Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Một bà mối kỳ quặc

Shukshin, Vasily Makarovich

Hiếu Tân dịch

Shukshin, Vasily Makarovich. (1929-1974) Diến viên, đạo diễn điện ảnh, nhà văn Liên Xô,
Truyện ngắn:
Tam, Vdali ("Ngoài xa", 1968),
Zemlyaki ("Đồng hương", 1970),
Kharaktery ("Những tính cách", 1973),
Besedy Pri Yasnoi Lune ("Trò chuyện dưới trăng", 1974).
Kịch:
Energichniye Liudi ("Nhân dân kiên cường"), 1974.

Ở tuổi 68, lão Glukhôp góa vợ. Trong đám tang, lão khóc nức nở: “Từ nay tôi biết sống sao đây. Cô quạnh quá.”
Phải, lão đã nói thế, như bất kỳ ông già nào khác trong hoàn cảnh ấy. Lão buồn khổ, đau xót, đã hẳn, nhưng không nghĩ lão sẽ tiếp tục sống như thế nào. Ông lão chỉ cảm thấy thật đau đớn, bất hạnh, thế thôi, mà không nghĩ gì hơn nữa.
Thời gian cứ trôi, lại một năm nữa qua, ông già bắt đầu cảm thấy cô đơn không chịu nổi. Không phải chỉ vì ông cảm thấy khổ. Ông có thể sống khổ, nhưng cái chính là nỗi cô đơn trong căn nhà trống trải lạnh lẽo. Ông lão có thằng con trai, con út, (các anh nó đã chết cả trong chiến tranh) sống trên thành phố. Thằng con họa hoằn về thăm bố, nhưng chỉ cốt để vơ vét ít khoai tây cải bắp thịt hun khói và mật ong của nhà, mang về cho lũ con của nó. Mỗi lần nó về ông lão thấy bực hơn là vui. Nào lão có tiếc gì khoai tây bắp cải với mật ong. Đau nhất là thằng con lão nào có ra hồn con, mà chỉ như cái đồ ăn bám. Lão ấn cho nó thịt muối, cải bắp, mật ong, toàn chọn thứ tốt nhất, nhưng không thèm nói một lời, chôn chặt trong lòng nỗi oán ghét mà lão không thể nào xua đuổi đi được. Giả dụ có nói với thằng con về nỗi cô đơn của lão, về chứng đau thắt nơi ngực lão, thì thử hỏi thằng con làm được cái gì? Hay cũng chỉ ngồi lại với lão cho qua buổi tối, cùng uống vài cốc rượu, rồi nó lại vác cái bao đầy rau thịt, tếch về thành phố với vợ con của nó. Đời thế đấy.
Bởi vậy lão già quyết định tái hôn. Mà thật ra lão cũng đã chấm cho mình một đám rồi.
Đấy là vào ngày 9 tháng Năm, Ngày Chiến Thắng. Như thường lệ vào ngày này dân làng tụ tập ngoài nghĩa trang làng để tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh. Một cán bộ Xô viết làng đứng trên ghế đọc một danh sách dài:
“Gơrepsôp Nicôlai Mitrôfanôvich, Guliaep Ilya Vatxiliêvich, Glukhôp Vatxili Êmêlianôvich, Glukhôp Stêpan Êmêlianôvich, Glukhôp Paven Êmêlianôvich…”
Ba cái tên ấy là con lão Êmêlian Glukhôp. Lần nào nghe đọc đến những tên ấy, ông già cũng cảm thấy có những ngón tay độc ác bóp chẹt cổ họng lão, làm lão nghẹt thở. Ông đứng nhìn trân trân xuống đất, không khóc, không nhìn thấy gì. Ông cứ đứng như thế trong khi người cán bộ xã đọc hết tên này đến tên khác.
Trong nghĩa trang mọi người khóc lặng lẽ. Úp mặt vào bàn tay, vùi vào chéo khăn, cố nén tiếng nấc như sợ làm kinh động cái yên lặng thiêng liêng. Khi ông già đã thấy dễ thở hơn, lão nhìn quanh, bao giờ cũng một ý nghĩ “Biết bao nhiêu là sinh mạng…”
Và lần này ông nhìn thấy trong đám đông một người đàn bà tên là Ôtavina. Bà ấy không phải người gốc làng này, nhưng đã sinh sống ở đây lâu lắm rồi. Glukhôp biết bà ta. Trong gia đình bà không ai có tên trong danh sách, nhưng bà đứng khóc lặng lẽ như mọi người, và làm dấu. Glukhôp tôn trọng dân công giáo vì họ bị phân biệt đối xử, bị chế nhạo, vì sự lương thiện, sự nhẫn nại của họ. Ông lão nhìn bà Ôtavina kỹ hơn. Đó là một bà già mũi khoằm, vẫn còn khá mạnh khỏe, còn làm được những việc như trồng rau, đốt lò trong nhà tắm, hay nhào bột nướng bánh. Ông lão không gặm nổi bánh mỳ “mậu dịch”. Và lúc ấy một ý nghĩ lóe lên trong ông, rằng có lẽ bà già cũng sống khổ như ông vậy.
Ông lão về nhà, uống một cốc để tưởng nhớ các con, và suy nghĩ sự việc kỹ hơn. Bà ấy có thể bán căn nhà nhỏ của bà ấy đi và đến ở với mình. Tiền bán nhà thì để bà ấy gửi tiết kiệm. Bà ấy đến sống ở đây, dù sao thì căn nhà cũng bớt trống trải. Ít ra thì mình cũng có hơi nước trong nhà tắm, và được nghỉ ngơi dễ chịu sau khi tắm nóng. Sẽ có người bày bàn ăn, và nói với mình thức ăn đã làm xong. Ngôi nhà sẽ như sống lại, Sẽ khác lắm chứ nếu như lại nghe thấy tiếng lanh canh của chiếc kẹp than bên bếp lò, sẽ lại ngửi thấy mùi bột lên men. Hay ban đêm không ngủ được, lại có người trò chuyện. Bà ấy là người công giáo, tất nhiên. Mình nói năng phải lựa lời. Không được xúc phạm đến Chúa, và còn cả bao nhiêu điều cấm kỵ khác. Tôi đây, cũng đang trên đường xuống mồ. Trong cả cuộc đời, mình đã chửi thề đến bao nhiêu lần. Ấy, bà ấy đến ở đây thì tốt biết bao. Nói gì thì nói, chứ ngôi nhà vẫn cần một bà chủ. Nghĩ đến đây ông lão thật sự thấy phấn khích về cái viễn cảnh ấy.
Ông chọn ngày chủ nhật để đến thăm bà Ônga Xecghêepna Malysêva, cũng là một bà già nhưng trẻ hơn bà Ôta, và là người phụ nữ có đầu óc. Đã có thời ông lão thầm yêu bà Ônga Xecghêepna. Hồi đó ông còn là một gã trai trẻ, yêu mê mệt cô Ônga xinh đẹp và có cái đầu mạnh mẽ. Ông đã tính chuyện nhờ mai mối đến nhà Ônga nhưng rồi cách mạng nổ ra. Một ngày kia có một chàng chính ủy trẻ tuổi xuất hiện trong làng. Chàng mau chóng làm xoay cái đầu Ônga về phía mình, rồi đem nàng đi đâu đó.
Chà, anh ta đã cố làm mọi chuyện ổn thỏa nhưng rồi đến một lúc anh ta bỗng biến mất. Chúa đã làm cho mọi chuyện lộn nhào. Ônga trở về và từ đó sống một mình. Một hôm, khi còn là một chàng trai trẻ nhưng đã có vợ, Glukhôp đến gặp Ônga ở Xô viết làng (cô ta làm thư ký ở đấy) và bộc lộ nỗi lòng mình với cô. Ônga Xecghêepna hết sức giận dữ, bật khóc và tuyên bố rằng sau chàng chính ủy hào hoa của cô, cho đến hết đời cô sẽ không để cho bất kỳ người đàn ông nào đến gần. Glukhôp cố sức giải thích rằng anh chẳng có một ý đồ xấu nào đối với cô, mà chỉ muốn nói trước đây anh đã từng yêu cô (lúc này anh vừa uống vài ly). Điều đó có gì không tốt? Nhưng Ônga lại tỏ ra còn bị xúc phạm nhiều hơn và tuyên bố rằng tất cả bọn đàn ông trên thế giới này kết hợp lại cũng không đáng xách dép cho người chính ủy không-thể-nào-quên của cô. Thực tế cô đã làm cho tất cả đám đàn ông con trai trong làng này khiếp vía bằng những câu chuyện về chàng chính ủy của cô, đến nỗi ngoài Glikhôp ra, ai cũng ngán không dám đến gần cô.
Nhưng từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Tất cả chuyện đó từ lâu đã lui vào dĩ vãng và quên lãng, và cuộc sống cứ tiếp diễn theo cái nhịp hối hả của nó. Những tình yêu khác ra đời, không phải tình yêu của họ. Ông Glukhôp và bà Ônga đã nghỉ hưu cả, và giữa họ hình thành một tình bạn hơi kỳ lạ. Ông già Glukhôp thường đến giúp bà Ônga một tay làm các việc bên ngoài, như quét dọn tuyết ngoài sân, bổ củi, rọi lại mái nhà, rồi ngồi lại với nhau chuyện vãn. Ônga Xecghêepna mang đặt lên bàn một chai rượu. Nhưng ông Glukhôp lại tỏ ra lúng túng vì sự có mặt của bà, và bắt đầu ca ngợi chính quyền Xô viết hơi quá:
“Chính quyền của chúng ta quả thật chu đáo. Ngày xưa người ta cứ sống cứ già đi như quả núi mà chẳng ai giúp ích gì cho anh. Còn bây giờ thì có lương hưu. Tại sao, tôi hỏi bà, họ lại cho tôi mỗi tháng hai mươi rúp? Thằng con tôi mỗi lần về cho tôi đến 5 rúp là cùng, mà nhiều lúc nó còn quên. Nhưng chính phủ ta, chu đáo làm sao, tháng nào cũng nhớ. Ái dà, chính là những chính ủy của chúng ta đã biết rõ cái gì ra cái gì. Họ cống hiến cả cuộc đời cho một tương lai tươi sáng. Bà Ônga Xecghêepna, tôi đề nghị chúng ta đứng dậy một phút tưởng nhớ đến họ.”
Nhưng Ônga Xecghêepna không hề bị tác động.
“Ngồi xuống, ông.” Bà nói với giọng vững vàng. “Nói chuyện đó bây giờ làm gì nào? Tất cả mọi chuyện đã qua rồi.”
Bây giờ bà ít khi nhớ đến chàng chính ủy của mình, và càng ngày càng hay nói về những cảm giác thường đến với bà vào ban đêm.
“Nó đến với tôi thật đột ngột, cái cảm giác ấy, tôi tự nhủ thế là đã đến rồi, cái chết đã gõ cửa.”
“Bà thấy cảm giác ấy ở đâu? Ở ngực phải không?”
“Tất cả. Toàn thân tôi, từ đầu đến chân. Số của tôi đã đến rồi. Và người tôi cứ tê hết cả đi không còn nhúc nhắc được tay với chân. Tôi thấy mình đang trôi nổi, bồng bềnh đi đâu đó. Cứ bồng bềnh bồng bềnh…”
“Ái dà,” Glukhôp nói một cách thông cảm. “Chính là điều ấy đấy, tất cả chúng ta sẽ có ngày trôi đi về nơi nào đó.”
Sau khi chôn cất bà vợ, Glukhôp càng hay đến thăm bà Ônga Xecghêepna. Họ thường thích ngồi với nhau trong hành lang, uống trà pha với mật ong. Mật ong thì ông lão mang đến trong chiếc giỏ đan.
“Ông thấy cô đơn lắm phải không?”
“Ờ, Glukhôp bắt đầu thấy hăng lên. Một mất mát lớn, tất nhiên. Dù sao chúng tôi cũng đã chung sống hơn năm mươi năm.”
“Các người có thể sống chung đến một trăm năm. Nhưng có chút ý nghĩa gì không? Con voi nó sống đến hai trăm năm đấy, nhưng ý nghĩa ở đâu?”
Glukhôp phật ý.
“Tôi có ba đứa con đã chết trong chiến tranh! Mà bây giờ bà nói với tôi như thế!”
“Tôi chẳng nói gì cả” bà Ônga Xecghêepna quặc lại. “Chúng nó chết là hy sinh cho tổ quốc.”
“Tất nhiên tôi nhớ bà ấy” Glukhôp đáp lại lúc này cứng cỏi hơn. “Biết bao nhiêu điều bà ấy phải chịu đựng vì tôi. Bà ấy chịu đựng tất cả. Hồi trẻ tôi là một gã trai bạt mạng, bà biết đấy. Ăn chơi hoang toàng. Bà ấy chịu đựng tất cả. Ôi chao, thật là một mất mát quá lớn…”
“Ý thức xã hội…” bà Malysêva bỗng nói và thở dài. “Đàn ông các người, cứ là phải đập cho ra trò mới thành người được. Phải hai trăm năm nữa mới làm ra được chút gì con người trong các ông. Ông, chẳng hạn, ông đã sống với bà ấy năm mươi năm. Và bây giờ? Ông không có một lời nào để nói về việc đó. Có nhiều cỏ dại mọc trong mảnh đất của tôi. Chúng mọc lên và sống nhiều năm, nhưng bên cạnh đó là những cây dâu tây. Liệu có sự khác biệt nào không?”
“Bà đang bực bội về chuyện gì?” Glukhôp hoang mang hỏi.
“Có sự khác biệt nào không, tôi hỏi ông!”
“Nhưng sao bà có thể so sánh..”
“Tôi có thể và tôi sẽ! Bởi vì có một số người đã sống và cháy lên như ngọn lửa, trong khi những người khác thì mốc meo lên. Một số thì sống đầy ý nghĩa đến chân tơ kẽ tóc, còn những người khác thì sao? Chỉ biết làm công việc của mình và chấm hết. Những con ngựa giống.”
“Không phải ai cũng thành chính ủy cả.” Glukhôp nói một cách bực bội, bị chạm mọc vì chữ “ngựa giống”.
“Sống với bà ấy năm mươi năm” Malysêva chế nhạo “nhưng có tuần lễ nào trong đó có chút ý nghĩa gì không?”
“Có nhiều ý nghĩa lắm chứ. Quá đủ ý nghĩa.”
“Thế là rõ” Malysêva bậm môi đến đỏ lên như “mũi thầy tu”
Glukhôp cảm thấy hình như ông đã chọc giận bà Malysêva điều gì đó, mặc dầu có đến hết đời ông cũng không thể hiểu tại sao.
Nhưng ông vẫn tiếp tục đến thăm bà. Đôi khi họ sắp đến gần chỗ cãi nhau, đôi khi không đến nỗi quá tệ, họ ngồi trao đổi câu chuyện thân tình. Dù sao nó cũng giúp qua được buổi tối.
Vào cái ngày chủ nhật đã định, Glukhôp đến nhà bà Malysêva mà không mang theo rìu và cưa. Ông đến nói chuyện với bà và xin một lời khuyên.
“Tôi cần một lời khuyên của bà, Malysêva, bà hãy giúp tôi.”
“Có chuyện gì vậy?” Malysêva lắng nghe. Bà thích khuyên bảo người khác.
“Bà có biết một phụ nữ tên là Ôtavina không?”
“Có chuyện gì với bà ta?”
“Nhờ bà sang có lời với bà ấy, hỏi xem bà ấy có chịu chuyển đến sống với tôi không? Bà ấy có thể bán căn nhà của bà ấy, hay đóng cửa lại trong một thời gian. Chúng tôi sẽ sống với nhau một thời gian, xem có hợp với nhau không, sau đó sẽ bán căn nhà đi. Bà nghĩ thế nào? Tôi không có can đảm nói thẳng với bà ấy, nhưng bà sẽ biết phải nói gì. Tôi sẽ đối xử tốt với bà ấy. Dù sao thì đứng trên bốn chân cũng cững chãi hơn hai chân, dẫu rằng bây gờ chúng không còn mạnh mẽ linh hoạt như xưa. Bà nghĩ sao?” Glukhôp nói nhiều hơn mọi khi và ông nói nhanh lạ thường, ông đang bối rối. “Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại rồi, và bây giờ tôi đã tìm thấy câu trả lời. Sống cô độc là hỏng. Và tôi đoán rằng bà ấy cũng sẽ thấy dễ chịu hơn. Bà nghĩ thế nào?”
Malysêva hết sức ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên đến nỗi lúc đầu không tìm ra câu nào hợp lý để nói.
“Muốn kết hôn, hả?”
“Ờ, khó có thể gọi đó là hôn nhân.. Chúng tôi chỉ muốn sống chung với nhau cho cuộc sống dễ thở hơn một chút.”
“Dưới con mắt của pháp luật thì đó là hôn nhân. Sao không thành thật mà nói như thế.”
Glukhôp bất giác lùi lại.
“Thôi được, thì, coi như tôi kết hôn. Như thế có gì sai trái?”
Malysêva quan sát người đàn ông một cách lạ lùng với một căm ghét cố che dấu.
“Bà ấy có bằng lòng không? Dù ông bảo chưa có thời gian nói với bà ấy.”
“Bà ấy chưa biết gì cả. Chính thế tôi mới nhờ bà nói với bà ấy. Nói với bà ấy và nếu cần thì thuyết phục một chút. Bà ấy là người theo đạo, bà biết đấy, và bà ấy có thể bảo như thế là tội lỗi. Nhưng tội lỗi cái gì cơ chứ. Hãy nhìn vấn đề một cách hợp tình hợp lý. Tôi cô đơn, bà ấy cũng cô đơn…”
“Bà ấy có con gái ở thành phố cơ mà?”
“Thế thì sao? Tôi cũng có đứa con trai ở thành phố. Bây giờ nhở vả được chúng nó đấy chắc? Nhưng nếu chúng tôi sống chung với nhau, chúng tôi có thể nương tựa lẫn nhau những ngày còn lại. Người nào chết trước sẽ có người kia chôn cất.”
“Nhưng các người còn có con cái.” Malysêva bỗng lên giọng giận dữ. “Tại sao các người lại tự biến mình thành những kẻ tứ cố vô thân?”
Glukhôp không trả lời. Đến lượt mình, ông nhìn Malysêva bằng cái nhìn sắc nhọn và giận dữ. Không biết bà này làm sao thế nhỉ.
“Có chuyện gì thế, bà Malysêva?”
“Chẳng có chuyện gì với tôi cả. Ông là người sẽ kết hôn, không phải tôi. Ông hỏi tôi có gì không ổn. Tôi hoàn toàn bình thường.”
“Hình như bà đang giận.”
“Không hề! Tôi ư? Giận ấy à? Nghĩ gì kỳ quặc. Hừ. Kết hôn! Ông muốn tôi đến nói với Ôtavina? Tôi sẽ nói!” Bây giờ đến lượt Malysêva đỏ bừng mặt và nói liên hồi nhiều hơn cần thiết. “Tôi sẽ kéo bà ấy ra ngoài nói chuyện, việc ấy không có gì khó đối với tôi. Tôi sẽ xem bà ấy có đồng ý không. Tại sao tôi phải giận dữ? Chính các người sẽ bị người ta chê cười, chứ không phải tôi.”
“Bà bảo người ta sẽ…?”
“Người ta sẽ làm sao?”
“Người ta sẽ chê cười chúng tôi à?”
“Thế ông tưởng họ sẽ hài lòng chắc?”
“Thế người già không bao giờ tái hôn hay sao?”
“Đôi khi cũng có. Thôi được. Tối mai ông đến đây. Tôi sẽ hẹn bà ấy đến sớm hơn một lát, để chúng tôi có thể nói chuyện trước. Rồi ông đến sau. Được, tất nhiên, đôi khi việc đó có xảy ra. Nhiều người đã làm thế. Tôi sẽ nói chuyện với bà ấy, đừng lo. Tôi sẽ nói với bà ấy”.
Glukhôp từ giã bà Malysêva mà trong lòng bối rối không yên. Ông lão có cảm giác bà ấy có một ý đồ nào đó. Bà ấy là một bà già khó tính, điều ấy đã rõ. Luôn luôn cáu bẳn vì một chuyện gì đó. Lúc nào cũng muốn cải tạo mọi người, muốn biến người ta thành người khác, dạy họ phải sống như thế nào, đưa ra những phán xét về họ. Ông già thậm chí còn nghĩ có nên quay lại để rút lại lời nhờ vả, nói với bà ấy rằng ông sẽ cố tự mình giải quyết lấy. Ông dừng lại để nghĩ cho thấu đáo. Rốt cuộc đây là vấn đề gì? Thôi cứ để bà ấy nói. Ông cũng có thể tự mình nói lấy, nhưng chắc không bằng. Bà ấy thì nóng tính thật đấy, nhưng chắc bà ấy sẽ làm như bà ấy hứa.
Ngày hôm sau hai người đàn bà – Malysêva và Ôtavina – gặp nhau, và cuộc nói chuyện đã diễn ra.
Bà Ôtavina đến nhà bà Malysêva, và việc đầu tiên là nhìn vào góc phải phía trước của căn phòng, hy vọng thấy ở đó một tượng thánh; rồi bà rón rén ngồi vào mép chiếc ghế sô pha bọc nhung, và nói lời chào.
“Tôi mời bà đến đây là có chuyện thế này” bà Malysêva vào đề ngay “bà biết ông Glukhôp chứ?
“Ông Êmêlian Yêgôrich phải không ạ? À có. Ba đứa con ông đã hy sinh…”
“Ờ, ông ấy muốn cưới bà đấy” Malysêva nói nhanh “Bà có đồng ý không?”
“Lạy Chúa” Ôta làm dấu thánh giá. “Ông ấy nói vậy à?”
“Tại sao không?” bà Malysêva bỗng cao hứng bất ngờ. “Hai người đang sống một mình. Hãy nghĩ cho kỹ trước khi trả lời. Lão ta cũng là con dê già như tất cả bọn họ, nhưng lão có thể giúp bà sống nốt những ngày còn lại. Bà có nghĩ về chuyện đó không? Ông ấy bảo bà chưa cần bán căn nhà vội. Trước mắt bà cứ khóa nó lại. Nếu ông bà muốn tiếp tục đi tới, bà sẽ bán nó đi mà gửi tiền vào ngân hàng. Sao, bà nghĩ thế nào về chuyện đó?”
“Tôi biết nghĩ thế nào? Tất cả mọi ý nghĩ đã bay hết khỏi đầu tôi. Làm sao tôi có thể vội vã đâm đầu vào một cuộc hôn nhân như thế?” Bà Ôtavina khẽ cười một cách thật thà. “Đã đủ điên rồ chưa? Tôi mà làm một cô dâu mới hay chứ.”
“Và lão ta sẽ làm một chú rể đẹp. Sao, thế nào?”
“Chờ một chút, bà Malysêva. Cho tôi kịp thở đã chứ.”
“Ông ấy sắp đến nhận câu trả lời của bà đấy.”
“Ôi!” Ôtavina hầu như nhỏm dậy khỏi ghế sôpha ngó nhìn ra cửa. Rồi bà lại ngồi xuống. “Ờ, đây là cả một vấn đề đấy.”
“Tôi thấy hình như bà đã bằng lòng.”
Ôtavina bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn.
“Tôi muốn nói với bà thế này, bà Xecghêepna ạ. Ông ấy là một ông già không tệ lắm. Ông ấy không uống rượu, không báng bổ Chúa như những người khác. Chỉ có điều…” bà nhìn bà mối “Vâng, chuyện người già lấy nhau đôi khi có xảy ra.”
“Phải, có xảy ra.”
“Nhưng… đêm đêm ông ấy có quấy rầy không?”
Bà Malysêva há cả mồm ra:
“Sao?”
“Phải, bà biết tôi định nói chuyện gì mà. Bà Malysêva, tôi chỉ muốn được đảm bảo ông ấy sẽ không vướng vào những chuyện như thế. Và ông ấy không được chửi thề. Tất nhiên ông ấy hút thuốc. Nhưng mà ai cũng hút cả, mình không cấm được người ta.”
“Vậy là bà đồng ý, phải không?” Malysêva thốt lên kinh ngạc.
“Đợi một tí, bà đừng làm tôi cuống lên như vậy. Như tôi vừa nói đấy, tôi đã đưa ra khá nhiều điều kiện. Ông ấy không được làm cái này, không được làm cái kia. Ông ấy sẽ nghĩ về những điều đó và nói “Được”, vậy cuối cùng tôi được phép làm cái gì? Và như vậy thì toàn bộ cuộc mai mối này sẽ chẳng đi đến đâu.” Ôtavina lại cười khẽ. “Vâng, tôi phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ nghĩ… Chúa tha tội. Sự việc sẽ không đến nỗi tệ thế, phải không? Một trong những người bạn tốt của tôi – hồi đó bà ấy sống ở Bulanikha, nơi tôi sống trước đây – cũng có chuyện tương tự xảy ra với bà ấy. Một ông già đến với bà ấy và muốn nói chuyện này chuyện kia, sau cùng ông ấy bảo “chúng mình hãy sống chung đi, bà Kuzmovna” và thế là họ sống chung. Ông ấy mới chết cách đây hai năm, bây giờ bà ấy ở trong căn nhà của ông ấy. Họ sống với nhau rất tốt đẹp, tôi biết. Được bao lâu à? Khoảng năm năm. Ông ấy chẳng bao giờ làm điều gì để bà ấy phải phàn nàn. Người ta càng về già càng trở nên khôn ngoan hơn. Chẳng như bọn trẻ bây giờ. Chỉ cần nhìn quanh thì rõ, Chúa tha tội! trông thấy mà kinh… Tất nhiên đối với tôi sẽ không phải là điều tồi tệ khi được sống trong căn nhà ấm áp. Căn nhà của tôi xập xệ lắm rồi. Cũng mừng là mùa đông đã qua. Cách nào cũng không thể làm cho căn nhà ấm áp lên được. Có bao nhiêu dầu thì tôi đã đốt hết rồi. Trời mưa thì nhà cứ như là cái rá…”
“Sao bà không chuyển lên sống với con gái trên thành phố?”
“Chẳng hy vọng gì! Chúng nó sống cũng đã chen chúc lắm rồi. Tôi cũng đã thử. Khi các cháu tôi còn nhỏ, tôi đã ở đấy với chúng nó. Thật là khủng khiếp. Khủng khiếp đối với mọi người. Sau đó bọn trẻ lớn lên và bắt đầu đi học nên chúng nó mua cho tôi căn lều nhỏ này, thế mà tôi đã vui sướng làm sao. Tôi đã bán cả căn nhà riêng của tôi ở Bulanikha khi con gái tôi lấy chồng. Đó là một ngôi nhà rất kiên cố. Nó còn đứng vững đến hàng trăm năm nữa. Nhưng tôi đã bán nó đi. Tôi cần phải bán. Chúng nó cần tiền để mua một căn hộ, nhưng lấy đâu ra? Thằng kia thì mới giải ngũ, con gái tôi thì chỉ mới tốt nghiệp trung cấp. chúng nó bảo mẹ ơi, mẹ bán nhà đi, sau này chúng con sẽ mua cho mẹ căn nhà khác nếu mẹ không muốn sống chung với chúng con. Vậy là tôi sống với chúng và nuôi lớn mấy cháu tôi, nhưng sau đó – không, tôi nói, mua cho mẹ một chỗ ở riêng, bé thế nào cũng được. Tôi không chịu nổi thành phố, nó làm tôi thật khó chịu. Chúng nó hầm hừ một tí, rồi cũng chịu, sau đó đi kiếm tiền. Nhà cửa ở đây rẻ hơn ở Bulanikha, và thế là tôi dạt về đây. Tất nhiên, sẽ không phải là tệ nếu cuối đời tôi lại được sống trong một căn nhà ấm áp dễ chịu. Không tệ lắm.”
Ông già Glukhôp biết có cuộc nói chuyện giữa hai phụ nữ, nhưng ông không biết câu chuyện diễn ra như thế nào. Bởi vậy ông chỉ biết khoác một chiếc áo vét mới, cầm chai rượu và xách giỏ mật, thẳng hướng sang nhà bà Malysêva.
Ông bước vào và ngỏ lời chào khá trân trọng, rồi, không biết vì sao trở nên bối rối, đặt chai rượu và chiếc giỏ lên bàn, lóng ngóng thọc tay vào túi lấy thuốc hút.
“Hãy đợi một chút với chai rượu của ông. Không việc gì mà cuống lên thế.”
Trái tim ông già lịm đi. Lúc này ông đã quen với ý nghĩ về cuộc sống chung với Ôtavina, ông đã nghĩ đủ khía cạnh về nó. Còn bây giờ sao?
“Tôi đã nghe tất cả những gì mỗi người nói ra. Đây là cuộc sống riêng của các người, tất nhiên, các người có quyền cạp lại với nhau nếu các người muốn. Một số người trở nên điên rồ lúc về già nhưng ngay cả chuyện đó cũng không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn hỏi hai người điều này: các người có biết xấu hổ hay không? Có biết không?” Bà ném mạnh những lời đó vào mặt họ, với một vẻ độc ác không thể hiểu nổi, với tất cả cảm xúc của một trái tim bị vò xé bởi nỗi đau thầm kín nào đó. Và bà tiếp tục quăng vào mặt họ, không cần để ý đến hai người đính-hôn-hụt mặt đỏ bừng đang đứng như trời trồng, không biết họ khổ sở vì bị xúc phạm ghê gớm như thế nào. “Làm sao các người sau đó còn dám ngẩng đầu lên nhìn thiên hạ nữa hở? Làm sao? Có những người cả đời sống một mình.. Tôi đã sống một mình cả đời tôi, từ khi tôi mới hăm ba… và các người tưởng không có ai cầu hôn tôi sao? Ồ có chứ. Các người nghĩ rằng đêm đêm không có ai đến gõ cửa sổ nhà tôi sao? Có đấy. Ông, Glukhôp, ông không từng đến tìm tôi ở Xô viết làng và nói không thể sống thiếu tôi hay sao? Có không, nào, nói đi, ông có không?”
Glukhôp như muốn chui xuống đất, ông cố nuốt nhục:
“Đó chỉ là sự ngu ngốc của tôi, khi ấy tôi mới uống rượu” ông phều phào. “Tôi không hề cầu hôn bà… Tôi chỉ nói về quá khứ. Tại sao bây giờ bà lại nói những chuyện ấy?”
“Ngu ngốc của tôi! Còn bây giờ ông ấy là một người thông minh - ở tuổi bảy mươi ông ấy đòi cưới vợ. Thông minh thật. Còn bà! “Tôi phải suy nghĩ kỹ mới được. Sống trong một ngôi nhà ấm áp dễ chịu!” Thế mà cũng là một người ngoan đạo đấy. Cũng tồi tệ không kém lão ta. Các người chỉ ra những tội lỗi của người khác. Nhưng thử nhìn lại bản thân mình xem. Các người nêu tấm gương gì cho bọn trẻ? Các người đã nghĩ đến điều đó chưa? Các người thực hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng như thế nào?” Malysêva đập mạnh bàn tay khô khốc của mình xuống bàn. “Các người có bao giờ suy nghĩ chuyện đó không? Đồ ích kỷ. Mọi người đang làm việc hết sức mình, trong khi đó các người bày đặt đòi làm đám cưới, định lôi kéo mọi người vào rượu chè và những trò vô tích sự. Thật không biết xấu hổ.”
“Đám cưới nào?” Glukhôp lại khùng lên. Ôtavina vẫn im lặng. “Chúng tôi chỉ định lặng lẽ về sống với nhau. Đám cưới nào?”
“Thật là được một đôi. Khác nào quân đầu đường xó chợ. Xì! Như đồ súc vật.”
“Thế này… thế này thì quá lắm rồi.” Ông già lồng lên. Ông bước ra khỏi nhà, dập cửa đánh sầm sau lưng.
Ôtavina rời khỏi nhà ngay sau ông. Tất nhiên cả hai cắm đầu đi như ma đuổi. Vừa ra khỏi cửa mỗi người đi một hướng thậm chí không cả ngoái nhìn nhau một lần, dù cho lẽ ra hai người phải đi một quãng đường chung khá dài trước khi ai về nhà nấy.
Ông già Glukhôp đi dạo một vòng rộng quanh làng trước khi về nhà. Ông khạc nhổ và chửi thề lầm rầm luôn miệng vì tức tối, không thể yên lấy một phút. Trong cơn điên giận thậm chí ông còn tự bảo: “tao phải đốt nhà con chó cái ấy.”
Ông không làm chuyện gì như thế cả, nhưng ông thề rằng sẽ không bao giờ sang nhà bà ta nữa. Mỗi khi gặp bà ta trên đường, ông rẽ ngoặt ngay sang lối khác.
Ôtavina chuyển lên thành phố, vào nhà thờ cầu nguyện để xin chuộc lỗi. Bà già vô cùng bối rối và cố tránh gặp mặt Malysêva chừng nào có thể.
Malysêva không nói với ai về cuộc mối mai kỳ quặc đó. Cả ông Glukhôp và bà Ôtavina đều nơm nớp nghĩ rằng bà ta sẽ đi rêu rao khắp làng. Nhưng không, bà ta chẳng hé một lời nào với ai về chuyện đó.

Shukshin, Vasily Makarovich. (1929-1974) Diến viên, đạo diễn điện ảnh, nhà văn Liên xô,
Truyện ngắn:
Tam, Vdali ("Ngoài xa", 1968),
Zemlyaki ("Đồng hương", 1970),
Kharaktery ("Những tính cách", 1973),
Besedy Pri Yasnoi Lune ("Trò chuyện dưới trăng", 1974).
Kịch:
Energichniye Liudi ("Nhân dân kiên cường"), 1974.

Ở tuổi 68, lão Glukhôp góa vợ. Trong đám tang, lão khóc nức nở: “Từ nay tôi biết sống sao đây. Cô quạnh quá.”
Phải, lão đã nói thế, như bất kỳ ông già nào khác trong hoàn cảnh ấy. Lão buồn khổ, đau xót, đã hẳn, nhưng không nghĩ lão sẽ tiếp tục sống như thế nào. Ông lão chỉ cảm thấy thật đau đớn, bất hạnh, thế thôi, mà không nghĩ gì hơn nữa.
Thời gian cứ trôi, lại một năm nữa qua, ông già bắt đầu cảm thấy cô đơn không chịu nổi. Không phải chỉ vì ông cảm thấy khổ. Ông có thể sống khổ, nhưng cái chính là nỗi cô đơn trong căn nhà trống trải lạnh lẽo. Ông lão có thằng con trai, con út, (các anh nó đã chết cả trong chiến tranh) sống trên thành phố. Thằng con họa hoằn về thăm bố, nhưng chỉ cốt để vơ vét ít khoai tây cải bắp thịt hun khói và mật ong của nhà, mang về cho lũ con của nó. Mỗi lần nó về ông lão thấy bực hơn là vui. Nào lão có tiếc gì khoai tây bắp cải với mật ong. Đau nhất là thằng con lão nào có ra hồn con, mà chỉ như cái đồ ăn bám. Lão ấn cho nó thịt muối, cải bắp, mật ong, toàn chọn thứ tốt nhất, nhưng không thèm nói một lời, chôn chặt trong lòng nỗi oán ghét mà lão không thể nào xua đuổi đi được. Giả dụ có nói với thằng con về nỗi cô đơn của lão, về chứng đau thắt nơi ngực lão, thì thử hỏi thằng con làm được cái gì? Hay cũng chỉ ngồi lại với lão cho qua buổi tối, cùng uống vài cốc rượu, rồi nó lại vác cái bao đầy rau thịt, tếch về thành phố với vợ con của nó. Đời thế đấy.
Bởi vậy lão già quyết định tái hôn. Mà thật ra lão cũng đã chấm cho mình một đám rồi.
Đấy là vào ngày 9 tháng Năm, Ngày Chiến Thắng. Như thường lệ vào ngày này dân làng tụ tập ngoài nghĩa trang làng để tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh. Một cán bộ Xô viết làng đứng trên ghế đọc một danh sách dài:
“Gơrepsôp Nicôlai Mitrôfanôvich, Guliaep Ilya Vatxiliêvich, Glukhôp Vatxili Êmêlianôvich, Glukhôp Stêpan Êmêlianôvich, Glukhôp Paven Êmêlianôvich…”
Ba cái tên ấy là con lão Êmêlian Glukhôp. Lần nào nghe đọc đến những tên ấy, ông già cũng cảm thấy có những ngón tay độc ác bóp chẹt cổ họng lão, làm lão nghẹt thở. Ông đứng nhìn trân trân xuống đất, không khóc, không nhìn thấy gì. Ông cứ đứng như thế trong khi người cán bộ xã đọc hết tên này đến tên khác.
Trong nghĩa trang mọi người khóc lặng lẽ. Úp mặt vào bàn tay, vùi vào chéo khăn, cố nén tiếng nấc như sợ làm kinh động cái yên lặng thiêng liêng. Khi ông già đã thấy dễ thở hơn, lão nhìn quanh, bao giờ cũng một ý nghĩ “Biết bao nhiêu là sinh mạng…”
Và lần này ông nhìn thấy trong đám đông một người đàn bà tên là Ôtavina. Bà ấy không phải người gốc làng này, nhưng đã sinh sống ở đây lâu lắm rồi. Glukhôp biết bà ta. Trong gia đình bà không ai có tên trong danh sách, nhưng bà đứng khóc lặng lẽ như mọi người, và làm dấu. Glukhôp tôn trọng dân công giáo vì họ bị phân biệt đối xử, bị chế nhạo, vì sự lương thiện, sự nhẫn nại của họ. Ông lão nhìn bà Ôtavina kỹ hơn. Đó là một bà già mũi khoằm, vẫn còn khá mạnh khỏe, còn làm được những việc như trồng rau, đốt lò trong nhà tắm, hay nhào bột nướng bánh. Ông lão không gặm nổi bánh mỳ “mậu dịch”. Và lúc ấy một ý nghĩ lóe lên trong ông, rằng có lẽ bà già cũng sống khổ như ông vậy.
Ông lão về nhà, uống một cốc để tưởng nhớ các con, và suy nghĩ sự việc kỹ hơn. Bà ấy có thể bán căn nhà nhỏ của bà ấy đi và đến ở với mình. Tiền bán nhà thì để bà ấy gửi tiết kiệm. Bà ấy đến sống ở đây, dù sao thì căn nhà cũng bớt trống trải. Ít ra thì mình cũng có hơi nước trong nhà tắm, và được nghỉ ngơi dễ chịu sau khi tắm nóng. Sẽ có người bày bàn ăn, và nói với mình thức ăn đã làm xong. Ngôi nhà sẽ như sống lại, Sẽ khác lắm chứ nếu như lại nghe thấy tiếng lanh canh của chiếc kẹp than bên bếp lò, sẽ lại ngửi thấy mùi bột lên men. Hay ban đêm không ngủ được, lại có người trò chuyện. Bà ấy là người công giáo, tất nhiên. Mình nói năng phải lựa lời. Không được xúc phạm đến Chúa, và còn cả bao nhiêu điều cấm kỵ khác. Tôi đây, cũng đang trên đường xuống mồ. Trong cả cuộc đời, mình đã chửi thề đến bao nhiêu lần. Ấy, bà ấy đến ở đây thì tốt biết bao. Nói gì thì nói, chứ ngôi nhà vẫn cần một bà chủ. Nghĩ đến đây ông lão thật sự thấy phấn khích về cái viễn cảnh ấy.
Ông chọn ngày chủ nhật để đến thăm bà Ônga Xecghêepna Malysêva, cũng là một bà già nhưng trẻ hơn bà Ôta, và là người phụ nữ có đầu óc. Đã có thời ông lão thầm yêu bà Ônga Xecghêepna. Hồi đó ông còn là một gã trai trẻ, yêu mê mệt cô Ônga xinh đẹp và có cái đầu mạnh mẽ. Ông đã tính chuyện nhờ mai mối đến nhà Ônga nhưng rồi cách mạng nổ ra. Một ngày kia có một chàng chính ủy trẻ tuổi xuất hiện trong làng. Chàng mau chóng làm xoay cái đầu Ônga về phía mình, rồi đem nàng đi đâu đó.
Chà, anh ta đã cố làm mọi chuyện ổn thỏa nhưng rồi đến một lúc anh ta bỗng biến mất. Chúa đã làm cho mọi chuyện lộn nhào. Ônga trở về và từ đó sống một mình. Một hôm, khi còn là một chàng trai trẻ nhưng đã có vợ, Glukhôp đến gặp Ônga ở Xô viết làng (cô ta làm thư ký ở đấy) và bộc lộ nỗi lòng mình với cô. Ônga Xecghêepna hết sức giận dữ, bật khóc và tuyên bố rằng sau chàng chính ủy hào hoa của cô, cho đến hết đời cô sẽ không để cho bất kỳ người đàn ông nào đến gần. Glukhôp cố sức giải thích rằng anh chẳng có một ý đồ xấu nào đối với cô, mà chỉ muốn nói trước đây anh đã từng yêu cô (lúc này anh vừa uống vài ly). Điều đó có gì không tốt? Nhưng Ônga lại tỏ ra còn bị xúc phạm nhiều hơn và tuyên bố rằng tất cả bọn đàn ông trên thế giới này kết hợp lại cũng không đáng xách dép cho người chính ủy không-thể-nào-quên của cô. Thực tế cô đã làm cho tất cả đám đàn ông con trai trong làng này khiếp vía bằng những câu chuyện về chàng chính ủy của cô, đến nỗi ngoài Glikhôp ra, ai cũng ngán không dám đến gần cô.
Nhưng từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Tất cả chuyện đó từ lâu đã lui vào dĩ vãng và quên lãng, và cuộc sống cứ tiếp diễn theo cái nhịp hối hả của nó. Những tình yêu khác ra đời, không phải tình yêu của họ. Ông Glukhôp và bà Ônga đã nghỉ hưu cả, và giữa họ hình thành một tình bạn hơi kỳ lạ. Ông già Glukhôp thường đến giúp bà Ônga một tay làm các việc bên ngoài, như quét dọn tuyết ngoài sân, bổ củi, rọi lại mái nhà, rồi ngồi lại với nhau chuyện vãn. Ônga Xecghêepna mang đặt lên bàn một chai rượu. Nhưng ông Glukhôp lại tỏ ra lúng túng vì sự có mặt của bà, và bắt đầu ca ngợi chính quyền Xô viết hơi quá:
“Chính quyền của chúng ta quả thật chu đáo. Ngày xưa người ta cứ sống cứ già đi như quả núi mà chẳng ai giúp ích gì cho anh. Còn bây giờ thì có lương hưu. Tại sao, tôi hỏi bà, họ lại cho tôi mỗi tháng hai mươi rúp? Thằng con tôi mỗi lần về cho tôi đến 5 rúp là cùng, mà nhiều lúc nó còn quên. Nhưng chính phủ ta, chu đáo làm sao, tháng nào cũng nhớ. Ái dà, chính là những chính ủy của chúng ta đã biết rõ cái gì ra cái gì. Họ cống hiến cả cuộc đời cho một tương lai tươi sáng. Bà Ônga Xecghêepna, tôi đề nghị chúng ta đứng dậy một phút tưởng nhớ đến họ.”
Nhưng Ônga Xecghêepna không hề bị tác động.
“Ngồi xuống, ông.” Bà nói với giọng vững vàng. “Nói chuyện đó bây giờ làm gì nào? Tất cả mọi chuyện đã qua rồi.”
Bây giờ bà ít khi nhớ đến chàng chính ủy của mình, và càng ngày càng hay nói về những cảm giác thường đến với bà vào ban đêm.
“Nó đến với tôi thật đột ngột, cái cảm giác ấy, tôi tự nhủ thế là đã đến rồi, cái chết đã gõ cửa.”
“Bà thấy cảm giác ấy ở đâu? Ở ngực phải không?”
“Tất cả. Toàn thân tôi, từ đầu đến chân. Số của tôi đã đến rồi. Và người tôi cứ tê hết cả đi không còn nhúc nhắc được tay với chân. Tôi thấy mình đang trôi nổi, bồng bềnh đi đâu đó. Cứ bồng bềnh bồng bềnh…”
“Ái dà,” Glukhôp nói một cách thông cảm. “Chính là điều ấy đấy, tất cả chúng ta sẽ có ngày trôi đi về nơi nào đó.”
Sau khi chôn cất bà vợ, Glukhôp càng hay đến thăm bà Ônga Xecghêepna. Họ thường thích ngồi với nhau trong hành lang, uống trà pha với mật ong. Mật ong thì ông lão mang đến trong chiếc giỏ đan.
“Ông thấy cô đơn lắm phải không?”
“Ờ, Glukhôp bắt đầu thấy hăng lên. Một mất mát lớn, tất nhiên. Dù sao chúng tôi cũng đã chung sống hơn năm mươi năm.”
“Các người có thể sống chung đến một trăm năm. Nhưng có chút ý nghĩa gì không? Con voi nó sống đến hai trăm năm đấy, nhưng ý nghĩa ở đâu?”
Glukhôp phật ý.
“Tôi có ba đứa con đã chết trong chiến tranh! Mà bây giờ bà nói với tôi như thế!”
“Tôi chẳng nói gì cả” bà Ônga Xecghêepna quặc lại. “Chúng nó chết là hy sinh cho tổ quốc.”
“Tất nhiên tôi nhớ bà ấy” Glukhôp đáp lại lúc này cứng cỏi hơn. “Biết bao nhiêu điều bà ấy phải chịu đựng vì tôi. Bà ấy chịu đựng tất cả. Hồi trẻ tôi là một gã trai bạt mạng, bà biết đấy. Ăn chơi hoang toàng. Bà ấy chịu đựng tất cả. Ôi chao, thật là một mất mát quá lớn…”
“Ý thức xã hội…” bà Malysêva bỗng nói và thở dài. “Đàn ông các người, cứ là phải đập cho ra trò mới thành người được. Phải hai trăm năm nữa mới làm ra được chút gì con người trong các ông. Ông, chẳng hạn, ông đã sống với bà ấy năm mươi năm. Và bây giờ? Ông không có một lời nào để nói về việc đó. Có nhiều cỏ dại mọc trong mảnh đất của tôi. Chúng mọc lên và sống nhiều năm, nhưng bên cạnh đó là những cây dâu tây. Liệu có sự khác biệt nào không?”
“Bà đang bực bội về chuyện gì?” Glukhôp hoang mang hỏi.
“Có sự khác biệt nào không, tôi hỏi ông!”
“Nhưng sao bà có thể so sánh..”
“Tôi có thể và tôi sẽ! Bởi vì có một số người đã sống và cháy lên như ngọn lửa, trong khi những người khác thì mốc meo lên. Một số thì sống đầy ý nghĩa đến chân tơ kẽ tóc, còn những người khác thì sao? Chỉ biết làm công việc của mình và chấm hết. Những con ngựa giống.”
“Không phải ai cũng thành chính ủy cả.” Glukhôp nói một cách bực bội, bị chạm mọc vì chữ “ngựa giống”.
“Sống với bà ấy năm mươi năm” Malysêva chế nhạo “nhưng có tuần lễ nào trong đó có chút ý nghĩa gì không?”
“Có nhiều ý nghĩa lắm chứ. Quá đủ ý nghĩa.”
“Thế là rõ” Malysêva bậm môi đến đỏ lên như “mũi thầy tu”
Glukhôp cảm thấy hình như ông đã chọc giận bà Malysêva điều gì đó, mặc dầu có đến hết đời ông cũng không thể hiểu tại sao.
Nhưng ông vẫn tiếp tục đến thăm bà. Đôi khi họ sắp đến gần chỗ cãi nhau, đôi khi không đến nỗi quá tệ, họ ngồi trao đổi câu chuyện thân tình. Dù sao nó cũng giúp qua được buổi tối.
Vào cái ngày chủ nhật đã định, Glukhôp đến nhà bà Malysêva mà không mang theo rìu và cưa. Ông đến nói chuyện với bà và xin một lời khuyên.
“Tôi cần một lời khuyên của bà, Malysêva, bà hãy giúp tôi.”
“Có chuyện gì vậy?” Malysêva lắng nghe. Bà thích khuyên bảo người khác.
“Bà có biết một phụ nữ tên là Ôtavina không?”
“Có chuyện gì với bà ta?”
“Nhờ bà sang có lời với bà ấy, hỏi xem bà ấy có chịu chuyển đến sống với tôi không? Bà ấy có thể bán căn nhà của bà ấy, hay đóng cửa lại trong một thời gian. Chúng tôi sẽ sống với nhau một thời gian, xem có hợp với nhau không, sau đó sẽ bán căn nhà đi. Bà nghĩ thế nào? Tôi không có can đảm nói thẳng với bà ấy, nhưng bà sẽ biết phải nói gì. Tôi sẽ đối xử tốt với bà ấy. Dù sao thì đứng trên bốn chân cũng cững chãi hơn hai chân, dẫu rằng bây gờ chúng không còn mạnh mẽ linh hoạt như xưa. Bà nghĩ sao?” Glukhôp nói nhiều hơn mọi khi và ông nói nhanh lạ thường, ông đang bối rối. “Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại rồi, và bây giờ tôi đã tìm thấy câu trả lời. Sống cô độc là hỏng. Và tôi đoán rằng bà ấy cũng sẽ thấy dễ chịu hơn. Bà nghĩ thế nào?”
Malysêva hết sức ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên đến nỗi lúc đầu không tìm ra câu nào hợp lý để nói.
“Muốn kết hôn, hả?”
“Ờ, khó có thể gọi đó là hôn nhân.. Chúng tôi chỉ muốn sống chung với nhau cho cuộc sống dễ thở hơn một chút.”
“Dưới con mắt của pháp luật thì đó là hôn nhân. Sao không thành thật mà nói như thế.”
Glukhôp bất giác lùi lại.
“Thôi được, thì, coi như tôi kết hôn. Như thế có gì sai trái?”
Malysêva quan sát người đàn ông một cách lạ lùng với một căm ghét cố che dấu.
“Bà ấy có bằng lòng không? Dù ông bảo chưa có thời gian nói với bà ấy.”
“Bà ấy chưa biết gì cả. Chính thế tôi mới nhờ bà nói với bà ấy. Nói với bà ấy và nếu cần thì thuyết phục một chút. Bà ấy là người theo đạo, bà biết đấy, và bà ấy có thể bảo như thế là tội lỗi. Nhưng tội lỗi cái gì cơ chứ. Hãy nhìn vấn đề một cách hợp tình hợp lý. Tôi cô đơn, bà ấy cũng cô đơn…”
“Bà ấy có con gái ở thành phố cơ mà?”
“Thế thì sao? Tôi cũng có đứa con trai ở thành phố. Bây giờ nhở vả được chúng nó đấy chắc? Nhưng nếu chúng tôi sống chung với nhau, chúng tôi có thể nương tựa lẫn nhau những ngày còn lại. Người nào chết trước sẽ có người kia chôn cất.”
“Nhưng các người còn có con cái.” Malysêva bỗng lên giọng giận dữ. “Tại sao các người lại tự biến mình thành những kẻ tứ cố vô thân?”
Glukhôp không trả lời. Đến lượt mình, ông nhìn Malysêva bằng cái nhìn sắc nhọn và giận dữ. Không biết bà này làm sao thế nhỉ.
“Có chuyện gì thế, bà Malysêva?”
“Chẳng có chuyện gì với tôi cả. Ông là người sẽ kết hôn, không phải tôi. Ông hỏi tôi có gì không ổn. Tôi hoàn toàn bình thường.”
“Hình như bà đang giận.”
“Không hề! Tôi ư? Giận ấy à? Nghĩ gì kỳ quặc. Hừ. Kết hôn! Ông muốn tôi đến nói với Ôtavina? Tôi sẽ nói!” Bây giờ đến lượt Malysêva đỏ bừng mặt và nói liên hồi nhiều hơn cần thiết. “Tôi sẽ kéo bà ấy ra ngoài nói chuyện, việc ấy không có gì khó đối với tôi. Tôi sẽ xem bà ấy có đồng ý không. Tại sao tôi phải giận dữ? Chính các người sẽ bị người ta chê cười, chứ không phải tôi.”
“Bà bảo người ta sẽ…?”
“Người ta sẽ làm sao?”
“Người ta sẽ chê cười chúng tôi à?”
“Thế ông tưởng họ sẽ hài lòng chắc?”
“Thế người già không bao giờ tái hôn hay sao?”
“Đôi khi cũng có. Thôi được. Tối mai ông đến đây. Tôi sẽ hẹn bà ấy đến sớm hơn một lát, để chúng tôi có thể nói chuyện trước. Rồi ông đến sau. Được, tất nhiên, đôi khi việc đó có xảy ra. Nhiều người đã làm thế. Tôi sẽ nói chuyện với bà ấy, đừng lo. Tôi sẽ nói với bà ấy”.
Glukhôp từ giã bà Malysêva mà trong lòng bối rối không yên. Ông lão có cảm giác bà ấy có một ý đồ nào đó. Bà ấy là một bà già khó tính, điều ấy đã rõ. Luôn luôn cáu bẳn vì một chuyện gì đó. Lúc nào cũng muốn cải tạo mọi người, muốn biến người ta thành người khác, dạy họ phải sống như thế nào, đưa ra những phán xét về họ. Ông già thậm chí còn nghĩ có nên quay lại để rút lại lời nhờ vả, nói với bà ấy rằng ông sẽ cố tự mình giải quyết lấy. Ông dừng lại để nghĩ cho thấu đáo. Rốt cuộc đây là vấn đề gì? Thôi cứ để bà ấy nói. Ông cũng có thể tự mình nói lấy, nhưng chắc không bằng. Bà ấy thì nóng tính thật đấy, nhưng chắc bà ấy sẽ làm như bà ấy hứa.
Ngày hôm sau hai người đàn bà – Malysêva và Ôtavina – gặp nhau, và cuộc nói chuyện đã diễn ra.
Bà Ôtavina đến nhà bà Malysêva, và việc đầu tiên là nhìn vào góc phải phía trước của căn phòng, hy vọng thấy ở đó một tượng thánh; rồi bà rón rén ngồi vào mép chiếc ghế sô pha bọc nhung, và nói lời chào.
“Tôi mời bà đến đây là có chuyện thế này” bà Malysêva vào đề ngay “bà biết ông Glukhôp chứ?
“Ông Êmêlian Yêgôrich phải không ạ? À có. Ba đứa con ông đã hy sinh…”
“Ờ, ông ấy muốn cưới bà đấy” Malysêva nói nhanh “Bà có đồng ý không?”
“Lạy Chúa” Ôta làm dấu thánh giá. “Ông ấy nói vậy à?”
“Tại sao không?” bà Malysêva bỗng cao hứng bất ngờ. “Hai người đang sống một mình. Hãy nghĩ cho kỹ trước khi trả lời. Lão ta cũng là con dê già như tất cả bọn họ, nhưng lão có thể giúp bà sống nốt những ngày còn lại. Bà có nghĩ về chuyện đó không? Ông ấy bảo bà chưa cần bán căn nhà vội. Trước mắt bà cứ khóa nó lại. Nếu ông bà muốn tiếp tục đi tới, bà sẽ bán nó đi mà gửi tiền vào ngân hàng. Sao, bà nghĩ thế nào về chuyện đó?”
“Tôi biết nghĩ thế nào? Tất cả mọi ý nghĩ đã bay hết khỏi đầu tôi. Làm sao tôi có thể vội vã đâm đầu vào một cuộc hôn nhân như thế?” Bà Ôtavina khẽ cười một cách thật thà. “Đã đủ điên rồ chưa? Tôi mà làm một cô dâu mới hay chứ.”
“Và lão ta sẽ làm một chú rể đẹp. Sao, thế nào?”
“Chờ một chút, bà Malysêva. Cho tôi kịp thở đã chứ.”
“Ông ấy sắp đến nhận câu trả lời của bà đấy.”
“Ôi!” Ôtavina hầu như nhỏm dậy khỏi ghế sôpha ngó nhìn ra cửa. Rồi bà lại ngồi xuống. “Ờ, đây là cả một vấn đề đấy.”
“Tôi thấy hình như bà đã bằng lòng.”
Ôtavina bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn.
“Tôi muốn nói với bà thế này, bà Xecghêepna ạ. Ông ấy là một ông già không tệ lắm. Ông ấy không uống rượu, không báng bổ Chúa như những người khác. Chỉ có điều…” bà nhìn bà mối “Vâng, chuyện người già lấy nhau đôi khi có xảy ra.”
“Phải, có xảy ra.”
“Nhưng… đêm đêm ông ấy có quấy rầy không?”
Bà Malysêva há cả mồm ra:
“Sao?”
“Phải, bà biết tôi định nói chuyện gì mà. Bà Malysêva, tôi chỉ muốn được đảm bảo ông ấy sẽ không vướng vào những chuyện như thế. Và ông ấy không được chửi thề. Tất nhiên ông ấy hút thuốc. Nhưng mà ai cũng hút cả, mình không cấm được người ta.”
“Vậy là bà đồng ý, phải không?” Malysêva thốt lên kinh ngạc.
“Đợi một tí, bà đừng làm tôi cuống lên như vậy. Như tôi vừa nói đấy, tôi đã đưa ra khá nhiều điều kiện. Ông ấy không được làm cái này, không được làm cái kia. Ông ấy sẽ nghĩ về những điều đó và nói “Được”, vậy cuối cùng tôi được phép làm cái gì? Và như vậy thì toàn bộ cuộc mai mối này sẽ chẳng đi đến đâu.” Ôtavina lại cười khẽ. “Vâng, tôi phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ nghĩ… Chúa tha tội. Sự việc sẽ không đến nỗi tệ thế, phải không? Một trong những người bạn tốt của tôi – hồi đó bà ấy sống ở Bulanikha, nơi tôi sống trước đây – cũng có chuyện tương tự xảy ra với bà ấy. Một ông già đến với bà ấy và muốn nói chuyện này chuyện kia, sau cùng ông ấy bảo “chúng mình hãy sống chung đi, bà Kuzmovna” và thế là họ sống chung. Ông ấy mới chết cách đây hai năm, bây giờ bà ấy ở trong căn nhà của ông ấy. Họ sống với nhau rất tốt đẹp, tôi biết. Được bao lâu à? Khoảng năm năm. Ông ấy chẳng bao giờ làm điều gì để bà ấy phải phàn nàn. Người ta càng về già càng trở nên khôn ngoan hơn. Chẳng như bọn trẻ bây giờ. Chỉ cần nhìn quanh thì rõ, Chúa tha tội! trông thấy mà kinh… Tất nhiên đối với tôi sẽ không phải là điều tồi tệ khi được sống trong căn nhà ấm áp. Căn nhà của tôi xập xệ lắm rồi. Cũng mừng là mùa đông đã qua. Cách nào cũng không thể làm cho căn nhà ấm áp lên được. Có bao nhiêu dầu thì tôi đã đốt hết rồi. Trời mưa thì nhà cứ như là cái rá…”
“Sao bà không chuyển lên sống với con gái trên thành phố?”
“Chẳng hy vọng gì! Chúng nó sống cũng đã chen chúc lắm rồi. Tôi cũng đã thử. Khi các cháu tôi còn nhỏ, tôi đã ở đấy với chúng nó. Thật là khủng khiếp. Khủng khiếp đối với mọi người. Sau đó bọn trẻ lớn lên và bắt đầu đi học nên chúng nó mua cho tôi căn lều nhỏ này, thế mà tôi đã vui sướng làm sao. Tôi đã bán cả căn nhà riêng của tôi ở Bulanikha khi con gái tôi lấy chồng. Đó là một ngôi nhà rất kiên cố. Nó còn đứng vững đến hàng trăm năm nữa. Nhưng tôi đã bán nó đi. Tôi cần phải bán. Chúng nó cần tiền để mua một căn hộ, nhưng lấy đâu ra? Thằng kia thì mới giải ngũ, con gái tôi thì chỉ mới tốt nghiệp trung cấp. chúng nó bảo mẹ ơi, mẹ bán nhà đi, sau này chúng con sẽ mua cho mẹ căn nhà khác nếu mẹ không muốn sống chung với chúng con. Vậy là tôi sống với chúng và nuôi lớn mấy cháu tôi, nhưng sau đó – không, tôi nói, mua cho mẹ một chỗ ở riêng, bé thế nào cũng được. Tôi không chịu nổi thành phố, nó làm tôi thật khó chịu. Chúng nó hầm hừ một tí, rồi cũng chịu, sau đó đi kiếm tiền. Nhà cửa ở đây rẻ hơn ở Bulanikha, và thế là tôi dạt về đây. Tất nhiên, sẽ không phải là tệ nếu cuối đời tôi lại được sống trong một căn nhà ấm áp dễ chịu. Không tệ lắm.”
Ông già Glukhôp biết có cuộc nói chuyện giữa hai phụ nữ, nhưng ông không biết câu chuyện diễn ra như thế nào. Bởi vậy ông chỉ biết khoác một chiếc áo vét mới, cầm chai rượu và xách giỏ mật, thẳng hướng sang nhà bà Malysêva.
Ông bước vào và ngỏ lời chào khá trân trọng, rồi, không biết vì sao trở nên bối rối, đặt chai rượu và chiếc giỏ lên bàn, lóng ngóng thọc tay vào túi lấy thuốc hút.
“Hãy đợi một chút với chai rượu của ông. Không việc gì mà cuống lên thế.”
Trái tim ông già lịm đi. Lúc này ông đã quen với ý nghĩ về cuộc sống chung với Ôtavina, ông đã nghĩ đủ khía cạnh về nó. Còn bây giờ sao?
“Tôi đã nghe tất cả những gì mỗi người nói ra. Đây là cuộc sống riêng của các người, tất nhiên, các người có quyền cạp lại với nhau nếu các người muốn. Một số người trở nên điên rồ lúc về già nhưng ngay cả chuyện đó cũng không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn hỏi hai người điều này: các người có biết xấu hổ hay không? Có biết không?” Bà ném mạnh những lời đó vào mặt họ, với một vẻ độc ác không thể hiểu nổi, với tất cả cảm xúc của một trái tim bị vò xé bởi nỗi đau thầm kín nào đó. Và bà tiếp tục quăng vào mặt họ, không cần để ý đến hai người đính-hôn-hụt mặt đỏ bừng đang đứng như trời trồng, không biết họ khổ sở vì bị xúc phạm ghê gớm như thế nào. “Làm sao các người sau đó còn dám ngẩng đầu lên nhìn thiên hạ nữa hở? Làm sao? Có những người cả đời sống một mình.. Tôi đã sống một mình cả đời tôi, từ khi tôi mới hăm ba… và các người tưởng không có ai cầu hôn tôi sao? Ồ có chứ. Các người nghĩ rằng đêm đêm không có ai đến gõ cửa sổ nhà tôi sao? Có đấy. Ông, Glukhôp, ông không từng đến tìm tôi ở Xô viết làng và nói không thể sống thiếu tôi hay sao? Có không, nào, nói đi, ông có không?”
Glukhôp như muốn chui xuống đất, ông cố nuốt nhục:
“Đó chỉ là sự ngu ngốc của tôi, khi ấy tôi mới uống rượu” ông phều phào. “Tôi không hề cầu hôn bà… Tôi chỉ nói về quá khứ. Tại sao bây giờ bà lại nói những chuyện ấy?”
“Ngu ngốc của tôi! Còn bây giờ ông ấy là một người thông minh - ở tuổi bảy mươi ông ấy đòi cưới vợ. Thông minh thật. Còn bà! “Tôi phải suy nghĩ kỹ mới được. Sống trong một ngôi nhà ấm áp dễ chịu!” Thế mà cũng là một người ngoan đạo đấy. Cũng tồi tệ không kém lão ta. Các người chỉ ra những tội lỗi của người khác. Nhưng thử nhìn lại bản thân mình xem. Các người nêu tấm gương gì cho bọn trẻ? Các người đã nghĩ đến điều đó chưa? Các người thực hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng như thế nào?” Malysêva đập mạnh bàn tay khô khốc của mình xuống bàn. “Các người có bao giờ suy nghĩ chuyện đó không? Đồ ích kỷ. Mọi người đang làm việc hết sức mình, trong khi đó các người bày đặt đòi làm đám cưới, định lôi kéo mọi người vào rượu chè và những trò vô tích sự. Thật không biết xấu hổ.”
“Đám cưới nào?” Glukhôp lại khùng lên. Ôtavina vẫn im lặng. “Chúng tôi chỉ định lặng lẽ về sống với nhau. Đám cưới nào?”
“Thật là được một đôi. Khác nào quân đầu đường xó chợ. Xì! Như đồ súc vật.”
“Thế này… thế này thì quá lắm rồi.” Ông già lồng lên. Ông bước ra khỏi nhà, dập cửa đánh sầm sau lưng.
Ôtavina rời khỏi nhà ngay sau ông. Tất nhiên cả hai cắm đầu đi như ma đuổi. Vừa ra khỏi cửa mỗi người đi một hướng thậm chí không cả ngoái nhìn nhau một lần, dù cho lẽ ra hai người phải đi một quãng đường chung khá dài trước khi ai về nhà nấy.
Ông già Glukhôp đi dạo một vòng rộng quanh làng trước khi về nhà. Ông khạc nhổ và chửi thề lầm rầm luôn miệng vì tức tối, không thể yên lấy một phút. Trong cơn điên giận thậm chí ông còn tự bảo: “tao phải đốt nhà con chó cái ấy.”
Ông không làm chuyện gì như thế cả, nhưng ông thề rằng sẽ không bao giờ sang nhà bà ta nữa. Mỗi khi gặp bà ta trên đường, ông rẽ ngoặt ngay sang lối khác.
Ôtavina chuyển lên thành phố, vào nhà thờ cầu nguyện để xin chuộc lỗi. Bà già vô cùng bối rối và cố tránh gặp mặt Malysêva chừng nào có thể.
Malysêva không nói với ai về cuộc mối mai kỳ quặc đó. Cả ông Glukhôp và bà Ôtavina đều nơm nớp nghĩ rằng bà ta sẽ đi rêu rao khắp làng. Nhưng không, bà ta chẳng hé một lời nào với ai về chuyện đó.