Được thế nào hay thế ấy. Những cánh bướm mềm mại. Không phải cánh bướm nào cũng vướng vào dây tơ của Rơm. Cuộc sống nơi này cũng khuấy động lên đôi chút. Lòng Rơm bao giờ cũng mềm lại bởi các cánh bướm. Xào xạc chút đỉnh. Chấp chới một hồi. Nhưng vật vờ vẫn vật vờ. Cuộc sống nơi này Rơm chẳng có gì đáng phàn nàn ngoài cái điều ấy. Cuộc sống nơi ấy, nơi mà tâm trí Rơm luôn bay đến. Nơi ấy nằm đâu đó trong cả vũ trụ bao la không thể định vị được. Nơi ấy chứa đựng tất cả những gì chân thật, cao đẹp, thuần khiết, chất phác nhất của con người Rơm. Nơi ấy Rơm thơ ngây trắng trong như một đứa trẻ.
Tự nhiên Rơm bảo: Anh sẽ chế tạo quà Tình Nhân tặng em, mai giỗ Anh Hề, anh sẽ đi thành phố Váng Dầu, cùng vài người bạn và gia đình Anh Hề xuống thăm mộ, mua rượu trắng đổ đầy lên mộ và hoá một cuốn thơ “Xế bóng hay là úp mặt vào thời gian” cho Anh Hề.
Nàng không biết ngày nào là lễ Valentine dù cửa hàng, cửa hiệu treo lủng lẳng đầy trái tim đỏ các cỡ. Nước hoa, quần áo, sô cô la giảm giá phần trăm…, đâu đâu cũng trương biển ngày lễ. Các hàng hoa đang tẻ hoe, rệu rã từ sau tết Tây bỗng nhộn nhịp, hồi sắc lại. Hoa lên giá, đặc biệt là hoa hồng, một bông hồng nhung đỏ thắm một trămtân thế giới kim. Nàng không mặn mà với hoa hồng nên không biết ngày thường giá bao nhiêu, chắc đắt nhất là năm tân thế giới kim. Nhưng tình yêu làm gì có giá, bao nhiêu hồng nhung cho vào các lẵng cũng không đủ, có những chàng sẵn sàng tặng cả triệu bông hồng đấy thôi.
Ngày lễ Tình Yêu mà Rơm đem hoa hồng tặng nàng thì... nàng chẳng biết nói gì. Chỉ mới tưởng tượng thôi nàng cũng tủm tỉm cười.
Năm ngoái vào ngày này họ đã tặng quà cho nhau? Nàng không nhớ nữa. Năm ngoái nàng đang viết những đoạn buồn về người Bói Bài Tây. Tết năm ngoái Rơm không vui, nàng không vui, và năm nay cũng thế. năm nào trong những ngày Tết cũng đều lởn vởn những hình bóng đàn bà.
Thực ra quanh năm Rơm đều bận bịu như thế, nhưng không hiểu sao đến gần Tết mọi việc dường như dồn dập hơn. Mỗi lần va chạm nàng đều lánh xa ra một chút, lớn lên một chút, lòng lại đau đớn để bình lặng hơn một chút. Họ yêu nhau từ bao lâu rồi, mới như ngày hôm qua, cũng như từ lâu lắm, lâu đến mức họ giông giống hoá thạch khủng long mới khai quật được ở một thung lũng hẻo lánh nào đó. Cộng tất cả số ngày họ gặp nhau chưa đầy haitháng, còn lại toàn sống bằng tưởng tượng với nhớ nhung, thế nên thời gian trở thành vĩnh cửu, mênh mang, vừa trẻ thơ, vừa già dặn. Hình như họ cứ rập rình trong cái vĩnh cửu ấy, cho dù thỉnh thoảng phải chững lại vì các mấu nối.
Ban đầu có lẽ ít mấu nối hơn. Quãng thời gian Rơm kỳ cạch dán các bài thơ vào cuốn giấy dó, rồi tìm hình ảnh trang trí cho các bài thơ của mình, quãng thời gian cả hai cùng bốc cháy sáng rực, cùng choáng váng, cùng điên đảo. Nàng vẫn nghĩ về nó như một giấc mơ, một món quà vô giá của Tạo Hoá. Nàng yêu, yêu bằng tất cả sức lực, ngoài sức lực của mình, yêu đến cùng kiệt. Nàng đã cháy, cháy bùng lên rực rỡ, cháy cạn kiệt. Rơm là sóng thần, là gió lốc, là bão biển, là núi lửa... Rơm làm bật tung nguồn năng lượng tiềm tàng của nàng. Nàng bốc cháy ngùn ngụt. Mỗi tế bào gào thét thèm khát Rơm. Không còn ngày, đêm, không gian, thời gian, không còn gì, chỉ có Rơm và nỗi khao khát. Rơm là thần Dớt, là Chúa Trời, là vị thần hùng mạnh mà nàng dâng hiến kiệt cùng. Rơm là hình ảnh duy nhất, sức mạnh vô biên trị vì, cầm nắm sự sống nhỏ nhoi của nàng. Rơm dệt nên thế giới nhiệm mầu bằng những tần sóng mãnh liệt của mình. Ra ngoài thế giới của Rơm nàng chỉ c̣n một cái xác. Quăng thời gian Rơm chế tạo những món quà cho nàng, hình như nó đã xa lắm rồi.
Bỗng nhiên Rơm lại muốn chế tạo quà cho nàng, Rơm sẽ chế tạo nó như thế nào. Nàng lo sợ. Thà rằng Rơm đừng nói đến ngày lễ Valentine, họ không còn là cặp tình nhân lò cò mà chàng mua tặng nàng cả lẵng hoa hồng. Họ có cần thể hiện nữa không? Và có thể mượn gì để thể hiện? Đôi lúc họ giống như một đôi khủng long. Nàng sợ cái gì đó lòe loẹt, cái gì đó vay mượn, bất cứ cái gì đó không hoàn toàn tinh khiết. Nàng muốn nhận được tình yêu thô mộc tiết ra từ nơi sâu thẳm nhất của lòng Rơm. Nếu không có gì từ nơi ấy tiết ra hoặc không phải là tình cảm ấy thì Rơm hãy lặng im. Với thời gian họ đều biết, hôm nay không như ngày hôm qua.
Ngày nhận quà đã đến. Nàng mở hòm thư không có thư Rơm. Chắc Rơm đã quên. Thôi, tự an ủi, hãy người lớn đi, năm nay không như năm ngoái. Em hãy lên mạng nhận quà Tình Nhân. Rơm tuyên bố. Nàng choáng váng. Nàng vừa lục lọi khắp nơi tìm quà cho mình, không thấy gì, chỉ thấy trên web có Ơn Giời là món quà mà Rơm dành cho tất cả vào ngày lễ Tình Yêu. Chắc Rơm cũng gộp luôn nàng vào số bạn đọc này. Thì nàng cũng đã quen nhận quà tập thể, nhưng đây là món quà tình yêu. Vẫn không là ngoại lệ. Nàng không còn là một ngoại lệ ưu đãi nữa, Rơm đã vứt nàng đánh uỵch vào số đông chờ nhận quà của Rơm. Không còn được ưu đãi thì hãy tự đi nhận phần của mình.
Câu chuyện về đứa trẻ được sinh ra trong nhà tù chẳng là bằng chứng cho tình yêu sao, Rơm nhìn thoáng qua đã vội cho là thế. A, chuyện ăn mừng thôi nôi cậu bé Ơn Giời, nếu Rơm đưa lên vào một ngày ca ngợi lòng từ bi, nhân ái thì có lẽ đúng hơn. Mọi bực tức của nàng đổ vào sự bất đồng với Rơm. Những điều không thể nói ra. Có thể lòng Rơm chẳng còn tình yêu mãnh liệt ấy, Rơm chẳng còn gì đến nỗi phải vơ cái chuyện này để làm quà. Rơm không còn gì của riêng Rơm cho riêng nàng. Quãng thời gian ấy đã qua rồi. Nàng không nói thẳng ra sự bực bội của mình mà Rơm vẫn lúng túng. Tự Rơm cũng thấy chưa thỏa mãn về món quà Tình Nhân cho nàng, Rơm thấy thế nào ấy. Rơm đã loay hoay tìm, đã nghe ngóng, nhưng không có gì mới bật ra, dường như tất cả đã được nói, đã được thể hiện.
Có lẽ họ đã thành khủng long.
Rơm đã lấy câu chuyện ấy làm quà dù lòng cảm thấy chưa thoả mãn. Rơm biết nàng không cần cái gì của người khác, cái gì kêu đôm đốp. Rơm càng ngày càng hiểu, nàng đúng là cái cấu tạo rất nhạy, cái gì không tinh khiết, không đến độ thì hình như cứ tự nhiên bị đẩy bật ra. Với nàng, Rơm chỉ có một cách: Nóinhư nói với mình, những lời cốt tuỷ, tinh chất.
Tình yêu làm kiếp người ngắn hạn thành mãi mãi.
Không có em, anh đã kết thúc khi bị thời gian nuốt chửng và nỗi thất vọng tước bỏ mọi niềm vui, cảm hứng, ý nghĩa và sự sáng tạo!
Mấy câu vuột ra từ đáy lòng lại hiện ra dưới những ngón tay Rơm như được sai khiến. Rơm ngồi lịm trên ghế, mắt dán vào màn hình. Không thể thêm, cũng không thể bớt. Cái điều chính yếu đã bật ra, Rơm đã cất được tinh chất của chặng đời này.
CƠN MƯA HỒI XUÂN
Nàng là cơn mưa hồi xuân của Rơm...
Với Rơm nàng chính là Ơn Giời xuất hiện đúng vào lúc 00 Giờ, món quà Tạo hoá tặng cho Rơm. Rơm đặt tinh chất ấy lên hai nền: da cam mà các khối dương như chồng lên nhau vô tận, niềm khao khát sục sôi không ngưng nghỉ của Rơm và đỉnh núi xám thanh tịnh hiện lên trên các tầng xanh chuyển từ xanh non, đến xanh thẫm, các cung bậc trưởng thành của trí tuệ Rơm.
Da Cam là sức sống, là niềm khao khát không ngưng nghỉ, là niềm say đắm của Rơm. Đỉnh Không Tên là khoảng không thanh tịnh, tinh khiết, nơi trú ngụ cho tinh thần và sáng tạo của Rơm. Da Cam và đỉnh Không Tên, Rơm tẩu thoát đến cái Mãi Mãi trên đôi cánh ấy.
Trần trụi như một thai nhi, hai đầu gối co lên đỡ cằm, mắt nhắm nghiền, thả trôi. Trôi lượn bồng bềnh trong một chất lỏng ấm áp, êm dịu, trong một khoảng bao la. Nước ấm áp trùm phủ, quấn quanh như một tấm nhung. Quay, lượn, mơ màng, mắt vẫn nhắm. Tinh chất của mẹ được truyền đến Rơm qua chiếc bình thông giữa hai cơ thể. Tiếng ì oạp xa xăm. Ấm áp. Bồng bềnh. Êm ái. Bụng nàng, phải, có lẽ là nơi ấy.
00 Giờ!
Rơm đã tìm lại được khoảng thời gian hạnh phúc nhất ấy. Khoảng thời gian thật ngắn ngủi. Những sóng gió bên ngoài mà mẹ Rơm phải chống chọi biến thành những làn sóng nhè nhẹ vỗ về khắp thân thể Rơm. Chẳng có gì bên ngoài có thể động chạm đến sự bình yên của Rơm. Êm ái làm sao! Được bao bọc, che chở, nuôi dưỡng. Ôi nhẹ nhõm! Mắt nhắm nghiền, Rơm thả mình trôi lượn.
Bụng nàng, phải, có lẽ là nơi ấy.
00 Giờ!
Khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời ấy, ôi chao mới ngắn ngủi. Ra khỏi bụng mẹ, cái ngày mà người ta vẫn bảo là chào đời ấy cũng là ngày Rơm vĩnh viễn bị quẳng ra khỏi nơi trú ẩn. Kinh hoàng. Mẹ rặn Rơm ra, rặn ra với biết bao đau đớn để dứt Rơm ra khỏi bụng mình. Khủng khiếp. Ngày giờ đã điểm. Thời hạn đã hết. Không gì cưỡng lại được. Rơm bị quẳng phịch ra bên ngoài. Và bắt đầu cuộc chống chọi để tồn tại.
Không cố tình, phải, trong vô thức, Rơm luôn tìm lại nó, khoảng thời gian duy nhất ấy. Mỗi người đàn bà đều mang đến một cái gì đó phảng phất mẹ. Mẹ mà Rơm đói khát. Rơm nhận được từ họ những âu yếm mà cuộc sống quá nhọc nhằn đã tước đoạt của mẹ. Cuộc sống biến tất cả ở mẹ thành sần sùi, gai góc, cả những lời âu yếm. Sống mũi Rơm cay sè, nước mắt giần giật ứa ra. Mẹ yêu Rơm ở cái lớp nằm bên dưới sự khắc khổ, tình yêu tự nhiên, trực tiếp, trần trụi, thô rám, như một viên đá lửa không mảy may mài giũa, đánh bóng. Rơm chính là như thế.
Ừ nhỉ, Rơm dụi tàn thuốc lá vào cái cốc uống nước chè, bần thần như vừa phát hiện ra điều gì. Đứa con chính là phản chiếu tình yêu của mẹ hay tình yêu của mẹ là chất liệu đắp thành tính cách của đứa con. Rơm cháy bỏng, nhẫn nhục, bền bỉ, Rơm chính là phiên bản của tình yêu ấy. Mỗi người đàn bà đến với Rơm đều như một sự bù đắp cho cái phần tình mẫu tử mà Rơm thiếu thốn. Sự thiếu thốn của Rơm cũng gay gắt, như đứa trẻ ngằn ngặt khát sữa vồ vập bập vào đầu vú mẹ.
Với mỗi người tình, Rơm đều là đứa trẻ ngằn ngặt đói khát vồ vập ấy. Rơm bú, Rơm uống, Rơm ăn bằng lưỡi, bằng môi, bằng tay, bằng... tất cả mọi phương tiện có thể, cùng một lúc và tức khắc, như muốn hút đến tận cùng để thoả cơn thèm khát không đáy tinh chất đàn bà: Mẹ. Mẹ mà Rơm thèm vô cùng tận. Mẹ với tình yêu đơn sơ đầy hy sinh nhưng không còn cho Rơm cảm giác êm ái, che chở, ngoại trừ khoảng thời gian đầu êm ái ấy. Mỗi người đàn bà mang đến cái gì đó phảng phất mẹ, nhưng vẫn không phải là cảm giác ấy. Và Rơm vẫn đi tìm lại mẹ của khoảng thời gian ấy, vô thức.
Cũng không chủ định gì, như một điều tự nhiên, Rơm chui tọt vào bụng nàng. Không thức. Bản năng. Mắt nhắm nghiền, Rơm thanh thản ngụp lặn trong tình yêu của nàng. Cuối cùng thì Trời cũng run rủi cho Rơm tìm lại được nơi chốn ấy. Ngộ nhận. Ảo giác. Quáng gà. Không biết nữa. Không giải thích được. Chỉ cảm thấy dễ chịu. Bồng bềnh. Nhẹ nhõm. Được che chở. Gió cứ gầm đi. Bão hãy xới tung lên. Những khuôn mặt xệch xẹo vì bất bình, giận dữ. Những khuôn mặt đàn bà tóc xổ tung vì giận dữ. Đàn bà khi không còn là mẹ thì giống như phù thủy. Trong này Rơm vẫn bình yên. Những cái diễn ra bên ngoài kia thực ra chẳng có nghĩa gì với Rơm.
Rơm nhắm mắt ngụp lặn trong bụng nàng. Như một thai nhi. Một thai nhi hoàn toàn ý thức mình là thai nhi. Một thai nhi hút, bú tình yêu tràn trề của nàng.
Lần này thì Rơm sẽ không chui ra ngoài nữa, Rơm sẽ không để bị quẳng ra ngoài nữa. Không ai có thể dứt Rơm ra khỏi chốn này, trừ nàng, nếu nàng muốn rặn Rơm ra, dứt Rơm ra khỏi mình, như mẹ Rơm.
Ngoài nàng, không gì có thể dứt Rơm ra khỏi nơi chốn của Rơm. Rơm không tự huyễn hoặc. Dù Rơm đã đau đớn rã rời mỗi lần lớp dung dịch đặc quánh nóng hổi bao bọc Rơm như lỏng ra, không còn quấn chặt, xiết lấy Rơm như những lớp nhung êm ái. Mỗi lần Rơm đều bị hụt hẳn xuống, như đang sắp rơi lại vào cái hố đen nham nhở trong lòng mình. Khoảng thời gian êm ái này cũng không thể kéo dài mãi mãi, rồi cũng đến lúc kết thúc, như với mẹ Rơm trước đây. Mỗi lần như thế Rơm hoảng hốt, một cảm giác bơ vơ trống trải ác nghiệt chụp xuống. Hoang vắng, thê lương. Trước kia mẹ bỏ lại Rơm như thế. Mẹ bỏ lại Rơm mà trong lòng vẫn yêu Rơm. Rơm không bao giờ không cảm thấy tình yêu ấy. Nhưng không thể khác. Mẹ buộc phải bỏ lại Rơm. Bơ vơ. Không nơi nương tựa. Như một con bê lạc.
Tất cả các buổi sáng đều xám lạnh và các buổi chiều đều tím tái. Trong lòng Rơm cái lỗ hổng rỗng đen ngòm cứ rộng mãi ra, nham nhở như sắt rỉ. Lần này thì Rơm chủ động, Rơm không còn bị động như lần trước, với mẹ. Rơm sẽ không phụ thuộc vào cái thời hạn chíntháng mườingày, việc vỡ ối và các cơn co thắt cơ bụng đã tống Rơm ra. Với tất cả những gì tích tụ được trong cả quãng đường dài từ lần trước bị đẩy ra ngoài bụng mẹ, Rơm sẽ bảo vệ nơi chốn của mình. Nơi chốn Rơm hạnh phúc nhất, nơi chốn Rơm yêu nhất, nơi chốn của Rơm. Rơm sẽ biến khoảng thời gian phải kết thúc thành vô tận.
Cũng như trước đây với mẹ Rơm tất cả những gì Rơm làm đều với ý chí phục thù. Phục thù lại việc mẹ đã bỏ rơi Rơm. Tất cả những gì Rơm làm đều với một mục đích: Biệnhộ cho sự tồn tại của mình. Sự tồn tại mà mẹ Rơm đã không coi nó quan trọng bằng sự tồn tại của anh trai Rơm. Mỗi việc Rơm làm, mỗi thành công Rơm gặt hái đều hướng về mẹ Rơm như một minh chứng, một chiến thắng, một sự phục thù. Mẹ, Rơm muốn mẹ yêu Rơm mãnh liệt, nếu không nói rằng Rơm muốn mình là đứa con yêu nhất, tình yêu độc nhất của mẹ. Rơm đã làm tất cả để thu hút lại tình yêu và sự chú ý của mẹ. Rơm muốn mẹ yêu Rơm mãnh liệt như Rơm yêu mẹ. Tất cả những sáng tác trong đời, nếu phải đề tặng, thì người duy nhất ấy là mẹ Rơm.
Nàng choáng váng khi nhận được tin dữ về dì út của nàng, bà Hê-len Sửu. Mà đáng sợ nhất lại qua báo chí và mạng. Theo đó, thi thể bà Sửu đã được phát hiện tại một căn hộ lụp xụp ở miền đất bị lãng quên, phía đông nước Phù Lãng. Nguyên nhân cái chết chưa được xác định, theo công tố viên địa phương...
Tám năm trước, các bác sĩ chẩn đoán bà Sửu mắc một chứng bệnh hiểm nghèo và một khối u ác mọc ngay ở mũi. Khối u làm bà không còn ngửi được, nếm được, mù mắt và gương mặt thì ít ai dám nhìn. Bà làm đơn gửi tòa án Phù Lãng xin được chết, thỉnh cầu Tổng thống nước cộng hòa này can thiệp để bác sĩ điều trị kê toa độc dược giúp bà được chết tỉnh táo, chết nhanh, trong vòng tay thân quyến, bạn bè.
Sau khi tòa bác bỏ thỉnh nguyện của bà, với lý do luật hiện hành không cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân được chết, thủ tướng Phù Lãng đã chỉ thị lập một ủy ban xem xét có thể điều chỉnh luật hay không.
Bà Sửu thì quyết không chờ đợi các nhà lập pháp. Bà tuyên bố sẽ không kháng án, mà sẽ tìm thuốc độc bằng phương cách khác và sẽ không làm điều đó ở Phù Lãng. Vì thế, người ta đoán có thể bà sẽ tìm đến xứ Tuy-líp - nước cho phép cái chết êm ái. Nhưng Đài phát thanh Tuy-líp lập tức dự đoán sẽ không có bác sĩ Tuy-líp nào có thể giúp bà Hê-len Sửu, vì lẽ an tử ở đây được thực hiện dưới sự kiểm tra nghiêm ngặt của luật pháp và luật nước này không chấp nhận các du khách an tử.
Trong khi mọi người còn đang tranh cãi, bà Sửu đã giải quyết vấn đề theo cách của mình và ngay tại nhà riêng. Và bà đã ra đi trong đơn độc lúc 00 Giờ!
Nàng ngậm ngùi thương dì, đã đành, lại một ý nghĩ chua chát ám ảnh tâm trí nàng. Trong khi người đàn bà tử tù tìm mọi cách để sống thì dì nàng, một nữ nghệ nhân ca trù bẩm sinh, lại tìm mọi cách để chết...
Nàng tê tái gọi điện cho một hãng hàng không, đặt chỗ trong chuyến bay sớm nhất từ Si-ren sang Phù Lãng.
Quá cảnh! Nàng phải bay về miền đất bị lãng quên, chịu tang dì Út của nàng...
Đó là vùng đất nằm bên một dòng sông bị lãng quên, nơi những con người bị lãng quên đã thoi thóp sống năm mươi năm qua...
Khu trại này vốn là một nhà máy làm chất nổ, từ sau cuộc chiến lần thứ nhất trên Bán Đảo, được biến thành nơi tị nạn cho 1.160 người, gồm các góa phụ và con cái những người lính Phù Lãng gốc Lạc chết trận. Trường học, bệnh viện và các văn phòng hành chính của riêng khu trại này đã bị đóng cửa từ lâu, nhưng đến giờ vẫn còn một trăm hai mươigia đình sống ở đó trong những dãy nhà tồi tàn. Xung quanh họ là bùn lầy. Ở đây họ không được phép nói tiếng Lạc là tiếng mẹ đẻ của họ. Họ phải ngủ trên những chiếc giường lính dã chiến, bị cấm sở hữu riêng xe đạp hoặc ô tô...
Họ bị bỏ quên cho đến lúc bà Hê-len Sửu đưa ra phương án chọn lựa quá cảnh tàn khốc nhất: Tự giết mình lúc 00 Giờ!
Cả Phù Lãng bàng hoàng và hổ thẹn sau cái chết của bà Sửu, bởi họ bỗng sực nhớ ra sự tồn tại của những con người bị chính mẫu quốc lãng quên...
CHUYỆN NGƯỜI MÊ
Không chọn. Không dự định. Không xem ngày tốt ngày xấu. Rơm dẫn một lũ leo lên ô-tô đi thăm bãi tha ma đúng ngày Tình Nhân. Rơm chỉ nghe mang máng cái bãi tha ma Phi Tưởng Xứ nằm bên kia dòng sông Váng Dầu. Trước kia, Anh Hề được chôn cất trong nghĩa địa nằm ngay bên một nhà thương điên, nơi Anh Hề phải đóng vai một bệnh nhân bất đắc dĩ cho đến lúc bị đập chết. Khi thành phố Váng Dầu được mở rộng, bãi tha ma ấy nằm trong quy hoạch xây dựng một khu chế xuất. Người ta chuyển các hài cốt sang an trú bên kia sông Váng Dầu...
Rơm tưởng là cái bãi tha ma ấy gần thôi. Ai ngờ, xe đi mãi, gập ghềnh vẫn mù mịt tăm hơi. Rơm đâm hoang mang. Hay là không bao giờ Rơm có thể đến được cái bãi tha ma ấy.
Và con sông Váng Dầu chắc không có thật.
00 Giờ!
Rơm sợ hãi và lấm lét nhìn đồng hồ tính tiền nhấp nháy trước mắt Rơm.
Rơm càng hoảng khi thấy cái đồng hồ ấy dừng mãi ở số 00. Rơm đâm ra không tin cả câu chuyện bà vợ góa của Anh Hề đang kể lại.
Năm mười bẩy tuổi , tôi học Mỹ thuật. Hôm mới bước chân vào trường tôi ngỡ ngàng trước pho tượng rất lớn bằng đá cẩm thạch - phiên bản của Thần Vệ Nữ để ở hành lang bảo tàng của trường. Sân trường là một vườn hoa rất đẹp có nhiều cây, đẹp nhất là bằng lăng hoa trắng, tím hồng. Buổi tối chúng tôi thường đến trường để học tiếng Nga-la-tư, tôi quen Anh Hề ở đó. Cho đến giờ tôi vẫn lấy làm lạ là tại sao nghe người ta gọi anh ấy là Anh Hề mà tôi chẳng ngạc nhiên gì cả. Ai chả phải có một cái tên nào chứ, chẳng nhẽ vừa sinh ra bố mẹ anh ấy đã đặt tên con là Anh Hề sao? Anh học năm thứ ba, tôi học năm thứ nhất nhưng chúng tôi cùng lớp học ngoại ngữ. Có một lần Anh Hề bảo tôi ngồi cho anh vẽ chân dung, anh vẽ bằng phấn mầu rất đẹp. Sau đó anh còn nặn tượng tôi nữa. Hồi đó mới mười bẩy tuổi nên tôi chỉ thích chơi cùng nhóm bạn ở trường cho vui. Biết là tôi thích học ngoại ngữ, từ Váng Dầu anh gửi về Rốn Rồng cho tôi cả một bó sách học sinh ngữ cùng với lá thư tỏ tình đầu tiên. Thế mà tôi vẫn không để ý gì đến anh cả.
Mãi đến tám năm sau gặp lại nhau ở Váng Dầu tôi mới yêu Anh Hề. Anh gửi cho tôi bài thơ tình. Tôi xúc động nhất khi đọc bài Nước Mắt của anh... Anh sống ở tập thể gánh hát trong một căn phòng vẻn vẹn mười lăm mét vuông. Khi đến chơi tôi thấy bề bộn tranh sơn dầu, phông màn, chỗ nào cũng có màu vẽ, ngồi trên giường cũng có sơn dính lung tung, không khéo thì ngồi cả vào pallet đang pha màu dở. Mỗi lần đến chơi là tôi lại phải quét dọn, lau nhà toát mồ hôi nhưng tôi vẫn rất thích căn phòng đó vì nó thật kỳ lạ... Kỳ lạ nhất là Anh Hề đã biến cái hộp chật chội, tối tăm xây bằng xi-măng với một lối chui ra chui vào khoét trên tường chả khác gì một cái lỗ chuột, thành một vườn địa đàng lung linh bằng cách vẽ lên những bức tường vốn tróc vữa nham nhở, nào là ánh mặt trời rực rỡ, nào là vườn cây trĩu quả, nào là thảm cỏ non xanh mướt, nào là dòng suối trong vắt, những chú cá nhỏ bơi lội tung tăng, nào là những đôi tình nhân trần trụi, quấn quýt da thịt bên nhau...
Dù biết màu sắc tạo nên ảo tưởng, tôi vẫn muốn tin và đã tin đó là một thiên đường... Tôi sống và làm việc ở Long Đỗ, cùng với mẹ và vợ chồng người anh trai. Hàng tháng Anh Hề về chơi, trên vai đeo cái ba lô con cóc trong đó có cả quần áo, ma-két trang trí sân khấu, những bài thơ và cả mực khô, cá khô...
Chúng tôi đi lang thang khắp phố phường ngõ ngách Rốn Rồng khi thì đi bộ khi thì bằng xe đạp. Hồi đó máy bay Tân Thế Giới đang đánh bom Rốn Rồng buộc mọi người phải đi sơ tán nên vắng vẻ lắm đặc biệt là rất ít xe cộ. Mỗi lần được tiền nhuận bút anh lại dẫn tôi đi ăn tối ở một nhà hàng nào đó. Chúng tôi còn hay đến quán bia trên đại lộ Đức Thánh Trần gặp các văn nghệ sĩ...
Cuộc sống lúc đó rất khó khăn về kinh tế nhưng mọi người đều vui vẻ, vô tư. Anh Hề có nhiều bạn, thân nhất là anh Chuột. Tôi lại một lần nữa không ngạc nhiên dù biết chắc bạn Anh Hề không thể có tên khai sinh là Chuột.
Anh Hề oang oang khoe bạn với tôi: Chuột làm nghề móc cống, người lúc nào cũng thum thủm mùi cống rãnh, rây rớt bùn nước, nhưng thơ Chuột thơm tho, tinh khiết như nước cất trong bình Cam Lồ của Quán Thế Âm Bồ tát. Nhiều hôm đi làm về tôi đã thấy hai anh đứng ở đầu phố Tổng Đốc Hoàng đón tôi rồi cả ba anh em cùng đi chơi. Sau một năm yêu nhau chúng tôi quyết định cưới. Lúc đó tôi sơ tán ở xứ Đồng Cổ, Anh Hề thì từ Váng Dầu về Rốn Rồng rồi đến chỗ tôi đi sơ tán nhưng không gặp, anh đành đánh điện nhắn tôi về. Về tới Rốn Rồng định đi đăng ký thì cơ quan yêu cầu anh phải có lý lịch đóng dấu gánh hát Váng Dầu. Thế là anh phải trở về Váng Dầu để làm giấy tờ. Một tuần sau chúng tôi mới đăng ký và một tuần sau nữa mới xong. Chúng tôi tổ chức mấy mâm cơm gia đình ở nhà ông chú của anh ở phố Gạo Giã. Ngày cưới thì máy bay ném bom gần ngay chỗ làm đám cưới. Khách đến ăn cưới sợ quá chui cả vào gầm bàn, nhưng lúc hết bom, mọi người chui ra nhìn lên tấm áp phích Anh Hề tự tay trình bầy không thể nhịn được cười. Anh Hề bổ chữ rất bay bướm bên cạnh hai con chim lồng mỏ vào nhau: Anh Hề và Người Mê lấy nhau. Đấy là lần đầu tiên tôi được biết tên mình là Mê... Nhờ đó tôi mới hiểu chồng tôi làm thế nào để thành Anh Hề, bạn chồng tôi làm thế nào để thành Chuột. Và tôi làm thế nào để thành Mê. Con Mê. Sau đó chúng tôi còn có một buổi tiệc ngọt nhỏ vào buổi tối ở nhà mẹ tôi phố Bà Vú Dài, trời thì mưa to và lại còn mất điện một lúc phải thắp đèn măng-sông. Ca sĩ Đồng Dao và người yêu đến dự và đã hát tặng nhiều bài hát rất hay.
Sau ngày cưới vì không có nhà ở chúng tôi phải ở nhờ nhà Chuột. Anh Chuột có hai ngăn, mỗi ngăn rộng bốn mét vuông, anh nhường cho chúng tôi ở một ngăn. Mãi đến khi chúng tôi có con và con gái tôi lên bốn tuổi tôi mới được ở nhà tập thể cơ quan, lúc đầu chỉ được nửa gian tám mét vuông, hai gia đình ở chung, ranh giới là vách ngăn bằng phên cót và cứ sống như thế hàng chục năm. Anh vẫn cứ pha trò và chẳng bao giờ oán trách ai cả. Tôi rất thích tính anh không bao giờ nói xấu ai, không kèn cựa không hại ai bao giờ, khi tôi bực mình thì anh lại lấy quạt ra quạt cho tôi đỡ nóng, vì anh vui tính nên trẻ con hàng xóm rất thích anh, cứ về đến đầu xóm là lũ trẻ lại ào ra đón anh và reo hò chào Anh Hề. Anh đáp lại. Chào các bạn! Anh đi xe đạp mini như trẻ con vậy. Tôi nhớ mãi con người anh hồn nhiên trong sáng như trẻ thơ...
Tim Rơm thấp thỏm. Mắt Rơm bị che mờ dần bởi toàn sương tụ lại, cái gạt nước cũng bất động. Chiếc xe như bơi trong sương. Rơm mỗi lúc một khiếp đảm, chỉ muốn bảo tài xế quay lại. Nhưng Rơm không tài nào thốt ra lời. Tay lái xe cứ dận ga và cỗ xe càng chìm vào biển mù. Tình thế của Rơm mỗi lúc một tuyệt vọng. Lẽ ra đi tìm mộ, Rơm trở thành kẻ bị áp tải đến chỗ chết. Bỗng một hồi còi rú lên. Tài xế ngoặt vô-lăng, cho xe quành lại, tấp vào bên đường. Rơm mừng như chết đuối vớ phải bọt. Hoá ra cảnh sát bắn tốc độ. Cỗ xe của Rơm vượt quá tốc độ quy định cho quãng đường này. Lần đầu tiên trong đời, Rơm thấy yêu cảnh sát - những nhân viên công lực đã chặn đứng một cuộc hành quyết giả định.
Cũng chưa bao giờ Rơm móc túi lấy tiền nộp phạt mà hớn hở như vậy. Rơm chặc lưỡi. Mất tiền còn hơn mất mạng. Cũng lần đầu tiên, Rơm sực nhớ Rơm cũng có một sinh mạng để có thể bị đánh mất.Chuyến thăm mộ tiếp tục. Nhưng bây giờ rút kinh nghiệm, Rơm không cho mọi người im lặng. Rơm bắt mọi người nói liên tục, nói gì cũng được nhưng không được ngừng. Rơm sợ, sự im lặng sẽ tái diễn tình trạng gây mê và đưa cả lũ vào cõi chết. Thế là mọi người tiếp tục nói về cuộc đời của Anh Hề... Lúc đầu câu chuyện còn có vẻ trang nghiêm thích hợp để nói về kẻ quá cố, càng về sau càng lảm nhảm, mơ hồ. Bị gây mê bởi một không khí bí ẩn quái dị nào đó, không ai nhận ra là mình đã chắp nối những mảnh rời rã u buồn của một con người vốn từng có thật trên đời, thành một số phận, từ những điều đơm đặt, cười cợt mà tím tái...
CUỐN SÁCH VỀ CÁI CHẾT
Từ miền đất bị lãng quên của Cộng Hòa Phù Lãng, nàng yêu cầu Rơm gửi ngay cho nàng một bản dịch tiếng Lạc của cuốn Tử Thư để nàng có thể mang máng hiểu điều gì sẽ xảy ra với dì Út của nàng, những ngày thi thể bà quàn trong phòng ướp xác...
Gửi cho nàng Bardo-Thodol (Tử Thư) rồi, Rơm bần thần hình dung mọi diễn biến sau mỗi cái chết mà sau này, Rơm sẽ vẽ những di chúc của mình trong bức tranh “Gọi giữa thiên hà”...
Rơm bảo. Thì anh thế mà! Rồi tiếp luôn. Anh thế nào thì thiên mệnh của anh vẫn là yêu em.
Điều này Rơm nói ra thẳng tuột, cứ như không phải Rơm nói. Nhiều lúc như thế, khi nói với nàng, không hiểu lời lẽ cứ bật ra bằng cách nào. Kỳ lạ. Đôi khi Rơm ngơ ngác, rồi ngấm ngầm tâm đắc. Hình như điều ấy nằm ngay trong gan ruột Rơm. Nhưng có khi Rơm lại cũng không biết. Chỉ biết chúng vút ra như có cánh, nóng hổi.
Làm gì, trong hoàn cảnh nào lòng Rơm cũng ay áy một điều ấy: Rơm yêu nàng hay vẫn là nàng mà Rơm yêu. Vẫn là nàng mà Rơm yêu với tình yêu ấy. Cả tình yêu của Rơm cũng kỳ lạ. Rơm chẳng biết nó con trẻ nhất hay chín chắn nhất. Chỉ biết Rơm cứ thấy yêu nàng. Rơm thấy nàng ở bên mình, không, ở trong mình thì đúng hơn. Lúc nào cũng vậy, thường trực đến nỗi nàng ở trong Rơm trở thành điều tự nhiên. Rơm chỉ bảo. Em hoà tan vào anh. Có những lúc Rơm tưởng như mình quên mất cả sự hiện diện của nàng. Nhưng bởi nàng ở trong Rơm nên Rơm bất giác cứ phải cầm chừng. Rơm đóng kịch, ít ra thì Rơm cảm thấy như thế, khi âu yếm người này người nọ. Rơm biết mình gượng gạo, Rơm không đi đến cùng, Rơm canh cánh một nỗi niềm nào đó, cái mà người ta vẫn diễn giải là có một người nào đó trong lòng. Đúng là như thế, Rơm có nàng trong lòng, và... với bất kỳai cũng không phải là như thế, không phải là những gì Rơm đã có với nàng.
Rơm bảo. Hôm nay anh yêu em hơn hôm qua. Rơm cũng chẳng biết từ đâu vuột ra cái công thức thoạt nghe tưởng phi lý ấy. Cái khái niệm hôm nay và hôm qua, tất nhiên, không phải ngày lại ngày.
00 Giờ!
Khái niệm thời gian chính xác giống như sự vận hành của cái đồng hồ không tồn tại trong Rơm. Rơm không chịu được cái gì tuần tự, chính xác đến thản nhiên như thế. Không bao giờ nhỡ hẹn nhưng hình như cả hẹn giờ Rơm cũng không thích hẹn một giờ đúng hay hai giờ đúng, vào khoảng giờ trưa, đến tối hay thứ Tư... Thứ Tư là một ngày nào đó, cũng có thể không là một ngày nào. Thời gian của Rơm chỉ trôi trong logic của riêng Rơm. Như người lạc vào động tiên mà một năm bằng ba trăm năm bên ngoài chẳng hạn.
Thời gian của Rơm chẳng liên quan tínào đến đơn vị thời gian mà chiếc đồng hồ cần mẫn chỉ. Hẹn giờ vẫn không phải là thói quen của Rơm. Đi ăn trưa chỉ cần ới trước mươi phút. Rơm không phải gặp chăng hay chớ. Cũng chẳng phải Rơm không định trước cái gì. Rơm chưa bao giờ nhỡ hẹn công việc dù luôn hẹn ang áng. Rơm chẳng chuẩn bị gì và bao giờ cũng sẵn sàng.
Rơm vẫn giữ nguyên thói quen du mục gần hết đời người. Hôm nay yêu hơn hôm qua. Hay ngày mai yêu hơn hôm nay. Hình như chính Rơm đang lên cơn ảo giác do chất hướng thần Nhện Mù tiết ra trong thần kinh y.
Rơm ngỡ ngàng.
Một tên bạn trên xe lại thao thao bất tuyệt tung hô đúng cuốn Tử Thư mà nàng mới bảo Rơm gửi cho nàng đọc. Đi thăm mộ mà nói về cái chết và một tác phẩm nổi tiếng về cái chết trong kho tàng kinh điển Mật Tông Tây Tạng thì còn gì thích hợp và đáng chú tâm hơn? Nhưng Rơm lại thấy có vẻ gì như hài hước...
00 Giờ!
Sự sinh đây diệt đó hoặc khoảnh khắc của hiện hữu theo chân lýtuyệt đối, chúng sinh chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, sát-na). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất, như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi, chúng sinh đó chết... Chỉ những người tái sinh trong năm xứ của vô sắc giới: Hữu vô biên xứ, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Không sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ mới không bước vào trạng thái trung hữu này; cuộc sống mới của họ bắt đầu ngay sau cái chết. Những người tái sinh trong Dục giới và Sắc giới phải trải qua quá trình trung hữu và trong quá trình này, thần thức tồn tại dưới dạng sau này sẽ tái sinh...
Anh ơi, em thèm anh quá. Tựa đầu vào chiếc gối trên chiếc giường trong phòng đọc. Nóng nhức đến tội nghiệp. Em chết mất, chết mất. Làm sao đây. Chỉ có Tò He, chỉ có một mình Tò He với tình yêu nóng nhức, với mùi vị đậm sắc hoang dã ấy mới giải toả được cho em cơn thèm đang căng cứng đến bật vỡ. Anh ơi, chết mất. Khói từ bụng xông lên cay sè cổ. Làm sao bây giờ anh ơi!
00 Giờ!
Không hiểu sao, chính những ngày tang tóc ở miền đất bị lãng quên và những con người bị lãng quên ở ngay giữa lòng Phù Lãng, nàng lại thèm khát Rơm hơn bao giờ hết.
Tưởng tượng. Vẫn là tưởng tượng cái giây phút ấy, cái ngày gặp lại ấy. Giây phút đầu tiên nàng sẽ xiết chặt lấy da thịt Rơm. Nàng oà khóc. Nàng đã mong muốn, thèm khát giây phút này lâu quá rồi. Chỉ tưởng tượng, nàng đã nức nở khóc. Ah! Ah! Ah! Dính chặt vào nhau như hai bộ phận của một thứ bị tách rời vừa khớp chặt lại. Cả cột lửa nén lại trong bụng, dồn lại, phụt ra kinh hoàng.
Thứ Sáu, chiếc áo len đen càng làm tăng vẻ trầm tư, sâu lắng của Rơm. Khi ốm nàng có cảm giác rõ rệt là cả nàng và Rơm cùng ốm. Rơm ốm ở đây không có nghĩa là cũng bị mẩn đỏ và ngủ li bì như nàng mà Rơm chùng xuống, lòng buồn bã, chẳng thiết tha cái gì.
Rơm bảo. Khi em ốm, mệt mỏi và buồn rầu, mọi thứ trong anh chỉ hướng về em, giống hệt trong cơ thể, khi một chỗ bị tổn thương, toàn bộ hệ thần kinh trong người dồn về quanh vết thương mà chống đỡ. Hoàn toàn đúng như nàng thấy Rơm. Khi Rơm nghĩ nhiều đến nàng, như thể các ý nghĩ của Rơm đến lấp đầy lòng nàng trĩu nặng.
Quá nhiều bó buộc, nếu không anh đã bảo em: Vất mẹ nó cả đi, về đây, lên núi sống với anh.
Nàng ngồi trên giường, trong căn phòng dành cho khách mà thường thì nàng ngồi đọc sách. Trên giá sách là tất cả những sách nàng thích, vì thế căn phòng này có cái gì đó của riêng nàng. Nàng giật mình. Nước mắt bất giác trào ra. Hình như chưa bao giờ Rơm bật ra một tiếng nói tục nào, chưa bao giờ. Lúc nào nàng cũng chỉ nghe thấy những lời dịu dàng, êm ái, đẹp đẽ.
Mỗi khi nhớ nàng da diết, lòng Rơm mềm nhũn như bị cái khao khát quá nóng nhức hầm nhừ. Những lúc không chịu đựng được, Rơm thò tay mở dây buộc bảo bối vẫn giấu kín trong lòng: Cáitúi vải đựng đầy kỷniệm. Mắt nàng xoáy sâu vào Rơm đòi hỏi, hờn giận, hai bầu vú lật thốc dưới lần áo rướn lên đón tay Rơm và...
Và vùng tối gầm gào như biển cả. Rơm chìm nghỉm trong đó. Rơm chẳng biết làm sao trước cái tình yêu con trẻ đắm đuối ấy. Rơm luống cuống hơn cả đàn ông lần đầu chờ vợ đẻ. Rơm lóng ngóng, khờ khạo, vụng về. Rơm run rẩy, bần thần. Rơm điên đảo chạy như chiếc đèn cù say. Rơm đã sống trong cơn sốt không thời gian, một khoảng sống đo bằng khao khát. Mỗi khi nhớ nàng không chịu được, Rơm lôi ra một kỷ niệm. Trong xích lô, trên tầng bốn, hay trên dòng suối cạn... Biết bao kỷ niệm mà Rơm chỉ cần sống lại. Rơm đã yêu nàng biết bao lần như thế. Rơm bảo. Anh đang đứng nhảy nhót dưới máy điều hòa để sấy khô tóc. Anh vừa đọc lại một đoạn Tử Thư...
Anh nhớ em. Và giọng Rơm bỗng nhẹ hẳn, giống như hơi thở thì đúng hơn.
Anh...
00 Giờ!
Sau đám tang dì Út, nàng đã quay về nhịp sống quen thuộc ở Vịnh Tiên Cá. Và bây giờ, nàng đang đứng bên ngoài hiệu sách. Nắng lung linh trải trên sân của tiệm cà phê.
Rơm đang...
Nàng bỗng hiểu. Những lần trước, sao nàng lại tưởng tượng Rơm quì lom khom và nàng tưởng tượng thấy mình bên dưới Rơm. Nàng bỗng hiểu vì sao qua điện thoại, Rơm thở dốc và rên lên như thế. Nàng ngơ ngẩn mỉm cười. Rơm đang rên rỉ dưới chiếc điều hoà, tóc bốc lên như một nắm bông, Rơm đang dồn dập trong nàng. Tiếng rên của Rơm vuột ra. Điện thoại tắt. Rơm tan thành chất lỏng ấm nóng loang dần ra khắp thân thể nàng. Người nàng nóng bừng lên. Rơm đã bảo như thế. Rơm muốn sưởi ấm cho nàng. Hôm nay Rơm giống như bác sĩ điều trị, hoàn toàn ngẫu nhiên, từ bể cá buổi sáng hiện ra bất ngờ trên giao diện chat cho đến việc sưởi ấm. Nàng cười giòn tan vì các trò ngộ nghĩnh của Rơm. Các đám mây u ám nặng nề trong lòng dần dần tan. Lúc lúc nghĩ đến Rơm nàng lại bất giác phì cười. Nàng ngạc nhiên về bể cá và những trái tim như những cánh hồng...
Em có biết anh yêu em không?
Vâng, em biết, càng ngày càng biết.
Nàng luôn lúng túng vì có lúc nàng biết có lúc không. Điều này làm Rơm rối ren lắm.
Em có biết thế không?
Chẳng phải chính Rơm và lũ bạn sống sót trên con tàu chở đầy thuốc nổ nhặt nhạnh những bài thơ vương vãi của Anh Hề, in thành tập “Xế bóng”và đó là một trong nhiều lý do khiến Rơm tổ chức chuyến đi này. Rơm muốn giúp người vợ góa và đứa con gái duy nhất của Anh Hề tìm được nấm mộ của chồng, của bố mình. Thay vì hóa vàng, mọi người sẽ hóa một tập Xế bóng cho Anh Hề thưởng thức thi phẩm của mình ở dưới kia. Rồi sẽ tưới ướt sũng các loại rượu đựng trong chai, lọ, cút, can nhựa..., cho Anh Hề uống thỏa thuê, điều mà khi còn sống, Anh Hề chưa bao giờ được hưởng.
Anh Hề rơi vào lỗ thủng thời gian, hay chỉ là hiện tượng một đám bụi tinh vân bay xẹt qua cuộc sống này, để lại những bài thơ thê thiết buồn và đầy ám ảnh? Thi sĩ, Anh Hề, người ngay khi sống đã phải sống bằng chính những huyền thoại xám xịt, chát chúa và trớ trêu về mình, chàng trai Rốn Rồng lại sống như một đứa con của cái thành phố hải cảng mà ngay trong những giấc mơ cũng hôi mùi váng dầu...
Anh Hề úp mặt vào lỗ hổng thời gian như một đứa bé úp mặt vào bầu vú của mẹ dù lắm lúc sữa mẹ đắng ngắt và lạnh buốt...
Vậy chứ Anh Hề úp mặt vào bầu vú thủng của thời gian để chạy trốn cái gì? Không, anh yếu đuối, cô độc nên cần một nơi để che chở, an ủi, sưởi ấm cho cái tâm hồn vốn vô cùng lương thiện, nhút nhát nhưng lại tế vitrong cảm xúc, hóm hỉnh trong nụ cười và ánh mắt của chàng Hề lúc nào cũng lấp lánh bóng mờ những giọt lệ... Ngắm bức di ảnh Anh Hề trưng ngay chỗ tấm kính chắn gió của tắc-xi, bần thần hình dung ra Anh Hề thời trai trẻ, lẩm bẩm đọc những câu thơ của Anh Hề thời yêu đương đắm đuối, Rơm bỗng mường tượng ra hình ảnh cô bé bán diêm chết cóng trong tuyết giá giữa đêm Giáng sinh của Ăng-đec-xen hai trăm năm trước...
Phải, Anh Hề là cậu bé bán diêm của thế kỷ Hai Mươi, khi chiến tranh đã kết thúc, khi người ta tha hồ tung hô những khẩu hiệu, nhởn nhơ khoe khoang lòng tốt, cậu bé bốn mươi lăm tuổi - Anh Hề và cái gia đình nhỏ bé của cậu lại phải nhọc nhằn vật lộn với hoàn cảnh, kiếm từng xu để chống lại nỗi đói khát, bệnh tật, nỗi tuyệt vọng và tâm thế hoảng loạn khi bị bỏ rơi. Thế là cậu bé chỉ còn biết lần lượt thắp từng que diêm là những câu thơ, tự sưởi ấm cho mình và sưởi ấm cho vợ và cô con gái bé bỏng của mình. Cho đến que diêm cuối cùng, câu thơ cuối cùng đã rứt ra khỏi máu thịt, Anh Hề gục ngã...
Và cái chết của Anh Hề cũng u buồn nhưng đầy ám ảnh tiên báo như khi cô bé bán diêm của Ăng-đec-xen chỉ còn là cái xác lạnh cóng nơi một góc phố sáng trưng ánh đèn nến trên những cây thông lấp lánh và những âm điệu ngọt ngào, ca tụng Đức Mẹ vang lên từ khắp các thánh đường và những mái ấm gia đình. Linh hồn cô bé có về bên Đức Hiền Mẫu của cô bé hay không? Và linh hồn anh Hề- thi sĩ có về bên cõi Niết Bàn Tịnh Độ hay không? Không ai quả quyết gật đầu hay lắc đầu... Chỉ biết những câu thơ cuối cùng - những que diêm cuối cùng của cậu bé bán diêm, Anh Hề, vẫn tiếp tục thắp sáng và sưởi ấm những linh hồn biển dâu dù chúng đang tạm trú trong những thân xác rệu rã, bị khinh miệt và bị bỏ rơi, vẫn áy lên niềm hi vọng của sự thương xót, lòng cảm thông.
Và rốt ráo, là Tình Yêu.
Lại quán trọ rẻ tiền nằm xế trước cửa ga Váng Dầu chờ chuyến tàu mờ sáng ngược Long Đỗ. Lại nhớ những câu thơ của Anh Hề.
Mệt mỏi, rã rời, Rơm thiếp đi. Bỗng có tiếng gõ cửa rụt rè. Sực nhớ anh Béo báo trước: Những nhà trọ kiểu này được chị em bán hoa bình dân lai vãng kiếm ăn, mà khách làng chơi đỡ mất công tìm sân bay...
Rơm nằm nguyên trên giường, bực bội sẵng giọng:
- Bút bi hết mực rồi.
Ấy là trong lúc chán chường, Rơm khôi hài đen một tí bằng mượn tên một truyện ngắn nổi tiếng của ông nhà văn đàn anh... Tưởng vậy có thể đuổi được vị khách không chờ, nhưng tiếng gõ cửa vẫn dai dẳng, tưng tức. Rơm cáu kỉnh bật dậy, lao ra định xô cửa và quát vào mặt kẻ trơ trẽn, không biết điều. Nhưng hình như cánh cửa phòng trọ đã tự mở ra. Rơm đứng ngây như thằng cồng, nhìn người đàn bà mặc chiếc áo sơ-mi nâu đàn ông bằng ni-lông kẻ sọc vằn đen nhờ nhờ, hai bàn tay liên tục tráo đi tráo lại một cỗ bài tây đen bóng. Người đàn bà mặt dài dại, giọng như mếu:
- Suốt từ ngày chị chết đến giờ, chị chả được nén hương đĩa hoa nào, ngày giỗ đến ngay chồng con chị cũng chả ai thèm nhớ. Cả cậu nữa, cậu ở xa thì thôi chứ đã xuống đây thắp hương cho ông Hề thì tiếc gì không thắp rốn thêm cho chị và Nhện Mù một nén? Hay là cậu sợ cứ mỗi lần gặp, chị bói bài tây cho cậu thì Nhện Mù lại hiện về ám ảnh cậu...
Rơm run bần bật nghe người đàn bà nói tiếp, giọng tủi thân:
- Lúc sáng thấy cậu xuống nghĩa địa, tôi và Nhện Mù đã khấp khởi tưởng cậu xuống với chị em tôi...
Rơm sởn tóc gáy, mồm lắp bắp:
- Em lậy chị, chị bảo Nhện Mù tha tội cho em...
Tiếng còi tầu rú lên từ ga xe lửa vọng tới, người đàn bà hơi giật mình. Rơm thấy đèn đường đã tắt, ánh ban mai lấp ló trên những cành phượng vĩ đỏ ướt như lấm tấm máu. Rơm vội quay lại, người chị họ của Rơm đã tan biến cùng bóng đêm...
Còn lại một mình trong phòng trọ, Rơm bần thần nhìn xuống đường… Nơi chếch bên trái một tí là Nhà Hát Lớn Váng Dầu, nơi gần hai mươi năm trước, Rơm đã từ Long Đỗ xuống dự đêm duyệt vở kịch do Rơm viết kịch bản và gánh kịch Xâm Bồ dựng…
Đêm ấy, Rơm đã mời người chị con bác ruột của mình và chồng, đến dự. Hết buổi diễn, Rơm mời anh rể và chị họ đi ăn đêm. Không hiểu sao, người chị họ của Rơm mặt buồn buồn, chỉ ngồi chống đũa, nhìn Rơm và chồng mình uống bia mà không ăn gì hết…
Rơm đâu có ngờ, đấy là lần cuối cùng hai chị em gặp nhau…
Khoảng nửa tháng sau, Rơm choáng váng nghe tin người chị họ của mình đã lao từ cầu Xi-moong Xám xuống dòng sông Váng Dầu, tự vẫn. Nguyên do ư? Có người bảo chị ấy tự tử vì cùng quẫn. Có người bảo chị ra đi vì thất tình. Có người bảo chị quyên sinh vì bị làm nhục…
Lý do nào cũng chả quan trọng nữa.
Giờ đây, chị đã quay về, trách móc thằng em họ vô tình…
Rơm không ra tầu mà gọi xe ôm, một mình quay lại nghĩa địa, hai ngôi mộ liền nhau của chị họ Rơm và Nhện Mù quả nhiên bị bỏ hoang, cỏ mọc trùm lên cả hai tấm bia đá.
Không một chân nhang cũ, không cả một xác hoa tàn úa...
Hai tay vơ cỏ, Rơm nhặt rác và những cái túi ni-lông, giấy gói bánh kẹo bẩn thỉu, vất bừa bộn xung quanh. Chắc là những người viếng mộ bỏ lại. Xong xuôi, Rơm mượn cái xô của ông quản trang, múc nước tưới cho những bụi cúc dại mọc hoang lấm tấm hoa vàng, rửa sạch tấm bia đá, đào hõm đất trên nấm mộ Nhện Mù Tám Chân, trồng thêm một bụi hồng tiểu muội màu trắng, thứ hoa này dễ sống cả khi không được tưới tắm, chăm sóc.
Và cắm lên hai nấm đất những cây nhang cháy đỏ.
Và thì thầm:
- Chị ơi, Nhện Mù ơi, chả cần đợi xá tội vong nhân, lúc nào buồn thì hai chị em cứ lên Rốn Rồng tìm tôi nhá. Tôi sẽ đãi hai người cháo lá đa và đốt quần áo, đồ trang sức và tiền bạc cho hai chị em dùng dưới ấy...
N.K.P.